Nobuyuki Tsujii – La Campanella – BBC Proms 2013
辻井伸行さん プロムス2013 アンコール
If you do not believe in God, you are foolish. In watching Tsujii Nobuyuki, a blind genius Japanese artist, playing music, Van Cliburn, a famous American pianist, exclaimed: “He was absolutely miraculous. His performance had the power of a healing service. It was truly divine”. Japanese press also wrote, Tsujii is “a God’s miracle”…
Nếu bạn không tin Chúa, bạn thật dại dột. Chứng kiến nghệ sĩ khiếm thị thiên tài người Nhật Tsujii Nobuyuki chơi nhạc, nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng người Mỹ là Van Cliburn thốt lên: “Anh ấy thực sự kỳ diệu. Biểu diễn của anh ấy có sức mạnh chữa lành vết thương. Thật là thần thánh”. Báo chí Nhật cũng viết, Tsujii là một “phép mầu của Thượng đế”…
” Miracle Pianist” Nobuyuki Tsujii
Câu chuyện về Nobuyuki Tsujii sau đây được dẫn theo Wikipedia (bản tiếng Việt và tiếng Anh):
Tsujii (辻井伸行) sinh ngày 13 tháng 9 năm 1988 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, Nobuyuki có nghĩa là “Hạnh phúc ngập tràn” (faithful happiness). Sinh ra đã bị mù do ảnh hưởng của chứng microphthalmia (rối loạn sự phát triển của mắt), Tsujii Nobuyuki có một tài năng thiên bẩm về âm nhạc. Ở tuổi lên 2, cậu bé bắt đầu những nốt “đồ rê mi” trên cây đàn đồ chơi tí hon do mẹ mua về. Lên 4 tuổi, mẹ bắt đầu cho Nobuyuki đi học nhạc. Năm 1995, khi 7 tuổi, cậu chiến thắng giải thưởng âm nhạc đầu tiên trong đời – giải nhất cuộc thi âm nhạc dành cho học sinh khiếm thị toàn nước Nhật.
Những năm sau này, anh đoạt lần lượt Giải Vàng tại cuộc thi PTNA piano khi 11 tuổi; giải solo tại cuộc thi Suntory Hall và Liên hoan âm nhạc Kobe; giải Phê bình tại cuộc thi dương cầm quốc tế nổi tiếng Frederik Chopin tại Ba Lan lần thứ 15 (năm 2005)[2]. Năm 2009, chàng trai trẻ chia sẻ giải Nhất Cuộc thi Dương cầm Quốc tế Van Cliburn trên đất Mỹ với Trương Hạo Thần (Trung Quốc). Anh không những là người Nhật đầu tiên đoạt huy chương vàng (giải nhất) tại Cuộc thi Dương cầm Quốc tế Van Cliburn, mà cũng là nghệ sĩ dương cầm khiếm thị đầu tiên thắng cuộc trong lịch sử 47 năm của cuộc thi danh giá này.
Tsujii đến nay đã phối hợp biểu diễn với các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Thụy Điển….
Báo chí Nhật Bản ví Tsujii Nobuyuki là hiện thân của phép màu thượng đế vì dù bị khiếm thị nhưng có một khả năng đặc biệt về âm nhạc.
Năm 2013, người Nhật đã đưa cái tên Tsujii Nobuyuki vào sách giáo khoa tiếng Anh dành cho học sinh trung học Nhật Bản.
Kết thúc một chuyến công diễn tại Nhật Bản với Tsujii Tháng 11/2015, nhạc trưởng Valery Gergiev nhận xét: “Anh ấy không chỉ là một nhạc sĩ lớn và một ngôi sao ở Nhật Bản, mà còn chứng tỏ rằng tiềm năng của con người hầu như không có giới hạn. Anh ấy cho thấy trên thực tế không có gì mà con người không thể đạt tới” (He is not only a great musician and star in Japan, he shows that the human resources are virtually limitless. He shows that there is practically nothing that a human being cannot do).
