The Fool and the Gold Fish (Gã điên và con cá vàng)

Ptolemaic ModelAbstract: Am I mad if I say that the Sun goes around the Earth and the Earth is the center of the Universe? The Gold Fish will give the answer.

Không chỉ Mặt Trời quay quanh Trái Đất, mà toàn thể Vũ Trụ quay quanh Trái Đất, Trái Đất là trung tâm Vũ trụ,… Đó là câu chuyện đã được nói từ thời cổ đại, không biết chính xác tự bao giờ, có lẽ từ khi con người bắt đầu biết chiêm ngắm, quan sát Trời-Đất, nhưng ít nhất nó đã được ghi chép thành một học thuyết hẳn hoi, được gọi là Thuyết Địa Tâm (Geocentric) mà đại diện chủ yếu là Ptolemy[1], một nhà bác học lỗi lạc người La-mã gốc Hy-lạp, sống trong thế kỷ 2 sau C.N. tại cái nôi của khoa học cổ đại là thành phố Alexandria[2] nổi tiếng của Ai-cập.

Thuyết Địa Tâm là câu chuyện đã quá cũ, tưởng như không còn gì đáng nói thêm, nhưng hóa ra vẫn còn có chuyện để nói: đó là sự phủ nhận hầu như trắng trơn của nhiều người đời ngày nay đối với học thuyết này về mặt khoa học, coi đó như một di sản của quá khứ nói lên sự ấu trĩ, dốt nát, nhầm lẫn của người cổ đại trong nhận thức về thế giới, và nếu bây giờ ai còn tin vào học thuyết này thì người ấy có lẽ có vấn đề về… thần kinh!

Thật vậy, một lần tôi hỏi một sinh viên năm thứ ba Đại học FPT:

– Này em, Trái Đất quay quanh Mặt Trời hay Mặt Trời quay quanh Trái Đất?

– Dĩ nhiên là Trái Đất quay quanh Mặt Trời rồi, sinh viên đó trả lời tự tin.

– Vậy nếu ai đó bảo Mặt Trời quay quanh Trái Đất thì em nghĩ sao?

– Thì đó là thằng điên! Anh chàng sinh viên khẳng định.

1/ Suy nghĩ của gã điên:

