A reader named Therese has just sent to PVHg’s Home a story of QUO VADIS, a literature and cinema masterpiece, in which she said “you will waste your life if you don’t enjoy it”. Great thanks to Therese and I would like to introduce this masterpiece to the readers …

Một độc giả tên là Therese vừa gửi tới PVHg’s Home một câu chuyện về QUO VADIS, một kiệt tác văn học và điện ảnh, trong đó nói rằng “nếu không thưởng thức tác phẩm này thì phí cả đời người”. Xin chân thành cảm ơn Therese và xin trân trọng giới thiệu kiệt tác này với độc giả …
Sau đây là thư của bạn Therese gửi PVHg’s Home ngày 15/12/2021:
QUO VADIS là một kiệt tác văn học vĩ đại của nhà văn Henryk Sienkiewicz (1946 – 1916), người Ba Lan, xuất bản lần đầu tiên năm 1896, gây chấn động giới văn chương và lịch sử thế giới, đoạt Giải Nobel văn chương năm 1905.
QUO VADIS cũng là một kiệt tác điện ảnh của đạo diễn Mervyn LeRoy, ra mắt lần đầu tiên năm 1951 (xem phim tại đường link ở cuối bài viết này), dựng theo tiểu thuyết của Henryk Sienkiewicz, đến nay vẫn là một trong những kiệt tác điện ảnh kinh điển của mọi thời đại, bên cạnh những cuốn phim vĩ đại khác như “Cuốn theo chiều gió”, “Ben Hur”, “The Mission”, …
QUO VADIS đã được dịch ra tiếng Việt bởi dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, một Giáo sư Tiến sĩ về khoa học thủy sản nhưng có biệt tài thiên phú về văn chương – ông là dịch giả của một loạt sách văn học kinh điển nổi tiếng của Ba Lan như:
1. Quo Vadis (1985-1986), của Henryk Sienkiewicz
2. Trên sa mạc và trong rừng thẳm (1985), của Henryk Sienkiewicz
3. Hania (1986), của Henryk Sienkiewicz
4. Trên bờ biển sáng (1989), của Henryk Sienkiewicz
5. Krzyżacy (Hiệp sĩ Thánh chiến) – 4 tập, của Henryk Sienkiewicz.
6. Thầy lang (1988), của Tadeusz Dolega – Mostowicz, đã được dựng thành phim
7. Con hủi (1990), của Alfred Szklarski, đã được dựng thành phim
8. v.v.
Với công lao to lớn ấy, ông đã được Nhà nước Ba Lan trao tặng Huân chương Chữ thập Hiệp Sĩ cao quý bậc nhất của quốc gia này.
Tôi rất may mắn được quen biết dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, và được ông tặng một số sách do ông dịch, trong đó có cuốn QUO VADIS. Đó là một số cuốn trong những cuốn sách hay nhất và quý nhất trong tủ sách của tôi. Nhân đây tôi xin gửi tới dịch giả Nguyễn Hữu Dũng lòng biết ơn vô hạn cùng với sự cảm phục sâu sắc! Phải nói rằng các bản dịch của ông hay đến mức làm cho tôi cảm thấy như đã tiếp nhận được tất cả những tinh hoa văn học Ba Lan. Theo tôi, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng là một trong những dịch giả văn học giỏi nhất Việt Nam, bên cạnh những tên tuổi mà tôi từng ngưỡng mộ như Cao Xuân Hạo, Bùi Phụng, Nguyễn Thụy Ứng, Phạm Mạnh Hùng, …
Đối với tôi, chỉ một cuốn QUO VADIS là đủ để làm nên một tên tuổi. Điều này đã đúng với tác phẩm văn chương bất hủ của Henryk Sienkiewicz, đúng với kiệt tác điện ảnh QUO VADIS, và tất nhiên cũng đúng với bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hữu Dũng.
Tôi đã ngốn ngấu cả truyện lẫn phim, không phải một lần, mà vài lần, rồi vẫn còn muốn ngốn ngấu tiếp, bởi đó là một pho lịch sử được diễn lại như một sự thật trước mắt, vô cùng sinh động, với biết bao tình tiết bộc lộ tất cả những gì liên quan đến con người, từ những gì là tội lỗi xấu xa bẩn thỉu nhất đến những gì đẹp đẽ thiêng liêng cao trọng nhất.
Với người Ki-tô giáo, Quo Vadis có ý nghĩa đặc biệt, vì nó làm sống lại những trang đầu tiên của lịch sử Ki-tô giáo. Tôi là một Ki-tô hữu, tôi đọc truyện và xem phim này với tất cả nỗi xúc động của một con người nói chung và của một Ki-tô hữu nói riêng. Tôi phải nói thật rằng cảm xúc của tôi là bàng hoàng như được giác ngộ và nhận ra đâu là Lẽ Thật!
