Professor / GS Bùi Phụng (1936 – 2007)

If there was a linguist who presented to members of the Royal Society of England the beauty of Vietnamese language, it was Professor Bui Phung, a lexicographer, former dean of the Vietnamese language department of Hanoi University. I have many special memories of Prof Bui Phung to tell you today.

Nếu có một nhà ngôn ngữ học trình bày cho các thành viên của Hội Hoàng gia Anh nghe về cái hay cái đẹp của tiếng Việt thì đó là Giáo sư Bùi Phụng, nhà soạn từ điển, nguyên chủ nhiệm khoa tiếng Việt của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi có nhiều kỉ niệm đặc biệt về GS Bùi Phụng để hôm nay kể cho các bạn nghe.

Tôi đã trải qua khá nhiều lớp tiếng Anh: lớp ở Đại học Tổng hợp thời sinh viên, lớp của Đại học Sư phạm để lấy bằng C, lớp bên Úc khi mới định cư, … Tôi gặp khá nhiều thầy dạy tiếng Anh, từ thầy người Việt đến thầy người Úc … Nhưng không lớp nào và không thầy nào để lại cho tôi nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc như lớp của Giáo sư Bùi Phụng, vì nhiều lý do:

Trước hết vì không ai nói tiếng Anh hay bằng thầy Bùi Phụng, mặc dù thầy chưa đi Anh bao giờ. Tiếng Anh của thầy có âm nhạc trong đó. Phát âm của thầy nghe “sướng lỗ nhĩ” – mấy chữ này tôi học được từ chính thầy Bùi Phụng. Tai tôi là tai mê nhạc (tôi từng say mê chơi nhạc) nên tôi nhận ra chất âm nhạc trong ngôn ngữ rất nhanh, cả trong ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ viết. Ngôn ngữ có âm nhạc sẽ làm cho người nghe bị hút vào một cách vô thức. Ngôn ngữ thiếu âm nhạc sẽ lủng củng, khô khan, chán ngấy. Ngôn ngữ nào cũng có âm nhạc của nó. Âm nhạc của ngôn ngữ phụ thuộc vào phát âm (pronunciation) và ngữ điệu (intonation). Cả hai yếu tố này đều là ưu thế vượt trội của Thầy Bùi Phụng. Vì thế học tiếng Anh của Thầy Bùi Phụng rất sướng – được nghe Thầy nói là đủ sướng tai rồi – và rất có lợi, vì người học sẽ chịu ảnh hưởng bởi cách phát âm và ngữ điệu của Thầy.

Thứ hai, vì Thầy thường đòi hỏi học trò phải tự nỗ lực tìm hiểu những vấn đề ngữ pháp mà các sách giáo khoa tiếng Anh đã trình bày, để dành thì giờ trên lớp thực hành nghe và nói, sao cho người học có thể áp dụng tiếng Anh vào cuộc sống ngay tức khắc. Điều này khác hẳn với những lớp tiếng Anh cấp bằng C cho học viên nhưng học viên vẫn “câm” tiếng Anh khi bước vào đời.

Thứ ba, tiếng Anh của Thầy Bùi Phụng không phải là một ngoại ngữ, mà là tiếng Anh của một nhà ngôn ngữ học. Chuyên ngành của Thầy là tiếng Việt, nhưng những hiểu biết của thầy về ngôn ngữ nói chung là hiểu biết của một nhà ngôn ngữ học bậc thầy. Thầy không chỉ soạn Từ điển Việt – Anh, mà còn có nhiều hoạt động nghiên cứu khác. Thầy đã được Hội hoàng gia Anh (Viện Hàn lâm Anh) mời đích danh Thầy sang London trình bày cho các viện sĩ Anh nghe về những cái hay cái đẹp của tiếng Việt. Thầy rất biết mình, biết người. Một lần Thầy nói riêng với tôi: “Ở Việt Nam này, tôi không chịu chữ nghĩa của ai cả, trừ một người, đó là Cao Xuân Hạo”. Năm 2004, tôi có dịp đến thăm Giáo sư Cao Xuân Hạo ở TPHCM, tôi kể cho anh Hạo nghe nhận xét của Thầy Phụng. Anh Hạo lại nhờ tôi chuyển lời đến Giáo sư Bùi Phụng, rằng: “Cao Xuân Hạo chẳng chịu tiếng Anh của ai cả, trừ Bùi Phụng”. Tiếc thay, tôi bận việc này việc nọ, chưa kịp chuyển lời đó thì Thầy Bùi Phụng đã ra đi. Đúng là chỉ có bậc cao minh mới nhận ra bậc cao minh!

