If Pierre Auguste Renoir is considered as “the painter of joy”, Le Thi Luu must be “the painter of peace and happiness”. “All comparisons are lame’, but in my impression Le Thi Luu is a “Renoir of Vietnam” – her paintings really bring us to a life of joys in a characteristic Vietnamese tender soul…
Nếu Pierre Auguste Renoir được xem là “họa sĩ của niềm vui” thì Lê Thị Lựu phải là “họa sĩ của bình an và hạnh phúc”. “Mọi so sánh đều khập khiễng”, nhưng trong ấn tượng của tôi, Lê Thị Lựu là một “Renoir của Việt Nam” – tranh của bà thực sự mang chúng ta đến một cuộc sống vui tươi trong một tâm hồn dịu dàng đặc trưng Việt Nam…
Tôi mê vẽ từ thủa ấu thơ. Lớn lên từng theo một người bạn họa sĩ đi vẽ thuê kiếm sống. Nhờ đó học hỏi được dăm ba điều về hội họa. Tôi bị choáng ngợp trước sắc màu rực rỡ và tươi tắn của tranh Monet, Van Gogh, Renoir, Degas, Pissaro… Cho đến tận hôm nay, trường phái ấn tượng vẫn là tâm điểm trong sự thưởng thức của tôi về Cái Đẹp hội họa.
Cách đây hơn hai chục năm, tôi đã đọc trên một bài báo tiếng Việt về Renoir, rằng ông được gọi là “họa sĩ của niềm vui”. Thí dụ điển hình như bức tranh “Bà Georges Charpentier và các con” vẽ năm 1878 sau đây:
Madame Georges Charpentier et ses enfants, Pierre Auguste Renoir, 1878
Hay những bức tranh sau đây:
Nếu vài bức tranh ấy chưa đủ để có một cái nhìn rộng hơn về Renoir, xin mời độc giả thưởng thức video:
Pierre-Auguste Renoir Original Painting Collection
Ta sẽ thấy ở đó rất nhiều chân dung thiếu nữ, thiếu phụ, các em bé, những cuộc hội hè đông vui, những cuộc dã ngoại thảnh thơi, với màu sắc tươi vui của cây cỏ mùa xuân, mùa hè…
Cùng với Monet, Degas… Renoir là một trong những đại diện tiên phong cho trường phái ấn tượng, ra đời từ nửa sau thế kỷ 19, đến nay vẫn tràn đầy sức sống.
Tuyệt vời thay, lối vẽ ấn tượng cũng lan tỏa sang Việt Nam thông qua những danh họa Việt Nam tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu, Trần Văn Cẩn, Trịnh Hữu Ngọc… Trong số đó, Lê Thị Lựu nổi bật lên không chỉ vì bà là đại diện của phái nữ, mà bởi tranh của bà có một cái độc đáo riêng không thể lẫn với ai khác được. Cái độc đáo ấy chính là cái mềm mại nữ tính, cái tươi tắn của các thiếu nữ, trẻ em, tình mẹ con… tất cả toát lên một khát vọng cháy bỏng đối với hạnh phúc và bình an trong gia đình nói riêng và cho đời người nói chung.
Mặc dù phần lớn tranh của bà là tranh lụa, nhưng phong cách thể hiện của bà là phong cách ấn tượng rõ rệt. Nếu chỉ nhìn tranh của bà qua ảnh chụp, có thể nhầm tưởng tranh lụa của bà với tranh sơn dầu hoặc tranh pastel, vì lối vẽ phóng khoáng về đường nét và mầu sắc, vốn là lối vẽ tranh sơn dầu và pastel của các danh họa ấn tượng Pháp như Monet, Renoir… Đó chính là lý do tôi bị hút vào tranh của bà ngay tức khắc từ lần gặp đầu tiên, khi trông thấy một bức tranh mà tôi tự đặt tên cho nó là “Hai Mẹ Con”. Tôi thấy đẹp quá, lập tức tìm tên tác giả, thì biết đó là Lê Thị Lựu. Mãi cho tới gần đây, thông qua cuốn sách “Lê Thị Lựu, Ấn tượng hoàng hôn” của Thụy Khuê, tôi mới được biết tên chính xác của nó là “Nửa Chừng Xuân”. Đây, tác giả Thụy Khuê viết:
“Đó là một thế giới đã qua, không bao giờ trở lại: thế giới Tự Lực Văn Đoàn mà Lê Thị Lựu vừa là đối tượng được các văn nhân thi sĩ mơ ước, lại là người vẽ lại cuộc sống thơ mộng thời ấy qua chân dung những thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi trên toàn bộ tranh bà.
