Consciousness: A Non-Material Reality / Ý thức: Một Hiện thực Phi-Vật chất

In 2014, a group of leading scientists in the world published a Manifesto recognizing the existence of consciousness as a non-material reality which is independent of matter, despite its close relationship with the material world. The Manifesto suggested that it’s the time for science to change its worldview to go beyond the limits of materialistic science…

Năm 2014, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã ra Tuyên Ngôn thừa nhận sự tồn tại của ý thức như một hiện thực phi vật chất, tồn tại độc lập với vật chất, mặc dù có quan hệ chặt chẽ với thế giới vật chất. Tuyên Ngôn này cho rằng đã đến lúc khoa học phải thay đổi thế giới quan của nó để vượt qua giới hạn của nền khoa học duy vật…

Nguyên văn tên gọi của bản tuyên ngôn là Manifesto for a Post-Materialist Science (Tuyên ngôn vì một nền Khoa học Hậu Duy vật). Sau đây là bản dịch của PVHg’s Home: 

1. Thế giới quan của khoa học hiện đại chủ yếu dựa trên các giả định có liên quan chặt chẽ với vật lý cổ điển. Chủ nghĩa duy vật – tư tưởng cho rằng vật chất là hiện thực duy nhất – là một trong những giả định này. Một giả định liên quan (với chủ nghĩa đó) là quy giản luận (reductionism) – quan niệm cho rằng cái phức tạp có thể hiểu được bằng cách quy giản chúng thành tương tác của các thành phần đơn giản hơn hoặc cơ bản hơn, chẳng hạn như các hạt vật chất nhỏ bé.

2. Trong thế kỷ 19, những giả định này co hẹp lại, biến thành các giáo điều, và kết hợp thành một hệ thống niềm tin mang tính ý thức hệ được gọi là “chủ nghĩa duy vật khoa học” (scientific materialism). Hệ thống niềm tin này ngụ ý rằng tinh thần chẳng là cái gì khác hoạt động thể chất của bộ não, và rằng tư tưởng của chúng ta không thể có ảnh hưởng gì đến bộ não và cơ thể của chúng ta, đến hành động của chúng ta và thế giới vật chất.

3. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa duy vật khoa học đã trở thành ý thức hệ thống trị giới học thuật trong thế kỷ 20. Ý thức hệ ấy khuynh đảo đến nỗi đa số các nhà khoa học bắt đầu tin rằng nó dựa trên bằng chứng thực nghiệm đã được xác minh đâu ra đấy, và nó đại diện cho quan điểm duy nhất hợp lý về thế giới.

4. Các phương pháp khoa học dựa trên triết học duy vật đã thành công lớn không chỉ trong việc nâng cao hiểu biết của chúng ta về tự nhiên mà còn mang lại sự kiểm soát và tự do lớn hơn thông qua những tiến bộ trong công nghệ.

5. Tuy nhiên, sự thống trị gần như tuyệt đối của chủ nghĩa duy vật trong thế giới học thuật đã làm thui chột khoa học và cản trở sự phát triển việc nghiên cứu khoa học về tinh thần và tâm linh. Niềm tin vào hệ tư tưởng này như một cái khung độc nhất giải thích hiện thực đã buộc các nhà khoa học phải bỏ qua chiều trải nghiệm chủ quan của con người. Điều này đã dẫn đến một sự hiểu biết méo mó và nghèo nàn một cách nghiêm trọng về bản thân chúng ta và về vị trí của con người trong tự nhiên.

6. Trước hết và trên hết, khoa học là một phương pháp không giáo điều, tư duy mở để thu nhận kiến thức về tự nhiên thông qua quan sát, khảo sát thực nghiệm, và đưa ra sự giải thích lý thuyết về các hiện tượng. Phương pháp luận của nó không đồng nghĩa với chủ nghĩa duy vật và không nên gắn với bất kỳ niềm tin, giáo điều hay ý thức hệ nào.

