Fossils Against Darwin / Hóa thạch chống Darwin

Number of fossils in museums over the world is enormous, but there are none fossil of transitional forms that support evolution. There are only fossils which are against evolution: Cambrian fossils and living fossils.

Số lượng hóa thạch trong các bảo tàng trên thế giới là khổng lồ, nhưng tuyệt nhiên không có hóa thạch loài chuyển tiếp ủng hộ thuyết tiến hóa. Chỉ có hóa thạch chống lại thuyết tiến hóa: hóa thạch kỷ Cambri và hóa thạch sống.

Daniel J. PHM

Essay on Philosophy of Science, presented at VIDS 18/02/2017

and some other institutes & universities

 

Chương II DARWIN & THUYẾT TIẾN HÓA

 

II.3a. Sự bùng nổ sự sống trong kỷ Cambri

CHỖ DỰA CĂN BẢN của toàn bộ thuyết tiến hóa là THỜI GIAN. Đối với Darwin, thời gian là điều kiện CẦN, đối với các nhà tiến hóa ngày nay như George Wald hay Richard Dawkins,… thời gian là điều kiện ĐỦ để sự tiến hóa xảy ra ─ tiến hóa là kết quả tích phân của những biến đổi vi phân trong một khoảng thời gian rất dài, hàng chục, hàng trăm, hay thậm chí hàng tỷ năm. Mặc dù không có cách nào để kiểm tra điều phỏng đoán này có đúng sự thật hay không, và mặc dù toán học xác suất bác bỏ sự phỏng đoán đó, các nhà tiến hóa vẫn một mực khăng khăng rằng sự tiến hóa nhất định phải xảy ra. Họ là những nhà vô địch trong việc nêu lên những giả thuyết mới để giải thích những sự thật chống lại lý thuyết của họ. Một trong những sự thật nghiêm trọng nhất chống lại thuyết tiến hóa là SỰ BÙNG NỔ SỰ SỐNG TRONG KỶ CAMBRI (The Cambrian Explosion) ─ hiện tượng hầu hết sinh vật ra đời gần như cùng một lúc trong kỷ Cambri, cách đây hơn nửa tỷ năm, thay vì tiến hóa dần dần từng tí một trong một khoảng thời rất dài như Darwin và các môn đệ của ông tưởng tượng. Hiện tượng này đã trở thành một “Darwin’s Dilemma” ─ một bài toán vô cùng khó xử đối với Darwin, đẩy Darwin vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thừa nhận sự sống ra đời cùng một lúc thì thuyết tiến hóa sụp đổ, không thừa nhận thì chống lại sự thật.

Quả thật Darwin đúng khi cho rằng nếu có sự tiến hóa biến đổi loài này thành loài khác thì sự biến đổi ấy không thể diễn ra đột ngột, mà phải biến đổi dần dần từng tí một. Nhưng thật không may cho Darwin, hồ sơ hóa thạch chỉ ra rằng hầu hết các loài ta thấy hiện nay hầu như đều ra đời vào cùng một lúc, cách đây khoảng 543 triệu năm, thuộc Kỷ Cambri. Quá trình bùng nổ này diễn ra trong khoảng 70-80 triệu năm ─ một khoảng thời gian rất ngắn so với lịch sử trái đất và lịch sử sự sống. Theo tính toán địa chất, tuổi Trái Đất khoảng 4,6 tỷ năm, tuổi sự sống khoảng 543 triệu năm. Nếu trình bày lịch sử này trên một trục số thì sự bùng nổ sự sống có thể xem như một điểm:

Có thể nhiều người không để ý rằng một trong những nhà khoa học khám phá ra hóa thạch kỷ Cambri là Adam Sedgwick, thầy dạy Darwin về địa chất học. Làm sao một thầy dạy địa chất có thể chấp nhận lý thuyết của một học trò khi lý thuyết ấy trái với địa chất học? Đó là một trong những lý do để ta có thể hiểu vì sao Sedgwick không những không ủng hộ lý thuyết của Darwin, mà còn thẳng thắn chê bai lý thuyết này một cách khá nặng nề khi ông nhận xét cuốn “Nguồn gốc các loài”:

“…Tôi không thể kết luận mà không biểu lộ thái độ ghê tởm của tôi đối với lý thuyết này, bởi cái chủ nghĩa duy vật thản nhiên của nó, bởi nó đã rời bỏ con đường quy nạp ─ con đường duy nhất dẫn tới những chân lý về vật chất…” (I cannot conclude without expressing my detestation of the theory, because of its unflinching materialism; because it has deserted the inductive track, the only track that leads to physical truth…).

