Conscious Machines / Những cỗ máy có ý thức

1

Bạn thấy gì ở hình ảnh trên? Đó là một bài báo nhan đề “Sự trỗi dạy của những cỗ máy có ý thức”, trên tạp chí Science Focus (Tiêu điểm của Khoa học), trong đó nói rằng khoa học trí tuệ nhân tạo sẽ tiến tới chế tạo ra những chiếc máy có cảm xúc. Bạn có tin không? Tùy bạn lựa chọn câu trả lời. Còn tôi, tôi chán ngấy những thứ khoa học khoác lác đó. Tiểu luận hôm nay của tôi cũng nói về những cỗ máy có ý thức, nhưng đó là sự sống, chứ không bao giờ là những chiếc computers. Vì sự khoác lác không bị cấm nên người ta tha hồ khoác lác. Còn chúng ta phải tỉnh táo nhận biết sự thật, nhờ “món quà thiêng liêng” trời cho: Ý Thức!

Humans and computers are both informational “machines”, but humans are conscious while computers are not. The study of consciousness not only shows us the human superiority over computers, but also broadens our understanding of the world. That is why the problem of consciousness has been becoming one of the greatest topics of 21st century science.

Con người và computers đều là những cỗ máy thông tin, nhưng con người có ý thức trong khi computers thì không. Việc nghiên cứu về ý thức không những cho thấy ưu thế vượt trội của con người so với computer mà còn mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về thế giới. Đó là lý do vấn đề ý thức đã và đang trở thành một trong những chủ đề lớn nhất của khoa học thế kỷ 21.

Nếu bạn đã đọc 2 bài kỳ trước về chủ đề thông tin:

  1. “Tác động triết học của cuộc cách mạng thông tin”[1]
  2. “Những cỗ máy thông tin”[2]

hẳn là bạn đã thấy sự sống không đơn giản là một cỗ máy vật lý và hóa học thuần túy như Lamarck và Darwin nghĩ, mà là một cỗ máy thông tin. Từ đó rút ra kết luận vô cùng quan trọng rằng bản chất sự sống không nằm ở các phản ứng hóa học, mà nằm ở thông tin của sự sống – mã DNA. Từ đó, sinh học trở thành một khoa học về thông tin. Chừng nào bạn chưa nắm vững các khái niệm về thông tin, chừng ấy bạn không thể có một cái nhìn đúng đắn về bản chất sự sống.

Tuy nhiên, thông tin chỉ là ĐIỀU KIỆN CẦN chứ KHÔNG ĐỦ để có sự sống, bởi vì có những cỗ máy thông tin không phải là sự sống, điển hình như computer. Vậy cần phải có thêm những điều kiện gì để một cỗ máy trở thành sự sống? Khoa học đến nay vẫn chưa có một hiểu biết đầy đủ về bản chất của sự sống nên không ai dám nêu lên một ĐIỀU KIỆN ĐỦ để có sự sống. Tuy nhiên, ngoài thông tin, sự sống chắc chắn phải có thêm những điều kiện sau đây:

  1. Khả năng sinh sản hoặc nhân bản (để chuyển giao thông tin của sự sống).
  2. Phải có ý thức.

Trong cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử”[3], Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng Ý THỨC là đặc trưng cốt lõi của sự sống, và do đó bất kỳ một lý thuyết nào không thảo luận về vai trò của ý thức hoặc không hiểu gì về ý thức thì lý thuyết ấy không thể coi là một khoa học về sự sống. Đây là một ý kiến rất đúng đắn và hợp lý về mặt khoa học.

Thực tế, từ vài chục năm nay, vấn đề nghiên cứu về ý thức đã trở thành một trong những chủ đề lớn nhất của khoa học thế kỷ 21, nếu không phải là chủ đề lớn nhất!

Thực ra vấn đề ý thức đã được nhiều bộ não sâu sắc nhất của nhân loại quan tâm đến từ xa xưa. Nhưng gần đây, dưới ánh sáng của khoa học về thông tin, chủ đề ý thức bỗng trở thành một đề tài bùng nổ, vì ý thức chính là khả năng giải mã thông tin.

Chẳng hạn, khi nghe một bản nhạc mà ta thấy xúc động, ấy là ta nhận biết được – giải mã được – những thông tin chứa đựng trong bản nhạc đó. Khả năng giải mã ấy tùy thuộc vào từng cá nhân, nhưng nói chung, sự sống, đặc biệt là con người, có khả năng giải mã đó, tức là có ý thức, trong khi computer thì không, bất kể nó “thông minh” như thế nào.

So sánh con người với computer có nhiều điều rất thú vị, vì nó làm sáng tỏ ưu thế vượt trội của con người so với computer (giúp chúng ta biết trân trọng những giá trị đích thực của con người). Mặt khác, nó thúc đẩy sự phát triển của khoa học computer và đặc biệt của khoa học AI (Trí tuệ nhân tạo), giúp tạo ra những “tên nô lệ” đắc lực cho con người (thay vì những “tên phản chủ” quay lại làm hại con người). Vì cả 2 lý do ấy, việc nghiên cứu về ý thức hiện nay đang trở thành chủ đề nóng bỏng nhất của khoa học.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi “Bản chất ý thức là gì?” bỗng sống động trở lại, làm cho người ta nhớ đến luận thuyết của Descartes về ý thức – một luận thuyết ngay từ thế kỷ 17 đã khẳng định rằng không có gì tồn tại hiển nhiên và rõ ràng hơn ý thức, nhưng cũng không có gì bí ẩn hơn ý thức.

Thật vậy, ý thức là một bí ẩn tuyệt đối, một thách thức trêu ngươi đối với tham vọng hiểu biết của con người. Có những người vốn tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh vô hạn của khoa học nên yên chí rằng tất cả mọi bí mật của tự nhiên sẽ lần lượt được khám phá, vấn đề chỉ là thời gian. Nhưng khoa học hiện đại chỉ ra rằng đó là một ý nghĩ ngây thơ. Khoa học càng phát triển càng để lộ cho thấy có nhiều sự thật khoa học không thể giải thích (Định lý Gödel), trong đó ý thức là bí ẩn lớn nhất. Thực tế ngày càng cho thấy ý thức là một bí ẩn nằm ngoài tầm với của bất kỳ một khoa học nào mà con người có thể có. Chính khoa học đã thừa nhận điều này.

A1

Trong cuốn “Can scientists believe?” (Các nhà khoa học có thể tin không?) xuất bản năm 1991, Sir Nevill Francis Mott, nhà vật lý từng đoạt Giải Nobel năm 1977, khẳng định rõ hơn ai hết về bí ẩn của ý thức:

Cả khoa học vật lý lẫn tâm lý học đều không thể giải thích được ý thức của con người. Đối với tôi, ý thức của con người nằm ngoài khoa học, và chính ở đây tôi tìm kiếm mối quan hệ giữa Chúa và con người[4]. [Tôi tô đậm để nhấn mạnh, PVHg]

(2)

Roger Penrose, nhà toán học và vật lý giỏi nhất thế giới hiện đang còn sống, người vừa đoạt Giải Nobel vật lý năm 2020, cũng phải thốt lên:

Có hai từ ngữ khác mà tôi không hiểu – sự nhận biết (awareness) và trí thông minh (intelligence)”[5]. Nhưng “Ý thức … là hiện tượng mà nhờ nó ta nhận biết được sự tồn tại của vũ trụ[6].

Có nghĩa là theo Penrose, nhờ ý thức mà ta nhận biết được thế giới nhưng ta lại không biết tại sao ta có khả năng nhận biết như thế.  

Albert Einstein cũng từng có suy nghĩ tương tự, đến nỗi ông coi khả năng nhận biết là một phép mầu. Ông nói:

Bí ẩn vĩnh cửu của thế giới là khả năng có thể hiểu được của nó… Cái thực tế là nó có thể hiểu được là một phép mầu[7].

Phép mầu ấy không phải là những kiến thức tích lũy được mà ta gọi là trí tuệ. Phép mầu ấy là sự nhận biết trực tiếp, tức trực giác, giúp ta khám phá. Einstein nói:

Trí tuệ có rất ít tác dụng trên con đường khám phá. Có một bước nhảy vọt trong nhận thức, ta gọi đó là trực giác hoặc gọi là gì tùy ý, và giải pháp sẽ đến với bạn mà bạn không biết tại sao hoặc làm thế nào mà có giải pháp ấy [8].

Lewis Thomas, một nhà sinh lý học nổi tiếng từng là Giám đốc Đại học Y khoa New York, cũng thừa nhận sự bí ẩn của ý thức:

Ý thức là một bí ẩn hoàn toàn đối với loài của chúng ta…[9].

Nick Hebert, nhà vật lý nổi tiếng, tác giả cuốn “Quantum Reality” (Hiện thực lượng tử), cũng nhận định rằng cho đến nay khoa học vẫn không hiểu gì về ý thức:

Bí ẩn lớn nhất của khoa học là bản chất của ý thức. Không phải là chúng ta sở hữu những lý thuyết tồi tệ hoặc không hoàn hảo về nhận thức của con người; chúng ta chỉ đơn giản là không có lý thuyết nào như vậy cả[10].

Tạp chí Scientific American ngày 18/08/2016 loan báo: “Khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức[11], trong đó đăng tải cuộc phỏng vấn Edward Witten, tác giả của Lý thuyết M trong vật lý hiện đại, một lý thuyết tổng hợp các Lý thuyết Dây. Witten thừa nhận ý thức là một bí ẩn không thể giải thích được.

Nhưng tại sao khoa học bất lực trước câu hỏi về bản chất của ý thức?

