Spontaneous Generation: Enemy of Science / Thuyết Tự Sinh: kẻ thù của khoa học

The doctrine of spontaneous generation believes that life is spontaneously formed from non-living matter. It became the enemy of 19th century science in opposing the hygiene method of Dr. Ignaz Semmelweis, a “Louis Pasteur of Hungary”. Today, this doctrine is continuously existing under a modern version: The Doctrine of Abiogenesis!

Thuyết Tự Sinh cho rằng sự sống hình thành tự phát từ vật chất không sống. Học thuyết này đã trở thành kẻ thù của khoa học thế kỷ 19 khi nó chống lại phương pháp vệ sinh của bác sĩ Ignaz Semmelweis, một “Louis Pasteur của Hungary”. Ngày nay, học thuyết này vẫn tiếp tục tồn tại dưới một phiên bản hiện đại: Thuyết Phi Tạo sinh!

Trong sinh học hiện đại, có một tình trạng hết sức trớ trêu mà tiếng Anh gọi là “doublethink”, tức là thừa nhận đồng thời hai lý thuyết mâu thuẫn loại trừ lẫn nhau. Đó là:

Định luật Tạo Sinh và Thuyết Phi Tạo Sinh (Biogenesis vs Abiogenesis)

Định luật Tạo Sinh (The Law of Biogenesis) do Louis Pasteur khám phá từ những năm đầu 1860, khẳng định sự sống chỉ ra đời từ sự sống. Trong khi đó, Thuyết Phi Tạo Sinh (The Doctrine of Abiogenesis), do Charles Darwin nêu lên lần đầu tiên trong Giả thuyết về “Cái ao nhỏ ấm áp”, khoảng 1870, cho rằng sự sống đầu tiên đã ra đời ngẫu nhiên từ vật chất không sống.

Học thuyết Phi Tạo Sinh thực chất là một phiên bản của Thuyết Tự Sinh (The Doctrine of Spontaneous Generation), do Aristotle nêu lên từ thế kỷ 4-3 TCN, một học thuyết cho rằng sự sống ra đời một cách tự phát từ vật chất không sống.

Nhưng Thuyết Tự Sinh đã bị đập tan bởi Louis Pasteur trong thế kỷ 19. Toàn thế giới biết rõ điều này. Nhưng trớ trêu thay, tư tưởng của Thuyết Tự Sinh lại được hồi sinh bởi Darwin trong lý thuyết về “Cái ao nhỏ ấm áp”, để rồi trở thành cái mà ngày nay các nhà tiến hoá gọi là “Thuyết Phi Tạo Sinh”. Các nhà tiến hoá đã tiêu tốn hàng trăm triệu dollars nhằm chứng minh Thuyết Phi Tạo Sinh, nhưng sau hơn 150 năm vẫn không có bất cứ một bằng chứng nào cả. Điều này cho thấy NIỀM TIN vào tư tưởng của Thuyết Tự Sinh đã trở thành một tín điều không thể thay đổi. Trong thế kỷ 19, niềm tin ấy đã trở thành một tai hoạ giáng lên số phận của một bác sĩ y khoa lỗi lạc, đó là Ignaz Semmelweis.

Câu chuyện sau đây, được chép từ trang GENK, sẽ cung cấp cho độc giả thấy Thuyết Tự Sinh sai lầm tệ hại như thế nào, và nó đã dẫn tới bi kịch đau đớn trong khoa học như thế nào. Trong câu chuyện này, ngoài khái niệm Thuyết Tự Sinh còn có một khái niệm khác cần hiểu rõ. Đó là Lý thuyết Mầm Bệnh (Germ Theory of Disease), cũng do Louis Pasteur khám phá ra gần như đồng thời với Định luật Tạo Sinh.  Cơ sở khoa học của Lý thuyết Mầm Bệnh là Định luật Tạo Sinh. Lý thuyết này chứng minh rằng mầm bệnh – tức mầm mống của bệnh tật – không tự nhiên sinh ra, mà là những vi sinh vật có sẵn trong môi trường xung quanh chúng ta. Chúng có thể bám trên bụi trong không khí, bám trên xác động vật thối rữa,… Nói chung, chúng có mặt ở khắp nơi. Chúng sinh sản rất nhanh, làm cho bệnh tật lan truyền từ nơi này đến nơi khác, từ người này đến người khác.  

Nhưng những người theo Thuyết Tự Sinh cho rằng vi sinh vật này hình thành tự phát từ vật chất vô sinh, và chúng không phải là nguyên nhân gây bệnh.

Nhưng Thí nghiệm Bình cổ cong Thiên nga của Louis Pasteur tiến hành năm 1861 đã đập tan niềm tin của Thuyết Tự Sinh, và chứng minh rằng những vi sinh vật ấy là nguyên nhân gây bệnh và truyền bệnh. Hơn thế nữa, Pasteur còn chỉ ra 3 phương pháp diệt mầm bệnh – thanh lọc, đun nóng, dùng chất hoá học diệt vi trùng – được gọi chung là phương pháp “Pasteur hoá” (Pasteurization). Ngày nay ta biết thêm nhiều phương pháp Pasteur hoá khác.  

