Several decades ago, a verse was spread in the world of Vietnamese painters: “Pho Phai Gai Luong” – Bui Xuan Phai’s paintings of Hanoi old streets were the most beautiful, and Tran Dong Luong’s paintings of young ladies were the most enchanting. Some people said it was wrong, the verse was actually “Pho Phai Gai Lien”, not “Pho Phai Gai Luong”. So what was the truth?
Cách đây vài chục năm, giới hội họa Việt Nam lan truyền nhau một câu ca: “Phố Phái Gái Lương” – tranh phố cổ Hà-nội của Bùi Xuân Phái là đẹp nhất, tranh thiếu nữ của Trần Đông Lương là mê hồn nhất. Một số người bảo không phải thế, câu ca ấy thực ra là “Phố Phái Gái Liên”, chứ không phải “Phố Phái Gái Lương”. Vậy đâu là sự thật?
Sự thật là có cả hai câu ca ấy.
Đó là vào những năm đầu thập niên 1970, khi tôi được nghe câu “Phố Phái Gái Lương” từ cửa miệng một số thợ vẽ – những “họa sĩ” không tên tuổi chuyên đi vẽ thuê cho các triển lãm, bảo tàng – chuyện trò với nhau trong các quán trà cóc 50 xu. Hồi ấy quán café còn hiếm lắm, nhiều quán phải bán chui. Khách vào quán café dù nghèo mấy cũng phải có tí tiền túi. Nhiều họa sĩ nghèo quá không có tiền trả thì uống chịu, rồi vẽ tranh trả nợ sau. Nghe nói bức chân dung ông chủ quán Café Lâm ở Nguyễn Hữu Huân là tranh của Văn Cao trả nợ café uống chịu, không biết có đúng không.
Trở lại với Trần Đông Lương. Tôi nghe danh ông bắt đầu từ những quán trà cóc ấy. Mấy năm sau tôi may mắn được diện kiến ông một lần tại nhà nghệ sĩ guitar Tạ Tấn ở Bà Triệu. Hồi ấy nhà tôi ở phố Thái Phiên, gần nhà Tạ Tấn, nên tôi hay đến chơi với ông – tôi thích hóng chuyện các đàn anh nghệ sĩ. Phải nói thật là tôi học được rất nhiều từ những buổi hóng chuyện đó. Về tuổi tác thì Trần Đông Lương thuộc thế hệ anh chị cả của tôi, hay thậm chí là thế hệ các ông chú của tôi. Nhưng giới nghệ sĩ Việt Nam có cái “truyền thống” rất hay là không quá câu nệ về tuổi tác, nên tôi vẫn được phép “anh anh em em” với các thế hệ đàn anh, đàn chú. Tôi nhớ Trần Đông Lương là người ít nói, hiền lành. Nhưng trước mắt tôi lúc ấy, ông là một “đại thụ”, và cho đến hôm nay, ông vẫn là một đại thụ trong hội họa Việt Nam. Vị trí đặc biệt của ông làm cho người đời khó cạnh tranh là ở những đường nét rất mềm mại, rất phụ nữ, và những hình thể, những tư thế rất đẹp của phụ nữ, của đàn bà. Nếu đàn bà là tác phẩm đẹp nhất của Tự Nhiên, hay của Thượng Đế, thì Trần Đông Lương là người đã giúp Thượng Đế chỉ cho mọi người thấy Cái Đẹp ấy kỳ diệu đến thế nào.
Tôi dám bạo miệng như thế vì tôi may mắn đã có dịp được ngắm tranh thật của Trần Đông Lương, và thậm chí biết một phụ nữ từng được làm người mẫu cho tranh vẽ của ông. Kỷ niệm đã quá xa xưa nên tôi không nhớ được tên bức tranh ấy và tên người phụ nữ ấy, nhưng ấn tượng không ra khỏi tâm trí tôi là người trong tranh đẹp hơn, sang trọng hơn người mẫu ngoài đời. Nói cách khác, tôi rất mê người trong tranh của ông nhưng không mê người mẫu của bức tranh đó, mặc dù hai người rất giống nhau – điều kiện tiên quyết của tranh chân dung! Nghĩa là dưới cây bút thần của mình, Trần Đông Lương đã biến cuộc đời thành một giấc mơ, đúng như một câu nói của Pierre Curie:
“Phải biến cuộc đời thành một giấc mơ, và biến giấc mơ ấy thành hiện thực” (Il faut faire la vie un rêve, et faire ce rêve une réalité).
