Genetic Entropy / Sự Thoái hóa Di truyền

William Basener & John Sanford recently published their latest study on Genetic Entropy in the Journal of Mathematical Biology, issue June 2018: “The Fundamental Theorem of natural selection with mutation”. This is a death blow to Neo-Darwinism because it proves definitively that genetic entropy makes evolution impossible.

William Basener & John Sanford vừa công bố công trình nghiên cứu mới nhất của họ về Genetic Entropy trên tạp chí Sinh học Toán hoc số Tháng 06/2018: “Định lý cơ bản về chọn lọc tự nhiên với đột biến”. Đây là một đòn trời giáng lên học thuyết Tân-Darwin vì nó chứng minh dứt khoát rằng sự thoái hóa gene làm cho sự tiến hóa là bất khả thi.

Vài khái niệm cơ bản

Thoái hóa di truyền (hoặc entropy di truyền) là gì?

Trang mạng Genetic Entropy giải thích:

  • Entropy di truyền là sự thoái hóa của hệ di truyền trong những thực thể sống. Sự thoái hóa di truyền là sự tan vỡ một cách hệ thống của các hệ thông tin sinh học nội tại vốn làm cho sự sống sống động.
  • Entropy di truyền là kết quả của đột biến gene ─ những lỗi sao chép (lỗi đánh máy) trong việc lập trình của sự sống (cẩm nang hướng dẫn sự sống). Một cách hệ thống, đột biến làm xói mòn thông tin mã hóa nhiều chức năng cần thiết của sự sống. Thông tin sinh học bao gồm một tập hợp rộng lớn các đặc điểm của sinh vật, và đột biến ngẫu nhiên sẽ thu thập các đặc điểm này một cách tùy tiện không đúng phương pháp ─ điều này diễn ra dần dần từng tí một nhưng không ngừng phá hủy các hướng dẫn lập trình cần thiết cho sự sống.

Thoái hóa di truyền ở cấp độ cá nhân

Có thể dễ dàng hiểu được sự thoái hóa di truyền ở cấp độ cá nhân. Mỗi lần tế bào phân chia trong cơ thể chúng ta, có khoảng 3 đột biến nẩy sinh. Nghĩa là càng ngày các tế bào của chúng ta càng có xu hướng biến đổi hơn và phân kỳ hơn. Thời gian càng trôi đi, mỗi tế bào của chúng ta càng tích lũy nhiều đột biến hơn, khi về già có thể có tới hàng chục ngàn đột biến. Sự tích lũy đột biến là lý do chính khiến chúng ta già đi rồi chết. Cấp độ entropy di truyền này rất dễ hiểu.

Thoái hóa di truyền ở cấp độ quần thể

Entropy di truyền còn tác động ở cấp độ quần thể bao gồm nhiều thế hệ. Vì các đột biến phát sinh trong tất cả các tế bào của chúng ta, bao gồm cả tế bào sinh sản, nên chúng ta sẽ chuyển giao nhiều đột biến của chúng ta cho con cái. Vì vậy, đột biến liên tục tích lũy trong quần thể các thế hệ, trong đó mỗi thế hệ sau chịu ảnh hưởng đột biến nhiều hơn thế hệ trước. Do đó chúng ta không chỉ chịu sự thoái hóa di truyền ở cấp độ cá nhân, mà còn chịu sự thoái hóa di truyền ở cấp độ quần thể. Điều này có nghĩa là sự tiến hóa đi sai đường ─ chọn lọc tự nhiên có thể làm chậm sự thoái hóa di truyền nhưng không thể làm cho nó dừng lại ở cấp độ quần thể!

Từ entropy của các hệ vật lý đến entropy của hệ di truyền

Thông tin của sự sống là trí thông minh hướng dẫn sự sống, nhưng thông tin và hệ thông tin của sự sống luôn luôn thoái hóa. Điều này ngày càng trở nên rõ ràng, giúp cho các nhà sinh học đưa ra những kết luận hoàn toàn trái với những gì các nhà tiến hóa tuyên bố.

Theo vật lý học, entropy là đại lượng đo sự hỗn loạn của các hệ động lực học. Theo định luật entropy, mọi hệ thống chức năng của sinh vật nói chung đều có xu hướng thoái hóa ─ chuyển đổi dần từ trật tự đến rối loạn (entropy luôn luôn tăng lên trong mọi hệ thống khép kín). Hệ thông tin sinh học hoạt động thông qua sự tương tác của các phân tử vật chất, vì thế nó cũng không thể nằm ngoài tác động của định luật entropy. Vì thế, hiện tượng entropy di truyền xét cho cùng chính là biểu hiện của định luật entropy trong hệ di truyền của các thực thể sống.

Người gieo thuật ngữ “Genetic Entropy” vào trong sinh học là John C. Sanford, một nhà sinh học di truyền nổi tiếng người Mỹ, Giáo sư các Đại học Cornell và Đại học Duke, tác giả của hơn 70 công trình nghiên cứu về di truyền học. Tác phẩm gần đây nhất của ông là cuốn “Genetic Entropy”, xuất bản năm 2014, là một mối đe dọa lớn đối với thuyết tiến hóa, bởi nó chỉ ra rằng sự thoái hóa di truyền không cho phép sự tiến hóa xảy ra. Bấy kỳ người nào quan tâm tới thuyết tiến hóa ắt phải đọc cuốn này, như nhà sách Amazon đã giới thiệu.