Trong thế kỷ 19 tại Anh, bác sĩ Joseph Lister đã áp dụng phương pháp Pasteur hoá để tẩy trùng trong bệnh viện, tạo nên một cuộc cách mạng chưa từng có trong y khoa phẫu thuật, cứu được mạng sống của bệnh nhân sau khi mổ, mà trước đó 90% đều chết vì nhiễm trùng. Phương pháp Pasteur hoá không chỉ được áp dụng trong bệnh viện, mà còn được áp dụng trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, và trong đời sống hàng ngày, đem lại hạnh phúc vô cùng to lớn cho nhân loại. Vì thế Louis Pasteur được mệnh danh là “ân nhân vĩ đại nhất của nhân loại” (the greatest benefactor of humanity)!

Ấy thế mà bác sĩ Ignaz Semmelweis người Hungary trong thế kỷ 19, hoàn toàn độc lập với Pasteur, cũng có tư tưởng về “mầm bệnh” giống Pasteur và cũng tìm ra phương pháp diệt mầm bệnh rất giống phương pháp Pasteur hoá, lại chết trong thảm kịch, chỉ vì ông bị đồng nghiệp y khoa chống đối! Những đồng nghiệp này khăng khăng tin vào THUYẾT TỰ SINH để kết tội ông là điên, và tìm cách lừa ông để tống ông vào nhà thương điên! Ông đã chết thảm ở đó.

Câu chuyện về Semmelweis, một “Pasteur của Hungary”, là một bi kịch đẫm nước mắt, một BÀI HỌC SÂU SẮC dành cho tất cả những ai muốn biết sự thật trong sinh học và y khoa, và đặc biệt cho những ai còn tin vào Thuyết Tự Sinh, cũng như tin vào Thuyết Phi Tạo Sinh, một phiên bản hiện đại của Thuyết Tự Sinh.  

Sau đây là nguyên văn câu chuyện về Semmelweis, chép từ trang GENK, của tác giả ZKNIGHT. Xin chân thành cảm ơn trang GENK cùng tác giả ZKNIGHT, và xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

 

Semmelweis

và thời đại những bác sĩ mang bàn tay tử thần

http://genk.vn/doc-cuoi-tuan-semmelweis-va-thoi-dai-nhung-bac-si-mang-ban-tay-tu-than-20190223220753794.chn

Tất cả chúng ta đã rất may mắn, khi đều có mặt trên đời ngày hôm nay để đọc câu chuyện này. Nhân vật chính của nó, một bác sĩ người Áo, đã bị đánh chết trong một nhà thương điên như sự trừng phạt cho lòng dũng cảm, dám đứng lên và đi ngược lại đám đông, một Don Quixote chống lại cối xay gió.

Nhưng rốt cuộc, vị bác sĩ đó đã làm gì? Ông chỉ cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp của mình rửa tay thật sạch mà thôi. Trong các bệnh viện ở thế kỷ 19, người ta bảo ông bị điên, làm vậy là xúc phạm đến sự sạch sẽ và cao quý của bác sĩ.

Và thế là, những kẻ ngạo mạn vẫn tiếp tục gây ra hàng ngàn cái chết vì một căn bệnh bí ẩn tại thời điểm đó: sốt hậu sản.

Trước khi chúng ta bắt đầu câu chuyện, điều đầu tiên bạn cần nhớ là nó đã xảy ra vào những năm 1840. Đó là khoảng thời gian 40 năm trước khi nhà sinh học vĩ đại Louis Pasteur đưa ra thuyết mầm bệnh, xác nhận sự tồn tại của những con vi khuẩn lây từ người này sang người khác, 100 năm trước khi Alexander Fleming phát hiện kháng sinh, mở ra cho y học một kỷ nguyên vàng và cứu sống hàng triệu triệu những ca nhiễm trùng.

Đó là những năm 1840, và các bác sĩ làm việc ngay giữa cái nôi của nền Tây Y vẫn tin vào thuyết tự sinh. Nghĩa là khi một người phụ nữ bị sốt hậu sản, đó là do mầm bệnh tự sinh ra trong người cô ấy, giống như những con giòi đã tự sinh ra trong những ao tù nước đọng và trên xác sinh vật chết.

Không ai biết rằng giòi sinh ra từ những quả trứng bé nhỏ, và không ai tin rằng những con vi khuẩn siêu tí hon lại có thể nguy hiểm đến nỗi giết chết được một cơ thể người lớn gấp hàng tỷ lần cơ thể chúng.

Những cái chết bí ẩn của thai phụ

Năm 1846, tại bệnh viện Đa khoa Vienna ở thủ đô nước Áo, Ignaz Philipp Semmelweis đang là một bác sĩ nội trú khoa sản, khi ấy ông mới 28 tuổi. Đó là thời kỳ mà một căn bệnh kỳ lạ được gọi là sốt hậu sản lan tràn khắp Châu Âu.

Việc sinh nở trong bệnh viện vẫn là một thứ gì đó cực kỳ rủi ro, một số bà mẹ sau khi sinh xong sẽ lên cơn sốt. Và cứ 10 người thì lại có một người tử vong.

Không một bác sĩ nào biết nguyên nhân thực sự của căn bệnh bí ẩn này là gì, mặc cho các cuộc điều tra đã được tiến hành cẩn thận. Họ vẽ ra tới 30 giả thuyết gây sốt bao gồm sai sót trong quá trình mang thai, mất cân bằng ure trong máu, áp lực tử cung tác động lên các cơ quan nội tạng… Một số nam bác sĩ còn tin rằng việc họ khám cho các sản phụ khiến họ ngại và bị sốt.

