A news that shocked scientific community: Antony Flew, the world’s most notorious atheist philosopher in 20th century, has ultimately changed his mind; based on scientific evidence of DNA, he gave up atheism and confessed that there must be a Super-Intelligence who designed life…
Một tin tức gây chấn động cộng đồng khoa học: Antony Flew, nhà triết học vô thần nổi tiếng nhất thế giới trong thế kỷ 20, cuối cùng đã thay đổi suy nghĩ; dựa trên bằng chứng khoa học về DNA, ông đã từ bỏ chủ nghĩa vô thần và tuyên bố ắt phải có một Trí tuệ Siêu thông minh thiết kế ra sự sống…
CHÚ Ý: Toàn bộ các bài viết về SINH HÓA và Thuyết Tiến hóa trên trang PVHg’s Home (viethungpham.com) đã được sắp xếp đầy đủ theo thứ tự thời gian tại địa chỉ sau đây:
True Biology: Nền Sinh học chân chính
Antony Flew (1923 –2010) là một nhà triết học khoa học lừng danh thuộc trường phái bằng chứng (evidentialism), nổi tiếng nhất với những công trình triết học về tôn giáo. Ông từng giảng dạy tại Đại học Oxford ở Anh, Đại học York ở Toronto, Canada, và nhiều đại học khác. Ông là nhà hùng biện bênh vực chủ nghĩa vô thần, với lập luận căn bản cho rằng con người không nên tin vào bất cứ hiện tượng siêu nhiên nào trừ khi có bằng chứng rõ ràng. Tóm lại, cơ sở triết học của ông là bằng chứng: hãy đưa ra bằng chứng, đừng bắt tôi phải tin vào bất cứ cái gì không có bằng chứng! Nhưng sau vài thập kỷ Flew rao giảng lý thuyết vô thần của mình…
Chúa đã cung cấp cho ông bằng chứng: DNA!
Đúng như ông mong muốn, bằng chứng đã làm ông thay đổi! “Nhà triết học nói rằng bằng chứng khoa học đã làm thay đổi tư duy của ông”, hãng tin NBC News đưa tin ngày 12/09/2004.
Ngay sau khi có những nhận thức mới, Antony Flew đã công khai giải thích sự thay đổi thế giới quan của ông – từ tuyệt đối vô thần trở thành một người tin vào Đấng Thiết kế Thông minh – thông qua cuốn sách: “There is a God: How the World’s Most Notorious Atheist Changed His Mind” (Có một Thượng Đế: Nhà vô thần nổi tiếng nhất thế giới đã thay đổi suy nghĩ của mình như thế nào).
Sự kiện này gây nên một cú shock lớn trong thế giới khoa học. Tờ Dallas Moring News mô tả đây là “một quả bom trí tuệ đã phát nổ, và một nhà triết học hàng đầu của chủ nghĩa vô thần đã công khai thông báo rằng ông khẳng định sự hiện hữu của Thượng Đế”.
Giới vô thần rất tức tối. Họ tìm mọi cách làm giảm thiểu ý nghĩa cách mạng trong nhận thức của Antony Flew, người từng được họ coi như một lãnh tụ, một phát ngôn viên của chủ nghĩa vô thần. Báo chí vô thần ở Mỹ câm lặng, thậm chí có báo còn lên tiếng đả kích Flew rằng ông đã quá già và trở nên lú lẫn… Nhưng hầu hết báo chí ở Anh đều đưa tin về sự kiện này, đơn giản vì sự thật là sự thật, sự thật không thể che đậy được mãi.
Bản tin NBC News phát đi từ New York viết: “Một giáo sư triết học người Anh vốn là nhà quán quân hàng đầu của trường phái vô thần trong hơn nửa thế kỷ đã thay đổi suy nghĩ. Nay ông tin vào Chúa… Sau nhiều thập kỷ kiên trì khẳng định rằng đức tin vào Chúa là một sự nhầm lẫn, nay vào tuổi 81 giáo sư Antony Flew kết luận rằng ắt phải có một dạng trí tuệ thông minh hoặc một Nguyên nhân Đầu tiên nào đó sáng tạo ra vũ trụ. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Anh, Flew nói chỉ có một Trí tuệ Siêu thông minh mới là lời giải thích đúng đắn cho vấn đề nguồn gốc sự sống và tính phức tạp của tự nhiên”.
