Darwinism: Beyond True Science / Học thuyết Darwin: Không còn là Khoa học nữa

Darwin once confessed: “I am quite conscious that my speculations run beyond the bounds of true science… It is a mere rag of an hypothesis…”. Yet, many people nowadays think evolution is a proved science. In fact, it is really an hypothesis as Darwin admitted and everyone should know WHY..

Darwin từng thú nhận: “Tôi hoàn toàn ý thức được rằng những phỏng đoán của tôi đã vượt quá giới hạn của khoa học thực sự… Nó chỉ là một mảnh vụn của một giả thuyết…”. Ấy thế mà nhiều người ngày nay tưởng thuyết tiến hóa là một khoa học đã được chứng minh Thực ra nó đúng là một giả thuyết như Darwin thừa nhận, và mọi người nên biết TẠI SAO.

Daniel J. PHM

Essay on Philosophy of Science, presented at VIDS 18/02/2017

and some other institutes, universities

 

Chương II DARWIN & THUYẾT TIẾN HÓA

 

Hai tiêu chí cơ bản của khoa học là logic và thực chứng. Phương pháp cơ bản của khoa học là quy nạp. Nếu logic nhưng chưa thực chứng thì vẫn chưa được coi là khoa học. Chẳng hạn, Hạt Higgs trước hết là một sản phẩm logic. Dựa trên những lý thuyết vật lý đã biết, tức là dựa trên logic, nhà vật lý Peter Higgs tiên đoán sự tồn tại của hạt Higgs từ năm 1964. Nhưng trong một thời gian rất dài, không có một thí nghiệm nào xác nhận sự tồn tại của Hạt Higgs. Vì thế Hạt Higgs vẫn chưa được coi là một sự thật khoa học, mặc dù tầm quan trọng của nó đã khiến cho nó được khoác một cái tên nổi bật: “Hạt của Chúa”. Mãi cho tới năm 2012, thí nghiệm trên máy gia tốc LHC mới xác nhận sự tồn tại của Hạt Higgs, và do đó nó mới được công nhận. Xem thế thì thấy các nhà tiến hóa quá dễ dãi khi tự khoác cho lý thuyết của mình cái áo khoa học, bởi Thuyết Tiến hóa vừa phi logic vừa phi thực chứng. Đó là lý do để Pierre Paul Grassé và nhiều người khác gọi nó là “ngụy khoa học” (pseudo-science).

Tính phi logic của Thuyết Tiến hóa thể hiện ở chỗ lý thuyết này vi phạm hàng loạt định luật cơ bản của khoa học, điều đó sẽ được trình bày ở mục II.4.  Bây giờ là lúc chúng ta cùng xem xét tính phi thực chứng và phi quy nạp của học thuyết này.

II.1. Tính phi thực chứng và phi quy nạp của Thuyết Tiến hóa

Sự mập mờ nhập nhằng giữa “vi tiến hóa” với “vĩ tiến hóa”

Tháng 9 năm 1835, Charles Darwin cùng con tầu Beagle cập bờ một hòn đảo trong quần đảo Galápagos ở đông Thái Bình Dương, nay thuộc Ecuador. Tại đây, Darwin nhận thấy những biến đổi đa dạng của sinh vật và khám phá ra nguyên nhân dẫn tới những biến đổi này. Theo ông, đó là quy luật thích nghi với môi trường để tồn tại, trong đó con vật thích nghi tốt nhất là con vật có nhiều ưu thế tồn tại nhất (quy luật đấu tranh sinh tồn). Nói một cách cụ thể hơn, con vật nào có những biến đổi làm cho chúng thích nghi tốt nhất với môi trường thì con vật ấy sẽ có quyền tồn tại hơn những con vật khác kém thích nghi hơn. Con vật thích nghi tốt nhất ấy sẽ di truyền những biến đổi của nó cho những thế hệ tiếp theo. Thông qua một cơ chế được gọi là chọn lọc tự nhiên (natural selection), những biến đổi vi phân có lợi trong hàng chục triệu thế hệ trải qua hàng trăm triệu năm sẽ tích tụ lại thành một tích phân đủ lớn để biến loài này thành loài khác. Đó là cái được gọi là sự tiến hóa ─ nguyên nhân của tính đa dạng sinh học.