A2

Câu trả lời 1: Vì ý thức là một hiện thực phi vật chất (lý do bản thể luận)

Tờ The Guardian của Anh ngày 21/01/2015 nêu lên một câu hỏi lớn: “Tại sao những trí tuệ vĩ đại nhất thế giới đều bất lực trước bí mật của ý thức?”, rồi gián tiếp trả lời trong đoạn sau đây:

Khởi nguồn những tranh cãi về bản chất của ý thức dẫn chúng ta đi ngược trở về quá khứ những năm 1600, khi René Descartes nêu lên một luận thuyết về ý thức mà hàng trăm năm sau vẫn là chủ đề để các học giả tiếp tục tranh cãi mà không tìm thấy lời giải. Một mặt Descartes nhận thấy không có cái gì rõ ràng hơn và khó bác bỏ hơn một thực tế là tất cả chúng ta đều có ý thức. Về lý thuyết, tất cả mọi thứ mà bạn nghĩ là bạn biết về thế giới đều có thể chỉ là một ảo ảnh được tạo ra để đánh lừa bạn, nhưng bản thân ý thức thì không thể là một ảo ảnh. Mặt khác, hiện tượng quen thuộc nhất và chắc chắn nhất này lại không tuân thủ bất kỳ một quy luật thông thường nào của khoa học. Nó dường như không phải là vật chất. Nó không thể quan sát được, ngoại trừ sự cảm nhận từ bên trong, bởi chính ý thức của con người. Thậm chí nó không thể thực sự mô tả được. Do đó, Descartes kết luận, ý thức phải được tạo ra bởi một chất liệu gì đó đặc biệt, phi vật chất, không tuân thủ các định luật của tự nhiên; vì thế ý thức ắt phải là một cái gì đó do Chúa truyền cho chúng ta”.[12]

Tóm lại, theo The Guardian, lý do để khoa học không thể giải thích được bản chất của ý thức là vì ý thức không phải là vật chất – ý thức là một hiện thực phi vật chất. Khoa học vật chất bất lực khi phải đối mặt với những thực thể phi vật chất. Sự bế tắc của khoa học đối với câu hỏi về bản chất của ý thức hoàn toàn tương tự như sự bế tắc của khoa học đối với nguồn mã DNA. Cả nguồn mã DNA lẫn ý thức đều là những thực thể phi vật chất. Chỉ có một lối thoát duy nhất cho khoa học là thừa nhận rằng:

Một, giống như thông tin, ý thức là một thực thể phi vật chất, tồn tại độc lập với vật chất, mặc dù nó biểu lộ qua vật chất và có quan hệ với vật chất.

Hai, giống như thông tin, ý thức cũng tham gia vào các hoạt động của sự sống và của vũ trụ, thậm chí ý thức đóng vai trò điều khiển trong các hoạt động đó.

Câu trả lời 2: Vì ý thức là tiên đề của hệ thống nhận thức (lý do logic)

Thật vậy, theo Định lý Gödel, mọi hệ logic đều không thể tự giải thích hoặc chứng minh hệ tiên đề của nó. Nếu hệ thống nhận thức của loài người tuân thủ logic, thì ý thức chính là tiên đề hoặc tiền đề của hệ thống đó. Điều này là hiển nhiên, vì phải có ý thức thì mới có thể nhận thức được bất kỳ cái gì khác. Do đó hệ thống nhận thức không thể giải thích hoặc chứng minh tiên đề của nó là ý thức.

Thực ra không cần phải đợi đến khi có Định lý Gödel (1931) người ta mới biết rằng khoa học bất lực trước câu hỏi về bản chất của ý thức. Nhiều nhà khoa học xuất sắc đã nhìn thấy điều đó bằng tư duy trực giác. Đó là trường hợp của Max Planck và Erwin Schrödinger.

Max Planck, cha đẻ của Thuyết Lượng tử, người đoạt Giải Nobel vật lý năm 1919, khẳng định:

Tôi coi ý thức là nền tảng. Tôi coi vật chất là phái sinh từ ý thức. Chúng ta không thể hiểu được cái đằng sau ý thức. Mọi thứ mà chúng ta nói đến, mọi thứ mà chúng ta coi là đang tồn tại, đều do ý thức giả định[13].

Erwin Schrödinger, cha đẻ Phương trình sóng trong Cơ học Lượng tử, người đoạt Giải Nobel vật lý năm 1933, nói:

Ý thức không thể giải thích được bằng những thuật ngữ mang tính vật chất. Vì ý thức là khái niệm gốc rễ, không thể giải thích được bằng thuật ngữ của bất cứ thứ gì khác[14].

Tóm lại, khoa học không thể trả lời câu hỏi về bản chất của ý thức. Vậy thay vì cố trả lời câu hỏi đó, nên thừa nhận những sự thật hiển nhiên về ý thức như những tiên đề, từ đó xây dựng nên những lý thuyết về ý thức.

A3

  1. Mọi sự sống đều có ý thức (có khả năng nhận biết thế giới).
  2. Ý thức là đặc trưng riêng biệt sự sống – chỉ sự sống mới có ý thức.
  3. Giống như thông tin, ý thức biểu lộ thông qua vật chất, nhưng bản thân nó không phải là vật chất, không phải năng lượng, và tồn tại độc lập với vật chất và năng lượng.
  4. Vật chất không tạo ra ý thức. Ngược lại, ý thức có khả năng điều khiển hoạt động vật chất (điển hình là ý thức của con người tạo ra các hệ điều hành và các chương trình cho máy tính).
  5. Tồn tại một trung tâm ý thức trong vũ trụ (ý kiến của Nicola Tesla)

Có vô số bài toán về ý thức rất hữu dụng, đáng được nghiên cứu. Chẳng hạn:

  • Tồn tại hay không một thế giới ý thức sau cái chết?
  • Các hình thức biểu lộ khác nhau của ý thức: tư duy logic / phi logic?
  • Các tầng ý thức khác nhau: con người / động vật / thực vật?
  • Ý thức của con người khác với trí thông minh của computer như thế nào?

A4

Trong bài trước, “Những cỗ máy thông tin”[15], chúng ta đã biết con người và computer đều là những “cỗ máy” thông tin, vì cả hai đều có hệ điều hành và hoạt động theo hệ điều hành đó. Cả hai đều có thể tiếp nhận, lưu trữ, xử lý, chế biến và truyền thông tin cho những cỗ máy thông tin khác. Vậy con người và computer khác nhau ở chỗ nào?

Khả năng tự động cài đặt hệ điều hành

Computer không thể tự cài đặt hệ điều hành cho mình mà phải nhờ cậy con người làm việc này, trong khi con người được “cài đặt hệ điều hành” một cách tự động thông qua quá trình chuyển giao mã di truyền từ cha mẹ – quá trình giao phối và sinh sản.

Sau thắng lợi của chương trình đánh cờ Deep Blue năm 1997 – Deep Blue đánh thắng vua cờ Garry Kasparov – có những chuyên gia về khoa học AI (Trí thông minh nhân tạo) lạc quan đến mức nói rằng một ngày nào đó có thể computer sẽ biết “yêu”, nhưng dù cho lạc quan đến mức điên rồ cũng không ai dám nói một ngày nào đó computer có khả năng giao phối và sinh sản. Nếu ai nói điều này, chắc chắn đó là người không biết gì hoặc làm trò cười cho thiên hạ.

Thực ra ngay cả khi nói computer biết “yêu” cũng là điên rồ rồi, bởi ngay lập tức người ta sẽ chất vấn: “yêu là gì?”. Nếu “yêu” chỉ là những hoạt động thuần túy “cơ học” thì có lẽ computer một ngày nào đó có thể sẽ biết “yêu”, nhưng nếu “yêu” mang những ý nghĩa chính xác sau đây thì chắc chắn computer sẽ không bao giờ “biết:

  • Yêu là hoạt động phối ngẫu và sinh sản.
  • Yêu là hoạt động cảm xúc có ý thức.

Không chỉ tình yêu, mà tất cả những gì thuộc về ý thức, computer sẽ không thể “bén mảng” đến. Tại sao?

Vì mọi “trí tuệ” của computer đều do con người “phú” cho nó, nhưng chính con người không biết bản chất của ý thức là gì, do đó con người không thể “phú” cho computer cái mà chính con người không biết.

Tư duy logic và phi logic

Xưa nay chúng ta quen đề cao tư duy logic là đúng đắn, tư duy phi logic là không đúng đắn. Đấy là một nhận thức ngây thơ. Cả khoa học computer lẫn khoa học thần kinh và tâm lý học ngày nay đã chỉ ra rằng tư duy logic chỉ là một phần trong toàn bộ ý thức của con người. Tư duy logic thực ra là tư duy của computer. Ý thức của con người rộng hơn tư duy của computer rất nhiều. Con người có khả năng xử lý cả tư duy logic lẫn phi logic.

Trong cuốn “Thực ra toán học là gì?” (What is Mathematics, Really?), Reuben Hersh đặt câu hỏi: “Logic là gì? Phải chăng đó là những quy luật tư duy chính xác?”, rồi ông trả lời:

Kinh nghiệm thường ngày và những nghiên cứu phong phú của các nhà tâm lý học cho thấy phần lớn tư duy của chúng ta không tuân theo logic. Từ đó suy ra rằng, hoặc phần lớn tư duy của con người là sai, hoặc logic chỉ tác động trong một phạm vi quá hẹp. Computers chính là những chiếc máy tuân thủ logic, đó chính là câu trả lời! Logic là những quy tắc của máy tính! Logic cũng áp dụng cho con người khi con người cố gắng biến mình thành những chiếc máy tính!”.