Tôi đã làm những “cú test” như thế với nhiều người và nói chung đều nhận được những câu trả lời tương tự. Tôi không ngạc nhiên, vì biết đó là hệ quả của nền giáo dục và sách báo tuyên truyền qua nhiều thời đại, mà bản thân tôi cũng từng chịu ảnh hưởng. Ảnh hưởng ấy lộ rõ hơn hết trong một dịp tôi nêu vấn đề này trên một diễn đàn khoa học và giáo dục có tên là sci-edu forum. Diễn đàn này quy tụ khá nhiều nhà khoa học Việt Nam có tên tuổi cả trong nước lẫn trên thế giới. Uy tín khoa học của họ nói chung không cần tranh cãi. Trên diễn đàn đó, tôi nêu vấn đề đại ý là trong khi người ta đối xử khá công bằng với Newton thì lại thiếu công bằng với Ptolemy. Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì trong khi thấy rõ rằng Thuyết Tương Đối của Einstein là một cuộc cách mạng về nhận thức so với vật lý của Newton, người ta không sổ toẹt Newton – Newton vẫn được coi là vĩ đại vì mô hình của ông vẫn đúng trong một không-thời-gian hẹp,… Nhưng với Ptolemy thì sao? Rõ ràng là Ptolemy vẫn đúng theo một góc quan sát nào đó đấy chứ! Này nhé: đứng trên Trái Đất, rõ ràng ta thấy Mặt Trời chuyển động quanh Trái Đất, sáng ra Mặt Trời mọc ở phương Đông, giữa trưa Mặt Trời leo lên đỉnh đầu, chiều xuống Mặt Trời lặn ở phương Tây,… Chẳng phải William Shakespeare từng mô tả “bình minh dát vàng trên khung cửa phương Đông” đó sao? Chẳng phải Khổng tử từng bị hai em bé chất vấn Mặt Trời lúc nào ở xa hơn hay gần hơn khi so sánh lúc nó nguội hơn vào sáng sớm và nóng hơn vào giữa trưa đó sao? Chẳng phải các nhà hàng hải xa xưa từng định vị các vì tinh tú trên bầu trời mà định hướng di chuyển cho con tầu của họ đó sao? Chẳng phải chúng ta khi còn ấu thơ thường nằm ngửa trên Mặt Đất ngắm bầu trời sao ban đêm mà ghi nhớ bản đồ bầu trời theo cách riêng của mình đó sao? Tất cả những người đó, từ Shakespeare, Khổng tử cho đến những người đi biển và người bình thường như chúng ta, có cần gì đến mô hình Copernicus đâu, mà sao ta vẫn đoán định được nhiều sự thật để áp dụng trong cuộc sống? Các nhà thiên văn cổ Trung Hoa, như Khổng Minh thời Tam Quốc chẳng hạn, có biết mô hình Copernicus đâu mà sao ông vẫn có thể đoán định nhiều sự thật chính xác? Vậy mô hình địa tâm có phải là vô dụng đâu? Nêu lên những suy nghĩ ở trên, tôi muốn nói mô hình Ptolemy chẳng qua cũng giống như một chiếc máy tính cổ lỗ sĩ mà ngày nay không có cơ quan nghiên cứu nào sử dụng, còn mô hình Copernicus là chiếc máy tính tân tiến hơn, được mọi người hâm mộ. Nhưng hâm mộ tới mức chê chiếc máy tính cũ là đồ vứt đi thì thật là sai lầm, bởi vì chiếc máy tính cũ vẫn rất tiện dụng trong đời sống thông thường. Thật vậy, theo cách mô tả của nhiều sách báo, kể cả sách giáo khoa, mô hình Ptolemy dường như bị phủ nhận hoàn toàn, bị coi là ngây thơ, ấu trĩ, sai lầm,… Chẳng hạn như cách viết trên Wikipedia tiếng Việt: “Các quan điểm của ông về cấu trúc của thế giới đã làm nền tảng cho thuyết địa tâm trong nhiều thế kỷ, một học thuyết mà đến đời Nicolaus Copernicus mới bị đánh đổ”. Chữ “đánh đổ” ở đây gây cho rất nhiều người đọc, đặc biệt là người đọc thiếu từng trải, hiểu rằng học thuyết địa tâm là sai, và đã được thay thế bởi một học thuyết đúng đắn là Thuyết Nhật Tâm (Heliocentric) của Copernicus. Nếu số hóa cái đúng là 1, cái sai là 0 thì cách giảng dạy và truyền bá thông tin khoa học hiện nay dường như đã gán cho thuyết nhật tâm giá trị 1, thuyết địa tâm giá trị 0, và đó là nguyên nhân để ai đó dám nói Mặt Trời quay quanh Trái Đất sẽ lập tức bị coi là điên.

Trong số những người được tôi phỏng vấn, có người còn hùng hồn kể lại chuyện Galilei bị tòa án của Giáo hội La-mã kết tội, nhưng sau khi nhận tội, nhà bác học này vẫn thốt lên rằng “Dù sao thì Trái Đất vẫn quay quanh Mặt Trời”, để khẳng định phải nói như Galilei mới đúng, và nói Mặt Trời quay  quanh Trái Đất là sai. Thế mới biết cái gì đã được nhồi nhét vào đầu con người từ trên ghế nhà trường thì sẽ rất khó thay đổi.

Còn trên diễn đàn sci-edu thì sao?

Nói chung ý kiến của tôi không được ủng hộ. Có người mất công giảng giải cho tôi hiểu mô hình Copernicus tiến bộ hơn mô hình Ptolemy như thế nào, sử dụng mô hình Copernicus sẽ có lợi hơn về tính toán ra sao,… Thậm chí có người gợi ý: “ông Hưng ơi, mô hình Ptolemy thống trị trong thiên văn học 1500 năm rồi vẫn chưa đủ hay sao?”, dường như nhà khoa học này muốn nói: tại sao ông lại muốn vực cái thây ma ấy sống lại làm gì cho mất thì giờ….

