A Tragedy in Biology / Một bi kịch trong Sinh học

517xnm8sg-l-_sx305_bo1204203200_During the 1920s an Austrian biologist named Paul Kammerer designed an experiment to prove that Lamarckian inheritance was possible. Eventually he announced that he had succeeded… But, in 1926, the experiment was unveiled as a fraud, and Kammerer committed suicide a few days later.

Trong thập niên 1920 một nhà sinh học người Áo là Paul Kammerer đã tiến hành một thí nghiệm nhằm chứng minh rằng sự di truyền theo quan niệm của Lamarck là một hiện thực. Cuối cùng, ông tuyên bố đã thành công … Nhưng năm 1926, thí nghiệm này đã bị vạch trần là một gian lận. Vài ngày sau Kammerer đã tự tử.

Đó là tin tức trong bài báo “10 vụ gian lận và lừa đảo hàng đầu trong khoa học” (Top 10 Scientific Frauds and Hoaxes) [1], trên trang LISTVERSE ngày 09/04/2008. Mở đầu bài báo viết:

Các nhà khoa học có thể giành được rất nhiều danh vọng và tiền bạc nếu họ tạo ra được những khám phá đáng kinh ngạc hoặc độc đáo, và trong khi điều này nói chung đã thúc đẩy những động cơ nghiên cứu đúng đắn, thỉnh thoàng nó cũng dẫn tới những vụ gian lận. Sau đây là danh sách 10 trường hợp gian lận trong khoa học đánh lừa được rất nhiều người. Có lẽ danh sách này có thể xem như một lời nhắc nhở rằng một số “khám phá” khoa học cần phải được xem xét một cách cẩn trọng.

Trong 10 vụ gian lận nói trên, thí nghiệm của Paul Kammerer được đánh số 3. Nguyên văn như sau:

“Sự di truyền theo quan niệm của Lamarck

Trong những năm 1920, một nhà khoa học người Áo tên là Paul Kammerer đã tiến hành một thí nghiệm nhằm chứng minh rằng sự di truyền theo quan niệm của Lamarck (khái niệm cho rằng sinh vật có thể hình thành những đặc tính mới phi bẩm sinh và di truyền những đặc tính này cho các thế hệ con cháu) là một hiện thực có thể xảy ra. Thí nghiệm của ông liên quan đến một loài cóc được gọi là Cóc Bà Đỡ (Midwife Toads). Phần lớn các loài cóc giao phối với nhau ở dưới nước dẫn tới kết quả là hình thành những cái bướu mầu đen có vẩy ở chi sau giúp cho chúng bám chặt lấy nhau trong quá trình giao phối, nhưng cóc bà đỡ giao phối trên cạn nên vì thế chúng không có những cái bướu đen này. Kammerer nói rằng bằng cách bắt buộc cóc bà đỡ giao phối trong nước, ông có thể chứng minh rằng chúng sẽ hình thành những cái bướu đen tương tự.

Kammerer đã cho một số thế hệ cóc bà đỡ giao phối trong một bể cá đầy ắp nước. Cuối cùng ông thông báo đã đạt được thắng lợi, và ông đã trưng bày một nhóm cóc bà đỡ với những cái bướu đen ở chi sau.

Tuy nhiên, năm 1926, tiến sĩ G. K. Noble nghiên cứu những con cóc nổi tiếng này và khám phá ra rằng những cái bướu đen đó thực ra là mực đen được tiêm vào chi sau của những con cóc đó. Khi vụ gian lận này bị vạch trần năm 1926, Kammerer cảm thấy bẽ mặt. Ông chối cãi rằng ông không hề bơm mực vào những con cóc đó và cho rằng có thể một trong các trợ lý thí nghiệm của ông đã làm việc đó. Vài ngày sau Kammerer đã tự tử”.