7. Cuối thế kỷ 19, các nhà vật lý khám phá ra những hiện tượng thực tế không thể giải thích được bằng vật lý cổ điển. Điều này dẫn đến sự phát triển trong những năm 1920 và đầu những năm 1930 một ngành vật lý mới mang tính cách mạng được gọi là cơ học lượng tử. Cơ học lượng tử đã nêu lên những câu hỏi nghi vấn về nền tảng vật chất của thế giới bằng cách chỉ ra rằng nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử không thực sự là các vật thể rắn – chúng không tồn tại một cách xác định tại những vị trí không gian xác định và thời gian xác định. Quan trọng nhất, cơ học lượng tử đã dứt khoát đưa ý thức vào cấu trúc nhận thức cơ bản, vì người ta đã khám phá ra rằng các hạt được quan sát và người quan sát – nhà vật lý và phương pháp được sử dụng để quan sát – có liên hệ với nhau. Theo một giải thích của cơ học lượng tử, hiện tượng này cho thấy ý thức của người quan sát đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại của các sự kiện vật lý được quan sát, và các sự kiện tinh thần có thể ảnh hưởng đến thế giới vật lý. Kết quả của những thí nghiệm gần đây đã ủng hộ sự giải thích này. Những kết quả này cho thấy thế giới vật chất không còn là thành phần chủ yếu hoặc duy nhất của thế giới hiện thực nữa, và thế giới ấy không thể hiểu được một cách đầy đủ nếu không tham chiếu đến ý thức.

8. Các nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra rằng, hoạt động tinh thần có ý thức có thể có ảnh hưởng nhân quả đến hành vi, và rằng giá trị về mặt giải thích và dự đoán của các yếu tố “agentic” như niềm tin, mục đích, mong muốn và kỳ vọng là rất cao. Hơn nữa, nghiên cứu trong bộ môn tâm lý – thần kinh – miễn dịch học (psychoneuroimmunology) đã chỉ ra rằng tư tưởng và cảm xúc có thể ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động của các hệ thống sinh lý học (thí dụ hệ miễn dịch, hệ nội tiết, hệ tim mạch). Mặt khác, những nghiên cứu mô tả thần kinh của việc tự điều chỉnh cảm xúc, tâm lý trị liệu và hiệu ứng giả dược chứng minh rằng các sự kiện tâm thần ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của bộ não.

9. Những nghiên cứu về cái gọi là “hiện tượng cận tâm lý” (psi phenomena) chỉ ra rằng đôi khi chúng ta có thể nhận được thông tin có ý nghĩa mà không thông qua giác quan thông thường, và những thông tin này vượt qua những giới hạn của thời gian và không gian quen thuộc. Hơn nữa, nghiên cứu cận tâm lý chứng minh rằng tinh thần có thể tạo ra ảnh hưởng từ xa lên các thiết bị vật lý và các tổ chức sống (bao gồm cả sinh vật không phải con người). Nghiên cứu cận tâm lý cũng cho thấy suy nghĩ của những người xa cách nhau vẫn có thể có mối liên hệ bất định xứ (nonlocal) với nhau – mối liên hệ từ xa được giả thiết là không thông qua môi trường trung gian (không liên kết với bất kỳ tín hiệu năng lượng nào đã biết), không bị suy giảm (không suy giảm khi khoảng cách tăng), và tức thời (xuất hiện đồng thời). Những sự kiện này phổ biến đến nỗi chúng không thể được coi là dị thường hay ngoại lệ đối với các định luật tự nhiên, mà cho thấy cần có một khung giải thích rộng hơn chủ nghĩa duy vật.

10. Hoạt động tinh thần có ý thức có thể trải nghiệm được trong cái chết lâm sàng khi tim ngừng đập (đây là cái được gọi là “trải nghiệm cận tử“). Một số người từng có trải nghiệm cận tử đã báo cáo về sự nhận thức ngoài-cơ-thể (những nhận thức có thể chứng minh được là khớp với thực tế) xảy ra trong khi tim ngừng hoạt động. Người có trải nghiệm cận tử cũng báo cáo những kinh nghiệm tâm linh sâu sắc trong quá trình trải nghiệm cận tử sau khi tim ngừng đập. Đáng chú ý là hoạt động điện của não ngừng lại sau khi tim ngừng đập vài giây.

