Easter is coming. At this moment, those who love Jesus often feel a divine atmosphere around them – the fact that Jesus died on the cross and then resurrected reminds wise people to think of the THE TRUE MEANING of life that Louis Pasteur commented: “Blessed are those who have God in their heart”…
Phục Sinh đang đến. Vào lúc này, những người yêu kính Chúa Jesus thường cảm thấy một không khí thiêng liêng bao quanh mình – sự kiện Chúa chịu chết trên thập giá rồi phục sinh nhắc nhở những người khôn ngoan nghĩ về LẼ THẬT của đời người mà Louis Pasteur đã nhận xét: “Phúc cho những ai có Chúa trong lòng”…
Trong đời sống hàng ngày, có vô vàn sự kiện ngẫu nhiên, bất định, bất toàn, hỗn độn, khiến con người nhiều khi rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng, bất an, đau khổ. Nhưng những người có Đức Tin mạnh mẽ vào sự mầu nhiệm của Thiên Chúa thì vững lòng tin hơn, cảm thấy bình an hơn, bởi họ biết rằng mọi việc đều do Chúa sắp đặt, ngay cả những việc mà ta tưởng chừng không thể nào lý giải nổi, thậm chí là vô lý trước con mắt của người đời.
Một số người có Đạo đã bỏ Đạo vì không hiểu những thử thách đó. Ngược lại, thử thách lớn làm cho những người thông minh nhận ra có Chúa. Bản thân Chúa Jesus cũng bị thử thách RẤT LỚN khi biết cái chết thảm khốc đang đến gần. Nhưng Ngài cầu xin Cha Trên Trời hãy hoàn tất kế hoạch đã định. Học được điều đó, con người sẽ vững vàng hơn, cuộc sống sẽ bình an hơn, hạnh phúc hơn.
Kinh Thánh viết:
“Con người mưu sự, nhưng Chúa quyết định / We can make our plans, but the LORD gives the right answer” (Châm Ngôn / Proverbs 16:1)
“Chúa làm mọi việc vì mục đích của việc đó, thậm chí dùng kẻ ác cho ngày tai họa / The Lord has made everything for its own purposes, even the wicked for the day of evil” (Châm Ngôn / Proverbs 16 – 4)
Xét cho cùng thì thế gian này có hai loại người với hai thế giới quan trái ngược: 1/ Những người tự phụ không tin có Chúa và chỉ tin vào những gì mắt mình nhìn thấy; 2/ Những người tin có Chúa và Chúa quyết định mọi sự.
Thế giới quan nào tốt hơn?
Xin chép tặng độc giả hai câu trả lời dưới đây, như một món quà nhỏ nhân dịp Lễ Phục Sinh 16/04/2017:
1/ Câu trả lời của Louis Pasteur:
« Phúc cho ai có Chúa ở trong lòng, một lý tưởng của Cái Đẹp và vâng theo lý tưởng đó… » (Heureux celui qui porte en soi un Dieu, un idéal de la beauté et qui lui obéit… / Blessed is he who carries within himself a God, an ideal of beauty and obeys it…)
2/ Câu trả lời của nhà thơ Phi Tuyết Ba, trích trong Tập Thơ « Ánh sáng soi đường hẹp », do NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2016 :
LINH HỒN QUÝ GIÁ
Bên là linh hồn
Bên là thế gian
Lần lượt đặt lên cân của Chúa
Kết quả được định rõ :
Một linh hồn quý hơn cả thế gian…
Mỗi chúng ta được sở hữu một kho tàng
Mà châu báu thế gian không gì sánh được
Vậy mà không ít người vẫn luôn ao ước
Những điều chóng suy tàn, những vật kém giá trị ở thế gian…
Một linh hồn quý hơn cả thế gian
Bởi cớ ấy Chúa Giê-xu đã đến
Bởi cớ ấy, Chúa Giê-xu bằng lòng chịu chết
Thay chúng ta, cứu chuộc những linh hồn…
CON ĐƯỜNG DUY NHẤT
« Đức Chúa Giê-xu đáp : Ta chính là Con Đường, Chân lý và Nguồn Sống,
chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha » (Giăng 14:6 – BDM)
Có rất nhiều con đường trên mặt đất
Dẫn đến giàu sang, quyền lực, vinh quang
Có rất nhiều con đường dưới ánh mặt trời và trong bóng tối
Nhưng không có con đường nào dẫn đến bình an
…….
