Những câu chuyện khoa học hiện đại, Chương V: CÔNG NGHỆ

NCCKHHD VChương V cuả cuốn “Những câu chuyện khoa học hiện đại” giới thiệu một số “phép lạ” của công nghệ hiện đại. Ta không khỏi biết ơn những công nghệ đó, nếu nhìn vào những ứng dụng trong y khoa. Nhưng cũng thật đáng sợ nếu những “phép lạ” đó được dùng vào mục đích chống lại con người, như Albert Einstein đã cảnh báo: “It has become appallingly obvious that our technology has exceeded our humanity”…

Những câu chuyện khoa học hiện đại

Chương V: CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI

Mục lục

01.Máy bay tàng hình ra đời thế nào? (Lao Động 24-04-1999)

02.Vũ khí chống tàng hình (Lao Động 25-01-2000)

03.Bom E, một vũ khí nguy hiểm (Lao Động, FPT 11-08-2000)

04.Máy bay khí quyển-không gian (Lao Động 27-04-2001)

05.Dây điện silicon “đánh hơi” bom (Lao Động 24-10-2001)

06.Cuộc cách mạng trong công nghệ nhiếp ảnh (Lao Động, FPT 04-08-1999)

07.Năm xung của bọn tội phạm (Lao Động 13-09-1999)

08.Nghiên cứu tái thiết Trung tâm thương mại thế giới

09.Công nghệ chống khủng bố (Lao Động 03-10-2001)

10.Vật liệu mới cho nhà chọc trời tương lai (Lao Động 11-10-2001)

11.Nuốt máy ảnh để chẩn bệnh (Lao Động 20-11-2001)

12.Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu nhận dạng (Lao Động 24-10-2001)

01.Máy bay tàng hình ra đời thế nào?

Hôm nay các hãng truyền thông nhất loạt đưa tin Bộ quốc phòng Mỹ chính thức xác nhận một máy bay F-117A của NATO đã bị bắn rơi tại nam Tư. Cách đây mấy ngày, NATO vẫn không tin là loại máy bay này có thể bị bắn trúng, bởi nó đã được xác nhận là máy bay tàng hình có khả năng tránh được mọi kỹ thuật theo dõi của đối phương như rađa, bức xạ nhiệt, sóng âm thanh, v.v…

Lịch sử ra đời loại máy bay này có thể tính từ năm 1974 khi Cơ quan nghiên cứu dự án cao cấp thuộc Bộ quốc phòng Mỹ ký hợp đồng với Tổ hợp Lockheed về việc chế tạo một máy bay chiến đấu có khả năng tàng hình. Đó là một hợp đồng béo bở đối với nhà sản xuất, nhưng vô cùng khó khăn về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên vận may đã đến với tổ hợp khi một chuyên gia toán học của Lockheed, 36 tuổi, phát hiện được một công trình nghiên cứu của một kỹ sư Xô viết công bố năm 1975 về kỹ thuật rađa, trong đó có những ý tưởng rất gần với người Mỹ. Nhà toán học trẻ này đã phát triển những ý tưởng đó thành một lý thuyết, gọi là phương pháp tam giác hoá (triangulation), cho phép xác định được kích thước của một vật thể trên màn hình rađa. Từ đó các nhà khoa học của Lockheed tìm ra hình dạng tối ưu của chiếc máy bay tương lai sao cho sóng rađa phản hồi về trung tâm phát rađa của đối phương giảm thiểu xuống mức thấp nhất. Hình dạng đó như hiện nay ta thấy, tổng thể có dạng tam giác, hai cánh tạo với mũi một góc 67 độ. Bề mặt máy bay gồm nhiều mặt phẳng ghồ ghề cốt để sóng phản xạ bị tán xạ, không tập trung về điểm phát. Các chuyên gia đã tính toán rằng 85% sóng rađa của đối phương bị mất vì lý do này, còn lại bị mất vì lý do vỏ máy bay được chế tạo bởi một loại vật liệu đặc biệt có khả năng thấm sóng rađa (không phản xạ).

F-117 có một số đặc điểm khác đáng chú ý: không phun khói hậu, phát tia hồng ngoại ở mức cực thấp, mang bom định hướng bằng laser, tên lửa dò tìm tia hồng ngoại và rađa đối phương, trang bị bản đồ kỹ thuật số (digital), được hướng dẫn bay thông minh nhờ vệ tinh nên bản thân nó không cần phát rađa, v.v…

Được biết sau một loạt thử nghiệm trong đó có những lần nổ tung, chiếc F-117 đầu tiên được bí mật trao cho không lực Mỹ vào năm 1982, và mãi đến năm 1988 thế giới mới biết đến sự tồn tại của loại máy bay kỳ lạ này. Công nghệ sản xuất được coi là hoàn chỉnh vào năm 1990, đúng một năm trước khi cuộc chiến vùng Vịnh (BaTư) bùng nổ. Trong cuộc chiến này máy bay tàng hình đã thực hiện vài trăm phi vụ mà không bị rơi chiếc nào, một thành tích chiến đấu ghê gớm.

Tuy nhiên đối thủ trong cuộc chiến là ai là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá kết quả của sáng chế kỹ thuật. Một chiếc bị rơi tại Nam Tư cũng đã là dấu hiệu cho thấy quy luật “vỏ quýt dày móng tay nhọn” vẫn đúng. Có lẽ các nhà quân sự Mỹ lại đang cùng Tổ hợp Lockheed chụm đầu lại để có một máy bay siêu tàng hình nữa chăng ? (dựa theo Encyclopaedia Britannica 1998 và tạp chí HELIX của Australia cuối năm 1998, Sydney ngày 08 tháng 04 năm 1999)

02.Vũ khí chống tàng hình

Trước nguy cơ kỹ thuật tàng hình lan rộng ra nhiều nước trên thế giới ngoài Mỹ, đồng thời áp dụng cho cả tên lửa định hướng và tên lửa đạn đạo, các nhà nghiên cứu ở Mỹ đang ráo riết nghiên cứu hệ thống radar nhằm đánh bại vũ khí tàng hình. Đó là tiết lộ của bài báo “Tìm và diệt” (Seek and Destroy) của David Fulghum, trên New Scientist ngày 4/12/1999. Hệ thống này bao gồm những điểm chính sau đây:

1)-Hệ thống radar song trạm (Bistatic radar): Kỹ thuật kinh điển để tóm bắt mục tiêu là phát chùm sóng radar tới mục tiêu và thu nhận sóng phản hồi. Từ trước đến nay cùng một trạm radar làm cả hai nhiệm vụ này. Tuy nhiên máy bay tàng hình thường làm tản xạ sóng phản hồi, không để cho sóng quay trở về nơi phát. Để chống lại, hệ thống radar mới sẽ tách riêng trạm phát sóng và trạm thu sóng thành hai đơn vị. Khi đó xác suất để sóng phản hồi quay về trạm thu sẽ lớn hơn rất nhiều vì máy bay tàng hình không xác định được trạm thu. Người Mỹ dự tính triển khai hệ thống radar song trạm trong vòng từ 5 đến 10 năm tới.