Pierre Curie là nhà khoa học. Giấc mơ của ông là khám phá ra những bí mật khoa học, và đưa những bí mật ấy vào cuộc sống nhằm mang lại hạnh phúc cho con người. Trần Đông Lương, thông qua những chân dung thiếu nữ của mình, làm cho chúng ta thấy cuộc đời đẹp quá, thơ mộng quá! Cõi Thiên thai không ở đâu khác chính chốn trần gian, vấn đề là ta có nhận ra nó hay không. Đáng tiếc là không phải ai cũng nhận ra, chỉ có một số ít người được trời cho con mắt tinh đời mới nhận ra. Không ai nói rõ điều này bằng Khổng tử:
“Mọi thứ đều có Cái Đẹp của nó, nhưng không phải ai cũng nhận thấy” (Everything has its beauty, but not everyone sees it)[1].
Cứ triết lý từ nãy đến giờ mà không giới thiệu tranh của Trần Đông Lương thì vô lý quá. Vâng, tôi sửa lỗi ngay bằng cách giới thiệu những bức tranh tiêu biểu sau đây:
“Thiếu nữ”, Trần Đông Lương, 1982, Pastel, 78x54cm, bộ sưu tập Văn Đức, Hà Nội[2].
“Thiếu nữ Việt Nam”, Trần Đông Lương, 1989, chì than, 75x54cm, Bảo tàng Mỹ thuật Đương đại, Bangkok, Thái Lan[3].
“Thiếu nữ”, Trần Đông Lương, 23/05/1982, Gouache trên giấy, 76x54cm, bộ sưu tập của Lê Thái Sơn, Giá khởi đầu 22.000 – 30.000 USD, đã bán với giá 23.700 USD[4].
“Rêverie” (Thiếu nữ mộng mơ), Trần Đông Lương, 1983, Màu nước trên lụa, 77 x 51 cm. Được trưng bày tại Nhà đấu giá Nghệ thuật CHỌN và đã được đưa ra đấu giá tại Phiên đấu số 22, vào lúc 18h Chủ Nhật ngày 26/05/2019.[5]
“Thiếu nữ”, Trần Đông Lương, 1957, 40 x 50 cm, bộ sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội[6]
“Thiếu nữ”, Trần Đông Lương, 15,5 x 26 cm, bộ sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội[7]
“Thiếu nữ”, Trần Đông Lương, 1986, 38,5 x 54 cm, bộ sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội[8]
“Thiếu nữ”, Trần Đông Lương, 1986, 57 x 41,5 cm, bộ sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội[9]
“Thiếu nữ”, Trần Đông Lương[10]
“Tuổi xuân”, Trần Đông Lương, 1958, lụa, Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật phương Đông, CHLB Nga[11]
“Tổ thêu”, Trần Đông Lương, lụa, 55x89cm, 1958, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam[12]
“Thiếu nữ mặc áo dài xanh”, Trần Đông Lương
Trần Đông Lương là người sống khiêm tốn, thầm lặng nên có lẽ vì thế mà bài viết về ông khá ít. Ngoài ra có thể còn vì lý do khác: Giới hội họa ngày nay dường như có xu hướng chạy theo “mốt mới”, “hiện đại”, “khác lạ”, “đặc biệt”, “chơi trội”, “lập dị” … để nhanh chóng nổi tiếng, trong khi Trần Đông Lương vẫn giữ phong cách truyền thống vẽ hình ra hình, người ra người, vẫn một lòng một dạ tôn thờ Cái Đẹp Vĩnh Cửu, Cái Đẹp Kinh Điển, vì thế các nhà bình luận hội họa cũng “bỏ cũ theo mới”, ít chú ý đến “lối mòn xưa cũ”?
Nhưng những người tinh khôn biết cái gì là thật, cái gì là giả, cái gì là vĩnh cửu, cái gì là tạm thời … vẫn trân trọng những giá trị tinh túy. Đó là Cái Đẹp Vĩnh Cửu!
Cái Đẹp Vĩnh Cửu ấy đã được nữ sĩ họ Hồ mô tả một cách mạnh bạo bằng những từ ngữ tả chân làm chóng mặt các đấng quân tử:
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
(Thiếu nữ ngủ ngày, Hồ Xuân Hương).
Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã minh họa bài thơ ấy bằng những bức tranh hóm hỉnh tuyệt đẹp. Ngược lại, nhà thơ Yên Thao lại cảm tác Cái Đẹp Vĩnh Cửu trong tranh của Trần Đông Lương bằng những vần thơ tao nhã và đẹp hơn “Thiếu nữ ngủ ngày” của Hồ Xuân Hương rất nhiều. Đây, xin mời độc giả thưởng thức:
Bạn thấy đấy, Trần Đông Lương vẽ thiếu nữ không cần phải khỏa thân mà người xem vẫn cảm nhận được Cái Đẹp Vĩnh Cửu của người con gái xuân thì. Đó là tài năng độc đáo ít ai sánh kịp. Tranh của ông làm cho tôi nhớ đến những bức tượng thiếu nữ ở các cung điện hay lâu đài tại Paris mà tôi đã ngẩn người ra ngắm mãi không chán. Chẳng hạn, những bức tượng xung quanh Nhà hát Opéra de Paris:
Hoặc nó gợi nhớ đến “Mùa Xuân Vĩnh Cửu” của Rodin…Tại sao vậy? Vì Trần Đông Lương tôn thờ Cái Đẹp Vĩnh Cửu – cái đẹp mà Chúa đã tác thành cho người đàn bà từ thủa khai thiên lập địa cho tới bây giờ…
Đến đây tôi không thể né tranh câu hỏi: Trong hai câu ca “Phố Phái Gái Lương” và “Phố Phái Gái Liên”, câu nào đúng?