Bệnh viện Đa khoa Vienna nơi Semmelweis làm việc khi đó có hai phân khu sản khoa miễn phí. Đổi lại, các bệnh nhân nghèo vào đây phải hợp tác trong quá trình khám, để các bác sĩ lấy họ làm ví dụ giảng dạy cho sinh viên y khoa và nữ hộ sinh.

Phân khu thứ nhất chỉ được dành để đào tạo các sinh viên, những bác sĩ tương lai, trong khi đó, phân khu thứ hai chỉ đào tạo nữ hộ sinh không phải bác sĩ.

Điều trớ trêu mà Semmelweis thống kê được, đó là số bệnh nhân tử vong vì sốt hậu sản ở phân khu đào tạo bác sĩ lại cao gấp tới 3 lần phân khu đào tạo hộ sinh, lên tới 9%. Điều đó khiến tới ⅓ số sản phụ đến khu khám bệnh tử vong chỉ trong vòng vài tháng.

Semmelweis rất đau lòng khi tận mắt chứng kiến những sản phụ quỳ xuống để được xin vào phân khu thứ hai. Một số khi biết mình phải vào phân khu thứ nhất còn cố tình rặn đẻ ngay trên đường tới bệnh viện để được quay lại chăm sóc tại nhà.

Còn ở bệnh viện, gần như ngày nào cũng có một sản phụ qua đời. Mỗi buổi sáng bắt đầu ngày làm việc của mình, Semmelweis đều phải làm một công việc không thể tồi tệ hơn, khám nghiệm tử thi cho những sản phụ tử vong ngày hôm trước.

Ông quen thuộc với những xác chết này đến nỗi vừa nhìn vào đã nhận ra ai chết vì sốt hậu sản. “Công việc khiến tôi cảm thấy đau khổ đến nỗi cuộc sống không còn có ý nghĩa gì”, Semmelweis từng phải thốt lên. Ông từ bỏ chức vụ của mình tại bệnh viện tháng 10 năm 1946.

Có thứ gì đó trên tay các bác sĩ

Tháng 3 năm 1847, trách nhiệm thôi thúc Semmelweis trở lại bệnh viện, điều đầu tiên ông nhận được là một hung tin: Giáo sư Jakob Kollerschka, một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y và cũng là bạn tốt của ông đã qua đời.

Giữa cảm giác đau đớn ấy, điều khiến Semmelweis sửng sốt hơn cả là khi khám nghiệm cho Kollerschka, thi thể ông ấy có những đặc điểm giống hệt những người phụ nữ chết do sốt hậu sản. Bác sĩ Semmelweis kết luận Kollerschka cũng đã chết vì bị sốt… nhưng vì ông ấy là một người đàn ông, không thể gọi đó là bệnh sốt hậu sản được.

Câu chuyện quay ngược trở lại những ngày làm việc trước đó của Kollerschka, khi ông đang hướng dẫn một sinh viên khám nghiệm tử thi. Người sinh viên này trong lúc hậu đậu đã vô tình đưa dao mổ cắt phải ngón tay của Kollerschka.

Bằng kinh nghiệm nghiên cứu, bác sĩ Semmelweis nghĩ đó chính là nguyên nhân gây bệnh cho người bạn của mình. Khi nhân loại chưa biết rằng những con vi khuẩn tí hon có thể gây bệnh, bác sĩ Semmelweis chỉ có thể đoán một loại “hạt” nhỏ bé nào đó từ tử thi đã chui qua vết dao cắt vào máu của Kollerschka, sau đó khiến ông bị sốt dẫn tới tử vong.

Và đó cũng chính là lý do mà các sản phụ mắc sốt hậu sản. Semmelweis nghi ngờ rằng chính các bác sĩ và sinh viên y khoa đã đem cái chết đến cho họ.

Ở bệnh viện Đa khoa Vienna thời điểm đó cũng như tất cả các bệnh viện khác, việc khám nghiệm tử thi có thể chỉ được tiến hành bằng tay không. Các bác sĩ không đeo găng tay và họ chỉ rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi dùng chính đôi bàn tay đó khám cho các sản phụ.

Mùi hôi còn đọng lại trên tay các bác sĩ xác nhận sự tồn đọng của các “hạt” tí hon từ xác chết, thứ mà Semmelweis phỏng đoán.

Điều này cũng giải thích tại sao phân khu sản đào tạo sinh viên y khoa lúc nào cũng có tỷ lệ bà mẹ tử vong cao hơn phân khu đào tạo hộ sinh. Đó là vì chỉ có các bác sĩ tương lai mới được thực hành khám nghiệm tử thi, còn các nữ hộ sinh thì không, họ không trở thành trung gian lây nhiễm.

Rửa tay: Ranh giới giữa một bác sĩ với tử thần

Giả thuyết được Semmelweis kiên trì theo đuổi, ông thử nghiệm một loạt các loại hợp chất nhằm mục đích tạo ra một dung dịch rửa tay có hiệu quả hơn xà phòng. Trong quá trình này, ông nhận thấy calcium hypochlorite, một dung dịch clo có thể khử được mùi hôi trên tay các bác sĩ sau khi họ khám nghiệm tử thi. Semmelweis đặt niềm tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy nó đã gột sạch các “hạt” gây bệnh mà ông tiên đoán.

Ngay lập tức, ông đã thiết lập một quy trình yêu cầu các bác sĩ và thực tập sinh trong khoa sản phải rửa tay bằng dung dịch clo trước khi khám cho bệnh nhân. Nó ngay lập tức tỏ ra hiệu quả.