Trớ trêu thay, lý thuyết Darwin là một lý thuyết duy vật nhưng lại không đếm xỉa đến một hiện thực của thế giới vật chất ─ sự bùng nổ sự sống trong kỳ Cambri. Đó là chỗ phi thực tế, phi quy nạp, phi khoa học của học thuyết Darwin mà Sedgwick đã phê phán, và chính Darwin cũng thừa nhận. Ông nói:

  • Đối với câu hỏi tại sao chúng ta không tìm thấy những tầng vỉa giầu hóa thạch thuộc về những giai đoạn trước kỷ Cambri, tôi không thể đưa ra câu trả lời thỏa mãn.
  • Nếu một số lớn các loài, thuộc cùng một giống hoặc một họ, tất cả đã thực sự xuất hiện cùng một lúc, thì sự thật đó là một tai họa đối với lý thuyết về nguồn gốc các loài với sự biến đổi dần dần thông qua chọn lọc tự nhiên.

Vì thế không có gì để ngạc nhiên khi Tạp chí New Scientist, một tạp chí của Anh, quê hương của Darwin, số ra ngày 24/02/2009 đã liệt kê sự bùng nổ sự sống trong kỷ Cambri như một trong những lý do chủ yếu để tuyên bố “Darwin SAI” (Darwin was wrong!).

II.3b. Hóa thạch sống

Hóa thạch sống là những sinh vật đang sống trên trái đất nhưng có hình dạng và cấu trúc sinh thể lý giống y như các hóa thạch của chúng đã tìm thấy, có độ tuổi từ vài chục đến vài trăm triệu năm. Sự bất biến của hóa thạch sống là bằng chứng sống nói lên rằng KHÔNG CÓ SỰ TIẾN HÓA. Trừ những loài đã tuyệt chủng, sinh vật có thể biến đổi, nhưng chỉ có những biến đổi TRONG LOÀI, tuyệt đối không có sự biến đổi từ loài này thành loài khác. Việc đặt tên cho những biến đổi trong loài là “vi tiến hóa” chỉ là một cách đánh lừa, tạo cảm giác rằng sự tiến hóa là có thật. Thực tế, chỉ có sự biến đổi từ loài này thành loài khác mới phù hợp với định nghĩa “tiến hóa”, nhưng sự biến đổi ấy tuyệt nhiên không có. Hóa thạch sống góp phần chứng minh điều đó.

Có RẤT NHIỀU hóa thạch sống. Để tìm hiểu vấn đề này, chỉ cần vào Google, gõ “hóa thạch sống” hoặc “living fossil”, sẽ lập tức có hàng chục thông tin bổ ích, hăng trăm tấm hình sinh động. Chẳng hạn những bài báo sau đây:

“Living Fossil: A New Jersey Native”

“Thuyết Tiến Hóa có Thật Không?”

6 sinh vật được coi là “hóa thạch sống” của Trái đất

Xin giới thiệu một vài hóa thạch sống được mô tả trong những bài báo nói trên.

  • Cá Vây tay (Coelacanth):

Cá vây tay, một loài cá 400 triệu năm tuổi, đã hoàn toàn không thay đổi trong 400 triệu năm qua. Nó đã bảo tồn các cấu trúc sinh lý trong suốt khoảng thời gian cực dài, mặc cho lục địa dịch chuyển, sự thay đổi khí hậu và thay đổi điều kiện môi trường. Cá vây tay là một trong nhiều loài hóa thạch sống cho thấy không có sự tiến hóa. Cá vây tay là một loài cá lớn, chiều dài khoảng 150 cm, cơ thể phủ một lớp vảy dày tương tự như áo giáp. Các mẫu vật hóa thạch đầu tiên được phát hiện trong các địa tầng thuộc kỷ Devon. Cho đến tận năm 1938, các sách vở sinh học tiến hóa vẫn ghi là loài cá này sử dụng cặp vây để đi bộ trên đáy biển, và rằng nó là một hình thức trung gian giữa động vật biển và động vật trên cạn, với lý lẽ là cấu trúc xương của vây trong hóa thạch Cá vây tay. Sinh vật này cũng được dạy là đã bị tuyệt chủng ít nhất 70 triệu năm trước. Tuy nhiên, vào năm 1938 một con Cá vây tay đã bị bắt sống ngoài khơi bờ biển phía đông Nam Phi. Như vậy, loài cá này không phải là hình thức trung gian như câu chuyện tưởng tượng được dạy và in trong sách giáo khoa suốt nhiều năm. Từ đó, những con cá vây tay được tìm thấy tại các địa điểm khác nhau và người ta đã quan sát được môi trường sống tự nhiên của chúng.

