Statue of Christ Redeemer (in Portuguese: Cristo Redentor) is the statue of Jesus Christ on a high mountain in Rio de Janeiro, Brazil, ranked as one of New Seven Wonders of the World. When did it appear? Who created it? What is the meaning of it?
Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế (tiếng Bồ Đào Nha: Cristo Redentor) là bức tượng Chúa Giêsu trên một ngọn núi cao tại Rio de Janeiro, Brazil, được xếp hạng là một trong Bẩy Kỳ quan Mới của Thế giới. Kỳ quan này xuất hiện từ bao giờ? Ai sáng tạo ra bức tượng đó? Ý nghĩa của bức tượng là gì?
Tượng được tạc theo trường phái Art Deco, cao 30 mét), đặt trên bệ cao 8 mét, sải tay của tượng là 28 mét, nặng 635 tấn, nằm trên đỉnh của Corcovado cao 700 mét, thuộc công viên quốc gia rừng Tijuca hướng về phía thành phố Rio de Janeiro, thủ đô Brazil.
Như một biểu tượng của Thiên Chúa giáo trên khắp thế giới, bức tượng này đồng thời cũng là một biểu tượng văn hóa của cả thành phố Rio de Janeiro lẫn quốc gia Brasil, và được liệt kê như một trong Bẩy Kỳ quan Mới của Thế giới (New Seven Wonders of the World) (xem chi tiết ở phần cuối bài).
Tượng được làm từ bê tông cốt thép và đá biến chất steatit, và được xây dựng từ năm 1922 đến năm 1931.
Ý tưởng xây dựng một bức tượng lớn trên đỉnh Corcovado lần đầu được đề xuất vào giữa thập niên 1850, khi linh mục Pedro Maria Boss đề xuất đặt một công trình Kitô giáo trên núi Corcovado nhằm vinh danh Công chúa Isabel, công chúa nhiếp chính của Brasil và là con của Hoàng đế Pedro II; Công chúa Isabel không làm theo thỉnh cầu. Năm 1889, Brasil trở thành một nước cộng hòa, ý tưởng bị bãi bỏ cùng với việc chính thức tách biệt quyền lực nhà nước với nhà thờ.
Lần đề xuất thứ nhì về việc xây dựng một bức tượng trên núi được nhóm tín hữu Kitô giáo Rio đưa ra vào năm 1920. Bề ngoài thì đề nghị này mang ý nghĩa đề cao cảnh quan văn hóa của thành phố, nhưng động cơ thực sự bên trong thúc đẩy họ là làm một cái gì đó để thức tỉnh mọi người vào thời buổi đó khi xã hội ngày càng có xu hướng vô thần.
Nhóm này tổ chức một sự kiện gọi là Semana do Monumento (Tuần lễ dành cho việc xây dựng tượng đài) nhằm thu hút quyên góp và thu thập chữ ký ủng hộ xây dựng tượng. Quyên góp chủ yếu đến từ các tín hữu.
Các thiết kế được xem xét cho “Bức tượng Chúa Ki-tô” bao gồm một bức tượng Thánh giá, một bức tượng Chúa Giê-su với một địa cầu trên tay Ngài, và một bệ tượng trưng cho thế giới. Cuối cùng, Tượng Chúa Ki-tô Cứu thế được lựa chọn, với vòng tay giang rộng là một dấu hiệu của hòa bình.
Tác giả thiết kế tượng là nhà điêu khắc người Pháp Paul Landowski. Chỉ đạo thi công xây dựng tượng là kỹ sư người Brasil Heitor da Silva Costa, phối hợp với một kỹ sư người Pháp là Albert Caquot. Hình ảnh khuôn mặt của Chúa Ki-tô trên bức tượng được giao cho Gheorghe Leonida, một nhà điêu khắc người Rumani, tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật ở Bucharest và ở Ý. Leonida trở nên nổi tiếng nhờ tác phẩm này.
