“Coup de Grâce” to Natural Selection / “Phát súng ân huệ” cho chọn lọc tự nhiên

Thomas Morgan, the best 20th-century geneticist whose name is usually associated with Mendel, once said that “Mendel’s laws have given the final coup de grâce to the doctrine of natural selection”. This is probably the strongest statement that scientifically disproves Darwinian Evolutionism.  

Thomas Morgan, nhà di truyền học giỏi nhất thế kỷ 20 với tên tuổi thường gắn liền với Mendel, từng nói rằng “Các định luật Mendel đã ban phát súng ân huệ cuối cùng cho học thuyết chọn lọc tự nhiên”[1]. Có lẽ đây là ý kiến mạnh mẽ nhất bác bỏ Thuyết tiến hóa Darwin bằng khoa học.

Thế hệ tôi, học sinh lớp cuối trung học khóa 1961 – 1962, không được học Di truyền học Mendel, chỉ được học Thuyết tiến hóa Darwin. Nhưng giáo viên môn tiến hóa đôi khi vẫn nhắc đến “Lý thuyết Di truyền Mendel-Morgan”, không phải để ca ngợi, mà để phê phán, chỉ trích. Vô tình việc phê phán chỉ trích ấy lại kích thích trí tò mò của tôi, làm cho tôi để tâm đến tên tuổi “Mendel-Morgan”. Nhưng hồi ấy, những năm 1960, làm gì có tài liệu để đọc? Vì thế tên tuổi Mendel-Morgan đã đi vào tâm khảm tôi như một bí ẩn “để dành” cho tương lai, hy vọng một ngày nào đó sẽ biết. Mãi cho đến khi Di truyền học Mendel được chính thức đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông ở Việt Nam thì bí mật về Mendel mới bắt đầu được vén mở[2]. Tuy nhiên, sách báo Việt ngữ về lĩnh vực này cho đến nay cũng vẫn còn quá nghèo nàn, nói gì đến nửa thế kỷ trước đây. Vì thế phải đợi mãi tới khi internet bùng nổ thì thông tin về Di truyền học hiện đại mới đến được với mọi người – đến với bất kỳ ai khao khát muốn biết sự thật liên quan đến Di truyền học Mendel và Thuyết tiến hóa Darwin. Đó mới là lúc tôi thực sự được giải toả trí tò mò về Mendel-Morgan.

Tất nhiên tôi phải tự học. Điều đó không dễ. Nhưng thời gian và tình yêu đối với sự thật giúp tôi vượt qua các trở ngại để ngày càng hiểu rõ hơn về Di truyền học Mendel. Càng tìm hiểu về Mendel-Morgan, tôi càng kinh ngạc khi thấy nhiều sự thật liên quan đến Mendel và Thuyết tiến hóa đã bị các nhà tiến hóa che đậy hoặc bóp méo.

Tại sao họ phải che đậy hoặc bóp méo?

Vì các nguyên lý của Di truyền học Mendel tự động bác bỏ Thuyết tiến hóa Darwin. Bản thân Mendel cũng bác bỏ nhiều điểm trong lý thuyết của Darwin. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này trong câu chuyện hôm nay. Nhưng ngay bây giờ cần biết rằng để cứu vãn tình thế, các nhà tiến hóa đã tìm mọi cách mô tả Mendel như một người ủng hộ Thuyết tiến hóa, thậm chí Mendel đã “vô tình có đóng góp lớn” cho Thuyết tiến hóa Darwin (!!!). Sự dối trá này thật kinh khủng. Khó có thể tưởng tượng một sự bịa đặt bóp méo hình ảnh Mendel một cách trơ trẽn đến như thế!

Nhưng ngay từ đầu thế kỷ 20 đã có những tiếng nói sáng suốt chính trực cất lên để bênh vực sự thật. Một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất là Thomas Morgan, nhà di truyền học giỏi nhất thế kỷ 20, người được coi là đã cùng với Gregor Mendel thiết lập nên nền tảng của Di truyền học hiện đại.   

Thomas Hunt Morgan

Thomas Hunt Morgan (1866 –1945) là một nhà di truyền học lỗi lạc người Mỹ. Giống như Mendel, ngay từ nhỏ Morgan đã say mê tìm hiểu động vật và lịch sử tự nhiên. Năm 10 tuổi, cậu bé Morgan đã tự xây dựng cho mình một bộ sưu tập các loài chim, trứng chim và những hóa thạch mà cậu tìm kiếm được. Năm 1886, Morgan tốt nghiệp Đại học Kentucky với bằng Cử nhân khoa học. Năm 1890, ông lấy bằng Tiến sĩ động vật học tại Đại học Johns Hopkins.

Trong những năm 1900, khi các Định luật Mendel về Di truyền vừa được tái khám phá ở Châu Âu, Morgan cũng bắt tay ngay vào nghiên cứu sự di truyền theo lý thuyết của Mendel. Đối tượng nghiên cứu của ông là ruồi giấm Drosophila, mục tiêu đầu tiên của ông là xác nhận các Định luật Mendel trong thế giới động vật, đồng thời săn tìm các “đơn vị rời rạc” làm nhiệm vụ di truyền mà Mendel gọi là các “elemente” (yếu tố di truyền), sau này được gọi là “gene”.

Năm 1933, ông đoạt Giải Nobel về sinh lý học/y khoa vì đã khám phá ra vai trò của nhiễm sắc thể trong sự di truyền, chỉ ra rằng gene được sắp xếp dọc theo nhiễm sắc thể. Một nhiễm sắc thể đơn lẻ có thể có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn gene.

Khám phá của Morgan làm rung động thế giới, vì nó chứng minh rằng tiên đoán của Gregor Mendel về sự tồn tại của các yếu tố di truyền là sự thật 100%! Ngay lập tức khám phá của Morgan được xem như cùng với các Định luật Mendel về Di truyền, thiết lập nên nền tảng cơ bản của Di truyền học hiện đại.

Ngoài ra Morgan còn khám phá ra những tỷ lệ toán học di truyền mới ở ruồi giấm Drosophila không tuân thủ các tỷ lệ di truyền mà Mendel đã khám phá. Điều này cho thấy Morgan là nhà khoa học sáng tạo vượt xa giới khoa học hủ nho chỉ biết tôn thờ sách vở như những tín điều. Những sáng tạo này đưa tên tuổi Morgan lên hàng những nhà khoa học hàng đầu, và xứng đáng được gắn liền với tên tuổi của Mendel. 

Trong toàn bộ sự nghiệp của mình, Thomas Morgan đã xuất bản tới 22 cuốn sách và 370 bài báo khoa học – một khối lượng nghiên cứu khổng lồ ít ai sánh kịp. Khoa Sinh học do ông thành lập tại Viện Công nghệ California đến nay đã sản xuất ra 7 nhà khoa học đoạt Giải Nobel.