Bộ phim được dựng lại về cơ bản là chính xác như trong truyện. Có thể coi cuốn phim là một sự bổ sung tuyệt vời cho cuốn truyện. Nếu muốn thưởng thức sâu về triết lý và lịch sử thì nhất thiết phải đọc truyện. Nhưng nếu chỉ đọc truyện mà không được xem phim thì cũng là một thiệt thòi lớn, bởi trí tưởng tượng sẽ không bao giờ đủ để hình dung chính xác về thành Rome – thành phố nổi tiếng với câu châm ngôn bất hủ “Mọi con đường đều dẫn tới Rome” – rồi về quân đội La Mã, về văn hóa và lối sống của người La Mã và người Do Thái cách đây 2000 năm … Cả phim lẫn truyện đều là tác phẩm kinh điển, một người yêu văn học, lịch sử, nghệ thuật, … chớ nên bỏ qua.
Truyện kể lại một thời kỳ lịch sử La Mã vào năm 64 sau Công nguyên, khi hoàng đế Nero đang ở trên đỉnh cao quyền lực – một ông vua vô cùng tàn bạo, thối nát, ăn chơi truỵ lạc, hưởng lạc sung sướng trên những đau khổ của người dân lành, cùng với một lũ “triều thần lơ láo” La Mã xúm quanh chỉ quen tâng bốc, nịnh bợ một ông vua bỉ ổi nhưng tự cho mình là một nghệ sĩ tài năng, thích đàn hát, ngâm thơ…
Đối diện với triều đình là cộng đồng Ki-tô giáo trong thời kỳ đầu tiên mới bắt đầu sơ khai, bao gồm những người dân nô lệ và dân nghèo, háo hức với những tư tưởng mới mẻ về tự do và yêu thương giữa con người với con người, được rao giảng bởi các Tông đồ của Chúa Giê-su mà đại diện là hai ông Thánh Phê-rô và Phao-lô. Các ngài rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và truyền Đạo Chúa cho họ. Họ tập hợp lại với nhau vì Đức tin, lấy yêu thương làm lẽ sống, không chấp nhận cường quyền và bạo lực, và tự nhiên họ trở thành lực lượng đối kháng với chính quyền của bạo chúa Nero, mặc dù trong tay họ không có một tấc vũ khí nào cả. Đây chính là thời kỳ đầu tiên xây dựng nền móng của Giáo hội Ki-tô giáo. Các mục tử vất vả vô cùng, vì Ki-tô giáo bị giới cầm quyền La Mã tìm mọi cách khủng bố, săn đuổi và tìm diệt.
Trong cuộc đối đầu thầm lặng không chiến tuyến cuốn hút toàn xã hội vào vòng xoáy lịch sử mãnh liệt của nó, đột nhiên xuất hiện một mối tình vô cùng trong sáng, đầy éo le giữa chàng trai quý tộc tên là Marcus Vinicius, một võ tướng cao cấp, rất đẹp trai, cận thần của nhà vua với một cô gái Lygia xinh đẹp, khả ái, một công chúa của bộ tộc Lygia (ở tận bên Ba Lan), bị bắt làm con tin, được một gia đình giàu có nhận làm con nuôi. Lygia được lực sĩ Ursus, một gã khổng lồ có sức mạnh của một con gấu bảo vệ từ nhỏ. Hai người này đều thuộc bộ tộc Lygia, tổ tiên của dân tộc Ba Lan ngày nay. Cả hai cũng đều là Ki-tô hữu. Và chàng trai quý tộc, võ tướng Marcus Vinicius, với tình yêu chân thành và trung thực, đã bị cô gái Lygia xinh đẹp chinh phục, để rồi cuối cùng chàng cũng trở thành một Ki-tô hữu. Từ một người chỉ tin vào sức mạnh của cơ bắp và vũ khí, thậm chí từ một tướng lĩnh oai hùng, giỏi nhất của Nero chỉ tin vào sức mạnh của một quân đội thống trị thế giới (lúc ấy đế quốc La Mã đã thống trị khắp Châu Âu, một phần Châu Á và Bắc Phi) … nhưng số mệnh tình ái đã đẩy Marcus tới những hoàn cảnh éo le để anh dần dần nhận ra sự thật – nhận ra sự độc ác của Nero và đội quân tay sai trung thành với hắn, nhận ra nỗi đau khổ của dân chúng, nhận ra tình yêu trong sáng của Lygia mà uy vũ không chinh phục được … để rồi cuối cùng anh nhận ra chính anh đã trở thành một Ki-tô hữu. Đó là những nút thắt đầy ý nghĩa trong truyện, trong phim, mà chỉ những người có tâm hồn và tư tưởng rất sâu sắc mới nhận thấy, để cảm động và hiểu rõ bản thông điệp mà QUO VADIS chuyển tới người xem.