Nhưng kỷ niệm khó quên nhất của tôi với Thầy Bùi Phụng là lần đầu tiên tôi vào lớp của Thầy (do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức). Tôi ngồi ngay hàng đầu tiên, gần chỗ Thầy ngồi. Thấy tôi lạ, Thầy hỏi:

  • Are you a new one? (Cậu là học trò mới à?)
  • Yes Sir, I am (Vâng thưa thầy, em là một học trò mới), tôi thưa.
  • Introduce some things about yourself, please (Vậy cậu hãy giới thiệu đôi điều về bản thân đi).
  • Yes, Sir, I used to be the lover of one of your cousins (Vâng thưa Thầy, em từng là người yêu của một trong các em họ của Thầy)
  • Really? Who was that? (Thật thế à? Đó là ai vậy?)
  • That was Bùi Tố Quyên! (Đó là Bùi Tố Quyên)
  • Oh my God! (Trời ơi!) Thầy Phụng kêu lên.

Thầy không nói tiếng Anh nữa, mà quay sang nói tiếng Việt với cả lớp (lúc hứng khởi nhất ta vẫn thích nói bằng thứ ngôn ngữ thân thiết nhất):

  • Các bạn ơi, cậu này khôn quá. Cậu ta yêu ai chứ yêu cô em họ của tôi thì cậu ta khôn lắm! Các bạn có biết cô em họ của tôi thế nào không? Đó là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời! Dễ thương lắm! Tôi cũng thấy tự hào vì em tôi đấy! Tiếc thay, em tôi mất rồi. Mất vì một tai nạn. Cậu này đã yêu nó. Cậu ấy là một người đàn ông thật may mắn!

Rồi thầy lại quay sang hỏi tôi:

  • Do you have any more to say about? (Cậu còn gì để nói nữa không?)
  • Yes Sir, I used to be one of your wife’s students. In 1961, she taught me Geography (Vâng, thưa Thầy, em từng là một trong những học sinh của vợ Thầy. Năm 1961, vợ thầy dạy em môn Địa lý)
  • Oh, What a beautiful memory! (Ôi, thật là một kỷ niệm đẹp!)

Một lần nữa Thầy Phụng lại quay sang nói với cả lớp:

  • Này các bạn. Đây chính là một học trò tôi muốn có. Cậu ấy đã học bà vợ tôi từ ngày xưa mà hôm nay vẫn nhớ, vẫn nhận mình là học trò của vợ tôi. Trong khi tôi có một học trò vừa học tôi năm trước, vậy mà năm sau gặp tôi tại một cuộc lễ tân ở Bộ Ngoại giao, nó cụng ly với tôi như với một người xa lạ, không chào Thầy, nó coi tôi như mọi người khác trong buổi lễ tân hôm đó. Nó không muốn mọi người biết nó là học trò của tôi. Nhưng hôm nay tôi rất vui vì có một học trò mới này, một học trò vô tình đã có mối liên hệ với tôi qua bà vợ tôi và cô em họ của tôi …

Tôi vô cùng sung sướng khi nghe Thầy Phụng nói ra những lời lẽ bộc trực thẳng thắn đó. Tôi không ngờ những sự thật rất giản dị tôi nói ra lại được Thầy Bùi Phụng đánh giá cao như thế. Tôi không ngờ Thầy Bùi Phụng lại thích những điều tôi nói đến như thế. Thầy đã ban thưởng cho tôi những lời khen làm tôi nở mày nở mặt, đặc biệt là lời Thầy nói về Quyên, mà tôi xin nhắc lại dưới đây để độc giả biết rằng tôi hạnh phúc như thế nào:

  • Các bạn ơi, cậu này khôn quá. Cậu ta yêu ai chứ yêu cô em họ của tôi thì cậu ta khôn lắm! Các bạn có biết cô em họ của tôi thế nào không? Đó là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời! Dễ thương lắm! Tôi cũng thấy tự hào vì em tôi đấy! Tiếc thay, em tôi mất rồi. Mất vì một tai nạn. Cậu này đã yêu nó. Cậu ấy là một người đàn ông thật may mắn!