Chao ôi, chuyện Copernicus gây nên cuộc cách mạng về nhận thức thì tôi đã nghe nói quá nhiều rồi, vì thế việc phải nghe giảng giải về tính hơn hẳn của mô hình Copernicus làm tôi nghĩ tới lời của cụ cố Hồng trong Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Vấn đề tôi đề cập nằm ở chỗ khác: dưới ánh sáng của tính tương đối và nguyên lý tương đương (equivalence principle), Thuyết Địa Tâm và Thuyết Nhật Tâm là tương đương về mặt triết học, cả hai cùng đúng, tùy theo hệ quy chiếu được chọn để quan sát có gốc tọa độ nằm ở đâu. Nếu gốc tọa độ là Trái Đất thì mô hình Ptolemy đúng: Mặt Trời quay xung quanh Trái Đất. Nếu gốc tọa độ là Mặt Trời thì Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Trong thời đại ngày nay, thiết tưởng điều đó quá dễ hiểu mà tại sao người ta không hiểu hoặc không muốn hiểu. Tôi chỉ có một lý do để giải thích: đó là sức ỳ quán tính của nhận thức. Hình như sức ỳ này ở trong chúng ta lớn hơn ở người Tây phương? Người Đông phương cổ đại, như Đức Phật, Khổng tử, Lão tử, từng đề xuất những học thuyết mang tính tư tưởng chẳng thua gì Tây phương, nếu không muốn nói còn đi trước Tây phương. Nhưng hình như người Đông phương hiện đại chỉ giỏi bắt chước Tây phương, không dám nêu lên tư tưởng độc lập của mình.

Ca ngợi cuộc cách mạng Copernicus là đúng, nhưng việc cường điệu cuộc cách mạng này quá đáng đến mức coi mô hình Ptolemy là hoàn toàn sai chỉ chứng tỏ một nhận thức chưa đủ chín chắn, đặc biệt về mặt triết học tự nhiên. Tất nhiên các nhà thiên văn và vũ trụ học ngày nay không ai dùng mô hình Ptolemy để tính toán, nhưng điều đó không có nghĩa là mô hình này sai. Nó chỉ kém tiện dụng hơn thôi: mô hình Copernicus cung cấp cho các nhà khoa học những phương tiện đơn giản hơn mà thôi, đúng như Wikipedia tiếng Anh nhận định: “Mô hình Ptolemy, cũng như mô hình của những nhân vật tiền bối, là mô hình địa tâm và hầu như được chấp nhận rộng rãi tới khi xuất hiện những mô hình nhật tâm đơn giản hơn trong quá trình của cuộc các mạng khoa học”[3].

Thế đấy, cuộc thảo luận về vấn đề này trên diễn đàn sci-edu kéo dài khoảng 2 tuần lễ mà không có lời giải chung cuộc. Ai nấy bảo lưu quan điểm của mình cho tới khi một sự kiện ngẫu nhiên xẩy ra. Đó là câu chuyện con cá vàng.

2/ Câu chuyện con cá vàng:

Thật vậy, hoàn toàn tình cờ, trong khi tìm hiểu cuốn Grand Design của Stephen Hawking, tôi gặp bài báo “The Elusive Theory of Everything” của Stephen Hawking và Leonard Mlodinow trên Scientific American Oct, 2010, trong đó có một đoạn làm tôi sửng sốt ngạc nhiên nhưng rất thú vị, vì nội dung liên quan đến cuộc thảo luận trên sci-edu-forum trước đó khoảng 1 tháng, xung quanh các mô hình Ptolemy và Copernicus.