Vì thế, việc coi logic là đúng, phi logic là sai không còn đúng nữa. Có rất nhiều dạng tư duy không tuân thủ logic nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Thí dụ:

  • Tư duy cảm thụ – cảm nhận nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, thơ ca, văn chương, và cả ngay trong khoa học nữa.
  • Tư duy tổng hợp, tư duy khái quát, tư duy triết học, cảm xúc tôn giáo, ngoại cảm tâm linh.
  • Tư duy trực giác

Hiện nay, computer có thể soạn nhạc, chơi nhạc, vẽ tranh, vậy computer có thể có cảm thụ âm nhạc, hội họa không?

Có người trả lời “có”, vì bằng chứng là computer có khả năng soạn ra những bản nhạc đánh lừa được người nghe – người nghe không phân biệt được đó là nhạc do con người sáng tác hay computer sáng tác. Hoặc computer có thể chơi nhạc mà người nghe không biết đó là computer hay người chơi, nếu chỉ nghe mà không nhìn.

Không! Những bằng chứng đó chỉ nói lên rằng trong âm nhạc, có một mức độ logic nhất định để có thể chương trình hóa, và computer có thể làm được những công việc ở cấp độ đó mà thôi. Điều quan trọng nhất trong âm nhạc là cảm hứng – cảm hứng của cả nhạc sĩ lẫn người nghe. Đó là điều vĩnh viễn computer sẽ không có.

Thật vậy, nếu computer thật sự có cảm xúc âm nhạc thì nó phải biết nghe nhạc. Làm thế nào để computer biết xúc động khi nghe một bản nhạc? Làm thế nào để computer biết xúc động khi xem một bức tranh, một bài thơ, một áng văn chương? Rõ ràng việc thần thánh hóa computer chỉ nói lên sự ấu trĩ, sự kém hiểu biết về ý thức của con người mà thôi.

Việc computer “biết” chơi nhạc cũng tương tự như những chương trình dịch thuật hiện nay. Chẳng hạn chương trình Google Translate hiện nay đã dịch rất tốt những câu có cấu trúc đơn giản, đôi khi dịch còn giỏi hơn nhiều người đang học ngoại ngữ. Phải chăng đó là biểu hiện trí thông minh của computer đã vượt trội con người?

Không! Đó chỉ là dấu hiệu chứng tỏ rằng trong ngôn ngữ cũng có một cấp độ logic nhất định và computer có thể làm việc rất tốt trong cấp độ đó. Nhưng giống như âm nhạc, ngôn ngữ của con người phong phú và cao cấp hơn rất nhiều so với cấp độ logic ấy. Bên ngoài và bên trên cấp độ logic, computer sẽ bất lực.

Roger Penrose nói rõ điều đó hơn ai hết:

Trí thông minh không thể hiện diện mà không có sự thấu hiểu. Không có một chiếc computer nào có bất kỳ một sự thấu hiểu nào về việc nó làm[16].

3

Nói một cách dễ hiểu, dưới con mắt của Penrose, computer dù có làm được những việc siêu phàm đến mấy đi chăng nữa, nó vẫn chỉ là một “gã đần độn”, vì nó chẳng hề có ý thức gì về việc nó làm. Nói theo ngôn ngữ tâm lý học, nó không có khả năng ý thức về bản thân nó. Đây là dấu hiệu rõ nhất cho thấy sự thua kém của computer so với con người.

Hãy quan sát sự phát triển về ý thức của con người từ lúc lọt lòng đến khi về già. Ta dễ nhận thấy các em bé sớm có khả năng nhận biết về thế giới xung quanh, nhiều em tỏ rõ sự thông minh từ rất sớm, nhưng nói chung đều chậm có khả năng ý thức về bản thân. Khả năng tự ý thức về bản thân là một khả năng thuộc tầng cao của ý thức. Có lẽ động vật cũng không có ý thức về bản ngã, mặc dù chúng có ý thức về ngoại giới. Con người nói chung phải trưởng thành mới có ý thức về bản ngã. Ý thức về bản ngã có thể là một trong những thước đo chính xác nhất về tính người. Nói chung, tính người càng về già càng sâu hơn, càng rõ hơn. Tất nhiên tùy từng người, có người tỉnh thức sớm, có người tỉnh thức muộn, thậm chí có người về già vẫn như trẻ con, không có một chút ý thức nào đáng gọi là người lớn. Nhưng đó là xét theo cá nhân, còn nói chung, càng về già con người càng hiểu cuộc sống hơn và hiểu chính mình hơn. Vì thế Khổng tử mới nói “ngũ thập tri thiên mệnh”. Tri thiên mệnh chính là hiểu mình, hiểu cái mệnh của mình, biết rằng mình là gì, mình nên ứng xử với xã hội như thế nào là đúng, là hợp lý. Liệu có một chiếc computer nào sẽ “tri thiên mệnh” không? Đây là một câu hỏi vui, nhưng rất đáng hỏi, vì nó cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa computer với con người.

Ngay vả trong toán học – “đất dụng võ” của computer – nó cũng chỉ có thể làm một tên đầy tớ đắc lực cho nhà toán học khi cần phải giải quyết rất nhiều nhiệm vụ toán học phức tạp, mệt mỏi, nhưng nó sẽ là một “tên đầy tớ vô dụng” khi nhà toán học phải đối mặt với những vấn đề thuộc về triết học toán học, ý nghĩa của toán học, bản chất của toán học… Chính vì không hiểu điều này nên một nhà toán học khổng lồ như David Hilbert cũng đã phạm sai lầm lớn khi cho rằng có thể tự động hóa toàn bộ toán học.

Vậy vấn đề đặt ra là tại sao computer có thể chơi cờ thắng vua cờ Garry Kasparov (chương trình Deep Blue năm 1997), nhưng nó lại bất lực trước việc thưởng thức vẻ đẹp của một bức tranh? Câu hỏi này giúp chúng ta nhìn sâu vào thế giới của ý thức

A5

Trả lời câu hỏi trên: Đơn giản vì cờ tướng là một bài toán logic thuần túy, trong khi cảm xúc thưởng thức tranh nằm trong bí mật vô tận của ý thức.

Hãy nghe ý kiến của Douglas Hofstadter trong cuốn sách nổi tiếng từng đoạt Giải Pulitzer năm 1980 của ông, “Gödel, Escher, Bach”:

Khi một hoạt động trí não nào đó đã được chương trình hoá thì người ta sẽ mau chóng ngừng coi nó như một thành phần chủ yếu của tư duy thực sự[17].

(5)

Đó là một phản đề rất tuyệt vời nói với chúng ta rằng từ nay mỗi khi computer đạt được kỳ tích gì thì phải hiểu rằng kỳ tích ấy không nằm trong phần bí ẩn nhất của ý thức.

Quả thật trước năm 1997, cờ tướng từng được coi là một nghệ thuật bậc nhất, sánh ngang với âm nhạc, thơ cả. Nhưng trận đấu Deep Blue-Kasparov 1997 đã làm hỏng môn cờ tướng. Đại kiện tướng cờ vua Bobby Fisher từng làm đau lòng giới mộ điệu môn thể thao trí tuệ này khi thốt lên rằng “Cờ tướng đã hoàn toàn chết!” (Chess is completely dead!), nhưng nhân loại học được một bài học để đời:

Computer có thể bằng và hơn con người trong lĩnh vực ý thức thuần túy logic, nhưng sẽ vĩnh viễn vô hồn vô cảm vô dụng trong những lĩnh vực ý thức không logic!

Một lần nữa xin hãy lắng nghe ý kiến của Roger Penrose về sự hơn hẳn của con người so với computer:

Trong lĩnh vực tư duy bao gồm thành phần không thể tính toán được, computer không bao giờ có thể làm được những việc mà con người có thể làm[18]

Một trong những lĩnh vực đòi hỏi ý thức cao nhất là ĐẠO!

Thật bất ngờ khi một lần nữa chúng lại gặp Roger Penrose ở chỗ này – với tư cách một nhà khoa học bậc nhất thế giới hiện nay, ông chỉ ra rằng ý thức là điều kiện thiết yếu để có đạo đức. Ông nói:

Nếu không có những sự sống có ý thức trên thế giới thì sẽ không thể có đạo đức, nhưng nhờ ý thức mà chúng ta đã có[19]

Computer sẽ vĩnh viễn vô ý thức về Đạo và do đó nó không chịu trách nhiệm về Đạo. Nếu robots sau này làm những việc vô đạo, computer sẽ không chịu trách nhiệm, mà con người phải chịu trách nhiệm, vì chỉ có ý thức của con người mới hiểu Đạo là gì! Thật chí lý! Đây là điểm gặp gỡ tuyệt vời của tư duy khoa học với tư duy xã hội học!

Vậy hãy đầu tư thật nhiều vào khoa học computer, nhưng không phải để chế tạo ra những “tên tay sai vô hồn vô đạo” làm những việc vô đạo, mà để hướng dẫn chúng làm những việc có ích cho con người, chẳng hạn thám hiểm những hầm mỏ sâu nguy hiểm mà con người không thể vào hoặc vào với độ rủi ro cao, hoặc làm y tá hộ lý trong những khu vực bệnh dịch nguy hiểm… Có quá nhiều việc có ích để làm, vấn đề là các nhà đầu tư có muốn đầu tư vào đó hay không. Điều ấy phụ thuộc vào ĐẠO của con người.

