Mendel’s Real View on Darwin / Ý nghĩ thật sự của Mendel về Darwin

“Three things cannot be concealed forever: The Sun, the Moon and the Truth” (Buddha’s words). While Neo-Darwinists try to distort Mendel’s thought, the article by B. E. Bishop in the Journal of Heredity on May 1, 1996 told us the truth: “Mendel’s Opposition to Evolution and to Darwin”.

“Ba thứ không thể che đậy mãi: Mặt Trời, Mặt Trăng và Sự Thật” (Lời Đức Phật). Trong khi các nhà Tân-Darwin cố gắng xuyên tạc tư tưởng của Mendel, bài báo của B. E. Bishop trên Tạp chí Di truyền ngày 01/05/1996 nói sự thật: “Sự chống đối của Mendel đối với Thuyết tiến hóa và đối với Darwin”.

Những ai nắm vững lịch sử thuyết tiến hóa đều biết rằng đầu thế kỷ 20, khi Di truyền học Mendel được tái khám phá, Thuyết tiến hóa Darwin đứng trước nguy cơ sụp đổ, vì các nguyên lý nền tảng của Di truyền học Mendel mâu thuẫn với khái niệm tiến hóa biến đổi loài. Hơn lúc nào hết, các nhà tiến hóa phải tìm mọi cách cứu vãn “đức tin” của mình. Đó là lý do ra đời cái gọi là Học thuyết Tân-Darwin (Neo-Darwinism) – cuộc “hôn phối” Di truyền học Mendel với Thuyết tiến hóa Darwin.

Để cuộc hôn phối ấy dễ được chấp nhận, các nhà tiến hóa không ngần ngại bóp méo bức chân dung Mendel sao cho Mendel biến thành một người tán thưởng thuyết tiến hóa. Phải nói rằng khả năng bóp méo sự thật này đã đạt tới mức đáng kinh ngạc. Thí dụ, bài báo “Mendel & Darwin” trên trang NCBI ngày 18/07/2022, nói rằng “Lý thuyết hiện đại dựa trên sự hôn phối các ý tưởng của Mendel và Darwin, … vừa là thành tựu của Darwin vừa là thành tựu của Mendel[1].

Những nhận định trơ trẽn đó gợi nhớ đến những bằng chứng giả mạo về tiến hóa như vụ “Người-vượn Piltdown”, “Khủng long bay”, … Thì ra các nhà tiến hóa luôn luôn cố gắng “đẽo gọt sự thật” sao cho vừa với “đôi giày tiến hóa” của họ.

Nhưng “Trời có mắt” – luôn luôn có những nhà khoa học sáng suốt chính trực lên tiếng bảo vệ và bênh vực sự thật. Một trong những trường hợp đáng được mọi người biết đến là bài báo của B. E. Bishop trên Tạp chí Di truyền của Hội Di truyền học Mỹ, nhan đề:

“Mendel’s Opposition to Evolution and to Darwin” (Sự chống đối của Mendel đối với thuyết tiến hóa và đối với Darwin)

Nguyên bản tiếng Anh đã được công bố tại các địa chỉ sau:

●        Journal of Heredity, AGA (American Genetics Association), Volume 87, Issue 3, May 1996, pages 205-213, published on May 1, 1996.

●        Trang mạng của Đại học Oxford:    

https://doi.org/10.1093/oxfordjournals.jhered.a022986

●        Trang viethungpham.com:

 

Bài báo của Bishop trên Tạp chí Di truyền rất dài, nhiều chi tiết tỉ mỉ, việc dịch thuật toàn văn bài báo đó đòi hỏi nhiều công phu và thời gian. Trong khi chờ đợi một bản dịch toàn văn cho bài báo đó, tôi xin trích dịch một số ý kiến quan trọng nhất – những ý kiến thể hiện rõ bản chất trái ngược và mâu thuẫn giữa Di truyền học Mendel và Thuyết tiến hóa Darwin, để độc giả thấy rõ Thuyết Tân-Darwin là một vụ hôn nhân cưỡng ép, phi logic, phản khoa học. Để tiện theo dõi, xin chú ý:

  • Các ý kiến trích dẫn sẽ được đánh số thứ tự và được viết bằng chữ nghiêng màu xanh để phân biệt với ý kiến bình luận của người dịch (Phạm Việt Hưng).
  • Nguyên bản tiếng Anh của mỗi trích dẫn nằm trong chú thích ở cuối trích dẫn.
  • Phần nằm trong ngoặc vuông là ý kiến giải thích bổ sung của người dịch.
  • Chữ tô đậm là do người dịch nhấn mạnh.

1/       Tác giả L. A. Callender (1988) kết luận rằng Mendel phản đối thuyết tiến hóa. Xem xét kỹ lưỡng bài báo Pisum của Mendel [tức công trình “Thí nghiệm lai tạo cây trồng”][2], xuất bản năm 1866, cũng như thời gian và hoàn cảnh mà nó xuất hiện, không chỉ cho thấy nó có nội dung chống thuyết tiến hóa, mà còn cho thấy nó được viết một cách đặc biệt trái ngược với cuốn Nguồn gốc các loài của Darwin, xuất bản năm 1859, và rằng các lý thuyết của Mendel và Darwin, hai lý thuyết đã được hợp nhất vào những năm 1940 để hình thành nên lý thuyết tổng hợp hiện đại, là hoàn toàn mâu thuẫn với nhau[3].

Di truyền học Mendel cho thấy sự hình thành và phát triển của sinh vật hoàn toàn phụ thuộc vào một chương trình chính xác đã được thiết kế từ trước, do đó những biến đổi bên ngoài do tác động của môi trường không di truyền được cho các thế hệ tiếp theo. Ngày nay chúng ta biết rõ chương trình đó là Mã DNA. Do đó, lý thuyết của Darwin về sự di truyền những biến dị do chọn lọc tự nhiên là SAI. Nói cách khác, Di truyền học Mendel cho thấy loài được bảo tồn, hoàn toàn trái với khái niệm tiến hóa. Vì thế, việc tái khám phá Di truyền học Mendel đầu thế kỷ 20 đẩy Thuyết tiến hóa Darwin tới bờ vực sụp đổ. Để cứu vãn Thuyết tiến hóa, các nhà tiến hóa đã tìm cách trộn lẫn tư tưởng của Mendel và Darwin vào trong cái gọi là Lý thuyết tổng hợp về tiến hóa (Evolutionary Synthesis), hoặc Học thuyết Tân-Darwin (Neo-Darwinism), trong đó bức chân dung của Mendel đã bị bóp méo thành một người chấp nhận Thuyết tiến hóa Darwin. Thậm chí Mendel được mô tả như một người “tình cờ” đóng góp cho Thuyết tiến hóa, như bài báo “Mendel & Darwin” trên trang NCBI đã mô tả[4].