Nửa chừng xuân, Lê Thị Lựu, 1960-62
Bức Nửa Chừng Xuân (sưu tập của ông bà Phạm Huy Điển), vẽ khoảng 1960-62, là một trong những thành công khác của họa sĩ. Người mẹ Hà thành đầu vấn tóc trần, dịu dàng âu yếm ôm con vào lòng, khiến ta không khỏi liên tưởng tới Mai và bé Ái của Khái Hưng trên rừng đồi Phú Thọ trong Nửa Chừng Xuân. Thập niên 60, Lê Thị Lựu ở thị xã Gentilly, ngoại ô Paris, trong căn nhà nhỏ có vườn, ông Tân chồng bà là kỹ sư canh nông nên trồng đủ loại hoa quanh nhà. Bức Nửa chừng xuân treo trong phòng khách tỏa ánh sáng và nghệ thuật cho căn nhà nhỏ, bà đã sáng tác trong không gian thu hẹp, rất Monet, từ hồi ấy. Rồi đến năm 1971, khi dọn nhà xuống An Trang, bà có hẳn một biệt thự, một cõi riêng trong khu vườn rộng mênh mông với hoa, trái, trời, nước Địa Trung Hải”.
Những ai đã từng đọc “Nửa Chừng Xuân” của Khái Hưng, từng cảm nhận được cái không-thời-gian của Tự lực Văn đoàn thì sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn Cái Đẹp của bức tranh “Nửa Chừng Xuân” của Lê Thị Lựu. Đó chính là thời đại của Lê Thị Lựu – thời đại bùng nổ của văn hóa Việt Nam trên mọi lĩnh vực, từ văn chương hiện thực xã hội đến văn học lãng mạn, từ Thơ mới đến nhạc “tiền chiến”, từ nền giáo dục từ bỏ Nho học chuyển sang Tây học, từ tranh Đông Hồ dân gian sang hội họa Việt Nam hiện đại, từ những kỹ sư đầu tiên đến những nhà khoa học đầu tiên của Đông Dương… Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng và Nửa Chừng Xuân của Lê Thị Lựu đánh dấu cái cựa mình thức dậy của một nền văn hóa đã ngủ lâu trước đó.
Đó là thời của mẹ tôi mà tôi được chứng kiến một phần, khi cái dư âm của Tự lực Văn đoàn còn kéo tới những năm 1950 và đầu 1960… Đọc Tự lực Văn đoàn, xem tranh của Lê Thị Lựu, tôi không khỏi bâng khuâng nhớ về một miền dĩ vãng, một thủa êm đềm đã ra đi không bao giờ trở lại, một thủa nên thơ…
Ngày nay nhờ internet, thế giới của Lê Thị Lựu đã được mở ra cho tất cả những ai phải lòng với Cái Đẹp, đặc biệt là cái đẹp của các thiếu nữ, các em bé, các bà mẹ…
Sau bức “Nửa chừng xuân”, tôi mê bức “Jeune fille dans le jardin” (Thiếu nữ trong vườn), mà tôi cho rằng đẹp chẳng kém gì tranh của Renoir, nếu không muốn nói là một sự bổ sung không thể thiếu cho kho tàng mỹ thuật thế giới:
Jeune fille dans le jardin (Thiếu nữ trong vườn), Lê Thị Lựu
Tôi không chỉ mê mầu sắc, ý tưởng trong tranh của Lê Thị Lựu, mà còn mê bút pháp của bà nữa. Đó là bút pháp của trường phái ấn tượng rất rõ. Đây, hãy ngắm cận cảnh “Thiếu nữ trong vườn”:
Có người nhận xét: “Đôi mắt biết nói của người phụ nữ đẹp ấy lại có ánh nước như đang khóc… Có lẽ đó là tâm trạng hạnh phúc xen lẫn buồn nhớ quê nhà của chính Lê Thị Lựu? Sống trên đất Pháp ngày ấy, hưởng thụ một nền văn hóa hội họa sang trọng bậc nhất thế giới, nhưng lòng bà vẫn hướng về quê hương…”. Tôi khá bất ngờ với nhận xét đó, và tự trách mình sao không nhận ra ngấn nước mắt ấy!