2)-Sử dụng radar có bước sóng dài: Lâu nay radar của Mỹ thường sử dụng sóng ngắn vì nó có khả năng đi xa hơn và chính xác hơn. Tuy nhiên những nghiên cứu mới nhất cho thấy sóng dài đặc biệt có hiệu quả trong việc truy tìm mục tiêu tàng hình. Đặc biệt khi bước sóng bằng hai lần kích thước của đối tượng nhận sóng thì hiệu quả phản xạ tăng lên rất nhiều. Một số lượng lớn các trạm radar sóng dài do Liên Xô (cũ) chế tạo vẫn đang được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay. Đó là một trong những nguyên nhân 2 chiếc F-117 bị bắn rơi năm 1999 trong cuộc xung đột Kosovo.

3)-Radar đa tần (multiradar): Radar sóng dài có nhược điểm là chỉ hoạt động chính xác trong phạm vi 50m. Vì thế vẫn phải kết hợp với radar sóng ngắn để làm nhiệm vụ hướng dẫn tên lửa tìm diệt mục tiêu. Phương án tối ưu là tổ chức hệ thống radar hoạt động trên các giải tần khác nhau. Từ phổ sóng điện từ đó có thể lượm lặt ra những dữ liệu có ích nhất. Hệ thống radar đa tần là thành phần chủ yếu trong chiến lược phòng thủ bằng tên lửa định hướng của Lầu Năm Góc, và hệ thống thu thập tình báo về các vụ thử tên lửa đạn đạo của nước ngoài do Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ triển khai.

4-Trạm radar chống tàng hình không gian: Máy bay tàng hình hiện nay chưa được xử lý để che giấu con mắt điện tử nhìn từ trên cao xuống nó. Do đó chúng dễ bị tóm bắt bởi các trạm radar đặt trên vệ tinh hoặc các trạm không gian. Nhóm vệ tinh quân sự Discoverer 2 của Mỹ dự kiến sẽ được nâng cấp từ một hệ thống theo dõi mặt đất lên hệ thống chống mục tiêu tàng hình.

5)-Sử dụng tiếng ồn điện tử: Trái đất ngày nay bị phủ kín bởi hỗn hợp các sóng điện từ có bước sóng dài như sóng radio FM, sóng truyền hình, sóng của các máy hướng dẫn tầu bè đi biển, sóng của mobiphone,….Hỗn hợp này gọi là tiếng ồn điện từ. Sau 15 năm nghiên cứu, Tổ hợp Lockheed của Mỹ đã cho ra đời chương trình Silent Sentry, sử dụng tiếng ồn điện từ để phát hiện các mục tiêu di động trong không gian, thay vì sử dụng các trạm radar quốc phòng. Thí nghiệm tại vùng sân bay Baltimore Washington đã thành công đáng kể. Tổ hợp Lockheed dự định sẽ sử dụng nhiều đài trong số 55000 đài phát thanh FM thương mại, hoặc các đài truyền hình trên thế giới. Để cho hệ thống có thể hoạt động ở khắp nơi, họ phải xây dựng một hệ thống dữ liệu cơ sở khổng lồ, liệt kê danh sách các địa phương kèm theo các tần số có thể sử dụng của mọi địa phương đó. Một ưu thế lớn của Silent Sentry là không thể bị phát hiện, vì nó không hề có trạm radar của chính mình.

Hệ thống phòng thủ bằng radar mới có vẻ hữu hiệu đến nỗi Fulghum viết: “Chẳng bao lâu nữa vũ khí tàng hình sẽ không còn có chỗ để ẩn nấp…”. Tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn để hoàn thiện hệ thống này. Theo tin mới nhất, một hệ thống phòng thủ quốc gia của Mỹ vừa bị thất bại trong ngày thứ ba 18-1-2000 vừa qua. Từ một căn cứ không quân ở Vandenburg, California, một tên lửa tấn công liên lục địa được bắn lên. Vài phút sau, một tên lửa khác mệnh danh là “Hòn đá thông minh” được bắn lên từ căn cứ Kwajalein Atoll ở ven biển Thái Bình Dương với nhiệm vụ tìm diệt tên lửa tấn công, nhưng đã không tìm và diệt được. Trung tá không quân Rick Lehner cho biết: ỎĐến lúc này chúng tôi chưa xác định được lý do, nhưng Bộ quốc phòng Mỹ sẽ tập trung nghiên cứu nguyên nhân thất bại này”. Nếu không có gì trục trặc, hệ thống phòng thủ này sẽ triển khai vào năm 2005 (Sydney, ngày 22 tháng 1 năm 2000).

03.Bom E, một vũ khí nguy hiểm

Thành phố đang bình thường. Bỗng từ đâu đó lóe lên một chớp sóng hỗn độn lan rộng. Tất cả chỉ trong một phần nghìn giây. Không còn phones, không còn computers, không còn một động cơ máy móc điện tử nào nữa. Không ai chết, không có toà nhà nào đổ sập. Nhưng sau đó là một nỗi kinh hoàng bao phủ…. Đó là mô tả của New Scientist số ra ngày 1 tháng 7 năm 2000 về E-bomb, tức bom điện tử (Electronic bomb)-một loại vũ khí mới đang được các cơ quan nghiên cứu quân sự khắp thế giới chú tâm nghiên cứu.