Một bài báo khác nhan đề “Trường hợp Cóc Bà Đỡ” (The Case of the Midwife Toad) [2] trên trang MUSEUM OF HOAXES (Bảo tàng những vụ lừa đảo) kể lại câu chuyện trên rõ ràng hơn một chút như sau:

Nếu một người trong đời chẳng may bị què chân thì liệu tật què chân ấy có di truyền lại cho con cái của người ấy không? Hoặc nếu một người bị thương thành sẹo thì cái sẹo ấy có di truyền không? Lý thuyết khoa học hiện đại bác bỏ những khả năng di truyền đó, nhưng một lý thuyết được gọi là học thuyết Lamarck cho rằng điều đó không những có thể xảy ra mà còn là phương tiện mà nhờ đó sự biến đổi tiến hóa có thể xảy ra (that not only was it possible, but it was the means by which evolutionary change occurred) (những chữ tô đậm là do tôi nhấn mạnh, PVHg)

Trong những năm 1920, nhà khoa học người Áo Paul Kammerer đã tiến hành một thí nghiệm trên một loài cóc được gọi là Cóc Bà Đỡ (Midwife Toad) để chứng minh kiểu di truyền của Lamarck là có thể xảy ra.

Phần lớn cóc giao phối dưới nước. Kết quả là chúng có những cái bướu vảy mầu đen trên chi sau giúp cho chúng bám vào nhau trong khi giao phối. Ngược lại, cóc bà đỡ giao phối trên cạn và không có những cái bướu đó. Kammerer muốn chứng minh rằng nếu cóc bà đỡ bị buộc phải giao phối dưới nước, cuối cùng chúng sẽ hình thành những cái bướu tương tự mà những cóc giao phối tự nhiên dưới nước có ─ và rằng con cháu của những con cóc bà đỡ này sẽ thừa hưởng những cái bướu này thông qua sự di truyền kiểu Lamarck.

Kammerer đã đổ đầy nước vào một cái bể cá, bỏ vào đó một số cóc bà đỡ, rồi chờ đợi các thế hệ cóc sinh ra và chết đi. Cuối cùng ông thông báo đã thắng lợi. Một thế hệ cóc bà đỡ đã sinh ra với những dấu vảy đen trên chi sau của chúng. Điều này có vẻ như đã chứng minh sự di truyền theo kiểu Lamarck là có thể xẩy ra.

Cộng đồng khoa học sửng sốt kinh ngạc. Nếu đúng, kết quả của Kammerer sẽ xoay chuyển toàn bộ tòa lâu đài của thuyết tiến hóa trên đỉnh của nó, buộc các nhà khoa học phải đánh giá lại mọi thứ họ biết về quá trình di truyền.

Tuy nhiên, khi tiến sĩ G. K. Noble, người phụ trách bộ phận bò sát thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, kiểm tra những con cóc nổi tiếng của Kammerer, ông khám phá ra rằng những con cóc này thực ra không có những dấu vảy đen trên chi sau. Đúng ra, chúng có những chấm mực đen dưới da, tại đó ai đó đã tiêm mực đen vào bên dưới da của chúng.

Khi vụ gian lận bị phát giác vào năm 1926, Kammerer rất xấu hổ. Ông chối cãi rằng ông không tiêm mực đen vào cóc và cho rằng một trong các trợ lý thí nghiệm của ông đã làm điều đó.

Dù ai đã làm chuyên giả mạo này thì Kammerer vẫn phải chịu trách nhiệm về việc này. Uy tín của ông bị hủy hoại. Vài ngày sau ông tự vẫn. Từ đó câu chuyện về ông gắn liền với thuyết di truyền của Lamarck.

BÌNH LUẬN của PVHg’s Home

Trong số rất nhiều vụ gian lận và lừa đảo trong sinh học tiến hóa, không có vụ nào có cái kết bi thảm như trường hợp của Paul Kammerer. Hóa ra trong khoa học cũng có những bi kịch chua chát chẳng kém gì những bi kịch tình ái và bi kịch xã hội đẫm nước mắt và triết lý dưới ngòi bút sắc nhọn của William Shakespeare. Cái chua chát trong trường hợp này là ở chỗ Kammerer vì cái gì và vì ai mà đến nỗi phải trả giá cuộc đời đắt như vậy? Có lẽ không đơn giản chỉ vì danh vọng và tiền bạc như bài báo đầu tiên đã nói, dường như Kammerer còn vì một lý tưởng khoa học mà ông có niềm tin sắt đá và tôn thờ, đến mức sẵn sàng hy sinh danh dự và mạng sống cho nó với bất cứ giá nào. Muốn thấy rõ lý do ẩn đằng sau câu chuyện buồn này, phải hiểu rõ bối cảnh lịch sử của sinh học tiến hóa những năm 1920. Những phân tích sau đây hy vọng sẽ rọi một tia sáng vào bóng tối của bi kịch đó.