Lời giới thiệu của hãng Amazon về cuốn “Genetic Entropy” của John Sanford

Cuốn sách này đã được Nhà Sách Amazon giới thiệu nhiều lần, với những lời giới thiệu khác nhau. Sau đây là hai lời giới thiệu của hai lần tái bản khác nhau:

Lời giới thiệu thứ nhất[1]

Tiến sĩ John Sanford, một giáo sư Đại học Cornell đã về hưu, cho thấy trong cuốn “Sự thoái hóa di truyền và bí ẩn của hệ gene” rằng “Tiên đề Chính” (Primary Axiom) là sai. Tiên đề Chính là tiên đề nền tảng của thuyết tiến hóa ─ nói rằng sự sống chỉ là kết quả của đột biến và chọn lọc tự nhiên. Ngoài việc đưa ra những bằng chứng thuyết phục và hấp dẫn chứng tỏ toàn bộ bộ gene không thể tiến hóa đi lên, Tiến sĩ Sanford còn trình bày những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy thực ra những bộ gene cao hơn phải thoái hóa dần theo thời gian. Cuốn sách này bác bỏ mạnh mẽ khái niệm của học thuyết Darwin rằng con người chỉ là kết quả của một quá trình tự nhiên ngẫu nhiên và vô định hướng.

Lời giới thiệu thứ hai[2]

Cuốn ““Sự thoái hóa di truyền và bí ẩn của hệ gene” trình bày những bằng chứng khoa học hấp dẫn cho thấy bộ gene của tất cả các sinh vật đang dần dần thoái hóa ─ do sự tích lũy các đột biến có hại thông qua nhiều thế hệ. Điều này xảy ra bất chấp sự chọn lọc tự nhiên. Tác giả cuốn sách này, Tiến sĩ John Sanford, là một nhà di truyền học Đại học Cornell. Tiến sĩ Sanford đã cống hiến hơn 10 năm trong cuộc đời của mình để nghiên cứu vấn đề cụ thể này. Có thể cho rằng, ông đã xem xét vấn đề này sâu hơn bất kỳ nhà khoa học nào khác. Những bằng chứng mà ông trình bày rất đa dạng và hấp dẫn.

Ông bắt đầu bằng cách kiểm tra xem đột biến ngẫu nhiên và sự chọn lọc tự nhiên thực sự hoạt động như thế nào, và chỉ ra rằng logic đơn giản đòi hỏi bộ gene phải thoái hóa. Sau đó, ông đã tiến hành một cuộc khảo sát lịch sử về lĩnh vực liên quan là hệ di truyền của quần thể sinh vật và cho thấy các nhà khoa học giỏi nhất trong lĩnh vực này đã luôn luôn thừa nhận nhiều vấn đề cơ bản mà ông đã phát hiện.

Sau đó, ông cho thấy, với sự hợp tác của một nhóm các nhà khoa học khác, các thí nghiệm mô phỏng số (digital) hiện đại nhất quán xác nhận vấn đề thoái hóa di truyền (thậm chí sự chọn lọc tự nhiên được mô phỏng bởi một sự chọn lọc rất mạnh và cho trước một điều kiện tối ưu). Cuối cùng, phối hợp với các nhà khoa học khác, ông cho thấy quần thể sinh học thực sự biểu hiện rõ ràng sự thoái hóa di truyền. Phát hiện của Tiến sĩ Sanford có ý nghĩa rất lớn. Tác phẩm của ông phần lớn làm cho lý thuyết Tân-Darwin kinh điển mất hiệu lực. Quá trình đột biến / chọn lọc tự nó không có khả năng tạo ra thông tin sinh học mới cần thiết để tạo ra các dạng sống mới.

Tiến sĩ Sanford cho thấy quá trình đột biến / chọn lọc không chỉ không có khả năng tạo ra bộ gene của chúng ta – nó thậm chí không thể bảo tồn bộ gene của chúng ta. Tiến sĩ sinh học Michael Behe thuộc Đại học Lehigh nhận xét về cuốn “Genetic Entropy” của Sanford rằng “học thuyết Darwin không chỉ không có câu trả lời cho vấn đề làm thế nào mà thông tin được cài đặt vào bộ gene, mà thậm chí còn không có câu trả lời cho câu hỏi nó có thể tồn tại ở đó như thế nào”. Tiến sĩ Sanford đã tạo ra thuật ngữ “entropy di truyền” để mô tả lỗ hổng nghiêm trọng này của lý thuyết Tân-Darwin. Vấn đề mang tính nền tảng này là một thứ bí mật chết người trong lĩnh vực di truyền quần thể, mà phần lớn mọi người đều không hay biết gì cả.