Tháng 4 năm 1847, tỷ lệ thai phụ tử vong trong phân khu thứ nhất khoa sản vẫn ở mức 18,3%. Nhưng sau khi quy trình rửa tay được áp dụng vào giữa tháng 5, tỷ lệ này ngay lập tức giảm xuống chỉ còn 2,2% vào tháng 6, xuống tới 1,2% vào tháng 7 và lần đầu tiên trong 2 tháng sau đó, bệnh viện Đa khoa Vienna không còn một bà mẹ nào tử vong do sốt hậu sản.

Tưởng chừng đó đã là minh chứng thuyết phục cho giả thuyết những “hạt” mang bệnh của Semmelweis. Không may sau đó, tỷ lệ sản phụ tử vong tăng trở lại, nguyên nhân là ngay trong phòng bệnh lúc đó có một số thai sản bị nhiễm trùng chảy mủ.

Semmelweis cho rằng không chỉ các tử thi của người chết, mà bất kể một nguồn chất hữu cơ đang phân hủy nào, cả vết thương trên cơ thể người sống, cũng có thể trở thành nguồn lây truyền bệnh tật.

Ông đặt những chậu chứa dung dịch clo trước mỗi giường bệnh sản phụ và yêu cầu các bác sĩ phải rửa tay giữa mỗi lần khám bệnh cho họ. Nhờ thực hành đó, Bệnh viện Đa khoa Vienna cuối cùng cũng giảm được tỷ lệ sản phụ tử vong ở phân khu sản khoa thứ nhất xuống bằng phân khu thứ hai, ở ngưỡng 1,27% trong suốt năm 1848.

Chiến đấu với cối xay gió

Semmelweis cùng học trò của mình đã xuất bản một số ấn phẩm sơ bộ trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Vienna, nói rằng việc thực hành rửa tay có tác dụng trong việc ngăn chặn sốt hậu sản lây lan qua chính bàn tay các bác sĩ.

Ông cũng đã gửi thư đến tất cả các bác sĩ trưởng khoa sản ở Châu Âu đề nghị họ cho ý kiến về giả thuyết các “hạt” gây bệnh của mình. Thế nhưng, đa số các phản hồi đều khiến Semmelweis thất vọng, thậm chí bực tức.

Có bác sĩ bác bỏ các số liệu của Semmelweis, coi chúng chỉ là sự ngẫu nhiên của thống kê học. Một số nói rằng việc yêu cầu các bác sĩ rửa tay khiến họ bị xúc phạm, rằng địa vị của các bác sĩ trong xã hội rất cao quý, bàn tay của họ không thể bị ô uế như vậy.

Bao trùm lên tất cả những lý do là tư duy cố hữu của cộng đồng y tế ở Châu Âu thời kỳ đó. Nếu chấp nhận giả thuyết của Semmelweis, họ sẽ phải phá bỏ những mô hình lý thuyết cũ của họ, phần nhiều mang hơi hướng của thuyết tự sinh.

Carl Braun, đối thủ của Semmelweis ngay trong Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Vienna là một người hợp thời đại. Ông ta chính là người đã xây dựng lên lý thuyết đưa ra tới 30 nguyên nhân gây ra bệnh sốt hậu sản từ đó nhận được sự đồng ý của toàn bộ các bác sĩ khác.

Các nguyên nhân mà Braun nêu ra bao gồm: sai sót trong quá trình mang thai, mất cân bằng ure trong máu, áp lực tử cung tác động lên các cơ quan nội tạng, chấn thương tâm lý, chế độ ăn uống, cảm lạnh… Giả thuyết cho rằng các sản phụ bị sốt do nhiễm vi trùng chỉ được ông ấy xếp ở vị trí thứ 28.

Năm 1849, Braun đứng ra cạnh tranh với Semmelweis trong vị trí mà ông đang đảm nhiệm ở khoa sản, như một bác sĩ trưởng ca trực. Và ông ấy thắng cuộc.

Semmelweis có nghĩa vụ phải rời phòng khám sản khi hết nhiệm kỳ vào tháng 3 năm 1849. Ông cố gắng xin ở lại khoa dưới tư cách một giảng viên độc lập, nuôi hi vọng tiếp tục nghiên cứu các tử thi và căn bệnh sốt hậu sản. Nhưng giáo sư cấp trên của ông, Johann Klein- một người Áo cực kỳ bảo thủ, đã không cho phép.

Suốt 18 tháng đấu tranh cho quyền nghiên cứu của mình, Semmelweis cuối cùng chỉ được cho phép ở lại với tư cách giáo sư giảng dạy, và chỉ được dạy trên ma-nơ-canh thay vì tử thi thật. Cảm thấy vô cùng thất vọng và bất mãn, Semmelweis đột ngột rời Vienna mà không chào hỏi bất kỳ một bạn bè đồng nghiệp nào, một hành động tiếp tục khiến các bác sĩ cho rằng Semmelweis cố tình xúc phạm họ.

Điểm đến mà Semmelweis chọn là quê nhà Budapest của mình ở Hungary. Từ năm 1851, ông chấp nhận làm việc không lương tại khoa sản trong một bệnh viện nhỏ ở đây. Những tiến bộ y học khổng lồ mà Semmelweis khám phá được cuối cùng bị nhốt trong một bệnh viện nhỏ ở Budapest.