Theo NBC News, Flew bắt đầu nổi tiếng từ năm 1950 với bài báo “Theology and Falsification” (Thần học và sự làm sai lệch (nhận thức)). Trong suốt cuộc đời giảng dạy đại học, ông nhắc đi nhắc lại với sinh viên rằng không có bằng chứng nào để tin vào Chúa. Nhưng gần đây, những khám phá của các nhà sinh học về DNA cho thấy sự phức tạp đến mức không thể tưởng tượng nổi của các chương trình tạo ra sự sống đòi hỏi phải có một nhà thiết kế thông minh đã thiết kế ra những chương trình đó. Flew coi đó là bằng chứng của Chúa. Mặc dù đó là một bằng chứng gián tiếp, nhưng Flew đã bị thuyết phục đến nỗi thốt lên câu hỏi: “Phải chăng khoa học đã khám phá ra Chúa?” (Has Science Discovered God?). Hỏi thực ra là đã trả lời!
Dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ Flew thay đổi thế giới quan là một bức thư ông gửi cho tạp chí “Triết học ngày nay” (Philosophy Now) ở Anh số Tháng 8-9/2004, trong đó ông viết: “Thật là hết sức khó khăn khi bắt đầu phải suy nghĩ về việc tạo dựng nên một lý thuyết hoàn toàn dựa trên tự nhiên mà có thể giải thích được sự hình thành của sinh vật đầu tiên có khả năng tự tái tạo”.
Trong bức thư này, Flew đã bầy tỏ sự tán thưởng công khai đối với tác phẩm “Khuôn mặt che giấu của Chúa” (The Hidden Face of God) của Gerald Schroeder, một nhà vật lý Israel theo Đạo Do Thái, và tác phẩm “Sự kỳ diệu của thế giới” (The Wonder of the World) của Roy Abraham Varghese, một nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu những vấn đề Siêu-khoa-học (Institute for Metascientific Research) ở Garland, Texas.
Flew cũng đã hoàn thành cuốn “God and Philosophy” (Chúa và Triết học), cuốn sách triết học đầu tiên thể hiện thế giới quan mới, do Nhà sách Prometheus Books xuất bản năm 2005. Giải thích sự thay đổi lập trường trong cuốn sách mới này, Flew nói: “Toàn bộ cuộc sống của tôi được hướng dẫn bởi nguyên lý Socrates mà Plato đã dạy: Hãy đi theo bằng chứng, bất kể nó dẫn tới đâu” (Follow the evidence, wherever it leads).
Flew nói với hãng tin AP (Associated Press) rằng tư tưởng mới của ông có nhiều điểm tương tự với lý thuyết Thiết kế Thông minh (intelligent design) – lý thuyết cho rằng ở đâu có thiết kế thông minh, ở đó phải có nguồn trí tuệ thông minh. Vũ trụ là một thiết kế siêu thông minh, ắt phải có một Trí tuệ Siêu thông minh thiết kế ra vũ trụ. Đối với Thuyết tiến hóa của Darwin, Flew đã từng ủng hộ nhiệt liệt, nhưng nay ông nghi ngờ về khả năng của lý thuyết này trong việc giải thích nguồn gốc sự sống. Sự sống là một thiết kế siêu thông minh, ắt phải có một Trí tuệ Siêu thông minh thiết kế ra nó. Với tất cả những gì DNA đã chứng tỏ, sự sống là một cái gì đó kỳ diệu đến mức đáng kinh ngạc, để lộ cho thấy một chủ định thiết kế rõ ràng, và sẽ là ngây thơ khi tin rằng sự sống hình thành bởi sự kết hợp các vật chất không sống một cách ngẫu nhiên, tự phát, vô mục đích, tình cờ, và may rủi như thuyết tiến hóa của Darwin đã nói.