Ngay sau khi đăng những dòng ở trên lên viethungpham.com tôi nhận được NHỮNG LỜI TÂM SỰ của Anna Kiều Diễm, về những kỷ niệm Phục Sinh của cô. Đó là những tình cảm đẹp, xin giới thiệu cùng độc giả:
3/ Tâm sự của Anna Kiều Diễm
Chúng tôi, những người Công Giáo đang bước vào những ngày của Tuần Thánh. Chúa Nhật tuần này là Lễ Phục Sinh rồi. Thật là vui khi Lễ Phục Sinh năm nay vào đúng ngày sinh nhật của tôi!
Nếu có ai đó hỏi tôi, điều gì đặc biệt khiến tôi nhớ đến những mùa Giáng Sinh? Thì ắt hẳn đó không chỉ là sự tìm kiếm một chút se lạnh- vốn rất hiếm có ở Sài Gòn, cốt để tự bản thân có thể vin vào đấy mà huyễn hoặc một mùa đông đang đến từ những gam màu trang trí trắng toát cứ như bông tuyết của các cửa hiệu và các khu phố ở trung tâm Sài Gòn. Đôi lúc cái cảm giác “mùa đông” ấy thật ngượng nghịu nhưng chúng tôi – những người trẻ Sài Gòn vẫn dành cho nó một sự mong chờ đúng nghĩa. Nhưng trên hết, Giáng Sinh trong tâm trí tôi – có lẽ là những ca khúc. Chính những ca từ của những bài Thánh Ca đã mang lại cho lòng tôi một sự hân hoan lạ lùng đúng nghĩa với sự kiện chào đón Đấng Cứu Độ. Hay cũng là cái nhẹ nhàng, ray rứt, phảng phất nét buồn man mác đầy nuối tiếc của những bản ca kể chuyện tình buồn của những mùa Giáng Sinh năm nào khiến cho tôi đôi lúc vô cùng đồng điệu “..Còn nhớ không anh?”. Tất cả những sắc màu đa dạng từ trong những nét trang trí, đến tiết trời, đến những tâm tình của mùa lạnh pha trộn trong lòng tôi một sắc thái khác lạ và trở nên đáng nhớ, đáng mong chờ trong năm.
Mùa Phục sinh thì hoàn toàn đối lập. Sài gòn chẳng ai biết đến lễ Phục sinh ngoài những người có đạo. Nếu Giáng sinh là một sự kiện gần như ồn ào và được chào đón hiểu theo nghĩa ơn cứu độ của Chúa đến với tất cả mọi người, thì Phục sinh – được hiểu như là Sự sống mới – một sự Tái sinh mà ắt hẳn chỉ có được nhờ sự đáp trả của chính mỗi con người trong ơn Giáng sinh của Chúa. Do vậy, Phục sinh mang đúng cái cái ý niệm ấy. Bước ra từ một mùa chay đầy tĩnh lặng và sám hối, con người có dịp nhìn lại thân phận thấp hèn và tội lỗi của mình. Để từ đó, khi đưa mắt chiêm ngắm đến cái chết của Jessus trên thập tự, thì từ sâu thẳm bên trong, con người đón nhận sự tái sinh và tình yêu của Chúa trong sự trở về đích thực.
Và trong tâm tình đó, cũng nhân dịp gần đây, Đức Cha Khảm nói về cái chết của Chúa Jessus càng làm tôi vô cùng nặng lòng.
Ngài nói rằng cái chết của Chúa là một cái chết đau đớn và cùng cực nhất không những về mặt tinh thần mà còn về mặt thể xác – mà không ai trong chúng ta phải trải qua.
Người ta cho rằng, trước khi bị đóng đinh và bị ngọn giáo đâm, Chúa Giêsu đã bị quất bằng roi và bị đánh. Cú đánh bằng roi khủng khiếp đến nỗi xé thịt từ thân thể Ngài ra. Cú đánh ghê rợn đến nỗi mặt Ngài bị đứt và râu bị xé toạc trên mặt Ngài. Mão gai đâm vào tận xương sọ của Chúa Jesus… Hầu như, không những không thể sống sót được với cuộc tra tấn, mà người ta còn cho rằng, không thể nhận ra được hình hài con người của Chúa Jesus lúc này. Và như vậy, khi quân lính dẫn Chúa Jesus đến với quan Philat, ông đã bảo rằng Hãy nhìn xem, ông ta không còn là hình hài con người, vậy các người còn muốn làm gì ông ta nữa? Vì thế, Ngài chẳng còn đủ sức để có thể vác Thập giá lên tận đồi Canve mà quân đội La Mã lúc bấy giờ phải bắt ông Simon – người Kyrene vác thay cho Chúa.