Thực ra, tư tưởng về di truyền của Lamarck cũng chính là của Darwin

slide_12Như bài báo trên đã nói, sự di truyền theo quan niệm của Lamarck là sự di truyền những “đặc tính mới phi bẩm sinh” (acquire characteristics) hình thành trong quá trình sinh vật sống và tương tác với môi trường, kể từ sau khi ra đời. Đặc tính mới phi bẩm sinh là những đặc tính không phải do di truyền ─ không do cha mẹ truyền cho con cái ─ mà là kết quả của những biến đổi do sinh vật thích nghi với môi trường hoặc do tác động của môi trường. Thí dụ điển hình là trường hợp hươu cao cổ ─ theo Lamarck, con hươu nguyên thủy vốn có cổ ngắn bình thường, nhưng do nhu cầu vươn cao để kiếm thức ăn nên cổ nó dài dần ra (biến đổi để thích nghi với môi trường); mỗi biến đổi nhỏ này được di truyền cho con cháu; qua nhiều thế hệ những biến đổi nhỏ ấy tích lũy lại thành một biến đổi lớn, khi đó con hươu trở thành hươu cao cổ. Tóm lại, theo Lamarck, bên cạnh những đặc tính sẵn có do di truyền, có những đặc tính mới hình thành trong quá trình sống kể từ sau khi sinh vật ra đời, và những đặc tính này đến lượt nó cũng có thể được di truyền lại cho con cháu.

Kiểu di truyền nói trên được gắn với tên tuổi của Jean Baptiste Lamarck (1744-1829), vì Lamarck là người đầu tiên nêu lên quan niệm di truyền đó. Nhưng cũng có thể gọi đó là quan niệm di truyền của Lamarck-Darwin, vì Darwin đã tiếp thu 100% tư tưởng di truyền này để áp dụng vào thuyết tiến hóa của ông. Thật vậy, hãy nghe Rupert Sheldrake, một tiến sĩ sinh hóa người Anh, nói về vấn đề này trong một bài báo của ông nhan đề “Quan niệm của Darwin về di truyền và sự tiến hóa của Thuyết tiến hóa” (Darwinian Inheritance and the Evolution of Evolutionary Theory) [3] như sau:

“Charles Darwin là một người tin tưởng chắc chắn vào sự di truyền những đặc tính mới phi bẩm sinh. Trong cuốn sách của ông, “Sự biến đổi của động vật nuôi và cây trồng trong nhà” (The Variation of Animals and Plants Under Domestication), Darwin đã nêu lên nhiều thí dụ về sự di truyền các tập tính thích nghi. Ông cũng công bố một tài liệu trên tạp chí Nature về những con chó có nỗi sợ hãi bẩm sinh đối với những gã đồ tể. Cha mẹ của những con chó này có một nỗi ác cảm với những gã đồ tể, có lẽ là kết quả của việc chúng bị họ ngược đãi, và nỗi sợ hãi này được truyền cho không chỉ con cái mà còn cho cả cháu chắt nữa.

Darwin không biết gì về gene và đột biến ngẫu nhiên, những kiến thức này chỉ trở thành một bộ phận của sinh học thế kỷ 20. Ông đưa ra lý thuyết về di truyền của ông trong cuốn Sự biến đổi của động vật nuôi và cây trồng trong nhà dưới tiêu đề “Giả thuyết tạm thời về mầm di truyền” (The Provisional Hypothesis of Pangenesis). Chẳng hạn, để hiểu làm thế nào mà một con chó có thể thừa kế một tập tính nào đó mà cha mẹ nó đã học được, hoặc làm thế nào mà con cháu của một cái cây có thể thừa hưởng sự thích nghi của nó đối với một môi trường mới, Darwin cho rằng tế bào trong khắp cơ thể tiết ra những “mầm” (gemmules) vô cùng nhỏ bé để rồi những mầm này thâm nhập được vào trứng và tinh trùng hoặc tế bào phấn hoa, biến đổi những thứ này để tạo ra những đặc tính di truyền này.