Một bài báo khác có tựa đề “Giáo sư Antony Flew thú nhận niềm tin của ông vào một Đấng Sáng tạo” (Professor Antony Flew confesses his belief in a creator!) cho biết nhà triết học vô thần cứng đầu này rốt cuộc cũng buộc phải thay đổi thế giới quan, vì ông thấy rõ sự bất lực của thuyết tiến hóa trong việc giải thích nguồn gốc sự sống, giải thích sự phức tạp kỳ diệu của DNA, cũng như giải thích khả năng tự nhân bản của sinh vật đầu tiên. Flew nói: “Tôi nghĩ đến Chúa như Nguyên nhân Đầu tiên của sự sống thực ra là do sự bất lực của một lý thuyết tự nhiên trong việc giải thích nguồn gốc của những sinh vật có khả năng tự nhân bản đầu tiên”.
Cái mà Flew gọi là “một lý thuyết tự nhiên” thực ra ám chỉ rõ ràng đến thuyết tiến hóa của Darwin. Đó là một cách nói tế nhị, tránh đối đầu gay gắt với các nhà tiến hóa bảo thủ mà ông vốn đã từng đứng trong hàng ngũ của họ.
Đối với những người có đức tin vào Chúa, cuộc “cách mạng về nhận thức” của một học giả đại vô thần như Antony Flew quả là một “đột biến” đáng mừng. Ngược lại, đối với nhiều người vô thần, nhất là với những người vốn đã quá nặng lòng với thuyết tiến hóa Darwin, đây có thể là một tin buồn, thậm chí rất buồn. Nhưng thiết tưởng trong khoa học, niềm vui và nỗi buồn không quan trọng bằng sự thật. Hiện tượng “đột biến” về nhận thức của Antony Flew đã đóng góp tích cực vào việc vén mở sự thật: “Có ba thứ không thể che đậy được mãi: Mặt trời, Mặt trăng, và Sự thật”, lời Đức Phật dạy có ý nghĩa đặc biệt đối với những người bảo thủ.
Người bảo thủ là người muốn tự bịt mắt mình trước sự thật như con đà điểu rúc đầu xuống cát. Họ không muốn nghe lời thú nhận của Antony Flew. Chẳng hạn như những tờ báo lớn vô thần ở Mỹ như đã dẫn ở trên. Họ tầm thường và kém cỏi đến nỗi không dám đăng tin về sự thay đổi của Flew. Họ hoàn toàn im lặng trước sự thật chấn động này. Trang mạng Wikipedia là một trang bênh vực cho thuyết tiến hóa, vì thế tuy buộc lòng phải đăng sự kiện về Flew, nhưng vẫn cố kèm theo những nhận định làm giảm nhẹ thất bại cho giới vô thần và giới tiến hóa. Chẳng hạn, họ bảo rằng sự kiện này gây nên tranh cãi,… Không, chẳng có tranh cãi gì ở đây cả. Những người tức tối nói xấu chê bai Antony Flew là chuyện phản ứng khó kiềm chế, và điều đó chỉ nói lên bản chất tầm thường của con người. Ai còn bán tin bán nghi, tốt nhất là hãy tìm đọc trực tiếp cuốn sách của Antony Flew, như đã dẫn ở trên: “Có một Thượng Đế…”.
Chú ý: Họa sĩ vẽ bìa sách này đã cố tình làm cho độc giả chú ý đến cuộc cách mạng trong tư tưởng của tác giả, bằng cách để cho cả 2 tiêu đề cũ và mới cùng xuất hiện. Chữ in tiêu đề nổi bật là “There is No God…” (Không có Thượng Đế) đã được chữa lại là “There is A God” (Có một Thượng Đế). Có nghĩa là đối với Antony trước đây, không có Thượng Đế nào cả; nhưng từ 2004 về sau, có một Thượng Đế.