Mở đầu bài báo, các tác giả đề cập đến thế giới trong mắt con cá vàng:

Vài năm trước, hội đồng thành phố Monza ở Ý đã ngăn cấm những người nuôi súc vật không được nuôi cá vàng trong những chậu cá có bề mặt cong. Những người bảo trợ cho biện pháp này giải thích rằng nuôi cá trong chậu như thế là độc ác, bởi vì mặt cong của chậu sẽ làm cho cá có một cái nhìn méo mó đối với thế giới bên ngoài. Bên cạnh ý nghĩa bảo vệ những con cá vàng tội nghiệp, câu chuyện này đã làm dấy lên một câu hỏi triết học thú vị: Làm thế nào chúng ta biết cái hiện thực mà chúng ta lĩnh hội trong đầu là đúng với sự thực? Cá vàng nhìn thấy một phiên bản hiện thực khác với chúng ta, nhưng liệu chúng ta có thể biết chắc chắn rằng phiên bản đó là kém hiện thực hơn so với hiện thực của chúng ta hay không? Để có tất cả những gì chúng ta biết, chúng ta có thể cũng đã dành trọn cả cuộc đời để nhìn ra thế giới thông qua một thấu kính méo mó. Trong vật lý, vấn đề này không phải là chuyện lý thuyết suông. Thật vậy, các nhà vật lý và vũ trụ học đang ở trong một tình trạng khó chịu tương tự như cá vàng. Trong hàng thập kỷ qua chúng ta đã cố gắng đạt tới một lý thuyết cuối cùng về mọi thứ – một tập hợp các định luật cơ bản đầy đủ và nhất quán, giải thích được mọi khía cạnh của hiện thực. Hiện nay dường như cuộc tìm kiếm này dẫn tới không chỉ một lý thuyết duy nhất, mà cả một họ lý thuyết liên đới với nhau, mỗi lý thuyết mô tả một phiên bản hiện thực riêng của nó, như thể nó nhìn vũ trụ thông qua chậu cá của riêng nó vậy[4].

Đọc đến đấy tôi đã sướng đến phát điên lên, bởi rõ ràng các tác giả đang “gãi đúng chỗ ngứa” của mình. Nhưng chưa đủ, đoạn sau đây mới thực sự làm cho tôi bàng hoàng thích thú:

Một ví dụ nổi tiếng trong thế giới của chúng ta về những bức tranh khác nhau của hiện thực là sự tương phản giữa mô hình vũ trụ địa tâm của Ptolemy và mô hình nhật tâm của Copernicus. Mặc dù nhiều người thường nghĩ rằng Copernicus đã chứng minh Ptolemy sai, nhưng thực ra nói như thế là không đúng. Giống như trong trường hợp quan điểm của chúng ta khác với cá vàng, người ta có thể sử dụng hoặc bức tranh này hoặc bức tranh kia như một mô hình của vũ trụ, bởi vì chúng ta có thể giải thích quan sát của chúng ta về vũ trụ bằng cách giả định hoặc trái đất đứng yên hoặc mặt trời đứng yên[5].

Để nhấn mạnh tính bình đẳng của các hệ quy chiếu, các tác giả thậm chí đã viết như sau:

Cá vàng nằm trong một tình huống tương tự. Quan điểm của chúng không giống quan điểm của chúng ta khi chúng ta ở bên ngoài chậu cá có bề mặt cong của chúng, nhưng chúng vẫn có thể xây dựng nên các định luật khoa học chi phối chuyển động của các đối tượng mà chúng quan sát thấy ở bên ngoài. Chẳng hạn, vì ánh sáng bị bẻ cong khi nó di chuyển từ không khí vào nước, do đó một đối tượng chuyển động tự do mà chúng ta thấy nó chuyển động thẳng thì cá vàng sẽ thấy nó chuyển động cong. Cá vàng có thể xây dựng những định luật khoa học từ cái khung quy chiếu méo mó của chúng, những định luật ấy sẽ luôn luôn đúng và có thể cho phép chúng dự đoán được chuyển động trong tương lai của các đối tượng bên ngoài chậu cá. Các định luật của chúng có thể phức tạp hơn so với các định luật trong khung quy chiếu của chúng ta, nhưng điều đó đơn giản chỉ là vấn đề khẩu vị. Nếu cá vàng xây dựng được một lý thuyết như vậy, chúng ta sẽ phải thừa nhận quan điểm của cá vàng như một bức tranh giá trị của hiện thực”.