Nhưng sự thật giống như Mặt Trời, Mặt Trăng, không thể che đậy mãi được. Bài báo của B. E. Bishop trên Tạp chí Di truyền ngày 01/05/1996 là một quả bom sự thật giúp cho chúng ta biết tư tưởng thực sự của Mendel là chống đối Thuyết tiến hóa và và chống đối Darwin.

2/       Mendel tuyên bố rõ ràng trong phần giới thiệu của mình rằng mục tiêu của ông là góp phần vào cuộc tranh cãi về thuyết tiến hóa đang diễn ra gay gắt vào thời điểm đó[5].

Có nghĩa là công trình “Thí nghiệm lai tạo cây trồng” của Mendel không chỉ có mục đích công bố những khám phá bí mật về di truyền mà Mendel khao khát tìm hiểu từ thủa ấu thơ, mà còn có mục đích cụ thể là tham gia vào cuộc tranh luận về tiến hóa đang diễn ra sôi nổi trên các diễn đàn học thuật trong những năm 1860. Ở đây, Mendel muốn thông báo cho cộng đồng khoa học biết rằng những khám về di truyền của bản thân ông cho thấy Darwin hoàn toàn sai lầm – trước hết là sai trong nhận thức về di truyền, do đó sẽ sai trong quan niệm về tiến hóa, vì di truyền là nền tảng của sự sống.

Thật vậy, ngay từ tuổi thơ, cậu bé Mendel đã từng đặt câu hỏi: “Tại sao con cái giống cha mẹ nhưng không giống hoàn toàn?”. Lớn lên, chàng thanh niên Mendel say mê các môn khoa học tự nhiên. Cậu khao khát dùng những kiến thức đã học được để giải thích những bí mật chi phối vũ trụ và sự sống. Mendel chọn nghiệp tu hành để có điều kiện dấn thân vào nghiên cứu. Đó là lý do dẫn ông tới “Thí nghiệm lai tạo cây trồng”. Nhưng dường như có sự xếp đặt của định mệnh, thí nghiệm của Mendel diễn ra đúng vào giai đoạn Darwin công bố Thuyết tiến hóa. Lý thuyết của Darwin được thảo luận sôi nổi trên khắp Châu Âu. Mendel, với một tâm hồn đam mê khám phá bí mật về sự sống, không thể đứng ngoài cuộc thảo luận đó, nhất là khi ông thấy Darwin và Lamarck có những sai lầm cần phải sửa chữa, như chính ông đã công khai nói ra trong một bài nói chuyện tại Hội khoa học tự nhiên ở Brno, rằng: “Từ lâu, tôi đã nghĩ rằng có điều gì đó thiếu sót trong lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin. Và tôi cũng đã đặt câu hỏi về quan điểm của Lamarck[6].

Các nhà tiến hóa thường nói rằng Mendel đọc rất kỹ các công trình của Darwin, thậm chí còn có nhiều nhận xét ghi chú bên lề trang sách, như một bằng chứng cho thấy Mendel chịu nhiều ảnh hưởng của Darwin. Nhưng thực ra đó chính là chỗ cho thấy Mendel quan tâm đến Darwin để phê phán và thể hiện thái độ không tán thành với Darwin, chứ không phải thích thú tán thưởng Darwin. Bài báo của Bishop trên Tạp chí Di truyền cho chúng ta biết sự thật đó.    

3/       Mendel không đưa ra tuyên bố rõ ràng về lập trường của mình, nhưng người ta lập luận rằng có bằng chứng, cả từ bối cảnh lịch sử lẫn trong chính bài báo của ông, cho thấy rằng bài báo của Mendel là một nỗ lực đặc biệt nhằm bác bỏ các ý tưởng của Darwin và rằng lập trường của Mendel là một trong những lập trường thần học chính thống. (Mendel là một thành viên hòa nhập tốt trong cộng đồng tu viện của ông và là một người nhiệt thành bảo vệ đức tin, thay vì một người bất đồng chính kiến)[7].

Mặc dù tác giả Bishop cho biết Mendel là một người có lập trường thần học chính thống (tức là tin rằng Vũ trụ và sự sống là do Chúa sáng tạo), nhưng đây không phải là lý do để Mendel phản đối Darwin. Lý do Mendel phản đối Darwin là lý do thuần túy khoa học. Cụ thể, Mendel phản đối quan điểm về di truyền của Lamarck mà Darwin đã sử dụng để giải thích sự di truyền những biến dị hình thành do chọn lọc tự nhiên. Quan điểm di truyền của Lamarck là quan điểm về sự di truyền của “những đặc tính giành được” (acquired characteristics) – tức là những biến đổi phi bẩm sinh, hình thành do tương tác với môi trường trong quá trình sống. Chuỗi logic của Darwin có thể tóm tắt như sau:

Chọn lọc tự nhiên > biến dị để thích nghi > các biến dị được di truyền > vô số các biến dị tích tụ lại thành biến đổi lớn > biến đổi loài (tiến hóa).

Darwin có thể hình dung ra mắt xích thứ nhất, thứ hai, nhưng hoàn toàn mơ hồ về mắt xích thứ ba – làm thế nào mà những biến dị có thể di truyền? Vì thế ông phải bám vào thuyết di truyền các đặc tính giành được do Lamarck chủ xướng. Nhưng khám phá của Mendel cho thấy quan niệm di truyền của Lamarck hoàn toàn sai, vì những thay đổi phi bẩm sinh không hề tác động đến bộ gene, tức là không thể di truyền cho các thế hệ sau được.

4/       Di truyền là một thành phần sống còn trong lý thuyết của Darwin, vì ông lập luận rằng để những biến đổi đóng vai trò quan trọng về mặt tiến hóa thì nó phải được di truyền, mặc dù ông buộc phải thừa nhận rằng “Các quy luật chi phối việc thừa kế vẫn chưa được biết rõ” (Darwin 1859). Do đó, điều cực kỳ có ý nghĩa là chỉ vài năm sau, Mendel đã xây dựng nên lý thuyết nguyên tử rất rõ ràng của mình về tính di truyền – hơn nữa, [đó là] một lý thuyết chỉ dẫn đến sự cố định (stasis): “Quá trình di truyền thuần túy của Mendel không tạo ra bất kỳ thay đổi tiến hóa nào: quần thể [loài] vẫn giữ nguyên không thay đổi” (Ridley 1985)[8].