11. Các thí nghiệm được kiểm soát trong phòng thí nghiệm đã chứng minh rõ ràng rằng những nhà ngoại cảm điêu luyện (những người tuyên bố họ có thể liên lạc với ý nghĩ của những người đã mất) đôi khi có thể nhận được thông tin có độ chính xác cao về những cá nhân đã mất. Điều này tiếp tục ủng hộ kết luận cho rằng ý thức có thể tồn tại độc lập với bộ não.

12. Một số nhà khoa học và triết học có khuynh hướng duy vật chủ nghĩa từ chối thừa nhận những hiện tượng này bởi vì chúng không phù hợp với quan niệm cố hữu của họ về thế giới. Từ chối việc nghiên cứu theo tinh thần hậu duy vật về tự nhiên, hoặc từ chối công bố những khám phá khoa học mạnh mẽ ủng hộ một khung nhận thức hậu duy vật là phản lại tinh thần thực sự của nghiên cứu khoa học, trong đó dữ liệu thực nghiệm luôn luôn phải được xử lý một cách thỏa đáng. Dữ liệu không phù hợp với lý thuyết và niềm tin ưa thích không thể bị loại bỏ chỉ vì tiên nghiệm. Sự loại bỏ như thế là do hệ tư tưởng chứ không phải khoa học.

13. Điều quan trọng là phải nhận thấy rằng hiện tượng cận tâm lý, trải nghiệm cận tử khi tim ngừng đập, và các chứng cứ có thể lặp lại từ những nhà ngoại cảm đáng tin cậy được nghiên cứu, chỉ trở nên bất thường khi bị nhìn qua thấu kính duy vật.

14. Hơn nữa, các lý thuyết duy vật thất bại trong việc làm sáng tỏ cách bộ não tạo ra ý thức, và chúng không thể giải thích các bằng chứng thực nghiệm được đề cập đến trong bản tuyên ngôn này. Thất bại này nói với chúng ta rằng đã đến lúc cần phải giải phóng chúng ta ra khỏi sự hạn chế và sự mù quáng của tư tưởng duy vật chủ nghĩa cổ lỗ sĩ, để mở rộng nhận thức của chúng ta về thế giới tự nhiên và trang bị hệ hình hậu duy vật.

15. Theo mô hình hậu duy vật:

a) Ý thức đại diện cho một khía cạnh của hiện thực và nó cũng đóng vai trò cơ bản như thế giới vật chất. Ý thức là nền tảng của vũ trụ, nghĩa là nó không thể bắt nguồn từ vật chất và không thể quy giản về bất cứ cái gì cơ bản hơn.

b) Có một sự kết nối sâu sắc giữa tinh thần với thế giới vật chất.

c) Ý thức (ý chí/ ý định) có thể ảnh hưởng đến trạng thái của thế giới vật chất, và nó hoạt động theo cách bất định xứ, nghĩa là không bị giới hạn bởi các vị trí cụ thể trong không gian như bộ não và cơ thể, và cũng không bị giới hạn bởi thời điểm cụ thể của thời gian, chẳng hạn như hiện tại. Vì ý thức có thể ảnh hưởng một cách bất định xứ đến thế giới vật chất, nên các ý định, cảm xúc và mong muốn của một người làm thí nghiệm có thể không hoàn toàn độc lập với kết quả của thí nghiệm, ngay cả trong những thiết kế được kiểm soát và không để lộ mục đích cho người làm thí nghiệm biết[1].

d) Ý thức dường như không bị trói buộc, và có thể kết hợp thành một thể hợp nhất – Một Tư Tưởng bao gồm những suy nghĩ cá biệt và đơn lẻ.

e) Các trải nghiệm cận tử khi tim ngừng hoạt động cho thấy bộ não vận hành như một chiếc máy thu phát các hoạt động tinh thần, tức là ý thức có thể hoạt động thông qua bộ não, nhưng không do bộ não tạo ra. Kết hợp với bằng chứng từ các nhà ngoại cảm, trải nghiệm cận tử xảy ra khi tim ngừng hoạt động cho thấy ý thức tiếp tục tồn tại sau cái chết thể xác, và cho thấy sự tồn tại của những tầng hiện thực phi vật chất khác. 

f) Các nhà khoa học không nên né tránh việc nghiên cứu tâm linh và nghiên cứu những trải nghiệm tâm linh, bởi vì những trải nghiệm này thể hiện một khía cạnh chủ yếu trong các trải nghiệm của con người.