Ông đã mang quy trình rửa tay của mình về áp dụng tại đây, và một lần nữa, nó rỏ ra rất hiệu quả. Tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản ở bệnh viện nơi Semmelweis làm việc được kiểm soát ở mức cực thấp, dưới 1%. Trong số 933 ca sinh ở đây trong suốt giai đoạn 1851-1855, chỉ có 8 ca tử vong do sốt hậu sản.

Thế nhưng, thành công của Semmelweis tiếp tục không được công nhận. Ede Flórián Birly, một giáo sư sản khoa tại Đại học Budapest không bao giờ áp dụng phương pháp rửa tay của Semmelweis. Ông tin rằng sốt hậu sản là do ruột bệnh nhân không sạch. Do đó, thanh lọc cơ thể mới là phương pháp điều trị được ưa chuộng.

Năm 1856, một trợ lý của Semmelweis cố gắng xuất bản một báo cáo khoa học trên Tuần báo Y khoa Vienna, trình bày về hiệu quả của thực hành rửa tay ở bệnh viện địa phương. Mặc dù bài báo được đăng, biên tập viên của tờ báo nhận xét một cách mỉa mai rằng đã đến lúc mọi người cần dừng lại những hiểu lầm về lý thuyết rửa tay với clo, bởi chẳng còn ai tin vào nó nữa.

Quả thực, Semmelweis đã bị vùi dập và đẩy xuống sườn dốc sự nghiệp, khiến các tác phẩm khoa học ông viết sau này không còn được chú ý đến. Từ năm 1858 đến năm 1861, ông viết 2 tiểu luận và một cuốn sách dài phân tích về bệnh sốt hậu sản, nhưng chúng nhận được rất ít sự quan tâm.

Tại một hội nghị quy tập các bác sĩ và nhà khoa học Đức, hầu hết các diễn giả đã bác bỏ học thuyết của ông, bao gồm cả Rudolf Virchow, một nhà khoa học nổi tiếng và có địa vị bậc nhất thời bấy giờ.

Rudolf Virchow chính là người đầu tiên khám phá ra bệnh ung thư, được mệnh danh là “cha đẻ của bệnh lý hiện đại”. Mặc dù có rất nhiều cống hiến cho y học, Virchow rất bảo thủ. Ông bác bỏ cả thuyết tiến hóa của Darwin và thực hành rửa tay của Semmelweis.

Sự quay lưng của Virchow đã thêm một lần nữa dội gáo nước lạnh vào Semmelweis và lý thuyết của ông. Semmelweis viết trong bất lực: “Hầu hết các giảng đường y khoa vẫn vang lên những bài giảng và diễn ngôn về sốt hậu sản chống lại lý thuyết của tôi. Các giảng viên y khoa ở Wurzburg thậm chí đã trao giải thưởng cho một chuyên khảo viết năm 1859, trong đó những bài học của tôi bị từ chối”.

… và chết

Năm 1861, sau quá trình chiến đấu bất lực, Semmelweis rơi vào trạng thái trầm cảm nặng và gặp những vấn đề thần kinh đầu tiên. Ông bị ám ảnh và hoang tưởng bởi chủ đề sốt hậu sản. Bất kể khi nói chuyện với ai và về điều gì đi chăng nữa, Semmelweis cũng lái câu chuyện về sốt hậu sản.

Ông điên cuồng gửi thư đến tất cả những bác sĩ và nhà khoa học từng phản đối mình, với những lời giận giữ, đầy tuyệt vọng và cay đắng. Semmelweis chửi họ là những “kẻ giết người vô trách nhiệm”.

Đến năm 1865, tình trạng của Semmelweis đã trở nên thực sự trầm trọng. Ông bắt đầu nghiện rượu và hiếm khi về nhà. Hành vi của Semmelweis khiến chính các đồng nghiệp và gia đình phải cảm thấy xấu hổ.

Tháng 7 năm 1865, họ sắp đặt một kế hoạch hoàn hảo để đưa ông vào nhà thương điên. Ferdinand Ritter von Hebra, một bác sĩ cũng là đồng nghiệp trước đây từng ủng hộ lý thuyết rửa tay của Semmelweis, giả vờ mời ông đi thăm một cơ sở y tế mới của mình.

Chuyến đi có cả một ông chú đằng vợ của Semmelweis. Thế nhưng thực ra, hai người đã áp tải ông đến một nhà thương điên ở Vienna.

Ở Budapest, ông chú của Semmelweis, bằng cách nào đó đã xoay sở được một giấy chứng nhận ghi rằng Semmelweis bị bệnh tâm thần. Ba bác sĩ đã ký vào đó, nhưng không có ai là bác sĩ tâm thần, một trong số đó là chính đối thủ và kẻ thù không đội trời chung của Semmelweis trước đây.

Khi vị bác sĩ đáng thương lờ mờ nhận ra kế hoạch ấy thì đã quá muộn, ông cố gắng trốn thoát nhưng bị những người bảo vệ tại nhà thương điên đánh gục. Không lâu sau đó, những vết thương của Semmelweis bị nhiễm trùng và ông chết vì chính những “hạt” gây bệnh mà mình đã tiên đoán.

Sau khi chết, thi thể của Semmelweis được chôn cất tại Vienna vào tháng 8 năm 1865. Đám tang chỉ có một vài người đến tham dự. Thông báo ngắn gọn về cái chết của ông xuất hiện trong một số tạp chí y tế ở Vienna và Budapest.

Mặc dù Hiệp hội Bác sĩ và nhà khoa học Hungary có thông lệ rằng khi một thành viên qua đời, họ phải được vinh danh bằng một diễn văn, riêng lần ấy, không có một diễn văn nào cho Semmelweis cả. Cái chết của ông thậm chí không bao giờ được đề cập đến.