Một nhóm kỹ sư và kỹ thuật viên nghiên cứu những đệ trình của Landowski và quyết định xây cấu trúc bằng bê tông cốt thép thay vì bằng thép, phù hợp hơn với một tượng hình thánh giá. Lớp bên ngoài là steatit, được lựa chọn do phẩm chất vĩnh cửu và dễ sử dụng. Việc xây dựng kéo dài trong 9 năm, từ 1922 đến 1931 và chi phí tương đương với 250.000 US$ (bằng 3.400.000 đô la Mỹ vào năm 2017). Công trình kỉ niệm khánh thành vào ngày 12 tháng 10 năm 1931. Trong lễ khánh thành, tượng được chiếu sáng bằng một bộ đèn pha được bật từ xa bằng vô tuyến sóng ngắn bởi nhà phát minh Guglielmo Marconi, đặt tại Roma cách đó 9.200 km.
Vào tháng 10 năm 2006, nhân kỷ niệm lần thứ 75 tượng được hoàn thành, Tổng giám mục Rio là Eusebio Oscar Scheid cung hiến một nhà thờ nhỏ ở bên dưới tượng, đặt theo tên thánh bảo trợ của Brasil là Đức Mẹ hiển linh. Việc này cho phép các tín hữu cử hành lễ rửa rội và lễ cưới tại đây.
Tượng bị sét đánh trong một cơn giông mạnh vào ngày 10 tháng 2 năm 2008, và chịu một số tổn hại tại các ngón tay, đầu, và chân mày. Một nỗ lực tu bổ được chính phủ bang Rio de Janeiro tiến hành nhằm thay thế một số trong lớp steatit bên ngoài và tu sửa những cột thu lôi đặt trên tượng. Tượng lại chịu tổn hại do sét đánh vào ngày 17 tháng 1 năm 2014, khiến một ngón trên bàn tay phải bị bật ra.
Năm 2010, một cuộc phục hồi tượng với quy mô lớn được tiến hành. Tượng được làm sạch, vữa và steatite bao phủ tượng được thay thế, kết cấu bên trong bằng sắt được khôi phục, và công trình được tiến hành chống thấm. Một sự cố xảy ra trong quá trình phục hồi, khi sơn được phun dọc theo cánh tay của tượng, thủ phạm sau đó xin lỗi và ra trình diện cảnh sát. Việc phục hồi sử dụng trên 60.000 phiến đá lấy từ cùng mỏ đá với tượng gốc.
Tiểu sử sơ lược của Paul Landowski, tác giả chính của kỳ quan “Christ Redeemer”
Paul Maximilien Landowski (1875 – 1961) là một nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp. Tác phẩm làm cho ông được cả thế giới biết đến là bức tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc ở Rio de Janeiro, Brazil.
Landowski sinh ra ở Paris, cha là một người Balan tị nạn từ Cuộc nổi dậy Tháng Giêng của Balan chống lại Đế chế Nga và mẹ là một người Pháp. Ông học tại Học viện Julian, trước khi tốt nghiệp Học viện Quốc gia Pháp, ông đã giành được Giải thưởng Rome năm 1900 với bức tượng David, và đã có một sự nghiệp kéo dài 55 năm. Ông đã sáng tạo nên hơn 35 tượng đài trong thành phố Paris và 12 tượng đài nữa ở khu vực xung quanh. Trong đó có tác phẩm Art Deco của St. Genevieve trên cầu Tournelle năm 1928. Ông cũng là tác giả của “Les Fantomes” (Những bóng ma), tượng đài tưởng niệm Trận đánh thứ hai của Marne, đứng trên Butte de Chalmont ở miền Bắc nước Pháp.
Ông cũng đã giành được huy chương vàng trong cuộc thi nghệ thuật điêu khắc tại Olympic Mùa Hè 1928 , một sự kiện được tổ chức từ năm 1912 đến năm 1952. Từ năm 1933 đến năm 1937, ông là Giám đốc Học viện Pháp tại Rome. Cùng với Florence Meyer Blumenthal, ông đóng vai trò giám khảo nghệ thuật trong việc trao giải Giải thưởng Blumenthal dành cho các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà văn và nhạc sĩ trẻ.
Landowski là cha của các nghệ sĩ sau đây: họa sĩ Nadine Landowski (1908-1943), nhà soạn nhạc Marcel Landowski (1915-1999), và nghệ sĩ piano và họa sĩ Françoise Landowski-Caillet (1917-2007). Ông qua đời ở Boulogne-Billancourt, một vùng ngoại ô của Paris, nơi một viện bảo tàng dành riêng cho tác phẩm của ông đã có hơn 100 tác phẩm trưng bày.