Thoạt nghe lý thuyết này có vẻ hợp lý, thậm chí rất hấp dẫn, vì chỉ bằng một nguyên lý rất đơn giản là “chọn lọc tự nhiên” nó giải thích được toàn bộ sự phong phú và đa dạng của sự sống. Với bề ngoài mang tính chất phổ quát như thế, Thuyết Tiến hóa đã được các tín đồ của nó tôn lên tầm cỡ một nguyên lý vũ trụ, ngang hàng với những nguyên lý vũ trụ khác. Darwin cũng được tôn lên như một niềm tự hào bất diệt của nước Anh, sánh ngang với những Copernicus, Galilei, Newton… Đó là lý do Thuyết Tiến hóa làm say đắm nhiều người ─ những người lãng mạn nhưng nhẹ dạ cả tin. Trong khi đó, những người nhạy cảm và sâu sắc tìm thấy chỗ mập mờ đáng ngờ của Thuyết Tiến hóa, đó chính là khái niệm “tiến hóa”.

Tiến hóa là gì?

Theo Từ điển The Free Dictionary:

–  “Tiến hóa” có nghĩa thông thường là “quá trình biến đổi dần dần từng tí một trong đó một cái gì đó biến đổi thành một cái gì khác và thường là một dạng phức tạp hơn và hoàn thiện hơn” (Gradual process in which something changes into a different and usually more complex or better form).

–  “Tiến hóa” có nghĩa sinh học là “sự thay đổi thành phần di truyền của một loài thông qua các thế hệ nối tiếp, thường dẫn tới sự hình thành các loài mới” (the change in the genetic composition of a population during successive generations, often resulting in the development of new species).

Chú ý: chữ “population” ở đây phải được hiểu theo nghĩa sinh thái (echological meaning) là “sinh vật trong một loài nhất định” (All the organisms of a given species interacting in a specified area, giải thích của The Free Dictionary)

Vậy trong cả hai định nghĩa trên (thông thường và sinh học), ta thấy chữ “tiến hóa” đều hàm ý “loài này biến thành loài khác, cao cấp hơn, phức tạp hơn”. Do đó không thể nói loài chim sẻ mỏ ngắn tiến hóa thành loài chim sẻ mỏ dài, vì sự biến đổi này (nếu có) không làm cho chim sẻ biến đổi thành loài khác phức tạp hơn. Chim sẻ vẫn là chim sẻ. Vì thế tính đa dạng TRONG CÙNG MỘT LOÀI không thể gọi là tiến hóa, mà chỉ có thể gọi đó là sự BIẾN ĐỔI do thích nghi hoặc lai tạp mà thôi.

Nhưng Thuyết Tiến hóa đã xếp những biến đổi nhỏ trong loài (có thật) cùng với những biến đổi lớn từ loài này thành loài khác (tưởng tượng, không có thật) vào trong cùng một cái rọ mang tên là “tiến hóa”. Để phân biệt, các nhà tiến hóa đã KHÉO LÉO khoác cho những biến đổi nhỏ trong loài (có thật) một cái tên rất “khoa học” ─ VI TIẾN HÓA (micro-evolution); còn những biến đổi lớn từ loài này sang loài khác (hoàn toàn không có) được gọi là VĨ TIẾN HÓA (macro-evolution). Đây là trò đánh lận con đen, nhằm gây ra ấn tượng rằng tiến hóa là chuyện có thật, và khi cần, thì lấy những bằng chứng “vi tiến hóa” ra trước công chúng để bảo rằng sự tiến hóa đã và đang diễn ra (!!!). Sự thật chỉ có những biến đổi trong loài, không hề có bất cứ một biến đổi nào từ loài này thành loài khác. Việc gộp chung “vi tiến hóa” và “vĩ tiến hóa” vào cùng cái rọ “tiến hóa” làm cho rất nhiều người nhẹ dạ cả tin yên chí rằng bản chất mọi sự biến đổi ấy là một, chỉ khác nhau ở tầm cỡ biến đổi mà thôi, và nếu đã có tiến hóa nhỏ thì ắt phải có tiến hóa lớn (!!!). Bằng cách này, các nhà tiến hóa đã thành công trong việc đánh lừa, và đây là trò đánh lừa tinh vi nhất.