Người đàn ông cứu sống nhiều sinh mạng nhất lịch sử nhân loại

Semmelweis đã không sống được đến ngày mong ước của ông thành hiện thực. Mãi đến năm 1880, 15 năm sau cái chết của Semmelweis, nhà sinh học vĩ đại người Pháp Louis Pasteur mới hoàn thiện “Lý thuyết mầm bệnh”, đưa ra những chứng cứ thuyết phục chứng minh những “hạt” mang bệnh từ tử thi mà Semmelweis tiên đoán chính là những vi khuẩn.

Lý thuyết mầm bệnh đã đẩy đổ chiếc cối xay gió vĩ đại mà Rudolf Virchow và các nhà khoa học khác dựng lên. Chiếc cối xay gió ấy nói rằng mầm bệnh tự sinh ra trong cơ thể, rằng vi khuẩn chỉ tìm đến các cơ quan nhiễm bệnh như cá tìm về với nước, chứ chúng không phải nguyên nhân gây ra hoặc lây truyền bệnh tật.

Thế nhưng sự thật cuối cùng vẫn phải là sự thật, ngay nay chúng ta biết chính những con Streptococcus pyogenes đã gây ra sốt hậu sản, lây nhiễm từ các thi thể mà bác sĩ khám nghiệm, từ các ổ nhiễm trùng của bệnh nhân này, qua tay các bác sĩ thăm khám họ, đến người bệnh nhân khác.

Giá như các bác sĩ ở thế kỷ 19 đã sớm nghe theo Semmelweis, bằng cách đơn giản nhất họ đã có thể phòng ngừa sốt hậu sản và tất cả các căn bệnh nhiễm trùng bệnh viện khác, chỉ cần rửa tay thường xuyên.

Ngày nay, một bác sĩ ở Hoa Kỳ rửa tay trung bình hơn 50 lần trong một ca làm việc 12 tiếng. Nhưng đó mới chỉ bằng một nửa mức khuyến cáo dành cho họ. Tổ chức Y tế Thế giới quy định “Năm thời điểm” mà một bác sĩ hay nhân viên y tế cần phải rửa tay:

“Washing hands, requirements for doctors”.

Nếu thực hành được quy định này, một bác sĩ cần rửa tay 100 lần mỗi ngày. Nhưng họ sẽ chỉ mất 15-25 giây cho mỗi lần rửa tay, tổng cộng 25 phút mỗi ngày. Bù lại, khoảng 5 triệu sinh mạng sẽ được bảo vệ mỗi năm chỉ từ việc rửa tay.

Lẽ ra Semmelweis đã trở thành người đàn ông cứu sống nhiều sinh mạng nhất lịch sử nhân loại. Nhưng cuộc đời đã đưa ông vào một cuộc chiến đấu tuyệt vọng, cái chết bi thảm và tinh thần cao cả của ông chỉ được cảm thông và ghi nhận từ đầu thế kỷ 20, hàng thập kỷ sau khi ông qua đời.

Semmelweis được công nhận là nhà tiên phong cho chính sách khử trùng. Tại quê nhà Budapest ở Hungary, người ta đã xây dựng một trường đại học y và đặt theo tên ông. Ngôi nhà Semmelweis từng sống được xây lại thành một Bảo tàng Lịch sử Y khoa.

 

Tượng đài tưởng niệm Semmelweis tại quê nhà Budapest, Hungary

Tại Vienna, thủ đô nước Áo và Miskoic, một thành phố phía đông bắc Hungary, có hai bệnh viện cùng được đặt theo tên của Semmelweis. Câu chuyện về cuộc đời gian truân và nghiệt ngã của ông được kể lại trong rất nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh.

Tên của Semmelweis thậm chí còn được đặt cho một hành vi xã hội học được gọi là “phản xạ Semmelweis”. Đó là những gì xảy ra khi xã hội, một cộng đồng hoặc cá nhân không thể chấp nhận, từ chối thậm chí chống lại những bằng chứng hoặc kiến thức mới mâu thuẫn với các chuẩn mực, niềm tin hoặc mô thức vốn có.

Phản xạ Semmelweis và cuộc đời bi thảm của vị bị bác sĩ Hungary là một minh chứng, và cũng là lời giải đáp cho việc: Tại sao những cải cách, những cái mới vẫn hay thường bị phản đối và vùi dập. Đúng như Albert Einstein từng nói: “Một tinh thần vĩ đại luôn vấp phải sự chống đối mãnh liệt từ những bộ óc tầm thường”.