“Liên” ở đây là Dương Bích Liên, một họa sĩ cũng nổi tiếng với tranh chân dung phụ nữ, nhất là những chân dung cô Mai, cô người mẫu xinh đẹp làm say lòng nhiều họa sĩ. Để biết điều này, xin độc giả tìm đọc:
““Phố Phái, gái Liên” và cô người mẫu xinh đẹp”, bài của Lã Xưa trên Gia đình NET.VN:
https://giadinh.net.vn/giai-tri/pho-phai-gai-lien-va-co-nguoi-mau-xinh-dep-20090108032523791.htm
Nhiều bài báo khác cũng nhắc tới câu “Phố Phái Gái Liên”, ấy là vì tác giả mê tranh của Dương Bích Liên. Rốt cuộc, cả hai câu ca đều đúng, tùy theo “gu thẩm mỹ” của mỗi người.
Hơn bất kỳ lĩnh vực văn hóa nào khác, “cái tôi” biểu lộ rõ nhất trong hội họa – biểu lộ không chỉ ở họa sĩ mà biểu lộ cả ở người thưởng lãm, ấy là vì:
“Cái đẹp nằm trong mắt của kẻ ngắm nhìn” (Beauty is in the eye of the beholder)[13].
Đứng trước tranh của Trần Đông Lương, mặc dù tôi không “đứng chôn chân hóa dại khờ, nghe hồn hoa thở giữa hư vô…” như Yên Thao, nhưng tôi biết tranh của Trần Đông Lương có sức mê hoặc ghê gớm – mê hoặc hơn “Thiếu nữ ngủ ngày”!
Tết Tân Sửu 2021 sắp đến. Chúc bạn tỉnh táo để thưởng thức Cái Đẹp Vĩnh Cửu trong tranh của Trần Đông Lương, chứ không dại khờ như Yên Thao!
DJP Sydney 04/02/2021
Đọc thêm:
● Tranh vẽ thiếu nữ của Trần Đông Lương, Tạp chí Mỹ thuật
http://tapchimythuat.vn/suu-tap-collection/1043-2/
● Tuyệt tác ‘Thiếu nữ’ của Trần Đông Lương đã bán 360 triệu đồng
● Họa sĩ Trần Đông Lương – Một tài năng “ẩn dật”
[1] Tôi đọc được câu này từ tiếng Anh, không tìm thấy nguyên văn chữ Hán. Ai biết xin chỉ giáo cho. Xin cảm ơn!
[2] http://tapchimythuat.vn/suu-tap-collection/bo-suu-tap-collection-tap-chi-my-thuat-thang-5-6-nam-2020/
[3] https://jotarofootsteps.blogspot.com/2013/08/photo-gallery-5th-flr-bangkok-museum-of.html
[4] https://lythi.com/auction/young-lady-tran-dong-luong/
[5] https://viettimes.vn/phien-dau-gia-so-22-cua-chon-thu-gan-2-ti-dong-post105954.html
[6] http://tapchimythuat.vn/suu-tap-collection/1043-2/
[7] http://tapchimythuat.vn/suu-tap-collection/1043-2/
[8] http://tapchimythuat.vn/suu-tap-collection/1043-2/
[9] http://tapchimythuat.vn/suu-tap-collection/1043-2/
[10] https://youcannottakeitwithyou.tumblr.com/post/183389575810/tran-dong-luong-vietnamese-tr%E1%BA%A7n-%C4%91%C3%B4ng-l%C6%B0%C6%A1ng
[11] http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/90-nam-tranh-lua-viet-nam-may-chu-giai-ve-lich-su-ky-ii-cac-thoi-ky-va-cac-hoa-si/
[12] https://vnfam.vn/vi/hi%E1%BB%87n-v%E1%BA%ADt/5ab383e2b7783b001c832590
[13] https://www.phrases.org.uk/meanings/beauty-is-in-the-eye-of-the-beholder.html
Cái đẹp, hạnh phúc và phép màu tràn ngập quanh ta ngay ở đây và ngay bây giờ, nhưng nhiều người nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu…
ThíchThích