Bui Xuan Phai’s Paintings of TET / Tranh Tết của Bùi Xuân Phái

Whatever your life may be, whatever the last year happened, enjoy the coming Tet as a child: Tet is the most sacred day, the warmest day of family reunion, the sweetest day of love, the most splendid day of blooming flowers, and the day of giving and receiving the best things…

Dù cuộc sống của bạn thế nào, dù năm qua có xảy ra chuyện gì chăng nữa, hãy tận hưởng cái Tết sắp đến như một đứa trẻ: Tết là ngày thiêng liêng nhất, ngày sum họp gia đình đầm ấm nhất, ngày yêu thương ngọt ngào nhất, ngày hoa nở rực rỡ nhất, và ngày cho đi và nhận lại những gì tốt lành nhất…

Hơn bất kỳ một họa sĩ nào khác, Bùi Xuân Phái là người vẽ nhiều tranh Tết nhất. Tranh của ông luôn mang lại cái đẹp rạo rực của mùa xuân. Riêng cảnh chợ hoa Tết có tới mấy phiên bản[1], phiên bản nào cũng đẹp – bố cục đẹp, mầu sắc đẹp (mầu tươi tắn của mùa xuân chứ không dùng mầu trầm như tranh phố cổ).

Hà-nội ngày nay mở nhiều chợ hoa Tết, nhưng Chợ Tết Hàng Lược vẫn chiếm vị trí trung tâm trong lòng người Hà-nội truyền thống. Đó chính là cảnh chợ hoa Tết của Bùi Xuân Phái – tranh không mô tả chi tiết từng nhân vật, mà chú ý thể hiện cái không khí toàn thể của chợ hoa với sắc hồng của đào, cái đông vui nhộn nhịp của đám đông, nổi bật là những tà áo dài của thiếu nữ Hà thành… Tất cả toát lên một không khí Tết Hà-nội rất ấn tượng.

Ngoài tranh chợ hoa, Bùi Xuân Phái còn vẽ Thiếp Chúc Tết theo từng con giáp. Năm Tý ông có tranh Tĩnh vật liên quan đến chuột. Bút pháp phảng phất phong cách hậu ấn tượng, nhưng linh hồn Việt hiện rõ qua bức tranh dân gian đàn chuột hỏi thăm chú mèo[2].

Năm Hợi ông lại có tranh Tĩnh vật về lợn. Đàn lợn cũng được mô tả theo phong cách tranh dân gian, vừa tạo không khí Tết, vừa thể hiện bản sắc truyền thống. Những chú lợn béo tròn, tượng trưng cho sự no đủ[3]. Chiếc đèn dầu nhắc ta nhớ tới những năm tháng bao cấp thiếu thốn đủ mọi thứ, thường xuyên mất điện, phải dùng đèn dầu. Bố cục tranh rất chặt chẽ, mầu sắc tươi rói, như mầu tranh của Van Gogh, nhưng linh hồn Việt hiện rõ qua những thứ chỉ có ở Việt Nam.

Năm Dần ông lại có tranh hổ[4]. Nhưng hổ của ông trông hiền lành quá, có lẽ 12 con giáp phải gần gũi thân thiết với con người, không thể dữ dằn được.  

Nhưng tranh Tết độc đáo nhất và có lẽ bộc lộ phong cách Bùi Xuân Phái rõ nhất là tranh Ông Đồ. Thể loại tranh này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1957, thay đổi trong những năm về sau, trong đó đẹp nhất có lẽ là Ông Đồ Tết Bính Thìn 1976:

Trong bài báo “Cha tôi vẽ tranh Tết với nhiều cảm xúc và bất ngờ”[5], họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái, đã kể lại nhiều sự tích lý thú về tranh Tết của cha mình, đặc biệt về những tranh Ông Đồ. Đó là một tư liệu quý giúp chúng ta “giải mã” được tâm tư của người họa sĩ tài ba này.

Tranh “Ông Đồ” là cảm tác của Bùi Xuân Phái đối với bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên. Cảm tác này quá tuyệt vời, nó làm cho bài thơ của Vũ Đình Liên vốn đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng hơn. Khi tranh Ông Đồ và thơ Ông Đồ đã trở thành một “cặp đôi”, khó bảo cái nào là minh họa cho cái nào.

Horace, một nhà thơ La mã thời cổ đại, từng nói: “Một bức tranh là một bài thơ không dùng từ ngữ”. Vâng, tranh Ông Đồ của Bùi Xuân Phái chính là bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên được đọc lên không phải bằng từ ngữ, mà bằng hình ảnh.