Bút pháp ấn tượng cũng thể hiện rõ trong những tranh sau đây:
Chúng ta không có đủ thì giờ để nói về tất cả các bức tranh của Lê Thị Lựu. Đó là cả một kho tàng phong phú để chúng ta khám phá. Nhưng xin độc giả hãy có một cái nhìn lướt qua kho tàng ấy qua video sau đây:
Le Thi Luu’s Master Pieces
Phải nói thêm rằng bản thân Lê Thị Lựu là một người đàn bà đẹp, một phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Nhan sắc của bà là Cái Đẹp mẫu mực của phụ nữ Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Bà là mơ ước của giới văn chương nghệ sĩ Tự Lực Văn Đoàn. Nếu tôi sống vào thời của bà, e rằng tôi cũng rơi vào tình trạng si mê bà như phái mày râu cùng thời với bà – làm sao kháng cự được sự thu hút của một người đàn bà đẹp và tài hoa như Lê Thị Lựu? Thụy Khuê mô tả điều này rất rõ ràng:
“Thập niên 1930, các báo trong nước đều nhắc tới người nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp thủ khoa khoá III, trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1932. Ra trường nổi tiếng ngay khắp ba kỳ. Đặc biệt báo Phong Hoá, cũng ra đời năm 1932, số 18, nhận định về trường Mỹ Thuật Đông Dương bằng những hàng:
“Ông Lê Phổ, cô Lê Thị Lựu, ông Mai Trung Thứ cùng nhiều họa sĩ khác đều là người có tài, mỗi người một vẻ riêng… Có một điều đáng ghi là cô Lê Thị Lựu không ngần ngại là quần vận, yếm mang, chen chân thích cánh với bọn hoạ sĩ đàn ông, mà cái hay cái khéo của cô lại hơn người, thật là vẻ vang cho phụ nữ nước nhà”.
Bài viết không ký tên nhưng ta có thể đoán là của Thạch Lam, bởi Thạch Lam là người phụ trách thường xuyên mục phê bình mỹ thuật trên Phong Hoá và Ngày Nay và cũng là nhà văn theo sát sinh hoạt của người nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam lúc bấy giờ. Thạch Lam đã đặt Lê Thị Lựu cùng hàng với hai họa sĩ đàn anh là Lê Phổ và Mai Trung Thứ (tức Mai Thứ), tốt nghiệp khoá I, năm 1930……….
Những sự kiện này đưa đến thắc mắc: nhà văn trẻ Thạch Lam đã bị nghệ thuật hay sắc đẹp của họa sĩ Lê Thị Lựu chinh phục? Chắc chắn cả hai. Mà không chỉ có Thạch Lam, trong tám năm sống trên đất nước, sau khi tốt nghiệp, Lê Thị Lựu đã làm giáo sư dạy vẽ ở các trường Nam Bắc: trường Bưởi, Hàng Bài, Áo Tím… Trong đám học trò, rất nhiều văn nhân thi sĩ…”.