Trước Darwin vài thấp kỷ, nhà tự nhiên học lớn người Pháp Jean Baptiste Lamarck đã nêu lên ý kiến cho rằng tập tính có thể được thừa kế, và theo nghĩa này, Darwin là một người theo tư tưởng Lamarck. Lý thuyết của Darwin về mầm di truyền (Pangenesis) không được dư luận rộng rãi biết đến và bị biến mất khỏi những trang tiểu sử của Darwin. Trong thế kỷ 20, tư tưởng di truyền của Lamarck bị đối xử như một dị giáo nghiêm trọng ở Phương Tây, nơi chủ nghĩa Tân-Darwin chiếm ưu thế… Thuyết Tân-Darwin khác với thuyết Darwin ở chỗ nó quy tính di truyền cho các gene, mà các gene này chỉ có thể thay đổi bởi các đột biến ngẫu nhiên vô mục đích, và ở chỗ nó phủ nhận sự di truyền các đặc tính mới phi bẩm sinh. Nhiều người theo thuyết Tân-Darwin không biết rằng bản thân Darwin có một quan điểm hoàn toàn khác. Darwin không phải là một người theo thuyết Tân-Darwin.

Rất nhiều tài liệu khác cũng có những nhận định tương tự như những ý kiến nói trên của Rupert Sheldrake, đơn giản vì đó là một sự thật lịch sử không thể chối cãi.

Tóm lại, Darwin đã tiếp thu hoàn toàn quan niệm về di truyền của Lamarck. Giả thuyết của ông về mầm di truyền, mà ông gọi là Pangenesis, đã chính thức bị cộng đồng khoa học bác bỏ và quên lãng, vì nó hoàn toàn không có cơ sở. Và điều cần nhấn mạnh ở đây, như Rupert Sheldrake đã nói ở trên, rằng Darwin không phải là một người theo thuyết Tân-Darwin, và rằng nhiều nhà tiến hóa ngày nay không biết điều này. Nói cách khác, những khái niệm về di truyền của thuyết tiến hóa Tân-Darwin mà một nhà tiến hóa ngày nay thường nhắc đến, chẳng hạn sự di truyền các đột biến gene, là hoàn toàn xa lạ với Darwin. Tư tưởng di truyền của Darwin đơn giản chỉ là tư tưởng di truyền của Lamarck. Đây là chỗ “nhạy cảm” thường làm cho các nhà tiến hóa cảm thấy khó chịu, vì họ thừa biết tư tưởng di truyền của Lamarck đã bị coi là một “dị giáo nghiêm trọng”, như nhận xét của Rupert Sheldrake.

Đến đây, một người trung thực không thể không nhận ra điều vô lý trớ trêu: nếu chê tư tưởng của Lamarck là “dị giáo nghiêm trọng” thì tại sao lại tôn sùng tư tưởng của Darwin? Rõ ràng có một cái gì đó không ổn ─ trong khi phê phán Lamarck, người ta không dám đụng chạm đến Darwin. Chính xác hơn, trong khi phủ nhận Lamarck, người ta cố tình tảng lờ sai lầm của Darwin.

Trở lại câu chuyện về Paul Kammerer. Thí nghiệm Cóc Bà Đỡ được mô tả như một nỗ lực hòng chứng minh tư tưởng di truyền của Lamarck là đúng. Nhận định này hoàn toàn chính xác. Nhưng vào những năm 1920, Lamarck đã “hoàn toàn chết” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không ai còn tin vào lý thuyết di truyền của ông nữa, vì các Định luật về Di truyền của Gregor Mendel đã đánh thức toàn thế giới [4]. Tại thời điểm đó, người được tôn thờ không phải là Lamarck, mà là Darwin ─ Darwin đã và đang trở thành một tượng đài thiêng liêng, nhất là sau bằng chứng Người Piltdown được công bố năm 1912 (mà sự lừa đảo của nó phải đợi 41 năm sau mới bị phát hiện). Đó là lý do để thuyết tiến hóa thắng lợi một cách “vẻ vang” trong Vụ án Scopes năm 1925 và lên ngôi thống trị nền giáo dục sinh học trên toàn thế giới, thay vì chỉ riêng tiểu bang Tennessee ở Mỹ. Tóm lại, vào thời điểm Kammerer tiến hành thí nghiệm Cóc Bà Đỡ, toàn thế giới vẫn đang tin chắc vào tính khoa học chính xác của học thuyết Darwin, Darwin được tôn sùng như một ông thánh.

Nhưng có một cái “gợn”, một cái “gai” mà mọi người tinh mắt đều biết, đó là sai lầm của Darwin trong sự tin tưởng tuyệt đối vào tư tưởng di truyền của Lamarck ─ sự di truyền các đặc tính mới phi bẩm sinh. Vậy làm thế nào để sửa chữa cho Darwin sai lầm này?