Điều cực kỳ nguy hiểm của vũ khí này là ở chỗ chúng hoạt động theo một quy trình cực kỳ đơn giản, dễ dàng chế tạo và thực hiện: Chỉ cần tạo ra một chớp sóng radio hoặc sóng cực ngắn công suất cao để nướng tất cả những mạch điện mà chúng gặp phải, hoặc một chớp sóng công suất thấp để làm hỗn loạn sự hoạt động của các hệ thống điện tử. Theo Bob Gardner, giám đốc ủy ban chống nhiễu loạn và tiếng ồn điện từ thuộc Liên đoàn quốc tế về khoa học radio tại Ghent, Bỉ, vũ khí vi sóng đã được các nhóm tội phạm sử dụng: Một số vụ làm tê liệt hệ thống an ninh của ngân hàng và cắt đứt liên lạc của cảnh sát ở Nga, một số vụ ngân hàng ở London bị tấn công theo cách tương tự, v.v… Mặc dù rất khó tìm được bằng chứng pháp lý để truy nã thủ phạm nhưng các phân tích khoa học cho phép kết luận chắc chắn có sự phá hoại bằng vũ khí điện từ. Trong xã hội điện tử hoá ngày nay, vũ khí điện từ đe doạ trở thành “vũ khí tiêu diệt hàng loạt”. Computer là mục tiêu số một. Điều trớ trêu là computer càng hiện đại bao nhiêu lại càng dễ bị tiêu diệt bấy nhiêu. Theo Daniel Nitsch, chuyên gia của Viện khoa học quân sự Đức, người đang nghiên cứu đề tài khả năng “sát thương” computer và liên mạng bằng vi sóng công suất cao, cho biết có 3 lý do để hệ thống computer hiện đại dễ bị tấn công : Một, để bảo vệ computer, các nhà sản xuất thường đặt bên trong máy các khối vật liệu hấp thụ tín hiệu bên ngoài đi lạc vào computer, đồng thời cho chạy những dải đồng đỏ quanh những chỗ có dây nối để bảo đảm các vi sóng bên ngoài không xâm nhập được vào bên trong mạch linh kiện. Nhưng với công suất cao hơn, computer hiện đại có độ cảm ứng với sóng lạ cao hơn trong khi không có hệ thống bảo vệ tương xứng; Hai, vì muốn cho tín hiệu chạy trong các mạch nhanh hơn, computer hiện đại phải hạ hiệu điện thế xuống thấp hơn để đảm bảo dòng điện không làm cháy các chíp xử lý. Computer thế hệ những năm 1980 hoạt động ở mức 5 volts (dòng trong mạch), hiện nay ở mức 2 volts. Dòng có hiệu điện thế càng thấp bao nhiêu thì lại càng dễ bị ngắt bấy nhiêu, tức là dễ bị tác động bởi sóng phá hoại bấy nhiêu. Ba, đặc biệt các liên mạng lại càng dễ cảm ứng với sóng phá hoại hơn bởi hàng trăm mét giây cáp nối liền các trung tâm làm việc với nhau đóng vai trò như một ăngten vô cùng nhạy cảm.

Người ta lo ngại rằng vũ khí điện từ không chỉ dừng lại ở mức các hoạt động phá hoại, mà sẽ leo thang thành một thứ vũ khí quân sự lợi hại trong cuộc chiến tranh tương lai. New Scientist tiết lộ rằng vũ khí này đã được sử dụng trong cuộc chiến của NATO năm ngoái nhằm triệt hạ hệ thống radar của Serbia. Thực ra ý đồ chế tạo vũ khí điện từ đã hình thành từ nửa thế kỷ trước đây khi người ta tiến hành những vụ nổ hạt nhân. Khi một trái bom hạt nhân nổ, nó gây ra một xung điện từ khổng lồ lan truyền trong không gian, đủ sức để phá huỷ những những vật dụng điện tử trong khoảng cách hàng dặm. Nhưng bài toán đối với giới quân sự hiếu chiến ngày nay là làm sao tạo ra được những xung tương tự như thế mà không được phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Giới khoa học quân sự đã biết rằng chìa khoá của vấn đề là làm sao có được một xung điện cường độ cao nhưng cực kỳ ngắn hạn. Đồng thời xung này phải được truyền qua một ăngten để phát ra thành những sóng điện từ công suất lớn, trong một giải tần càng rộng bao nhiêu càng có khả năng xâm nhập nhiều bấy nhiêu. Xung có sức phá huỷ mạnh nhất là xung tần số cao, vì vi sóng có khả năng len lỏi qua những khe kẽ rất nhỏ của các linh kiện trong hệ thống điện tử. Xung tần số thấp khoảng vài megahertz (sóng radio) có khả năng thâm nhập vào những dây dẫn nối với nguồn điện. Những đoạn dây này giống như những ăngten truyền thẳng tín hiệu đến bộ phận trung tâm của máy móc điện tử. Nếu xung có công suất lớn thì nó có thể làm cháy các chíp trong computer.

Một trong các loại vũ khí đáp ứng được những yêu cầu đó mà không quân Mỹ đang sử dụng là một lọai máy phát mang tên Marx Generator. Loại máy này khá nặng nề nhưng có thể sử dụng nhiều lần. Trong khi đó giới quân sự đang chú ý tới một loại vũ khí khác chỉ sử dụng được một lần nhưng nguy hiểm hơn, đó là bom E, có khả năng tạo ra một xung công suất 1 tỷ kilowatt, đủ sức tàn phá mọi hệ thống điện tử.

Trước những “phát minh” quân sự nguy hiểm như thế, những người mong mỏi một cuộc sống hoà bình hạnh phúc không thể làm ngơ. Hơn bao giờ hết, lời kêu gọi của Ju-li-út Phu-xích xưa kia lại trở nên cần thiết: “Nhân loại, hãy cảnh giác!”. Daniel Nitsch tại Viện khoa học quân sự Đức tiết lộ: “Rất nhiều người đang lo làm mọi việc cần thiết để đối phó lại những vũ khí như thế. Còn bạn, bạn có thể có cách phán đoán của riêng bạn”. Còn New Scientist thì kết luận dí dỏm: “Nếu một ngày nào đó bỗng computer của bạn ngừng hoạt động thì đừng vội trách cứ ông Bill Gates, mà hãy đi ra ‘window’ (cửa sổ), xem xem có ai cố tình làm hỏng hệ thống máy tính của bạn bằng một dụng cụ điện từ nào không”. (Sydney ngày 30-07-2000)

04.Máy bay khí quyển-không gian

T heo AP và Reuters ngày 19-4-2001, Cơ quan không gian NASA đã công bố chương trình chế tạo loại máy bay khí quyển-không gian, một loại máy bay “siêu siêu âm” (hypersonic) có tốc độ 11587,25 km/giờ, nhanh gấp 10 lần âm thanh, vượt tốc độ tên lửa X-15 trước đây và sẽ là loại máy bay nhanh nhất thế giới vừa có khả năng hoạt động trong khí quyển như một máy bay thông thường, vừa có thể hoạt động trên tầng không gian như các vệ tinh của trái đất.