 

Sydney 04/09/2019

 

5 thoughts on “Spontaneous Generation: Enemy of Science / Thuyết Tự Sinh: kẻ thù của khoa học

  1. Bài viết là một chứng minh thực tế cho thấy Thuyết Tự sinh hoàn toàn sai lầm. Nếu nhà bác học Pasteur chưa tìm ra vi trùng, thì ngày nay tỷ lệ sản phụ và trẻ em chết sau khi sinh là vô cùng lớn. Cách đây hơn 50, 60 năm, thời ông bà chúng ta, con cái sinh ra chết cũng nhiều, khi ấy khoa học còn chưa phát triển, các bác sĩ còn chưa cẩn thận vệ sinh tay sạch sẽ để phòng tránh bệnh tật truyền nhiễm lây lan. Nay thì nhờ có khoa học phát triển, chúng ta hiểu được rõ ràng Pasteur là vị cứu tinh của toàn nhân loại. Trong bài viết này nói về cái chết của bác sĩ Semmelweis, ông đi tiên phong, đứng mũi chịu sào, dám nghĩ dám làm, trong việc kêu gọi các bác sĩ phải rửa tay để phòng tránh bệnh tật, lây nhiễm và ông bị đồng nghiệp phản đối cho là điên rồ, đã bị chết oan uống trong nhà thương điên. Thật là đau lòng. Trong khi ở Pháp Pasteur chiến thắng Thuyết tự sinh thì ở Áo và ở Hungary Thuyết tự sinh lại chiến thắng Semmelweis. Và cả ở Anh nữa chứ, Thuyết tự sinh lại biến tướng thành Thuyết phi tạo sinh của ông Darwin. Điều này chứng tỏ trong thế kỷ 19 vấn đề thông tin liên lạc còn kém quá. Thông tin ở Pháp không kịp lan sang Áo và Hung để đến nỗi Semmelweis phải chết bi thảm. Đọc bài viết này bạn nghĩ gì? Liệu bạn còn tin vào Thuyết tự sinh và lý thuyết sai lầm của Darwin nữa không? Mong mấy ông bà tôn thờ Darwin hãy suy nghĩ và tìm lời giải cho chính mình. BM.

    Đã thích bởi 1 người

    • Cảm ơn bạn Bình Minh,
      Quả thật là bạn đã nhìn thấy bài học quan trọng nhất rút ra từ câu chuyện Semmelweis. Đó là NIỀM TIN TÔN THỜ THUYẾT TỰ SINH chính là kẻ thù của khoa học, và cũng chính niềm tin đó dẫn tới cái học thuyết nhảm nhí của thuyết tiến hoá, đó là THUYẾT PHI TẠO SINH.
      PVHg

      Thích

  2. Nói đi thì phải nói lại, nếu đấng sáng tạo có tồn tại và đã tạo dựng nên tất cả, thì tại sao cái mà ngài tạo dựng nên không chỉ có tốt đẹp mà còn có cả xấu xa nữa ạ? Tại sao lại tạo ra đám vi khuẩn, vi rút bay nhan nhản trong không khí như bầy hổ dữ rình mò chỉ chờ sinh vật bị suy yếu đi là nhào vào cắn xé ạ? Nếu ngài thật sự là tốt đẹp thì tại sao ngài lại làm vậy? Chúng ta thường cho rằng sự toàn trí phải đi liền với sự toàn thiện, nhưng rõ ràng chúng ta sự sống quanh ta, sự sống của chính chúng ta, là bất toàn, là không hoàn hảo, cái xấu xa nhan nhản. Đơn cử ở chính con người chúng ta, nhiều khi chết chỉ vì những lí do vô cùng tầm phào. Ví dụ tự nhiên lăn ra chết vì sốc nhiệt. Nếu đấng tạo hoá đã tạo dựng chúng ta thì ngài phải đặt chúng ta vào môi trường tối ưu nhất, là điều kiện tiêu chuẩn, cái sự thật là chúng ta có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, tại sao lại để chúng ta ở cái nơi nóng cháy da người này, hay đơn giản chỉ là do dân tộc chúng ta không may mắn? Chúng ta hay ca ngợi cơ thể con người là công trình tuyệt hảo của đấng tạo hoá. Thì những ai đang bị hành đau răng khôn hoặc có khuôn mặt toàn sẹo rỗ trong khi không ăn bất kì cái gì có thể gây ra như vậy, đơn giản chỉ vì sự rối loạn các hóc môn sinh dục, tất nhiên không thể đồng tình. Có những dân tộc uống được sữa, có những dân tộc không. Thì rõ ràng là đấng sáng tạo chỉ có thể một là toàn thiện nhưng bất toàn hoặc toàn tri nhưng bất thiện.

    Với trường hợp ngài toàn thiện nhưng bất toàn, ngài rất muốn nhưng đã làm hết sức, không giúp gì được cho chúng ta, tâm lí con người đều tôn sùng một đấng sáng tạo toàn năng, nếu ngài không toàn năng thì ngài sẽ phải bị phế truất, nhường chỗ cho những giả thuyết nhảm nhí của phim ảnh như người ngoài hành tinh chỉnh sửa gen loài vượn cho ra loài người hiện tại, vì có ý nghĩa gì đâu, dù gì ngài cũng chẳng giúp được gì cho mình, cuối cùng thì sau cuộc đời đau khổ và bất hạnh cuối cùng ta cũng chết, và chết là hết, như người kĩ sư dù rất không mong muốn cái máy của mình bị hỏng, nhưng bất lực vì sau một thời gian hoạt động cuối cùng nó cũng sẽ bị hư và rã ra thành những linh kiện, một đống đồng nát, không hơn không kém. Hoạ chăng thì ngài chỉ có thể giúp cho ta có một cuộc sống tốt hơn, lúc này thì ngài phải cạnh tranh với một đống những thần tượng của nhiều tôn giáo khác nhau, và ngài trở nên mờ nhạt.