Sau này, khi tôi đã thân với Thầy, bỗng một hôm Thầy hỏi tôi:

  • Have you read the Bible yet? (Cậu đọc Kinh Thánh chưa?).

Tôi định thưa “rồi ạ”, vì hồi bé tôi đã từng phải học thuộc lòng Kinh Bổn, từng bị các Cha (thầy dạy) cho ăn roi vào tay vì không thuộc bài. Tôi cũng từng được nghe các Cha và các Sơ kể các tích truyện trong Kinh Thánh. Tôi từng mê truyện Chúa hài đồng sinh ra trong máng cỏ nghèo hèn, và mê các Thánh Ca Giáng Sinh … Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi kịp tỉnh thức để biết rằng nếu nói đã đọc Kinh Thánh rồi là nói dối, vì thế tôi thưa với Thầy:

  • Not yet, Sir (Dạ, chưa đọc ạ)
  • If you haven’t read the Bible yet, you seem to know nothing! (Nếu cậu chưa đọc Kinh Thánh thì cũng dường như cậu chẳng biết gì cả!), Thầy Phụng nói.

Vì ngưỡng mộ Thầy nên tôi ghi lòng tạc dạ lời Thầy nói. Nhiều năm sau này cuộc đời đưa tôi đến những hoàn cảnh thất vọng, bế tắc, và kỳ diệu thay, tôi tìm thấy câu trả lời thỏa đáng trong Kinh Thánh. Lúc ấy tôi nhớ lại lời Thầy Phụng, thầm nghĩ bậc cao nhân không nói điều gì thừa cả. Tuổi trẻ nên khiêm tốn học hỏi những bậc đàn anh, đàn cha đàn chú tài giỏi mà mình ngưỡng mộ. Đó là một cách học nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ở đời có câu: “Thấy người sang bắt quàng làm họ”. Họ Bùi là một họ sang. Nhưng khi trông thấy Quyên lần đầu tiên để rồi si mê nàng, và yêu nàng, tôi đâu có biết Quyên là một thành viên trong một dòng họ danh tiếng?

Chính Quyên nói cho tôi biết nàng là cháu nội của cụ Bùi Kỷ. Lúc ấy tôi thốt lên “Thế à?”, vì tôi vốn đã ngưỡng mộ tên tuổi của Cụ từ trước khi gặp Quyên – từ cuốn “Tam quốc chí Diễn nghĩa” mà Cụ là người hiệu đính bản tiếng Việt. Nhưng khi biết Quyên là cháu nội của Cụ, tôi càng muốn biết về Cụ nhiều hơn.

Tổ tiên họ Bùi gốc ở xã Triều Đông, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội). Cụ tổ 6 đời của Quyên là Bùi Văn Quế, từng làm quan đến chức Tham tri bộ Hình. Cụ tổ 4 đời của Quyên là Bùi Thức, đậu Tiến sĩ, nhưng không ra làm quan, ở nhà dạy học và viết sách. Cụ Bùi Thức có con rể là Lệ thần Trần Trọng Kim, một nhà Nho học và Tây học lỗi lạc.

Cụ Bùi Kỷ, ông nội của Quyên, từng đỗ Phó bảng ở Huế năm 1909. Năm 1912, cụ được chính quyền bảo hộ của Pháp cử đi du học ở Paris, học Trường Thuộc địa (École coloniale). Cụ từng tiếp xúc và làm bạn với nhà cách mạng Phan Chu Trinh. Năm 1914, Cụ về nước, được phủ Thống sứ Bắc Kỳ mời ra làm quan, nhưng Cụ từ chối, lấy cớ bận dạy học. Cụ dạy tại các trường Đại học Sư phạm, Đại học Công chính, Đại học Pháp chính[1], và cả một số trường tư thục như Văn Lang, Thăng Long.