Điều đặc biệt thú vị là Thomas Morgan, giống như William Bateson, một nhà di truyền học hàng đầu của Anh đầu thế kỷ 20, đã sớm nhận thấy bản chất mâu thuẫn giữa Di truyền học Mendel với Thuyết tiến hóa Darwin. Câu nói bất hủ của ông, rằng “Các định luật Mendel đã ban phát súng ân huệ cuối cùng cho học thuyết chọn lọc tự nhiên”, có lẽ đã quá đủ để nói lên bản chất phi khoa học và phản khoa học của Thuyết tiến hóa. Phi khoa học vì vô bằng chứng về biến đổi loài, phản khoa học vì mâu thuẫn với các Định luật Mendel về Di truyền.

Thật vậy, ngay từ năm 1903, trong cuốn “Evolution and adaptation” (Tiến hóa và thích nghi), Morgan đã vạch trần tình trạng vô bằng chứng của Thuyết tiến hóa, đòi hỏi giới khoa học phải thừa nhận sự thật này để xem xét lại cơ sở khoa học của Thuyết tiến hóa. Cụ thể, ông nói:

Trong lịch sử nhân loại, chúng ta không hề biết một trường hợp cá biệt nào về sự biến đổi của một loài này thành một loài khác. Có thể khẳng định rằng lý thuyết về nguồn gốc còn thiếu sót, do đó, trên phương diện cốt yếu nhất cần phải đặt lý thuyết (này) trên cơ sở khoa học, điều này phải được thừa nhận[3].

Khái niệm “lý thuyết về nguồn gốc” (theory of descent) ở đây phải được hiểu là lý thuyết “về nguồn gốc các loài” của Darwin, đúng như tên cuốn sách đầu tiên của Darwin. Đó là một khái niệm do chính Darwin thường sử dụng để nói về cái mà ngày nay ta gọi là Thuyết tiến hóa Darwin. Vậy, câu nói của Morgan có nghĩa là:

  • Một, không hề có bất cứ một bằng chứng thực tế nào xác nhận sự biến đổi loài như Darwin đã mô tả trong cuốn “Về Nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species, 1859), hoặc cuốn “Nguồn gốc loài người” (The Descent of Man, 1871).
  • Hai, sự thiếu vắng bằng chứng biến đổi loài cho thấy Thuyết tiến hóa Darwin không có cơ sở khoa học. Cần phải thừa nhận sự thật này để xem xét lại cơ sở khoa học của Thuyết tiến hóa Darwin.

Thực ra điều Morgan nói không phải là mới. Chính Darwin từng thú nhận rằng nếu không tìm thấy bằng chứng hóa thạch loài trung gian chuyển tiếp (transitional forms) thì lý thuyết của ông sẽ sụp đổ. Một thời gian dài sau khi Darwin mất, giới tiến hóa vẫn không hề tìm thấy bằng chứng. Tình trạng này làm cho Thuyết tiến hóa mấy uy tín nghiêm trọng. Trong cơn bế tắc đó, một nhóm các nhà tiến hóa đã đánh liều chế tạo ra một bằng chứng giả mạo, đó là hóa thạch “Người-vượn Piltdown”, đánh lừa được thế giới trong một thời gian dài tới ngót nửa thế kỷ! Mãi cho tới năm 1953 vụ lừa đảo này mới bị vạch mặt. Còn một số vụ lừa đảo khác về bằng chứng biến đổi loài, nhưng đều bị vạch trần là lừa đảo. Hiện nay các nhà tiến hóa không dám tiếp tục làm bằng chứng giả mạo nữa, nhưng họ tìm cách tảng lờ tình trạng vô bằng chứng biến đổi loài. Để làm điều đó, họ tìm cách chơi trò đánh lận con đen, mô tả mọi biến đổi của sinh vật đều là tiến hóa. Khi bị chất vấn về bằng chứng tiến hóa, họ luôn luôn đưa ra bằng chứng biến đổi trong loài, và trơ trẽn nói đó là bằng chứng tiến hóa. Nếu bị phản đối, họ nói đó là “vi tiến hóa”. Tất nhiên, những trò đánh lận con đen kiểu đó chỉ đánh lừa được những người ngây thơ, nhẹ dạ cả tin. Làm sao đánh lừa được những người hiểu biết, có bản lĩnh khoa học – những người biết rõ cái “gót chân A-sin” của Thuyết tiến hóa mà Thomas Morgan đã vạch trần cho mọi người thấy: đó là tình trạng tuyệt đối vô bằng chứng biến đổi loài!

Morgan mất năm 1945. Từ đó đến nay đã là 78 năm, Trong suốt 78 năm qua, Thuyết tiến hóa vẫn tuyệt đối vô bằng chứng biến đổi loài. Liệu trong tương lai, có hy vọng nào cho việc tìm kiếm bằng chứng biến đổi loài không?

Câu trả lời khẳng định là KHÔNG! Vì nhiều lý do:

  • Về mặt lý thuyết, Di truyền học Mendel chỉ ra rằng LOÀI LÀ CỐ ĐỊNH!
  • Về mặt thực tiễn, các tầng vỉa địa chất hoàn toàn vắng bóng hóa thạch loài trung gian chuyển tiếp.
  • “Vụ nổ Cambri”[4] cho thấy hầu hết các loài đều ra đời gần như cùng một lúc!
  • Gần đây, những nghiên cứu về DNA ty thể[5] cũng cho thấy các loài ra đời cùng một lúc!

Các nhà tiến hóa không muốn bạn biết những sự thật nói trên. Nhưng Thomas Morgan, ngay từ đầu thế kỷ 20 đã lớn tiếng khẳng định rằng: “Tự nhiên tạo ra các loài mới ngay lập tức![6]

Có nghĩa là tự nhiên không tạo ra loài mới theo kiểu Darwin – kiểu sinh vật biến đổi dần dần từng tí một thông qua chọn lọc tự nhiên, và vô số biến đổi nhỏ trong một thời gian vô cùng dài sẽ tích tụ thành một biến đổi lớn làm thay đổi loài, tức là xuất hiện loài mới.

Giới tiến hóa lập luận rằng những biến đổi do tác động của chọn lọc tự nhiên thường diễn ra rất chậm, không thể quan sát được. Đó là ngụy biện! Khoa học hiện đại cho phép quan sát những biến đổi rất nhanh của vi sinh vật trong hàng triệu thế hệ. Quả thật sinh vật có biến đổi để thích nghi, nhưng không bao giờ biến thành loài mới. Những người có trực giác nhạy bén đều nghi ngờ học thuyết chọn lọc tự nhiên dẫn tới loài mới. Thomas Morgan là một người như thế. Giống như William Bateson, một nhà di truyền học xuất sắc của Anh đầu thế kỷ 20, Morgan “nghi ngờ quan điểm cho rằng các loài xuất hiện bởi chọn lọc tự nhiên[7].