Thí nghiệm của Paul Kammerer nếu thành công, nó sẽ chứng minh cho thế giới thấy không chỉ Lamarck đúng, mà Darwin cũng đúng ─ ông thánh Darwin sẽ tuyệt đối đúng!

Hãy thử nghĩ xem, nếu những vụ lừa đảo như Người Piltdown, Thí nghiệm Cóc Bà Đỡ, Bướm đêm, và rất nhiều vụ lừa đảo khác trong thuyết tiến hóa không bị vạch trần thì liệu có ai dám lên tiếng “cãi” Darwin không?

Chúng ta đang sống ở năm 2016, ta dễ dàng nhận ra bộ mặt thật của thuyết tiến hóa. Còn những người sống ở thời điểm 1920 thì khác, họ là nạn nhân của những vụ lừa đảo đó. Vì thế, tôi cho rằng sẽ là công bằng hơn và chính xác hơn khi nhận định rằng thí nghiệm của Paul Kammerer là một nỗ lực nhằm chứng minh cho tư tưởng di truyền của Lamarck-Darwin, thay vì chỉ biện hộ cho riêng một mình Lamarck.

Quả thật, nếu tư tưởng di truyền của Lamarck-Darwin là đúng thì việc chứng minh sự tiến hóa từ loài này sang loài khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với lý thuyết của chủ nghĩa Tân-Darwin về sự di truyền những đột biến có lợi. Đến đây ta không thể không dành vài phút tìm hiểu xem tại sao lại có cái gọi là chủ nghĩa Tân-Darwin (Neo-Darwinism).

Học thuyết Tân-Darwin

Trong thế kỷ 19, trong khi Darwin đưa ra Giả thuyết về Pangenesis để giải thích sự di truyền (một học thuyết đến nay đã chính thức bị cộng đồng khoa học bác bỏ) thì Gregor Mendel công bố các Định luật Di truyền, dựa trên những thí nghiệm khoa học chính xác không thể chối cãi (phương pháp nghiên cứu của Mendel tương tự như phương pháp của Pasteur dựa trên những bằng chứng thí nghiệm có thể lặp lại để kiểm chứng, khác hẳn phương pháp của Darwin dựa trên những suy đoán thuần túy giả thuyết).

Nếu Darwin biết công trình của Mendel thì có lẽ lịch sử đã khác hẳn. Nhưng bi kịch chính ở chỗ đó: Darwin không hay biết gì về Mendel (trong khi Mendel biết và bác bỏ lý thuyết của Darwin). Giới khoa học thế kỷ 19 cũng hầu như không biết gì về công trình của Mendel. Nếu biết, có lẽ lịch sử cũng đã khác hẳn. Mãi đến đầu thế kỷ 20, giới sinh học mới giật mình khám phá ra rằng có một khám phá sinh học vĩ đại, đó là các Định luật Di truyền của Mendel. Các định luật này trực tiếp và TỰ ĐỘNG bác bỏ học thuyết Darwin, vì nó chứng minh rằng đặc tính di truyền là cố định ─ con cái không thể có những đặc tính mà cha mẹ không có. Đó là một định luật xác định của tự nhiên, tuân thủ những công thức toán học chặt chẽ không thể chối cãi. Điều này lập tức phát đi một tín hiệu cho thấy học thuyết Darwin sẽ sụp đổ, vì học thuyết này dựa trên sự di truyền những đặc tính mới phi bẩm sinh!

Không có một ông chủ công ty nào muốn vỡ nợ. Cách gì cũng phải chống đỡ. Đó là lúc các nhà tiến hóa lao vào ứng cứu học thuyết Darwin. Họ rất giỏi trong việc bịa ra giả thuyết mới. Họ nhận vơ công trình của Mendel như một đóng góp cho thuyết tiến hóa, và nhanh chóng tìm cách kết hợp học thuyết Darwin kinh điển với Định luật Di truyền của Mendel, từ đó đẻ ra cái gọi là học thuyết Tân-Darwin. Cái mới căn bản của Tân-Darwin so với Darwin chính là ở vấn đề di truyền: sự di truyền các đặc tính mới phi bẩm sinh được thay thế bởi sự di truyền những đột biến có lợi, và cơ chế chọn lọc tự nhiên sẽ làm công việc chọn lọc những đột biến có lợi. Điều “thú vị” đáng để cho những ai có tâm hồn triết học suy ngẫm là ở chỗ cơ chế chọn lọc tự nhiên vốn là một cơ chế ngẫu nhiên, mù quáng, vô định hướng, nhưng nó lại rất “khôn ngoàn” biết chọn lọc ra những đột biến nào được gọi là “có lợi” để di truyền lại cho đời sau, hết đời này sang đời khác, hàng trăm hàng triệu hàng tỷ đời để rồi cứ thế tích lũy dần thành một biến đổi lớn dẫn tới sự tiến hóa loài này thành loài khác (!!!).