Ngoài việc dạy học, cụ Bùi Kỷ còn là một nhà nghiên cứu, nhà sáng tác, tác giả của rất nhiều cuốn sách học thuật nổi tiếng. Cụ là một trong những trụ cột của nền học thuật Việt Nam trong giai đoạn chuyển từ Cổ học sang Tây học. Đồng thời Cụ cũng là một nhà báo viết cho một số báo lớn ở Hà Nội thời ấy như Nam Phong, tập san của hội Khai Trí Tiến Đức, báo Trung Bắc Tân Văn… Tóm lại, Bùi Kỷ là một tên tuổi lớn trong nền học thuật và giáo dục Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20[2]

Giáo sư Bùi Phụng, một hậu duệ của họ Bùi cùng thế hệ với Bùi Tố Quyên, là một học giả xuất sắc, tiếp nối được truyền thống của tổ tiên. Nếu Giáo sư Bùi Phụng và Giáo sư Cao Xuân Hạo nể phục nhau thì cũng là điều dễ hiểu: cả hai cùng có tài và cùng thừa kế được truyền thống học thuật xuất sắc của tổ tiên.

Vậy là tôi đã dành hơn 3 trang A4 để nói về Thầy Bùi Phụng và về dòng họ Bùi của Tố Quyên. Nhưng điều đó có liên quan gì đến tình yêu giữa tôi và Quyên?

Có chứ!

Việc ngẫu nhiên tôi trở thành học trò tiếng Anh của Thầy Bùi Phụng chẳng phải là một cái DUYÊN Trời định kết nối tôi với Quyên hay sao?

Chữ “duyên” của Nhà Phật là một khái niệm huyền vi rất sâu sắc mà các ngôn ngữ Tây Phương không có từ tương đương. Nó gợi ý cho ta thấy dường như mọi cuộc tao ngộ trên đời mà ta tưởng là ngẫu nhiên thực ra đã được sắp đặt từ trước cả rồi. Ai sắp đặt?

Ông Trời chứ còn ai nữa? Hoặc Thượng Đế, hoặc Chúa cũng vậy mà thôi!

Nếu ngày xưa tôi chưa dám nghĩ linh hồn của Quyên đã dẫn tôi đến học Thầy Bùi Phụng, thì cách đây 5 năm, tôi tin chắc rằng linh hồn của Quyên đã dẫn tôi đến thăm mộ Thầy Bùi Phụng trên Nghĩa trang Bất Bạt, Yên Kỳ, Sơn Tây. Chuyện là thế này.

Ngày 30 Tháng 04 năm 2016, một đoàn xe của Phòng Tang Lễ Phùng Hưng chở một đoàn khách gồm khoảng sáu chục người đi thăm mộ người thân trên Nghĩa trang Yên Kỳ. Tôi tham gia chuyến đi này.

Người thân của tôi ở đây có ba người: Hai mẹ con Quyên và một chú em ruột của tôi. Mấy mộ ở gần nhau nên việc thăm mộ khá tiện lợi.

Tôi đã đến thăm mộ Quyên và Mẹ ở đây nhiều lần, nên mọi thủ tục nghi lễ thường tiến hành khá nhanh gọn. Luôn luôn có mấy chị nông dân đến giúp đỡ quét dọn, làm sạch mộ và khu vực xung quanh mộ. Sau đó tôi cắm mấy bông hoa tươi trên mộ, thắp hương, rồi đứng trước mộ cầu nguyên. Hầu như tất cả mọi lần tôi thắp hương trên mộ Quyên, hương đều cháy bùng lên ngọn lửa to, giống như 50 năm trước lần đầu tiên tôi thắp hương trên mộ Quyên ở Văn Điển. Có nghĩa là Quyên rất vui khi thấy tôi đến.