Điều cực kỳ thú vị cần biết là Tsujii tiếp thu các công trình âm nhạc trực tiếp bằng tai. Tạp chí TIME trong năm 2009 giải thích: “Tất nhiên một người mù không dễ gì mà làm điều đó. Tsujii có thể sử dụng những bản nhạc ghi chép bằng ký hiệu Braille để nắm bắt các bản nhạc mới, nhưng những bản nhạc đó thường do những những người thiện nguyện làm, vì thế phải chờ đợi rất lâu mới có. Như thế không đáp ứng được yêu cầu của một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp. Vì thế Tsujii tiếp nhận theo cách riêng của anh. Một nhóm các nghệ sĩ piano sẽ ghi lại từng bản theo những mã đặc trưng và những chỉ dẫn của các nhà soạn nhạc, rồi Tsujii nghe và tập theo từng bản nhạc đó”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn năm 2011, Tsujii nói: “Tôi tiếp thu các bản nhạc bằng cách nghe, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi chép các CD hoặc những cách diễn đạt của người khác. Tôi nhờ trợ lý của tôi làm một tập băng casette đặc biệt cho tôi. Họ chia bản nhạc thành từng phần nhỏ, chẳng hạn thành một vài dòng, rồi ghi lại. Tôi gọi đó là những “tờ giấy” chép nhạc cho cái tai của tôi. Tôi mất vài ngày để hoàn thiện một bản nhạc ngắn, nhưng mất một tháng để hoàn thiện một bản sonata hay concerto”.
Đồng thời với việc chơi nhạc biểu diễn, Nobuyuki Tsujii là một NHÀ SOẠN NHẠC.
Năm 2000, 12 tuổi, Tsujii đã biểu diễn bản nhạc đầu tiên do anh sáng tác: “Street Corner of Vienna” (Góc phố thành Vienna).
Anh là tác giả của nhiều tác phẩm nhạc phim, nhạc kịch nổi tiếng của Nhật Bản như: “In His Chart”, “Still We Live On”, “Whisper of the River”, “The Return of the Hayabusa”, “Maestro!”,…
Anh cũng nhiều lần tham gia những cuộc biểu diễn từ thiện giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt trong dịp động đất và sóng thần Fukushima năm 2012,…
Nobuyuki Tsujii là một công cụ của Chúa – Chúa muốn dùng anh để tỏ cho loài người thấy rằng “điều gì con người không làm được, Chúa làm được”. Hãy nghe thêm anh chơi nhạc để cảm thụ điều đó…
Nobuyuki Tsujii – Rachmaninoff – Piano Concerto No 2 in C minor, Op 18
Pianist in tears!!!. Most moving piano performance
Pianist Nobuyuki Tsujii bursts into tears when he plays at Carnegie Hall his own composition “Elegy for the Victims of the Tsunami of March 11, 2011 in Japan”.
Cháu có 1 câu hỏi với Bác
“Nếu Chúa có thật, ngài ở đâu trên cõi đời này hay đơn giản đó chỉ là đức tin của con người. Nhìn từ lịch sử đấu tranh của con người cho tới ngày nay mọi thành tựu, mọi nỗi đau đều do chính chúng ta (con người) tạo ra.
Cháu xin hỏi đó là “Chúa” hay chính là “niềm tin” của chính chúng ta tạo nên những điều đó. Và nếu chỉ biết trông chờ vào 1 con người trong tiềm thức tượng ấy liệu chúng ta có tiến bước được đến ngày nay.
Cảm ơn bác.
ThíchThích
Cháu Thanh Tùng thân mến,
Cám ơn cháu đã nêu lên một câu hỏi RẤT HAY, RẤT LỚN, RẤT QUAN TRỌNG, rất đáng để bác trả lời và mọi người cùng thảo luận. Thực ra vấn đề cháu đặt ra không phải là chuyện riêng của cháu và bác đâu, mà của toàn nhân loại đấy.
Tuy nhiên Thánh Thomas Acquinas từng nói: “Đối với người có đức tin, không cần có sự giải thích nào cả. Đối với người không có đức tin, chẳng có lời giải thích nào là đủ” (To one who has faith, no explanation is necessary. To one without faith, no explanation is possible).
Vì thế bác không có ý định tranh luận về vấn đề cháu đặt ra, vì mọi tranh luận đều vô ích, một khi cháu đã không có đức tin. Vì thế bác chỉ giói thiệu sơ qua cho cháu biết cách suy nghĩ của những người như bác thôi. Bác nghĩ rằng có đức tin là may mắn, không có đức tin là không may mắn. Vì thế bác muốn chia sẻ sự may mắn với cháu, vì Chúa Jesus đã dạy “Phúc cho ai không thấy mà tin”.