Về phần đóng đinh, người ta cho rằng, mỗi cái đinh dài từ 6 cho tới 8 inches. Ðinh được đóng vào cổ tay Chúa. Không phải nơi bàn tay như thường được minh họa. Ở cổ tay, có gân vươn tới vai. Lính La Mã biết rằng khi những chiếc đinh được đóng vào cổ tay, gân bị xé ra và đứt, khiến Chúa phải dùng bắp thịt ở lưng để nâng mình dậy, như thế, Ngài mới có thể thở. Và như vậy, mỗi lần thở, Ngài phải nâng toàn bộ thân mình lên mới có thể thở được, và như thế áp lực đau đớn ở chỗ những vết thương và đặc biệt ở những chỗ đâm thâu là cực kỳ khủng khiếp.
Không những thế, cả hai bàn chân được đóng đinh dính vào nhau. Như thế, Ngài buộc phải chống đỡ mình trên chiếc đinh xuyên qua hai bàn chân và Thánh Giá. Chúa Jesus không thể chống đỡ với hai chân vì đau đớn, như thế, Ngài buộc phải luân phiên uốn cong lưng và dùng hai chân để tiếp tục thở.
Ba chiếc đinh quyên qua tứ chi; một mão gai trên đầu, và bên cạnh đó, người lính La Mã đâm ngọn giáo vào ngực. Chúa Jesus đã chịu đựng trong hơn 3 tiếng đồng hồ. Vài phút trước khi chết, Chúa Jesus bị ngưng chảy máu. Chúa Jesus không còn máu để đổ ra nữa, chỉ có nước tuôn ra ở những vết thương. Cơ thể con người chứa chừng 3,5 lít máu. Chúa đã đổ hết 3,5 lít máu…
***
Vẫn biết rằng mọi sự so sánh về nỗi đau là khập khiễng và hơn hết từ buổi ban đầu, Chúa tạo dựng nên con người để ban cho họ bình an và hạnh phúc từ sự tốt lành và tình yêu của Ngài, chứ không phải là để chịu đựng đau khổ. Nhưng dường như con người và chính bản thân tôi đã khoác cho nỗi đau khổ của chính mình một cái áo choàng quá rộng. Phần vì thứ hạnh phúc và bình an mà chúng ta mong mỏi chỉ là những điều tầm thường và xấu xa nên càng mong mỏi ta càng trở nên ích kỷ và hằn học với cuộc đời. Phần vì chúng ta luôn đặt mình làm thứ tâm điểm của vũ trụ, kéo theo đó, là tâm điểm trong chính nỗi đau và hạnh phúc của mình. Ta cho rằng mình quá bất hạnh, quá đau khổ, ta không đáng phải chịu tất thảy những điều này; ta hoàn toàn xứng đáng với những điều khác… Và vì thế, cường điều hóa tất cả chúng.
Xin chiêm ngắm cái chết của Chúa Jesus trên Thập tự!
Sự thật. Hãy tát một cái thật mạnh vào mặt, để tự hỏi rằng, sự thật là ta có đang đau khổ không? Ta có thực sự đói, khát, cô đơn, bị đánh đập, bức hại, bị bỏ rơi… không? Hãy nhìn những nỗi đau khổ về thể xác và tinh thần của Chúa Jesus và những mảnh đời bất hạnh xung quanh bạn để hãy biết khoác cho nỗi đau của chính bạn một cái áo sự thật vừa vặn.
Khiêm tốn. Tôi không có ý nhạo báng, nhưng tôi kỳ thực rất khó chịu nếu một ai nói với tôi rằng họ được quyền có được điều này/điều kia vì bản thân họ sinh ra như vậy và đáng được như thế. Thật là nực cười và lố bịch. Họ tự hào vì những điều mặc nhiên có được chứ không phải là những điều họ nổ lực để đạt được. Mà ngay cả những gì chúng ta xem là nổ lực để đạt được cũng thực sự không phải những gì xuất phát từ chính chúng ta, mà chúng được đặt trong một sự tương quan với xã hội một cách nhất định. Vượt xa hơn tất cả những điều đó, Chúa Jessus là bằng chứng để cho ta học được một bài học về sự khiêm tốn trước Thiên Chúa. Ta chẳng đáng nhận được bất cứ điều gì cả. Và vì vậy, tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta không phải là một điều gì khác ngoài Ân huệ.