Tóm lại, Thomas Morgan hơn ai hết đã chỉ ra cho nhân loại thấy rõ cái gót chân A-sin của Thuyết tiến hóa Darwin, đó là:

  1. Học thuyết này hoàn toàn vô bằng chứng về biến đổi loài
  2. Học thuyết này hoàn toàn trái với Di truyền học Mendel.

Dó đó Thuyết tiến hóa Darwin không phải là một khoa học đúng nghĩa.

Nhưng …

Sự ngoan cố của giới tiến hóa vượt xa mức chúng ta có thể tưởng tượng. Để cứu vãn Thuyết tiến hóa, họ đã không ngần ngại bóp méo sự thật ở mức đáng kinh ngạc. Bạn cần biết điều đó, nếu bạn muốn biết sự thật của Thuyết tiến hóa.

Giới tiến hóa bóp méo sự thật như thế nào?

Đầu thế kỷ 20, việc tái khám phá ra các Định luật Mendel về Di truyền đặt Thuyết tiến hóa trước nguy cơ sụp đổ.

Thật vậy, các định luật Mendel chỉ ra rằng những biến dị hình thành bởi chọn lọc tự nhiên không thể di truyền được, vì chúng không hề làm thay đổi bộ gene. Đó là đòn chết người giáng xuống Thuyết tiến hóa.

Để cứu vãn tình thế, các nhà tiến hóa đã đề xuất một giả thuyết mới – giả thuyết cho rằng sự tích tụ vô số các đột biến gene sẽ làm biến đổi bộ gene, tức là dẫn tới sự biến đổi loài. Giả thuyết này làm cơ sở cho một học thuyết mới được gọi là “Lý thuyết tổng hợp về tiến hóa” (Evolutionary Synthesis), hoặc đơn giản là “Học thuyết Tân-Darwin” (Neo-Darwinism). Việc xây dựng Lý thuyết tổng hợp về tiến hóa diễn ra trong khoảng thời gian từ 1918 đến 1947. Chú ý rằng giai đoạn này cũng chính là giai đoạn bằng chứng hóa thạch giả mạo “Người-vượn Piltdown” đang làm mưa làm gió, đánh lừa được cả thế giới rằng người-vượn là chuyện có thật, thuyết tiến hóa là một lý thuyết khoa học có bằng chứng hẳn hoi, chứ không phải là bịa đặt. Nói cách khác, đây là giai đoạn toàn thế giới đang bị chìm trong ảo giác về tiến hóa.

Tại sao lý thuyết mới được gọi là lý thuyết tổng hợp? Vì nó là phép cộng của 2 lý thuyết: 

  Học thuyết Tân Darwin = Lý thuyết di truyền của Mendel + Thuyết tiến hóa Darwin  

Để thực hiện phép cộng này, các nhà tiến hóa bắt buộc phải bóp méo bức chân dung Mendel sao cho ra dáng một nhà khoa học tiến hóa. Chẳng hạn:

Bài báo “Mendel và Darwin[8] trên trang NCBI của Trung tâm quốc gia về Thông tin Công nghệ Sinh học ở Mỹ ngày 18/07/2022, viết:

“Lý thuyết hiện đại dựa trên sự hôn phối các ý tưởng của Mendel và Darwin, như đã được R. A. Fisher thực hiện một cách toàn diện nhất, vừa là thành tựu của Darwin vừa là thành tựu của Mendel”[9].

Trời đất ơi, Di truyền học Mendel đã bị “cưỡng hôn” với Thuyết tiến hóa Darwin để cho ra đứa con là Học thuyết Tân-Darwin. Đứa con này được coi là một “thành tựu” của Mendel (!!!).

Khó có thể tưởng tượng một sự bóp méo sự thật trơ trẽn đến như thế!

Chưa hết, bài báo đó còn viết:

“Đóng góp của Mendel cho sinh học tiến hóa là tình cờ. Bất chấp điều đó, chính công trình của Mendel đã hoàn thiện lý thuyết của Darwin”[10].

Chữ “tình cờ” ở đây buộc tôi phải dừng lại khá lâu để suy nghĩ. Thậm chí phải đọc xong bài báo mới hiểu. Thì ra ý bài báo đó muốn nói rằng Thuyết tiến hóa của Darwin vấp phải chuyện rắc rối là vấn đề di truyền. Chính Darwin từng thú nhận rằng vấn đề di truyền rắc rối quá, nhiều điều ông không hiểu rõ. Vậy thì Di truyền học Mendel chính là cái bù khuyết tuyệt vời cho Darwin, mặc dù Mendel không có ý định đó (vì thế mới nói rằng Mendel “tình cờ” đóng góp cho Thuyết tiến hóa). Bản thân Darwin cũng không biết gì về Mendel. Vậy thì hậu thế sẽ giúp Darwin làm công việc bù khuyết đó. Nói cách khác, hậu thế sẽ làm cuộc hôn phối tư tưởng cho Mendel và Darwin, để tạo ra đứa con hoàn hảo về tiến hóa, được gọi là Lý thuyết tổng hợp, hoặc học thuyết Tân-Darwin (!!!).

Những người mê Thuyết tiến hóa có lẽ sẽ cảm thấy đây là cuộc hôn phối tuyệt vời. Nhưng những người hiểu rõ Di truyền học Mendel sẽ nói:

KHÔNG! Đây là một vụ “cưỡng hôn”, vì Di truyền học Mendel mâu thuẫn về bản chất với Thuyết tiến hóa Darwin! Nhưng khoan hãy nói chuyện này. Bây giờ xin hãy tiếp tục tìm hiểu các nhà tiến hóa bóp méo sự thật ra sao.

Đây, một bài báo khác của giới tiến hóa nhan đề “Mendel and Darwin: untangling a persistent enigma” (Mendel và Darwin: gỡ rối một bí ẩn dai dẳng)[11], trên tạp chí Nature ngày 17/12/2019, đưa ra một nhận định vô lý, phản logic đến mức đáng ngạc nhiên. Bài báo viết: 

“Mendel xuất hiện với hình ảnh một nhà khoa học tỉ mỉ, người đã chấp nhận các nguyên lý của thuyết tiến hóa Darwin, trong khi cá nhân Mendel chỉ ra rằng các khía cạnh trong quan điểm của Darwin về di truyền không phù hợp với những thí nghiệm của chính Mendel”[12].