Tất nhiên các tác giả không đánh đồng Thuyết Địa Tâm với Thuyết Nhật Tâm về mọi lẽ. Các ông không quên nhắc nhở độc giả rằng Thuyết Nhật Tâm tiến bộ hơn vì nó đơn giản hơn nhiều, và nhất là nó thông báo cho chúng ta biết rằng Thuyết Địa Tâm không phải là học thuyết duy nhất đúng về vũ trụ. Tư tưởng căn bản trong bài báo của các ông là có nhiều học thuyết cùng mô tả vũ trụ, chúng bình đẳng với nhau về tư cách triết học tự nhiên, và không có học thuyết nào có thể tự phụ coi mình là học thuyết mô tả đầy đủ về vũ trụ. Mỗi học thuyết chỉ mô tả được một số khía cạnh nào đó của vũ trụ, và bức tranh vũ trụ phong phú là bức tranh được bổ sung bởi nhiều học thuyết khác nhau nhưng cùng đúng, giống như để mô tả Trái Đất cần có nhiều bản đồ chồng chất lên nhau – bản đồ địa hình, bản đồ chính trị, bản đồ dân số, bản đồ sắc tộc, bản đồ địa chất,… Dưới góc nhìn đó, mô hình Ptolemy rõ ràng vẫn có ý nghĩa nhất định, và dứt khoát là bình đẳng với mô hình Copernicus về mặt triết học tự nhiên.

Với niềm hứng thú, tôi lập tức post ý kiến của Hawking và Mlodinow lên diễn đàn sci-edu, thậm chí gửi cho một số thành viên toàn văn bài báo. Phản ứng nói chung là tích cực: không ai chống lại quan điểm của Hawking và Mlodinow, đặc biệt tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Xanh tại Sàigòn còn có ý kiến thú vị như sau:

Cám ơn anh Phạm Việt Hưng về khám phá này. Về vấn đề này A.Eddington, người năm 1919 đã kiểm tra độ cong của ánh sáng trên trời để xác nhận thuyết tương đối rộng của Einstein đã viết một bài có mấy đoạn như sau (1922), cũng tương tự như điều Anh trình bày:

“Trong những ngày trước Copernicus, dường như thế, trái đất là một nền tảng bất động mà cấu trúc của đất trời được dựng trên đó. Con người, được sống một cách ưu đãi tại trung tâm của vũ trụ, có thể chờ đợi rằng đối với anh ta cả cái cấu trúc vũ trụ sẽ trải rộng ra dưới dạng đơn giản nhất của nó. Tuy nhiên, sự vận hành của các thiên thể không đơn giản chút nào; các hành tinh thực sự quay vòng thành những đường cong tuyệt hảo được gọi là epicycle. Nhà vũ trụ học có nhiệm vụ lấp đầy bầu trời bằng những hình cầu quay xung quanh hình cầu để giữ các hành tinh trong các quỹ đạo được cho phép; và những bánh xe được thêm vào những bánh xe, cho đến khi âm nhạc của các hình cầu hầu như bị nhận chìm trong một sự chói tai của guồng máy quay tít. Rồi một trong những cuộc cách mạng vĩ đại của tư duy khoa học đã đến, nó quét đi hệ thống Ptolemy của các hình cầu và epicycle, để lộ ra một cấu trúc đơn giản của hệ mặt trời kéo dài đến hôm nay.[…]