Có một điều riêng tư phải nói ở đây: Tác giả bài thơ Ông Đồ, Vũ đình Liên, là bác của tôi (Thân mẫu của bác Liên là chị ruột của ông nội tôi). Vậy mà tôi quá chậm hiểu về bác mình, mặc dù tôi có nhiều dịp ở gần bác. Đọc bài của Bùi Thanh Phương, tôi rất ân hận, tự trách mình là dốt nát và vô tâm… Tôi chỉ có một lý do duy nhất để tự bào chữa: số người dốt và vô tâm như tôi có lẽ cũng khá nhiều! Thực ra nỗi ân hận này đã đến với tôi từ khi tôi đọc cuốn NHO GIÁO của Lệ Thần Trần Trọng Kim.

Muốn hiểu Nho giáo là gì, muốn biết cha ông ta suy nghĩ như thế nào, muốn hiểu tại sao các cụ ngày xưa trọng Đạo Nghĩa và sống nền nếp như thế… hãy đọc “Nho Giáo” của Trần Trọng Kim.

Đọc cuốn này tôi chua chát nhận ra nỗi đau lòng của bác Liên, và đặc biệt, của chính ông nội tôi, một Ông Đồ thất thế điển hình trong thời đại Nho giáo suy tàn. Đây, Trần Trọng Kim viết: 

Một cái nhà cổ rất đẹp, lâu ngày không ai sửa sang, để đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống. Những người xưa nay vẫn ở cái nhà ấy, ngơ ngác không biết làm thế nào. Dẫu có muốn dựng lại cũng không dựng được, vì người không có mà của cũng không. Vả thời thế đã xoay vần, cuộc đời biến đổi, người trong nước đang háo hức về sự bỏ cũ theo mới, không ai nghĩ gì đến cái nhà cổ ấy nữa. Song cái nhà cổ ấy tự nó là một bảo vật vô giá[6], không lẽ để đổ nát đi, mà không tìm cách giữ lấy di tích. Không gì nữa, thì ta cũng vẽ lấy cái bản đồ để người đời sau biết rằng cái nhà ấy khi xưa đẹp đẽ là thế, mà sau đổ nát là thế. Ấy cái tình cảnh văn hóa của Nho giáo hiện thời bây giờ cũng như cái nhà cổ ấy vậy”.

Nay cái phong trào tân học mạnh lên, người ta ai cũng đua nhau tranh khôn tranh khéo, để chiếm giữ lấy quyền lợi, chứ không chuộng những điều đạo đức nhân nghĩa cho lắm”.

Ôi, thì ra “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên là nỗi thương cảm sâu xa cho sự sụp đổ của cái nhà cổ rất đẹp ấy, cho một nền văn hóa truyền thống cao quý từng ngự trị một thời nay bị ruồng bỏ ấy, cho sự biến mất của cái bảo vật vô giá ấy… Nỗi thương cảm của nhà thơ đã lay động lòng người, làm cho “Ông Đồ” trở thành một áng thơ trác tuyệt, như Hoài Thanh đã nhận xét trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”: 

“Ông Đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên. Tuy sáng tác thơ không nhiều nhưng chỉ với bài Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới. Ông đồ là người dạy học chữ nho xưa. Nhà nho xưa nếu không đỗ đạt làm quan thì thường làm nghề dạy học, gọi là ông đồ, thầy đồ. Mỗi dịp Tết đến, ông đồ thường được nhiều người thuê viết chữ, câu đối để trang trí trong nhà. Nhưng từ khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng, ngày Tết không mấy ai sắm câu đối hoặc chơi chữ, ông đồ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời. Từ đó, hình ảnh ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (lời Vũ Đình Liên)[7].

Vậy mà con cháu như tôi không rung động, không thương cảm. Thế mới biết trong cuộc canh tân hiện đại hóa, lòng dạ con người ngày càng chai sạn, ngày càng kém phần nhân bản đi.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái (trái) và nhà thơ Vũ Đình Liên (phải)

Nhưng may mắn thay, có một người cùng thời với Vũ Đình Liên đã gieo hình ảnh “Ông Đồ” thất thế vào lòng người theo một cách khác, trực tiếp hơn, buộc ta phải chú ý. Đó là Bùi Xuân Phái.

Bằng vài nét phẩy bút trên nền đỏ giống như mầu đỏ của giấy viết chữ Nho ngày Tết, Bùi Xuân Phái làm hiện lên một Ông Đồ điển hình nhếch nhác “tiều tụy đáng thương của một thời tàn”đến nỗi chính tác giả bài thơ Ông Đồ phải “vỗ đùi đánh đét: “Sao họa sĩ lột tả tinh thần bài thơ của tôi hơn cả tôi thế”” (lời kể của Bùi Thanh Phương).