Đây là ý kiến quan trọng nhất và rõ ràng nhất trong toàn bộ bài báo của Bishop trên Tạp chí Di truyền ngày 01/05/1996. Ý kiến này cho thấy:

Một mặt, Darwin nhận thức rất rõ rằng vấn đề di truyền đóng vai trò quyết định đối với Thuyết tiến hóa của ông, nhưng mặt khác, ông thú nhận rằng ông không biết gì về bản chất của sự di truyền cả. Có nghĩa là cái mớ logic về tiến hóa của ông chỉ là một phỏng đoán, không dựa trên cơ sở khoa học chắc chắn nào cả. Ngoài việc tiếp thu lý thuyết di truyền của Lamarck về “các đặc tính giành được”, năm 1868 Darwin còn sáng chế ra một lý thuyết di truyền của riêng ông, được gọi là “Pangenesis”, trong đó ông tưởng tượng ra “các hạt mầm di truyền” có thể tương tác với môi trường …

Ngày nay chúng ta đã biết rõ rằng lý thuyết di truyền của cả Lamarck lẫn Darwin đều sai. Nếu vậy thì làm sao Thuyết tiến hóa có thể đúng, khi nó dựa trên những phỏng đoán sai lầm đó? Rõ ràng là việc kết hợp Di truyền học Mendel với Thuyết tiến hóa Darwin là một trò hề, đúng như Tiến sĩ Don Boys đã nói, rằng “Thuyết tiến hóa là một trò hề, …” (Evolution is a Farce …). 

5/       Và trong đoạn cuối của công trình (1866) của mình, Mendel tuyên bố: “Căn cứ vào kết quả những thí nghiệm của mình về sự biến đổi, Gärtner đã đi tới chỗ chống đối lại ý kiến của những người theo chủ nghĩa tự nhiên đó – những người chống lại tính ổn định của các loài cây cối và tin vào một sự tiến hóa liên tục của thực vật. Ông ấy nhận thấy bằng chứng không thể chối cãi rằng loài là cố định bên trong những giới hạn mà chúng không thể biến đổi vượt quá giới hạn ấy. Mặc dù ý kiến này không thể được chấp nhận vô điều kiện, chúng ta nhận thấy mặt khác trong những thí nghiệm của Gärtner một sự xác nhận đáng chú ý về giả thiết liên quan đến khả năng biến đổi của cây trồng mà nó đã được thể hiện[9]

Carl Friedrich von Gärtner là một nhà thực vật học nổi tiếng người Đức thế kỷ 19, người có ảnh hưởng lớn đến Mendel. Giống như các nhà sinh học đương thời khác, Gärtner cũng lao vào nghiên cứu khả năng biến đổi loài của thực vật thông qua các thí nghiệm lai tạo. Đúng ra, ông tiến hành những thí nghiệm này nhằm kiểm tra xem loài có thể biến đổi hay không. Kết quả thật thú vị: thay vì chứng minh sự biến đổi loài, thí nghiệm của ông cho thấy điều ngược lại, rằng sự biến đổi không phải là tùy ý, mà chỉ diễn ra trong một phạm vi giới hạn nhất định. Có nghĩa là thực vật có tính ổn định về loài. Và điều đặc biệt thú vị hơn nữa là ở chỗ Mendel đã biểu lộ thái độ tán thành quan điểm của Gärtner ngay trong công trình năm 1866 của ông. Nghĩa là, đối với Gärtner và Mendel, sinh vật tuy có biến đổi nhưng mọi biến đổi chỉ diễn ra trong phạm vi loài. Nói cách khác, loài là cố định. Đó chính là những gì chúng ta có thể quan sát trong thực tế, và đó cũng là lý do vì sao không hề có hóa thạch của những loài trung gian chuyển tiếp. Độc giả nào cần tìm hiểu vấn đề này kỹ hơn, xin đọc cuốn “Louis Pasteur – Gregor Mendel & cuộc cách mạng sinh học – y khoa” của Phạm Việt Hưng, do NXB Tri Thức xuất bản ngày 23/12/2022, xem Chương 2, mục “Gärtner: Loài là cố định”, trang 282.

6/       Trong công trình 1866, Mendel viết: “Nhận xét của Gärtner, Kolreuter, và những người khác, rằng các giống lai có xu hướng trở lại hình dạng của bố mẹ, cũng được xác nhận bởi các thí nghiệm đã thảo luận”[10].

Câu này một lần nữa thể hiện quan điểm của Mendel ủng hộ Gärtner rằng loài là cố định và không có sự tiến hóa. Xu hướng trở lại hình dạng của bố mẹ được gọi là xu hướng hoàn nguyên.

7/       Thật thú vị, … bất cứ khi nào Mendel thảo luận về thành phần vật chất của các tế bào mầm, ông đều sử dụng từ “các nguyên tố” (Elemente). Điều này hoàn toàn trái ngược với Darwin, người lập luận rằng có một quá trình sản xuất liên tục của các biến thể di truyền nhỏ bé mà trên đó cơ chế chọn lọc tự nhiên của ông có thể hoạt động[11].

Quan điểm về di truyền của Mendel hoàn toàn trái ngược với Darwin: trong khi Mendel tiên đoán thành phần vật chất cơ bản chịu trách nhiệm di truyền là những “yếu tố” rời rạc (giống như những hạt) thì Darwin quan niệm đó là một dạng vật chất liên tục có thể pha trộn như sự pha trộn các dòng máu. Chú ý rằng lý thuyết của Mendel dựa trên những thí nghiệm chính xác và kết quả của thí nghiệm được quy nạp thành các định luật không thể tranh cãi thì lý thuyết của Darwin luôn luôn chỉ là những giả thuyết dựa trên trí tưởng tượng không thể kiểm chứng, và đó là nguyên nhân Thuyết tiến hóa dẫn tới sự tranh cãi không dứt, mặc dù nó đóng vai một khoa học được giảng dạy chính thức từ khoảng 100 năm nay.

8/       Callender (1988), trong bài báo của ông nhan đề “Gregor Mendel: Một đối thủ của lý thuyết dòng dõi có biến đổi (theory of descent with modification) [tức là thuyết tiến hóa] nhận xét: “Tất nhiên Mendel đã phủ nhận chính cơ sở của quá trình tiến hóa, sự biến đổi các đặc điểm di truyền.” Và Callender giải thích thêm: “… có một thực tế nổi bật là rất nhiều nhà bình luận – những người có quan điểm cho rằng Mendel về cơ bản là nhất trí với thuyết tiến hóa – đã hoàn toàn thất bại trong việc chứng minh trong lý thuyết về di truyền của mình bất kỳ một cơ chế nào mà theo đó sự tiến hóa có thể đã xảy ra. Thật vậy, chỉ có một số ít người đã chú ý đến thực tế là khái niệm đột biến di truyền hoàn toàn không có trong toàn bộ công trình đã xuất bản của Mendel”[12].