Ptolemy trên trái đất, và Copernicus trên mặt trời, cả hai tư duy về cùng một vũ trụ bên ngoài. Nhưng những kinh nghiệm họ khác nhau, và chính trong quá trình trải nghiệm các sự kiện mà họ trở nên gắn chặt vào hệ quy chiếu không gian và thời gian – các hệ khác nhau tùy theo các hoàn cảnh cục bộ của người quan sát đã trải nghiệm sự kiện. Đó là, tôi xin trích học thuyết của Kant, “Không gian và thời gian là những dạng của kinh nghiệm”. [Đúng hơn câu này là của Einstein; Kant nói ngược lại: khái niệm không gian và thời gian là tiên nghiệm, a priori] Hệ quy chiếu không có sẳn trong trời đất. Nó chỉ được đặt ra bởi người quan sát, và lệ thuộc vào anh ta. Và các mối quan hệ kia của tính đơn giản mà chúng ta đã đi tìm khi nỗ lực để đạt đến sự hiểu biết vũ trụ vận hành thế nào, phải nằm trong bản thân  các sự kiện trước khi chúng được gắn tùy tiện vào hệ quy chiếu. Điều nhiều nhất mà chúng ta có thể hy vọng từ mỗi hệ quy chiếu là nó sẽ không làm biến dạng đi tính đơn giản vốn nguyên thủy đã có, trong khi một hệ được chọn thiếu cân nhắc có thể phá hỏng tính đơn giản của sự vật.[…]

Cuộc cách mạng bao gồm sự thay đổi quan điểm mà từ đó chúng ta đã nhìn các hiện tượng. Như được bày ra trước mặt đất, vết của một hành tinh là một đường epicycle. Nhưng Copernicus mời chúng ta hãy chuyển chỗ ở lên mặt trời và nhìn lại. Thay vì một đường cong với các đường vòng và thắt nút, quỹ đạo bây giờ thấy được là một trong những đường cong cơ bản nhất – một hình ellip. Chúng ta phải nhìn nhận cái hành tinh nhỏ bé mà chúng ta đứng trên đó là không có ý nghĩa gì lớn trong cái sơ đồ tổng thể của tự nhiên; để tháo gỡ bí mật của sơ đồ này, trước nhất chúng ta phải giải tỏa sự quấy rầy tự nhiên khỏi các biến dạng được hình thành từ quan điểm cục bộ mà từ đó chúng ta quan sát nó. Mặt trời, chứ không phải quả đất, là trung tâm thật sự của sơ đồ sự vật – ít nhất những sự vật mà các nhà thiên văn vào thời gian đó đã quan tâm – và bằng cách chuyển cách nhìn của chúng ta lên mặt trời, tính đơn giản của hệ hành tinh trở nên sáng sủa. Sự cần thiết một bộ máy phiền toái các hình cầu và bánh xe đã biến mất.

Tuy hai hệ thống quan sát có thể xem tương đương nhau trong việc quan sát, Ptolemy hoặc Copernicus, nhưng sự thay đổi cách mạng gây ra bởi Copernicus có ý nghĩa triết học quan trọng rất lớn trong lịch sử: Từ bỏ cái ngã quả đất của vua chúa và con người đã bám rễ quá lâu. Nó đã gây ra một cái sốc lịch sử. Sự chuyển dịch chiếc ghế quan sát từ trái đất lên mặt trời phù hợp hơn, quan sát sẽ đơn giản hơn (Kepler), và đúng hơn (Newton).

Rồi Einstein tiếp tục những gì Copernicus đã bắt đầu: thế giới chẳng có trung tâm quy chiếu cố định không-thời-gian nào cả trong trời đất, không phải trái đất, không phải mặt trời; không có các hệ quy chiếu không thời gian nào cố định cả để lấy làm qui chiếu. Tất cả đều bình đẳng. Nhưng phải tính đến sự thay đổi co giãn của quan niệm thời gian, không gian gây ra bởi thuyết tương đối hẹp của Einstein, nếu xuất phát từ một hệ quy chiếu này để quan sát một hệ quy chiếu khác”.