Bảy kỳ quan thế giới mới (New Seven Wonders of the World)
Bảy kỳ quan thế giới mới là một cuộc bình chọn qua mạng lưới toàn cầu để tìm ra bảy tuyệt tác kiến trúc nghệ thuật khác bên cạnh Bảy kỳ quan thế giới cổ đại của văn minh nhân loại.
Sự kiện nói trên không phải do Tổ chức văn hóa, giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức và tất nhiên kết quả 7 kỳ quan thế giới mới cũng không được tổ chức này công nhận. Tuy nhiên, nhờ có sự quảng bá tốt vượt trội nên chương trình bình chọn của New 7 Wonders đã có tiếng vang trên toàn thế giới, quy mô bình chọn vượt hơn hẳn các chương trình khác. Liên Hiệp Quốc cũng đánh giá cao cuộc bầu chọn bảy kỳ quan thế giới mới, bởi nó phù hợp với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, giúp du khách và nhân dân các nước biết đến hàng trăm danh thắng, kỳ quan thiên nhiên đa dạng và độc đáo ở khắp các châu lục.
Danh sách “Bảy kỳ quan thế giới mới” do nhà phiêu lưu mạo hiểm người Canada-Thụy Sĩ Bernard Weber phát động từ năm 1999, hiện nay do New Open World Corporation (NOWC), một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân có trụ sở tại Thụy Sĩ tổ chức. Bernard Weber kể lại: “Một hôm, vợ tôi – giáo viên – báo cho tôi biết nàng đang thực hiện một dự án về 7 kỳ quan thế giới cũ với học sinh. Tôi liền nghĩ: Tại sao không có 7 kỳ quan mới? Kỳ quan thế giới là một ý tưởng của người Hy Lạp cổ đại. Tôi muốn làm sống lại ý tưởng đó. Cũng giống như đại hội thể thao Olympic ngày nay bắt nguồn từ Olympic cổ xưa. Tôi muốn lập một danh sách kỳ quan thế giới mới. Danh sách này mang tính dân chủ và chính thức bởi nó là tiếng nói của công chúng”.
Theo trang web của NOWC, Bernard Weber đã khởi động dự án vào tháng 9 năm 1999. Tới ngày 24 tháng 11 năm 2005, 177 công trình kiến trúc đã được lựa chọn để bầu. Tiêu chí để một công trình được tham gia cuộc bình chọn:
- Phải do con người xây dựng lên.
- Hoàn thành trước năm 2000 và đang được bảo tồn tốt.
- Mỗi châu lục phải có ít nhất một đại diện.
- Mỗi quốc gia chỉ được có một công trình tham gia.
Để đảm bảo cơ sở khoa học của cuộc bình chọn, bắt đầu từ ngày 1/1/2006, một hội đồng giám khảo quốc tế đã được thành lập do tiến sĩ Federico Mayor Zaragoza, cựu Tổng Giám đốc UNESCO (Cơ quan Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc) làm chủ tịch. Hội đồng giám khảo quốc tế này sẽ tham gia việc đánh giá các kỳ quan, loại bỏ các kỳ quan không xứng đáng được đề cử. Kết quả bình chọn: Đến nay, NOWC đã chọn ra 21 công trình trong danh sách các di sản thế giới để chính thức chọn ra bảy kỳ quan thế giới mới. Danh sách chính thức của Bảy kỳ quan thế giới mới đã được công bố vào thứ 7, ngày 7 tháng 7 năm 2007 (con số biểu tượng: 07.07.07.07) tại Lisboa, Bồ Đào Nha. Kết quả cụ thể như sau:
PVHg, 29/05/2017
Chào chú Hưng,
Nằm trong bài viết về Tượng Chúa Cứu Thế của Chú Hưng. Xin được chia sẻ lại cùng các bạn một đoạn viết. Đoạn viết gợi hình ảnh và giải thích một cách gần gũi và cảm động một số ý niệm trong cái chết của Jesus. Mà theo tôi, rất dễ hiểu và qua đó, càng yêu mến Chúa hơn….