Tôi rất thích bức “Chân dung Lê Thị Lựu” do họa sĩ Lê Phổ vẽ năm 1935. Qua đó có thể thấy Lê Thị Lựu đẹp một cách sang trọng:
Chân dung Lê Thị Lựu, do Lê Phổ vẽ năm 1935.
Gần đây thị trường đấu giá tranh trên thế giới khá ồn ào bởi sự cạnh tranh và lên ngôi của hội họa Á Đông, đặc biệt là tranh của các danh họa Việt Nam, như tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Trần Đông Lương, … và tất nhiên, cả Lê Thị Lựu nữa.
Thú thật, tôi không mê tranh theo giá trị đo bằng tiền bán tranh trong các cuộc đấu giá ấy. Tôi mê tranh theo sở thích của bản thân tôi. Tôi không bao giờ ca ngợi một bức tranh cao giá mà chính tôi không thích. Chẳng hạn như tranh của Picasso. Tôi xin thú nhận rằng tôi không thích tranh của Picasso, bất kể thế giới ca ngợi ông ra sao. Ngày xưa, khi tôi tâm sự điều đó với họa sĩ Linh Chi, ông khuyên tôi: “Trong nghệ thuật không thể giả dối. Nếu không thích thì cứ nói không thích. Chân thật như thế là tốt”.
Vâng, bản thân sự chân thật chính là một điều kiện của Cái Đẹp. Cái Đẹp tự nó đẹp, không cần phải nhào nặn, không cần phải cố ý dàn dựng, không cần phải khoa trương, không cần phải bôi bác… Tôi “ăn bả” triết lý về Cái Đẹp của Claude Monet:
“Mọi người thảo luận về nghệ thuật của tôi và làm ra bộ hiểu, như thể cần phải hiểu, trong khi đơn giản là chỉ cần yêu thích mà thôi / Everyone discusses my art and pretends to understand, as if it were necessary to understand, when it is simply necessary to love” (Claude Monet).
Charles Chaplin cũng nói gần như thế, với một cách nhấn nhá mạnh hơn:
“Tôi không đủ kiên nhẫn với một cái đẹp mà nó phải được giải thích để hiểu / I do not have much patience with a thing of beauty that must be explained to be understood” (Charles Chaplin).
Đối với tôi, hội họa trừu tượng, lập thể… và nhiều thứ chủ nghĩa kỳ quái khác sẽ không tồn tại được lâu. Đó là những thứ “chơi trội”, phản tự nhiên, và trước sau sẽ bị lịch sử đào thải.
Một lần nữa, Claude Monet giúp tôi hiểu hội họa là gì, ông nói:
“Mảnh vườn của tôi là tác phẩm đẹp nhất của tôi” (My garden is my most beautiful masterpiece).
Ngày nay, mọi người đều biết “VƯỜN MONET Ở GIVERNY” (Monet’ Garden at Giverny) là một trung tâm du lịch ở Pháp, hàng năm kiếm bộn tiền vì khách du lịch tứ phương đổ đến đây từ khắp thế giới.
Người ta bảo khu vườn ấy lên giá nhờ những bức tranh của Monet. Đúng! Nhưng có người lại nói: Nhờ khu vườn đó mới có những kiệt tác của Monet. Cũng đúng!
Với tôi, cuộc sống là bức tranh tuyệt mỹ nhất. Tự nhiên là bức tranh của Chúa. Con người là tạo vật kỳ diệu nhất. Phụ nữ, trẻ em là những tuyệt tác của Thương Đế. Monet tạo ra những kiệt tác đơn giản vì ông say mê những kiệt tác của Thượng Đế theo cách ông cảm nhận, và làm cho người khác cũng say mê như ông, đúng như Edgar Degas nói:
“Nghệ thuật không phải là cái bạn thấy, mà là cái bạn làm cho người khác thấy” (Art is not what you see, but what you make others see).
Đó cũng chính là điều Lê Thị Lựu đã làm và làm một cách thành công, tuyệt hảo. Vì thế tranh của bà cũng đã và đang có sức cạnh tranh rất mạnh trên các thị trường đấu giá tranh trên thế giới hiện nay. Chẳng hạn, bức tranh “Trẻ em nghịch hoa” của Lê Thị Lựu vừa bán được với giá 207.821 USD.