Trong con mắt của những nhà khoa học thông minh và chính trực như Callender thì Mendel là một đối thủ của Thuyết tiến hóa, chứ không phải một người chấp nhận Thuyết tiến hóa như các nhà tiến hóa đã xuyên tạc. Tại sao? Vì theo Callender, Di truyền học Mendel đã chỉ ra rằng yếu tố quyết định sự di truyền là bất biến, và sự thật đó phủ định Thuyết tiến hóa. Trong khi đó, những người nhận vơ Mendel như một người thuộc trường phái tiến hóa đã hoàn toàn thất bại trong việc chỉ ra một cơ chế di truyền nào có thể dẫn tới sự tiến hóa. Callender cũng lưu ý rằng công trình của Mendel không có chỗ cho những khái niệm về đột biến di truyền. Tất nhiên khái niệm này do các nhà tiến hóa bịa ra để cứu “đức tin” của họ mà thôi.   

9/       Trong phần kết luận công trình 1866 của mình, Mendel tuyên bố: “Người ta thấy rằng đôi khi có thể mạo hiểm như thế nào khi đưa ra kết luận về mối quan hệ họ hàng bên trong của các giống lai từ sự giống nhau bề ngoài của chúng.”[13].

Có nghĩa là không thể căn cứ vào sự giống nhau bề ngoài để suy ra mối quan hệ họ hàng! Chính Louis Pasteur cũng từng tuyên bố: “Sự tương tự không thể dùng làm bằng chứng” (Analogy cannot serve as proof)[14]. Không rõ Pasteur tuyên bố điều này trong bối cảnh nào, nhưng dường như ông ám chỉ Thuyết tiến hóa, bởi toàn bộ Thuyết tiến hóa dựa trên “bằng chứng” duy nhất là sự tương tự bề ngoài. Thí dụ:

  • Hình vẽ giả mạo của Haeckel về bào thai là thí dụ điển hình cho những lập luận bênh vực Thuyết tiến hóa: Từ sự giống nhau của bào thai các loài suy ra các loài có chung nguồn gốc. Nhưng xấu hổ thay, những hình vẽ của Haeckel đã bị tố cáo là giả mạo. Stephen Jay Gould, Giáo sư Đại học Harvard, một nhà tiến hóa nổi tiếng trung thực, đã thốt lên lời tức giận vì nhiều sách giáo khoa vẫn tiếp tục sử dụng Hình vẽ giả mạo của Haeckel để biện hộ cho Thuyết tiến hóa Darwin: “Atrocious! Haeckel’s distortions did not help Darwin!” (Thật tồi tệ! Những xuyên tạc của Haeckel chẳng giúp được gì cho Darwin).  
  • Lý thuyết nguồn gốc loài người của Darwin cũng dựa trên những giống nhau bề ngoài giữa vượn và người. Để chứng minh lý thuyết của Darwin, các nhà tiến hóa đã từng đưa ra nhiều bằng giả mạo hoặc sai lầm về người-vượn, như “Người-vượn Piltdown” (1912), “Người-vượn Nebraska” (1925), … Nhưng đến nay tất cả các “bằng chứng” ấy đều đã bị vạch trần là lừa đảo hoặc sai lầm. Ấy thế mà lý thuyết nguồn gốc loài người của Darwin vẫn trở thành nền tảng của một lý thuyết “nhân chủng học” (anthropology). Trong con mắt của những người phản đối Học thuyết Darwin, lý thuyết nhân chủng học là một thứ ngụy khoa học (pseudo-science).
  • Thuyết tiến hóa hiện đại cũng dựa trên những tượng tự trong bộ gene của các loài để khẳng định tất cả các loài có chung nguồn gốc. 

Nhưng cả Pasteur lẫn Mendel – hai nhà sinh học vĩ đại nhất mọi thời đại – đều bác bỏ lập luận cơ bản của thuyết tiến hóa khi họ dựa vào sự tương tự bề ngoài để suy ra các loài cùng chung nguồn gốc. Đây là chỗ kém về nhận thức của Darwin và của các nhà tiến hóa nói chung, đồng thời nói lên trực giác thiên tài của cả Pasteur lẫn Mendel. Hai ông không hề trao đổi liên lạc với nhau, nhưng “tư tưởng lớn gặp nhau”.

10/     Lý thuyết của Mendel dựa trên tiên đề về sự bình đẳng trong tất cả các giai đoạn của vòng đời: các giao tử bình đẳng kết hợp ngẫu nhiên để tạo thành các hợp tử bình đẳng, phát triển thành các cây bình đẳng, sinh sản bình đẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tất nhiên, điều này trái ngược với lý thuyết của Darwin về khả năng sống sót khác biệt và thành công sinh sản khác biệt[15].

Lý thuyết của Darwin dựa trên tư tưởng đấu tranh sinh tồn – mạnh được yếu thua, con vật nào thích nghi nhất là con vật có ưu thế tồn tại, con vật kém thích nghi là con vật bị đào thải. Cuộc đấu tranh sinh tồn không những diễn ra giữa các loài mà còn diễn ra ngay bên trong các loài. Nói cách khác, học thuyết Darwin dựa trên sự bất bình đẳng trong khả năng sinh tồn, và điều này thực ra trái với thực tế. Trong thực tế, sự đấu tranh sinh tồn chỉ diễn ra trong một phạm vi giới hạn về cả không gian lẫn thời gian, trong khi  quy luật cộng sinh và cân bằng sinh thái mới là quy luật phổ biến dẫn tới sự phong phú và đa dạng sinh học hiện nay. 

11/     Khái niệm của Mendel về các đơn vị di truyền rời rạc hoàn toàn trái ngược với ý tưởng về sự biến đổi liên tục của Darwin[16].

