“Những điều mình biết chỉ là hạt muối cỏn con trong cái biển mênh mông của những điều chưa biết”, những lời này của GS Cao Xuân Hạo làm cháu sống lại kỉ niệm 17 năm trước, khi đến thăm Giáo sư tại nhà riêng ở Gò Vấp. Ông là một học giả rất nổi tiếng, nhưng khiêm nhường, giản dị, chân thật, một tấm gương trí thức thực sự mà cháu ngưỡng mộ … (Thư Hà Vi gửi PVHg’s Home)
LỜI GIỚI THIỆU
Sau khi bài “Professor / GS Cao Xuân Hạo” được đăng trên PVHg’s Home ngày 11/12/2021, tôi nhận được thư của Hà Vi, cô phóng viên đi cùng với tôi và một chú em ruột của tôi đến thăm GS Cao Xuân Hạo ở Gò Vấp hồi Tháng 3 năm 2004. Bức thư thể hiện một ấn tượng sâu sắc về GS Cao Xuân Hạo. Tôi hỏi Hà Vi nghĩ sao nếu tôi đăng bức thư của cô lên PVHg’s Home để chia sẻ với mọi người, cô đồng ý ngay lập tức. Vậy xin trân trọng giới thiệu lá thư của Hà Vi cùng bạn đọc.
Hà Nội ngày 12/12/2021
Chú Hưng kính mến,
Cám ơn chú Hưng vì bài viết quá hay về GS Cao Xuân Hạo, làm sống lại một kỉ niệm đầy ấn tượng của 17 năm trước: Chuyến đến thăm GS Cao Xuân Hạo tại nhà riêng của ông ở Gò Vấp vào trung tuần Tháng 3 năm 2004, mà cháu thật may mắn được làm một nhân chứng (một “nữ phóng viên báo chí” như chú đã giới thiệu trong bài).
Cả hai bài trên Văn Nghệ 2003 mà chú Hưng cho đăng lại đều rất hay: bài “Bất Khả” của PVH và bài “Bảy khúc biến tấu trên một chủ đề của Khổng Phu tử” của Cao Xuân Hạo. Đọc lại hai bài báo này, nhất là bài của GS Cao Xuân Hạo, cháu cảm thấy xao xuyến lạ thường, cứ như cuộc gặp mặt hôm ấy (hôm đến thăm GS Hạo) đang diễn lại trước mặt cháu. Cháu rất ấn tượng với cuộc tái ngộ giữa chú và GS Cao Xuân Hạo. Những gì chú kể trong bài viết về cuộc gặp này là hoàn toàn chính xác, chỉ thiếu những chi tiết phụ, thí dụ những lúc GS Cao Xuân Hạo nói chuyện với cháu. Cháu thật may mắn được chứng kiến cuộc tái ngộ đó, đấy là một dịp hiếm có để cháu được tiếp xúc với một trí thức lớn như GS Cao Xuân Hạo. Chính cháu là người cầm số báo Văn Nghệ mới để trao vào tay GS hôm ấy. Ông rất vui và có vẻ xúc động vì có cuộc đến thăm bất ngờ này. Trong khi nhắc lại những kỉ niệm ngày xưa, rồi nói chuyện chữ nghĩa học thuật, thỉnh thoảng GS cũng quay sang hỏi thăm cháu, hỏi tên, hỏi tuổi, hỏi công việc … với một thái độ ân cần, quý mến. Thật vô cùng vinh hạnh cho cháu, vì trước đó cháu chưa từng được tiếp xúc với một trí thức nào như vậy. Trước đó cháu cũng có nghe đến tên tuổi của GS, nhưng bao nhiêu tai nghe không bằng một lần mắt thấy. Mẫu người như GS Cao Xuân Hạo chính là hình ảnh trí thức mà cháu đã ngưỡng mộ từ nhỏ – một người đàn ông tài hoa, chất trí tuệ lộ ra qua vẻ mặt, ánh mắt, và đặc biệt hấp dẫn qua cách nói chuyện cởi mở, thẳng thắn, trung thực, giản dị, khiêm tốn, không hề đao to búa lớn, nhưng lại có sức cuốn hút người nghe. Cháu ấn tượng nhất với hai chi tiết trong cuộc tái ngộ này:
Một là lúc GS Cao Xuân Hạo nhớ ra chú là người đã từng đàn hát và có một chữ tiếng Pháp chú phát âm chưa chuẩn. Thật thú vị vì sau hơn 30 năm GS Cao Xuân Hạo vẫn nhớ chi tiết đó. Điều này chứng tỏ trí nhớ của GS rất tốt, và tai thẩm âm của GS rất tinh tế. Đúng là cái tai của một nhà ngôn ngữ học bậc thầy.
Hai là chi tiết GS Cao Xuân Hạo đáp lại ý kiến của GS Bùi Phụng. Đúng là bậc cao nhân mới nhận ra cao nhân, như chú đã nói trong bài.