Ngược lại, bất kỳ ai có tấm lòng trung thực đều không thể không suy ngẫm về những lời phản tỉnh của Flew. Tự phán xét mình là điều rất khó. Antony Flew chắc chắn phải là một người vô cùng trung thực và dũng cảm mới có thể nhận ra sai lầm của bản thân ông trước đây, rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ và học hỏi, mặc dù ông không phải là người đầu tiên trong khoa học biểu lộ tinh thần trung thực và dũng cảm như thế.
Nếu có một tấm gương sáng chói của lòng trung thực và dũng cảm tự phê phán bác bỏ chính mình trong khoa học, thì đó là Gottlob Frege, một trong những lãnh tụ của Chủ nghĩa Toán học Hình thức đầu thế kỷ 20. Để biết rõ về Frege, xin đọc bài “Lời sám hối của một nhà toán học hình thức” trên PVHg’s Home ngày 08/07/2010. Xin nhắc lại ở đây nội dung chủ yếu của bài báo đó:
Sau nhiều năm tận tụy cống hiến cho chủ nghĩa toán học hình thức (trình bày lại toàn bộ toán học bằng ngôn ngữ logic và tập hợp), Gottlob Frege chuẩn bị cho ra mắt bộ sách khổng lồ nhan đề “Cơ sở Số học” (Die Grunladgen der Arithmetik). Nhưng đúng vào đêm trước ngày xuất bản, ông nhận được một lá thư từ Bertrand Russell, một nhà toán học trẻ rất ngưỡng mộ ông. Russell ca ngợi cuốn sách của ông là vĩ đại, bất hủ, nhưng chỉ có một chi tiết làm cho ông ta (Russell) băn khoăn, ấy là một nghịch lý về tập hợp… Nghịch lý ấy sau này trở nên nổi tiếng trong toán học với tên gọi “Nghịch lý Russell” (Russell’s paradox). Ngay sau khi đọc xong thư của Russell, Frege nhận ra rằng nghịch lý ấy đã hủy hoại toàn bộ sự nghiệp của đời ông. Ông vô cùng đau đớn. Nhưng thay vì tìm cách chống lại Russell, che giấu nghịch lý Russell, Frege đã lập tức công bố nó cùng với tác phẩm của mình, kèm theo lời ghi chú trên sách: “Nghịch lý tập hợp đã hủy hoại lý thuyết tập hợp…”, tức là hủy hoại lý thuyết của ông, vì toàn bộ lý thuyết của ông dựa trên lý thuyết tập hợp. Cuối cùng Frege nhận ra sai lầm của chủ nghĩa hình thức. Ông từ bỏ nó và quay về với chủ nghĩa hiện thực bằng tuyên bố: “Thực ra toàn bộ toán học là hình học…”. Những ai hiểu bản chất của toán học sẽ hiểu tuyen bố của Frege.
Vì thế, khi biết câu chuyện của Antony Flew, tôi lập tức liên tưởng tới Frege. Đó là những nhà khoa học đích thực và đáng kính, bởi họ chỉ có một lý tưởng duy nhất, đó là theo đuổi sự thật.
Xin điểm thêm một bài báo khác nữa: “Một người cựu vô thần nói Chúa tồn tại” (Former Atheist Says God Exists”) của Cliff Kinkaid ra ngày 21/12/2004.
Hình bên: Đến nay khoa học biết rằng thế giới hiện thực tồn tại ở 3 dạng thức: Vật chất (có khối lượng, ký hiệu bởi m), Năng lượng (E), và Thông tin (I). Thông tin không phải là vật chất hoặc năng lượng, mà là một dạng tồn tại phi vật chất, phi năng lượng, xuất phát từ những nguồn có ý thức. Sự tồn tại của thông tin độc lập với vật chất và năng lượng là bằng chứng gián tiếp về nguồn Trí tuệ Siêu thông minh, tức Chúa, hoặc Thượng Đế, tùy theo cách gọi. Đây là điềm báo sự cáo chung của chủ nghĩa vô thần và thuyết tiến hóa của Darwin. Dù ngoan cố đến mấy, các nhà tiến hóa cũng không thể giải thích được nguồn gốc của thông tin trong DNA, và do đó sẽ không bao giờ giải thích được nguồn gốc sự sống. Từ đó toàn bộ thuyết tiến hóa sẽ sụp đổ!