Tư duy về Đạo của con người sẽ giúp cho các nhà khoa học phân định rõ ràng hai khu vực của ý thức: Khu vực tư duy logic sẽ dần dần được chuyển giao cho computer, con người nên tập trung vào việc duy trì và phát triển khu vực ý thức cảm xúc, ý thức triết học và ý thức đạo lý.

Khoa học computer càng phát triển bao nhiêu càng để lộ cho thấy giá trị đích thực của con người nằm ở khu vực ý thức mà computer không có, đó là CẢM XÚC VỀ CÁI ĐẸP, TƯ DUY TRIẾT HỌC, TƯ DUY ĐẠO LÝ.

Tất cả những sự thật nói trên thiết tưởng rất dễ hiểu và dễ tiếp thu đối với một người có tư duy trực giác tốt. Nhưng với những người mắc bệnh duy lý, nhất là những người mắc bệnh thần thánh hóa computer, thì không dễ thuyết phục họ chút nào. Đối với những người này, Roger Penrose dùng chính logic để bác bỏ quan điểm của họ, giống như Kurt Gödel ngày xưa đã dùng chính logic toán học để bác bỏ quan điểm của David Hilbert về sự tồn tại của một hệ thống toán học hoàn hảo về mặt logic.

Thật vậy, trong cuốn “Gödel, A Life of Logic” (Gödel, một cuộc đời của logic), Chương 7, trang 121, John Casti và DePauli cho biết:

Năm 1989, nhà vật lý lý thuyết Roger Penrose công bố cuốn Tư tưởng Mới của Hoàng đế (The Emperor’s New Mind), một cuốn sách mà lập luận chủ yếu của nó là ở chỗ ý thức của con người có khả năng vượt quá tư duy lý trí, và do đó không bao giờ có thể sao chép lại trong một chiếc máy … Lập luận của Penrose chống lại khoa học về trí tuệ nhân tạo AI là ở chỗ ý thức là một cái gì đó rộng lớn hơn tư duy lý trí. Thành phần chủ yếu trong lập luận của Penrose là một kết quả của Định lý Gödel đã chỉ ra rằng có những mệnh đề đúng của số học mà ý thức của con người có thể biết nhưng không thể biến thành một chương trình computer được”.

Thực ra Penrose không phải là người đầu tiên dùng Định lý Gödel để nêu lên “lập luận chống AI” (Anti-AI argument). Người đầu tiên làm việc này là John Lucas, một Giáo sư triết học tại Đại học Oxford. Ngay từ năm 1961, Lucas đã tạt một gáo nước lạnh vào trường phái AI bằng một tuyên bố cho rằng “theo Định lý Gödel, tồn tại những sự thật số học mà con người có thể thấy là đúng, nhưng máy tính không thể chứng minh, do đó khả năng nhận thức của con người ắt phải vượt quá khả năng của bất kỳ một chiếc máy nào” (sách đã dẫn, trang 142).

Tất nhiên trường phái AI không dễ bị khuất phục bởi một giáo sư triết học. Tuy nhiên khi Penrose ủng hộ Lucas thì trường phái chống AI mạnh hẳn lên, vì Penrose là người có uy tín khoa học rất cao. Có thể nói ông là nhà khoa học xuất sắc nhất từ những thập kỷ cuối thế kỷ 20 cho tới nay.

Những ai ngả theo trường phái Lucas- Penrose chắc chắn đều tin vào giá trị cao quý của con người, bởi họ biết rằng thế mạnh của con người không nằm ở khu vực tư duy lý trí, mà ở khu vực bí ẩn của computer, biểu lộ qua một khả năng kỳ lạ mà chỉ con người mới có, đó là TRỰC GIÁC – cái mà Albert Einstein coi là một quà tặng thiêng liêng:

Tư duy trực giác là món quà thiêng liêng và tư duy lý lẽ là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng[20].

Rõ ràng cái trực giác ấy là quà tặng thiêng liêng dành riêng cho con người.

Loài vật có thể cũng có những trực giác bẩm sinh mà chúng ta không thể biết hết được, vì chúng ta luôn luôn ở bên ngoài loài vật chứ không thể ở bên trong chúng để biết chúng thực sự nghĩ gì. Tuy nhiên chúng ta có thể tin chắc rằng trực giác của con người cao cấp hơn nhiều – không một chiếc máy nào hoặc một loài vật có thể có cái trực giác kỳ lạ như của con người. Chẳng hạn trực giác của Einstein khi nghĩ ra Thuyết Tương đối.

Thật vậy, có lần Einstein tâm sự đại ý rằng “Nếu ông không nghĩ ra Thuyết Tương đối hẹp thì có thể một người khác sẽ nghĩ ra, chẳng hạn như Lorentz hoặc Poincaré, nhưng khi ông nghĩ ra Thuyết Tương đối rộng thì ông băn khoăn tự hỏi nếu ông không nghĩ ra thì không biết đến bao giờ loài người mới nghĩ ra[21]. Ý ông nhấn mạnh rằng có những ý tưởng lạ lùng nẩy sinh trong đầu óc ông mà không sao giải thích được tại sao nó lại nẩy sinh ra như thế.

Một khi đã nói về những điều lạ lùng của thế giới ý thức thì không thể không nói đến Nicola Tesla, nhà phát minh vĩ đại nhất và kỳ lạ nhất của thế kỷ 20, và cũng không thể không nói đến sự tồn tại của ý thức sau cái chết.

2

A6

Nói về Tesla không bao giờ là đủ, vì 3 lý do:

  • Tesla là một nhà phát minh thiên tài, vượt xa thời đại của ông. Rất khó giải thích thiên tài ấy đến từ đâu, trong khi chính Tesla cho biết nó đến từ một Trung tâm Ý thức trong vũ trụ.  
  • Tesla có khả năng tiên tri và ngoại cảm rất kỳ lạ. Khả năng này được các tài liệu lịch sử khoa học ghi chép đầy đủ, rõ ràng và chính xác.
  • Những trải nghiệm của Tesla chứa đựng những bí ẩn lớn về ý thức. Nếu tin vào những điều ông nói, chúng ta có thể giải thích được nhiều bí ẩn về ý thức mà chúng ta có thể chứng kiến, như các hiện tượng ngoại cảm, hiện tượng thần giao cách cảm, các hiện tượng cận tâm lý v.v. 

Câu nói đáng chú ý nhất của Tesla là tuyên bố sau đây:

Bộ não của tôi chỉ là một cỗ máy tiếp nhận, trong vũ trụ có một trung tâm cốt lõi mà từ đó chúng ta nhận được tri thức, sức mạnh và niềm cảm hứng. Tôi chưa thâm nhập được vào những bí mật của trung tâm này, nhưng tôi biết nó tồn tại[22].

Có nghĩa là theo Tesla, tồn tại một TRUNG TÂM Ý THỨC trong vũ trụ, và bộ não của chúng ta là những cỗ máy đón nhận được những thông tin phát ra từ trung tâm ấy. Nói cách khác, ý thức của mỗi người chúng ta liên quan mật thiết với Trung tâm Ý thức trong vũ trụ, hoặc có tương tác hai chiều với Trung tâm ý thức!

Những người theo chủ nghĩa thực chứng (positivism) không tin những điều Tesla nói, nhưng cũng không có cơ sở nào để bác bỏ. Tình trạng này rất giống với hiện tượng bất khả quyết định (undecidable) trong toán học, mà Định lý Gödel đã khẳng định: Trong toán học tồn tại những mệnh đề bất khả quyết định – tức là không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ. Thí dụ:

Giả thuyết Continuum do Georg Cantor nêu lên từ cuối thế kỷ 19, đã được chính Gödel và một học trò của ông là Paul Cohen chứng minh đó là một giả thuyết bất khả quyết định.

Giả thuyết Goldbach do Goldbach nêu lên từ thế kỷ 18 cũng có thể là một giả thuyết bất khả quyết định: Bất kỳ một số chẵn nào lớn hơn 2 cũng đều là tổng của 2 số nguyên tố.

Stephen Hawking đã thấm nhuần Định lý Gödel để nói rằng trong vật lý cũng sẽ tồn tại những hiện tượng không thể dự đoán được. Ông nói:

Theo triết học thực chứng của khoa học, một lý thuyết vật lý là một mô hình toán học. Vì vậy, nếu có những kết quả toán học không thể chứng minh được thì cũng có những bài toán vật lý không thể dự đoán được[23].

Nếu trong toán học và vật lý – những lĩnh vực tư duy logic mạnh nhất của khoa học – mà còn có những sự thật bất khả quyết định thì tại sao lại đòi hỏi những lĩnh vực nhận thức khác phải có chứng minh thực chứng thì mới tin? Đó là một thái độ vô lý và bất công của chủ nghĩa thực chứng. Trong khi đó, có những lý thuyết vô lý đến mức không thể tin được thì lại cả tin, chẳng hạn như lý thuyết nói rằng cách đây khoảng hơn 3 tỷ năm, sự sống đã ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh. Không có bất cứ một bằng chứng thực chứng hoặc logic nào ủng hộ cho niềm tin đó, vậy mà chủ nghĩa thực chứng lại làm ngơ. Trong khi một tài năng lỗi lạc như Tesla nói ra những sự thật mà ông trải nghiệm thì lại không tin.

Tất nhiên uy tín của Tesla không đủ để chúng ta tin bất cứ điều gì ông nói, nhưng có những luận cứ gián tiếp ủng hộ Tesla.