Đến đây, tôi khám phá ra một mối liên hệ giữa nỗi hoài cảm về một nền văn hóa cổ đã mất với tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái!

Không phải tự nhiên mà Bùi Xuân Phái vẽ tranh Ông Đồ!

Không phải tự nhiên mà Bùi Xuân Phái vẽ tranh phố cổ!

Cả hai thể loại tranh đó đều xuất phát từ cùng một bản chất – tình yêu da diết và nỗi hoài cảm đối với Cái Đẹp truyền thống mà bản thân họa sĩ đã sinh ra từ đó, được nuôi dưỡng trong nền văn hóa đó, và khi có đủ điều kiện, ông muốn lên tiếng bảo vệ và gìn giữ nó!

Người đời ngưỡng mộ tranh “Phố Phái”, nhưng bao nhiêu người hiểu được tâm tư của ông gửi gắm trong đó? Bao nhiêu người đọc được thông điệp của ông qua đó?

Hầu như ai cũng thấy “Phố Phái” đẹp, nhưng nhiều người không hiểu tại sao nó đẹp. Claude Monet từng nói đại ý rằng khi xem tranh điều quan trọng nhất là phải thấy thích, thấy mê, thấy yêu, thay vì phân tích dài dòng. Nếu thế thì tôi xin làm một đệ tử của Monet, bởi vì tôi thưởng thức tranh chủ yếu theo sở thích của chính bản thân mình, thay vì nghe sách vở nói mà hùa theo. Vậy tôi xin nói đúng lòng mình, tôi rất thích “Phố Phái”, vì nó đúng là Hà-nội của tôi – Hà-nội của ngày xưa, Hà-nội cũ kỹ, cổ kính, thân thiết, êm đềm, lịch lãm…

Với con mắt tinh đời, Bùi Xuân Phái không chỉ khám phá ra cái đẹp trong những mái nhà rêu phong, những mảng tường nhà xù xì loang lổ, cũ kỹ, những ô cửa sổ méo mó, những khối kiến trúc xộc xệch… mà dường như ông dự báo trước rằng kho cổ vật vô giá này có nguy cơ bị biến mất trong vài chục năm nữa, giống như nền văn hóa Nho giáo đã từng biến mất, nếu không ai lo việc gìn giữ!

Đối với nhiều người, “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên quá lắm cũng chỉ là một nỗi buồn thoảng qua để rồi chép miệng quên đi, nhưng với Bùi Xuân Phái, đó là một nỗi đau không gì bù đắp được. Phải cứu lấy cái bảo vật vô giá ấy! Đừng để nó biến mất, giống như cái nhà cổ đẹp đẽ đã biến mất, mà Trần Trọng Kim đã chua chát thốt lên.

Cách đây vài hôm, một bạn trẻ viết thư cho tôi, nói: “Nghệ thuật học – thẩm mỹ học ở Việt Nam đứt gãy vô cùng”. Tôi giật mình kinh hãi khi thấy một bạn còn rất trẻ mà đã nhận ra điều đó. Vâng đúng là như vậy. Nền văn hóa của chúng ta xa xưa là Nho học, đã đứt gãy trong thế kỷ 20 bởi sự xâm lấn của nên văn hóa Tây học. Bản thân nền văn hóa Tây học của chúng ta cũng đứt gãy làm mấy đoạn: ảnh hưởng văn hóa Pháp, rồi đến văn hóa Nga, và bây giờ là văn hóa Mỹ.

Bác Liên của tôi đau đớn khi chứng kiến ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Hơn ai hết, Bùi Xuân Phải cảm được nỗi đau đó, và ông biểu lộ cảm xúc của ông bằng “vần thơ không dùng ngôn từ”, đó là những bức tranh Ông Đồ.

May mắn thay, phố cổ Hà-nội không dễ bị người đời “bỏ cũ theo mới” để mà ruồng bỏ nó. Nhưng… nếu “Phố Phái” không rung lên một tiếng chuông loan báo cho ngưởi đời rằng Hà-nội cổ là một bảo vật vô giá thì không loại trừ khả năng nó sẽ “nằm trên thớt” của các “đồ tể kiến trúc hiện đại”.

Vào thời điểm 1957, khi tranh “Ông Đồ” của Bùi Xuân Phái lần đầu tiên xuất hiện, ai cũng mơ một cuộc sống mới với nhà cao tầng hiện đại! Kế hoạch cơ khí hóa, đô thị hóa… đang nằm trên bàn của các nhà quy hoạch!

Phúc lắm thay, “Phố Phái” đã ra đời hàng loạt trong những thập kỷ sau đó để trở thành một “thương hiệu” vô giá của Hà-nội cổ và … đã “vô tình” cứu lấy báu vật này…

Hóa ra, tranh Ông Đồ và tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái có một mẫu số chung: tình yêu của Bùi Xuân Phái đối với những gì gắn bó mật thiết với cuộc đời của ông nói riêng và của người Hà-nội nói chung.