Cháu thường ca ngợi thế hệ các chú là thế hệ vàng, thế hệ thấm nhuần văn hoá truyền thống (cả đông lẫn tây), vì thế xuất hiện nhiều trí thức học sâu, hiểu rộng, uyên bác, trí tuệ, lại biết sống khiêm tốn, thấy anh hùng biết ngả mũ kính chào, đối xử với phụ nữ thì lịch sự, hào hiệp! Còn bây giờ, văn hoá càng ngày càng xuống cấp, như học giả Trần Trọng Kim từng mô tả nền văn hóa truyền thống như một ngôi nhà cổ rất đẹp nhưng ngày càng đổ nát, mai một, tiếc lắm thay nhưng không làm sao giữ lại được!
Đọc bài viết của GS Cao Xuân Hạo cháu mới hiểu ra thế nào là người trí thức. Khi còn trẻ, cháu cứ nghĩ tốt nghiệp đại học được gọi là trí thức, nhưng xem ra điều ấy là hoàn toàn nông cạn, không phải như thế, nhất là khi nhìn vào thế hệ của chúng cháu. Bây giờ nhìn lại, thử hỏi trong số tốt nghiệp đại học bao nhiêu người thực sự đáng mặt trí thức? Cháu thấy ít lắm! Văn hoá thời bao cấp đã xuống cấp trầm trọng, nhất là bây giờ khi bằng cấp có thể mua bán được thì bằng cấp trở thành một thứ nhãn hiệu rẻ tiền. Vậy trí thức thực sự là gì? GS Cao Xuân Hạo viết:
Thế nào là Tri thức? Nội dung của Tri thức là biết được chính xác hai điều sau đây: 1. Mình đã biết được những gì, và 2. Mình còn chưa biết những gì.
Và nếu so sánh điều 1 với điều 2 một cách nghiêm túc, ai cũng sẽ thấy rằng những điều mình biết được chỉ là hạt muối cỏn con, vô nghĩa lý, bỏ vào cái biển mênh mông vô tận của những điều mình chưa biết.
Ôi! Những người được gọi là trí thức hiện nay, bao nhiều người hiểu được điều đơn giản là biển học mênh mông, học cả đời cũng không đủ? Nếu họ không biết được điều cốt lõi ấy thì làm thế nào để họ biết sống khiêm tốn? Hay họ nghĩ tốt nghiệp đại học ra, nhờ vào chỗ quen biết tìm được một chỗ làm, may mắn dễ dàng kiếm chác, thu lợi được nhiều tiền thì họ tưởng mình thông minh, khôn ngoan hơn người! Kể từ đó họ trở thành kẻ lố bịch, điên rồ vì tự phụ nhìn mọi người khác bằng nửa con mắt, và đối xử không tử tế, coi thường ngay chính người thân trong gia đình mình từ anh em cho đến thậm chí người cùng nằm trên giường với mình hàng ngày. Cháu đã chứng kiến ba trường hợp nữ tiến sĩ coi thường chồng, chỉ vì chồng không phải là tiến sĩ. Trong ba trường hợp ấy thì hai trường hợp dẫn đến ly dị, một trường hợp ly thân. Cháu là phụ nữ mà cháu thấy sợ những nữ tiến sĩ đó. Ngày xưa cháu không hiểu lý do. Bây giờ cháu biết lý do: mấy tiến sĩ đó tưởng bằng tiến sĩ là thước đo giá trị, tưởng tiến sĩ là người hiểu biết hơn người, hóa ra là dốt nát, vì không hiểu giá trị thật của con người là gì. Đây chính là hiểm hoạ xuất phát của mọi nỗi đau khổ, tội lỗi, xấu xa mà chúng ta có thể chứng kiến hàng ngày.
Bởi vậy, GS Cao Xuân Hạo mới viết: trong giới trí thức, thế giới của những bậc thiên tài (hay tự thấy mình là thiên tài). Âu cũng chẳng có gì là lạ, vì người điên với bậc thiên tài nhiều khi suy nghĩ hết sức giống nhau.
Cái tự phụ ấy nó âm thầm, mạnh mẽ và khủng khiếp, cái thói cao ngạo ấy đã ăn sâu vào cốt tủy rồi. Nó làm cho một trí thức giỏi giang cũng trở thành ngu xuẩn và lố bịch. Nếu cháu không nhầm thì đó chính là nội dung của bài Bất Khả, và dường như GS Cao Xuân Hạo cũng tán thành quan điểm đó, nên ông khen bài Bất Khả, mặc dù bài này có lỗi trích dẫn cẩu thả đáng chê. Và phải chăng tòa soạn báo Văn Nghệ cũng ủng hộ tác giả PVH lên án thói tự phụ trong giới trí thức nên mới tặng thưởng Giải báo chí cho bài Bất Khả? Đúng là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” giữa GS Cao Xuân Hạo – Tác giả PVH – Tòa soạn báo Văn Nghệ.
