Vietnamese people have a beautiful tradition: enjoying the beauty of flowers and paintings in Tet’s holydays. On the occasion of Tet Tân Sửu 2021, I would like to share with you my impression on some of Vietnamese master pieces that I love best, and hope these paintings will make your Tet’s holydays more splendid and full of joys…
Người Việt Nam có một truyền thống đẹp: thưởng thức vẻ đẹp của hoa và tranh hội họa trong ngày Tết. Nhân dịp Tết Tân Sửu 2021, tôi xin chia sẻ với các bạn ấn tượng của tôi về một số tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam mà tôi yêu thích nhất, và hy vọng những bức tranh này sẽ làm cho ngày Tết của bạn thêm rực rỡ và tràn ngập niềm vui …
Họa sĩ Nam Sơn,
người thầy của các bậc thầy hội họa Việt Nam
Nếu bạn yêu Cái Đẹp, yêu hội họa, mà bạn chưa biết đến tên tuổi của họa sĩ Nam Sơn thì thật đáng tiếc, vì ông là thầy của các bậc thầy trong giới hội họa Việt Nam.
“Là Giáo sư giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong vòng 20 năm (1925 – 1945), Họa sĩ Nam Sơn đã góp phần đào tạo được một thế hệ họa sĩ nổi tiếng của nền hội họa đương đại Việt Nam. Chúng ta có thể kể đến những tên tuổi những họa sĩ danh tiếng như: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Hoàng Lập Ngôn, Sĩ Ngọc, Trần Đình Thọ, Diệp Minh Châu, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Tạ Thúc Bình, Phan Kế An…”, đó là một trích đoạn nguyên văn từ bài báo:
● “Cố hoạ sĩ Nam Sơn – Trọn đời cho nghệ thuật hội hoạ” của Triệu Anh Phương trên trang DESIGN.VN ngày 14/07/2018, địa chỉ:
http://designs.vn/tin-tuc/co-hoa-si-nam-son-tron-doi-cho-nghe-thuat-hoi-hoa_149564.html#.YBTu-egzY2x
Những ai yêu lịch sử hội họa Việt Nam và lịch sử văn hóa nói chung nên tìm đọc bài báo trên, và nhiều bài báo khác nữa, chẳng hạn:
● “NAM SƠN – Ngọn núi hội họa nước Nam”, của Từ Khôi trên trang Lê Minh Quốc:
http://leminhquoc.vn/the-loai-khac/tac-pham-cua-ban-be/4719-nam-son-ngon-nui-hoi-hoa-nuoc-nam.html
● “Hoạ sư Nam Sơn – người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”, của Ngọc Kha – Từ Khôi trên tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị:
● “Họa sĩ Nam Sơn, người đặt nền móng đầu tiên cho nền Mỹ thuật đương đại Việt Nam”, của Phan Duy Kha trên trang Nghệ thuật xưa
Mặc dù không đủ chữ nghĩa và kiến thức để bình luận hội họa, nhưng tôi tin vào cảm xúc của mình khi xem tranh của họa sĩ Nam Sơn. Tôi thán phục bức tranh “Nhà Nho xứ Bắc” của ông sau đây:
Nhà nho xứ Bắc, Nam Sơn, sơn dầu, 1923.
Độc giả nên đọc những bài báo đã dẫn ở trên để biết giá trị của bức tranh này. Nhưng riêng tôi, cái đẹp làm tôi thích thú nhất ở đây là vẻ tinh anh quắc thước của Nhà Nho xứ Bắc. Quả thật nhà nho xứ Bắc phải sâu sắc tinh anh như thế. Thế mới xứng là nhà nho xứ Bắc! Tôi chưa thấy một tranh nhà nho nào có vẻ tinh anh quắc thước đến như thế. Nếu cần phải chọn một hình ảnh của một người đàn ông thông minh, quắc thước, tự tin, sâu sắc, cương nghị… tôi chọn hình ảnh trên. Và đối với một người đàn ông, còn gì đẹp hơn vẻ đẹp đó? Nghệ thuật của danh họa Nam Sơn đã lột tả được cái đẹp đàn ông đó một cách chính xác tuyệt vời. Có lẽ đó là điều họa sĩ muốn nói mà chưa ai nói hộ ông chăng?
Ngược lại, trong bức tranh trị giá 17 tỷ VNĐ sau đây, người đàn bà lại đẹp một cách dịu dàng, y như hình ảnh của mẹ tôi ngày xưa, hoặc các bà cô của tôi, hay thậm chí của người yêu đầu tiên của tôi. Đó là vẻ đẹp toát ra từ bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” sau đây:
Thiếu nữ cầm quạt, Nam Sơn, tranh lụa, vừa được bán 440.000 Euro (gần 12 tỷ VNĐ) tại Pháp.