Ý kiến khá dài nói trên, mặc dù nhấn mạnh đến ý nghĩa cách mạng của mô hình Copernicus, vẫn đi đến kết luận rằng không có các hệ quy chiếu không- thời-gian nào cố định cả để lấy làm qui chiếu. Tất cả đều bình đẳng. Đó chính là điều tôi muốn nói. Đó cũng là lý do, giống như Hawking và Mlodinow mất công thuyết giảng bằng ẩn dụ con cá vàng, tôi phản đối lối truyền giảng rằng Thuyết Địa Tâm là sai. Đối với tôi, Thuyết Địa Tâm là đúng trong những giới hạn của nó, giống như vật lý Newton đúng trong những giới hạn của nó. Còn việc bạn sử dụng mô hình nào tùy thuộc vào nhu cầu của bạn. Tôi đòi hỏi sự công bằng trong cái nhìn triết học tự nhiên. Nếu bảo mô hình địa tâm là sai thì hóa ra chính chúng ta sai. Nếu ai đó lại phê phán Thuyết Địa Tâm chỉ vì nó là chỗ dựa cho thần quyền của Nhà thờ Thiên Chúa giáo thì tôi e rằng người đó đã lạc đề, bởi vấn đề tôi đề cập ở đây không liên quan đến tôn giáo. Vả lại, tôi càng không muốn thảo luận một vấn đề liên quan đến tôn giáo với những người mang sẵn định kiến hoặc thiếu hiểu biết về tôn giáo. Thêm nữa, Đức Giáo hoàng John Paul II đã thừa nhận sai lầm của Giáo hội khi kết án Galilei. Đó là tấm gương dũng cảm trong việc thừa nhận sai lầm. Thiết tưởng không cần bàn thêm.

3/ Kết luận:

Có những điều hôm qua ta bảo đúng, hôm nay ta thấy không đúng lắm. Có những điều hôm qua ta bảo sai, hôm nay ta thấy không sai lắm. Đó là sự vận động của nhận thức, chẳng có gì lạ. Điều đáng lấy làm lạ là những nhận thức bất động. Đến hôm nay mà ai đó vẫn muốn nói như Galilei rằng dẫu sao Trái Đất vẫn quay xung quanh Mặt Trời thì e rằng người này chỉ là một học trò chịu khó học thuộc bài, bởi vì Einstein đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn thoáng mở hơn rất nhiều về thế giới. Với cái nhìn thoáng mở này, bất kỳ điểm nào trong vũ trụ cũng đều có thể lấy làm tâm. Thuyết Địa Tâm chẳng có gì sai khi coi Trái Đất là tâm vũ trụ. Thuyết Địa Tâm chỉ sai nếu nó tuyên bố Trái Đất là tâm duy nhất của Vũ trụ. Nhưng tại sao lại đòi hỏi Thuyết Địa Tâm phải giỏi như Einstein, khi nó ra đời trước Einstein gần 2000 năm. Sự đòi hỏi đó là phi lý!

Nếu Copernicus đưa chúng ta lên sống ở Mặt Trời thì có ai cấm trí tưởng tượng của bạn bay đến các vì sao ngoài Thái dương hệ đâu? Riêng tôi, tôi bay đến điểm ban đầu của Vũ trụ, trước khi có Big Bang để đặt dấu hỏi: ai sáng tạo ra diểm ban đầu đó? Bạn chỉ có thể lựa chọn một trong hai câu trả lời:

–         Điểm ban đầu ấy tự có, chẳng ai sáng tạo ra nó cả.

–         Chúa sáng tạo ra điểm ban đầu đó.

Tôi phân vân không biết lựa chọn thế nào, bởi chọn câu trả lời trên cũng tức là chưa trả lời. Chọn câu thứ hai thì trái với khoa học, vì khoa học không thừa nhận sự hiện hữu của Đấng Sáng Tạo. Nhưng than ôi, chính khoa học lại đưa chúng ta tới cái điểm ban đầu đó – khoa học đã tự làm khó cho mình!

Còn câu chuyện của gã điên thì sao? Tôi nghĩ không cần kết luận. Toàn bộ bài báo này đã là một kết luận rồi.