Cháu có biết Lev Tolstoy không? Ông là một đại văn hào Nga, được cả thế giới kính phục về tài năng và kính trọng về nhân cách. Ông thành đạt về mọi mặt, cả danh vọng lẫn tiền bạc. Ông được hưởng mọi thứ vinh hoa phú quý mà một đời người hằng mơ ước. Vậy mà ông đã viết cuốn “Tự Thú” để nói lên những cuộc khủng hoảng tư tưởng của ông vì đã từ bỏ đức tin, đến nỗi ông đã có lần định tự tử. Ông mơ ước có lại được đức tin chất phác của người nông dân Nga. Cháu hãy tìm tác phẩm đó của ông mà đọc, rồi suy ngẫm cháu ạ. Bác cũng có những trải nghiệm riêng để tin, để thấm nhuần lời Chúa Jesus. Vì thế bác không thể ích kỷ giữ đức tin cho riêng mình. Đó là một kho báu, phải chia sẻ. Những người có đức tin không ai ích kỷ muốn kho báu đó dành riêng cho mình. Ai cũng muốn chia sẻ.
Nếu cháu chưa tìm được cuốn “Tự Thú”, cháu có thể tìm đọc cuốn “Hành trình về Phương Đông” của Baird Spalding do Nguyên Phong chuyển ngữ. Đây là cuốn sách khai mở kiến thức về ĐẠO cho những người “chót” bị khoa học làm cho mờ mắt. Nếu đọc cuốn này mà không trầm tĩnh để SUY NGẪM thì bác e rằng bác cháu mình sẽ chẳng còn chuyện gì để nói với nhau nữa. Vì thế bác khuyên cháu một cách thành thực, nên đọc 2 cuốn sách bác giới thiệu ở trên trước khi chúng ta có thể đề cập đến chuyện Chúa có thật hay không có.
Chúc cháu may mắn.
PVHg
ThíchThích
Thật tuyệt vời !
ThíchThích
Cái gì mà chưa giải thích được thì đổ cho chúa.
ThíchThích
Trả lời bạn Diệp Xuân Nguyên,
Cám ơn bạn đã comment. Với ý kiến của bạn, tôi nghĩ bạn không có đức tin vào Chúa. Thánh Thomas Acquinas nói: “Đối với người có đức tin, không cần có sự giải thích nào cả. Đối với người không có đức tin, chẳng có lời giải thích nào là đủ” (To one who has faith, no explanation is necessary. To one without faith, no explanation is possible). Vì thế tôi không có ý định tranh luận với bạn. Tuy nhiên, những người tin Chúa như tôi nghĩ rằng có đức tin là may mắn, không có đức tin là không may mắn, vì Chúa Jesus dạy “Phúc cho ai không thấy mà tin”.
Tôi cũng có những người bạn không tin Chúa. Tôi thường khuyên họ đọc 2 cuốn sách sau đây:
1/ “Tự Thú” của Lev Tolstoy. Bạn biết Lev Tolstoy chứ? Ông là một đại văn hào Nga, được cả thế giới kính phục về tài năng và kính trọng về nhân cách. Ông thành đạt về mọi mặt, cả danh vọng lẫn tiền bạc. Ông được hưởng mọi thứ vinh hoa phú quý mà một đời người hằng mơ ước. Vậy mà ông đã viết cuốn “Tự Thú” để nói lên những cuộc khủng hoảng tư tưởng của ông vì đã từ bỏ đức tin, đến nỗi ông đã có lần định tự tử. Ông mơ ước có lại được đức tin chất phác của người nông dân Nga.
2/ “Hành trình về Phương Đông” của Baird Spalding do Nguyên Phong chuyển ngữ. Đây là cuốn sách khai mở kiến thức về ĐẠO cho những người có cái đầu khoa học nhưng không tin ĐẠO.
Nếu bạn chưa đọc 2 tài liệu trên thì tôi e rằng sự trao đổi giữa chúng ta sẽ không có kết quả gì cả.