Bài báo cho biết nhà triết học xuất sắc người Anh Antony Flew, người từng được xem như nhà vô thần nổi tiếng nhất thế giới, nói rằng tiến bộ của khoa học có thể được xem như bằng chứng về sự hiện hữu của Chúa… Tại một hội nghị chuyên đề do Viện nghiên cứu Siêu-khoa-học bảo trợ, Flew nói ông đã đi tới niềm tin vào Chúa dựa trên những thành tựu trong nghiên cứu về DNA. Flew, tác giả cuốn Thuyết tiến hóa Darwin (Darwinian Evolution) tuyên bố, “Những gì DNA đã làm chứng tỏ rằng ắt phải có một trí tuệ thông minh làm cho những nguyên tố vô cùng đa dạng tập hợp lại với nhau một cách kỳ diệu như thế. Tôi coi tính vô cùng phức tạp của những kết quả đạt được nhờ DNA là một công trình của trí tuệ thông minh”.
Flew nói với hãng tin AP rằng tư tưởng của ông hiện nay tương tự với lý thuyết “Thiết kế Thông minh” ở Mỹ, một lý thuyết tin rằng tính phức tạp của sự sống chỉ ra một nguồn thông minh của sự sống, thay vì những quá trình ngẫu nhiên và thuần túy tự nhiên như thuyết tiến hóa của Darwin mô tả.
Trong khi những tờ báo lớn vô thần ở Mỹ như USA Today, the Washington Post, and the New York Times,… đều cay đắng câm lặng trước hiện tượng “đột biến” của Antony Flew”, tờ Seattle Times đã cho phép Jonathan Witt, một nhà khoa học thuộc Viện Discovery (một viện nghiên cứu về Thiết kế Thông minh), trình bày hiện tượng này, trong đó được phép đả động đến một chủ đề xưa nay bị cấm kỵ, đó là thảo luận về học thuyết Darwin.
Jonathan Witt nhận xét Darwin và những người cùng thời với ông nghĩ rằng một tế bào đơn là một giọt nước nhỏ bé vô cùng đơn giản chứa chất nguyên sinh và rằng sẽ không có gì khó khăn lắm đối với thế giới tự nhiên để tạo ra cái giọt nước đơn giản đó. “Vào thời đó, tế bào là một chiếc hộp đen, một bí mật. Nhưng trong thế kỷ 20, các nhà khoa học đã có thể mở chiếc hộp đen đó để xâm nhập vào bên trong”, Witt viết, “họ tìm thấy ở đó một giọt nước chẳng hề đơn giản chút nào, mà là một thế giới của những mạch vòng phức tạp, những động cơ nhỏ xíu và một hệ thống mã số. Hiện nay chúng ta biết rằng thậm chí một tế bào hoạt động đơn giản nhất cũng phức tạp đến mức hầu như không thể hiểu thấu được, trong đó chứa ít nhất 250 genes và các proteins tương ứng với chúng”.
“Chiếc hộp đen của Darwin” (Darwin Black Box) là tên một cuốn sách của Michael J. Behe năm 1996. Behe, một giáo sư sinh hóa tại Đại học Lehigh, từng nhấn mạnh đến tính phức tạp của các hệ thống phân tử như những trùng roi (the bacterial flagellum). Nhận dạng chúng bằng kính hiển vi điện tử, đó là cái mà Behe gọi là một “hệ phức tạp không thể đơn giản hóa được”, trong đó nhất thiết được cấu tạo bởi ít nhất ba bộ phận: một chân chèo (paddle), một bộ quay (rotor), và một động cơ (motor). Behe lập luận rằng lý thuyết Darwin không hề tính tới sự phức tạp đó nên mới dám nghĩ rằng tự nhiên có thể ngẫu nhiên sản sinh ra những bộ máy phức tạp đến như thế.