Trong 4 thập kỷ qua nhà nước Mỹ đã theo đuổi ý tưởng chế tạo ra chiếc máy “vạn năng” như thế. Dưới thời tổng thống Reagan, một chương trình tốn kém 2,4 tỷ $ đã được thực hiện nhằm chế tạo “Máy Bay Khí Quyển-Không Gian Quốc Gia” (National Aero-Space Plane) có khả năng vượt qua một nửa vòng trái đất chỉ trong hơn 2 giờ, nhưng đã không thành công. “Y’ tưởng thật đơn giản, duy chỉ có điều không ai nghĩ ra cách thiết kế một máy bay như thế”, Howard McCurdy, giáo sư Đại học American, nói. Sau hàng chục năm thiết kế đó mới ra đời. Đó là một hệ thống đẩy-động cơ hút thổi không khí (air breathing engine) hoạt động theo hai chế độ ramjet/scramjet đạt được tốc độ giúp máy bay đi vào không gian. Một số máy bay phản lực hiện nay cũng đã có hệ thống đẩy ramjet nhưng tốc độ còn thấp (nhanh nhất là chiếc SR-71-Blackbird mới đạt được tốc độ 3 lần âm thanh). Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên sẽ bắt đầu vào giữa tháng 5 sắp tới, gồm 3 chiếc máy bay không người lái mang tên “Hypersonic Experimental Vehical”, ký hiệu là X-43A. Chiếc đầu tiên khá nhỏ, mầu đen, sẽ chỉ bay một quãng đường ngắn 17 dặm trong 10 giây với nhiệm vụ chủ yếu là thử thách khả năng làm việc của động cơ ramjet/scramjet trong điều kiện tốc độ từ 7 đến 10 lần âm thanh. Hai chiếc tiếp theo có chiều dài 3,66m, hình dạng giống như  ván lướt sóng. Nếu thành công, những máy bay này sẽ phá lỷ lục tốc độ 7 lần âm thanh tạo bởi một tên lửa X-15 vào tháng 10-1967. Giống như tên lửa, máy bay X-43A có nhiên liệu là hydrogene. Nhưng khác với tên lửa hiện nay phải mang theo oxygene để kết hợp với hydrogene tạo phản ứng cháy, máy bay X-43A sẽ lấy oxygene từ không khí nhờ động cơ hút thổi ramjet/scramjet. Do không phải mang theo oxygene, khối lượng X-43A hạ giảm được một nửa, và vì thế chúng đặc biệt lợi thế trong những chuyến bay xa trong không gian sau này. Với chi phí 185 triệu $US, mỗi chiếc X-43A sẽ cung cấp dữ liệu bay cần thiết để chế tạo những máy bay có người lái trong tương lai mà chiều dài có thể lên tới 60,96m. Dự kiến những chiếc đầu tiên sẽ xuất hiện vào năm 2025. Theo AP, những máy bay này có thể sẽ không bao giờ có những chuyến bay thương mại chuyên chở hành khách vì sự gia tốc quá lớn của nó, sức nóng tạo ra bởi sự ma sát với khí quyển và những khó khăn khác do tốc độ quá cao sinh ra, trong khi Reuters lại loan tin đây sẽ là những chiếc đầu tiên của một thế hệ máy bay vận chuyển thương mại mới và những máy bay quân sự mới bay quá nhanh đến nỗi khó mà bắn hạ chúng.

Trước mắt, quy trình khởi động xuất phát của những chiếc X-43A khá phức tạp. Theo kế hoạch, để tạo ra tốc độ không khí đi qua động cơ đủ nhanh, một máy bay ném bom  B52 sẽ ôm chiếc X-43A trên một quãng đường dài 7,315 km rồi nhả nó ra trên bầu trời Thái Bình Dương ven bờ California. Đúng lúc đó, một tên lửa khởi động sẽ được đốt cháy để đẩy động cơ ramjet/scramjet của chiếc X-43A đạt tới tốc độ mong muốn giúp máy bay lên tới độ cao 30,48 km. Sau đó chiếc X-43A sẽ rời khỏi tên lửa đẩy và bay về phía tây vượt qua Thái Bình Dương. Nhưng những máy bay có người lái trong tương lai sẽ phải tự khởi động để xuất phát và tự hạ cánh, không cần sự trợ giúp của bất kỳ phương tiện nào khác.

Joel Sitz, trưởng dự án X-43A, nói: “Mất 60 năm kể từ lúc anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên bằng máy bay đến lúc con người đặt chân lên mặt trăng. Cũng sẽ là 60 năm để biến ý tưởng sơ khai về máy bay khí quyển-không gian thành một hiện thực hoàn thiện, trong đó X-43A là một bước đột phá”. (Sydney ngày 22 tháng 04 năm 2001)

05.Dây điện silicon “đánh hơi” bom

Các nhà hoá học tại Đại học San Diego, Mỹ, vừa khám phá ra rằng dây điện silicon polymer siêu nhỏ cỡ nanometres (1 nanometre-=1 phần tỷ của metre) có khả năng “đánh hơi” rất nhậy bén đối với dấu vết của thuốc nổ TNT và các loại acid chua trong cả nước lẫn không khí. Khám phá này đã cung cấp một loại vật liệu rẻ tiền và hiệu quả có thể dùng để định vị thuốc nổ trong hầm mỏ, dò tìm bom mìn chưa nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh và đặc biệt để phát hiện bom mìn do bọn khủng bố cài đặt. Đó là tin của Scientific American tháng 9-2001.

Với kích thước khoảng 2000 lần nhỏ hơn một sợi tóc, dây điện silicon cỡ nanometres gồm một sợi dây nguyên tử silicon dài được bao quanh bởi các phân tử hữu cơ. Thông thường loại dây điện này có khả năng dẫn điện và rực sáng lên dưới ánh sáng của tia cực tím. Nhưng điều kỳ lạ là chúng sẽ mất khả năng dẫn điện và không rực sáng nữa khi tiếp xúc với thuốc nổ TNT và các loại acid chua. William Trogler thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: “Lợi thế chính của loại silicon polymer này là ở chỗ nó rất bền vững trong môi trường không khí và nước, đồng thời cực kỳ nhậy cảm với những rơi rớt của chất nổ. Với một công nghệ tương đối thô thiển chúng ta cũng đã có thể phát hiện ra sự hiện diện của chất nổ TNT ngay cả khi tỷ lệ chất nổ chỉ chiếm tỷ lệ 1 phần tỷ trong không khí hoặc 50 phần tỷ trong nước biển”. Để chứng minh công nghệ mới, các nhà nghiên cứu đã bôi 0,1 gram TNT lên một chiếc găng tay nhựa. Sau đó lau sạch chiếc găng (để bảo đảm tỷ lệ TNT còn lại rất ít) rồi in dấu bàn tay của chiếc găng lên một miếng giấy chứa loại silicon polymer rực sáng. Bên cạnh dấu bàn tay này, các nhà nghiên cứu cũng in bàn tay của một chiếc găng khác không bôi TNT lên cùng miếng giấy đó và so sánh hai vị trí in bàn tay với nhau. Kết quả trong khi dấu bàn tay có bôi TNT hiện lên thành một hình bàn tay tối đen thì vị trí in bàn tay không bôi TNT không hiện lên hình gì cả mà vẫn giữ nguyên ánh sáng rực rỡ của giấy. Lý do vì “Chất TNT đã làm tắt ánh sáng xanh lá cây của silicon polymer, nói theo thuật ngữ hoá học là làm tắt trạng thái bị kích thích của silicon polymer”, Trogler giải thích. Các nhà nghiên cứu nói rằng kỹ thuật in dấu bàn tay này có thể sẽ được ứng dụng trong an ninh trên máy bay và rất nhiều ứng dụng khác. Một thành viên nghiên cứu khác là Michael Sailor nói: “Dây điện silicon polymer cỡ nanometres này có thể hoà tan vào trong các chất hoà tan và sơn lên các bề mặt đồ vật cần thiết giống y như bạn phun sơn lên tường nhà. Nếu đem phun chất silicon polymer này lên các bộ lọc không khí hoặc lọc nước, người ta sẽ có thể phát hiện được TNT trong không khí và nước”.