Tóm lại, không hề có cái gọi là “vĩ tiến hóa”, vì không có bằng chứng. Và cũng không hề có cái gọi là “vi tiến hóa”, vì những biến đổi trong loài không phải là sự tiến hóa. Đó chỉ là những biến hóa trong loài.

Ban đầu Darwin gọi lý thuyết của mình là “transformism”, tức lý thuyết về sự biến hình của sinh vật. Ông trông thấy những biến hình nhỏ, rồi tưởng tượng ra những biến hình lớn, người đời sau gọi đó là “tiến hóa”, rồi gán ghép luôn chữ “tiến hóa” cho mọi sự biến đổi, bất kể nhỏ hay lớn, bất kể trong loài hay khác loài, bất kể có thật hay không có thật.

Có 2 cách để nhận định về Darwin: Một, chính ông bị Tự Nhiên đánh lừa: ông chứng kiến những biến đổi nhỏ, và cứ thế tin rằng những biến đổi nhỏ sẽ tích tụ lại thành biến đổi lớn, biến loài này thành loài khác; Hai, ông quá “lãng mạn”, trí tưởng tượng quá phong phú, đến nỗi đã suy diễn những biến đổi nhỏ thành những biến đổi lớn, giống y như những nhà làm phim 3D trong chương trình National Geographic ngày nay.

Nhưng dù phán xét Darwin theo cách nào thì ông cũng SAI, vì thực tế không có biến đổi lớn biến loài này thành loài khác. Nỗi khổ của giới tiến hóa hơn 150 năm qua là tìm mọi cách tìm ra bằng chứng của biến đổi lớn. Nếu tìm thấy bằng chứng của vĩ tiến hóa thì lý thuyết của họ đúng. Nhưng tuyệt nhiên không có. Những bằng chứng họ trưng ra trong hơn 150 năm qua đến nay đều đã bị phủ nhận, vì những bằng chứng đó hoặc là SAI LẦM, hoặc là GIẢ MẠO, LỪA DỐI. Điều này sẽ được trình bày rõ ở mục II.2. Nhưng trước hết phải biết thế nào là một bằng chứng của vĩ tiến hóa? Đây là câu hỏi quyết định số phận của Thuyết Tiến hóa.

Tính phi thực chứng của Thuyết Tiến hóa

Theo Darwin, nếu một loài A tiến hóa dần dần từng tí một để cuối cùng trở thành loài B thì chắc chắn phải tồn tại những “loài chuyển tiếp trung gian” (transitional forms) giữa A và B. Nếu Thuyết Tiến hóa tìm được bằng chứng của những loài chuyển tiếp này thì Thuyết Tiến hóa sẽ sống, nếu không nó sẽ chết. Chẳng hạn, theo Darwin, bò sát có một nhánh tiến hóa thành chim, vậy ắt phải có bằng chứng của loài bò-sát-chim, hoặc chim-bò-sát. Tương tự, nếu vượn có một nhánh tiến hóa thành người thì ắt phải có bằng chứng của vượn-người hoặc người-vượn. Nhưng than ôi, đến hôm nay, hơn 150 năm đã trôi qua kể từ ngày Thuyết Tiến hóa ra đời, Thuyết Tiến hóa tuyệt nhiên không tìm thấy một bằng chứng của loài chuyển tiếp trung gian nào cả! Vì thế nó là một lý thuyết phi thực chứng (non-positivist), tức là vô bằng chứng thực tế để kiểm chứng.