Dựa trên những kết quả thí nghiệm chính xác, Mendel đã quy nạp thành những quy luật định lượng toán học chính xác về di truyền, từ đó ông đã đưa ra dự đoán thiên tài về sự tồn tại các đơn vị rời rạc chịu trách nhiệm làm công việc di truyền mà ông gọi là các “elemente” (yếu tố). Ngày nay chúng ta biết đó là các “gene”. Vậy Di truyền học Mendel là di truyền học về các “yếu tố di truyền rời rạc”, hoàn toàn mâu thuẫn với khái niệm về một dạng vật chất liên tục làm công việc di truyền, mà Darwin và tất cả những người cùng thời đều tin tưởng. Thật vậy, Darwin tin vào thuyết hòa trộn các dòng máu – sự di truyền được pha trộn như pha trộn các dòng máu. Mặc dù ông đã tưởng tượng ra học thuyết di truyền riêng của ông là Pangenesis, một học thuyết thuần túy tưởng tượng, nhưng tư tưởng cơ bản của nó vẫn dựa trên quan niệm sự di truyền là sự pha trộn các chất di truyền liên tục của các cá thể cha và mẹ. Từ sai lầm trong quan niệm về di truyền, Darwin tin vào sự di truyền của các biến dị nẩy sinh từ chọn lọc tự nhiên. Nhưng Thomas Morgan đã bác bỏ niềm tin này bằng một câu dứt khoát, rằng các Định luật Mendel về Di truyền đã ban “phát súng ân huệ” cuối cùng cho học thuyết chọn lọc tự nhiên. Đơn giản vì Di truyền học Mendel bác bỏ sự di truyền của các biến dị do chọn lọc tự nhiên. Có nghĩa là Thuyết tiến hóa Darwin, một lý thuyết dựa trên chọn lọc tự nhiên, ắt bị sụp đổ, vì nó mâu thuẫn với Di truyền học Mendel!

12/     Các yếu tố đơn vị [di truyền] có một tính bất biến mà những người theo thuyết Darwin đã không dự đoán được[17].

Nếu Thuyết tiến hóa Darwin dựa trên niềm tin cơ bản cho rằng sinh vật biến đổi liên tục để thích nghi thì Di truyền học Mendel cho thấy điều ngược lại – sinh vật có biến đổi nhưng luôn luôn bất biến về di truyền trong quá trình tương tác với môi trường. Mọi thay đổi về di truyền chỉ xảy ra trong quá trình giao phối. Nguyên lý giao phối xác định loài chỉ ra rằng hai sinh vật chỉ có thể giao phối với nhau khi chúng cùng loài. Do đó sinh vật mới ra đời luôn luôn có bộ gene trong loài của mình, có nghĩa là loài không thể thay đổi. Vậy sai lầm chủ yếu của Darwin là ở chỗ cho rằng thay đổi đến từ tác động của môi trường. Đó là SAI LẦM LỚN, sai lầm cơ bản, xuất phát từ chỗ không biết rằng sự di truyền là một YẾU TỐ ĐƯỢC THIẾT KẾ SẴN, KHÔNG ĐỔI, để sự sống ra đời và phát triển theo một chương trình không đổi. Đó là điều Darwin không hiểu, nhưng ông đáng được thông cảm, vì ông không biết gì về Di truyền học Mendel. Nhưng những ai đã biết rõ Di truyền học Mendel mà còn cố tình xuyên tác Mendel cho phù hợp với Darwin thì đó là tự lừa gạt chính mình, và do đó lừa gạt người khác. Về tính bất biến trong sự di truyền theo lý thuyết của Mendel, ý kiến của Tiến sĩ Wolf-Ekkehard Lönnig, chuyên gia di truyền học thuộc Viện Max Planck, có lẽ là rõ ràng nhất:

“Tất cả các bằng chứng đều chỉ ra lý do chính như sau: Ý tưởng của Mendel về tính di truyền và sự tiến hóa hoàn toàn trái ngược với ý tưởng của Darwin và những người theo Darwin. Darwin tin vào sự di truyền của các đặc tính mới giành được … và quan trọng nhất là tin vào sự tiến hóa liên tục. Ngược lại, Mendel bác bỏ cả hai, cả sự di truyền các đặc tính mới giành được lẫn sự tiến hóa. Các quy luật do Mendel khám phá được hiểu là quy luật của các yếu tố bất biến đối với một sự biến đổi lớn nhưng hữu hạn, không chỉ đối với các giống nuôi cấy mà còn đối với các loài trong tự nhiên. Trong chuyên luận ngắn của mình, Thí nghiệm lai tạo cây trồng … Mendel không ngừng nói về “các đặc tính không đổi”, “con cái không đổi”, “các tổ hợp không đổi”, “các hình dạng không đổi”, “định luật không đổi”, “một loài không đổi”, v.v. (trong những kết hợp như vậy tính từ “không đổi” xuất hiện tổng cộng 67 lần trong bài báo gốc tiếng Đức). Ông tin rằng các quy luật di truyền mà ông đã khám phá đã chứng thực kết luận của Gärtner “rằng các loài là cố định với những giới hạn mà chúng không thể vượt quá[18]

13/     Suốt đời Darwin tin vào sự di truyền pha trộn, … và vào sự di truyền các đặc tính giành được đối với cả cấu trúc thể xác lẫn hành vi. Thực tế, năm 1868, Darwin đã đưa ra lý thuyết di truyền của riêng mình là “Pangenesis,”…[19]

Di truyền pha trộn là di truyền thông qua sự pha trộn các dòng máu. Đây là niềm tin phổ biến trong giới sinh học thế kỷ 19, bao gồm Darwin. Di truyền các đặc tính giành được là sự di truyền những đặc điểm phi bẩm sinh – những đặc điểm hình thành do tương tác hoặc thích nghi với môi trường. Cha đẻ của thuyết di truyền này là Jean Baptiste Lamarck. Darwin rất thích thuyết di truyền của Lamarck vì nó giúp ông giải thích sự di truyền những biến dị do chọn lọc tự nhiên, và do đó giải thích sự tiến hóa. Thuyết di truyền “Pangenesis” của Darwin chỉ bổ sung thêm những tưởng tượng hoang đường của Darwin chứ không bác bỏ những thuyết di truyền của các bậc tiền bối. Nhưng Thí nghiệm lai tạo cây trồng của Mendel trong vườn Tu viện Thánh Thomas ở Brno đã tự động chỉ ra rằng tất cả những thuyết di truyền mà Darwin tin tưởng và sử dụng để giải thích sự tiến hóa đều SAI. Bài báo “Mendel và Di sản của ông” (Mendel and his legacy) trên trên Tạp chí Y khoa quốc tế số 4, Tháng 4/1999, cho biết: khi đọc các tài liệu của Darwin, Mendel rất khó chịu với những suy đoán của Darwin về sự di truyền[20]. Điều này thật dễ hiểu, vì trước con mắt của Mendel, mọi ý kiến của Darwin về di truyền đều sai. Khi Di truyền học Mendel được tái khám phá, các nhà tiến hóa cũng biết rằng lý thuyết di truyền của Darwin là sai lầm rõ ràng, không thể sử dụng được, và do đó họ nghĩ rằng lấy thuyết di truyền của Mendel thay thế cho sai lầm của Darwin thì sẽ có một lý thuyết tiến hóa hoàn chỉnh. Đây chính là lúc họ phải đẽo gọt sự thật sao cho vừa với đôi giày tiến hóa của họ. Nhưng khi đẽo gọt sự thật thì sự thật bị biến dạng, không còn là sự thật nữa. Sự thật là Di truyền học Mendel không bao giờ có thể ăn khớp với Thuyết tiến hóa Darwin, vì chúng mâu thuẫn với nhau về bản chất: tính cố định của loài (Di truyền học Mendel) mâu thuẫn với sự tiến hóa (Darwin).   