Có nghĩa là Mendel biết rõ rằng Darwin hiểu SAI về di truyền, nhưng Mendel vẫn chấp nhận các nguyên lý của Thuyết tiến hóa Darwin (!!!). Đây là chỗ để lộ ra trình độ kém cỏi về logic của tác giả bài báo. Thật vậy:

Sự di truyền là NỀN TẢNG của sự sống, do đó, sự hiểu biết về di truyền cũng đóng vai trò nền tảng của mọi lý thuyết về sự sống. Một lý thuyết về sự sống dựa trên một nền tảng sai lầm về nhận thức di truyền ắt cũng sai lầm. Nói cách khác:

Nhận thức về di truyền là HỆ TIỀN ĐỀ của Lý thuyết về sự sống. Nếu hệ tiên đề đã SAI, suy ra toàn bộ lý thuyết dựa trên hệ tiến đề ấy cũng sẽ SAI. Đó chính là trường hợp của Thuyết tiến hóa Darwin. Thật vậy, nhận thức của Darwin về Di truyền hoàn toàn SAI, suy ra toàn bộ Thuyết tiến hóa Darwin SAI.

Vậy phải chăng Thuyết Tân-Darwin sẽ đúng, vì nó lấy Di truyền học Mendel làm cơ sở cho mọi lập luận liên quan đến di truyền?

Câu trả lời là KHÔNG! Vì Di truyền học Mendel mẫu thuẫn với Thuyết tiến hóa về bản chất. Thật vậy:

Nếu lấy Di truyền học Mendel làm HỆ TIÊN ĐỀ thì hệ luận tất yếu sẽ là KHÔNG CÓ TIẾN HÓA, vì LOÀI LÀ CỐ ĐỊNH! Điều này phản lại Thuyết tiến hóa Darwin. Do đó, Thuyết Tân-Darwin thực chất là một trò hề vá víu. Thực tế chứng minh rằng Thuyết Tân-Darwin cũng là một lý thuyết không có cơ sở khoa học, vì không ai chỉ ra được bất kỳ một trường hợp đột biến ngẫu nhiên nào là “có lợi”. Thực tiễn chỉ ra rằng đột biến ngẫu nhiên luôn dẫn tới bệnh hoạn và cái chết.

Giải Nobel Hóa học năm 2018 được mô tả như một thắng lợi của Thuyết Tân-Darwin vì chỉ ra một đột biến “có lợi”. Đó là nói dối trắng trợn. Để biết sự thật, xin đọc bài: “Giải Nobel Hoá học 2018”[13] trên viethungpham.com ngày 05/10/2018.

Nhưng tại sao có thể quả quyết Di truyền học Mendel mâu thuẫn với Thuyết tiến hóa Darwin? Thiết nghĩ, một học sinh lớp 12 có thể hiểu rõ điều này.

Cụ thể, Darwin rất thích quan điểm di truyền của Lamarck, đó là sự di truyền những “đặc tính mới giành được” (acquired characteristics) – những đặc điểm không do bẩm sinh, mà hình thành trong quá trình sống, thông qua quá trình tương tác với môi trường. Thí dụ hươu cao cổ có cái cổ cao vì chúng thường vươn cổ lên cao để tìm kiếm thức ăn trên cao. Dưới ánh sáng của Di truyền học Mendel, quan điểm di truyền của Lamarck đã bị chứng minh là sai lầm, vì mọi biến đổi phi bẩm sinh không thể di truyền được cho các thế hệ sau. Đơn giản vì chúng không hề làm thay đổi bộ gene.

Nhưng Darwin không hề hay biết gì về Di truyền học Mendel, vì thế ông đã áp dụng quan điểm của Lamarck để giải thích sự di truyền những biến dị “có lợi” nẩy sinh do chọn lọc tự nhiên, và lập luận rằng sự tích tụ vô số những biến dị như thế sẽ dẫn đến biến đổi loài, tức là dẫn tới tiến hóa!

Nhưng các Định luật Mendel về Di truyền đã giáng cho học thuyết Darwin một đòn chết người khi nó chỉ ra rằng các “biến dị có lợi do chọn lọc tự nhiên” ấy không thể di truyền cho các thế hệ sau, vì chúng không hề làm thay đổi bộ gene! Đó chính là lý do vì sao Thomas Morgan tuyên bố các Định luật Mendel về Di truyền đã “ban phát súng ân huệ cuối cùng cho khái niệm chọn lọc tự nhiên”! Phát súng ấy làm cho toàn bộ lý luận của Darwin đổ sụp!

Vì thế, một khi đã hiểu rõ Di truyền học Mendel thì sẽ thấy ngay rằng Di truyền học Mendel mâu thuẫn về bản chất với Thuyết tiến hóa Darwin. Việc cố tình hôn phối tư tưởng của Mendel với Darwin thực chất là phản khoa học, phản lại Mendel, vì hình ảnh của Mendel trong cuộc hôn phối này đã bị bóp méo sao cho Mendel trông giống như một nhà tiến hóa!

Nếu Mendel còn sống, chắc chắn ông sẽ không để yên. Ông sẽ lên tiếng về những trò gán ghép giả dối mà các nhà tiến hóa đã làm.

Vậy hãy tìm hiểu xem Mendel nghĩ gì về Thuyết tiến hóa Darwin.

Mendel nghĩ gì về Thuyết tiến hóa Darwin?

Trong một bài nói chuyện của chính Mendel nhan đề “Thí nghiệm trong vườn tu viện” (Experiments in a Monastery Garden)[14], Mendel kể rằng, có lần có một vị khách đến thăm tu viện của ông đã hỏi ông có biết các tác phẩm của Darwin không, Mendel đã trả lời rất rõ ràng như sau:

“Có, tôi đã đọc hầu hết mọi thứ mà ông ấy viết về chủ đề tiến hóa … Từ lâu, tôi đã nghĩ rằng có điều gì đó thiếu sót trong lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin. Và tôi cũng đã đặt câu hỏi về quan điểm của Lamarck. Tôi đã từng nỗ lực để kiểm tra ảnh hưởng của môi trường đối với thực vật. Tôi đã cấy một số loại cây từ môi trường sống tự nhiên của chúng vào khu vườn của tu viện. Mặc dù được trồng song song với hình thức đặc trưng của vườn, không có sự thay đổi nào xảy ra ở hình thức trồng chuyển đổi do sự thay đổi của môi trường, thậm chí sau vài năm. Tự nhiên không sửa đổi các loài theo cách đó, vì vậy một số lực khác phải hoạt động”.

Những chữ tô đậm ở trên là do tôi nhấn mạnh. Cần phải nhấn mạnh những ý kiến rất quan trọng trong câu nói đó. Cụ thể:  

● Lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin có cái gì đó không ổn. Mendel không nói rõ cái gì không ổn, nhưng đoạn tiếp theo chính là câu trả lời: Mendel đã kiểm tra tác động của môi trường đối với sinh vật, và ông không hề thấy một biến đổi nào nẩy sinh do chọn lọc tự nhiên, mặc dù ông đã làm thay đổi môi trường sống của những đối tượng thí nghiệm, và việc kiểm tra này kéo dài hàng năm chứ không phải ngắn hạn. Câu kết của Mendel rất rõ ràng: “Tự nhiên không sửa đổi các loài theo cách đó”, tức là tự nhiên không sửa đổi các loài theo cách của Darwin. Đây cũng chính là suy nghĩ của Thomas Morgan, như chúng ta đã thấy ở phần trên.