Không tìm thấy bằng chứng, thay vì thừa nhận Thuyết Tiến hóa SAI, các nhà tiến hóa nói rằng các loài chuyển tiếp đó đã bị MẤT TÍCH. Từ đó, một thuật ngữ mới lạ và kỳ quặc ra đời: “Những mắt xích bị mất tích” (missing links), để chỉ những loài chuyển tiếp không tìm thấy.

Xin nhắc lại để nhấn mạnh: các nhà tiến hóa không chịu thừa nhận không có loài chuyển tiếp, mà vẫn nói rằng có loài chuyển tiếp nhưng chúng đã bị “mất tích”! Sự nghiệp của Thuyết Tiến hóa chính là đi tìm “những mắt xích đã bị mất tích” (!!!).

Đó là kiểu lý luận điển hình của Thuyết Tiến hóa. Như độc giả sẽ thấy, mỗi khi vấp phải khó khăn thách thức, Thuyết Tiến hóa luôn ứng xử theo cách bịa ra thuật ngữ mới, khái niệm mới, giả thuyết mới, và thế là họ lại có việc làm mới ─ tìm cách chứng minh các giả thuyết mới đó. Vì giả thuyết của họ toàn là sự bịa đặt nên đều thất bại. Kết quả là Thuyết Tiến hóa trở thành ông vua của các giả thuyết! Thậm chí có lúc để chứng minh các giả thuyết, họ đã không ngần ngại gây ra tội ác, hoặc chế tạo ra những bằng chứng giả mạo. Điển hình là họ đã “khám phá” ra một “mắt xích bị mất tích” trong sự tiến hóa từ vượn lên người. Đó là người Aborigines, thổ dân Úc. Một cuộc săn lùng thổ dân ở Úc đầu thế kỷ 20 để giết rồi lấy hộp sọ nghiên cứu nhằm chứng minh cho học thuyết Darwin đã trở thành một vết nhơ đen tối trong lịch sử Úc, một nỗi đau không bao giờ nguôi trong lòng xã hội Úc. Để biết rõ việc này, xin đọc bài “MISSING LINK? Những mắt xích bị mất tích trong sơ đồ tiến hóa?

Nhưng Darwin rất thông minh, ông biết vấn đề bằng chứng sẽ quyết định số phận lý thuyết của ông. Vì thế, sự thiếu hụt bằng chứng các loài chuyển tiếp trong thời của ông đã làm ông vô cùng lo lắng. Ông đã trung thực thú nhận nỗi lo lắng của mình trong cuốn “Về nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species), xuất bản năm 1859. Nỗi lo lắng này lớn đến nỗi ông đã dành hẳn 2 chương trong sách để bàn về sự thiếu vắng bằng chứng. Đó là Chương 6: “Khó khăn về Lý thuyết” (Difficulties on Theory) và Chương 9: “Về sự bất toàn của hồ sơ địa chất” (On the Imperfection of the Geological Record). Đây, xin trích vài lời thú nhận của Darwin:

  • Nếu loài này sinh ra từ loài khác thông qua những biến đổi dần dần từng tí một thì tại sao chúng ta không tìm thấy vô số những loài chuyển tiếp ở mọi nơi?
  • Số lượng những sinh vật chuyển tiếp quá độ, vốn đã tồn tại trên trái đất, thật sự là khổng lồ. Nhưng tại sao mọi tầng vỉa địa chất không chất đầy những mắt xích chuyển tiếp quá độ đó? Khoa địa chất chắc chắn không tìm thấy bất kỳ một sợi dây xích hữu cơ biến đổi dần dần từng tí một nào như thế; và có lẽ điều này là sự chống đối rõ ràng và nghiêm trọng nhất có thể được nêu lên để chống lại lý thuyết của tôi. Sự giải thích, theo tôi, nằm trong sự cực kỳ bất toàn của hồ sơ địa chất.
  • Trong hồ sơ hóa thạch không có một loài nào biến đổi thành một loài khác… chúng ta không thể chứng minh rằng một loài cá biệt nào đã bị biến đổi.
  • Khi đi vào chi tiết, chúng ta không thể chứng minh một loài cá biệt nào đã biến đổi; chúng ta cũng chẳng chứng minh được rằng những biến đổi mà ta dự kiến là những biến đổi có ích, mà đó là phần cốt lõi của lý thuyết. Chúng ta chẳng thể giải thích được vì sao một số loài đã thay đổi và một số loài khác thì không.
  • Theo lý thuyết này (thuyết tiến hóa, ND), một số lượng lớn các loài chuyển tiếp đã phải tồn tại, nhưng tại sao chúng ta không tìm thấy chúng bị chôn vùi với số lượng lớn trong vỏ trái đất?