untitledHình bên: Bài báo “Neo-Darwinsm, Is It Time to Reconsider?” (Học thuyết Tân-Darwin, Phải chăng đã đến lúc phải xem xét lại?) của Richard Milton, đăng trên tạp chí Atlantis Rising, sô Tháng 3-4 năm 2010

Khi DNA được khám phá, học thuyết Tân-Darwin lao vào chứng minh rằng sự biến đổi gene trong DNA sẽ dẫn tới những đột biến có lợi…. Hàng ngàn thí nghiệm nhằm biến đổi gene để tạo ra loài mới, nhưng mấy chục năm đã trôi qua, chẳng hề thấy một đột biến có lợi nào cả, chỉ thấy những đột biến dẫn tới quái thai và cái chết. Người ta dùng tia X bắn phá vào hàng triệu thế hệ ruồi dấm, hòng thấy ruổi dấm biến thành một con vật gì đó không phải ruồi dấm. Nhưng ruồi dấm ngoan cố vẫn là ruồi dấm. Chúng chỉ biến thành những ruồi dấm bệnh hoạn. Người ta cũng thực hành biến đổi gene thực vật, một công đôi việc, vừa để tăng sản lượng, vừa hy vọng khám phá ra điều gì đột phá, nhưng thực phẩm biến đổi gene chỉ to lên hoặc dị dạng chứ không xuất hiện loài mới. Tham vọng dùng lý thuyết về đột biến gene để chứng minh sự tiến hóa đang lâm vào bế tắc. Thậm chí những nhà thông thái bậc thầy đang cười vào mặt họ mà nói rằng này quý vị, chính cái gọi là chọn lọc tự nhiên của quý vị nó sẽ loại trừ các đột biến, Định luật Di truyền chỉ ra rằng các loài là cố định, DNA có xu hướng chống lại mọi sự biến đổi gene bằng cơ chế tự sửa lỗi, các vị có hiểu điều đó không?

Trong việc tìm lối thoát, các nhà tiến hóa gần đây lại “khám phá” ra một giả thuyết mới, đó là sự di truyền không làm DNA thay đổi, mà chỉ là một cơ chế tác động vào gene sao cho gene “bật” hoặc “tắt” mà thôi, từ đó làm thay đổi cách thức di truyền… Lối thoát này được gọi là sự di truyền phi-Mendel (non-Mendelian / epigenetic inheritance), tức là sự di truyền nằm ngoài các Định luật Di truyền của Mendel (!).

Sự di truyền phi-Mendel (epigenetic)

Vì “khám phá” này còn quá mới mẻ nên tôi không dám lạm bàn. Tôi chỉ xin nhắc lại gợi ý của bài báo “10 vụ gian lận và lừa đảo hàng đầu trong khoa học” trên trang LISTVERSE:

Có lẽ danh sách này có thể xem như một lời nhắc nhở rằng một số “khám phá” khoa học cần phải được xem xét một cách thận trọng.

Vâng, xin mọi người hãy vắt tay lên trán suy nghĩ, hãy thận trọng, đừng để những nhà khoa học như Paul Kammerer hay những tác giả của Người Piltdown, Bướm Đêm, Haeckel,…. lừa gạt chúng ta!

Để kết thúc câu chuyện hôm nay, xin lưu ý độc giả rằng mặc dù Paul Kammerer đã phải tìm cách trốn tránh sự thật bằng cách tự kết liễu đời mình, vậy mà vẫn có những nhà khoa học bảng vàng chói lọi ngày nay muốn bênh vực cho nhà khoa học xấu số này. Đó là nhà sinh học Alexander Vargas, giáo sư sinh học tại Đại học Chile. Năm 2009, ông này gợi ý rằng sự di truyền những đặc tính mới phi bẩm sinh (tư tưởng di truyền của Lamarck-Darwin) mà Kammerer tuyên bố là quan sát được trong thí nghiệm cóc bà đỡ của ông có thể là CÓ THẬT (!), và có thể giải thích được bằng kết quả của những nghiên cứu trong lĩnh vực mới về di truyền phi-Mendel (!). Thông tin này được loan tải trên nhiều trang báo ủng hộ thuyết tiến hóa [5]. Tôi không thể bình luận điều gì hơn là một lần nữa nhắc lại gợi ý của bài báo mở đầu bài viết này:

Một số “khám phá” khoa học CẦN PHẢI ĐƯỢC XEM XÉT CẨN THẬN, không ngoại trừ cái gọi là “Sự di truyền phi-Mendel hay epigenetic”!