● Lý thuyết của Lamarck cũng không ổn. Rõ ràng là Mendel muốn ám chỉ lý thuyết của Lamarck về sự di truyền các đặc tính mới giành được, mà Darwin đã áp dụng để giải thích sự di truyền các biến dị hình thành do chọn lọc tự nhiên. Khi Mendel nói ông “đặt câu hỏi” với Lamarck, tức là ông chất vấn Lamarck, thể hiện thái độ rõ ràng là không tin Lamarck, bác bỏ Lamarck. Tất cả những gì Mendel nói về Lamarck cũng là nói về Darwin, vì Darwin đã rập khuôn tư tưởng của Lamarck về di truyền.

Ấy thế mà các nhà tiến hóa dám mô tả Mendel là người chấp nhận Thuyết tiến hóa Darwin. Đó có phải là chuyện bịa đặt trơ trẽn không?

Chưa hết! Nếu Thuyết tiến hóa của Darwin cho rằng sinh vật, do thích nghi với điều kiện sống, có thể biến đổi dần dần từng tí một và tích tụ vô số những biến đổi như thế sẽ dẫn tới tiến hóa, thì Mendel chỉ ra rằng sự di truyền các tính trạng là trọn vẹn và lâu bền, và ông không hề quan sát thấy sự biến đổi dần dần từng tí một nào như Darwin tưởng tượng. Thật vậy, trong một bức thư viết ngày 18/04/1867 gửi cho Carl Nageli, một nhà thực vật học nổi tiếng đương thời, Mendel cho biết:

“Tôi có xu hướng coi sự phân ly các tính trạng của cha mẹ trong các thế hệ con lai ở cây đậu vườn là trọn vẹn và lâu bền. Con lai mang một trong hai tính trạng của cha hoặc mẹ, hoặc dạng lai của cả hai; Tôi chưa bao giờ quan sát thấy sự chuyển đổi dần dần từng tí một giữa các đặc điểm của cha mẹ hoặc sự tiếp cận dần dần đến một trong các tính trạng đó”[15].

Trong một thư khác viết ngày 03/07/1870 cũng gửi cho Carl Nageli, Mendel khẳng định các thí nghiệm của ông là đúng, và do đó những tuyên bố của Darwin về các giống lai là sai. Đây, Mendel viết:

“Trong số các thí nghiệm của những năm trước, những thí nghiệm đối với các giống cây Matthiola annua và glabra, Zea và Mirabilis đã được kết thúc vào năm ngoái. Những con lai của chúng cư xử giống hệt như những con lai của cây đậu vườn Pisum. Các tuyên bố của Darwin liên quan đến các giống lai của các chi được đề cập trong bài báo “Sự biến đổi của động vật và thực vật được thuần hóa”, dựa trên báo cáo của những người khác, cần được sửa chữa ở nhiều khía cạnh”[16].

Mendel được biết là một người hiền lành. Vì thế những phát biểu của ông luôn luôn thể hiện một tính cách nhã nhặn, lịch sự. Khi ông nói rằng các tuyên bố của Darwin về các giống lai cần được sửa chữa ở nhiều khía cạnh thì chúng ta phải hiểu ý ông muốn nói rằng Darwin sai rồi, Darwin chẳng hiểu gì về sự thật của di truyền cả. Hiểu sai về di truyền là hiểu sai về bản chất sự sống, vì di truyền chính là huyết mạch của sự sống! Nếu Darwin đã hiểu sai bản chất sự sống thì mọi ý kiến của ông về sự sống cũng sẽ sai. Đó chính là Thuyết tiến hóa.  

Để kết mục này, xin nhắc đến một nhà khoa học có ảnh hưởng lớn đến Mendel, đó là Karl Friedrich von Gärtner.

Karl Gärtner (1772 – 1850) là một nhà thực vật học nổi tiếng người Đức. Trước khi Thuyết tiến hóa ra đời, nhiều nhà thực vật học ở Đức cũng đã có những ý tưởng về tiến hóa khi nghĩ rằng sự lai tạo có thể dẫn đến loài mới. Gärtner vốn là một chuyên gia về lai tạo thực vật, do đó ông cũng tiến hành những thí nghiệm lai tạo của riêng mình để kiểm tra xem việc lai tạo có thể dẫn tới loài mới hay không. Kết quả thí nghiệm của Gärtner cho thấy điều hoàn toàn ngược lại, rằng loài là cố định, rằng sinh vật có xu hướng hoàn nguyên (trở lại nguồn gốc ban đầu). Gärtner chỉ ra rằng quả thật sinh vật có thể biến đổi nhưng không phải là biến đổi tùy ý, mà chỉ biến đổi trong một phạm vi giới hạn nhất định, giới hạn đó là biến đổi bên trong loài.

Mendel, trong công trình chủ yếu của ông mang tên “Thí nghiệm lai tạo cây trồng” đã nhiều lần nhắc đến Gärtner. Điều này cho thấy Gärtner có ảnh hưởng rõ rệt đến Mendel. Trong phần kết công trình, Mendel tỏ rõ thái độ ủng hộ quan điểm của Gärtner về tính cố định của loài. Ông nói:

“Căn cứ vào kết quả những thí nghiệm của mình về sự biến đổi, Gärtner đã đi tới chỗ chống đối lại ý kiến của những người theo chủ nghĩa tự nhiên đó – những người chống lại tính ổn định của các loài cây cối và tin vào một sự tiến hóa liên tục của thực vật. Ông ấy nhận thấy bằng chứng không thể chối cãi rằng loài là cố định bên trong những giới hạn mà chúng không thể biến đổi vượt quá giới hạn ấy[17].

Tóm lại, tự nhiên không sửa đổi các loài theo cách của Darwin, đó là tư tưởng của Gregor Mendel[18]. Các nhà tiến hóa đã ngụy biện khi nói rằng Mendel là người chấp nhận Thuyết tiến hóa Darwin. Họ buộc phải làm thế thực ra là để cứu vãn Thuyết tiến hóa trước nguy cơ sụp đổ vì mâu thuẫn với Di truyền học Mendel mà thôi.

Nhưng bất chấp nỗ lực che đậy sự thật của giới tiến hóa, rất nhiều nhà khoa học sáng suốt và chính trực khác cũng lên tiếng bênh vực sự thật.