16. Khoa học hậu duy vật không loại bỏ các quan sát thực nghiệm và giá trị lớn lao của những thành tựu khoa học đã đạt được từ trước tới nay. Nó tìm cách mở rộng khả năng của con người nhằm hiểu biết những điều kỳ diệu của tự nhiên đầy đủ hơn, và nó đang trong quá trình tái khám phá tầm quan trọng của tư tưởng và tâm linh như một thành phần cốt lõi của vũ trụ. Chủ nghĩa Hậu duy vật bao gồm cả vật chất, cái được xem như một thành phần cơ bản của vũ trụ.

17. Mô hình hậu duy vật có những hàm ý rất sâu rộng. Nó làm thay đổi căn bản cách chúng ta nhìn nhận bản thân, trả lại cho chúng ta phẩm giá và năng lực với tư cách là con người và nhà khoa học. Mô hình này cổ vũ những giá trị tích cực như lòng trắc ẩn, sự kính trọng, và sự hoà thuận. Bằng cách nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa bản thân chúng ta và tự nhiên nói chung, mô hình hậu duy vật cũng thúc đẩy nhận thức về môi trường và bảo tồn bầu sinh quyển của chúng ta. Ngoài ra nó cũng không phải là điều gì mới, mà chỉ là cái đã bị lãng quên trong 400 năm qua, rằng một sự hiểu biết về một yếu tố siêu vật chất nằm trong sự sống[2] có thể là hòn đá tảng của sức khỏe và thể trạng, vì nó đã được gìn giữ và bảo tồn trong các phương pháp rèn luyện tinh thần – thể xác – tâm linh cổ xưa, trong các truyền thống tôn giáo và những lối tiếp cận thiền mặc.

18. Bước nhảy từ khoa học duy vật sang khoa học hậu duy vật có thể có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Nó có thể còn quan trọng hơn sự chuyển đổi từ thuyết địa tâm sang thuyết nhật tâm “.

 

Các tác giả của Tuyên ngôn:

Mario Beauregard, PhD, Neuroscience of Consciousness, Laboratory for Advances in Consciousness and Health, Dept of Psychology, University of Arizona, USA, Author of The Spiritual Brain and Brain Wars

Larry Dossey, MD, Internal Medicine, Independent Scholar and Executive Editor, Explore, Author of Recovering the Soul, USA

Lisa Jane Miller, PhD, Clinical Psychology, Editor, Oxford Handbook of Psychology & Spirituality, Editor-in-Chief, Spirituality in Clinical Practice, Professor & Director, Spirituality & Mind Body Institute, Columbia University, USA

Alexander Moreira-Almeida, MD, PhD, Psychiatry, Associate Professor, Universidade Federal de Juiz de For a, Founder & Director, Research Center in Spirituality and Health, Brazil

Marilyn Schlitz, PhD, Social Anthropology,

Founder & CEO, Worldview Enterprises, President Emeritus & Senior Fellow, Institute of Noetic Sciences, USA

Gary Schwartz, PhD, Psychology, Neurology, Psychiatry & Surgery, Professor, University of Arizona, Director, Laboratory for Advances in Consciousness and Health, USA

Rupert Sheldrake, PhD, Biochemistry, Developmental Biology, Consciousness Studies, Fellow, Institute of Noetic Sciences; Fellow, Schumacher College, Author of A New Science of Life, UK

Charles T Tart, PhD, Transpersonal Psychology, Core Faculty Member, Sofia University, Professor Emeritus of Psychology, University of California, USA

Ngoài ra còn có hơn 300 nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ y khoa và các nhà lãnh đạo tư tưởng tuyên bố nhất trí với bản Tuyên Ngôn này.


[1] Dịch ý từ “blinded experimental designs”.

[2] Lived transmaterial

11 thoughts on “Consciousness: A Non-Material Reality / Ý thức: Một Hiện thực Phi-Vật chất

  1. Pingback: Share – Consciousness: A Non-Material Reality / Ý thức: Một Hiện thực Phi-Vật chất — PhamVietHung’s Home – Non Performing Life…

  2. Thưa bác Hưng,

    Mấy ngày trước nhận được email báo bài từ trang web của bác, đọc bài xong cháu có gửi một bình luận mà bị lỗi nên không thấy hiện lên trang.