Trong lúc Liên hiệp quốc đang lo giải thoát cạm bẫy của hàng triệu quả mìn chưa nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh trong quá khứ ở nhiều nới trên thế giới, và đặc biệt trong lúc nhân loại đang lo lắng trước nguy cơ khủng bố đang tăng lên gấp bội, khám phá hiện tượng kỳ lạ của dây điện silicon cỡ nanometres là một món quà bất ngờ và vô giá đem lại niềm tin vào một cuộc sống bình an, hạnh phúc.

06.Cuộc cách mạng trong công nghệ nhiếp ảnh

Tạp chí Forbes ngày 5-7-1999 vừa loan báo Công ty Foveon ở Santa Clara, California, Mỹ mới chế tạo một loại máy ảnh mới với chất lượng hoàn hảo chưa từng thấy, có cấu tạo về căn bản dựa trên nguyên lý tương tự (analog) kết hợp với nguyên lý số (digital): ánh sáng từ đối tượng được chụp hình đi qua hệ thống thấu kính (hội tụ và phân kỳ), sau đó qua một lăng kính phân tích thành ba chùm tín hiệu đỏ, xanh lá cây, xanh da trời. Chùm ánh sáng phân cực này lại đi qua một con bọ cảm ứng điện tử (chip sensor) để biến thành thông tin dưới dạng số và được xử lý trên computer. Carver Mead, tác giả thiết kế, đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật analog, nhất là trong công nghệ nhiếp ảnh, vì theo ông dữ liệu nhập theo phương pháp analog nhậy cảm hơn rất nhiều so với phương pháp số. Điều này giống như hoạt động của bộ não con người. Carver Mead cho rằng bộ não sản sinh ra các cơ chế lý hoá dưới dạng analog để phản ánh các đối tuượng mà nó phát hiện thấy, và một bộ máy phản ánh hiện thực tốt nhất phải có cơ chế hoạt động giống như bộ não, mà ông gọi là các mô hình phỏng não bộ (neuromorphic model). Carver Mead còn tiên đoán sẽ đến ngày công nghệ phải trở lại với kỹ thuật analog.

Brian Halla, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu quốc gia (Mỹ) nói: “Đây không phải là một cuộc cách mạng nhiếp ảnh, mà là cuộc cách mạng trong nhiếp ảnh” (ý nhấn mạnh rằng không còn có một cuộc cách mạng nhiếp ảnh nào khác sánh ngang với cuộc cách mạng này).

Hiện nay Foveon đang tập trung vào chương trình sản xuất trị giá 4 tỷ USD nhằm cung cấp máy cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trên toàn thế giới. Tạp chí Forbes tiên đoán công nghệ mới này sẽ thâu tóm toàn bộ thị trường máy ảnh thế giới, từ loại thượng hạng đến loại chụp-xong-vứt-đi (throwaways), đơn giản vì “chỉ trong hai phút nó cho một chiếc ảnh thoả mãn nỗi khao khát của con người và của nghệ thuật”. (Sydney 01-08-1999)

07.Công nghệ chống tội phạm

Theo Reuters, năm 1999 là “năm xung” của bọn tội phạm và khủng bố vì Công ty Cambridge Neurodynamics cho ra đời một hệ thống nhận diện con người kiểu mới vô cùng hoàn hảo. Hệ thống gồm các camera chụp ảnh và quay phim, các máy phát laser, và một liên mạng computer để phân tích dữ liệu. Linh hồn của hệ thống là phần mềm chuyên phân tích các đặc điểm nhân dạng (hình thể học, dấu vân tay v.v…). Trước tiên ống kính sẽ chụp một loạt hình hai chiều của đối tượng từ các góc độ khác nhau. Đồng thời hai chùm laser cường độ thấp đặt ở hai bên sẽ rà quét (scan) qua khuôn mặt đối tượng để xác định độ cong và chiều sâu. Các thông số từ camera và máy phát laser sẽ được hệ thống computer lập tức phân tích và tổng hợp thành chân dung 3 chiều của đối tượng, đồng thời đối chiếu so sánh với các hình ảnh chân dung trong hồ sơ lưu trữ để chỉ ra đích danh tung tích của đối tượng. Toàn bộ quá trình này thực hiện cực kỳ nhanh chóng và có độ chính xác gần như tuyệt đối. Kết quả tiến hành trong phòng thí nghiệm cho thấy: Nếu hình ảnh trong kho lưu trữ do chính hệ thống này tạo ra từ trước thì kết quả so sánh một đối tượng bị theo dõi với hồ sơ lưu trữ đạt kết quả chính xác 100%. Nếu các hình ảnh lưu trữ không phải do hệ thống này tạo dựng từ trước thì kết quả đạt khoảng từ 95% tới 99%. (Sydney ngày 10-09-1999)