Để kết, xin chép lại toàn văn bằng chữ in đậm sau đây một bài báo rất ngắn nhưng rất hay, rất tiêu biểu của F.A.M về Lê Thị Lựu trên Tạp chí Mỹ thuật[1] ngày 21/06/2019:
“Tài, sắc, trở thành nữ họa sĩ Việt Nam đầu tiên năm 18 tuổi, danh tiếng Lê Thị Lựu như tỏa ánh hào quang trong nền mỹ thuật nước ta suốt gần 100 năm qua.
Thế giới hội họa của Lê Thị Lựu là thế giới của những hình tượng, những nhân vật, nơi người ta có thể gặp và yêu những đứa trẻ thơ, những thiếu nữ trẻ, những thiếu phụ, cũng có thể là chân dung một bà già hay một người đàn ông – mà bà đã từng vẽ. Họ có thể sống ở nông thôn, ở miền sơn cước, ở thành phố, ở Việt Nam, ở Pháp, ở châu Phi- mà qua nét vẽ của bà, họ đều hiện ra vô cùng hiền hòa, sinh động, cá tính đầy thần thái, với mẫu số chung: Đẹp!
Xa cách quê hương năm chưa tròn 30 tuổi, sống gần 50 năm trên đất Pháp cho đến khi mất, nhưng sự nghiệp hội họa của Lê Thị Lựu vẫn chủ yếu là tranh lụa. Khác với phong cách vẽ lụa của Lê Phổ, Mai Thứ hay Vũ Cao Đàm (những người bạn cùng sống ở Pháp), bà vẽ lụa bằng thị hiếu cổ điển, tôn trọng sự thật khách quan, luôn luôn cân bằng giữa tính hàn lâm và nhu cầu biểu hiện cảm xúc, thể hiện một cái nhìn đầy nhân ái, cảm thông, chia sẻ với con người, và vẽ ở nhiều tư cách: khi là một người chị, khi là một người mẹ, khi là một người bạn, và luôn luôn và bao giờ cũng là một phụ nữ mang dòng máu Việt Nam-Á Đông chảy trong huyết quản.
Chịu ảnh hưởng của phái ấn tượng và bậc thầy hậu ấn tượng Bonnard, Lê Thị Lựu làm “sáng” tranh mình bằng những điệu thức màu tươi tắn, rung rinh, từ đó phát ra một thứ ánh sáng có vẻ “tự nhiên” mà thực ra rất “chủ quan”, quả là một sự ảo diệu đầy âm vọng, xem mãi không chán.
Trong nghệ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam, Lê Thị Lựu là một trong số ít họa sĩ, nếu không nói là họa sĩ triệt để nhất trong việc sử dụng phấn màu để vẽ lụa. Từ một kỹ thuật riêng biệt như vậy, phong cách hội họa của bà cũng trở nên riêng biệt, khó trộn lẫn với bất cứ ai”.
Và để có một cái nhìn đầy đủ hơn về nữ danh họa xuất chúng này, xin độc giả đừng bỏ lỡ những bài viết và video sau đây:
● Lê Thị Lựu, ấn tượng hoàng hôn
http://thuykhue.free.fr/LTL-ATHH/AnTuong.html
● Nữ họa sĩ Việt đầu tiên tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
https://zingnews.vn/nu-hoa-si-viet-dau-tien-tot-nghiep-cao-dang-my-thuat-dong-duong-post914060.html
● Kỳ nữ Lê Thị Lựu tạo bất ngờ về giá bán tại Sotheby’s Hong Kong
● Lê Thị Lựu (1911 – 1988)
DJP, Sydney 01/02/2021
[1] http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/2567/
Albert Einstein có nói đại ý: Nhân loại phải vinh danh các nghệ sỹ trước khi tôn vinh các nhà khoa học.
ThíchThích