Thật may mắn, sử dụng một ngôn ngữ diễn đạt thích hợp với hầu hết các học giả và sinh viên có một vốn hiểu biết cơ bản về sinh học, cuốn sách này cuối cùng đã tiết lộ vấn đề rất nghiêm trọng này. Phiên bản mới này của cuốn “Genetic Entropy” bao gồm nhiều chứng cứ mới hỗ trợ cho luận án của Tiến sĩ Sanford. Phần lớn bằng chứng mới này lấy từ những công trình khoa học được công bố gần đây mà hiện nay là một phần của sách báo khoa học. “Genetic Entropy” là một cuốn sách mà bất kỳ một người có tư tưởng nào quan tâm tới khoa học đều phải đọc. Tiến sĩ Sanford kết thúc cuốn sách của mình bằng cách đặt hai câu hỏi. Thứ nhất, nếu bộ gene của chúng ta không thực sự hình thành thông qua sự tích tụ “những lỗi xử lý từ ngữ” trong hệ di truyền (như được tuyên bố), thì nó hình thành như thế nào? Thứ hai, nếu bộ gene của chúng ta đang trải qua sự thoái hóa không ngừng ─ thì chúng ta có thể đặt niềm hy vọng cho tương lai của chúng ta ở đâu?

Nhưng John Sanford không dừng lại ở đó. Mới đây ông lại tiếp tục tấn công vào học thuyết Tân-Darwin bằng những lập luận sắc bén hơn, thuyết phục hơn, vì được hỗ trợ mạnh mẽ bởi toán học và những bằng chứng thực tế. Đó là một bài báo mới được công bố đầu năm nay, 2018, nhan đề “Định lý cơ bản về chọn lọc tự nhiên với đột biến” (The fundamental theorem of natural selection with mutations)

Định lý cơ bản về chọn lọc tự nhiên với đột biến [3]

Tháng 01/2018: Định lý Nổi tiếng của Fisher đã bị “lật đổ

Cuốn “Genetic Entropy” (Sự Thoái hóa Di truyền) của John Sanford, phiên bản 2014, nói rằng một công trình mới đang được chuẩn bị công bố để bác bỏ “Định lý Cơ bản về Chọn lọc Tự nhiên” (Fundamental Theorem of Natural Selection) của Ronald Fisher. Rốt cuộc, công trình mới rất quan trọng này đã được công bố trên “Tạp chí Sinh học Toán học” (Journal of Mathematical Biology) số 7, Tháng 06/2018, Tập 76, từ trang 1589 đến 1622 với tiêu đề: “The fundamental theorem of natural selection with mutations” (Định lý Cơ bản về Chọn lọc Tự nhiên với đột biến)[4], bởi hai tác giả là William F. Basener và John C. Sanford,

  • Tiến sĩ William F. Basener là Giáo sư toán học thuộc Viện Công nghệ Rochester, New York
  • Tiến sĩ John C. Sanford là Giáo sư Di truyền học thuộc Đại học Cornell và Đại học Duke

Ronald Fisher được coi là một trong những nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ trước. Định lý của ông công bố năm 1930 là một công trình nền tảng khai sinh ra học thuyết Tân-Darwin (Neo-Darwinism) và lĩnh vực di truyền của quần thể.

Nhưng công trình mới công bố của Basener và Sanford cho thấy công thức toán học của Fisher và kết luận của ông là SAI. Hơn nữa, công trình mới còn sửa chữa lại định lý của Fisher đến mức đảo ngược và thiết lập một định lý mới.

Fisher đã tuyên bố định lý của ông là một bằng chứng toán học của sự tiến hóa ─ vì nó chứng minh rằng sự gia tăng liên tục trong việc thích nghi của sinh vật với môi trường là một định luật tự nhiên phổ quát mang tính toán học xác định.

Nhưng định lý mới được sửa chữa cho thấy điều ngược lại mới đúng sự thích nghi ắt phải liên tục thoái hóa làm cho cái gọi là “vĩ tiến hóa” (sự biến đổi loài này thành loài khác)  không thể thực hiện được.

Fisher mô tả định lý của ông là “cơ bản”, bởi vì ông tin rằng ông đã phát hiện ra một bằng chứng toán học cho thuyết tiến hóa của Darwin. Ông coi định lý của mình tương đương với một định luật tự nhiên phổ quát ─ ngang tầm với Định luật 2 của Nhiệt Động Lực học (tức Định luật Entropy). Định luật của Fisher khẳng định rằng các quần thể sẽ luôn tăng cường khả năng thích nghi ─ không giới hạn, miễn là có bất kỳ biến đổi di truyền nào trong quần thể. Do đó sự tiến hóa được xem như một hiện tượng chắc chắn và rõ ràng như lực hấp dẫn ─ một hiện tượng hoàn toàn xác định về mặt toán học. Trong những năm qua, một số lượng lớn sinh viên sinh học đã được dạy câu thần chú sau đây: “Định lý của Fisher chứng minh rằng sự tiến hóa là một sự xác định chắc chắn về toán học”..

Các tác giả của công trình mới đã nghiên cứu Định lý Fisher, sử dụng những nguyên lý đầu tiên của nó, rồi sửa chữa và phát biểu lại định lý. Họ đã đặt tên cho định lý đã được sửa đổi là Định lý cơ bản của Chọn lọc Tự nhiên với Đột biến. Tên gọi này lặp lại tên gọi của định lý Fisher, chỉ bổ sung thêm yếu tố “đột biến”.

Sự thay đổi điều chỉnh ở đây không phải là nhỏ ─ theo nghĩa đen, nó đã đảo ngược định lý của Fisher. Kết luận của định lý mới của Basener và Sanford rõ ràng là đối lập trực tiếp với những gì Fisher đã dự định ban đầu để chứng minh.

Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của sự thay đổi điều chỉnh này nếu thấu hiểu hoàn cảnh ra đời của học thuyết Tân-Darwin.

Vào đầu những năm 1900, khi các Định luật Mendel về di truyền được tái khám phá, học thuyết Darwin đã gặp rắc rối lớn về mặt khoa học. Các tác phẩm của Darwin thực ra chỉ mang tính chất khái niệm, trong đó chứa đựng rất nhiều triết lý và rất nhiều suy đoán. Ngoài những quan sát đơn giản về tự nhiên, tác phẩm của Darwin nói chung thiếu tính chất khoa học đích thực (không có thí nghiệm, không có dữ liệu để phân tích, các suy đoán nêu lên chỉ là nhưng giả thuyết không thể kiểm chứng). Darwin không biết gì về di truyền học, nếu không muốn nói là ông thừa kế những quan niệm sai lầm của Jean Baptiste Lamarck về di truyền. Do đó Darwin không hề biết các đặc điểm của sinh vật có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như thế nào. Ông chỉ có một khái niệm rất mơ hồ về cái mà chọn lọc tự nhiên có thể thực sự tác động đến. Ông hình dung sự sống đơn giản như một thứ nhựa dẻo dễ uốn, do đó sự tiến hóa giống như một chất lỏng trôi chảy và liên tục (như phim hoạt hình). Khi những khám phá của Mendel về di truyền được tái khám phá, người ta thấy rằng sự di truyền chủ yếu dựa trên các gói thông tin rời rạc và ổn định. Điều đó chỉ ra rằng sự sống và sự di truyền không liên tục như phim hoạt hình, và sự thay đổi sinh học theo thời gian không giống như chất dẻo hay chất lỏng trôi chảy liên tục vô giới hạn. Các đơn vị thông tin rời rạc riêng biệt của Mendel (sau này gọi là gene) rõ ràng là cụ thể và hữu hạn, và vì vậy chúng chỉ cho phép những thay đổi cụ thể và hạn chế[5]. Nói cách khác, sự di truyền tuân thủ những định luật xác định, và do đó loài là cố định, không thay đổi. Đó là một cái tát đối với học thuyết Darwin, vì học thuyết này nói rằng loài này có thể biến đổi để tiến hóa thành loài khác. Một tư tưởng lan truyền rộng vào giai đoạn đó, rằng “Lý thuyết của Mendel đã giết chết học thuyết Darwin”.

Fisher là người đầu tiên hòa giải cuộc xung đột rõ ràng giữa những ý tưởng của Darwin và những quan sát thực nghiệm của Mendel. Fisher đã thực hiện điều này bằng cách cho thấy chọn lọc tự nhiên có thể cải thiện sự thích nghi bằng cách chọn đơn vị di truyền mong muốn (allele có lợi)[6] và đồng thời cũng chọn lọc loại bỏ các đơn vị di truyền không mong muốn (allele có hại). Ông đã chỉ ra rằng nếu giả định không có đột biến mới, càng có nhiều allele tốt hoặc xấu trong quần thể thì sự chọn lọc tự nhiên càng có thể cải thiện khả năng thích nghi của quần thể. Đây là bản chất của Định lý Fisher. Đây là nền tảng cho lý thuyết Tân Darwin ─ một học thuyết đến nay vẫn đang thống trị trong giới sinh học hiện đại.

Đáng chú ý, định lý của Fisher tự nó minh họa một quá trình tự giới hạn ─ một khi tất cả các allele xấu bị loại bỏ, và một khi tất cả các cá thể chỉ mang allele tốt thì không còn gì để chọn, và tiến trình chọn lọc phải dừng lại. Kết quả cuối cùng là quần thể được cải thiện một chút và sau đó bị khóa trong ứ đọng (không còn thay đổi). Thật kinh ngạc khi định lý Fisher không giải quyết vấn đề sâu sắc này một cách rõ ràng! Thậm chí những đột biến mới nẩy sinh không nằm trong những thành phần toán học của định lý Fisher. Thay vào đó, Fisher đơn giản là chỉ bổ sung thêm một hệ quả không chính thức (không hề được chứng minh), liên quan đến phép ngoại suy từ chứng minh đơn giản của ông. Trong hệ quả này ông giả định một loạt các đột biến mới sẽ liên tục bổ sung cho sự biến đổi di truyền của quần thể, do đó cho phép tăng cường sự thích nghi liên tục và không giới hạn.

Các tác giả của công trình mới, Basener và Sanford, nhận ra rằng một trong những giả định quan trọng của Fisher rõ ràng là sai, và thực ra đã bị giả mạo từ nhiều thập kỷ trước. Trong hệ quả không chính thức của ông, Fisher về cơ bản giả định rằng những đột biến mới xuất hiện với tỷ lệ cân bằng giữa đột biến tốt và xấu (vì thế hiệu ứng thích nghi thực tế bằng không). Nhưng hiện nay chúng ta biết rằng phần lớn các đột biến trong bộ gene là có hại, và những đột biến có ích là vô cùng hiếm hoi. Điều đó có nghĩa là tiền đề của Fisher đã sai, và do đó hệ quả của Fisher cũng sai.

Vì bây giờ chúng ta biết rằng đại đa số các đột biến là có hại, do đó chúng ta không còn có thể giả định rằng các đột biến và chọn lọc tự nhiên sẽ dẫn đến tăng cường sự thích nghi. Ví dụ, nếu tất cả các đột biến là có hại, thì rõ ràng là sự thích nghi sẽ luôn luôn suy giảm, và tỷ lệ suy giảm sẽ tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ của các đột biến có hại.

Để sửa chữa định lý của Fisher, các tác giả của công trình mới phải xây dựng lại mô hình toán học của Fisher. Cụ thể, định lý Fisher có 3 cái bất ổn:

  • Ban đầu nó được xây dựng theo cách không cho phép bất kỳ một loại phân tích động lực học nào;
  • Nó không tính đến các đột biến mới
  • Do đó nó không xem xét hiệu ứng thích nghi thực sự của các đột biến mới.

Mô hình mới của Basener và Sanford đã được chứng minh bằng toán học. Nó được xây dựng sao cho định lý Fisher chỉ như một trường hợp đặc biệt ─ trường hợp không có đột biến. Nhưng mô hình mới đã được mở rộng để kết hợp hai yếu tố cạnh tranh:

  • Ảnh hưởng của chọn lọc tự nhiên, điều này luôn thúc đẩy sự thích nghi tăng lên;
  • Ảnh hưởng của các đột biến mới, điều này luôn làm giảm khả năng thích nghi.

Nhờ việc mở rộng đó, mô hình mới một mặt cho thấy hiệu quả thực tế của chọn lọc tự nhiên, mặt khác cho thấy những đột biến mới sẽ xác định sự thích nghi của một quần thể sẽ tăng hay giảm theo thời gian.

Những phân tích sâu sắc hơn đã chỉ ra rằng tỷ lệ thực tế của đột biến làm cho sự thích nghi bền vững rất khó xảy ra, trong khi sự suy giảm thích nghi có nhiều khả năng xảy ra hơn. Các tác giả quan sát thấy rằng nếu các dữ liệu đưa vào bài toán càng thực tế hơn sẽ càng có nhiều khả năng suy giảm thích nghi hơn. Công trình mới dường như đã biến Định lý của Fisher lộn ngược, và với nó, toàn bộ mô hình tân Darwin.

Tháng 1 năm 2018: Bằng chứng về sự thoái hóa di truyền của thế giới thực

Cuốn “Genetic Entropy” của John Sanford 2014 đã chỉ ra rằng sự thoái hóa di truyền không chỉ là một mối quan tâm lý thuyết, mà đã được quan sát trong nhiều tình huống thực tế. Cụ thể, cuốn sách này đã xem xét nghiên cứu và cho thấy:

  • Sự thoái hóa di truyền phổ biến của các tế bào sinh dưỡng (somatic cell) của tất cả mọi người;
  • Sự thoái hóa di truyền của toàn bộ nhân loại.
  • Sự thoái hóa di truyền nhanh chóng trong virus cúm H1N1.
  • Hiện tượng “tiến hóa ngược” trong thí nghiệm vi khuẩn LLEE nổi tiếng.

Một bài báo mới trong năm 2016 của Lynch, một nhà di truyền học quần thể hàng đầu, cho thấy sự thoái hóa di truyền của con người là một vấn đề rất nghiêm trọng. Ông khẳng định rằng tỷ lệ đột biến của tế bào dòng sinh dục (germline) của con người là khoảng 100 đột biến mới trên mỗi người mỗi thế hệ, trong khi tỷ lệ đột biến tế bào sinh dưỡng (somatic cells) là khoảng 3 đột biến mới cho mỗi lần phân chia tế bào. Lynch ước tính khả năng thích nghi của con người đang giảm 1-5% mỗi thế hệ, và ông nói thêm; “Hầu hết các đột biến có tác dụng nhỏ, rất ít có hậu quả gây tử vong, và thậm chí đột biến có lợi còn ít hơn nữa”

Cuốn sách mới “Contested Bones” (trang 86-89), trích dẫn bằng chứng cho thấy loài người đầu tiên được gọi là “Homo floresiensis” được lai tạo và dường như bị một loại thoái hóa di truyền đặc biệt gọi là “tiến hóa hồi quy” ─ một dàng “tiến hóa ngược” dẫn đến giảm kích thước cơ thể, giảm khối lượng não và các bệnh lý khác nhau.

Kết luận

Bản thân tôi, khi hiểu được vấn đề “Genetic Entropy” (Sự Thoái hóa Di truyền), tôi tự hỏi: “Nếu Chúa đã thiết kế cho chúng ta một bộ gene kỳ diệu, thì tại sao Ngài vẫn để cho bộ gene ấy có thể mắc lỗi ─ dù chỉ là lỗi rất nhỏ, lỗi đánh máy sao chép văn bản ─ nhưng sau rất nhiều thế hệ, những lỗi rất nhỏ ấy có thể tích lũy thành sự thoái hóa hệ di truyền, dẫn tới bệnh, lão, tử, và thậm chí sự diệt chủng? Tại sao Chúa không cho chúng ta một bộ gene hoàn hảo, không thể mắc lỗi?”