***
Mùa Phục sinh năm nay với tôi có lẽ là một mùa Phục sinh đáng nhớ. Với tôi, cái tĩnh lặng và trầm mặc không chỉ ở sự hời hợt của con người và đường phố sài gòn mà ngay ở chính trong lòng tôi. Như dân Israel xưa đi trong sa mạc bốn mươi năm, tôi cũng đang phải trải qua thời gian sa mạc của mình. Tôi đã lay hoay với nỗi cô đơn của chính mình, cố gắng tìm kiếm một ai đó hay một sự cất giữ nào đó mong để khỏa lấp sự trống trải đến lạnh lẽo, vô nghĩa trong tâm khảm. Nhưng tất cả đều trở nên quá khiên cưỡng khi khoảng trống ấy là một lỗ trống hoác to tổ tướng và bất cứ một sự níu kéo nào đều cũng trở nên trơ trẽn và bất lực. Vậy nên, tôi đã quyết định từ bỏ tất cả để một lần can đảm đón nhận sự cô đơn ấy, đón nhận sự đối diện với tâm khảm của chính mình như là một phần của sức mạnh và sự trưởng thành để tìm lại sự sống hay chính xác hơn là sự tái sinh.
Và tôi biết rằng, chất liệu cốt yếu nhất để tạo nên Sự sống không gì khác là Tình yêu.
***
Và nếu có ai đó muốn biết tình yêu là gì, xin hãy đọc lại định nghĩa này trong bức thư của thánh Paul:
Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có Tình yêu, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có Tình yêu, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.
Tình yêu không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con,hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con.
Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.
Hiện nay Niềm tin, Sự Hy vọng và Tình yêu cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Tình yêu là cao trọng hơn cả.
***
Tôi cũng nhớ về mẹ Monica – một người mẹ đầy cao cả và quý giá của Thánh Augustine cũng đã nói về Sự sống trong tình yêu. Những lời của Mẹ trao cho thánh Augustine trước khi biết mình sắp từ giã đời sống trần thế làm cho tôi lưu tâm. Vì những lời nói ấy được nói từ chính cuộc đời bà – một cuộc đời mà ta có thể nhận thấy rằng nó chưa bao giờ chết và cũng sẽ không bao giờ chết được. Mẹ bảo thánh Augustine đừng bao giờ sợ hãi. Mẹ đã cho rằng, con người chỉ là hữu hạn, chỉ là cái gì đó rất mong manh và dễ vỡ. Nhưng ẩn sâu trong bên nó, có một cái gì đó là vĩnh cữu, là trường tồn. Và đó là chính là Tình yêu – chất liệu cốt yếu của Sự sống. Vì chỉ có tình yêu mới làm cho sự sống vượt ra khỏi cái chết của thể xác và tồn tại vĩnh hằng mà thôi.
***
Với Tình yêu, Đức Cha Khảm cho chúng ta thêm hai điều. Một là tình yêu đích thực phải được gắn với chân lý. Chân lý ấy không phải là một quyển sách, một bài văn, một một quan điểm.. mà chân lý ấy là một con người – đó là Đức Jessus. Tình yêu nếu không gắn với chân lý ấy chỉ là những nổ lực hữu hạn, chỉ là ngộ nhận, giả hình và điên rồ.. Hai là, Tình yêu phải gắn với sự bao dung. Sự bao dung cũng được hiểu như sự tha thứ và rộng lượng. Hóa ra, trải dài trong lịch sử cứu độ và lịch sử loài người, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy uy quyền của Ngài không bởi việc tạo dựng nên vũ trụ với biết bao điều kỳ diệu này.. mà là bởi sự tha thứ của Ngài.
&&&
Phục sinh lần thứ 29 của tôi!
Tình yêu chứ không gì khác là chất liệu duy nhất của Sự sống. Và không gì khác, sự bao dung chính là biểu hiện tiên quyết của tình yêu. Do đó, để có thể có một cuộc trở về đích thực, một sự tái sinh mới trong vinh quang Phục sinh của Đức Jessus, ta phải đưa bản thân mình quay trở lại guồng tình yêu-bao dung ấy. Để khi đón nhận và khám phá ra tình yêu – sự bao dung của Thiên Chúa, ta cũng biết làm điều đó cho tha nhân.