Nhưng những người tin vào lý thuyết thiết kế thông minh thì tin rằng ắt hẳn phải có một nhà thiết kế có trí tuệ cực kỳ thông minh đã thiết kế ra những cỗ máy phức tạp và kỳ diệu đó. Viện Discovery chính là viện nghiên cứu những cấu trúc phức tạp của sự sống để làm bằng chứng cho một Trí tuệ Siêu thông minh.
Đó là một định hướng nghiên cứu khoa học rất thiết thực và tích cực, có tác dụng thúc đẩy sự tìm hiểu bí mật của thế giới, phù hợp với khát vọng hiểu biết của con người, tuân thủ tôn chỉ của khoa học là khám phá ra những sự thật của tự nhiên nhằm mục đích phục vụ con người. Nhưng đáng tiếc là giới giáo dục bảo thủ không hiểu nên cho đến nay họ vẫn rất sợ hãi khi nghe thấy mấy chữ “thiết kế thông minh”. Họ coi đây là một lý thuyết phục vụ tôn giáo nhằm tôn vinh Chúa, và do đó họ không dám đưa vào nhà trường như một khoa học đích thực. Xét cho cùng, đó là sự dốt nát của con người mà Einstein than phiền rằng nó lớn vô hạn. Đó cũng là hậu quả của tâm lý tôn thờ thuyết tiến hóa, bất chấp sự thật là lý thuyết này đã và đang lộ nguyên hình là một lý thuyết ngụy khoa học.
Bình luận của PVHg’s Home về hiện tượng “đột biến” tư tưởng của Antony Flew:
1/ Tôi vui mừng vì Flew cuối cùng đã giác ngộ để nhìn thấy sự thật, mặc dù quá muộn.
2/ Tuy nhiên “muộn còn hơn không bao giờ” (better late than never). Ông giác ngộ vào năm 2004, khi ông 81 tuổi. Ông đã sống thêm được 6 năm nữa (mất năm 2010), đó là 6 năm hạnh phúc của đời ông, bởi ông đã thoát ra khỏi cái bẫy lừa dối của học thuyết Darwin. Một số tài liệu nói rằng Flew cho rằng Thuyết tiến hóa đã giải thích được nhiều điều, chỉ có vấn đề nguồn gốc sự sống là bị ông nghi ngờ mà thôi. Đây là luận điệu của giới tiến hóa cố vớt vát uy tín cho thuyết tiến hóa. Xin nhắc lại rằng thuyết tiến hóa khẳng định sinh vật tiến hóa từ đơn giản để phức tạp, từ loài bậc thấp tiến hóa lên loài bậc cao. Vậy nếu lý thuyết về loài đầu tiên, sinh vật đầu tiên, tế bào đầu tiên đơn giản nhất mà tiên đoán sai thì về mặt logic lập tức suy ra toàn bộ lý thuyết tiến hóa sẽ sai. Vậy nếu Antony Flew còn châm chước cho thuyết tiến hóa ở những phần tiếp theo sự sống đầu tiên thì suy ra Antony Flew vẫn tiếp tục sai, giống như ông đã từng sai như trước đây. Tại sao? Vì nếu sinh vật đầu tiên đã quá phức tạp để không thể tin rằng nó ra đời một cách ngẫu nhiên, tự phát nhờ may rủi, thì sự hình thành các loài sau này, phức tạp gấp bội, càng khó gấp bội để tin rằng chúng ra đời từ cái gọi là “đột biến” và “chọn lọc tự nhiên”. Nếu Flew đã giác ngộ để nhận ra một Trí tuệ Siêu thông minh là cần thiết để làm Nguyên nhân Đầu tiên của sự sống thì tại sao ông không giác ngộ tiếp tục để hiểu rằng một bộ máy một tỷ tỷ lần phức tạp hơn như bộ não của con người, lại không cần tới một Trí tuệ Siêu thông minh thiết kế ra nó? Vì thế luận điệu vớt vát về niềm tin của Flew đối với thuyết tiến hóa chỉ nói lên sự chống đỡ yếu ớt và kém cỏi của những người cố bám lấy thuyết tiến hóa mà thôi.