——-
Bao nhiêu năm qua, chúng ta đặt ra câu hỏi là Nếu Thiên Chúa công bằng, thì Thiên Chúa phải trừng phạt tội lỗi chứ? Tại sao Thiên Chúa không trừng phạt? Và nếu Thiên Chúa trừng phạt thì Thiên Chúa còn gì là tình yêu nữa? Và chúng ta đặt vấn đề ngược lại. Nếu Thiên Chúa là tình yêu thì Thiên Chúa phải tha thứ chứ? Mà nếu Thiên Chúa đã tha thứ như vậy thì còn gì là công bằng nữa? Đó chính là lập luận quen thuộc của chúng ta…
Câu trả lời trong Câu chuyện: Khoảnh khắc Vĩnh Cửu.
Truyện kể về một bộ tộc ở trong một ngôi làng. Bộ tộc đó có thói quen sẽ bầu một vị tộc trưởng trong các thanh niên trai tráng của làng. Những thanh niên này đấu vật với nhau và ai thắng sẽ được làm tộc trưởng. Năm ấy, có một anh thanh niên không những chiến thắng vì có sức mạnh phi thường, nét nhìn khôi ngô tuấn tú mà còn là một người rất tốt lành. Vậy là anh lên làm tộc trưởng và cả làng đó được hưởng bình an trong một thời gian lâu dài.
Tình cờ một thời gian sau đó, làng xảy ra một chuyện mà trước đó chưa hề có. Đó là ở trong bộ tộc có tình trạng mất cắp. Ông tộc trưởng suy nghĩ rằng, bây giờ chỉ có cách là áp dụng biện pháp mạnh chứ nếu không thì sự việc sẽ ngày càng tiếp diễn càng tệ hơn. Tộc trưởng bèn ra quyết định nếu bắt được kẻ nào ăn trộm thì sẽ phạt hai mươi roi cá sấu. Xin biết rằng, roi cá sấu mà phạt những hai mươi roi thì cũng gần chết rồi. Người trong làng bắt được một anh ăn cắp và phạt hai mươi roi cá sấu như luật định. Nhưng sau đó, tình trạng vẫn không dứt, vẫn có người ăn trộm, ăn cắp trong làng. Ông tộc trưởng bèn nâng mức hình phạt lên 30 roi. Vẫn không hết. Ông tộc trưởng lại nâng mức hình phạt lên 40 roi. Nhưng vẫn có người phạm tội. Nhưng lần này, thì rõ khổ. Không biết làm thế nào mà người phạm tội trộm cắp chính là mẹ của vị tộc trưởng. Không biết là bà cụ lẫn thẫn thế nào, tí táy tay chân để rồi lại lấy nhầm của người khác và bị bắt quả tang.
Vậy là, vấn đề đặt ra là, ai cũng quan tâm là ông tộc trưởng sẽ xử làm sao khi tên ăn cắp lại là mẹ mình, nhất là bà đã già rồi. Thử hỏi với bà, chỉ 10 roi thì đã..amen rồi, chứ nói chi đến 40 roi? Thế mà không ai có thể tưởng tượng được ông tộc trưởng lại quyết định phạt mẹ mình với án 40 roi cá sấu. Vì thế đến hôm xử phạt bà cụ, thì không ai trong làng vắng mặt cả. Tất cả mọi người đều có mặt để xem vị tộc trưởng xử án mẹ mình. Đến giờ xử án, vị tộc trưởng rất uy nghi đứng trên cao. Vị tổng trưởng ra lệnh đưa phạm nhân ra – là mẹ mình, đứng giữa bàn dân thiên hạ. Vị tổng trưởng ra lệnh cởi áo bà cụ ra để chuẩn bị đánh. Khi cởi áo bà cụ ra, thì thân thể bà chỉ còn là bộ xương khô khốc, chắc chỉ đôi roi đã chết rồi.. Người ra không tưởng tượng được mọi việc sẽ như thế nào. Vị tộc trưởng tiếp tục ra lệnh cho bà cụ nằm xuống trên tấm phản chịu án. Và khi bà cụ đã nằm xuống rồi, người ta mới thấy vị tộc trưởng đi từ trên ngai bước xuống. Vị tộc trưởng cởi áo ra. Đó là một tấm thân rất là lực lưỡng và rắn rỏi. Và rồi, vị tộc trưởng lấy tấm thân mình phủ lên trên người của mẹ mình và bắt đầu ra lệnh: Bắt đầu đánh. Đánh đủ 40 roi, vị tộc trưởng chết.
Câu chuyện ấy, kết thúc bằng một lời rất ngắn. Cái khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc mà vị tộc trưởng cởi áo ra và lấy thân mình phủ lên trên tấm thân gầy gò của mẹ mình – cái khoảnh khắc đó đã trở thành VĨNH CỬU.