Cháu vốn là người yêu sự thật, yêu tính chân thật, nên rất ghét thói tự phụ, dù kẻ tự phụ là ai, là ông lớn bà lớn nào, là đàn ông hay đàn bà. Cụ thể, đọc bài của chú, cháu thấy ông Hilbert là một người đáng ghét vì thói ngạo mạn của ông lộ rõ qua cái tuyên bố ngông cuồng “Chúng ta phải biết, chúng ta sẽ biết!”.
Đọc bài của chú cháu hiểu ra rằng nếu không có Định lý bất toàn của Godel thì giới khoa học sẽ đua nhau bắt chước ông Hilbert để tiếp tục tự phụ ngạo mạn ngông cuồng như thế mãi. Đó là một căn bệnh đáng ghét của con người, trái với điều Khổng tử đã dạy, mà GS Cao Xuân Hạo đã giảng rằng luôn luôn có rất nhiều thứ ta không biết và không thể biết.
Nếu không có Định lý Bất toàn thì có lẽ lời của Khổng tử sẽ bị coi là cổ lỗ sĩ lạc hậu không ai thèm nghe. Nhưng thật may mắn phúc đức cho nhân loại vì có Định lý bất toàn, rồi có những người như GS Cao Xuân Hạo giảng giải nghĩa lý kinh điển … thì con người mới sáng dạ ra một chút.
Phải chăng chú Hưng lấy chuyện ông Hilbert để khuyên răn người đời hãy cố gắng vứt bỏ cái thói tự phụ ấy đi, vì rốt cuộc tự phụ chính là dốt nát. Vì dốt tưởng mình biết hết nên mới tự phụ. Người thực sự giỏi sẽ biết rằng cái mình biết chỉ là hạt muối trong biển cả mênh mông, như GS Cao Xuân Hạo đã nói, do đó tự nhiên sẽ khiêm nhường. GS Cao Xuân Hạo chính là một tấm gương của một trí thức thực sự, vì ông không hề tỏ ra mình là một nhân vật nổi tiếng, tất cả những gì ông thể hiện trong câu chuyện mà cháu chứng kiến đều cho thấy ông rất giản dị, chân thật, không hề làm điệu làm bộ làm dáng như ở một số trí thức hoặc văn nghệ sĩ khác mà cháu biết.
Ngoài ra cháu phát hiện thêm một chi tiết thú vị: GS Cao Xuân Hạo là một nhà ngôn ngữ học, trong khi chú Hưng là một nhà khoa học toán lý, hai nghề nghiệp tưởng là xa cách, chẳng có liên hệ gì với nhau, nhưng hai người lại tỏ ra rất tâm đắc với nhau. Vậy cái gì làm cho hai người tâm đắc với nhau? Theo cháu, đó là cái nhìn giống nhau về bản chất giới hạn của nhận thức. GS Cao Xuân Hạo thuyết giảng điều đó qua câu nói bất hủ của Khổng tử, trong khi chú Hưng thuyết giảng điều này thông qua lịch sử toán học. Vậy là hai người gặp nhau trong cái nhìn triết học chứ không phải ngôn ngữ học hay toán học. Qua đó có thể thấy tư duy triết học mới thật sự là tư duy trí thức, bởi nó nhận thức được cái bản chất của sự vật.
Một lần nữa cháu xin cảm ơn chú Hưng vì bài viết, và cháu cũng coi những ý kiến chia sẻ của cháu hôm nay như một nén hương thắp lên để tưởng nhớ GS Cao Xuân Hạo, vì mặc dù cháu được tiếp xúc với ông chỉ một lần duy nhất hôm đó (không kể những lần nói chuyện qua điện thoại), cháu vẫn thấy ông như một người thân, một người bác uyên thâm giản dị mà cháu hằng kính trọng và yêu mến.
Hà Vi, Hà Nội ngày 12/12/2021
Bình luận
1. Tác giả của bức thư đã có một thế giới quan và nhân sinh quan rất tốt.
2. GS. Cao Xuân Hạo là một nhà ngôn ngữ học “bẩm sinh”.
Những ai đã từng đọc “Chiến tranh và Hòa bình” và “Anna Karenina” của Lev Tolstoy đều bái phục trình độ dịch thuật của nhóm Lê Quý Đôn trong đó có GS. Cao Xuân Hạo.
Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt khi được biết GS đã dịch “Chiến tranh và Hòa bình” chủ yếu qua bản tiếng Nga.
3. Định lý Bất toàn của K. Godel liên quan đến tất cả các lĩnh vực khác nhau của Khoa học Nhận thức, trong đó có mảng Ngôn ngữ.
Trang mạng PVH’g Home cũng đã có đăng tải một số bài nghiên cứu về vấn đề này.
4. Hệ quả của Định lý Bất toàn trong Khoa học Nhận thức là một đề tài BẤT TẬN, cũng giống như Thần học Cơ đốc giáo vậy.
ThíchThích