Tôi là người Công giáo, Quyên không Công giáo, nhưng tôi luôn luôn cầu nguyện theo các Kinh Công giáo: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh, và Kinh cầu cho linh hồn. Kết thúc tôi không quên nói thầm với Quyên rằng “Quyên ơi, anh vẫn yêu Quyên lắm, và thương Quyên lắm. Anh có lỗi với Quyên, Quyên tha thứ cho anh nhé. Đừng giận anh nhé…”.

Đứng trước mộ Mẹ, tôi cũng cầu nguyện các Kinh Công giáo, rồi thưa với Mẹ: “Mẹ ơi, ngày xưa tuổi trẻ, con không biết đạo nghĩa gì cả. Vì giận nhau với Quyên mà con không thăm Mẹ và các em. Con vô đạo quá. Lẽ ra con phải đến thăm Mẹ và các em thường xuyên. Con thật tội lỗi. Xin Mẹ tha thứ cho con. Từ nay con xin làm tất cả những gì có thể làm để chuộc lỗi với Mẹ và với Quyên. Con thương Mẹ và Quyên lắm. Mẹ là mẹ của con…”.

Cầu nguyện xong, tôi nán lại một lúc, cảm giác bịn rịn lưu luyến người ở lại, lòng dạ bâng khuâng. Nhưng thôi, phải ra về thôi … Đúng lúc ấy, không hiểu làm sao tôi chợt nhớ ra một điều: có thể mộ Thầy Bùi Phụng cũng được chuyển từ Văn Điển lên đây rồi?

Đó là một ý nghĩ nẩy sinh hoàn toàn ngẫu nhiên trong đầu tôi vào thời khắc ấy, hoàn toàn không có một chuẩn bị trước nào cả. Trước khi lên Bất Bạt hôm ấy, tôi không hề nghĩ đến Thầy Bùi Phụng.

Liệu mộ Thầy có được chuyển lên Bất Bạt không? Hay đưa đi đâu khác? Tôi hoàn toàn không biết. Nhưng bỗng nhiên tôi hy vọng có thể mộ Thầy cũng được đưa lên đây rồi.

Nhưng làm thế nào mà biết mộ Thầy ở đâu bây giờ? Với hàng vạn mộ trên một nghĩa trang rộng mênh mông, làm sao mà đi tìm mộ được? Hỏi Ban quản lý Nghĩa trang thì có thể biết, nhưng chắc gì mộ của Thầy đã được đưa lên Bất Bạt mà hỏi. Vả lại hôm ấy văn phòng Ban quản lý không làm việc, cửa đóng then cài. Tôi lập tức nẩy ra sáng kiến: nhờ cô nông dân đứng cạnh tìm giúp. Tôi quay sang nói với cô ấy:

  • Này cô, tôi muốn tìm mộ một người thân ở đây. Cô có thể tìm giúp tôi không. Nếu cô tìm được, cô báo cho tôi, tôi sẽ đền ơn.
  • Vâng, cháu giúp được.

Sau khi trao đổi số điện thoại với cô ấy, tôi liền ghi ra giấy tên Thầy Bùi Phụng, kèm theo lời dặn dò “Có thông tin gì thì cô gọi cho tôi ngay nhé, hoặc nhắn tin cũng được. Tôi sẽ đền đáp”.

Rồi tôi lững thững ra về. Mọi việc xong xuôi rồi, bây giờ phải nghỉ ngơi một chút, ăn uống một chút cho đỡ mệt. Vả lại, còn lâu mới đến giờ xe chạy. Nhiều khách đi cùng chuyến xe vẫn còn đang đi thăm mộ chưa xong.