Niềm tin của Tesla vào sự tồn tại của Trung tâm Ý thức trong vũ trụ có thể là một niềm tin bất khả quyết định đối với khoa học thực chứng, nhưng nếu coi niềm tin đó là một tiên đề của hệ thống nhận thức, ta có thể giải thích được một số hiện tượng bí ẩn của ý thức như khái niệm thiên tài, ngoại cảm, thần giao cách cảm, cận tâm lý …

Nếu không tin có một Trung tâm Ý thức trong vũ trụ thì làm thế nào để giải thích hiện tượng thiên tài? Tại sao xã hội thừa nhận có thiên tài mà lại không thừa nhận nguồn gốc của thiên tài đó? Vậy chính sự không thừa nhận này mới là phi lý. Ngược lại, bản thân chữ “thiên tài” đã nói rất rõ rằng đó là “tài năng trời cho”! Niềm tin phổ biến này hoàn toàn phù hợp với trực giác của Tesla. Hóa ra Ông Trời của người Việt chính là Trung tâm Ý thức trong vũ trụ mà Tesla nói đến. Nói cách khác, niềm tin rằng có Ông Trời mới là một niềm tin hợp lý.

Nhưng tại sao có người là thiên tài, còn người khác thì không?

Nếu tất cả là thiên tài thì không ai là thiên tài cả. Trong Do Thái giáo và Ki-tô giáo có khái niệm “người được chọn” (chosen people). Nếu bạn có niềm tin tôn giáo đó, bạn sẽ hiểu rằng người được chọn là người có sứ mệnh. Sứ mệnh có thể lớn, có thể nhỏ. Có nhiều sứ mệnh khác nhau, Einstein có thể là một trong những người được chọn để thực hiện sứ mệnh khai sáng cho nhân loại những khái niệm lạ lùng về vũ trụ mà trước đó không ai có thể tưởng tượng được. Chính vì thế nên Einstein mới tin rằng nếu ông không nghĩ ra Thuyết Tương đối rộng, không biết đến bao giờ loài người mới nghĩ ra.

Nicola Tesla cũng là người có sứ mệnh. Sứ mệnh của Tesla có lẽ còn lớn hơn Einstein. Nếu Einstein chỉ có sứ mệnh khai sáng cho nhân loại về những bí mật lạ lùng của thế giới vật chất thì Tesla còn có sứ mệnh cao hơn: khai sáng cho nhân loại những bí mật lạ lùng về thế giới ý thức!

Nếu Einstein chỉ có sứ mệnh nói cho nhân loại biết rằng vật chất và năng lượng là một, và rằng không gian và thời gian không tuyệt đối như ta tưởng, mà là tương đối thôi, thì Tesla có sứ mệnh nói với chúng ta rằng con người có mối liên hệ tương tác hai chiều với Trung tâm Ý thức của vũ trụ, và do đó con người cần phải thực hiện mối liên hệ tương tác 2 chiều ấy một cách hiệu quả nhất.

Nếu Einstein gián tiếp chứng minh sự hiện hữu của Nhà Thiết kế Vũ trụ thông qua những định luật vật lý thì Tesla trực tiếp nói với chúng ta rằng có Nhà Thiết kế ấy, và đó là Trung tâm Ý thức của vũ trụ. Ông thuyết phục chúng ta bằng những phát minh kỳ lạ của ông mà không cần đến các phương trình, và bằng tài tiên tri không thể chối cãi của ông.

Nếu tin vào sự hiện hữu của Trung tâm Ý thức, và con người tương tác với ý thức theo cả 2 chiều, chúng ta cũng dễ dàng tin rằng ý thức mới là yếu tố cốt lõi của con người chứ không phải thể xác.

Đó là lý do để Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử” của Ngài, cho rằng ý thức là đặc trưng chủ yếu của sự sống, và do đó bất kỳ một lý thuyết nào không biết gì về ý thức đều không thể xứng đáng được coi là một lý thuyết về sự sống.

Tương tự, C.S. Lewis, nhà văn nổi tiếng người Anh, Giáo sư văn học Anh tại Đại học Oxford và Đại học Cambridge, cũng nhấn mạnh phần linh hồn của con người, tức ý thức của con người mới là phần có thật và vĩnh cửu của con người. Ông nói:

Không phải bạn có một linh hồn, mà bạn chính là một linh hồn, và bạn có một thể xác[24].

Có nghĩa là chết không phải là hết, vì ý thức là một thực thể phi vật chất, giống như thông tin, nó tồn tại vĩnh cửu, độc lập với vật chất.

Ki-tô giáo cũng tin rằng sự sống thể xác là tạm, và khi nào con người về với Chúa mới là về nhà mình – nhà của Chúa. Câu nói nối tiếng của nữ Thánh Ki-tô giáo duy nhất của Úc là Mary Mackillop được khắc trên mộ Thánh tại Đền Thờ ở North Sydney:

Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta chỉ là những lữ khách trên trần gian này mà thôi[25]

Người Việt cũng nói: “Sinh ký, tử quy” (Sống là ký gửi, chết mới là trở về nhà). Hóa ra niềm tin truyền thống của người Việt cũng đồng điệu với Phật giáo, Ki-tô giáo, và với những nhà tư tưởng lớn như Lewis…

Đó là lý do các nhà ngoại cảm có thể liên lạc được với các linh hồn – ý thức của những người đã mất. Tại sao chỉ có các nhà ngoại cảm làm được điều này?

Có lẽ vì các nhà ngoại cảm cũng có sứ mệnh. Chẳng hạn:

  • Sứ mệnh chữa bệnh như Nhà Văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Cần, Nhà ngoại cảm Bruno Gröning …
  • Sứ mệnh tiên tri như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nostradamus …
  • Sứ mệnh giúp đỡ liên lạc và bù đắp tình cảm giữa người sống với người đã khuất
  • Sứ mệnh thông báo cho nhân loại về sự hiện hữu của các thế giới khác
  • Sứ mệnh thông báo cho nhân loại những tiềm năng lớn lao của con người mà chính con người “bỏ quên”, như Einstein đã nói về việc bỏ quên món quà trực giác.
  • Và nhiều sứ mệnh khác nữa mà chúng ta có thể chưa thể lường hết.

Để kết, xin trích 2 ý kiến của 2 trong số những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại nói về thế giới ý thức sau cái chết:

Louis Pasteur

Sau khi chết, sự sống xuất hiện trở lại dưới một hình thức khác và với những quy luật khác[26].

Kurt Gödel:

Có những thế giới khác và những sinh vật có lý trí thuộc loại khác và cao hơn… Thế giới mà chúng ta đang sống không phải là thế giới duy nhất mà chúng ta sẽ sống hoặc đã sống[27].

Một lần, Rudy Rucker, một nhà toán học, một chuyên gia khoa học máy tính, tác giả sách khoa học viễn tưởng nổi tiếng người Mỹ, phỏng vấn Gödel[28]:

–  Ông có tin rằng có một Ý Thức duy nhất đằng sau tất cả những biểu hiện bề ngoài và những hoạt động khác nhau của thế giới không?

–  Vâng, Ý Thức là thứ được cấu trúc, nhưng Ý Thức tồn tại độc lập với các thuộc tính riêng lẻ của nó, Gödel trả lời.

–  Ông có tin rằng Ý Thức có mặt ở khắp mọi nơi, trái với việc gán vị trí cho nó trong bộ não của con người không?

–  Tất nhiên. Đây là điều thần bí cơ bản được giảng dạy mà.

Thiết tưởng, Ý Thức duy nhất của vũ trụ mà Gödel tin tưởng chính là Trung Tâm Ý Thức trong vũ trụ mà Nicola Tesla đã nói. Đúng là tư tưởng lớn gặp nhau (Les grands esprits se rencontrent / Great minds think alike!).

Cái Ý Thức duy nhất ấy là nền tảng của vũ trụ, nó nối kết tất cả các thế giới lại với nhau. Tôi gọi đó là TRƯỜNG Ý THỨC (Conscious Field) hoặc TRƯỜNG THÔNG TIN (Informational Field).

Trường Ý Thức sẽ thâu tóm vào trong nó cả sự sống lẫn thế giới sau cái chết! Vì chúng ta đang ở trong thế giới của sự sống nên ta coi thế giới sau cái chết là thế giới khác, nhưng thực ra hai thế giới ấy là một, nó cùng nằm trong Trường Ý Thức!

Các nhà ngoại cảm có thể “bơi” trong Trường Ý Thức, nên họ trở thành các liên lạc viên giữa hai thế giới: thế giới sống và thế giới sau cái chết!