Ngạn ngữ Anh có câu: “Lòng ở đâu, nhà ở đó” (Home is where the heart is). Nhà của Bùi Xuân Phái ở phố cổ Hà-nội, tất nhiên lòng dạ của ông cũng nằm ở đó. Nhưng không phải ai ở phố cổ cũng thấy phố cổ đẹp. Có lẽ Bùi Xuân Phái được Trời cho cái cảm nhận khác người và hơn người. Ông nhận thấy những căn nhà rêu phong ở quanh ông đẹp mê hồn. Ông báo cho chúng ta biết điều đó bằng những bức tranh “xù xì” với những mảng mầu trầm, nhiều khi tối xẫm, nổi cục lên những nét cọ mạnh bạo mà chỉ những họa sĩ bậc thầy mới có thể tạo ra một cách tự nhiên từ trong cảm xúc. Giống như Van Gogh, Bùi Xuân Phái đã tạo ra một lối vẽ chưa từng có trước đó, nơi cảm xúc tự nhiên của người họa sĩ là tiêu chuẩn tối thượng của Cái Đẹp, rồi mới nói đến những tiêu chuẩn khác.

Câu nói bất hủ của Van Gogh, “Tôi mơ vẽ tranh và tôi vẽ giấc mơ của tôi” (I dream of painting and then I paint my dream), có vẻ như cũng đúng với Bùi Xuân Phái. Cứ nhìn tranh Tết và tranh phố cổ của ông đủ biết ông yêu ngày Tết như thế nào, ông yêu Hà-nội như thế nào, ông yêu truyền thống như thế nào… Chắc chắn ông yêu những thứ đó “điên cuồng” hơn nhiều so với đại đa số chúng ta.

THAY LỜI KẾT

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Tân Sửu. Hy vọng câu chuyện Tranh Tết của Bùi Xuân Phái sẽ đến với độc giả như một tín hiệu tốt lành của một Mùa Xuân mới, một Năm Mới tràn đầy may mắn. Thay cho Lời Kết, xin gửi tới độc giả một vài danh ngôn về Tết và Mùa Xuân:

Nếu người ta không yêu thương nhau thì mùa xuân còn có ý nghĩa gì? (Victor Hugo)[8]

Tháng Tư thổi linh hồn tươi trẻ vào mọi thứ (William Shakespeare)[9]

Thiên nhiên không vội vã, ấy thế mà mọi thứ vẫn được hoàn tất đâu ra đấy (Lão tử)[10]

Trồng vườn là hy vọng vào ngày mai (Audrey Hepburn)[11]

Tôi phải có hoa, luôn luôn và luôn luôn phải có hoa (Claude Monet)[12]

Khu vườn của tôi là tác phẩm đẹp nhất của tôi (Claude Monet)[13]

Mùa xuân đến, và cỏ tự mọc lên (Lão tử)[14]

Một người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa. Người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua (vô danh)[15].

Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông… con người sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Thiên Chúa… (Kinh Thánh, Ngôn sứ Isaiah 35:1-2)

Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy (Matthew 6:28-29)

DJP, Sydney 07/02/2021


[1] Các phiên bản này được dẫn theo những bài báo đã đăng trên các trang mạng sau đây:

Báo Đời sông và pháp luật https://www.doisongphapluat.com/giai-tri/con-trai-danh-hoa-bui-xuan-phai-cha-toi-ve-tranh-tet-voi-nhieu-cam-xuc-va-bat-ngo-a308593.html

Báo Dân Sinh https://baodansinh.vn/chuyen-tet-cua-danh-hoa-bui-xuan-phai-70175.htm

Bào Sức khỏe & Đời sống https://suckhoedoisong.vn/net-dep-vinh-cuu-n167865.html

[2] http://hobuivietnam.com.vn/tranh-tet-bui-xuan-phai Trang họ Bùi nói đây là tranh Tết mừng xuân Mậu Ngọ, e rằng không đúng, vì tranh vẽ đàn chuột với chú mèo rất rõ ràng.

[3] https://www.facebook.com/buixuanphai/photos/tranh-t%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-b%C3%B9i-xu%C3%A2n-ph%C3%A1i-s%C6%B0u-t%E1%BA%ADp-tht/10156294563757635/

[4] http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/22/artilceID/2399/language/vi-VN/Default.aspx

[5] https://www.doisongphapluat.com/giai-tri/con-trai-danh-hoa-bui-xuan-phai-cha-toi-ve-tranh-tet-voi-nhieu-cam-xuc-va-bat-ngo-a308593.html

[6] Tôi tô đậm để nhấn mạnh (Phạm Việt Hưng).