Thay lời kết

Một bài báo nói về việc kiểm tra lại thí nghiệm của Paul Kammerer trên trang mạng News Network Archeology ngày 31/10/2016 mới đây cho biết Paul Kammerer, tác giả của vụ lừa đảo Cóc Bà Đỡ, từng là một nhà sinh học tiến hóa nổi tiếng đầu thế kỷ 20, được tờ The New York Times gọi là một “Darwin mới”… [6].

Mặc dù bài báo này có ý bênh vực cho Kammerer bằng cách “chứng minh” rằng hiện tượng biến đổi của những con cóc bà đỡ trong thí nghiệm của Kammerer có thể giải thích được thông qua những “khám phá” mới về sự di truyền epigenetic, tức di truyền phi-Mendel,… nhưng vẫn phải viết một lời trung thành với sự thật, rằng “Kammerer đã tự vẫn ít lâu sau đó, và mặc dù ông để lại thư giữ vững ý kiến nói rằng những kết quả của ông là xác thực, nhưng nhiều người vẫn cho rằng việc ông tự vẫn là sự thừa nhận có tội” (Kammerer committed suicide shortly after, and although he left letters maintaining that his results were authentic, many interpreted the suicide as an admission of guilt).

 

PVHg, Sydney 28/12/2016

CHÚ THÍCH:

[1] Top 10 Scientific Frauds and Hoaxes http://listverse.com/2008/04/09/top-10-scientific-frauds-and-hoaxes/

[2] The Case of Midwife Toad http://hoaxes.org/archive/permalink/the_case_of_the_midwife_toad

[3] Darwinian Inheritance and the Evolution of Evolutionary Theory http://opensciences.org/blogs/open-sciences-blog/darwinian-inheritance-and-the-evolution-of-evolutionary-theory

[4] Trừ một ngoại lệ lúc đó là Liên Xô, nơi Di truyền học Mendel bị cấm đoán vì bị coi là một học thuyết phục vụ chủ nghĩa tư bản.

[5] Xem Wikipedia / Paul Kammerer

[6] Re-examination suggests Paul Kammerer’s scientific ‘fraud’ was a genuine discovery of epigenetic inheritance https://archaeologynewsnetwork.blogspot.com/2016/10/re-examination-suggests-paul-kammerers.html#WPZXyHtsYWrItibc.99

Chú thích hình ảnh: NEO-DARWINISM, Is It Time to Reconsider? Richard Milton

http://atlantisrisingmagazine.com/article/neo-darwinism-time-to-reconsider/

 

1 thoughts on “A Tragedy in Biology / Một bi kịch trong Sinh học

  1. Các nhà tiến hóa đâu rồi ? Sao không lên tiếng về sự thật đau thương này ? Hãy trả lời câu hỏi tại sao thuyết tiến hóa có quá nhiều vụ gian lận lừa đảo như vậy ? Nào là người Pin-đao , nào là khủng long bay v.v. và bây giờ đến bi kịch của ông Paul Kammerer . Tôi phải thú thật là tôi vừa giận và thương hại ông này . Tất cả chỉ vì muốn có bằng chứng cho thuyết tiến hóa mà đến nỗi phải thân bại danh liệt . Chắc các ông tiến hóa lại bảo đây chỉ là những cá nhân xấu xa mà thôi , chứ không phải thuyết tiến hóa, đúng không? Nhưng thưa các vị, các vị cố tình che đậy một sự thật là những cá nhân này khao khát có bằng chứng cho thuyết tiến hóa , nhưng không có cách nào kiếm ra bằng chứng, nên mới phải làm chuyện lừa đảo như thế . Đó chẳng phải là sự thật sao? Tại sao cứ phải chối quanh chối co mãi? NH.

    Thích

Bình luận về bài viết này