Nếu Darwin lo lắng như thế thì tại sao ông vẫn tiếp tục tin vào lý thuyết của mình? Đơn giản vì ông hy vọng trong tương lai hậu thế sẽ tìm thấy bằng chứng. Vậy hậu thế có tìm thấy bằng chứng không?

Câu trả lời là KHÔNG!

Trong cuốn “Evolution, A Theory in Crisis” (Thuyết Tiến hóa, một lý thuyết đang khủng hoảng), xuất bản năm 1985, nhà sinh học phân tử Michael Denton cho biết:

“Bất chấp những nỗ lực khổng lồ trong việc đào xới địa chất ở khắp nơi trên trái đất và bất chấp việc khám phá ra nhiều dạng động vật kỳ lạ trước đây chưa hề biết, số lượng vô cùng lớn những mắt xích liên kết chuỗi tiến hóa bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy và hồ sơ hóa thạch hầu như vẫn gián đoạn như khi Darwin viết cuốn Nguồn gốc các loài”. [4]

31 năm sau, tức năm 2016, Denton lại cho ra mắt cuốn “Evolution, Still A Theory in Crisis” (Thuyết Tiến hóa, một lý thuyết VẪN đang khủng hoảng), một lần nữa khẳng định lại tình trạng vô bằng chứng của Thuyết Tiến hóa.

Rất nhiều nhà khoa học khác cũng lên tiếng tố cáo tình trạng vô bằng chứng của Thuyết Tiến hóa. Một trong số đó là Duane Gish, một nhà sinh học người Mỹ. Năm 1979, Gish cho xuất bản cuốn “Evolution: The Fossils Say NO” (Hóa thạch nói KHÔNG với Thuyết Tiến hóa). 6 năm sau, ông lại cho xuất bản cuốn “Evolution: The Fossils Still Say NO” (Hóa thạch VẪN nói KHÔNG với Thuyết Tiến hóa”.

Trước tình trạng Thuyết Tiến hóa vô bằng chứng mà vẫn được giảng dạy như một khoa học ở nhà trường, nhà vật lý Newton Tahmisian thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ đã phải thốt lên lời chua chát nặng nề: “Những nhà khoa học đang chạy loanh quanh để thuyết giảng Thuyết Tiến hóa như một sự thật của sự sống là những kẻ đại bịp; và câu chuyện họ kể có lẽ là trò lừa gạt tồi tệ nhất từ xưa tới nay; Khi giải thích sự tiến hóa, chúng ta không có lấy mảy may một sự thật nào cả” [5]

Sự thiếu vắng bằng chứng của Thuyết Tiến hóa làm cho chính những nhà sinh học tiến hóa giỏi nhất và trung thực nhất cũng phải lên tiếng bác bỏ học thuyết này. Đó là trường hợp của Pierre Paul Grassé, nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học tiến hóa Đại học Sorbonne trong 30 năm, nguyên Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Pháp, tác giả của bộ Bách khoa Động vật học nổi tiếng gồm 23 tập. Paul Grassé nhắc nhở giới tiến hóa rằng bằng chứng quyết định số phận của Thuyết Tiến hóa là hóa thạch, nhưng “từ sự vắng mặt hầu như toàn bộ hóa thạch liên quan đến nguồn gốc các loài sinh vật, suy ra rằng bất kỳ một sự giải thích nào về cơ chế tiến hóa cũng mang nặng tính giả thuyết”. Rồi ông kết luận “Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là phải đập tan chuyện hoang đường về tiến hóa…” (Today, our duty is to destroy the myth of evolution…) [6].