DJP, Sydney 13/04/2021


[1] https://viethungpham.com/2021/03/25/philosophical-impact-of-information-revolution-tac-dong-triet-hoc-cua-cuoc-cach-mang-thong-tin/

[2] https://viethungpham.com/2021/04/06/informational-machines-nhung-co-may-thong-tin/

[3] Xem “Ý thức: chìa khóa của sự sống” https://viethungpham.com/2017/07/04/consciousness-the-key-of-life-y-thuc-chia-khoa-cua-su-song/

[4] Neither physical science nor psychology can ever ‘explain’ human consciousness. To me then, human consciousness lies outside science, and it is here that I seek the relationship between God and man  https://todayinsci.com/QuotationsCategories/C_Cat/Consciousness-Quotations.htm

[5] There are two other words I do not understand — awareness and intelligence https://en.wikiquote.org/wiki/Roger_Penrose

[6] . / Consciousness … is the phenomenon whereby the universe’s very existence is made known https://todayinsci.com/QuotationsCategories/C_Cat/Consciousness-Quotations.htm

[7] The eternal mystery of the world is its comprehensibility … The fact that it is comprehensible is a miracle  https://www.nature.com/articles/d41586-018-05004-4

[8] The intellect has little to do on the road to discovery. There comes a leap in consciousness, call it intuition or what you will, and the solution comes to you and you don’t know why or how  https://todayinsci.com/QuotationsCategories/C_Cat/Consciousness-Quotations.htm

[9] consciousness is so much a total mystery for our own species that we cannot begin to guess about its existence in others https://todayinsci.com/QuotationsCategories/C_Cat/Consciousness-Quotations.htm

[10] Science’s biggest mystery is the nature of consciousness. It is not that we possess bad or imperfect theories of human awareness; we simply have no such theories at all [Quantum Reality: Beyond the New Physics (1987), 249.]   https://todayinsci.com/QuotationsCategories/C_Cat/Consciousness-Quotations.htm

[11] https://viethungpham.com/2017/08/03/science-cant-crack-consciousness-khoa-hoc-khong-the-pha-vo-bi-mat-cua-y-thuc/

[12] https://www.theguardian.com/science/2015/jan/21/-sp-why-cant-worlds-greatest-minds-solve-mystery-consciousness https://viethungpham.com/2017/07/25/the-hardest-problem-consciousness-bai-toan-kho-nhat-y-thuc/

[13] I regard consciousness as fundamental. I regard matter as derivative from consciousness. We cannot get behind consciousness. Everything that we talk about, everything that we regard as existing, postulates consciousness. https://todayinsci.com/QuotationsCategories/C_Cat/Consciousness-Quotations.htm

[14] Consciousness cannot be accounted for in physical terms. For consciousness is absolutely fundamental. It cannot be accounted for in terms of anything else https://www.goodreads.com/quotes/325387-consciousness-cannot-be-accounted-for-in-physical-terms-for-consciousness

[15] https://viethungpham.com/2021/04/06/informational-machines-nhung-co-may-thong-tin/

[16] Intelligence cannot be present without understanding. No computer has any awareness of what it does  https://www.azquotes.com/quote/1252453

[17] Dẫn theo cuốn “The Most Human Human” của Brian Christian.

[18] With thought comprising a non-computational element, computers can never do what we human beings can  https://quotefancy.com/roger-penrose-quotes

[19] If you didn’t have any conscious beings in the world, there really wouldn’t be morality but with consciousness that you have it https://quotefancy.com/roger-penrose-quotes

[20] The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honors the servant and has forgotten the gift https://quotefancy.com/quote/3952/Albert-Einstein-The-intuitive-mind-is-a-sacred-gift-and-the-rational-mind-is-a-faithful

[21] Cách đây vài chục năm, tôi từng được biết ý kiến này của Einstein thông qua một nhà toán học giỏi và có uy tín, nhưng hiện không tìm được tài liệu chứa đựng ý kiến này. Ai tìm được xin chỉ giúp.

[22] My brain is only a receiver, in the Universe there is a core from which we obtain knowledge, strength and inspiration. I have not penetrated into the secrets of this core, but I know that it exists https://www.goodreads.com/quotes/753175-my-brain-is-only-a-receiver-in-the-universe-there

[23] Xem bài “Gödel và sự kết thúc của vật lý”, Mục 15, trang 130, sách “Định lý Gödel – Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, của Phạm Việt Hưng, NAB Tri Thức, 2019.

[24] We don’t have a soul. We are a soul. We happen to have a body https://www.goodreads.com/quotes/862118-we-don-t-have-a-soul-we-are-a-soul-we

[25] Remember we are all but travelers here!

[26] After death, life reappears in a different form and with different laws. It is inscribed in the laws of the permanence of life on the surface of the earth and everything that has been a plant and an animal will be destroyed and transformed into a gaseous, volatile and mineral substance https://todayinsci.com/P/Pasteur_Louis/PasteurLouis-Quotations.htm

[27] There are other worlds and rational beings of a different and higher kind… The world in which we live is not the only one in which we shall live or have lived http://kevincarmody.com/math/goedel.html

[28] http://kevincarmody.com/math/goedel.html

26 thoughts on “Conscious Machines / Những cỗ máy có ý thức

  1. Bàn luận.

    1) Cảm ơn tác giả đã viết một tiểu luận công phu và có giá trị.

    2) Máy hơi nước, động cơ đốt trong, các máy móc dùng điện, computer, Dữ liệu lớn, Máy học, Trí tuệ nhân tạo… là những thứ do con người nghĩ ra nhằm làm tăng sức mạnh cơ bắp, sức mạnh tư duy logic của con người. Chúng chỉ xứng đáng là những tên “đày tớ” giúp việc cho con người và không bao giờ có thể so sánh được với con người – một thực thể có ý thức và có trí tuệ.

    3) Chuyện vui về trí tuệ nhân tạo (AI):
    Blog Phạm Thị Hoài: “Trong vòng ba năm qua, mỗi lần thả hai chữ ‘đảm đang’ vào ứng dụng dịch thuật của Google tôi đều nhận được một kết quả không thay đổi, theo đó ‘đảm đang’ trong tiếng Anh là ‘guaranteed’. Máy dịch Google mà tôi ngưỡng mộ như một đồng nghiệp lớn, tuyệt đối hào phóng, vô tư, cầu thị và ngày càng giỏi nghề, vẫn bất lực dài trước ‘đảm đang’, vẫn tưởng đó là một dạng ‘đảm bảo’. Và như mọi trí tuệ nhân tạo, luôn tính đến mọi phương án, nó hồn nhiên gợi ý rằng có một từ khác gần với ‘đảm đang’ là ‘dâm đãng’ mà nó dịch là ‘erotic’ “.
    Dịch thuật của Google chỉ dịch tương đối ổn các câu có logic thông thường. Nó bó tay với các thành ngữ vì thành ngữ là phi logic. Tương tự nó sẽ ngô nghê khi dịch thơ, vì thơ có hàm lượng phi logic cao.

    4) Lạm dụng AI đôi khi dẫn đến tai họa:
    Các xe tự lái đều có bộ não là một trí tuệ nhận tạo chuyên dụng.
    Đã có xe tự lái đâm chết người.
    Tôi khuyên các nhà sáng chế xe tự lái hãy đem xe của mình đến thử nghiệm ở một ngã tư bất kỳ trong nội thành Hà Nội (!).

    5) Lấy ý thức, trí tuệ để nghiên cứu ý thức, trí tuệ là một bài toán tự quy chiếu.
    Do đó tìm ra một hệ tiên đề cho “ý thức” là một cách tiếp cận đúng hướng.

    Đã thích bởi 1 người

    • Hay quá! xuy ngẫm thấy TRung Tâm ý Thức giống như Thái Cực của Đức Lão Tử vậy: vô thủy vô chung, phi định tính và phi định xứ, vì vậy mới nói trong vạn pháp đều có đạo ẩn tàng thực chí lý lắm. Cảm ơn lời bàn thiệt hay!