08.Nghiên cứu tái thiết Trung tâm thương mại thế giới

Theo tin tờ The Daily Telegraph của Australia ngày 14-9-2001, thị trưởng New York là Rudy Giuliani vừa tuyên bố Trung tâm thương mại thế giới WTC sẽ được xây dựng lại to hơn và đẹp hơn. Cùng ngày, Reuters cũng đưa tin: Ngay sau khi việc cứu hộ hoàn thành, một nhóm chuyên gia về thiết kế nhà chọc trời, về nổ cháy và sụp đổ sẽ bắt tay ngay vào nghiên cứu tại sao WTC đã sụp đổ và sụp đổ như thế nào, để từ đó rút ra những kết luận khoa học cần thiết nhằm thiết kế xây dựng lại Cặp Tháp Song Sinh (Twin Towers) sao cho có thể cứu được nhiều nhân mạng hơn trong những trường hợp khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Việc nghiên cứu sẽ bắt đầu từ việc xem kỹ lại các cuốn băng video và ảnh chụp sự sụp đổ diễn ra sau vụ tấn công của hai chiếc máy bay bị không tặc. Các chuyên gia sẽ phân tích kích thước, tốc độ và lượng nhiên liệu của hai chiếc may bay đang bay nhanh, đồng thời cả vị trí và tư thế của chúng khi đâm xuyên qua hai toà nhà chọc trời này. Gene Corely, phó chủ tịch Viện nghiên cứu công nghệ xây dựng kiêm kãnh đạo nhóm nghiên cứu, nói: “Từ những dữ liệu này chúng tôi hy vọng sẽ có thể đưa ra những đề nghị mới đối với việc xây dựng một công trình tốt hơn trong tương lai nếu công trình này bị tấn công”. Công trình WTC được xây dựng vào những năm cuối 1960 đầu 1970 do kiến trúc sư Nhật Bản Minoru Yamasaki thiết kế đã tính đến khả năng va chạm của máy bay Boeing 747 nhưng không thể lường được hiện tượng nổ của nhiên liệu gây ra những quả cầu lửa như đã xẩy ra trong trường hợp khủng bố vừa qua. Theo Corely, hai toà tháp của WTC  với kết cấu khung thép xung quanh đã sụp đổ chủ yếu không phải vì lực va chạm mạnh mà vì sự nổ cháy diễn ra sau đó. Nhiệt độ tăng vọt có thể tới quãng 1100 độ C đã làm chảy các khung thép và làm chúng mất khả năng chịu lực. Đó là lý do vì sao quân khủng bố đã cố tình chọn loại máy bay chạy đường dài để không tặc, vì những máy bay này chứa một lượng nhiên liệu rất lớn, như chiếc Boeing 767 có thể chứa tới 90000 lít xăng. Mặt khác, vị trí va chạm cũng là một vấn đề làm các chuyên gia đặc biệt chú ý. Toà tháp phía bắc (North Tower) bị chiếc Boeing 767 đâm vào chính giữa của một tầng ở độ cao khoảng từ tầng 80 đến tầng 85 vào lúc 8 giờ 42′ sáng 11-9-01, trong khi toà tháp phía nam (South Tower) bị chiếc Boeing 737 đâm vào một góc ở tầng thấp hơn một chút vào lúc 9 giờ sáng (muộn hơn 18 phút so với toà tháp phía bắc), nhưng toà tháp phía nam đã sụp đổ lúc 10 giờ sáng, tức 1 giờ sau khi bị máy bay đâm, trong khi toà tháp phía bắc sụp đổ lúc 10 giờ 28′, tức là đã trụ vững được 1 giờ 46 phút kể từ lúc bị công phá. Theo các chuyên gia, sự sụp đổ chậm hơn của toà tháp phía bắc liên quan đến vị trí bị công phá trên các tháp này. Corely nói: “Dựa trên kinh nghiệm của tôi, tôi tin rằng chúng ta có thể xác định được hàng loạt sự kiện và tìm ra  cái gì là lý do chính để toà tháp này lại đứng vững được lâu hơn toà tháp kia. Thành phần cấu trúc bị huỷ hoại khác nhau tại hai tháp cũng sẽ là một phần của lý do. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm xem cái gì sẽ có thể thực hiện để bảo đảm công trình tương lai sẽ tốt hơn, mặc dù chúng tôi không nghĩ rằng thiết kế của WTC  trước đây có bất cứ điều gì sai”. Một chuyên gia khác là Paul Mlakar cho rằng chiều cao chọc trời của hai toà tháp không phải là yếu tố liên quan đến sự sụp đổ. (Sydney ngày 15 tháng 9 năm 2001)

09.Nghiên cứu chống khủng bố

Theo Reuters ngày 24-9-2001, Mỹ đang đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ vào việc chống khủng bố:

1-Trang bị hệ thống nhận dạng tiên tiến tại sân bay:

Ngoài hệ thống máy soi hành lý như đã có, trong vài tuần nữa các sân bay ở Mỹ sẽ bắt đầu được trang bị thêm hệ thống nhận dạng tiên tiến nhằm phát hiện những kẻ đã nằm trong hồ sơ của FBI, bị nghi ngờ là thành viên của các nhóm khủng bố nhưng chưa bị bắt giữ.  Các chuyên viên đang thử nghiệm hệ thống này tại 2 sân bay quốc tế, trong đó có sân bay Logan ở Boston, nơi xuất phát của hai chiếc Boeing bị không tặc đâm vào Trung tâm thương mại thế giới WTC ngày 11-9. Các cameras thu hình tại các điểm kiểm tra sẽ chuyển “chân dung” của hành khách đi qua điểm đó tới một trung tâm của FBI thông qua Internet. Tại trung tâm này, một hệ thống máy tính cực nhạy sẽ phân tích “chân dung” đó thành một “bản đồ số” (digital map), phiên dịch các đường nét thành các công thức toán học rồi so sánh với hàng ngàn bức ảnh trong hệ thống dữ liệu cơ sở của FBI. Nếu các dữ liệu trùng hợp thì lập tức hệ thống sẽ phát ra một chỉ thị báo động. Cuộc thử nghiệm đã thành công đến mức một quan chức Bộ giao thông chứng kiến tại chỗ đã phải thốt lên “Thật là một công nghệ kỳ diệu đầy hứa hẹn”, và gọi đó là một “lá chắn cho quốc gia”, trong khi các chuyên viên kỹ thuật nói rằng mức độ nhầm lẫn hầu như không thể xẩy ra vì “bản đồ số” của mỗi khuôn mặt sẽ cung cấp những đặc tính cá biệt giống như “dấu vân tay” (fingerprint), và có thể gọi đó là “dấu khuôn mặt” (faceprint). Tuy nhiên hệ thống này chỉ có tác dụng ngăn ngừa những kẻ đã có hồ sơ tại FBI chứ không thể phát hiện một tên khủng bố mà FBI chưa hề biết. Mặt khác, “mặt trái” của máy móc là ở chỗ làm cho nhân viên kiểm tra chủ quan, ỷ lại vào máy móc, dễ đi đến chỗ cẩu thả vô trách nhiệm như trong trường hợp để lọt lưới vũ khí tại sân bay Logan vừa qua, mặc dù chỉ là những con dao cắt thùng giấy. Vì thế hệ thống này chỉ được coi là một “nhân viên” hỗ trợ đắc lực mà thôi.