Và tôi, tôi cũng đã phải vật lộn với sự đau thương, kiêu hãnh và cái tôi của mình, cốt để làm cho tâm hồn mình cuối xuống một cách mềm mại, trống rỗng một cách tinh khôi, chấp nhận một cách khiêm nhường, để đón nhận tình yêu và sự bao dung của Phục sinh.
Và, phỏng theo St.Augustine. Nếu có phải nói, hãy nói vì tình yêu. Nhưng nếu có phải im lặng, hãy im lặng vì sự bao dung.
Phục sinh đầy hân hoan cho tất cả!
PVHg, 14/04/2017
(Mừng Lễ Phục Sinh 16/04/2017)
Con người sẽ còn lại đời đời với linh hồn bất diệt(Truyền đạo 12:7); Con người được quyền thống trị muôn loài trên đất(Sáng 1:28); Con người có sự khôn ngoan, óc sáng tạo; Con người có lương tri đạo đức, nhân phẩm; Những bản chất này được Đức Chúa Trời tạo dựng nên trong con người, và nó có phần rất giống với những bản chất của Ngài, như tính chất vĩnh cửu; cai trị, khôn ngoan, sáng tạo; thánh khiết, độ lượng, nhân từ, tuy là không bằng Ngài.
Khi dựng nên các loài thú, chim, côn trùng…Đức Chúa Trời không dựng nên chúng theo hình ảnh của Ngài, nhưng chỉ riêng với con người, Ngài lại phán rằng, ‘Chúng ta hảy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta’(26). Đó là lý do, loài vật, loài cây khác chúng ta vô cùng; Chúng không có linh hồn, nên chẳng có tôn giáo, không có sự thờ phượng; Nếu các loài động vật, loài côn trùng…có linh hồn, chúng ta đã thấy chúng làm bàn thờ cúng kiếng khắp nơi rồi; nhưng chúng ta chưa từng xem thấy như thấy việc thờ lạy của con người;
Vì chúng không có linh hồn, nên chúng không có tôn giáo, và không sống đời đời; Cuộc đời chúng sẽ kết thúc hẳn sau khi chết; Chúng có thể sống tập thể, nhưng không biết cai trị lẫn nhau trong cùng 1 loài hay 1 loài khác; thỉnh thoảng chúng ta nhìn thấy cảnh 1 vài con chim sẽ đậu trên bụng, chui vào cả tai của những con voi, con trâu, con hà mã đang nằm ngoan hiền… để bắt rận; và việc làm của đám chim sẽ kia không phải là do loài vật to xác kia bắt chúng phải phục vụ mình, nhưng mà là đám sẽ kia tìm bắt mồi mà thôi.
Con vật cũng chẳng có đầu óc sáng tạo, chúng chỉ sống với bản năng di truyền; Trâu cha, trâu mẹ suốt đời không mặc áo quần; trâu con, rồi trâu cháu, trâu chít, cũng ở dỗng như thế; chúng không biết sáng tạo ra những chiếc áo quần ấm áp mà mặc lúc mùa đông; ấm thì sống, mà rét thì chịu chết như các cụ của chúng;…
Con vật cũng biết thương, biết ghét; biết trả thù và thậm chí biết khóc, nhất là khi thành viên trong gia đình nó chết đi. Đó chính là tình cảm mà Đức Chúa Trời ban cho nó, để nó bảo vệ được bầy đàn mà tồn tại; Nhưng chúng chẳng có lương tri, đạo đức, lễ nghĩa như con người; Chúng không biết đau lòng về lỗi lầm; vì miếng ăn, chúng sẳn sàng lao vào cắn xé; Chúng không biết bắt tay, hay cúi đầu xuống chào mỗi khi gặp nhau; những lúc sợ hãi nhau, chúng đi xung quanh, chầm chậm, rồi nằm xuống, chứ không phải lễ phép gì đâu, vì chỉ có những con yếu thế mới làm như thế, chứ không phải vì nhỏ tuổi hơn;
Con người và loài vật có khoảng cách thật xa, mà chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ con vật đạt đến được; Vì Đức Chúa Trời đã định như thế; Con người được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, và đại diện Ngài cai trị muôn vật trên địa cầu này
Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: ” Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mắt đất ”(28).