Câu hỏi ấy tất nhiên đã vượt ra khỏi phạm vi sinh học, đụng tới triết học. Sau nhiều phút trầm tư, thú vị thay tôi đã tìm được câu trả lời rất gần với suy nghĩ của chính bản thân tôi:

“Bằng cách sử dụng thông tin khoa học hiện đại kết hợp với logic mạnh mẽ, nhưng đơn giản, cuốn sách “Sự thoái hóa di truyền” (Genetic Entropy) của John Sanford đã xây dựng một lập luận mạnh mẽ chống lại Tiên đề Chính của Fisher (nền tảng của học thuyết Tân-Darwin). Các lập luận của ông rất vững chắc nhưng được viết ở trình độ sao cho sinh viên và những người không làm khoa học có thể hiểu được. Ông đã làm sáng tỏ một số quan niệm sai lầm về đột biến, về chọn lọc tự nhiên và về sự phân rã tổng thể của bộ gene. Ông mô tả chính xác khái niệm entropy di truyền và mô tả tình hình thực tế của nó. Từ đó, ông kết luận về sự phụ thuộc của chúng ta vào Đấng đã thiết kế nên mọi thứ. Thay vì xem sự sống như một sản phẩm phụ không có mục đích của Tiền đề Chính của học thuyết Tân-Darwin, Sanford lập luận rằng entropy di truyền chỉ cho chúng ta nhu cầu và sự tin cậy của chúng ta đối với Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Có lẽ hệ thống phân rã di truyền này đơn giản chỉ là một cách mà Đức Chúa Trời nhắc nhở chúng ta về sự Sa Ngã (Sáng thế ký 3) của nhân loại và sự lệ thuộc hoàn toàn của chúng ta vào Ngài” [7].

DJP, Sydney 07/09/2018

[1] https://www.amazon.com/Genetic-Entropy-Mystery-Genome-Sanford/dp/1599190028

[2] https://www.amazon.ca/Genetic-Entropy-John-C-Sanford/dp/0981631606

[3] Thông tin trong phần này chủ yếu dựa vào bài “Latest Developments” trên trang Genetic Entropy http://www.geneticentropy.org/latest-development

[4] https://link.springer.com/article/10.1007/s00285-017-1190-x

[5] Thật thú vị khi so sánh Định luật Di truyền với Thuyết Lượng tử. Năm 1865, Gregor Mendel khám phá ra rằng có một thứ vật chất quyết định đặc trưng di truyền, và thứ vật chất đó không liên tục, mà phải cấu tạo thành từng đơn vị di truyền. Sau này khoa học khám phá ra rằng đó là các gene. Năm 1900, Max Planck nêu lên tư tưởng cho rằng năng lượng không liên tục, mà tồn tại gián đoạn thành từng lượng tử.

[6] Allele là một dạng biểu lộ của một gene. Hầu hết các gene có hai alleles: allele trội, allele lặn

[7] A Book Review and Summary of John C. Sanford’s Genetic Entropy and the Mystery of the Genome, by                Joe Deweese, Ph.D. http://apologeticspress.org/APContent.aspx?category=9&article=4670

Advertisement

7 thoughts on “Genetic Entropy / Sự Thoái hóa Di truyền

  1. Kính chào bác Hưng,
    Qua bài viết của bác cháu có một số câu hỏi, tâm tư mong bác chia sẻ:
    1. Nếu có thoái hóa di truyền thì có phải ngay từ thuở mới xuất hiện loài người, bộ gen của con người hẳn là hoàn hảo lắm, sẽ không có những khiếm khuyết, khuyết tật, đột biến có hại.
    Theo thời gian bộ gen này bị thoái hóa, các gen lặn bất lợi sẽ xuất hiện càng nhiều hơn và cuối cùng con người sinh ra bị quái thai, dị dạng, không sống lâu được… để rồi cuối cùng đi tới diệt vong.
    Và không chỉ loài người, tất cả sinh vật trên Trái Đất này cũng sẽ diệt vong như vậy.
    2. Thuyết tiến hóa là sai lầm, vậy mọi sinh vật xuất hiện trên Trái Đất này theo cách nào? Quan điểm của Bác về vấn đề này ( theo khoa học, lý trí hoặc theo trực giác của Bác).
    3. Tại sao Chúa lại thiết kế sự sống thoái hóa để rồi đi đến diệt vong cho đến khi Chúa thiết kế lại sự sống mới, có phải việc thoái hóa là phù hợp với các định luật vật lý khác mà Chúa đã thiết kế nên? Bác hãy chia sẻ quan điểm về vấn đề này rõ hơn ạ.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Chú Hưng có thời gian được thì viết một bài về cái đuôi của con người nhé chú. Con rảnh rỗi hôm qua đi tìm hiểu thử tại sao mọi con vật đều có đuôi chỉ có chúng ta là trơn bóng thôi, tìm kiếm sau một thôi một hồi toàn là câu trả lời từ các trang tuyên truyền ủng hộ thuyết tiến hóa, 9/10 lấy hình mấy bào thai giả mà chú đã bóc mẽ trên đây để ngụy biện thôi. Không hiểu sao chẳng biết nhục, biết là bị vạch trần từ lâu mà họ vẫn cứ dùng mấy cái hình giả ấy. Thân.