14/     Rõ ràng là lý thuyết của Mendel được xây dựng để phủ nhận tất cả các ý tưởng của Darwin về tính di truyền và do đó, phủ nhận lý thuyết dòng dõi có biến đổi của ông[21].

Lý thuyết dòng dõi có biến đổi là tên gọi mà Darwin dùng để đặt cho cái mà hậu bối của ông gọi là Thuyết tiến hóa (theory of evolution / evolutionism). Bản thân Darwin không sử dụng thuật ngữ “tiến hóa” (evolution). Tóm lại, ý kiến của Bishop trong bài báo trên Tạp chí Di truyền ngày 01/05/1996 nhấn mạnh rằng công trình “Thí nghiệm lai tạo cây trồng” của Mendel rõ ràng là đã được xây dựng với chủ ý bác bỏ quan điểm của Darwin về di truyền, và do đó phủ nhận Lý thuyết dòng dõi có biến đổi. 

15/     Sự xuất hiện của các dạng trung gian là rất quan trọng, vì nó loại trừ khả năng thiết lập một tỷ lệ nhất định giữa hai dạng giống với bố mẹ, như Mendel đã viết trong bài báo của mình: “Các dạng chuyển tiếp không được quan sát thấy ở bất kỳ thí nghiệm nào” (Mendel nhấn mạnh trong bản gốc công trình 1866) … Do đó, sự khác biệt tư tưởng giữa Darwin và Mendel về di truyền không chỉ là vấn đề giải thích [bản chất của sự di truyền, mà còn ở chỗ]:sự thật” của Mendel khác với “sự thật” của Darwin – và [khác với “sự thật”] của tất cả những người cùng thời với ông[22].

Theo thuyết tiến hóa, loài A có thể biến đổi để thành loài B. Nếu vậy ắt phải tồn tại loài trung gian chuyển tiếp giữa A và B. Theo Darwin, sự biến đổi này diễn ra dần dần từng tí một, nên phải có nhiều loài chuyển tiếp trung gian với những đặc điểm giống A và B theo những tỷ lệ khác nhau – có thể giống A nhiều hơn, hoặc giống B nhiều hơn, tỷ lệ giống A nhiều hơn hoặc B nhiều hơn phụ thuộc vào mức độ “tiến hóa”. Nói cách khác, tỷ lệ giữa các đặc điểm giống A và giống B sẽ thay đổi và không xác định. Điều này hoàn toàn trái với kết quả thí nghiệm của Mendel, trong đó tỷ lệ các đặc điểm giống cha hoặc mẹ là XÁC ĐỊNH một cách toán học, có thể tiên đoán được, tùy theo thế hệ con lai. Bản thân Mendel đã nói rất rõ trong công trình của chính ông rằng “Các dạng chuyển tiếp không được quan sát thấy ở bất kỳ thí nghiệm nào”, mặc dù thí nghiệm của ông đã được thực hiện với hàng vạn thế hệ con lai trong một thời gian kéo dài hơn 8 năm trời! Rất dễ hiểu vì sao không có loài chuyển tiếp, vì sự di truyền phụ thuộc vào một yếu tố bất biến, đó là các đơn vị rời rạc bất biến mà Mendel gọi là các “elemente” và ngày nay chúng ta gọi là các gene. Bản thân các gene là bất biến. Đột biến gene xảy ra với xác suất rất thấp, khi có lỗi sao chép DNA. Bản thân DNA có chương trình tự chữa lỗi, nếu lỗi không khắc phục được thì kết quả là bệnh tật và sự chết, thay vì tích lũy lại để dẫn tới tiến hóa. Vì thế Bishop nói rằng lý thuyết của Mendel và Darwin không chỉ khác nhau trong sự giải thích về bản chất của sự di truyền, mà còn đối lập nhau hoàn toàn ở chỗ lý thuyết của Mendel phản ánh ĐÚNG SỰ THẬT, trong khi lý thuyết của Darwin phản ánh SAI SỰ THẬT! 

16/     Giờ đây, khi nhìn lại, có thể thấy chính xác những gì Mendel đã làm: ông cố ý chọn ra những đặc tính thể hiện một kiểu thừa kế rõ rệt nhất vì ông muốn chứng minh tính cố định bất biến (stasis), xây dựng nên một lý thuyết rất bất ngờ, và sau đó ngoại suy cho tất cả các kiểu thừa kế khác[23].

Điều các nhà tiến hóa sợ nhất chính là bản chất bất biến của các loài mà Di truyền học Mendel đã tự nó để lộ ra thông qua các tỷ lệ toán học chính xác giữa các yếu tố di truyền của cha mẹ biểu lộ ở con lai. Nói cách khác, khái niệm “yếu tố rời rạc” chịu trách nhiệm di truyền đã tự nó chứng minh rằng loài không thể thay đổi, có nghĩa là bác bỏ sự tiến hóa. Bất chấp các nhà tiến hóa xuyên tạc tư tưởng của Mendel ra sao, họ không thể che đậy được sự thật là các Định luật Mendel tự nó cho thấy sự cố định của loài. Thật vậy, trong bài báo của mình trên Tạp chí Di truyền, Bishop nhiều lần nói rằng Lý thuyết Mendel cho thấy trình trạng “stasis” trong sự biến đổi của sinh vật. “Stasis” là gì? Đó là “một trạng thái hoặc thời kỳ ổn định trong đó xảy ra rất ít biến đổi hoặc không có thay đổi tiến hóa nào trong một dòng dõi” (a state or period of stability during which little or no evolutionary change in a lineage occurs)[24].

17/     Nội dung công trình của Mendel cho thấy ông đã quen thuộc với cuốn “Nguồn gốc các loài” [của Darwin], những chủ đề về tiến hóa, về quần thể và về di truyền của Darwin đã được Mendel nhắc lại, và rằng ông phản đối lý thuyết của Darwin: Darwin lập luận về dòng dõi có biến đổi thông qua chọn lọc tự nhiên, [trong khi] Mendel ủng hộ học thuyết chính thống về sự sáng tạo đặc biệt.[25]

Ý kiến này một lần nữa nhấn mạnh rằng Mendel biết rõ các công trình của Darwin và trong công trình nghiên cứu Thí nghiệm lai tạo cây trồng của mình, Mendel đã bày tỏ quan điểm phản đối Thuyết tiến hóa.