Stephen Jay Gould, nhà Cổ sinh học và Giáo sư Sinh học Tiến hóa tại Đại học Harvard, cũng vạch trần sự thật vô bằng chứng của Thuyết Tiến hóa, và công bố cho mọi người biết đây là một sự thật bị che giấu đối với công chúng. Ông nói: “Sự cực kỳ hiếm hoi các sinh vật chuyển tiếp trong hồ sơ hóa thạch vẫn kéo dài dai dẳng như một bí mật không muốn bị tiết lộ của ngành cổ sinh học”.

Ngày 24/01/2009, tạp chí New Scientist của Anh ra số đặc biệt với tuyên bố dứt khoát ngay trên trang bìa: “DARWIN WAS WRONG!” (Darwin SAI rồi!), trong đó nêu lên 9 luận điểm bác bỏ Thuyết Tiến hóa. Tháng 11 cùng năm, tạp chí National Geographic (của giới tiến hóa) vội vàng lên tiếng chống đỡ. Họ nêu câu hỏi: “Phải chăng Darwin sai?”, rồi tự trả lời “KHÔNG, bằng chứng tiến hóa tràn ngập khắp nơi”. Đó là nói dối, vì phần lớn bằng chứng họ nêu lên đều chỉ là những biến đổi trong loài, cái mà họ gọi là “vi-tiến-hóa”. Tiến sĩ Ariel Roth của Thụy Sĩ đã vạch trần sự thật đó.

Tính phi quy nạp, tức là phi khoa học của Thuyết Tiến hóa

Tóm lại, Thuyết Tiến hóa không có bằng chứng của loài chuyển tiếp, tức là không có sự kiện thực tế nào được thừa nhận để quy nạp thành định luật. Nói cách khác, Thuyết Tiến hóa không đưa ra được một định luật nào dựa trên quy nạp, và do đó không phải là khoa học. Chính Adam Sedgwick, thầy dạy môn địa chất của Darwin, đã nhận thấy tính phi quy nạp của học thuyết Darwin ngay từ khi cuốn “Nguồn gốc các loài” ra đời. Ông viết: “Trước hết tôi phải nhận xét rằng lý thuyết của Darwin không mang tính quy nạp ─ nó không dựa trên một loạt những sự thật được thừa nhận để từ đó chỉ ra một kết luận tổng quát, nó không phải là một mệnh đề được rút ra từ những sự thật một cách logic… Tôi xem lý thuyết của Darwin như một kim tự tháp dựng ngược trên đỉnh của nó”. [7]

Bản thân Darwin đã thừa nhận thầy mình đúng, và do đó lý thuyết của ông không phải là khoa học. Đây, hãy đọc những lời thú nhận của Darwin:

  • Những gì thầy gợi ý nói chung là rất, rất đúng: rằng công trình của tôi sẽ là giả thuyết một cách đáng buồn, và phần lớn không xứng đáng được gọi là quy nạp, sai lầm phổ biến nhất của tôi có lẽ là quy nạp từ quá ít sự kiện thực tế”.
  • Tôi hoàn toàn ý thức được rằng những phỏng đoán của tôi đã vượt quá giới hạn của khoa học thực sự… Nó chỉ là một mảnh vụn của một giả thuyết với nhiều sai lầm và lỗ hổng cũng như những phần đúng đắn”.

Chắc chắn các nhà tiến hóa không muốn mọi người biết những thú nhận của Darwin. Nhưng trong thời đại internet, họ không thể che đậy được sự thật.

CHÚ THÍCH

[4] 9 Scientific Facts Prove the “Theory of Evolution” is False

[5] Scientists speak out about Evolution!

[6] Evolution of Living Organisms, Pierre Paul Grassé, Academic Press, New York, 1977

[7] SKEPTICS OF DARWINIAN THEORY

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s