Các nhà khoa học chính trực lên tiếng bênh vực sự thật

William Bateson (1861 – 1926) là một nhà sinh học lớn của Anh đầu thế kỷ 20, người đã dịch công trình “Thí nghiệm lai tạo cây trồng” của Gregor Mendel từ nguyên bản tiếng Đức sang tiếng Anh, và là người có công lớn trong việc phổ biến Di truyền học Mendel ra khắp thế giới.

Giống như Thomas Morgan, Bateson là người nghi ngờ quan điểm cho rằng chọn lọc tự nhiên là cơ chế “mầu nhiệm” của sự tiến hóa. Ngay từ buổi bình minh của thế kỷ 20, ông đã lập tức tuyên bố:      

Khái niệm về sự tiến hóa diễn ra thông qua sự biến đổi dần dần của hàng loạt cá thể bằng cách tích lũy những thay đổi không thể lường trước là một điều mà nghiên cứu về di truyền học ngay lập tức cho thấy là sai lầm[19].

Bách khoa toàn thư Britannica[20] của Anh nhận định về William Bateson như sau:

“Tại Vương quốc Anh, nhà sinh học William Bateson đã trở thành người giới thiệu và ủng hộ mạnh mẽ nhất cho lý thuyết Mendel. Ông tập hợp xung quanh mình một đội ngũ những người ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, thuyết tiến hóa của Darwin được cho là chủ yếu dựa trên việc lựa chọn các biến đổi nhỏ và pha trộn, trong khi lý thuyết của Mendel làm việc với các biến thể rõ ràng là không thể pha trộn. Bateson sớm nhận ra rằng việc bênh vực Mendel gây nên sự chống đối của những người theo học thuyết Darwin. Bateson và những người ủng hộ ông được gọi là những người theo Mendel, và công trình của họ bị xem là không phù hợp với thuyết tiến hóa”.

Tại Đức, Tiến sĩ Wolf-Ekkehard Lönnig[21], chuyên gia di truyền học thuộc Viện Max Planck, khẳng định một cách dứt khoát bản chất mâu thuẫn giữa Di truyền học Mendel với Thuyết tiến hóa Darwin. Ông nói:

Tất cả các bằng chứng đều chỉ ra lý do chính như sau: Ý tưởng của Mendel về tính di truyền và sự tiến hóa hoàn toàn trái ngược với ý tưởng của Darwin và những người theo Darwin. Darwin tin vào sự di truyền của các đặc tính mới giành được … và quan trọng nhất là tin vào sự tiến hóa liên tục. Ngược lại, Mendel bác bỏ cả hai, cả sự di truyền các đặc tính mới giành được lẫn sự tiến hóa. Các quy luật do Mendel khám phá được hiểu là quy luật của các yếu tố bất biến đối với một sự biến đổi lớn nhưng hữu hạn, không chỉ đối với các giống nuôi cấy mà còn đối với các loài trong tự nhiên. Trong chuyên luận ngắn của mình, Thí nghiệm lai tạo cây trồng … Mendel không ngừng nói về “các đặc tính không đổi”, “con cái không đổi”, “các tổ hợp không đổi”, “các hình dạng không đổi”, “định luật không đổi”, “một loài không đổi”, v.v. (trong những kết hợp như vậy tính từ “không đổi” xuất hiện tổng cộng 67 lần trong bài báo gốc tiếng Đức). Ông tin rằng các quy luật di truyền mà ông đã khám phá đã chứng thực kết luận của Gärtner “rằng các loài là cố định với những giới hạn mà chúng không thể vượt quá”.

Ý kiến đó nêu bật sự đối lập giữa Mendel và Darwin ở 2 điểm:

  • Darwin tin vào sự di truyền của những đặc tính phi bẩm sinh, nhưng Mendel bác bỏ, vì những tác động ngoại lai không làm thay đổi các yếu tố di truyền bên trong sinh vật (tức không làm thay đổi bộ gene).
  • Darwin tin vào sự tiến hóa liên tục, tức sự biến đổi dần dần từng tí một, nhưng Mendel bác bỏ, vì sự di truyền tuân thủ các định luật xác định, không thay đổi. Nói cách khác, Di truyền học Mendel khẳng định LOÀI LÀ CỐ ĐỊNH.

Bài báo Mendel and his legacy[22] (Mendel và Di sản của Mendel) của T.M. Cox trên Tạp chí Y khoa quốc tế số 4, Tháng 4/1999, đưa ra một nhận xét rất thú vị, khắc họa chính xác bức chân dung tương phản giữa Mendel và Darwin, rằng:

Các chú thích của Mendel về một số văn bản của Darwin, mà ông mua lại cho thư viện của Tu viện, cho thấy niềm say mê của Mendel nhưng cũng cho thấy sự khó chịu của Mendel đối với các khía cạnh suy đoán trong sự giải thích của Darwin về tính di truyền, và về kỹ thuật thụ tinh chéo kém thực nghiệm của Darwin”.

Làm sao một Mendel cảm thấy khó chịu với những giải thích của Darwin về di truyền lại có thể trở thành một người tán thưởng Học thuyết Darwin như mấy nhà tiến hóa đã bịa đặt?

Làm sao một Mendel sành sỏi điêu luyện trong thực hành thí nghiệm lai tạo thực vật lại có thể tán thưởng một Darwin kém cỏi trong thực hành thí nghiệm?

Tội nghiệp cho ông Darwin, ông làm thí nghiệm kém quá nên không thu được bất cứ một kết quả thực nghiệm nào đáng giá để từ đó quy nạp thành các định luật sinh học chắc chắn giống như 2 nhà khoa học lỗi lạc cùng thời với ông là Louis Pasteur và Gregor Mendel đã làm. Trong toàn bộ sự nghiệp của Darwin, không hề có một thí nghiệm nào thành công để đi vào lịch sử khoa học, để cho chúng ta học hỏi và ghi nhớ. Di sản của Darwin chỉ là 2 cuốn sách chứa đựng toàn những phỏng đoán vô căn cứ, tuyệt nhiên không hề có bất cứ một định luật nào trong đó. Vì thế lý thuyết của ông gây tranh cãi đến nay vẫn không chấm dứt. Nhiều người có ấn tượng SAI LẦM rằng đây là cuộc tranh cãi giữa khoa học với tôn giáo. Không! Đây là cuộc tranh cãi giữa một bên là khoa học giả với một bên là khoa học thật, không dính dáng gì đến tôn giáo cả. Như Soren Lovtrup đã nói: Những người chống Thuyết tiến hóa vì lý do tôn giáo chỉ là thiểu số; phần lớn những người chống Thuyết tiến hóa đều dựa trên những lập luận hoàn toàn khoa học!

