Spring Has Sprung / Mùa Xuân trỗi dậy

Spring has sprung. Do you hear the voice of spring whispering in space between leaves? Do you hear the sound of pure music echoing from Johann Sebastian Bach’s masterpieces? Here is one of them: Concerto in E major BWV 1042 for violin and orchestra… Please enjoy it.
Muà xuân đã trỗi dậy. Bạn có nghe thấy tiếng mùa xuân đang thì thầm trong kẽ lá? Bạn có nghe thấy âm thanh âm nhạc tinh khiết đang vang vọng từ những kiệt tác của Johann Sebastian Bach? Đây là một trong số đó: Concerto cung Mi trưởng BWV 1042 dành cho violin và dàn nhạc… Xin mời thưởng thức.

Cảm hứng âm nhạc này đến từ một lá thư…

Đó là thư của TS Phan Chí Thành.

TS Phan là một nhà khoa học, nhưng tâm hồn giầu chất nhân văn, nghệ sĩ. Dường như thưởng thức âm nhạc một mình làm anh bứt rứt, thiếu thốn, nên anh muốn chia sẻ với bạn bè niềm hạnh phúc khi tận hưởng những cảm xúc lâng lâng trước những giai điệu và hòa thanh mê hồn, đặc biệt khi mùa xuân đang phô bầy vẻ đẹp rực rỡ của nó.

Tôi đồng cảm với anh, vì thưởng thức Bach làm cho tâm hồn tươi mát hơn, thanh cao hơn, đúng như chính Bach đã nói: “Mục tiêu tối thượng của mọi âm nhạc chẳng có gì khác hơn là vinh danh Thiên Chúa và làm tươi mát linh hồn” (The aim and final end of all music should be none other than the glory of God and the refreshment of the soul).

Trong khoa học và triết học, người ta còn mất thì giờ tranh cãi về vô thần và hữu thần. Nhưng âm nhạc thì không, bởi âm nhạc tự nó nói lên tất cả. Người ta có thể đánh đổ một biểu tượng tôn giáo, nhưng không thể đánh đổ âm nhạc của Bach. Sau ba trăm năm, giai điệu và hòa thanh của Bach vẫn cứ tiếp tục đưa con người tới một thế giới thoát tục, trong vắt, thiêng liêng, giúp con người khám phá ra đâu là nơi xứng đáng để sống, để vươn tới, để siêu thoát, để rũ bỏ những bụi bặm và mọi thứ rác rưởi của đời thường.

CZv_YuLWYAM2tlrThấm thía câu nói của Wolfgang Amadeus Mozart, rằng “Giá như toàn bộ thế giới có thể cảm nhận được sức mạnh của sự hài hòa”, nhiều lúc tôi cũng thầm mong ước sao cho tất cả nhân loại đều biết thưởng thức những giai điệu và hoà thanh cao quý trong âm nhạc thiêng liêng của thánh ca, của Bach, của Mozart,… để bớt phần tội lỗi và vô minh, xây dựng cho mình và cho người khác một cuộc sống an bình hơn, hạnh phúc hơn.

Xin chân thành cảm ơn TS Phan và xin trân trọng giới thiệu lá thư của TS Phan với tất cả các bạn. Mong âm nhạc sẽ làm cho chúng ta trở thành Một, trong tình yêu thương của Thượng Đế…

Kính gửi anh Hưng,
Hôm nay Hà Nội mới thực sự có không khí của mùa xuân khi có một đợt không khí lạnh kèm theo mưa phùn phủ khắp không gian thành phố. “Mưa phùn gió bấc là đặc sản của Hà Nội” – Tôi chợt nhớ đến nhận định rất tinh tế của nhà văn Nguyễn Tuân. Theo tôi thì Hà Nội còn nhiều “đặc sản” nữa, không thể kể hết, chắc anh sẽ không phản đối cái ý nghĩ này của tôi. Cái mưa phùn gió bấc trong thời đại Internet ngày hôm nay nó khác với mưa phùn gió bấc của cái thời khó khăn của những năm 1960, 1970, 1980 của thế kỷ trước. Dù sao thì mưa phùn gió bấc ngày hôm nay nó cũng gợi lại một tâm lý u hoài, hoài cảm về các giá trị tuy “cổ điển nhưng đẹp đẽ” của những năm tháng đã đi vào dĩ vãng xa xưa.
Mỗi lần u hoài, tôi thường tìm nghe lại bản Concerto in E major BWV 1042 viết cho violin và dàn nhạc của J. S. Bach, mà nếu không phiền thì tôi muốn chia sẻ với anh và bạn đọc của PVHg’s Home.
Thời chưa có Internet, tôi hay nghe bản nhạc này qua băng/ đĩa. Tôi đặc biệt mê tiếng đàn của danh cầm người Xô Viết (thời đó Liên Xô chưa tan rã) David Oistrakh (1908-1974). Nghe nói Ông thậm chí đã tạo nên cả một trường phái riêng cho cây đàn violin của Nga.
Ngày nay đã có rất nhiều danh cầm chơi bản nhạc này và được upload lên YouTube.
Tôi lưu ý anh một điều: âm nhạc của J.S. Bach thuộc trường phái Baroque nên cực kỳ tinh tế, cực kỳ sống động, cực kỳ đẹp. Kiến trúc Baroque cũng có những thuộc tính như vậy.
Nhạc của Bach gợi nên một sự u hoài, nhưng là một sự “u hoài tích cực và có hậu”.
Mùa xuân vẫn đến và CÂY ĐỜI VẪN XANH TƯƠI…

Phan Chí Thành

Advertisement

2 thoughts on “Spring Has Sprung / Mùa Xuân trỗi dậy

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s