….
Và về mặt thần học, khoảnh khắc đó trở thành vĩnh cửu bởi vì ở khoảnh khắc đó, công bằng và tình yêu chỉ là MỘT, CHỈ LÀ MỘT. Bao nhiêu năm chúng ta đặt ra câu hỏi là Nếu Thiên Chúa công bằng, thì Thiên Chúa phải trừng phạt tội lỗi chứ? Tại sao Thiên Chúa không trừng phạt? Và nếu Thiên Chúa trừng phạt thì Thiên Chúa còn gì là tình yêu nữa? Và chúng ta đặt vấn đề ngược lại. Nếu Thiên Chúa là tình yêu thì Thiên Chúa phải tha thứ chứ? Mà nếu Thiên Chúa đã tha thứ như vậy thì còn gì là công bằng nữa? Đó chính là lập luận quen thuộc của chúng ta.
Nhưng trong câu chuyện mà chúng ta vừa nghe, thì thử hỏi có công bằng không? Dạ thưa có. Bốn mươi roi vẫn là bốn mươi roi. Và có tình yêu không? Thưa có. Bởi vì người con chịu án chết thay cho mẹ. Tình yêu và công bằng chỉ là một. Và có thể lấy câu chuyện này để mà chiêm ngắm Chúa Jessus chịu đóng đinh trên thập tự giá. Nơi đó, công bằng và tình yêu của Thiên Chúa chỉ LÀ MỘT. Không có gì là trái ngược ở đây. Thành thử ra, nơi Chúa Jessus chịu đóng đinh trên Thập giá, một đằng chúng ta khám phá ra Ngài đại diện cho nhân loại, Ngài mang tất cả tội lỗi và đau khổ của nhân loại để đón nhận án phạt đúng với lẽ công bằng. Và một đằng khác, Ngài đón nhận như thế là bởi vì trái tim Ngài chan chứa tình yêu thương dành cho chúng ta.
Và chúng ta đặt tiếp vấn đề rằng: Tại sao Chúa lại chết thay cho tôi được?
Có một vị linh mục nổi tiếng. Ông nổi tiếng là một nhà tư tưởng. Sách của ông viết rất hay lại có biệt tài làm thơ. Nhưng ngài đã từng tâm sự rằng ngài làm linh mục bao nhiêu năm, dạy thần học bao nhiêu năm mà ngài vẫn không thể hiểu được tại sao Chúa lại có thể chết thay cho tôi được? Cho đến một hôm rất tình cờ đi vào bệnh viện. Ngài bắt gặp cảnh một bác sĩ đang mổ cho một cậu bé con dẫm phải một vết gì đó vào chân. Ca mổ khá nhẹ cho nên cho mẹ ngồi bên cạnh cậu nhóc con. Và vị linh mục thấy rất rõ ông bác sĩ cầm dao và rạch chân thằng bé, thì cũng lúc ấy mặt người mẹ tái xanh, tái mét. Mỗi lần ông ấy rạch một vết thì bà ấy run bắn lên. Cho đến khi ông bác sĩ hoàn tất cuộc giải phẫu cho cậu bé, thì việc đầu tiên người ta phải làm là đưa bà mẹ vào phòng cấp cứu.
Và cũng lúc ấy, vị linh mục mới ngộ ra rằng. Ông bác sĩ rạch chân cậu bé chứ nào rạch chân bà mẹ đâu, mà sao bà ấy đau đến như thế? Và cũng từ câu hỏi ấy, vị linh mục ngộ ra rằng Trong tình yêu, người ta đau chính nỗi đau của người mình yêu, người ta nên một với người mình yêu. Và từ đó hiểu được rằng, vì sao Chúa Jessus có thể chết thay cho tôi. Là bởi vì Chúa Jessus yêu tôi. Vị linh mục dạy thần học bao nhiêu năm, nhưng chính lúc ấy mới hiểu được điều đó. Có lẽ, đó không phải là hiểu bằng lý luận nhưng là hiểu bằng cảm nhận của chính trái tim..
– Chúc chú Hưng và các bạn thật nhiều bình an!
ThíchĐã thích bởi 1 người
Pingback: Best 10 Christ The Redemer - Mitadoor Đồng Nai