  • Gián (Cockroach)

Con gián trong hổ phách 50 triệu năm trước có gì khác con gián ngày nay? Loài gián là loài côn trùng có cánh xuất hiện sớm nhất được biết đến, xuất hiện trong các mẫu hóa thạch trong kỷ Than đá, khoảng 350 triệu năm trước đây. Loài côn trùng này có cặp râu tinh tế rất nhạy cảm với các chuyển động nhỏ nhất. Cặp cánh hoàn hảo của nó thậm chí có khả năng chịu được bức xạ hạt nhân, vẫn giống hệt như hàng triệu năm trước đây. Con gián 50 triệu năm tuổi này không khác gì những con gián ngày nay.

  • Dế (Cricket)

Dế đồng thân mình khỏe mạnh, sống trong đồng cỏ, ăn những loài côn trùng nhỏ hơn, và gặm nhấm lúa, quần áo. Nói chung, dế thính tai và thính mắt. Đôi mắt lồi di chuyển đủ vòng tròn nên nó có thể nhìn được khắp nơi cùng lúc. Hóa thạch dế cho thấy không có sự khác biệt giữa dế đồng ngày nay và đồng loại của chúng sống cách nay 125 triệu năm. Đây là một trong nhiều loài hóa thạch sống. “Các nhà khoa học” từ đầu đã biết các mẫu hóa thạch không ủng hộ giấc mơ tiến hóa và hàng trăm nghìn hóa thạch đã bị che giấu khỏi con mắt của công chúng. Tuy nhiên, càng ngày càng khó che đậy hơn, bởi các hóa thạch khai quật được càng ngày càng nhiều, và kinh nghiệm đã giúp người ta hiểu ra là khi tìm được các mẫu hóa thạch họ không nên cả tin giao cho những người luôn luôn giấu kín hoặc phá hủy chúng vì những lý do bí ẩn.

  • Ong bắp cầy (Wasp/Himenotera)

Trong hình là một con ong bắp cày 50 triệu năm tuổi được bảo quản trong hổ phách Baltic, so sánh với một đồng loại của chúng ngày nay. Qua nhiều triệu năm chúng không có gì thay đổi

  • Thú mỏ vịt (Platypus)

“Thú mỏ vịt chỉ sống ở châu Úc, là loài thú có vú duy nhất đẻ trứng, nhưng vẫn nuôi con bằng sữa. Nó là một trong rất nhiều loài hóa thạch sống, cho thấy không hề có tiến hóa. Thú mỏ vịt đã tồn tại trên trái đất từ 167 triệu năm trước đây, và không khác gì đồng loại của chúng ngày nay. Chúng đẻ trứng nhưng thú mỏ vịt vẫn tiết ra sữa. Kỳ lạ hơn nữa, chúng không có núm vú, do đó, sữa tiết ra qua lỗ chân lông trên da và tập trung lại trong những rãnh trên bụng của con mẹ

Những đặc điểm vừa giống bò sát vừa giống chim vừa giống thú làm nhiều người muốn xếp nó là loài trung gian (mắt xích thiếu) của giả thuyết tiến hóa. Nhưng oái oăm thay, nếu là loài trung gian thì chỉ có thể là trung gian giữa bò sát với chim, hoặc giữa chim với thú chứ không thể đồng thời giống cả 3 thứ được. Rốt cuộc thì phải xếp loài này vào đâu trong cái “cây tiến hóa” của giả thuyết tiến hóa?

Hệ thống tiêm nọc độc trên chân và móng vuốt của chúng có thể gây đau đớn cho nạn nhân trong suốt nhiều ngày. Đây là đặc điểm độc nhất vô nhị của loài động vật này. Vô cùng kỳ lạ, thú mỏ vịt là loài động vật có vú nhưng lại có nọc độc.Nó là loài thú duy nhất có hệ thống tiêm nọc độc trong chân và móng vuốt.Cũng kỳ lạ không kém, là chỉ có thú mỏ vịt đực mới có tuyến nọc độc.Nó dùng những cái “cựa” sắc nhọn ở 2 chân sau có màng của nó để tiêm chất độc vào kẻ địch.Chất độc khiến nạn nhân đau dữ dội trong nhiều ngày, nhiều tuần và có khi là vài tháng. Tóm lại loài vật này có nhiều điểm kỳ dị:

–  Chúng có nọc độc như của loài bò sát, nhưng đẻ trứng và có mỏ giống như loài chim, nhưng lại có lông + nuôi con bằng sữa mẹ như loài thú.