3/Thật trớ trêu, Antony Flew là người đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng mới tin. Vậy tại sao thuyết tiến hóa không có bằng chứng, hay đúng hơn, có nhiều bằng chứng giả mạo, ông vẫn tin? Thế mới biết định kiến làm cho con người sai lầm tới chừng nào. Định kiến tôn sùng thuyết tiến hóa trong đầu Antony Flew trước năm 2004 có lẽ là kết quả của nền giáo dục trong thời đại của ông – ông sinh ra và lớn lên trong giai đoạn thuyết tiến hóa đang thịnh hành và lấn lướt trên các diễn đàn sinh học, đặc biệt trong nhà trường. Ông đã bị tiêm nhiễm thuyết tiến hóa đến nỗi coi đó là chân lý tự nhiên, không cần kiểm chứng. Nếu ông áp dụng cái triết học đòi hỏi bằng chứng mới tin vào thuyết tiến hóa, chắc hẳn ông đã thấy lý thuyết này đáng ngờ vực từ lâu. Kỳ lạ thay, chính bản thân Darwin lo lắng vì không có các bằng chứng hóa thạch ủng hộ lý thuyết của ông, vậy tại sao những người nhiều chữ như Antony Flew không suy ngẫm về sự thật đó? Phải chăng những bằng chứng giả mạo trong thuyết tiến hóa đã THÀNH CÔNG TRONG VIỆC ĐÁNH LỪA NHÂN LOẠI, trong đó có Antony Flew?
4/ Thực ra không cần phải là một nhà triết học lừng lẫy như Antony Flew mới có thể nhìn thấy sự bất lực của thuyết tiến hóa trong việc giải thích nguồn gốc sự sống. Và cũng không cần phải đợi đến những khám phá về sự kỳ diệu của DNA mới thấy vai trò không thể thiếu của Đấng Sáng tạo. Cuộc sống có hàng ngàn hàng vạn sự kiện để qua đó chúng ta nhận ra sự thật. Cái gì giúp chúng ta “đánh hơi” được sự thật mà không mất quá nhiều công sức đọc sách, dò từng câu đếm từng chữ? Đó là TRỰC GIÁC!
Bản thân tôi đã nghi ngờ thuyết tiến hóa của Darwin khi tôi còn rất trẻ, và khi còn thiếu rất nhiều tài liệu. Và tôi không chỉ nghi nhờ thuyết tiến hóa ở sự bất lực của nó trong việc giải thích nguồn gốc sự sống. Tôi nghi ngờ toàn bộ những điều nó nói, như sự di truyền các biến dị, sự biến đổi loài này thành loài khác, bò sát thành chim, vượn thành người,… Tất cả những cái được tôn lên thành lý thuyết đó, đối với tôi từ lâu đã là những thứ “lý thuyết mù mờ”, tưởng tượng, bịa đặt, không đáng tin cậy.
Quan sát cuộc sống xung quanh, tôi thấy có nhiều người khác cũng có những nghi ngờ tương tự như tôi. Và bây giờ, với thông tin của internet, như những gì tôi đã trình bày trên PVHg’s Home, thuyết tiến hóa là một thứ lý thuyết ngụy khoa học, một thảm họa về nhận thức của nhân loại, một vết nhơ của trí tuệ con người. Tôi dám đánh cược rằng nó sẽ chết nay mai, trong nửa đầu thế kỷ 21. Hiện nay nó đang ốm nặng rồi.