    Với trường hợp ngài toàn tri nhưng bất thiện, cái mà đa số con người chúng ta đều cho là vậy, từ nhà khoa học hay những người xuất gia cho tới những người bình thường. Ai nấy đều muốn thoát ra khỏi thực tại này, nếu nó mà tốt đẹp thì đã không như vậy. Tội gì mà không cho trí tưởng tượng bay xa. Cũng như con cái thà cho rằng cha mình đã chết, mình là đứa mồ côi hoặc do cục đá sinh ra, còn hơn phải chấp nhận cha mình còn sống nhưng đối xử ngược đãi bất công với mình, hoặc chẳng quan tâm gì tới mình. Và nếu như vậy thì cũng chẳng cần quan tâm tới ngài làm gì nữa, ngài có tồn tại hay không không quan trọng. Đó chính là cách mà nhân loại ngày nay hành xử. Thà cho rằng mình mồ côi hoặc do cục đá sinh ra. Thà cho rằng mọi thứ được sinh ra một cách tình cờ từ vật chất vô tri còn hơn chấp nhận có một đấng sáng tạo toàn năng ở ngoài kia nhưng không quan tâm tới mình, hoặc tệ hơn là muốn mình phải đau khổ, lấy sự thống khổ của chúng ta để thoả mãn niềm vui thích bệnh hoạn của hắn. Cũng có những người thích tự lừa dối bản thân, họ tạo cho mình một thực tế ảo riêng, hoặc tự gán cho đấng sáng tạo độc ác kia phải một lí do cao cả nào đó mới để cho họ phải đau khổ như vậy, một thử thách, một bài kiểm tra chẳng hạn.

    Kết luận: dù biết thuyết phi tạo sinh là phi lí nhưng người ta vẫn muốn tin vào nó mà không chấp nhận có một đấng sáng tạo vì những lí do tâm lí nêu trên.

    Ghi chú: cá nhân cháu thì thấy khái niệm toàn năng là rất mơ hồ, toàn năng có thể không bao gồm toàn thiện, và toàn tri, toàn trí và toàn thiện thì cũng không đồng nghĩa với toàn năng. Có thể đấng sáng tạo của chúng ta, toàn tri, toàn trí, toàn thiện, hết lòng muốn tốt cho chúng ta, nhưng có những giới hạn không thể vượt qua, ví dụ như chúng ta là cái máy được thiết kế để chạy được tối đa 120 năm, sau đó thì phân rã, là biến mất, là không còn gì nữa, thì ngài chỉ có thể giúp cho chúng ta sống tốt cuộc đời này, có thể làm đúng như những gì ngài đã muốn, đã thiết kế, đã lập trình cho chúng ta phải làm, chứ ngài không thể làm gì cho chúng ta hơn nữa.

    Thích

    • Cám ơn bạn “iamnoone1234” vì tinh thần trao đổi nghiêm túc.
      Ý kiến của cháu khá dài, nhưng đã đi đến một kết luận rất quan trọng:
      “Kết luận: dù biết thuyết phi tạo sinh là phi lí nhưng người ta vẫn muốn tin vào nó mà không chấp nhận có một đấng sáng tạo vì những lí do tâm lí nêu trên”.
      Có nghĩa là theo cháu:
      1. Thuyết Phi Tạo Sinh là phi lý
      2. Người ta vẫn muốn tin vào cái thuyết phi lý đó (để không phải tin vào Đấng Sáng tạo).
      Kết luận 1 của cháu làm cho bác thấy vui mừng, vì cháu đã nhìn thấy sự thật, rằng Thuyết phi tạo sinh là phi lý. Điều đó chứng tỏ cháu thông minh và trung thực, khác hẳn và hơn hẳn những người không thấy được sự thật đó. Những người không thấy sự thật đó là những người có đầu óc khoa học kém, hoặc thiếu thông tin, hoặc thiếu trung thực.
      Kết luận 2 là kết luận phải thảo luận thêm. Chữ “người ta” mà cháu dùng ở đây là ai vậy? Theo bác biết thì trong số cái “người ta” ấy, có ông George Wald, GS sinh hóa Đại học Harvard, đoạt Giải Nobel 1967. Ông đã công khai tuyên bố rằng Thuyết Phi Tạo Sinh đã bị bác bỏ về mặt khoa học, nhưng vì ông không muốn tin vào Chúa, nên ông vẫn tin vào Thuyết Phi Tạo Sinh.
      Tại sao lại kéo vấn đề Đức tin vào chuyện đúng/sai của một lý thuyết khoa học? Đây là chỗ nhập nhằng đánh lận con đen của nhiều nhà tiến hóa. George Wald đáng khen ở chỗ không úp mở, mà nói trắng tim đen của mình cho mọi người biết, và điều thú vị là ông đã công khai thừa nhận Thuyết Phi Tạo Sinh đã bị bác bỏ về mặt khoa học! Đó là chỗ rất đáng khen.
      Tuy nhiên, khi ông viện cớ không muốn tin vào Chúa để thanh minh tại sao ông tin vào một học thuyết mà ông biết là đã bị bác bỏ về khoa học, thì bác thực sự NGẠC NHIÊN!
      Hóa ra một nhà khoa học đoạt Giải Nobel mà cũng có thể……. tối tăm như thế!
      Thực ra ông George Wald có thể nói:
      1. Thuyết Phi Tạo Sinh là phi khoa học
      2. Tôi không muốn tin vào Chúa.
      Nếu ông nói như thế thì sẽ chẳng có gì để ngạc nhiên cả, và không ai dám nghĩ rằng logic của ông ấy tối tăm cả. Vì 2 kết luận đó chẳng có gì liên quan với nhau hoặc mâu thuẫn với nhau cả.
      PVHg

      Thích

Bình luận về bài viết này