Tuy nhiên, ý kiến của bạn có phần đúng, rằng “cái gì không giải thích được thì đổ cho Chúa”. Rất nhiều nhà khoa học giỏi hạng nhất khi gặp bế tắc về khoa học đều “đổ cho Chúa”. Đó là:
Isaac Newton: Khi ông bị chất vấn “Nếu không có chuyển động quán tính thì Trái Đất sẽ bị hút vào Mặt Trời, vậy chuyển động quán tính ấy từ đâu ra?”, Newton đáp ngay: “Đó là cú hích ban đầu của Chúa”.
Albert Einstein nổi tiếng với câu nói: “Tôi muốn biết ý Chúa” (Einstein không đi lễ Nhà Thờ nào cả, nhưng ông là người nhắc đến Chúa nhiều nhất, đến nỗi có lần Niels Bohr lấy làm khó chịu mà phải nhắc: “Đừng nói đến Chúa nữa”.
Louis Pasteur thì nói: “Phúc cho ai có Chúa ở trong lòng”.
Anh chàng Messi vừa rồi đá thủng lưới đội Real Madrid 2 quả. Sau chiến thắng, anh ngửa mặt lên trời làm dấu thánh giá để tỏ lòng biết ơn Chúa đã giúp anh làm nên chuyện thần kỳ đó. Novak Djokovic, tay vợt số 1 thế giới hiện nay, cũng rất hay ngữa mặt lên trời làm dấu thánh giá để cầu nguyện cám ơn Chúa.
Những người giỏi nhất đều tin Chúa. Đặc biệt Kurt Godel, nhà logic vĩ đại nhất kể từ sau Aristotle, tác giả của Định lý Bất toàn (định lý toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20), còn có một công trình nghiên cứu chứng minh Chúa hiện hữu.
Cám ơn bạn vì ý kiến của bạn đã tạo cảm hứng để tôi viết những dòng như trên. Nhưng bạn cứ đọc 2 cuốn sách tôi giới thiệu trên nhé, rồi chúng ta sẽ trao đổi tiếp.
Cầu Chúa cho bạn gặp may mắn.
PVHg
ThíchThích
Chào bạn Thanh Tùng!
Vấn đề bạn nêu lên rất có lý, điều đó chứng tỏ bạn là một người ham hiểu biết, đáng để những người khấc suy nghĩ. Tuy nhiên, mối băn khoăn của bạn cũng cho thấy bạn chưa đủ trải nghiệm để hiểu một câu nói vô cùng sâu sắc của bạn Thế Uy: “…may mắn cho ai bị gục ngã hoàn toàn….bởi chính lúc đó họ sẽ nhận ra gương mặt của Thượng Đế.” (trong ý kiến bình luận bài về Lễ Phục Sinh của bác Hưng).
Bản thân tôi, tuy cũng còn trẻ, nhưng cũng có những trải nghiệm nhất định để giật mình thấy bạn Thế Uy nói quá chuẩn xác! Tôi xin tâm sự đôi điều mà sự trải nghiệm của tôi dạy tôi.
Tôi thấy phần lớn con người trên thế gian này sống đầy bản năng, chỉ có một số ít ỏi là tin vào tâm linh. Tại sao tôi nghĩ con người sống đầy bản năng? Vì ai ai cũng lo cơm áo, gạo tiền, nhưng có tiền rồi vẫn muốn thỏa mãn lòng tham có nhiều thêm nữa! Đạo Phật gọi đó là tham, sân, si. Chính lòng tham cộng với nỗi hận thù to lớn đến mức vô hạn thì mới thôi thúc tên Nguyễn Hải Dương và bao kẻ tàn bạo khác dám ra tay giết 6 mạng người chỉ trong một đêm ở một gia đình Bình Phước… Hành vi này biến chúng thành những con quỷ đội lốt người. Giả sử nếu tên Nguyễn Hải Dương mà sống có Đạo thì hắn sẽ không làm như vậy, bởi vì ngay trong Kinh Lạy Cha mà những người Công Giáo cầu nguyện mỗi ngày thì tinh thần chủ đạo là hãy tha thứ cho người khác để được Chúa yêu thương và tha thứ. Người có Đạo học được một điều căn bản về đạo đức là biết bản thân mình bất toàn, mình không hoàn hảo, mình đầy tội lỗi, do đó sẽ dễ thông cảm và tha thứ cho người khác mỗi khi họ không làm cho mình vừa lòng.