Vâng, mặc dù các nhà tiến hóa chiếm được nhiều cơ quan khoa học, nhưng chỉ có một thiểu số công chúng tin vào Thuyết tiến hóa Darwin, bất chấp học thuyết này được giảng dạy chính thức ở nhà trường, cả phổ thông lẫn đại học, bất chấp các cơ quan khoa học cao cấp bậc nhất như Hội đồng Nobel, tạp chí Nature, … cũng trở thành cánh tay nối dài của giới tiến hóa. Những cơ quan này đang tự đánh mất dần uy tín vì họ đang biến thành công cụ của giới tiến hóa. Sự thật có sức mạnh lớn hơn bất cứ một thứ danh hiệu nhãn mác nào. Dù danh hiệu nhãn mác đó là Giải thưởng Nobel cũng chẳng có ý nghĩa gì so với sự thật.

Sự thật đã lên tiếng thông qua các nhà khoa học như Thomas Morgan, như William Bateson … và thông qua cả những cuộc thăm dò dư luận về Thuyết tiến hóa nữa.

Chẳng hạn, cuộc thăm dò niềm tin vào Thuyết tiến hóa Darwin do Viện Gallup tiến hành năm 2014 cho kết quả chỉ có 19% người được hỏi tin vào học thuyết này[23].

Tại sao Thuyết tiến hóa đã được giảng dạy chính thức từ hơn một thế kỷ nay mà vẫn không chinh phục được lòng người?

Nhà sinh học Ernest William MacBride, trong một bài báo nhan đề “Embryology and Evolution” (Phôi thai học và Thuyết tiến hóa) trên tạp chí Nature (1931), 127, 56., lên tiếng:

“Tôi đã theo dõi tất cả công việc đang diễn ra ở đó, và càng xem về nó, tôi càng tin rằng Lý thuyết Mendel không liên quan gì đến quá trình tiến hóa cả[24].

Vâng, đó là một nhận định CHÂN THẬT! Hoàn toàn trái ngược với những mô tả giả dối của các nhà tiến hóa rằng Mendel chấp nhận Thuyết tiến hóa, thậm chí Mendel là người hoàn tất Thuyết tiến hóa Darwin (!). Sự trơ trẽn của những mô tả này quả thật là quá sức tưởng tượng.

Bác sĩ y khoa Paul Kattupalli, trong một bài báo nhan đề “Gregor Mendel: Gardener of God” (Gregor Mendel: Người làm vườn của Chúa)[25], đã đưa ra những nhận định rất sắc sảo và chính xác về quan điểm của Mendel đối với Thuyết tiến hóa Darwin. Xin trích:

“Khi thế kỷ 19 gần kết thúc, lý thuyết của Darwin về tiến hóa do chọn lọc tự nhiên đã gặp phải một đòn trời giáng vào giá trị khoa học của nó khi các định luật di truyền của Mendel được tái khám phá. Hai tín điều cơ bản của học thuyết Darwin – những biến đổi nhỏ và sự chọn lọc tự nhiên – đã bị nghi ngờ và bị bác bỏ. Trong cuốn “Về Nguồn gốc các Loài” của ông, Darwin đã chấp nhận định luật Lamarck về sự di truyền các đặc điểm mới giành được. (Nhưng) công trình của Mendel trong lĩnh vực di truyền học đã chứng minh rằng những đặc điểm mới giành được của một sinh vật không thể di truyền cho thế hệ tiếp theo. Các sinh vật sinh sản dựa trên bản thiết kế di truyền của chúng chứ không phải do ảnh hưởng của môi trường …”.

Trong khi tranh luận, đám hủ nho thường sa vào tiểu tiết chứ không muốn hiểu bản chất của vấn đề. Thí dụ, khi thấy Mendel đọc kỹ tất cả sách của Darwin, thậm chí nhiều chỗ còn ghi chú bên lề trang sách, đám hủ nho sẽ loa lên cho mọi người biết rằng Mendel rất mê sách của Darwin, mê lý thuyết của Darwin, và Darwin đã có ảnh hưởng lớn đến Mendel. Dường như đoán được tâm lý đó nên bác sĩ Paul đã kết câu chuyện của mình bằng một gáo nước lạnh làm cho đám hủ nho thất vọng, rằng:

Mặc dù đã đọc các sách của Darwin, nhưng Mendel không tin vào Thuyết tiến hóa của ông ấy”.

Thay Lời Kết

Xin lấy một câu trong bài báo “Gregor Mendel: Người làm vườn của Chúa” của bác sĩ Paul thay cho lời kết:

“Georges Cuvier, người sáng lập ra cổ sinh học, bác bỏ ý tưởng tiến hóa, nhưng các nhà tiến hóa vẫn tin rằng hóa thạch hỗ trợ quá trình tiến hóa. Tương tự, Gregor Mendel, người sáng lập ra di truyền học hiện đại, đã bác bỏ ý tưởng của học thuyết Darwin, nhưng các nhà tiến hóa vẫn tin rằng (đột biến) gene thúc đẩy sự tiến hóa”.

Có nghĩa là Thuyết tiến hóa Darwin vẫn tồn tại cho đến ngày nay không phải vì nó đúng, mà vì nó được các nhà tiến hóa bảo vệ bằng mọi giá, bao gồm việc làm bằng chứng giả mạo, bóp méo sự thật …

Những người yêu sự thật và có bản lĩnh tư duy khoa học thực sự đều thấy rõ chiếc áo choàng khoa học của Thuyết tiến hóa Darwin đã rơi.

Không phải bây giờ nó mới rơi, mà rơi từ lâu rồi.

Rơi từ khi Gregor Mendel công bố công trình “Thí nghiệm lai tạo cây trồng” của ông tại Hội Nghiên cứ Khoa học Tự nhiên Brno. Đó là năm 1865-1866.  

Nếu giữa thế kỷ 19 nhân loại chưa hiểu Mendel thì đầu thế kỷ 20 mọi người đã bừng tỉnh để hiểu. Đó là nhờ công lao của các nhà khoa học tài giỏi và chính trực như Thomas Morgan, William Bateson, Hugo de Vries … và nhiều người khác.

Bất chấp chiếc áo choàng mà các nhà tiến hóa vẫn cố kéo lên để che phủ cho Học thuyết Darwin, Tiến sĩ Don Boys đã tuyên bố:

“Thuyết tiến hóa là một trò hề, một sự lừa dối, một sự giả mạo, một niềm tin!” (Evolution is a Farce, a Fraud, a Fake, and a Faith!)[26].