–  Là loài duy nhất có tuyến nọc độc trong chân và móng vuốt.

–  Không hề trải qua sự biến đổi nào trong hàng trăm triệu năm.

Nếu là dạng trung gian thì nghĩa là nó đã phải tuyệt chủng và hình thái của nó phải biến đổi từ từ trong các mẫu hóa thạch.Trong thực tế thì loài này không thay đổi sau 225 triệu năm, và vẫn tiếp tục tồn tại tới giờ. Rốt cuộc thì phải xếp loài này vào đâu trong cái “cây tiến hóa” của giả thuyết tiến hóa?

  • Nautilus (Ốc anh vũ)

Những chú ốc anh vũ (Nautilus) dường như đã từ chối việc “tiến hóa” trong suốt 500 triệu năm qua khi cơ thể, bộ gene của chúng vẫn y nguyên như xưa. Vỏ ốc anh vũ có hơn 30 buồng khí, cơ thể ốc chỉ chiếm một gian ngoài cùng, các gian còn lại đều bỏ trống. Giữa các buồng có ống thông dùng để điều tiết sự phân bố khí, giúp cho ốc nổi hoặc chìm. Nhà văn Jules Verne lấy tên ốc anh vũ (Nautilus) đặt tên cho chiếc tàu ngầm trong tiểu thuyết của mình. Bởi chiếc vỏ cứng rất đẹp với vằn lượn sóng và lớp xà cừ trắng bạc bên trong, loài ốc này hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt.

  • Cua móng ngựa (Horseshoe Crab)

Khi trở thành một hóa thạch sống, cua móng ngựa làm cho các loài động vật khác phải xấu hổ. Chẳng hạn, hóa thạch khủng long “già” nhất cũng chỉ mới có 250 triệu năm tuổi, trong khi hóa thạch cua móng ngựa tìm thấy đã có 455 triệu năm tuổi. Điều ấn tượng nhất là trông hóa thạch này chẳng khác gì con cháu chút chít của nó ngày nay. Một động vật mà sau 455 triệu năm không hề thay đổi hình dạng thì chắc chắn không thể xem nó như một hậu duệ tiến hóa kế tục những bậc tiền bối.

Vài loài sinh vật khác đang sống, giống y như hóa thạch của nó đã tìm thấy:

  • Tôm nòng nọc, giống y như hóa thạch 200 triệu năm tuổi
  • Rùa táp, hóa thạch 215 triệu năm tuổi
  • Cá sấu, hóa thạch 320 triệu năm tuổi
  • Cá nhám mang xếp, hóa thạch 380 triệu năm tuổi
  • Cá Sturgeon, hóa thạch 200 triệu năm
  • Cá mập Goblin, hóa thạch118 triệu năm
  • Cá mút đá (Lethenteron camtschaticum), 360 triệu năm

Một lần nữa xin nhấn mạnh rằng hóa thạch sống là bằng chứng cho thấy KHÔNG CÓ TIẾN HÓA!

Có một trường hợp “hóa thạch sống” đặc biệt, không thể không nhắc đến, đó là người thổ dân Aborigines ở Úc. Khi người da trắng đến Úc, họ gặp người thổ dân, và họ coi đó là một “hóa thạch sống” của một loài chuyển tiếp từ vượn lên người. Một cuộc săn bắt thổ dân để giết rồi lấy hộp sọ nghiên cứu, nhằm chứng minh cho lý thuyết của Darwin về sự tiến hóa của con người, đã diễn ra ở Úc vào đầu thế kỷ 20. Báo chí ở Mỹ đã chạy những hàng tít lớn để loan tin: “Đã tìm thấy những mắt xích bị mất tích (trong chuỗi tiến hóa từ vượn lên người)!”. Ngày nay ai cũng biết đây là một tội ác nhân danh thuyết tiến hóa, nhưng người ta rất sợ nhắc đến sự thật lịch sử này. Cách đây khoảng 7 năm, thủ tướng Úc Kevin Rudd đã chính thức lên tiếng xin lỗi thổ dân, nhưng nỗi đau âm ỉ nhức nhối này vẫn đang còn tiếp tục rỉ máu trong lòng xã hội Úc. Một người yêu cái thiện ghét cái ác không thể làm ngơ trước nỗi đau của người thổ dân. Hóa ra khái niệm “thổ dân – hóa thạch sống” ở Úc, mặc dù SAI về khoa học, nhưng cũng trở thành một bằng chứng chống lại Darwin.

 

Bình luận về bài viết này