[7] 1. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

2. Phạm Thanh, Thi nhân Việt Nam hiện đại (quyển hạ), NXB Xuân Thu tái bản, 1990

3. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học Xã hội, 2004

4. Tổng tập văn học Việt Nam, tập 25, NXB Khoa học Xã hội, 2000, trang 316

[8] If people did not love one another, I really don’t see what use there would be in having any spring

[9] April … hath put a spirit of youth in everything

[10] Nature does not hurry, yet everything is accomplished. Nếu bạn biết câu này bằng tiếng Hàn, xin bạn chỉ giáo cho. Xin cảm ơn.

[11] To plant a garden is to believe in tomorrow.

[12] I must have flowers, always and always

[13] My garden is my most beautiful master piece.

[14] Spring comes, and the grass grows by itself. Nếu bạn biết câu này bằng tiếng Hàn, xin bạn chỉ giáo cho. Xin cảm ơn.

[15] https://www.gocbao.com/top-nhung-cau-noi-hay-ve-mua-xuan-mua-cua-yeu-thuong-dong-day

31 thoughts on “Bui Xuan Phai’s Paintings of TET / Tranh Tết của Bùi Xuân Phái

  1. Tản mạn về MÙA XUÂN:

    1) Định lý Bất toàn của Kurt Goedel và âm nhạc:
    Theo định lý Bất toàn không có một nhạc cụ nào có thể mô tả được tất cả các loại cảm xúc của con người. Nói cách khác mỗi loại nhạc cụ chỉ có thể “giải được một lớp bài toán cảm xúc của con người” (!): piano, violin, guitar, harpe, flute, các loại kèn, trống….

    2) Nếu mùa Thu đem đến nỗi buồn man mác thì mùa Xuân đánh thức sự sinh sôi nảy nở, của muôn loài và hàn gắn các vết thương xảy ra trong mùa Đông.

    3) Mùa Xuân làm tôi nhớ đến Beethoven – một nhạc sĩ thiên tài người Đức – với một cuộc sống khốn khó và những mối tình đơn phương không được đền đáp nhưng luôn lạc quan và thiết tha yêu cuộc sống..
    Xin mời các bạn nghe bản Sonat Mùa Xuân (Spring Sonata) của ông:

    Thích

  2. Chào bác Hưng. Lâu quá không thỉnh giáo bác. Chúc bác khỏe. Và với bài viết này, bác đã cho mọi người thấy chiều sâu và rộng xung quanh một bức vẽ trông khá đơn giản về kỹ thuật như bức Ông Đồ.
    Phố cổ ngày nay bệ rạc lắm bác Hưng ạ. Mặc dù bác là người sinh ra ở phố cổ nhưng tôi lại là người hàng chục năm nay hàng ngày đi qua mấy phố cổ để đến nơi làm việc. Tôi có ý nghĩ rằng cách của (một bộ phận) người Hà Nội hiện nay là “vất chuột chết ra đường”. Ngoài ra, rác rưởi, nước đổ bỏ… tất thảy đều đổ ra đường mà làm cho tôi thấy kinh khiếp, người đi lại thì tùy tiện can trở giao thông, nhà dân thì mạnh ai lấn vỉa hè nấy mà tôi thấy kinh tởm vì chỉ có 20 cm lấn ở đường Xã Đàn rộng thênh thang mà họ phạt lên phạt xuống trong khi ở phố cổ chật chội thì nhà xây lồi ra hết vỉa hè không sao. Chẳng vinh dự gì cái phố cổ. Tôi thấy thương hại những người nước ngoài không hiểu họ du lịch đến phố cổ thì thu được cái văn hóa gì. Và cách làm du lịch của cái gọi là phố cổ này làm tôi nhớ đến câu chuyện Trạng Quỳnh mở triển lãm cho mọi người xem thu tiền vậy.
    Vài dòng bộc phát khi đọc bài của bác. Mong bác thông cảm.
    Chúc bác đón Xuân an lành.
    Nguyễn Bình