Có một chi tiết phải bổ sung cho câu chuyện. Đi cùng chuyến xe lên Bất Bạt lần này có một nhà báo nữ. Hình như cô làm việc cho báo Phụ nữ, tôi không nhớ rõ, tuổi trạc ngoài 40, mặt mũi tươi tắn, nhân hậu. Cô ngồi ghế cạnh tôi, nên trở thành một bạn đường. Chuyện trò làm cho đoạn đường ngắn lại. Hai bên hỏi thăm nhau và nói về người thân của mình nằm trên Nghĩa trang Yên Kỳ. Tôi kể cho cô nghe về Quyên, không ngờ cô thích câu chuyện đến mức khi lên đến nơi, cô ngỏ ý sẽ sang thăm mộ của Quyên, sau khi thăm mộ người nhà của mình xong. Thật vinh hạnh cho tôi vì câu chuyện của tôi được người khác muốn nghe. Tôi chỉ mới kể cho cô nhà báo nghe rất sơ lược rằng chúng tôi đang yêu nhau, rồi giận nhau, thì Quyên bị tai nạn ra đi, rồi linh hồn Quyên về, rồi tôi ân hận … Kể vắn tắt đến đấy thì xe đã đến nơi. Mọi người xuống xe. Có lẽ chính vì chuyện dở dang như thế nên cô nhà báo đó muốn nghe thêm. Và thế là cô ghé sang thăm mộ Quyên, đúng như cô mong muốn. 

Vì thế, lúc từ mộ Quyên ra về, tôi đi bộ cùng cô nhà báo. Tôi chỉ một quán nước, mời cô cùng vào đó. Nhưng cô chê quán đó đông quá. Cô chỉ tay vào một quán khác xa hơn một chút, nhưng vắng khách, hay đúng hơn là không có khách nào cả, chỉ có một mình cô chủ quán. Tôi đồng ý ngay, vì tôi cũng rất ghét chỗ đông người.

Ngồi vào quán nước, cô chủ quán rót nước trà nóng, bày ra một đĩa lạc rang còn nguyên vỏ cứng, rồi mời khách ăn trứng luộc. Trứng còn tươi, nếu khách ăn thì chủ quán sẽ luộc ngay tại chỗ. Tôi đang đói, đồng ý luôn.

Tôi nhấp một nhấp trà nóng, vị rất thơm, tay vừa bốc một hột lạc, chưa kịp bóc thì…. Ơ kìa, ngay trước mắt tôi, tên Thầy Bùi Phụng hiện ra rõ mồn một trên tấm bia gắn trên mộ, ngay sau lưng cô chủ quán! Tôi ngạc nhiên kêu lên:

  • Ôi, Thầy tôi đây rồi! Tôi vừa nói vừa chỉ tay vào mộ Thầy Bùi Phụng trước mặt, đúng ngay sau lưng cô chủ quán, chỉ lệch khoảng 20 cm, thế có lạ không.

Cô chủ quán quay lưng lại, rồi lại nhìn tôi. Cô nhanh chóng hiểu ra sự việc. Tôi lại reo lên tiếp:

  • Ôi, cả cô giáo của tôi đây nữa! Cô Thuần, vợ của Thầy! Cô từng dạy Địa lý cho tôi. Hóa ra Thầy Cô cùng nằm ở đây! Tôi lại chỉ tay vào mộ Cô, ngay bên cạnh mộ Thầy, để giới thiệu về Cô cho cô nhà báo và cô chủ quán.

Tôi thoáng nghĩ đến cô nông dân ban nãy tôi nhờ tìm mộ. Làm thế nào để báo cho cô ấy biết là tôi đã tìm được mộ rồi, để cô khỏi mất thì giờ? Nhưng lúc ấy không có nhiều thì giờ để suy nghĩ. Tôi đứng lên, tiến tới phía mộ của Thầy và Cô, tôi hỏi cô chủ quán:

  • Cô có hương bán chứ?
  • Có đây ạ!
  • Cô cho tôi một bó.

Tôi cầm lấy bó hương, mượn bật lửa, và nói với cô chủ quán:

  • Cô giúp tôi dọn dẹp làm sạch mộ hai Thầy Cô của tôi được không?
  • Được ạ.

Cô chủ quán đưa cho tôi một bó hương còn nguyên trong vỏ, và lập tức đứng lên dọn dẹp làm quang hai mộ.

Lạ không? Tại sao trong một biển cả mênh mông hàng vạn mộ, tôi lại vào đúng vị trí mộ Thầy Bùi Phụng, đúng vị trí mộ tôi đang cần tìm, đúng vị trí mộ tôi vừa mới nhờ cô nông dân tìm hộ? Xác suất để tôi ngẫu nhiên gặp mộ của Thầy sẽ là 1 trên mấy vạn. Nhỏ lắm. Nhỏ như xác suất trúng số độc đắc khi quay vòng roulette vậy. Thế mà chỉ cần quay một vòng tôi đã trúng số ngay lập tức!!!