    Thích

  3. Bác Hưng cho cháu thắc mắc:
    Nếu thật sự đột biến gene gây thoái hóa di truyền, và điều đó được tích lũy trong quần thể như Sandford đã viết thì các loài như gián, cá vây chân, cá sấu ắt phải thay đổi rất nhiều (Theo chiều hướng thoái hóa) nhưng đằng này thì thực tế chúng nó vẫn không thay đổi gì và thế hệ con cháu của chúng vẫn y chang như mấy trăm triệu năm trước vậy- các loài này tồn tại từ khoảng 300-400 triệu năm trước-(bằng chứng là các hổ phách gián hay hóa thạch các loài này vẫn y hệt con cháu chúng vậy, chứng tỏ không có thoái hóa di truyền phải không ạ). P/s: Cháu là người không ủng hộ tính phi khoa học của thuyết tiến hóa nhưng thực tế thì cháu thấy bằng chứng nói loài là bất biến chứ chẳng tiến hóa hay thoái hóa gì cả

    Thích

    • Trả lời bạn SonAn
      1/ Bạn hoàn toàn ĐÚNG khi KHÔNG ỦNG HỘ TÍNH PHI KHOA HỌC của Thuyết Tiến hoá.
      2/ Về sự thoái hoá, xin bạn chú ý rằng sự thoái hoá có rất nhiều biểu hiện khác nhau:
      – Một biểu hiện có ở TẤT CẢ MỌI LOÀI, kể cả con người, đó là SỰ CHẾT. Chết chính là sự thoái hoá của tế bào. Khi sinh vật còn trẻ, tế bào mới sinh ra đủ nhiều để duy trì cơ thể sống. Đến một giới hạn nào đó thì tế bào thoái hoá lấn át. Đó chính là thước đo của tuổi già. Y học cải lão hoàn đồng chỉ có thể kéo dài tuổi trẻ thêm chứ không thể chống lại quy luật thoái hoá tất yếu. Khoa học về tuổi già còn nhiều bí ẩn, nhưng đã biết được nhiều bí mật. Một trong những bí mật đó là sự thoái hoá gene.
      – Bệnh tật có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân nguy hiểm và đáng sợ nhất là sự thoái hoá gene do đột biến. Hầu hết đột biến đều dẫn tới thoái hoá, hầu như không tìm thấy đột biến có lợi trong tự nhiên. Điều này dễ hiểu: vì đột biến là một lỗi sao chép DNA. Một lỗi sao chép là một sai phạm bản thiết kế, hoặc chương trình của sự sống. Một bộ gene tốt phải là một bộ gene đúng và chính xác như chương trình đã thiết kế, vậy lỗi chỉ có thể dẫn tới sự bất lợi, tức là dẫn tới bệnh tật. Đó là lý do của những bệnh tật ghê sợ, quái thai, cái chết, thậm chí là sự tuyệt chủng.
      – Đã có nhiều giống loài đã hoặc đang hoặc sẽ tuyệt chủng. Thông tin về các giống hoặc loài đã và đang tuyệt chủng có thể tìm thấy RẤT NHIỀU trên mạng. Ngay cả con người cũng đã có những giống người bị tuyệt chủng.
      – Nếu loài nào sau hàng chục triệu năm hoặc hàng trăm triệu năm không hề có sự thay đổi, ấy là vì sức sống của loài đó đủ khoẻ để cân bằng sinh thái – cân bằng giữa sự sống với sự suy thoái đủ mức để quần thể không bị tuyệt chủng. Cuộc đấu tranh giữa sự sống với sự suy thoái thường xuyên diễn ra. Khi một cá thể, hoặc một giống, loài con trẻ thì sự sống đủ mạnh để thắng sự suy thoái. Khi một cá thể, một giống, loài về già, sự suy thoái sẽ mạnh hơn.
      – Bằng chứng của đột biến gene dẫn tới suy thoái của cả một họ, một giống loài, v.v… được dẫn chứng rất nhiều trong cuốn sách Genetic Entropy của John Sanford. Bạn phải đọc cuốn đó thì mới có thể biết tường tận sự thật. Trên mạng chỉ có bài báo của Sanford. Tóm lại, muốn biết đầy đỉ thông tin về sự thoái hoá do đột biến gene, phải mất thì giờ tra cứu các tài liệu chuyên môn, chứ không thể quan sát sơ sài được.
      – Xét cho cùng, sự suy thoái của bộ gene dẫn tới bệnh tật, cái chết và thậm chí sự tuyệt chủng CHÍNH LÀ một biểu hiện của Định luật Entropy trong Sinh học – Trật tự giảm đi, hỗn loạn tăng lên. Không có một năng lượng nào là đủ để duy trì sự sống vĩnh cửu!