Trong bài báo “’Thiếu nữ cầm quạt’ của cố họa sĩ Nam Sơn bán mức kỷ lục 12 tỷ đồng”[1] trên trang PHAPLUATNET, tác giả H.a. cho biết:
“…Thiếu nữ cầm quạt của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn có tên tiếng Pháp là Tonkinoise à l’éventail, tranh mô tả một phụ nữ Bắc Kỳ đang cầm quat. Theo tài liệu của nhà đấu giá, bức tranh được họa sĩ Nguyễn Nam Sơn sáng tác vào khoảng năm 1935-1936 bằng màu nước trên chất liệu lụa, kích thước 61,5cm x 43cm. Điều đáng lưu ý là nền tranh vẽ nét vân thủy (雲水) làm hậu cảnh, như một tấm màn gấm, mang lại cho Thiếu nữ cầm quạt nét quý phái, xưa cổ. Phong cách vẽ trang trí này đã được nhìn thấy trong một bức tranh lụa khác của Nam Sơn, chứng tỏ khả năng bậc thầy của ông khi dạy môn trang trí (art décoratif) tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” – Ngô Kim Khôi nhận định. Thiếu nữ cầm quạt từng thuộc bộ sưu tập của một sĩ quan người Pháp vào thời điểm năm 1936 khi ông đóng quân tại Hà Nội. Năm 1938, viên sĩ quan này mang bức tranh về Pháp lưu giữ cho đến thời điểm bức tranh được đấu giá”.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin về bức tranh này qua các bài báo sau đây:
● Nam Sơn và thiếu nữ cầm quạt
https://ct.qdnd.vn/kinh-te-xa-hoi/nam-son-va-thieu-nu-cam-quat-525898
● Tranh lụa của cố hoạ sĩ Nam Sơn được bán với giá gần 12 tỷ ở Pháp
https://baoquocte.vn/tranh-lua-cua-co-hoa-si-nam-son-duoc-ban-voi-gia-gan-12-ty-o-phap-80127.html
● Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn được bán ra gần 560.000 USD
https://www.dkn.tv/khac/tranh-lua-cua-hoa-si-nguyen-nam-son-duoc-ban-ra-gan-560-000-usd.html
● ‘CỰC SỐC’: Tranh Nguyễn Nam Sơn vừa bán gần 12 tỷ đồng
Nhìn “Thiếu nữ cầm quạt”, tôi nhớ đến dĩ vãng hơn 70 năm trước, cái thời phụ nữ Hà Nội ra khỏi nhà là phải mặc áo dài, cuộc sống êm đềm, thư nhàn, lãng mạn… Nếu đó không phải là cuộc sống của mọi phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ thì ít nhất là của một tầng lớp nhất định ở thành thị mà thế hệ tôi được sống với nó. Hồi ấy lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng lịch sự lắm, lễ nghĩa cẩn thận lắm… mãi cho đến thế hệ tôi vẫn còn giữ được. Khi họa sĩ Nam Sơn vẽ bức tranh này, chắc ông cũng không ngờ được tác phẩm của ông lại gieo vào lòng những thế hệ con cháu như tôi cái cảm xúc sầu nhớ nền văn hóa lịch lãm ngày xưa như vậy. Và đó chính là một phần của lịch sử, và điều ấy có lẽ làm cho bức tranh ngày càng lên giá – nó không chỉ là một tác phẩm hội họa đẹp với giá trị đặc sắc Á Đông, mà còn là một bảo vật “đồ cổ” nữa. Người mua không dại đâu. Họ bỏ ra nửa triệu USD hôm nay, sẽ có 1 triệu USD khoảng mươi năm nữa!
Một bức tranh nổi tiếng khác của danh họa Nam Sơn là bức “Thôn nữ Bắc Kỳ” dưới đây, cũng vừa bán được với giá 205000 Euro:
Thôn nữ Bắc Kỳ, Nam Sơn, 1935
Vẻ đẹp của bức tranh này được mô tả một cách tinh tế trong bài báo rất hay sau đây:
● “Nguyễn Nam Sơn, Thôn nữ Bắc Kỳ” của Ngô Kim Khôi trên tạp chí Sông Hương, xin độc giả chớ bỏ lỡ:
http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p75/c174/n28634/Nguyen-Nam-Son-Thon-nu-Bac-ky.html
Để có thêm thông tin về bức tranh này, xin đọc:
● Tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” được đấu giá 5,7 tỷ đồng tại Pháp
Chuyện về họa sĩ Nam Sơn còn nhiều sự kiện thú vị lắm. Bài báo hôm nay chỉ là một gợi ý và một chia sẻ nhân ngày Tết. Xin tạm dừng ở đây để chuyển sang các họa sĩ khác.
(Còn nữa)
[1] https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/thieu-nu-cam-quat-cua-hoa-si-nam-son-ban-muc-ky-luc-12-ty-dong-33490.html