Đỉnh điểm của truyện và phim là lúc hoàng đế Nero bạo tàn thích chơi ngông, điên rồ đốt cháy thành Rome. Nhưng đến lúc nhìn thấy thành Rome bị cháy rực lửa kinh hoàng, thì hắn, vốn bản chất hèn nhát, không dám chịu trách nhiệm, rồi tìm cách đổ lỗi cho cộng đồng Kitô giáo, vì lo sợ dân chúng sôi sục sẽ nổi dậy. Kết thúc cuối cùng là màn tàn sát kinh hãi, khủng khiếp, man rợ! Hắn ra lệnh “ném bọn Ki-tô giáo cho sư tử ăn thịt”, đóng đanh họ lên các thánh giá và thiêu sống những người dân lành vô tội … Cảnh ấn tượng nhất trong phim là hình ảnh ông Thánh Phê-rô phải chạy trốn lũ bạo tàn. Trên đường đi trốn, bỗng ông gặp linh ảnh của Chúa – một luồng ánh sáng chói lòa từ trên trời chiếu thẳng vào ông. Ông hỏi Người một câu bất hủ: “Quo Vadis!” (Chúa ơi! Con biết đi đâu bây giờ?) Chúa trả lời: “Hãy quay lại Rome, dân chúng đang cần con, nếu không Ta sẽ phải quay trở lại đó để chết lần hai”. Nghe theo lời Chúa, Thánh Phê-rô quay lại với dân chúng để rao giảng Tin Mừng và phụ giúp cho họ thêm vững vàng niềm tin vào Chúa. Ông đã bị bắt, ông Tử vì Đạo trên cây Thánh Giá, giống như Chúa. Nhưng ông nghĩ mình không xứng với Thiên Chúa để được chết giống như Chúa trên cây Thập giá thẳng đứng – ông xin được chết trên cây Thập giá treo ngược, đầu hướng xuống đất. Thật là một cái chết bi hùng mà chỉ có những vị Thánh có Đức tin mãnh liệt mới có thể hy sinh cao thượng đến mức như vậy! Tinh thần dũng cảm ấy chỉ có thể có ở một con người có tình yêu lớn vô hạn vào Thiên Chúa của mình.
Đọc truyện và xem phim, tôi không thể không nghĩ đến sự xếp đặt của Thượng Đế. Hùng mạnh và bao trùm cả thiên hạ như đế quốc La Mã, nhưng đến lúc diệt vong thì cũng phải diệt vong. Quyền lực của Nero là tuyệt đối. Nhưng chính quyền lực tuyệt đối ấy làm cho hắn tha hóa cũng tuyệt đối. Hắn giết mẹ, giết vợ, đốt cháy Thành Rome, cho sư tử ăn thịt người Kitô giáo … nhưng tự kết thúc cuộc đời bằng tự sát và sự sụp đổ của một triều đại thối nát.
Đối lập với sự sụp đổ ấy là sự sinh sôi nảy mầm của Đức tin Ki-tô giáo, mà võ tướng Marcus Vinicius là đại diện. Đức tin ấy nẩy mầm từ tình yêu – tình yêu giữa Marcus và Lygia, biểu tượng của tinh yêu thương giữa con người với con người. Đó chính là ý nghĩa cốt lõi của Đức tin Ki-tô giáo, và cũng là ý nghĩa cốt lõi của QUO VADIS, đúng như Lời Chúa đã dạy: Hãy sống với nhau bằng tình yêu thương và tha thứ!
Therese, 15/12/2021
Xin mời xem phim tại đây:
Cám ơn cô Theresa, bài viết này có câu nói rất hay đó là “mọi con đường đều dẫn tới Rome”. Nhưng riêng Huynh đây chỉ có một con đường thôi còn chưa tìm ra được để đi tới, không gian hiện ẩn bất thường và bí ẩn quá chưa bắt kịp. Nói chung lịch sử và những chuyện huy hữu đã xảy ra đều có nguyên nhân nhưng để hiểu được đâu là sự Thật hay Thật Hư của nó quả đó là một bài toán vô cùng cực đỉnh hầu như không bao giờ giải mã được hết bởi thế nhà toán học lừng danh Hibert từng thổn thức rằng “tôi muốn biết và tôi phải biết”. Thật sự điểm quan trọng nhất khi ngược lại dòng lịch sử là nốt điểm nào đó có thể nhận ra đâu là điều bí ẩn của nó đã giấu kín và vì sao như thế. Huynh cũng nghỉ rằng một tác phẩm ai đó đã viết ra có nhiều người hưởng ứng là vì họ đã hiểu được một phần nào của kiệt tác văn chương đó…nhưng nếu đào sâu vào trí tuệ vô tận của nó với khả năng bằng trực giác, trí tuệ thông minh bằng học vấn hoặc vượt tới giác quan thứ bảy có thể trừu trượng được mọi con đường đều dẫn tới Lẽ Thật của hằng hà xa số…vì sao con đường của Thánh Phê-rô đi tới thế này?
ThíchThích