Ngày nay có 6,5 tỷ người trên thế giới, tuy mỗi ngày, việc đô thị hóa gia tăng nhanh, nhưng hãy còn rất nhiều vùng đất hoang sơ, không có dân ở; Khi chúng ta sống ở những đô thị sầm uất như Hà Nội, Sài Gòn…chúng ta thường nghĩ rằng, chắc 1 ngày không xa, con người chúng ta sẽ không còn có đất mà sống.
Mặc dù tỉ lệ đô thị hóa tăng nhanh, giá đất đai tăng chóng mặt ở các vùng đô thị, và vùng kinh tế phát triển, nhưng diện tích đất dư đủ cho loài người chúng ta sống thoải mái cho đến vài trăm năm và thậm chí đến 1 thiên niên kỷ nữa; Nhưng chắc chắn, Chúa Jêsus sẽ đến trước khi con người không còn đất mà sinh sống; Vì Ngài chắc chắn không tạo nên 1 trái đất quá nhỏ so với lượng người mà Ngài cho phép họ ra đời;
Khi tạo dựng nên con người, Ngài phán ông bà Ađam, Êva rằng, ‘Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất’. Lúc đó, thế giới bao la này mới chỉ có hai con người nhỏ bé; Ngài muốn họ sinh sản nhiều để con người có thể có mặt mọi nơi trên trái đất rộng lớn
Nhiều người ngày nay lo sợ trái đất hết chỗ ở, họ bắt đầu tính chuyện sẽ chia bớt nhân loại vào các hành tinh có sự sống nào đó, mà vẫn chưa tìm ra được. Dù chúng ta tôn trọng những nỗ lực khoa học của họ, nhưng chúng ta vẫn tin rằng, Đức Chúa Trời khôn ngoan, biết trước, Ngài không tạo nên quả đất quá lớn và cũng không quá nhỏ so với lượng người sẽ có mặt trên mặt đất; Ngài đã dự liệu đủ cả rồi;
Một số người cũng hiểu sai lời phán dạy: ” hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất ” mà nghĩ rằng Chúa đề cao chuyện tình dục vì dạy con người sinh sản nhiều. Phật giáo quan niệm rằng, muốn nhanh thoát khỏi vòng luân hồi, thì phải diệt dục; nên người tu hành không lập gia đình, để diệt được tính dục; cho nên nhiều người trong giới Phật hay chỉ trích câu nói này của Đức Chúa Trời.
Nhưng chúng ta biết rằng, dục vọng và việc sinh nhiều là 2 việc khác nhau; có những người sinh 8 hay 10 đứa con, nhưng họ sống thanh sạch hơn nhiều người sinh ít con, hay thậm chí là người không sinh đứa con nào. Dù có nhiều con với vợ chồng hợp pháp của mình thì không gọi là phạm tội về tình dục được. Còn dù không sinh, nhưng ăn ở như vợ chồng với người không phải vợ chồng mình mới là điều đáng lên án. Và Đức Chúa Trời cũng lên án, kết tội cả những người phạm tội này ngay trong cả tư tưởng tham muốn trái lẽ nữa ( Mathiơ 5:28: ” Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi. ”)
Đức Chúa Trời ban cho con người có sức mạnh từ sự khôn ngoan để quản trị đất đai và mọi loài vật sống động trên trái đất; Con người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, nên chúng ta có đủ sự khôn ngoan mà chinh phục đất đai và các loài vật khác;
Có thể dùng sức thì con người không thể quật ngã được báo, hổ, gấu, cọp, voi…nhưng các loài vật này đang có nguy cơ tuyệt chủng vì con người có hình dáng nhỏ bé với bắp cơ yếu đuối hơn chúng; Với sự thông minh, chỉ cần 1 viên đạn nhỏ bé cũng có thể giết hạ trong nháy mắt 1 con voi to khỏe như 1 chiếc xe tải loại nặng; Bằng sức, không ai bơi khỏe bằng cá voi, các mập; nhưng không loài cá nào bơi khỏe, bơi được đường dài, xa bằng tàu ngầm của con người; Không ai cất chân bay lên khỏi mặt đất như loài chim, ve, hay chuồn chuồn; nhưng trong loài chim ưng, chúa tể của các loài chim, tốc độ bay khi bổ nhào săn mồi là 389km/1giờ; và khi trên cao 2 đến 3000mét, với khả năng nhìn rõ gấp 7 lần con người, nó có thể nhìn thấy rõ 1 chú thỏ, hay chuột đang đi dưới đất rõ ràng, và không để con mồi thoát thân. Không có con nào bay cao và bay nhanh bằng máy bay, chưa nói đến phi thuyền đi vào không gian, là sản phẩm trí tuệ của con người; Vận tốc trung bình của máy bay chở khách Boing là 850km/h; máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ có tốc độ 1170km/h; .. đó là sản phẩm trí tuệ mà Đức Chúa Trời đã ban cho con cái của Ngài; Ngài đã thành tín, giữ lời hứa từ khi mới dựng nên Ađam, Êva, 2 con người đầu tiên của loài người;
Con người không tiến hóa, nhưng con người chỉ có vẻ thoái hóa theo thời gian. Ban đầu, con người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời thật xinh đẹp; nhưng theo thời gian, phần lớn con người trở nên thấp bé dần về phương diện đạo đức, và tụt dần so với bản chất tốt đẹp mà Đức Chúa Trời ban cho họ. Họ có thể có sự học thức nhiều hơn, nhưng sự khôn ngoan Chúa muốn, lương tri đạo đức bị tụt hậu nhanh chóng mặt. Ban đầu, họ khiến đất phục mình, còn bây giờ nhiều người quỳ lạy sát đất để thờ phượng ” đất “, gọi là Ông Địa. Ban đầu, họ quản trị các loài cá biển, nhưng bây giờ nhiều người gọi cá voi, cá mập là ông, là thần, và lập miếu để thờ, lập lăng để chôn cất, cúng bái. Ban đầu, con người cai trị mọi loài động vật, bây giờ những người theo đạo Hinđu thờ con bò; và rất nhiều người thờ con rắn, như ở Việt Nam…Ban đầu, con người quản trị các loài cây, bây giờ con người đục đẽo cây thành thần, đem về đốt nhang khấn vái…mà lại quên Đấng dựng nên chính mình. Cho nên, gọi con người đang thoái hóa thì đúng hơn.
Nhiều loài vật chúng có khả năng đặc biệt
Ví dụ như loài chim cú mèo biết dự báo thời tiết, bão tố và dự báo cái chết của một người.
Hoặc như con chó có khứu giác nhạy bén. Con dơi thì cũng nghe và nhìn rõ vào ban đêm
Người xưa có nói “ Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh”. Câu này có nghĩa là : “ Thượng Đế sinh ra muôn loài vạn vật, trong đó chỉ có loài người là tối linh, tối diệu, có tri thức tuyệt vời nhất ”. Đáng lẽ tầm mắt con người phải thấy xa, thấy rộng hơn loài vật. Cảm ứng, cảm nhận, trực giác của con người đáng lẽ phải sắc xảo, bén nhạy hơn, và cảm biết trước loài vật thì mới phải.
Nhưng lý do gì khiến chúng ta không được như vậy ?
Có lẽ vì tổ phụ con người phạm tội, sống trong vũng lầy tội lỗi trải qua nhiều đời, nên chúng ta là con cháu ngày nay thụ hưởng thân thể do di truyền, có các chức năng hư hỏng. Các giác quan, năng khiếu, trực giác của chúng ta đã bị cùn mẫn, bại liệt, hoặc còn hoạt động nhưng một cách rất kém cỏi. Loài người chúng ta lạc hậu, nếu không nói là mất tương ứng với thế giới siêu hình. Chẳng hạn như không bắt được các làn sóng âm của cơn bão, của cơn động đất sắp xảy ra, hay tiếng gào của một linh hồn hấp hối sắp từ trần. Trong khi đó loài chim thì cảm nhận được, như loài chim báo bão, chim di trú báo mùa đông sắp trở về.
Trong Kinh Thánh, ông Gióp cũng đã nói: “ Nhưng bây giờ, hãy hỏi các con thú, và hãy để chúng dạy các ông; chim chóc các tầng trời, hãy để chúng cho các ông biết. Hoặc hãy nói với trái đất, và hãy để nó dạy các ông; và hãy để cá biển công-bố cùng các ông. Ai giữa tất cả những loài nầy lại chẳng biết rằng tay Đức Jehovah làm điều nầy lâu nay, trong tay Ngài là sự sống của mọi sinh-vật, và hơi thở của tất cả loài người? ” (Gióp 12:7-10).