    Mấy ngày nay đọc lại Bản tuyên ngôn, càng đọc lại càng thấy thấm nên cháu lại muốn gửi đôi lời để cảm ơn bác đã dịch và giới thiệu. Cháu có share bài này lên Facebook, không có nhiều người đọc lắm (điều đó có lẽ cũng dễ hiểu vì hình như nó hơi khô khan đối với Facebookers?). Nhưng có một người bạn rất tâm đắc và đã bày tỏ niềm vui vì được biết đến bản tuyên ngôn. Bạn đó nói từ năm 2014 đến nay đã 5 năm rồi mà giờ mới được biết nên cảm ơn cháu nhiều vì đã chia sẻ. Cháu cũng share bản tiếng anh với những người bạn nước ngoài nữa. Nó quá hay để không được biết đến.

    Chừng 3,4 năm trở lại đây cháu cũng có tiếp cận với các cách nhìn kết hợp tâm linh và khoa học nên ít nhiều những gì trong bài viết có phần quen thuộc. Nhưng khi biết được những điều này được viết ra dưới dạng một bản tuyên ngôn chính thức bởi cách nhà khoa học thì cháu cảm thấy thật sự ý nghĩa. Nó giống như một lời công bố dõng dạc về thời kỳ mới của nhận thức trong thế giới quan khoa học vậy.

    Cháu nghĩ rằng trong thế giới hiện tại nơi mà khoa học giữ vị trí giống như quan tòa của sự thật, nơi mà sự nhận thức ĐƯỢC soi sáng bởi khoa học nhưng lại BỊ giới hạn bởi chủ nghĩa duy vật, thì một tiếng nói chính thức của giới khoa học để đặt lại vấn đề là rất cần thiết. Bản tuyên ngôn không chỉ đặt lại vấn đề mà còn cùng lúc đưa ra những bằng chứng, những lý lẽ mà cháu nghĩ chủ nghĩa duy vật không thể nào trả lời một cách thỏa đáng.

    Đọc bản tuyên ngôn, đặc biệt đến chỗ “..thế giới vật chất không còn là thành phần chủ yếu hoặc duy nhất của thế giới hiện thực nữa, và thế giới ấy không thể hiểu được một cách đầy đủ nếu không tham chiếu đến ý thức…”, và “…nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử không thực sự là các vật thể rắn – chúng không tồn tại một cách xác định tại những vị trí không gian xác định và thời gian xác định…”, bỗng dưng cháu tự hỏi về mục đích của đời mình. Trong phút chốc cháu thấy cả cái thế giới mà mình vẫn luôn cho nó là quan trọng, ghê gớm, cần phải được tóm bắt trở nên phù du làm sao…

    Cháu xin cảm ơn bác lần nữa về bản dịch và sự giới thiệu rất ý nghĩa này. Kính chúc bác sức khỏe và niềm vui.

    Kính bác,
    Lê Tấn Hòa

    P/s: Cháu có thắc mắc nhỏ xin bác giải thích dùm:

    Trong bản tiếng Anh, đoạn số 9:

    Furthermore, psi research demonstrates that we can mentally influence—at a distance—physical devices and living organisms (including other human beings).

    Bản tiếng Việt:

    Hơn nữa, nghiên cứu cận tâm lý chứng minh rằng tinh thần có thể tạo ra ảnh hưởng từ xa lên các thiết bị vật lý và các tổ chức sống (bao gồm cả sinh vật không phải con người).

    Vậy bác dịch “including other human beings” là “bao gồm cả sinh vật không phải con người”, cháu lại hiểu là “bao gồm cả những người khác”. Bác giúp cháu hiểu chỗ này với ạ.