    Thích

    • Cám ơn anh Bình vì comment và lời chúc Tết. Ý kiến của anh là một lời nhắc nhở rất tốt đối với những người đang có mặt ở Hà-nội, đặc biệt đối với cơ quan quản lý thành phố. Tình trạng rác rưởi và vô trật tự là một thực tế tương tự như hiện tượng hỗn loạn về giao thông và những biểu hiện xuống cấp khác về văn hóa. Đó là một bài toán lớn rất nan giải, tôi cũng biết điều đó. Nơi tôi sinh ra ở Hà-nội ngày xưa là một biệt thự hai tầng rất đẹp, chỉ có một gia đình của các cụ thân sinh của tôi ở. Nay là một xóm đông đúc, lộn xộn, nhấp nhô, cơi nới, méo mó, xấu xí. Thỉnh thoảng tôi có dịp đi qua ngôi nhà cũ mà lòng xốn xang khó tả. Nhưng chính vì thế mà tôi muốn nói với mọi người rằng Hà-nội vốn dĩ đẹp lắm đấy, hãy giữ gìn nó, đừng làm xấu nó… Vậy cũng xin anh thông cảm, và cũng xin chúc anh một cái Tết an khang, thịnh vượng! PVHg

      Thích

  3. Bài viết hay quá! Tôi là một người Hà Nội nên tôi rất xúc động với bài viết này. Văn đúng là người, bài viết lột tả tâm hồn một người Hà Nội truyền thống, một người yêu Hà Nội cổ rất sâu sắc mới viết được về Bùi Xuân Phái hay đến thế. Tranh chợ hoa Tết của BXP đẹp quá! Đúng là chợ hoa đặc trưng Hà Nội! Tấp nập, rộn ràng, vui tươi, thanh bình, mùa xuân đang đến khấp khởi trong lòng mọi người! Một Hà Nội thanh lịch với những thiếu nữ trong tà áo dài truyền thống… Có lẽ chẳng còn gì đẹp hơn thế. Tranh Tết, tranh ông Đồ… làm cho không khí Tết rạo rực hẳn lên. Ông Đồ của BXP trông đúng là đáng thương hơn cả Ông Đồ của Vũ Đình Liên. Chỉ vài dòng trong cuốn Nho Giáo của Trần Trọng Kim mà làm cho lòng tôi se lại, nghĩ đến “cái nhà cổ rất đẹp bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống”. Đọc bài này tôi hiểu thêm rất nhiều về hội họa Việt Nam, đặc biệt về “Phố Phái”. Nếu Hà Nội cổ là một bảo vật vô giá thì tranh BXP là một phần trong bảo vật đó. Thiên Minh

    Thích

  4. Định lý Bất toàn của Kurt Goedel và hội họa:

    Không có một trường phái hội họa, loại hình hội họa nào đứng riêng mà có thể mô tả được tất cả các cảm xúc thị giác của con người. Nói cách khác mỗi trường phái hội họa, loại hình hội họa chỉ có thể “giải được một lớp các bài toán cảm xúc nào đó của thị giác của con người” (!): Cổ điển, tân cổ điển, lập thể, đa đa, ấn tượng, ngây thơ, hậu ấn tượng, dã thú, biểu hiện, tương lai, siêu thực, trừu tượng, baroc, phục hưng, nghệ thuật nhận thức…màu nước, sơn dầu, sắp đặt, sơn mài, kí họa, graffiti, bột màu, pastel, bút lông, bút chì, tranh lụa, bích họa, cắt dán, giấy điệp giấy dó, màu sáp. ..

    Con người đa chiều luôn biết cách thưởng thức các tác phẩm của nhiều trường phái, nhiều loại hình nghệ thuật thị giác khác nhau.

    Thích

  5. F. Chopin – Fantasie Impromptu Op. 66 – Danh cầm Yundi Li – Giải nhất cuộc thi quốc tế Chopin lần thứ 14 năm 2000.

    Thích

  6. 1) F. Chopin – Piano Concerto No. 2 – Đặng Thái Sơn – Bài thi bắt buộc tại cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Chopin năm 1980.

    2) F. Chopin – Piano Concerto No. 2 – Rosalía Gómez Lasheras – Finale YPF

    Thích

  7. Người Hà Nội – Nguyễn Đình Thi – Văn Vượng chuyển soạn cho Guitar.
    Guitarist Trần Sơn Hải.

    Bài ca hi vọng – Văn Ký – Chuyển soạn cho Guitar: Hải Thoại
    Guitarist Đặng Ngọc Long

    Thích

  8. ĐIỂM SÁCH

    Nhà xuất bản Thế Giới và Công ty cổ phần sách Alphabooks vừa xuất bản sách:
    “Vật lý của những điều tưởng chừng bất khả” (Physics of the Impossible)
    Tác giả: Michio Kaku.
    Dịch giả: Thới Ngọc Tuấn Quốc.

    Trong lời nói đầu tác giả trích dẫn câu nói của Albert Einstein: Nếu một ý tưởng nghe chừng không có gì ngớ ngẩn thì đừng mong có hy vọng gì cho nó.