      Thích

  2. Ôi một bài báo thật đồ sộ ! Thông thường nói dài dễ làm cho người đọc thấy mệt và chán . Nhưng bài báo này hấp dẫn đến nỗi đọc xong mà tôi vẫn còn thèm thuồng muốn đọc tiếp. Vì chủ đề của nó hay quá , thiết thực quá , và tác giả dẫn dắt câu chuyện lý thú quá.
    Càng đọc càng thấy thích thú vì nó đụng chạm đến những góc sâu kín nhất trong lòng người : Tại sao ta buồn , ta vui ? Tại sao ta lại nhận biết được cái này , cái nọ , kể cả những thứ vô hình , siêu hình , trừu tượng ?
    Tại sao ta lại nhận ra chính ta nữa ? Trong khi con khỉ mà ông Đác-uyn nói là tổ tiên của chúng ta thì nó không bận tâm triết lý gì cả , nó chỉ lo gãi ngứa suốt ngày thôi .
    Cám ơn tác giả vì đã gợi ý cho người đọc suy ngẫm về bản thân của mình, để vừa biết thân biết phận, vừa biết giá trị cao quý của con người mà bấy lâu nay tôi cứ tủi thân khi bị coi là hậu duệ của lũ khỉ .
    Tôi cũng muốn cám ơn vì tác giả đã nhắc nhở rất có ý nghĩa rằng ý thức của mỗi chúng ta có mối liên hệ tương tác hai chiều với Trung tâm ý thức vũ trụ và hãy làm cho mối liên hệ ấy hiệu quả hơn.
    Bài báo đồ sộ này có quá nhiều chi tiết lý thú , mỗi chi tiết ấy mà đem ra phân tích sẽ thành một cuộc thảo luận lớn rất bổ ích vì nó mang lại ý nghĩa rất tích cực về mặt đạo đức. Quả thật tôi thấy rất bất ngờ khi biết nhà khoa học toán lý Penrose nói nếu không có những sinh vật có ý thức thì sẽ không có khái niệm đạo đức. Nhưng điều làm tôi choáng váng nhất là ở câu sau đây:
    “Một trong những lĩnh vực đòi hỏi ý thức cao nhất là ĐẠO!”
    Hóa ra chính khoa học dẫn tới kết luận rằng giá trị cao quý nhất của con người là ở ý thức về ĐẠO !
    Vì thế tôi đọc đến lần thứ hai mà vẫn thấy tuyệt vời như lần thứ nhất, thậm chí còn thích hơn, vì đọc lại mới nhận ra tất cả những ý nghĩa sâu xa về mặt triết học và nhận thức luận mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc.
    Bài báo đánh thức tâm hồn của người đọc, đặc biệt những người làm khoa học.
    Như bài báo đã nói, ý thức về bản ngã chỉ có ở con người, con người mới thường trăn trở về cuộc sống, về xã hội, về số phận, về chính bản thân mình, …Có những người từ nhỏ sống hay suy nghĩ tự ti, luôn lo sợ với tất cả mọi thứ xung quanh, những người này sống khép mình lại. Ngược lại có những kẻ thì lại sống kiêu căng, tự phụ không coi mọi người là gì cả, những người này dám làm nhiều việc động trời, bất chấp Đạo lý. Bài viết này nói cho mọi người biết rằng mọi việc làm của con người trong đời đều liên hệ 2 chiều tới Trung tâm ý thức của vũ trụ. Ngày còn trẻ chúng ta cứ nghĩ rằng mình mai sau có thể làm kỹ sư, bác sĩ, hay những việc danh giá khác… Nhưng rồi cáng sống càng biết đó chỉ là ước mơ mà thôi. Càng trưởng thành càng nhận ra rằng chúng ta không dễ gì tự quyết định được số phận hay cuộc đời của mình, mặc dù chúng ta muốn đủ mọi thứ. Muốn có nhà cao cửa rộng, muốn được làm ông nọ bà kia, muốn thăng quan tiến chức, muốn giàu sang phú quý … Nhưng liệu bao nhiều người đạt được mong muốn hồi trẻ ? Cuộc đời kéo chúng ta đi, chúng ta bị cuốn theo chiều gió… Càng về già càng ý thức được rằng ta không tự quyết định được mọi việc, đến một lúc nào đó, ta hiểu ra rằng Ông Trời, hay Đức Chúa Trời cho chúng ta cái gì thì chúng ta hãy nhận lấy, đừng có tham vọng hão huyền nhiều mà chỉ gánh lấy đau khổ cho bản thân mình và những người thân.
    Không phải tự nhiên ông Einstein có thể phát minh ra thuyết tương đối hay lý thuyết này lý thuyết nọ. Có thời điểm cả ba nhà khoa học ở ba nước khác nhau cùng phát minh ra một đề tài giống như nhau, điều này chúng ta chả bao giờ có thể lý giải nổi…Vì vậy ý thức cũng giống như rất nhiều vấn đề khác như nguồn gốc loài người, nguồn gốc vũ trụ đều ở ngoài tầm với của khoa học, con người làm sao có thể giải thích được ý thức từ đâu mà ra? Chúng ta không thể hiểu được ngọn nguồn của ý thức. Chúng ta không thể biết tại sao chúng ta lại có khả năng nhận biết về mình và mọi sự xung quanh…
    Bài báo cũng phân tích rất hay vấn đề trí tuệ nhân tạo AI, kể chuyện đấu cờ tướng giữa máy tính với vua cờ Kasparov rất lý thú, qua đó cho thấy robot hay computer do con người chế tạo ra làm sao có thể dịch được những câu thơ bóng bẩy tình tứ đa chiều của nữ sĩ Hồ Xuân Hương ? Làm sao máy tính biết yêu, biết ghét, biết đau khổ khi hoạn nạn, biết sung sướng vui mừng khi nhận được ân sủng từ Chúa?
    Computer chỉ là cái máy do chính con người chế tạo ra, máy móc do con người chế tạo ra chỉ để phục vụ, phụ giúp cho con người thôi, nó không thể có cảm xúc nhạy cảm như con người, không có nhà khoa học nào đi yêu cái máy do mình chế tạo ra, như tình yêu đối với một người phụ nữ và computer không thể làm thơ, nghe nhạc, viết văn hay được như con người. Về mảng dịch thuật qua google cũng có lúc máy dịch đúng, cũng có khi nó dịch rất ngây ngô. Vì thế, vĩnh viễn máy móc computer chỉ là tên đầy tớ trung thành phục vụ cho con người mà thôi.
    Đó là chưa kể những vấn đề về ngoại cảm, về TG tâm linh vĩnh viễn chúng ta luôn không bao giờ có thể thấu hiểu được, vì chúng ta không phải là những nhà ngoại cảm, chúng ta không có con mắt thứ ba để nhìn thấu về TG sau cái chết nó thế nào, chúng ta chỉ nghe những nhà ngoại cảm họ kể lại, và tại sao họ lại tìm ra mộ chuẩn xác của những người đã mất cách đây rất lâu rồi? Tại sao họ có thể chuyện trò với người đã về TG bên kia? Tất cả những chuyện tâm linh này luôn là đề tài bí ẩn với con người chúng ta. Không phải chỉ có VN mới nghiên cứu về vấn đề ngoại cảm, mà rất nhiều nước trên TG họ quan tâm nghiên cứu về vấn đề này một cách nghiêm túc. Vì thế cần phải cảm ơn tác giả bài viết này đã phân tích cho chúng ta hiểu được nhiều vấn đề mà con người chúng ta có lẽ không bao giờ biết được, đó chính là điều định lý bất toàn đã nói.
    Câu cuối cùng của bài viết rất hay, có ý nghĩa hình tượng gợi cảm sâu sắc: “Các nhà ngoại cảm có thể “bơi” trong Trường Ý Thức, nên họ trở thành các liên lạc viên giữa hai thế giới: thế giới sống và thế giới sau cái chết!”
    Thiên Minh

    Thích

    • Chào bạn! bài viết này của Bác Phạm Việt Hùng có thể nói là một bài viết về bản thể luận và hơn thế nữa thật quá tuyệt vời. Đọc đến câu “Không phải bạn có một linh hồn, mà bạn chính là một linh hồn, và bạn có một thể xác” một trạng thái gần như là giác ngộ chạy dọc sống lưng.

      Thích

  3. Đọc bài báo này bằng đọc mấy cuốn sách, cảm ơn giáo sư, thầy đã tổng kết các tri thức triết học về vấn đề nhận thức luận.

    Đã thích bởi 1 người

  4. chào anh Hưng, anh viện dẫn lời của Đạt Lai Lạt Ma khiến em rất hoang mang, đạo Bụt bản chất là VÔ THẦN , nên Đạt Lai Lạt Ma cũng có tư duy là vô thần mà thôi.

    Thích

  5. – Ý thức là gì, tùy cách nhìn, nhưng theo suy tưởng cách đơn giản nhất, ý thức và thứ tạo ra nó như là 1 linh hồn: soul, chẳng hạn 1 bức tranh thật có hồn, ánh mắt thật có hồn, làm việc thật có tâm ( cũng ám chỉ hồn ). Vậy hồn là những thứ vô hình, giả sử chúng là các dạng vô hình như các hạt vật lý kỳ lạ khó khám phá ra thì sao. Nếu tương lai robot sử dụng các lượng tử, các hạt vật lý bổ trợ vào hệ thống robot, thì chúng sẽ là 1 dạng vật thể có 1 phần linh hồn được tạo ra từ các hạt lượng tử, có khả năng đó. Nhưng có vẻ bài viết này giáo sư không tin vào điều đó.

    – Còn nói trong Thần Học thì hơi phức tạp, God tạo ra con người với 3 phần: vật chất, linh hồn và tinh thần ( spirit ), trong đó soul là trí tuệ, spirit là thứ kết nối với God và làm chúng ta bất tử, 1 số thiên thần thì có dạng soul hoặc spirit. Nói chung cũng không thấy khác nhau lắm.

    – Em đọc qua, thấy cái gì giáo sư cũng không tin, thuyết gì lý giải sự vật nào đó thì giáo sư cũng bác bỏ, bảo cho ra 1 thuyết chuẩn xác thì giáo sư bảo sự vật luôn bí ẩn và không có cách nào chuẩn xác, kiểu như nghe theo Thượng Đế đừng nên tò mò và đừng mở ra các giới hạn khác, muốn cho thế giới trở nên càng ngày càng phát triển về công nghệ đến mức viễn tưởng làm đời sống tiện nghi hơn thì giáo sư cũng không tin. Trong khi NASA và thế giới tìm sự sống trong vũ trụ mà giáo sư cũng bác bỏ thuyết phi tạo sinh, khán giả hỏi giáo sư theo hướng Thần Học thì giáo sư nói không rõ ràng đúng trọng tâm hẳn hòi là giáo sư đang diễn giải vấn đề gì, tin vào điều gì, khoa học là ngành tìm kiếm đáp án cho các câu hỏi, vậy sự thật mập mờ gì đằng sau những vấn đề cần giải quyết đó, chúng ta giải quyết ra sao cho để có 1 đáp án rõ ràng.

    – Nếu bác bỏ 1 đáp án thì ít ra phải đưa ra 1 đáp án khác để thay vào, hoặc ủng hộ nhiều quan điểm thì kết luận là mọi thứ có thể sẽ đúng hoặc có thể sẽ sai. Hoặc sai thì đúc ra lý do sai nhưng có vẻ như giáo sư cũng chỉ giải thích là nó sai và không có 1 sự thật nào khác để thay thế, làm mọi thứ của vấn trở nên thêm mơ hồ. Vậy em thắc mắc cuối cùng giáo sư đang bàn về vấn đề gì trong khoa học????