Cuộc sống của loài thú, loài chim, loài cá, bày tỏ những định luật của Đấng Tạo Hóa của chúng. Còn con người thì dốt nát về Đức Chúa Trời, không cảm biết sự hiện hữu của Ngài. Thật là đáng tiếc !
Tiên tri Giê-rê-mi cũng đã so sánh loài người với loài chim: “ Chim hạc giữa khoảng không tự biết các mùa đã định cho nó; chim cu, chim yến, chim nhạn giữ kỳ dời chỗ ở. Nhưng dân ta chẳng biết luật pháp của Đức Giê-hô-va (tức là Đức Chúa Trời) ! ” (Giê-rê-mi 8:7).
Thật là đáng xấu hổ !
Loài chim hay bất cứ loài vật nào đều mãi mãi sống đúng với quy luật chi phối cuộc sống của chúng do Chúa ấn định từ ban đầu. Con người vì nhiễm tội lỗi, nên mới dốt nát về Đấng Tạo Hóa của mình
ThíchThích
Chào chú,
Ngày phục sinh đã qua, nhưng hôm nay cháu mới đọc những dòng viết chú….trong đêm khuya thanh vắng, đọc để thấy lòng mình bình an hơn!
Cuộc sống đang càng khó khăn, thế giới đang ngày một hỗn độn và bất định….nhớ lại vài thập kỷ trước, niềm tin về sự tiến triển của văn minh nhân loại, con đường hợp tác đối thoại gần như là sự thật hiển nhiên thì hôm nay chân lý đó đang tơi tả….Internet đã hé lộ những câu chuyện thường ngày vẫn chẳng khác gì câu chuyện của nhân loại trong suốt mấy ngàn năm trước.
Cháu nhớ lại một câu viết của chú (dù không nhớ ở đâu..)
……niềm tin vào Thượng Đế sẽ là cứu cánh…
Càng trải đời, con người càng thấy sự bất lực của bản thân,,,,, trước những bất an, trước những điều không định đoán được họ sẽ cầu trời, khẩn Phật, bói toán, phong thủy, lên đồng…v.v.. cuộc sống vẫn tiếp diễn…..và may mắn cho ai bị gục ngã hoàn toàn….bởi chính lúc đó họ sẽ nhận ra gương mặt của Thượng Đế.
Hướng thiện là một chân lý hiển nhiên, chiến thắng lớn nhất của ,một người là giữ được một véctơ luôn hướng thiện. Thượng Đế là cực thiện.
Làm một điều xằng bậy mà nhân danh Thượng Đế thì nó đích thực là kẻ trà trộn
Nếu ai đó nói: mục đích, lý do tại sao anh giữ véctơ hướng thiện? thì chắc hẳn ai cũng biết hắn thuộc về ai.
Cầu chúc chú luôn khỏe mạnh và bình an.
ThíchThích
Cám ơn Thế Uy,
Bình luận không dài nhưng rất sâu sắc. Chỉ những ai từng trải nghiệm mới hiểu những tâm sự cháu viết. Khái niệm vector hướng thiện quá hay. Chú sẽ sử dụng hình ảnh đó cho những bài viết tương lai. Hôm nay chú công bố bài viết “Cái gót A-sin của Thuyết Tiến hóa” để trả lời một số người cho rằng lý thuyết nguồn gốc sự sống chẳng liên quan gì tới thuyết tiến hóa. Cháu thấy không, sự “biến hóa” của thuyết tiến hóa là như thế đấy. Cháu đọc và bình luận nhé. PVHg
ThíchThích
Cháu chào bác!
Cháu rất vui khi được biết đến bác và đặc biệt là những bài chia sẻ của bác trên Blog này.
Thứ 1: Bác đã truyền cảm hứng và niềm đam mê cho cháu về việc đọc sách.
Thứ 2: Cháu cũng là một Kitô hữu, thông qua những gì bác chia sẻ và nhờ đó Đức tin của cháu ngày càng lớn mạnh hơn.
Cám ơn bác vì những đóng góp thật sự ý nghĩa này!
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho bác dồi dào sức khỏe, bình an, thành công. Cháu tin rằng dưới sự soi sáng của Chúa thì bác sẽ cống hiến thêm nhiều hơn những điều hữu ích cho mọi người, để mọi người nhận ra được ánh sáng sự thật của Thiên Chúa.
Mến chào bác!
—Joseph Dang–
ThíchThích