2-Nhiên liệu máy bay không nổ:

Trong vụ khủng bố WTC  ngày 11-9, nếu xăng máy bay chỉ cháy không thôi mà không phát nổ thì thảm hoạ có thể giảm đi rất nhiều. Đó là nhận định của Robert Clodfelter, chủ tịch công ty AFP chuyên xử lý các vụ máy bay cháy. Theo Clodfelter, trong điều kiện bình thường, xăng chỉ cháy mà không nổ, nhưng nếu xăng đã nổ thì sức nổ rất ghê gớm: 1 kg xăng nổ có thể toả ra một năng lượng lớn gấp 10 lần 1kg thuốc nổ TNT ! Trong vụ máy bay đâm vào WTC vừa qua, lúc đầu chỉ có một phần nhỏ nhiên liệu bị cháy, nhưng sau khi khoang nhiên liệu bị vỡ, xăng loang ra, bốc hơi rất nhanh, tạo thành một hỗn hợp với không khí như sương mù. Gặp lửa, đám sương mù ấy phản ứng với ôxy trên một diện tiếp xúc rộng, toả nhiệt cực nhanh, do đó phát nổ. Vì thế các chuyên gia về nổ cháy ngay từ bây giờ đã bắt đầu nghiên cứu phương pháp chế ra một loại nhiên liệu nào đó sao cho không bị nỗ cháy khi thùng chứa bị va chạm. Một loại xăng như thế sẽ gọi là xăng an toàn. Thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng các chuyên gia đã đề xuất giải pháp pha vào xăng một hợp chất hoá học đặc biệt nào đó để ngăn ngừa khả năng bốc hơi nhanh của nó để không tạo ra sương mù, đồng thời để biến nhiên liệu lỏng thành một hợp chất đặc quánh sau khi va chạm, nhằm làm giảm tiếp diện với ôxy-nguyên nhân gây ra nổ cháy. Thực ra ý tưởng này không phải là mới. Ngay từ năm 1996 Cơ quan khoa học quốc gia Mỹ đã từng tuyên bố rằng có thể chế tạo được một loại nhiên liệu không nổ cháy. Nay là lúc cần biến ý tưởng này thành hiện thực. (Sydney ngày 25 tháng 9 năm 2001)

10.Vật liệu mới cho nhà chọc trời tương lai

Theo tờ San Francisco Chronical ngày 1-10-2001, Jian-Wen Ju, chuyên viên về nổ cháy kiêm chủ nhiệm khoa công nghệ xây dựng dân dụng của Đại học California ở Los Angeles, đã kiến nghị sử dụng một loại vật liệu mới cho các nhà chọc trời được xây dựng trong tương lai để bảo vệ cho các công trình này không bị sụp đổ do nổ cháy giống như hai toà tháp song sinh của Trung tâm thương mại thế giới WTC  trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001 vừa qua.

Như tin đã đưa  trên Lao Động ngày 18-9-2001, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ dần dần của hai toà tháp của WTC là do nhiệt độ tăng vọt tới khoảng 2000 độ F khi xăng máy bay nổ cháy làm chẩy lỏng các cột và thanh giằng bằng thép vốn là kết cấu chịu lực của công trình. Thực tế này nằm ngoài mọi tính toán của các kỹ sư xây dựng nhà chọc trời từ trước đến nay. Nhưng “thế giới sau ngày 11-9-2001 đã thay đổi”, kể cả kỹ thuật và công nghệ xây dựng. Jian-Wen Ju, với kinh nghiệm của một trợ lý của Lầu Năm Góc từng tham gia các công trình xây dựng quân sự, đã đề nghị bao bọc kết cấu thép của các công trình tương lai bởi những vật liệu chịu nhiệt rất cao, như một loại sứ đặc biệt được gia cố bởi sợi carbon, hoặc một loại bêtông được gia cố đặc biệt, nhằm bảo vệ cho kết cấu thép chịu ảnh hưởng tối thiểu bởi nhiệt độ. Loại sứ mà Ju nói tới đã từng được sử dụng để bao bọc đầu mũi chóp và mép cánh con tầu vũ trụ, nhằm bảo vệ cho con tầu không bị cháy do tiếp xúc với không khí ở tốc độ rất lớn khi trở về trái đất. Đồng thời Ju cũng đề nghị làm giảm đến mức tối thiểu các đổ vỡ hư hỏng bằng cách gia cố các cửa sổ bởi các thành phần polymer dát mỏng không thể vỡ, không cháy, giống như các cửa sổ trên các bức tường sụp đổ của Lầu Năm Góc ngày 11-9-2001 vừa qua. Nói cách khác, cần phải chuyển một số công nghệ quốc phòng sang công nghệ dân sự. Một số công trình xây dựng quân sự thí nghiệm mà Ju có tham gia chỉ bị gẫy vỡ chứ không hề sụp đổ mặc dù cũng bị nổ cháy do các tên lửa bắn trúng. Theo Ju, giá thành áp dụng những kỹ thuật này cho các công trình dân sự hiện đang tồn tại sẽ rất cao đến mức không thể chấp nhận được, nhưng đối với các công trình mới xây thì giá thành sẽ tăng khoảng từ 20% đến 30%, nghĩa là ở mức chịu đựng được. Ju nói: “Thật bõ công để xem xét áp dụng các biện pháp này đối với các cao ốc từ 60 tầng trở lên để hạn chế ý đồ tấn công trong tương lai của bọn khủng bố”.

Tuy nhiên ý tưởng của Ju gặp một số khó khăn. Một là kinh phí quá tốn kém. Hyman Brown, kỹ sư dự án của công trình WTC trước đây, hiện là giáo sư Đại học Colorado, cho biết giá thành mỗi tháp của WTC vào thời điểm xây dựng trước đây (khoảng 1970) là 800 triệu USD, nhưng hiện nay sẽ phải là 3 tỷ USD chưa tính đến việc trang bị những vật liệu mới chịu được nổ cháy như dự án của Ju. Brown nói: “Có những giải pháp kỹ thuật có thể thực hiện được để xây dựng những tháp chọc trời mới an toàn hơn, nhưng chỉ có chính phủ với túi tiền không hạn chế mới có thể đầu tư xây dựng, và chỉ có những ông chủ giầu kếch sù mới có tiền để thuê các gian phòng trong đó làm trụ sở giao dịch làm việc mà thôi”. Khó khăn thứ hai là vấn đề tâm lý: Liệu ai sẽ là người chịu ngồi làm việc ở tầng 110 trong toà tháp tương lai? (Sydney ngày 06 tháng 10 năm 2001)

11.Nuốt máy ảnh để xác định bệnh bên trong cơ thể

Bệnh viện công cộng Saint Vincent tại Melbourne, Australia, vừa thực hiện thành công một ca chẩn bệnh bằng cách cho bệnh nhân nuốt một máy ảnh. Thông tin do máy ảnh cung cấp đã giúp xác định chính xác tình trạng bệnh và vị trí bệnh bên trong cơ thể.