    Tác giả phân loại bất khả thành:
    1) Bất khả thi loại 1; Trường lực, tàng hình, súng phaser và ngôi sao tử thần, viễn tải, ngoại cảm, viễn di, robot, sinh vật ngoài trái đất, tàu liên sao, phản vật chất và vũ trụ phản vật chất
    2) Bất khả loại 2: Nhanh hơn ánh sáng, du hành thời gian, vũ trụ song song
    3) Bất khả loại 3: Động cơ vĩnh cửu, linh cảm.

    Cuối sách tác giả đặt câu hỏi: Vật lý đã hoàn thiện hay chưa ?

    Năm 1980 Stephen Hawking đã khơi lên mối quan tâm đến một lý thuyết của vạn vật nhờ bài giảng có tiêu đề “liệu sự kết thúc của vật lý lý thuyết đã trong tầm ngắm” trong đó ông nói: chúng ta có thể sẽ tìm ra một lý thuyết trọn vẹn ngay trong quãng đời của một số người đang hiện diện ở đây. Ông nhận định với cơ hội năm ăn năm thua rằng lý thuyết tối hậu sẽ được tìm thấy trong vòng 20 năm. Nhưng khi năm 2000 đã đến và không có một sự nhất trí nào về một lý thuyết của vạn vật, ông thay đổi quan điểm và đưa ra cơ hội năm ăn năm thua cho việc tìm thấy một lý thuyết như vậy trong vòng 20 năm tới nữa.

    Sau đó vào năm 2002 S. Hawking lại thay đổi quan điểm một lần nữa khi tuyên bố Định lý Bất toàn của Godel dẫn đến một sai sót không thể tránh khỏi trong suy nghĩ ban đầu của mình. Ông viết: một số người sẽ thất vọng nếu không có lý thuyết tối hậu nào được xây dựng nhờ vào một số hữu hạn các nguyên lý. Tôi thường nghiêng về khả năng đó, nhưng giờ tôi đã thay đổi suy nghĩ…Định lý của Godel đảm bảo cho các nhà toán học luôn có công ăn việc làm. Tôi nghĩ lý thuyết M (một phiên bản của lý thuyết Dây trong không gian 10 chiều – TN) sẽ đóng vai trò tương tự đối với các nhà vật lý.
    …Vì toán học không toàn diện (bất toàn – TN) và ngôn ngữ của vật lý lại là toán học, nên sẽ luôn có những mệnh đề đúng của vật lý vĩnh viễn không thể chứng minh, và do đó một lý thuyết của vạn vật (ToT- lý thuyết của mọi thứ- TN) là bất khả thi.

    Freeman Dyson đã tuyên bố: Godel đã chứng minh thế giới toán học thuần túy là vô cùng tận. Không có một tập hợp hữu hạn các tiên đề và các quy tắc suy luận nào có thể bao hàm toàn bộ toán học…Tôi nghĩ rằng thế giới vật lý cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

    Nhà vật lý thiên văn John Barrow tổng kết: Khoa học dựa trên toán học, toán học lại không thể khám phá mọi sự thật, do đó khoa học cũng không thể khám phá mọi sự thật.

    Bình luận:
    1) Toán học thuần túy chỉ thích hợp với thế giới của máy tính, trí tuệ nhân tạo, robot…Tuy nó có sức mạnh, có rất nhiều ứng dụng thực tế nhưng toán học là một trong những thứ tư duy phi nhân văn.
    2) Các nhà thơ, nhà soạn nhạc, các họa sỹ, các nhà hoạt động nghệ thuật…có cơ may thoát khỏi cái “vòng kim cô” của Định lý Bất toàn.