Đáng lẽ tôi đã ngồi ở một quán khác, nhưng tại sao cô bạn nhà báo đồng hành lại chê chỗ đó, và chỉ cho tôi quán nước này?

Quyên có dẫn đường cho tôi đến mộ Thầy Bùi Phụng không? Nếu ai không tin Quyên dẫn đường thì đó là việc của họ, còn tôi, tôi tin!

Có một nghìn lý do để tôi tin, nhưng tôi chẳng nói ra đây làm gì, vì Thánh Thomas Aquinas đã nói:

“Với người có Đức tin, không cần phải giải thích; với người không có Đức tin, chẳng có giải thích nào là đủ”[3].

Trước khi kết câu chuyện hồi ký hôm nay, tôi xin kể thêm mấy kỉ niệm nhỏ về Thầy Bùi Phụng sau đây:

● Một, thực ra tôi biết đến tên tuổi Bùi Phụng từ những năm đầu 1960, khi tôi mới 16-17 tuổi, thông qua Tuyển tập kịch Shakespeare, mà Bùi Phụng là một trong các dịch giả. Nhờ tuyệt tác văn phẩm này mà tôi biết đến William Shakespeare, để từ đó tôi luôn coi Shakespeare là một trong những văn hào vĩ đại nhất mọi thời đại. Đến nay tôi vẫn còn thuộc lòng một số đoạn trong đó, nhất là những đoạn nói về vẻ đẹp của Juliette trong Romeo và Juliette. Tôi không chỉ khâm phục Shakespeare, mà khâm phục cả người dịch. Sau này, khi trở thành học trò tiếng Anh của Thầy Bùi Phụng, tôi mới được biết thầy đã mang bản dịch đến Nhà Xuất Bản lần đầu tiên khi thầy mới 16 tuổi. Nhà Xuất Bản không tin đó là bản dịch của thầy. Họ hỏi đi hỏi lại cặn kẽ để biết cậu bé đó có thật là người dịch không. Tất nhiên thầy Phụng có cách để làm cho họ tin. Chuyện này do chính thầy kể lại cho cả lớp chúng tôi nghe.    

● Hai, như đã nói ở ngay phần mở đầu, Thầy Bùi Phụng được Nhà nước Anh mời đích danh sang London để nói chuyện tại Hồi Hoàng gia Anh (tức Viện Hàn lâm Anh) về tiếng Việt. Để làm việc này, không ai có thể làm tốt hơn Giáo sư Bùi Phụng. Thầy đã kể chuyện này cho cả lớp tiếng Anh của chúng tôi nghe, hồi 1989.

● Ba, trong một lần uống bia với thầy tại quán bia 33 Thái Phiên, khoảng 1989, thầy tâm sự với tôi một mong ước: Ước gì cuốn Từ Điển Việt-Anh của Thầy được ai đó đưa lên internet. Hồi ấy internet còn rất xa lạ và “cao siêu”, nên điều thầy ấp ủ quả thật là một giấc mơ khó thực hiện. Đến hôm nay, 2021, tôi không rõ ước mơ của thầy đã biến thành hiện thực chưa. Nếu chưa, tôi cũng ước mơ các chuyên gia về công nghệ thông tin sẽ làm việc này. Bản thân tôi, khi cần chuyển ngữ từ Việt sang Anh, ngoài những từ điển đã có trên internet, tôi vẫn sử dụng cuốn Từ Điển Việt Anh của thầy Bùi Phung. Mỗi lần giở cuốn sách này lần tìm từ ngữ tôi lại nhớ đến thầy.