Matthew Steward, một sinh viên mới 19 tuổi nhưng trông xanh rớt vì thường xuyên bị đau ở bụng, đại tiện có máu. Trong hai năm qua anh đã phải vào bệnh viện tới 10 lần mà các bác sĩ không sao xác định được chính xác tình trạng và vị trí căn bệnh bên trong cơ thể. Anh đã nhiều lần được chụp quang tuyến X hoặc được làm nội soi hệ tiêu hoá (colonoscopy) bởi một máy ảnh nhỏ xíu gắn ở đầu một đường ống luồn qua hậu môn vào sâu bên trong đường ruột, nhưng tất cả các phương pháp này đều không phát hiện thấy điều gì bất thường. Nhưng cách đây vài tuần tại bệnh viện St Vincent, Steward đã được chọn để thí nghiệm một phương pháp chẩn bệnh hoàn toàn mới mang tính cách mạng trong y khoa: “Uống” một máy ảnh vào bụng y như uống một viên thuốc. Máy ảnh này gồm một đèn flash, một pin nguồn, và một máy phát sóng vô tuyến, có hình thù giống như viên thuốc con nhộng nhưng lớn hơn một chút: dài 26mm, đường kính thiết diện 11mm. Steward nói lúc đầu hơi khó nuốt, nhưng sau khi máy ảnh trôi qua cổ họng thì cảm giác khó chịu biến mất. Máy ảnh đã trôi theo đường thực quản vào dạ dày, rồi sau đó đi được khoảng từ 6m đến 7m trong ruột non, theo đúng hành trình thông thường của thức ăn. Trong thời gian Steward đi bộ về nhà và ngồi xem tivi sau đó, máy ảnh liên tục làm việc, chụp một loạt ảnh bên trong cơ thể với tốc độ 2 ảnh trong 1 giây. Thông tin của các bức ảnh được chuyển thành các sóng vô tuyến gửi đến các miếng băng dính cảm ứng (sensor patches) gắn trên ngực và bụng, những miếng băng cảm ứng này được nối với một máy ghi dữ liệu xách tay treo bên hông bệnh nhân. Bẩy tiếng đồng hồ sau, Steward trở lại bệnh viện. Tại đó thông tin của các bức ảnh được đưa vào computer để chuyển lại thành ảnh trên màn hình. Kêt quả rất rõ ràng: Những vết loét rộng, phức tạp tại phần thấp hơn của ruột non, một khu vực mà các máy nội soi thông thường không vào tới được. Các bác sĩ quyết định Steward sẽ phải mổ trong năm nay, nhưng Steward rất vui lòng vì đối với anh điều quan trọng nhất là đã xác định được chính xác căn bệnh.

Bệnh viện St Vincent sẽ thí nghiệm phương pháp mới này cho 20 bệnh nhân theo một chương trình thí nghiệm của quốc tế. Máy ảnh tí hon này mang tên M2A do Israel chế tạo, gía thành khoảng 400 US$, dùng xong một lần rồi bỏ đi, thường được bài tiết ra ngoài sau 24 giờ đồng hồ. Giá thành của một ca chẩn bệnh theo phương pháp mới này khoảng 750 US$, tương đương với giá thành làm nội soi theo các phương pháp thông thường hiện nay. (Chú thích ảnh kèm theo: Máy ảnh M2A nhỏ xíu (so với đồng 5 cents đặt bên cạnh), khi nuốt vào bụng sẽ ghi lại hình ảnh bên trong bụng). (Sydney ngày 17 tháng 10 năm 2001)

12.Bộ quốc phòng Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu hệ thống nhận dạng

Theo Scientific American tháng 9-2001, Bộ quốc phòng Mỹ đang đẩy mạnh chương trình nghiên cứu hệ thống theo dõi và nhận dạng mang tên IUFP (Image Understanding for Force Protection) để bảo vệ các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài chống lại các cuộc khủng bố đánh bom. Hệ thống này phỏng theo hệ thống theo dõi tội phạm đã được lắp đặt trên các khu phố đông dân cư thuộc vùng Newham ở đông London, nhưng được cải tiến tinh vi hơn nhiều nhờ việc phối hợp nhiều kỹ thuật nhận dạng khác nhau.

Trong thời đại ngày nay bọn khủng bố có thể thay đổi hình dạng bằng nhiều cách kể cả nhờ can thiệp bằng giải phẫu chỉnh hình, mặt khác khả năng tiếp cận với thành phần khủng bố cũng có thể xẩy ra ở những khoảng cách gần xa khác nhau, do đó một kết quả nhận dạng chính xác nhất phải là sự kết hợp của nhiều phương pháp đo lường sinh học (biometrics) khác nhau, từ kỹ thuật xác định dấu vân tay, nhận dạng mặt mũi, đến nhận dạng tròng mắt (iris), nhận dạng võng mạc (retina), nhận dạng vành tai, nhận dạng tỷ lệ kích thước thân thể chân tay, nhận dạng âm sắc tiếng nói, nhận dạng nhiệt độ mạch máu trong đầu,  nhận dạng “động học dáng đi” (kinetics of gait). Việc phối hợp các kỹ thuật nhận dạng thực ra đã được một số máy ATM (máy tự động rút tiền ngân hàng) và một số computers có nhu cầu an ninh cao đã trang bị, nhưng các chuyên gia của Bộ quốc phòng muốn nâng hệ thống đó lên cấp liên mạng. Các căn cứ quân sự và gián điệp của Mỹ đòi hỏi các máy đo lường sinh học và liên mạng nhận dạng phải nhận ngay ra các đối tượng từ cách xa 30,5 mét đến 150 mét, đặc biệt phải nhận ra các đối tượng nhiều lần lảng vảng đến gần căn cứ, phân biệt được các đối tượng trong một đám đông hàng trăm người đi lại ở khu vực thành phố. Muốn đạt được điều đó phải có một phần mềm đủ mạnh để phối hợp một số lượng dữ liệu khổng lồ, cho phép so sánh hàng nghìn thậm chí hàng vạn dữ liệu thu thập được trong một giây với hàng vạn dữ liệu trong hồ sơ lưu trữ để phát hiện ra những tên khủng bố đã biết hoặc những tên khủng bố khả nghi. Các chuyên gia Bộ quốc phòng dự định sử dụng phần mềm FaceIt sẵn có của cảnh sát vùng Newham London và phát triển hoàn thiện thêm. Với dự toán chi tiêu cho chương trình này là 11,7 triệu US $, Cơ quan nghiên cứu DARPA của Bộ quốc phòng đang hy vọng sẽ có trong tay một công cụ hữu hiệu báo trước được những cuộc tấn công khủng bố. (Sydney ngày 20 tháng 10 năm 2001)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s