Trong cuộc đời khi đứng trước quyết định chọn lựa khó khăn, một người không tin vào Chúa sẽ có thể làm việc xấu mà nghĩ rằng không ai biết, giả dụ như nói dối, lừa dối, tham nhũng… Nhưng nếu tin vào thế giới tâm linh, tin có thần, có ma quỷ, có Chúa, thì sẽ biết rằng những việc mình làm tuy không ai biết, nhưng quỷ thần biết, Chúa biết, Trời biết… và tất nhiên người ấy sẽ không dám làm những việc xấu ấy. Nói cách khác, tôn giáo chính là cái “phanh”, cái “thắng” kìm hãm những ý nghĩ xấu và hành vi xấu. Vì ranh giới giữa cái xấu với cái tốt trong đời nhiều khi vô cùng mỏng manh như sợi chỉ, nhờ có tôn giáo, tâm linh mà biết sợ, biết kìm hãm bản năng của bản thân mình để không phạm tội, để sống trong thanh thản, bình an trong tâm hồn. Chính vì sống vô thần và không có tâm linh tôn giáo mà thế gian này mới đang bước đến bến bờ vực thẳm của bất ổn như ngày hôm nay. Thế giới đang bên bờ vực chiến tranh hạt nhân, tin tức hàng ngày hàng giờ nhắc nhở chúng ta điều đó.
Như bác Hưng đã nói: thuyết phục một người tin vào Chúa rất khó. Cá nhân tôi cũng đã đọc 2 cuốn sách bác Hưng giới thiệu. Tôi xin giới thiệu thêm một cuốn nữa, rất tuyệt vời, có thể giúp bất kỳ ai suy nghĩ nghiêm túc về Thượng Đế. Đó là cuốn “Tự truyện của một YOGI”, trong đó kể chuyện các vị Thánh YOGA tin vào Thượng Đế như thế nào, tin vào sự huyền bí của vũ trụ như thế nào.
Cuộc sống có rất nhiều bí ẩn, thâm sâu, huyền nhiệm mà tôi nghĩ rằng chúng ta quá nhỏ bé và yếu đuối để có thể giải thích được mọi điều. Chỉ đến khi nào bạn gặp bế tắc, khổ đau không sao lý giải nổi, không có ai kể cả cha mẹ cũng không giúp được cho mình, lúc ấy con người sẽ tìm chỗ để bấu víu. Lúc ấy Chúa sẽ xuất hiện trong ý thức của chúng ta, hoặc thậm chí hiển thị cho chúng ta nhìn thấy Ngài nếu chúng ta đủ PHÚC ĐỨC và may mắn. Ngài sẽ an ủi và nâng đỡ chúng ta.
Bạn nói: “nếu chỉ biết trông chờ vào 1 con người trong tiềm thức tưởng tượng ấy liệu chúng ta có tiến bước được đến ngày nay?”…
Vậy có thể bạn chưa đọc một câu nói của Louis Pasteur mà bác Hưng đã trích dẫn trong nhiều bài: “Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Đức Chúa Trời. … Một chút khoa học sẽ gạt bỏ Chúa, giàu khoa học sẽ quay về với Chúa”.
Hay một câu khác của Heisenberg mà bác Hưng trích trong bài “Phép Mầu”, một câu bất hủ: “Ngụm nước đầu tiên từ cốc nước khoa học tự nhiên sẽ biến bạn thành một người vô thần, nhưng ở đáy cốc Chúa đang đợi bạn”. Nghĩa là Khoa học và tôn giáo không tách rời nhau, hay nói một cách chuẩn xác là: Chúa vén bức màn bí ẩn cho các nhà Khoa học.
Tôi thấy những người giỏi nhất đều tin có Chúa. Pasteur, Heisenberg thuộc vào loại giỏi nhất rồi. Những người không đủ giỏi thì mới nghi ngờ. Và tôi cho rằng bác Hưng đã nói rất thành thật rằng tin có Chúa là may mắn, không tin là không may mắn. Tôi cảm thấy tôi rất may mắn vì đã tin.
Bình Minh.
ThíchThích