PVHg, Sydney 07/04/2023


[1] Mendel, Mendelism > https://www.studylight.org/encyclopedias/eng/tce/m/mendel-mendelism.html

[2] Nhà sinh học Nguyễn Phúc Giác Hải, lúc ấy là Trưởng Bộ môn Sinh học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, là người có công lớn trong việc này. Chính ông kể cho tôi nghe rằng ông đã làm một tờ trình gửi lên Giáo sư Tạ Quang Bửu, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, kiến nghị nhà nước phê chuẩn việc giảng dạy Lý thuyết Mendel về Di truyền cho học sinh phổ thông. Ông cho tôi xem tận mắt bản kiến nghị đó, trong đó GS Tạ Quang Bửu có phê bút rằng “Nếu không phê phán Lư-xen-cô thì thôi, phê phán như thế này thì chưa đủ”. Rốt cuộc, GS Tạ Quang Bửu tán thành với bản kiến nghị, GS đã làm việc với Bộ Giáo dục về việc này, và Bộ Giáo dục đã phê chuẩn chính thức đưa Lý thuyết Mendel về Di truyền vào giảng dạy ở trường phổ thông.

[3] Within the period of human history we do not know of a single instance of the transformation of one species into another one. It may be claimed that the theory of descent is lacking, therefore, in the most essential feature that it needs to place the theory on a scientific basis, this must be admitted > https://www.azquotes.com/quote/589845

[4] https://viethungpham.com/2015/09/25/life-explosion-su-bung-no-su-song/

[5] https://viethungpham.com/2018/08/29/very-bad-news-for-evolution-nhung-tin-rat-xau-cho-thuyet-tien-hoa/

[6] Thomas H. Morgan Biographical > Nature makes new species outright > https://www.nobelprize.org/prizes/medicine/1933/morgan/biographical/

[7] Thomas H. Morgan Biographical > like Bateson, was sceptical of the view that species arise by natural selection > https://www.nobelprize.org/prizes/medicine/1933/morgan/biographical/

[8] Mendel and Darwin > Abstract https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35858395/

[9] Abstract > The modern theory based on the marriage between Mendel’s and Darwin’s ideas as forged most comprehensively by R. A. Fisher is both Darwin’s achievement and Mendel’s.

[10] Abstract > Mendel’s contributions to evolutionary biology were fortuitous. Regardless, it is Mendel’s work that completed Darwin’s theory

[11] Mendel and Darwin: untangling a persistent enigma > Abstract https://www.nature.com/articles/s41437-019-0289-9#

[12] Abstract > The image that emerges of Mendel is of a meticulous scientist who accepted the tenets of Darwinian evolution, while privately pinpointing aspects of Darwin’s views of inheritance that were not supported by Mendel’s own experiments

[13] https://viethungpham.com/2018/10/05/nobel-prize-in-chemistry-2018-giai-nobel-hoa-hoc-2018/

[14] https://academic.oup.com/icb/article/26/3/749/264329

[15] https://en.wikiquote.org/wiki/Gregor_Mendel

[16] https://en.wikiquote.org/wiki/Gregor_Mendel

[17] Experiments in Plant Hybridization (1865) by Gregor Mendel > http://www.mendelweb.org/Mendel.html

[18] Một thế kỷ sau, Kurt Gödel, nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20, tác giả của Định lý Bất toàn, cũng nói điều tương tự: “Bộ não không thể hình thành theo kiểu Darwin”.

[19] https://en.wikiquote.org/wiki/William_Bateson

[20] https://www.britannica.com/biography/Gregor-Mendel/Theoretical-interpretation

[21] http://www.weloennig.de/mendel.htm#Summary

[22] https://academic.oup.com/qjmed/article/92/4/183/1586495

[23] https://viethungpham.com/2016/06/26/gallups-poll-on-evolution-tham-do-cua-vien-ga-lop-ve-tien-hoa/

[24] https://todayinsci.com/M/Mendel_Gregor/MendelGregor-Quotations.htm

[25] https://doctorpaul.org/gregor-mendel-gardener-of-god/

[26] http://www.cstnews.com/Code/FaithEvl.html

3 thoughts on ““Coup de Grâce” to Natural Selection / “Phát súng ân huệ” cho chọn lọc tự nhiên

  1. Lại một bài mới rất hay với rất nhiều sự thật chưa từng biết. Không ngờ ông Morgan có những phát biểu rõ ràng đanh thép đến như thế về thuyết tiến hóa. Than ôi các ông tiến hóa cãi với ai chứ cãi với một nhà di truyền học số 1 thế kỷ 20 thì khó lắm. Chỉ có giới tiến hóa ngoan cố vẫn tìm mọi cách bóp méo sự thật một cách trơ trẽn mà thôi. Những dẫn chứng họ bóp méo sự thật về Mendel mà bài báo trích dẫn quả thật là quá sức tưởng tượng. Nhưng họ cũng chỉ lừa được những người nhẹ dạ cả tin, lười đọc, lười tìm hiểu, chỉ thấy khoa học nói gì là nói theo và tin theo như một niềm tin mù quáng không cần kiểm chứng. Đáng thất vọng nhất là mấy “nhà khoa học” VN cứ thấy sách báo tây phương nói gì là cứ thế cung cúc tôn thờ, vì thế nên cái ông Đác-uyn mới có nhiều đệ tử lắm chữ nghĩa. Trong trường hợp này lắm chữ nghĩa hóa ra có hại. Thà rằng ít chữ nghĩa nhưng trực giác nhận ra những điều vô lý của thuyết tiến hóa thì còn hay hơn. Thế mới biết trực giác Trời cho mới là cái thông minh thật. Lắm chữ nghĩa mà kém trực giác và tôn thờ sách báo tây phương thì chỉ là hủ nho mà thôi. Có lẽ chỉ có đám hủ nho mới tôn thờ thuyết tiến hóa. Gần đây em đọc cuốn Muôn kiếp nhân sinh của Nguyên Phong, em thấy ông này giải thích mọi thứ cũng theo thuyết tiến hóa, em thất vọng quá. Trước đây em nghĩ Nguyên Phong rất thông minh, nhưng hóa ra cũng bị lừa về tiến hóa. Đó là chỗ kém của ông ấy, chắc cũng do nghiền ngẫm sách báo về tiến hóa nhiều quá. Cứ trông thấy những bài đăng trên các tạp chí khoa học cao cấp là kính sợ rồi cứ thế mà coi đấy là khoa học. Cái bệnh tôn thờ khoa học có lẽ cũng là một cái ngu của con người mà ông Einstein đã nguyền rủa. Vì thế rất cần có những bài viết như của thầy Hưng. Đặc điểm nổi bật của thầy Hưng là có những thông tin rất độc đáo chưa từng được công bố, vì thế rất hấp dẫn và chất lượng. Chúc thầy sức khỏe để tiếp tục nói lên nhiều sự thật về thuyết tiến hóa mà bao lâu nay vẫn bị che đậy. Cám ơn thầy. HTTH.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Pingback: 'Phát súng ân huệ' cho chọn lọc tự nhiên - Nghệ An news

  3. Pingback: Ý nghĩ thật sự của Mendel về Darwin - Nghệ An news

Bình luận về bài viết này