    Thích

  9. Con kính chào thầy,
    Con đã đọc khá nhiều bài viết của thầy và con cảm nhận được những gì thầy viết, có cái con hiểu có cái không.
    Con tâm sự thật với thầy rằng con tin có Chúa một cách thuần thành nhất là vào mùng 7 Tết vừa rồi. Nó thật sự lóe lên trong lòng con như lời của nhà toán học Polya: Ý CHÓI LỌI. Con cũng tin rằng Chúa gửi hết thông tin kèm theo của bản thiết kế vào “bản thiết kế thông minh về giống loài thượng đẳng ở Trái Đất là con người”. Ví dụ như tế bào gốc có thể làm hồi phục lại trạng thái ban đầu vào lúc mới sinh của những cơ quan bị hư hỏng trong quá trình sống của bộ môn khoa học là Y HỌC ( cũng có nghĩa đó là KHOA HỌC).
    Và mọi thứ có thể hiểu từ 4 Vectors( vừa là kernel vừa là tương tác vào nhau và có thể merge vào nhau) mà thầy đã từng present ở Trường Đại học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội, đó là:
    1. Năng lượng
    2.Thông tin
    3. Vật chất
    4. Ý thức
    Đâu đó trong Phật giáo cũng có nội dung gần gần giống như KHOA HỌC như hạt vi trần khá gần gũi với thế giới của lượng tử. Thứ nữa là hệ thống lý luận chặc chẽ cũng tựa như toán học. Dĩ nhiên cái logic của Phật giáo là để phục vụ cho nội dung giáo lý Phật giáo.
    Bản thân Đức Buddha(âm Việt là Phật-đà, Bụt) cũng khẳng định mình không phải là một vị Thần có thể làm được nhiều điều phi thường như ban phước giáng họa( thực ra Ngài có năng lực siêu nhiên hay thần thông nhưng để tránh cho các Phật tử sa đà vào nó mà quên đi mục đích tu tập mà Ngài tự nhận không có). Và phương pháp tu luyện là áp dụng toàn bộ nội dung BÁT CHÁNH ĐẠO bao gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Và cái mục đích cuối cùng đó là đi đến NIẾT BÀN, nhưng NIẾT BÀN cũng không được Ngài định nghĩa nó cụ thể là gì mà chỉ cảm nhận được nó và không dùng được bất cứ ngôn ngữ nào có thể diễn tả được. Chỉ nêu ra những đặc trưng của Niết bàn có thể cảm nhận được như có Trí tuệ, có năng lực siêu việt( thần thông)…, các đặc tính này chính là tổ hợp theo một tỷ lệ, thời gian hay xác suất hay cái gì đó chờ khoa học xác định sau, con tạm gọi là một ETE-TỔ HỢP của 4 vectors mà thầy đã từng giới thiệu, và tùy vào một ETE-TỔ HỢP mà lúc thì là TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT, lúc thì là THẦN THÔNG….
    VÀ điều đã nói không khác gì những đặc trưng của THIÊN CHÚA.Cũng vậy, chủ thuyết của LÃO GIÁO là VÔ VI, theo con thấy cũng cùng một ý nghĩa.
    Con không biết ĐẮC ĐẠO là gì nên con cũng không biết mô tả thế nào, nhưng con có trực giác rằng THIÊN CHÚA GIÁO, PHẬT GIÁO, LÃO GIÁO và KHOA HỌC đều đề cập, ám chỉ đến một cái DUY NHẤT, cái nói ra hầu như người thường như con không biết. Có một lưu ý nhỏ là trong kinh Nikaya, kinh được xem là gần với lời của Buddha chưa bao giờ phủ định Thiên Chúa giáo, gần đây một số vị tu sỹ Phật giáo ở Việt Nam không hiểu vì lý do gì cứ ác ý gắn cái tư tưởng rằng Budda phủ định có một vị THẦN tối cao, Budda phủ định có một vị Chúa… vào Buddha. Mà sự thật là những khi có ai hỏi đến Ngài đều im lặng vì không cần thiết( thời điểm Ngài còn sống cách đây khoảng 2600 năm thì chưa ai biết đến khái niệm thế nào là hạt vi mô, lượng tử….) Cũng có một vị tu sỹ theo phái Theravada khi dịch thuật hệ thống giáo lý Phật giáo nguyên thủy để truyền bá ở Việt Nam là Ngài Thích Minh Châu có nhắc đến định lý thiên tài Gödel một cách tôn trọng.
    Gần đây nhất Stenphen Hawking có cho rằng vật chất sinh ra từ hư vô, có thể ông ta mắc kẹt sự hiểu biết ở sự merge nhau giữa vật chất và Năng lượng cho nên không nắm bắt được sự chuyển hóa giữa chúng( 2 trong 4 vectors). Có điều cơ chế chuyển hóa đó hiện nay khoa học cũng chưa nắm bắt chính xác từng công đoạn cụ thể theo nghĩa A biến thành B cụ thể theo quá trình như thế nào và bằng đặc trưng vật lý, hóa học hay QUÁ-TRÌNH-GÌ ĐÓ mà chờ khoa học tương lai xác định cụ thể (hoặc có thể biết rồi mà trình độ cũng như điều kiện của con chưa tiếp cận được).
    Phật giáo có con đường riêng của mình.
    Thiên Chúa giáo có con đường riêng của mình.
    Lão giáo có con đường riêng của mình.
    Khoa học có con đường riêng của mình.
    Có thể còn rất rất lâu nữa giới tinh hoa của con người mới có thể chạm vào sự thống nhất đó nhưng con có một cái trực giác rằng cuối cùng rồi nhân loại cũng đi đến một tiếng nói chung, nơi đã được thông hiểu sẽ không còn chiến tranh, nơi không phân biệt màu da, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt sự khác biệt kinh tế để cùng chung xây dựng một thế giới ĐẠI ĐỒNG.
    Con kính chào thầy.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s