● Bốn, thầy còn kể cho cả lớp chúng tôi nghe câu chuyện sau đây: Một lần, thủ tướng Ấn Độ sang thăm Việt Nam, ông tổ chức một cuộc họp mặt tại sứ quán Ấn Độ, mời nhiều khách tham dự. Thầy Bùi Phụng nằm trong số khách mời. Trong cuộc tiếp tân, thủ tướng Ấn Độ ngỏ lời cám ơn Giáo sư Bùi Phụng vì đã dịch một số tác phẩm văn học Ấn Độ sang tiếng Việt, và đề nghị Giáo sư Bùi Phụng tự giới thiệu thêm những công việc nghiên cứu mà GS đang làm. Thầy Bùi Phụng liền nói bằng tiếng Việt rằng thầy đang chú tâm soạn Từ Điển, ý thầy nhường việc phiên dịch cho cán bộ phiên dịch (do Bộ Ngoại giao cử tới). Cán bộ này liền nói: “He is a Dictionary Maker”. Thầy Phụng liền quay sang nói với cán bộ đó: “Ô, không được, anh dịch thế thì người ta nghĩ tôi là anh thợ đóng sách, đóng những cuốn từ điển. Phải giới thiệu lại tôi là một lexicographer …”. Và tất nhiên cán bộ phiên dịch liền nói lại với vị thủ tướng Ấn Độ.

Thay Lời Kết

1/ Trong hồi kí này tôi chỉ kể những kỉ niệm riêng tư với Thầy Bùi Phụng chứ không thảo luận những vấn đề học thuật. Độc giả nào muốn tìm hiểu thêm về GS Bùi Phụng, xin đọc PHỤ LỤC 1.

2/ Xin nhắc lại một chi tiết trong bài: Thầy Bùi Phụng là anh con chú con bác của Bùi Tố Quyên – Mối Tình Đầu của tôi. Truyện về Thầy Bùi Phụng trong bài này là một Chương trong Tự Truyện Mối Tình Đầu của tôi. Độc giả có thể đọc đầy đủ Tự Truyện trong PHỤ LỤC 2 ở cuối bài viết này.  

DJP, Sydney 14/12/2021

PHỤ LỤC 1: GS Bùi Phụng

● Bùi Phụng, Wikipedia tiếng Việt

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_Ph%E1%BB%A5ng

● PGS. Bùi Phụng – nhà giáo tài ba, nhà từ điển học nổi tiếng

https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/chan-dung-nha-giao-nha-khoa-hoc/pgs-bui-phung-nha-giao-tai-ba-nha-tu-dien-hoc-noi-tieng-12173.html

● Nhớ thầy Bùi Phụng

http://vsl.edu.vn/nho-thay-bui-phung/666

PHỤ LỤC 2: Bùi Tố Quyên

● Tố Quyên (1) – Lời Dẫn

● Tố Quyên (2) – Lần đầu gặp gỡ

● Tố Quyên (3) – Quyên đến thăm tôi lần đầu tiên

● Tố Quyên (4) – Một chút triết lý về cái đẹp

● Tố Quyên (5) – Giấc mơ vẽ tranh

● Tố Quyên (6) – Tối Mồng 1 Tết Nhâm Dần (05/02/1962)

● Tố Quyên (7) – Tối Thứ Năm buồn

● Tố Quyên (8) – Cuộc đến thăm bất ngờ

● Tố Quyên (9) – Những cuộc tái ngộ kỳ lạ

● Tố Quyên (10) – Biến cố 1969

● Tố Quyên (11) – Đi tìm mộ

● Tố Quyên (12) – Cầu Lồ, Cau Lộ

● Tố Quyên (13) – Cô bé ngoại cảm xinh đẹp

● Tố Quyên (14) – Thầy Bùi Phụng

● Tố Quyên (15) – KẾT: Lá thư từ một người bạn


[1] Tên gọi hồi ấy là “Cao đẳng” nhưng thực chất là “Đại học”, học vấn còn cao hơn đại học bây giờ. Tôi dùng chữ “Đại học” để độc giả thời nay không hiểu lầm.

[2] Xem Wikipedia > Bùi Kỷ > https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_K%E1%BB%B7

[3] http://thequotes.in/to-one-who-has-faith-no-explanation-is-necessary-to-one-without-faith-no-explanation-is-possible-thomas-aquinas/

Advertisement

One thought on “Professor / GS Bùi Phụng (1936 – 2007)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s