Vì thế, nếu phải nhận định về cá nhân Antony Flew, tôi xin mạo muội nhận xét:
– Ông quá nhiều chữ nghĩa để trở thành một nhà triết học nổi tiếng của thế kỷ 20, nhưng ông kém về trực giác nên ông phải đợi mãi đến năm 2004 mới nhận ra sai lầm của thuyết tiến hóa, nhờ những khám phá phi thường của DNA.
– Tuy nhiên, dù trực giác của ông kém bao nhiêu, con người trung thực của ông đáng kính trọng bấy nhiêu. Tôi xin thắp một nén nhang để bái vọng ông – bái vong tấm lòng trung thực và dũng cảm của ông, một sản phẩm quý hiếm trong khoa học ngày nay!
PVHg, Sydney New Year Eve 31/12/2015 7pm
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.nbcnews.com/id/6688917/ns/world_news/t/there-god-leading-atheist-concludes/#.VoOnT1kvfIU
[2] http://www.bible.ca/tracks/converted-to-creation-antony-flew-former-atheist.htm
Thật ra có vô số bằng chứng về sự tồn tại của một Đấng Tạo Hóa. Các bằng chứng này quá hiển nhiên và quá nhiều đến nỗi làm cho con người không nhận thấy sự hiện hữu của chúng. Tôi chúc phúc cho Ngài Antony Flew tại thời điểm năm 2004 của ông.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cảm ơn TS Phan Chí Thành vì một comment muộn nhất của năm cũ 2015 và sớm nhất của năm mới 2016.
Đặc biệt vì comments của anh thường sâu sắc và khái quát hóa vấn đề, nói điều đáng nói, bắn trúng đích. Trong một số trường hợp, gợi ra những ý tưởng mới.
Và trên hết là sự đồng điệu về tư tưởng, nuôi dưỡng sinh khí cho người viết. PVHg
ThíchĐã thích bởi 1 người
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Chúc mừng sự hiện hữu của Thượng Đế.
ThíchThích
Thế giới quan của chúng ta đang sống thật không đơn giản chút nào. Nó có muôn vàng thứ rất tiềm ẩn ở mọi dạng, từ tầm độ cao cho tới mọi sự vật tầm thường khó mà giải thích được một cách kẹn kẻ. Dẫu có nhưng chỉ một phần nhỏ của cái vô cùng to lớn. Sự thiệt thòi và kém cỏi là nguyên nhân của những cái trù dập phi nhân phi lý. Điều này cũng chưa hẳn nói lên một kết luận cuối cùng của nó vì còn có những thứ kỳ dị khác ở một điểm hầu như không tồn tại bằng sự thật. Thí dụ về nguyên nhân vụ nổ lớn của vũ trụ rồi sau này các vật lý thiên văn và khoa học vũ trụ mới phát giác ra còn một thứ gì đó ở đằng sau vụ nổ lớn.
Khi con người đã hiểu được cấu trúc DNA, là con người đã bước lên thêm một dạng nhận thức cao siêu. Nó khác với nguyên lý bang sơ khi bà Eva bị con rắng dụ ăn trái bị cấm, rồi sau đó mới thấy mình tin khôn ra rồi còn dối chồng Adam để cùng ăn trái bị cấm đó với mình, thế rồi sự tình trở thành bi kịch dở khóc dở cười. Rồi nguyên lý định lý được hình thành. Có phải chăng khoa học cũng đang cầm trong tay mình một trái bị cấm hoặc không bị cấm, chưa ai biết được vì đó là một lập trình chung của nhân loài, giống như năng lượng không bị mất mà là chuyển dạng này qua dạng khác. Mỗi cá nhân từng trãi mới là tâm nguyên của vật đổi sao rời.
Bất cứ điều gì ngoài khả năng của con người, không nhiều thì ít trong tiềm thức của chúng ta cũng phải thừa nhận là do ông Trời làm hết. Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, ý từ của ngũ hành âm dương.
ThíchThích