18/     Lý thuyết của Darwin dựa trên sự khác biệt về khả năng sống sót và khả năng sinh sản khác nhau, còn Mendel dựa trên sự bình đẳng trong tất cả các giai đoạn của vòng đời: các giao tử bình đẳng kết hợp ngẫu nhiên để tạo thành các hợp tử bình đẳng phát triển thành các cây bình đẳng, sinh sản bình đẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác[26].

Câu này một lần nữa nhấn mạnh rằng học thuyết Darwin dựa trên tư tưởng về đấu tranh sinh tồn, trong đó con vật nào thích nghi tốt nhất sẽ là con vật có quyền tồn tại, con vật kém thích nghi sẽ bị tiêu diệt. Nói cách khác, đối với Darwin, sự tồn tại của sinh vật phụ thuộc vào sự bất bình đẳng trong khả năng sinh tồn. Nhưng Di truyền học Mendel không liên quan gì đến sự bất bình đẳng đó, ngược lại, sự sinh tồn, theo lý thuyết của Mendel, hoàn toàn phụ thuộc vào một bản thiết kế có sẵn, ngày nay chúng ta biết bản thiết kế đó là Mã DNA.

19/     Lý thuyết của Darwin gắn với các biến thể liên tục, đột biến và di truyền “mềm”; [trong khi lý thuyết của] Mendel gắn với các biến thể rời rạc, và di truyền “cứng” không đột biến[27].

Biến thể liên tục ở đây ám chỉ sự di truyền pha trộn các dòng máu, và đó là “di truyền mềm”. Khái niệm đột biến là “sáng tạo” của Thuyết Tân-Darwin, nhằm cứu vãn Thuyết tiến hóa, vì khái niệm di truyền các biến dị do chọn lọc tự nhiên đã bị đào thải bởi Di truyền học Mendel. Hoàn toàn đối lập với những quan niệm đó của Thuyết tiến hóa, Di truyền học Mendel gắn với các “yếu tố di truyền” rời rạc, gián đoạn, phi liên tục, ổn định. Khái niệm đột biến hoàn toàn xa lạ với Di truyền học Mendel! Thực tế cho thấy đột biến dẫn tới thoái hóa, bệnh tật và cái chết. Vì thế, DNA có cơ chế tự sửa chữa lỗi. Công trình nghiên cứu về vấn đề này đã đoạt Giải Nobel Hóa học[28] năm 2015.

Kết luận

Tất cả những ý kiến, những bài báo, những giáo trình mô tả cuộc hôn phối tư tưởng của Mendel và Darwin như một cuộc hôn nhân lý tưởng đều là xuyên tạc và lừa dối, hoặc kém cỏi về nhận thức, xuất phát từ ý muốn cứu vãn Thuyết tiến hóa trước nguy cơ sụp đổ khi Di truyền học Mendel được tái khám phá. Việc “đẽo gọt” tư tưởng của Mendel sao cho vừa với thuyết tiến hóa Darwin đã đạt tới mức độ trơ trẽn đáng kinh ngạc. Những sự kiện này làm tôi nhớ đến một tích truyện trong Kinh Thánh Tân Ước, đó là trường hợp những người Pharisees cố tình đánh bẫy Chúa Jesus khi họ hỏi Ngài: “Nộp thuế cho Caesar có đúng luật không?”. Chúa Jesus trả lời: “Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar; cái gì của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa trời!” (Matthew 22:17-21).

Bài báo của B. E. Bishop, “Sự chống đối của Mendel đối với thuyết tiến hóa và đối với Darwin”, trên Tạp chí Di truyền 01/05/1996 đã trả lại sự thật tư tưởng của Mendel cho Mendel.

Cám ơn B. E. Bishop! Cám ơn Tạp chí Di truyền (Journal of Heredity)!

PVHg, Sydney 21/04/2023


[1] https://viethungpham.com/2023/04/07/a-coup-de-grace-mot-phat-sung-an-hue/

[2] Experiments in Plant Hybridization (1865) by Gregor Mendel http://www.mendelweb.org/Mendel.html

[3] L. A. Callender (1988), has concluded that Mendel was opposed to evolution. Yet careful scrutiny of Mendel’s Pisum paper, published in 1866, and of the time and circumstances in which it appeared suggests not only that it is anti-evolutionary in content, but also that it was specifically written in contradiction of Darwin’s book The Origin of Species, published in 1859, and that Mendel’s and Darwin’s theories, the two theories which were united in the 1940s to form the modern synthesis, are completely antithetical

[4] https://viethungpham.com/2023/04/07/a-coup-de-grace-mot-phat-sung-an-hue/

[5] He states unambiguously in his introduction that his objective is to contribute to the evolution controversy raging at the time

[6] Xem ““Phát súng ân huệ” cho chọn lọc tự nhiên” https://viethungpham.com/2023/04/07/a-coup-de-grace-mot-phat-sung-an-hue/

[7] Mendel does not make a definite statement about his stance, but it is argued that there is evidence, both from the historical background and in Mendel’s paper itself, that indicates that the latter was an ad hoc attempt to refute Darwin’s ideas and that Mendel’s position was one of theological orthodoxy. (Mendel was a well-integrated member of his monastic community and a zealous defender of the faith, not a dissident.)

[8] Heredity was a vital component of Darwin’s theory, for he reasoned that for variation to be evolutionarily important it must be heritable, although he was forced to admit: “The laws governing inheritance are quite unknown” (Darwin 1859). Thus, it is highly significant that only a few years later Mendel elaborated his very definite atomistic theory of heredity—a theory, moreover, that results only in stasis: “The pure process of Mendelian heredity does not produce any evolutionary change at all: the population stays the same” (Ridley 1985).

[9] And in the penultimate paragraph of his paper, Mendel (1866) states: “The success of transformation experiments led Gartner to disagree with those scientists who contest the stability of plant species and assume continuous evolution of plant forms. In the complete transformation of one species into another he finds unequivocal proof that a species has fixed limits beyond which it cannot change.

[10] Mendel (1866) writes: “The observation made by Gartner, Kolreuter, and others, that hybrids have a tendency to revert to the parental forms, is also confirmed by the experiments discussed.”