Ngày 04/09/2013

PVHg


[1] Claudius Ptolemaeus

[2] Thành phố nằm ở phía tây châu thổ sông Nile bên bờ Địa Trung Hải, do Alexandros Đại đế thiết lập năm 331 trước C.N. Tiếng Ai-cập gọi là Iskandariya. Hiện là thành phố phát triển thứ nhì của Ai-cập sau Cairo.

[3] Ptolemy’s model, like those of his predecessors, was geocentric and was almost universally accepted until the appearance of simpler heliocentric models during the scientific revolution

[4] Xem “Lý thuyết về mọi thứ, một lý thuyết khó đạt được” (The Elusive Theory of Everything), Stephen Hawking & Leonard Mlodinow trên Scientific American, October 2010, bản dịch toàn văn tiếng Việt của Phạm Việt Hưng đã đăng trên Khoa học & Tổ quốc số Tháng 03/2012 và các trang mạng: https://viethungpham.wordpress.com/ hoặc http://vietsciences.free.fr/

[5] A famous real-world example of different pictures of reality is the contrast between Ptolemy’s Earth-centered model of the cosmos and Copernicus’s sun-centered model. Although it is not uncommon for people to say that Copernicus proved Ptolemy wrong, that is not true. As in the case of our view versus that of the goldfish, one can use either picture as a model of the universe, because we can explain our observations of the heavens by assuming either Earth or the sun to be at rest. Despite its role in philosophical debates over the nature of our universe, the real advantage of the Copernican system is that the equations of motion are much simpler in the frame of reference in which the sun is at rest”. Lời dịch có sửa chữa đôi chút so với bản dịch đầu tiên để dễ hiểu hơn, nhưng tuyệt đối trung thành về mặt tư tưởng.

Advertisement

4 thoughts on “The Fool and the Gold Fish (Gã điên và con cá vàng)

  1. Tôi hoàn toàn ủng hộ anh Hưng. Vấn đề chỉ là gốc tọa độ đặt ở đâu mà thôi. Trong một phạm vi hẹp của một lớp các bài toán hoặc quan sát nào đó, dùng thuyết địa tâm (gốc tọa độ đặt ở trái đất) sẽ đơn giản hơn khi tính toán. Điều này cũng giống như trong thế giới vĩ mô và vận tốc nhỏ thì nên áp dụng cơ học cổ điển Newton (với một sai số chấp nhận được) thì đơn giản hơn nhiều so với khi áp dụng thuyết tương đối.

    Thích

  2. Thật thú vị, thấy mình cứ nhảy nhót qua lại các hệ quy chiếu, nhưng mà chẳng có chỗ nào cho mình dừng chân cả.
    Không hiểu nếu quan sát mặt trời thì dùng mặt trời làm hệ quy chiếu, quan sát mặt trăng dùng mặt trăng để quy chiếu, quan sát trái đất dùng trái đất để quy chiếu. Nếu thế thì tất cả đều đứng yên. Không biết làm vậy có vấp phải Nghịch lý tự quy chiếu không?

    Thích

  3. Chào bác!
    Câu chuyện về nhà bác học Galile luôn được nhắc đến để cho ng ta đả kích Thiên Chúa giáo làm con người mê tín dị đoan,không khám phá khoa học.Tuy rằng,giáo hội Công giáo đã sai nhưng không đến nỗi giống như ngta thêu dệt để đả kích,đó là những người nhìn 1 sự việc với cái tâm không sáng.
    Cháu xin giới thiệu bác cuốn sách “Đối thoại tôn giáo” của cố Gíam Mục Nguyễn Văn Sang ,giáo phận Thái Bình,cuốn sách có nói về vụ án trên,với hoàn cảnh lịch sử,khả năng tư duy thời đó và cách đối xử của giáo hội Công Giáo với nhà bác học Galile.
    Xin lỗi bác vì điều kiện Internet ko cho phép nên cháu ko gửi bác Softcopy của cuốn sách đc.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s