    Thích

    • Cảm ơn cháu Lê Tấn Hòa,
      1/ “including other human beings” nếu dịch đúng từng chữ thì như cháu nói là đúng: “bao gồm những người khác”. Nhưng như thế thì câu nói đó vô nghĩa, vì “người khác” chẳng có nghĩa gì cả. Vì thế phải hiểu ý tác giả là “including other than human beings”, tức là “bao gồm những sinh vật khác với con người” thì mới có nghĩa. Và trong thực tế những nghiên cứu về ngoại cảm, có những hiện tương liên lạc ý nghĩ giữa con người với loài vật. Đây là lỗi của văn bản (bác đã từng phát hiện ra những lỗi văn bản tiếng Anh trong các xuất bản phẩm khoa học, lúc ấy không thể dịch nguyên văn được, buộc phải dịch theo ý. Đó là cái khó của công việc dịch thuật, đòi hỏi người dịch phải có bản lĩnh).
      2/ Bác nhất trí với cháu rằng TUYÊN NGÔN này là một SỰ KIỆN LỚN về khoa học và về NHẬN THỨC LUẬN. Nhưng số người nhận ra điều đó quá ít. Vì thế việc phổ biến nó rộng rãi là điều rất cần thiết. Bác đang viết một bài bình luận về Tuyên ngôn này. Phải có bình luận thì nhiều người mới hiểu rõ tầm quan trọng của nó. Cháu đón đọc và comment nhé!
      PVHg

      Thích

      • Xin cảm ơn bác đã giải thích về chuyện dịch thuật cũng như bài bình luận sắp tới ạ. Cháu sẽ chờ để đọc và comment.

        Thích

  3. Cháu xin lỗi bác nhưng dù không muốn cháu cũng phải đóng vai kẻ phản diện ở đây ạ, ngược dòng so với các bạn còn lại. Bản thân cháu thì càng đọc càng thấy Bản tuyên ngôn càng NHẢM, chứ không phải THẤM ạ. Riêng về việc họ nói bộ não hoạt động giống như một cái máy FM thu sóng “ý thức” được phát từ một cái nguồn nào đó bên ngoài thì cháu hoàn toàn không thể chấp nhận được ạ vì nó quá vô lí. Tư tưởng này không mới, không phải từ thời bùng nổ các phát minh về sóng radio của thế kỉ trước mà nếu truy cho cùng thì nó là ở trong đạo Bà la môn, với các khái niệm Brahma (Phạm Thiên), Tiểu Ngã, Đại Ngã vốn cho rằng các Tiểu Ngã đều xuất phát từ Đại Ngã và mục đích cuối cùng của sự giải thoát là trở về hoà làm một với Đại Ngã. Nếu bác muốn thử xem thuyết này có đúng hay không thì bác cứ tìm hiểu về các bệnh rối loạn thần kinh của con người, đôi khi chỉ vì thiếu một chất hoá học nào đó tham gia vào việc truyền dẫn thần kinh đã có thể biến một người bình thường thành kẻ bệnh tật. Hay dễ thấy hơn ở sự thay đổi nhân cách của những người sau chấn thương não. Nếu bác thực đã có trải nghiệm qua thì bác sẽ bác bỏ ngay cái thuyết nhảm nhí đó ngay từ đầu.

    Cháu cũng nghĩ bác nên định nghĩa lại thế nào là vật lí. Những gì mà cái gọi là khoa học hậu duy vật thuộc về siêu hình, chứ không còn là vật lí. Đối tượng nghiên cứu của vật lí là vật chất. Vì vậy đã là vật lí thì phải duy vật. Không có gì để bàn cãi cả. Thà ta cứ chấp nhận là “có vô số thứ ở bên kia tầm với”, chấp nhận một nền vật lí duy vật hạn chế của chúng ta, chứ đừng mở rộng ra thành cái khoa học hậu duy vật gì đó thì ta đã bước ra khỏi địa hạt của khoa học và vào tâm linh và siêu hình rồi ạ. Cháu xin nhấn mạnh lần nữa, cái “khoa học hậu duy vật” kia, không phải là khoa học, mà là siêu hình.