[11] Interestingly, … Whenever Mendel discusses the material composition of the germ-cells, he uses the word ‘elements’ (‘Elemente’). This is in marked contrast to Darwin, who argued that there is a continual production of small heritable variations upon which his mechanism of natural selection could act.

[12] Callender (1988), in his article entitled “Gregor Mendel: An Opponent of Descent with Modification,” observes: “… Mendel, of course, denied the very basis of the evolutionary process, modification of hereditary characteristics.” And Callender elaborates: “… it is a striking fact that the multitude of commentators who have so consistently held that Mendel was in essential agreement with the theory of evolution have singularly failed to demonstrate in his theory of heredity any mechanism by which descent with modification might have come about. Indeed, only the merest handful have ever drawn attention to the fact that a concept of hereditary mutation is entirely absent from the whole of Mendel’s published work.”

[13] In his conclusion, Mendel (1866) … he declares: “One sees how risky it can sometimes be to draw conclusions about the internal kinship of hybrids from their external similarity.”

[14] https://viethungpham.com/2018/03/11/pasteurs-quotes-trich-dan-pasteur/

[15] Mendel’s theory was based upon the assumption of equality throughout all stages of the life cycle: equal gametes that unite at random to form equal zygotes that grow into equal plants, reproducing equally generation after generation. This, of course, is the antithesis of Darwin’s theory of differential survival and differential reproductive success.

[16] Mendel’s concept of discrete characters was completely opposed to Darwin’s idea of continuous variation. Ở đây, khái niệm “discrete characters” (đặc điểm rời rạc) được dịch theo ý là “các đơn vị di truyền rời rạc”.

[17] The unit factors had a constancy which the Darwinians had failed to guess.

[18] https://viethungpham.com/2023/04/07/a-coup-de-grace-mot-phat-sung-an-hue/

[19] Darwin, … believed throughout his life in blending inheritance, … and in the inheritance of acquired characters for both corporeal structures and behavior. In fact, Darwin put forward his own theory of heredity, “Pangenesis,” in 1868 …

[20] https://viethungpham.com/2023/04/07/a-coup-de-grace-mot-phat-sung-an-hue/

[21] Mendel’s theory was obviously constructed to deny all Darwin’s ideas about heredity and thus his theory of descent with modification.

[22] The occurrence of intermediate types is very significant, for it categorically rules out the possibility of establishing a definite ratio between only the two types resembling the parental forms, as it is well known that Mendel did in his paper: “Transitional forms were not observed in any experiment” (Mendel 1866; emphasis in original). …Thus, the difference between Darwin’s and Mendel’s ideas about inheritance was not only a question of interpretation: Mendel’s “facts” were different from Darwin’s—and from those of all his contemporaries.

[23] Now, in retrospect, it can be seen exactly what Mendel did: he deliberately chose characters exhibiting a most unusual pattern of inheritance because he wanted to demonstrate stasis, formulated a highly improbable theory, and then extrapolated to all other modes of inheritance.

[24] https://www.merriam-webster.com/dictionary/stasis

[25] The content of Mendel’s paper shows that he was familiar with The Origin of Species, Darwin’s themes of evolution, population, and heredity being echoed by Mendel, and that he was opposed to Darwin’s theory: Darwin was arguing for descent with modification through natural selection, Mendel was in favor of the orthodox doctrine of special creation.

[26] Darwin’s theory was based on differential survival and differential reproductive success, Mendel’s on equality throughout all stages of the life cycle: equal gametes that unite at random to form equal zygotes that grow into equal plants, reproducing equally generation after generation.

[27] Darwin’s concepts were continuous variation, mutation, and “soft” heredity; Mendel espoused discontinuous variation and “hard” heredity without mutation.

[28] https://viethungpham.com/2015/10/08/lessons-from-nobel-prizes-2015-nhung-bai-hoc-tu-giai-nobel-2015/

2 thoughts on “Mendel’s Real View on Darwin / Ý nghĩ thật sự của Mendel về Darwin

  1. Bài viết rất hay và rành mạch, khúc triết. Tác giả đã khẳng định tư tưởng thực sự của Mendel là ủng hộ tính cố định của loài, giống như kết luận của ông Gartner. Em rất thích kết luận dứt khoát và mạnh mẽ này vì nó đối lập rõ ràng với quan điểm tiến hóa Darwin. Thiết tưởng điều này là rõ ràng nhưng từ trước tới nay hầu như không ai dám nói rõ ràng như tác giả Phạm Việt Hưng. Em suy nghĩ kỹ thì thấy điều này rất đúng, đúng cả về lý thuyết lẫn trong quan sát thực tế, nhưng tại sao không thấy ai dám nói rõ ràng như thế như một khẳng định một quy luật tự nhiên rằng loài là cố định. Bài viết của thầy Hưng có quan điểm rất mạnh bạo rõ ràng và thuyết phục chứ không nửa vời như nhiều người khác viết, và theo em thì đó mới là khoa học.
    Em cũng hiểu được rằng tại sao Mendel phải kiên trì nghiên cứu tới 8 năm liền, một thân một mình âm thầm không ai biết. Chắc chắn ông phải có tình yêu mãnh liệt đối với việc ông làm thì mới có thể có sự kiên trì âm thầm như thế. Thời gian kéo dài như thế cũng vì ông phải đợi nhiều thế hệ con lai ra đời thì ông mới có đủ dữ liệu thống kê để từ đó mới quy nạp thành định luật. Và có lẽ ông cũng muốn thông qua thí nghiệm kéo dài của mình với hàng vạn thế hệ con lai để xem có dấu hiệu nào về sự biến đổi do chọn lọc tự nhiên mà Darwin đã nói hay không. Tuyệt nhiên ông không thấy điều đó. Quả thật sự biến đổi do chọn lọc tự nhiên là chuyện tưởng tượng, và qua những bài viết của thầy Hưng, em thấy rõ là Darwin rất giàu trí tưởng tượng nhưng lại rất nghèo về bằng chứng thực tế, nhất là những thí nghiệm thuyết phục thì tuyệt nhiên không có. Tất cả cái gọi là nghiên cứu của Darwin chỉ là sự quan sát bề ngoài trong thực tế mà suy diễn tưởng tượng thành lý thuyết chứ không có bất kỳ một chứng minh lai tạo khoa học nào cả.
    Xin chúc mừng thầy Hưng đã cống hiến một bài viết hay tuyệt vời và có giá trị thuyết phục! Từ nay em có thể nói lại với người khác một cách tự tin rằng học thuyết di truyền của Mendel bác bỏ thuyết tiến hóa.

    Thích

  2. Pingback: Ý nghĩ thật sự của Mendel về Darwin - Nghệ An news

Bình luận về bài viết này