      PVHg

      Thích

      • Nhưng thưa bác Hưng như vậy thì rõ ràng rằng nếu có một và chỉ cần một loài vẫn không thay đổi gì sau một thời gian dài đằng đẵng như thế, dường như nó loại bỏ khả năng thoái hóa do đột biến, vì quá trình thoái hóa theo cháu thấy thật ra chính là nghịch đảo của thuyết tiến hóa, nó cũng xảy ra từ từ từng tí một trong quần thể loài. Vậy ít nhất thì các LOÀI như cháu dẫn chứng ở trên đáng lẽ ra phải có một tí gì đó là thoái hóa chứ ạ, đằng này sức sống hay bất kì đặc điểm nội tại của chúng vẫn chẳng đổi thay. Nếu vậy những gì John Sandford viết đâu có đúng cho quá trình tồn tại của tất cả các loài, chỉ có vài loài như ông ấy dẫn chứng có thể xảy ra khả năng tuyệt chủng thôi, nhưng sự tuyệt chủng ấy có thật sự là bởi vì bộ gene bị thoái hóa hay không, vì trên thực tế thì vẫn đầy loài bị tuyệt chủng hoặc giảm sức sống do điều kiện sống thay đổi. Còn như bác nói tuổi già là do thoái hóa thì nếu nghịch đảo từ thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin cháu gọi đó là VI THOÁI HÓA được không? Vì tuổi già là sự kém thích nghi với môi trường sống, đó chính là nghịch đảo của VI TIẾN HÓA là sự thay đổi chút ít để thích nghi với môi trường sống ạ. Thanks Bác Hưng nhiều :))) (Cháu mới 17 tuổi nên kiến thức còn hạn hẹp nên nhờ Bác chỉ dẫn ạ)

        Thích

      • Oh, cháu SonAn không đọc kỹ ý kiến của bác rồi. Bác đã nói rằng sự thoái hoá gene tác động đến mọi loài. Nhưng tuỳ theo từng cá thể, từng giống, từng loài cụ thể, cuộc đấu tranh giữa sự sống và sự thoái hoá có thể dẫn tới nhiều hệ quả ở những mức độ khác nhau:
        – Sự sống tiếp tục tồn tại bình thường, vì mức độ thoái hoá di truyền chưa đủ mạnh để huỷ hoại sự sống, mặc dù những đột biến gene có hại hoặc vô hại vẫn đang ngấm ngầm diễn ra trong cơ thể của sự sống, chẳng hạn trong cơ thể của chúng ta. Ấy là chúng ta may mắn, có phúc đấy cháu à.
        – Sự sống tiếp tục tồn tại nhưng suy giảm dần, biểu hiện ở bệnh tật và sự suy giảm của quần thể. Trong những loài tồn tại bình thường, xuất hiện nhiều cá thể bệnh hoạn, quái thai. Tỷ lệ này có thể tăng lên hay giảm đi là tuỳ thuộc và môi trường sống.
        – Sự sống bị huỷ hoại hoàn toàn và tuyệt chủng.
        Nếu loài gián sau 300 triệu năm vẫn không thay đổi, thì loài gián ấy có sức sống mạnh mẽ đấy, mặc dù quy luật thoái hoá di truyền vẫn tác động lên loài ấy.
        Vì thế người ta nói đến “sức sống” của từng cá thể, từng giống, từng loài. Tuỳ theo sức sống, tức khả năng chống lại sự thoái hoá, nên mỗi cá thể, mỗi giống, loài có thể có những “số phận” khác nhau.
        Sự già nua có thể có nhiều nguyên nhân mà khoa học chưa biết hết, nhưng khoa học cũng đã biết một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thoái hoá di truyền.
        Nếu một cá thể, hoặc giống, loài có sự sống bình thường thì đó là may mắn vì có sức sống mạnh, đủ khoẻ, chứ không phải không bị tác động bởi thoái hoá di truyền. Như bác đã nói, sự thoái hoá di truyền thực chất là một biểu hiện của Định luật Entropy, và định luật này là một định luật tổng quát, không loại trừ một hệ thống nào cả.
        Mọi lý thuyết khoa học đều được xây dựng trên phương pháp quy nạp, tức là dựa trên một số trường hợp cụ thể mà quy nạp thành định luật tổng quát, rồi lại dùng định luật tổng quát đó kiểm chứng lại các trường hợp cụ thể. Không có khoa học nào có thể kiểm tra mọi trường hợp, mà chỉ có thể kiểm tra MỘT SỐ trường hợp mà thôi. Công trình của GS Sanford cũng vậy.
        Về ngôn từ, cháu sáng tác ra khái niệm “vi thoái hoá”. Bác không phản đối, nếu cháu muốn diễn tả những “thoái hoá gene ở mức độ nhỏ, chưa gây tác hại cụ thể.
        Nhưng bác sẽ phản đối thuật ngữ đó nếu nó ngụ ý đối cực với khái niệm “vi tiến hoá’, bởi “vi tiến hoá” là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa nếu không phải là bịp bợm đánh lận con đen. Bởi lẽ không có “tiến hoá” – thuật ngữ “tiến hoá” đã bị rất nhiều người lạm dụng mà không hiểu rõ định nghĩa “tiến hoá” là gì cả. Ngay cả Tổ chức Giải Nobel cũng lạm dụng khái niệm này chứ đừng nói những người bình thường ngoài xã hội.
        Một lần nữa, nếu muốn thực sự hiểu khái niệm “Thoái hoá Di truyền”, cháu phải tìm đọc cuốn sách của GS Sanford. Không dễ đọc đâu, nhưng cố gắng thì có thể hiểu được. Khi ấy cháu sẽ tự trả lời được các câu hỏi của mình. Bài của bác trên PVHg’s Home chỉ giới thiệu công trình đó chứ không thể thay thế công trình đó được.
        PVHg

        Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s