    Cháu đã đọc và rất đồng tình với tác giả bài viết này, bác có thể tham khảo: http://www.youstupidrelativist.com/Mathemagix.html

    Thích

    • Bạn “iamnoone1234” thân mến,
      Cái nickname của cháu dài dòng quá, hơi bất tiện khi trao đổi. Nhưng không sao, vì bác thấy cháu có tinh thần trao đổi nghiêm túc (không giống một số “nhà tiến hóa” thể hiện sự tức tối thấp kém khi thấy niềm tin của mình bị phê phán).
      Về quan điểm của cháu, bác không tán thành, vì 2 lý do:
      – Một, cháu vẫn bị đóng khung bởi thế giới vật chất. Cháu không cảm nhận được sự tồn tại của những hiện thực phi vật chất. Tất nhiên 5 giác quan không thể cảm nhận được cái hiện thực đó. Phải có trực giác sắc sảo và nhạy bén để nhận ra những hiện thực đó.
      – Hai, cháu vẫn mang nặng đầu óc duy lý. Cháu vẫn quá nặng vào lý luận mà không có sự bình tâm quan sát và lắng nghe những sự thật nằm ngoài khả năng nhận thức của mình. Tối thiểu, phải biết giật mình để lắng nghe và suy ngẫm khi những người đứng đắn và có trí tuệ nói ra những sự thật khó tin. Thí dụ, những người như Descartes, Pascal, Pasteur, Gödel,… uy tín của họ đáng để cho chúng ta bình tâm suy ngẫm về những điều họ nói, thay vì tức tối bác bỏ. Tuyên ngôn vì một nền khoa học hậu duy vật phù hợp với những điều Descartes nói, Pascal nói, Gödel nói,… Tất nhiên bác không khuyên cháu phải tin mấy vị đó, nhưng bác khuyên cháu học “giật mình” khi nghe mấy vị đó nói. Không biết giật mình khi nghe những bậc thầy nói thì bác e rằng chúng ta sẽ chẳng học được cái gì cả.
      Khi cháu bị đóng khung và giới hạn bởi hai thứ đó, cháu sẽ không bao giờ hiểu được khái niệm hiện thực phi vật chất và khái niệm trực giác.
      Đối với bác, mọi thứ lý luận thực chất chỉ là sự diễn giải cho rõ ràng cái mà mình cảm nhận thấy, trực giác thấy. Vì thế, đối với một vấn đề mà mình không cảm nhận thấy, không trực giác thấy, thì mọi lý luận đều vô bổ.
      Đó là lý do bác không tranh luận với cháu. Bác tôn trọng ý kiến của cháu, nhưng bác không tán thành, vì bác biết rằng có những điều bác cảm nhận được và trực giác được nhưng cháu thì không. Do đó chúng ta không thể tranh luận gì với nhau được. Bác hy vọng thời gian sẽ đem lại cho chúng ta câu trả lời thống nhất. Khi đó chúng ta sẽ chia sẻ thật nhiều, cháu nhé.
      Cảm ơn cháu vì nhiệt tình trao đổi.
      PVHg

      Thích

  4. Xin được giới thiệu với bác Hưng loạt bài sau giúp ta hiểu hơn về bí ẩn của ý thức
    1/ Tại sao động vật không có ngôn ngữ
    https://mindmatters.ai/2019/04/why-apes-are-not-spiritual-beings/
    https://mindmatters.ai/2019/03/the-real-reason-why-only-human-beings-speak/
    https://mindmatters.ai/2018/12/how-is-human-language-different-from-animal-signals/
    https://mindmatters.ai/2018/12/can-genes-predict-which-birds-can-learn-to-talk/

    2/ Ý thức có thể tiến hóa được hay không
    https://mindmatters.ai/2019/09/did-consciousness-evolve/
    https://mindmatters.ai/2019/09/can-computers-simply-evolve-greater-intelligence/

    3/ Không lý thuyết nào của chủ nghĩa duy vật có thể giải thích thỏa đáng về ý thức
    https://mindmatters.ai/2019/07/no-materialist-theory-of-consciousness-is-plausible/
    Bác vào trang mindmatters.ai đó sẽ có rất nhiều bài bàn về ý thức, về computer, AI và cũng nhắc đến godel nữa

    4/ Khoa học không thể giải mã bí mật của ý thức con người
    https://www.thetrumpet.com/864-why-science-cannot-unlock-the-secret-of-the-human-mind

    Thích

  5. Chào bác, cám ơn về bài viết của bác đã cho cháu cái nhìn đa chiều hơn về mối liên hệ giữa ý thức và vật chất ! Cháu có từng được nghe ý kiến như sau : Khi quan sát một electron qua kính hiển vi thì trạng thái của electron đó thay đổi, ngược lại không thể sử dụng dụng cụ vật lý nào để mô tả chuyển động của electron đó.
    Khi ấy cháu đã thấy rất shock và có phần hồ nghi, thật tình cờ đọc được nhận xét tương tự của bác ở đây. Vì không thể tìm được nguồn tài liệu nào xác nhận điều trên, bác có thể cho cháu xin nguồn dẫn chứng về điều trên được không ạ.
    Nếu điều đó là đúng thì nó hàm ý rằng sự quan sát sẽ làm thay đổi trạng thái của sự vật. Đồng thời việc suy nghĩ quan sát chính nó sẽ dẫn tới sự thay đổi không chỉ ở bản thân suy nghĩ mà còn cả trong tế bào não. Cháu có đọc trong một số bài viết của bác về định lý bất toàn rằng một hệ logic không thể chứng minh được tiên đề của nó. Vậy việc suy nghĩ tự quan sát chính nó phải chăng là phương cách để nhận diện và hiểu bản thân mình như trong truyền thống của thiền định. Không biết cháu đặt liên hệ giữa hai điều trên có thoả đáng không ạ ?
    Cháu rất mong nhận được sự giải đáp của bác. Cám ơn bác !

    Thích

    • Trả lời cháu Tùy Phong,
      1/ Ý kiến thắc mắc của cháu về sự quan sát của nhà quan sát ảnh hưởng tới kết quả quan sát là hoàn toàn đúng. Đó là chuyện “lạ thường” trong thế giới lượng tử, được mô tả như bản chất bất định của thế giới lượng tử. Đây là một vấn đề từng gây nên khủng hoảng về nhận thức thế giới trong nừa đầu thế kỷ 20, vì không ai hiểu được bản chất của những hiện tượng đó. Điều đó dẫn tới Nguyên lý Bất định của Werner Heisenberg, một nguyên lý nền tảng của Cơ học Lượng tử. Cháu có thể tìm hiểu vấn đề này qua cuốn:
      “Từ xác định đến bất định” của David Peat, dịch giả Phạm Việt Hưng, NXB tri Thức 2011, xem Chương 1: Bát định Lượng tử, chú ý mục “Sự tham gia lượng tử”…
      2/ THIỀN là một cách tu luyện “thoát xác” – ý thức rời khỏi thân xác, ra bên ngoài thân xác để quan sát bản thân mình từ bên ngoài. Khi đó người ta sẽ nhận diện chính bản thân mình đầy đủ hơn, chính xác hơn. Điều này phù hợp với Định lý Gödel, vì theo định lý này, một hệ A không thể phán xét đầy đủ về chính nó. Muốn phán xét A đầy đủ hơn, phải đi ra ngoài A.
      Chúc cháu may mắn nhé.
      PVHg

      Đã thích bởi 1 người

      • Cháu xin cám ơn bác, câu trả lời của bác đã giúp cháu giải đáp khúc này về vấn đề này. Cháu tin rằng những bài viết của bác về định lý Gödel cũng như những cuốn sách được bác dịch lại sẽ có rất nhiều ý nghĩa và giúp được cho rất nhiều người trên con đường tỉnh giác !
        Cháu tự hỏi phải chăng bởi vì còn cố gắng suy luận bằng lý trí mà người ta sẽ không thể đi đến đâu hoặc tự đưa mình vào xung đột triền miên như khủng hoảng đang diễn ra hiện nay – mà dường như đang rất tuyệt vọng. Cháu là sinh viên sắp ra trường và cảm thấy rất đau đáu trước hiện thực phải đối mặt bác ạ !
        Cháu xin chúc bác có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc của mình, sẽ còn rất nhiều người ngoài kia cần đến những điều chia sẻ của bác – những người thực sự biết lắng nghe !
        Xin lỗi bác về phần bình luận có phần cá nhân quá ạ. Thật buồn vì cháu đã cố gắng tìm cuốn Từ xác định đến bất định mà không thể kiếm được do các hiệu sách đều thông báo đã hết sách hoặc ngừng kinh doanh, không biết bác có thể cho cháu thông tin về nơi còn bán cuốn sách này không ạ ? Cháu xin cám ơn bác !

        Thích

  6. Pingback: SECRETS OF CONSCIOUSNESS – Personal-Business-Development-Enthusiasts

Bình luận về bài viết này