    Thích

    • Gửi bạn Lê Tuấn,
      1/ Bạn SAI khi nói “cái gì giáo sư cũng không tin”. Có lẽ bạn đọc chưa đủ để thấy những điều tôi tin. Hoặc đọc mà không thấy, không hiểu. Thí dụ:
      Định lý Bất toàn của Kurt Gödel là một định lý toán học đã được chứng minh chặt chẽ bằng logic toán học, và đã được toàn thế giới công nhận. Không ai dám cãi lại định lý này, chỉ có những người sợ nó, ghét nó thôi, nhưng những người này cũng để trong bụng chứ không dám lên tiếng, vì nếu lên tiếng sẽ lộ chân tướng là chống lại chân lý, chống lại sự thật.
      Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống cũng là một chân lý bất khả kháng. Nếu bạn muốn chống lại nó, bạn phải đưa ra ít nhất một thí dụ.
      Chuyện NASA đi tìm sự sống ngoài vũ trụ là việc của NASA, vì họ có tiền, họ có thể làm những gì họ muốn. Bạn thích đề tài đó thì bạn cứ thích, có ai cấm bạn đâu. Nhưng điều đó không có nghĩa là nghiên cứu của NASA ủng hộ Thuyết Phi Tạo Sinh. Muốn chứng minh Thuyết Phi Tạo Sinh đúng, phải chỉ ra một bằng chứng sự sống nẩy sinh từ vật chất vô sinh. Tôi có đủ lý do để khẳng định Thuyết Phi Tạo Sinh là phi khoa học, phản khoa học, như tôi đã trình bày trong nhiều bài viết trên trang mạng này. Có thể bạn Tuấn chưa đọc, hoặc đọc mà không hiểu.
      Rất nhiều thứ khác tôi tin, không thể kể ra đây hết được.
      2/ Bạn cũng SAI khi nói: “Nếu bác bỏ 1 đáp án thì ít ra phải đưa ra 1 đáp án khác để thay vào, hoặc ủng hộ nhiều quan điểm thì kết luận là mọi thứ có thể sẽ đúng hoặc có thể sẽ sai.”. Tại sao bạn sai?
      Vì việc bác bỏ 1 đáp án và việc đưa ra một đáp án khác là 2 việc độc lập với nhau, không nhất thiết phải đồng thời xảy ra hoặc cùng một người làm.
      Chứng minh là SAI thường dễ hơn chứng minh là ĐÚNG. Thậm chí có những cái ta cảm thấy đúng nhưng không thể chứng minh được. Thí dụ:
      Vấn đề nguồn gốc sự sống là bài toán bất khả thi đối với khoa học. Hiện nay bài toán này bị dừng lại ở câu hỏi: “Mã DNA bắt nguồn từ đâu?”
      Khoa học bế tắc không thể trả lời được.
      NASA cứ việc tìm nguồn gốc sự sống trong vũ trụ, chừng nào còn có tiền để nghiên cứu, và những người như bạn Lê Tuấn cứ việc hy vọng, vì không ai cấm bạn hy vọng. Nhưng với sự hiểu biết của tôi, tôi biết chắc chắn bài toán tìm nguồn gốc sự sống là không tưởng. Tôi đã trình bày kỹ vấn đề này rồi. Bạn chiu khó đọc và suy ngẫm chứ không thể tranh luận vài dòng trên comment đâu. Bản thân tôi cũng phải đọc rất nhiều rồi mới có đủ sự tự tin như thế đấy. Chúc bạn thành công trong việc đọc và tôi sẽ không trả lời thêm nữa, vì mất thì giờ quá. Bạn thông cảm nhé. PVHg

      Đã thích bởi 1 người

  6. Thua Bac Hung, neu dem robot AI den mot hanh tinh khac roi bo mac no hang ti nam thi no co tu ton tai va phat trien duoc khong?

    Nhu nguoi ta tung lam ra cac he sinh thai khep kin nhung ket qua deu tu sup do.

    Thích

    • Thân gửi 1,
      Một câu hỏi rất vui và … ngây thơ. Tất nhiên đó là chuyện giả định. Nhưng chuyện giả định đó vô tình nêu lên một câu hỏi lớn: Robot có sinh đẻ được không?
      Xin trả lời 1: KHÔNG BAO GIỜ! Con người rất muốn chế tạo ra robot sinh đẻ được nhưng Ông Trời thách đố loài người làm điều đó. Nếu loài người làm được điều đó, Ông Trời sẽ cho người làm chúa.
      Người khôn biết mình không bao giờ thành chúa được. Người dại muốn làm chúa, nhưng không thể làm được.
      DJP

      Thích

      • Gửi bạn 1,
        Chuyện Robot tự sinh sản là chuyện nhảm nhí. Bạn có đánh cuộc với bất kỳ ai trong thời hạn bất kỳ nào với bất cứ số tiền nào rằng điều đó chỉ là một tham vong điên cuồng rồi dại mà thôi. Xuất phát của tham vọng đó là sự dốt nát. PVHg

        Thích

      • Nhắc đến vấn đề AI, thật ra cũng có đề tài tin tức DNA, em thấy nó có khía cạnh liên quan. Hai tin tức, 1 tin nói về lưu trữ dữ liệu vào DNA và dùng làm công cụ lưu trữ như là cục USB để xài vậy ( không liên quan gì đến bài này), tin thứ 2 đề tài nói về các nhà khoa học cài malware vào DNA và dùng DNA đó để hack máy tính ( đây là tin mà em muốn nói ). Nó làm em nghĩ đến thực ra DNA thay vì định hướng cho các tế bào, nhưng nó cũng như chương trình code để hướng dẫn 1 loại máy tính hoạt động. Giả sử kết hợp với 1 chút Thần Học trong kinh Thánh ( em có xu hướng kết hợp những tài liệu Thần Học cổ xưa ), em thấy DNA hay là đoạn code nó giống như phần soul giúp hoạt động, các cử chỉ và cảm xúc cười nói để truyền đạt cái thứ gọi là ” thông tin phi vật chất “. Còn spirit là gì em chưa có ý tưởng, nhưng nó hẳn là 1 dạng thông tin giúp chúng ta lưu ký ức và vô hình nôm na giống những hạt kỳ lạ mà ta chưa tìm thấy, em giả dụ gọi là hạt spirit, nếu hạt đó thuần khiết chưa có thông tin nào trong đó, thì thông tin về tính cách của 1 sự sống khởi đầu sẽ chịu ảnh ” nhiều hơn ” bởi môi trường xung quanh và bởi định hướng từ sự kế thừa DNA , cái này em chợt nghĩ ra và bay bổng sự tưởng tượng sao cho logic hợp lý chơi vậy thôi. Từ cái suy đoán đó của em, em muốn là tương lai của robot rất sáng lạng nếu có vật lý hạt nhúng tay vào, bằng máy tính lượng tử có hy vọng sẽ tạo ra 1 robo có tính cách khởi đầu hoàn toàn phụ thuộc vào đoạn code như DNA vậy, sau đó chúng sẽ deep learning học hỏi và lớn lên.

        Thích

      • Mấy cái kia là em nói cho vui. Nhưng cài malware vào DNA để hack máy tính đã được lên báo, ý em là sẽ có những thứ giống với viễn tưởng.

        Thích

      • Gửi em Lê Tuấn,
        Em có niềm vui khám phá hiểu biết là tốt. Nhưng trong biển thông tin hiện nay, phải biết phân biệt cái gì đáng tin, cái gì không đáng tin. Trong khoa học, phải chịu khó học và nghiên cứu để có một bản lĩnh nhận xét, nếu không sẽ bị những thông tin ngụy khoa học làm hỏng tư duy của mình. PVHg

        Thích

    • Trả lời 1
      Đây là câu hỏi của người ở hành tinh khác đến Trái Đất. Nhưng xin trả lời: Cha đẻ của AI là con người, mà con người không bất tử, vậy làm thế nào để con của con người bất tử?
      PVHg

      Thích

    • Bạn 1 ơi, tự nhiên hỏi bất tử làm gì, có thì thế hệ sau của chúng ta, cho nên câu hỏi đó vô nghĩa với thế hệ bây giờ ^^. Để xem định nghĩa bất tử là như thế nào, chẳng hạn sống mãi mà gặp đại thiên tai này nọ thì cũng ngủm. Ah mà giáo sư, có câu thế hệ trước giỏi hơn thế hệ sau mà, cha đẻ của AI là con người đúng vậy không thể chối cãi, nhưng AI là 1 thứ unnatural, không thuộc về tự nhiên, không bị tự nhiên chi phối, cho nên theo em không thể báo trước được.

      Thích

      • Câu hỏi của bạn 1 thật ngây thơ. Comment của bạn Lê Tuấn cũng ngây thơ. Các bạn bao nhiêu tuổi rồi? 10 năm nữa các bạn đọc lại câu hỏi và comment của các bạn, các bạn sẽ thấy mình ngây thơ như thế nào. Có một điều quan trọng mà bất cứ ai cũng phải học, đó là lắng nghe + suy ngẫm + tìm tòi. Nhưng cả bạn 1 lẫn bạn Lê Tuấn đều có vẻ thiếu phẩm chất đó. Nếu nghĩ rằng cứ tán chuyện vài câu là có thể hiểu được sự thật thì còn ngây thơ lắm. Nghe một lời khuyên phải biết giật mình thì mới là người khôn. PVHg

        Thích

      • 10 năm sau có thể chưa đến mức có robot dạng siêu đẳng đâu ạ, nhưng ở dạng sơ cấp có thể khiến con người kinh ngạc 1 chút so với hiện nay thì có lẽ sẽ có khả năng. Vậy thì giáo sư và bọn em thử cược 10 năm sau xem nào, hiện tại thì cùng hóng thôi ạ, 10 năm sau cũng có 1 ít gì đó để thế giới chứng minh, ngoại trừ các thiên tai nằm ngoài dự đoán như là xung đột dịch bệnh….

        – Theo em nghĩ 1 cách nào đó, 1 vị thượng đế tuyệt đối chính là tổng thể những sự sống, những văn minh trên tất cả các vũ trụ gộp lại, những nền văn minh của con người thật sự vừa quen thuộc nhưng lại rất xa lạ, làm mình đặt câu hỏi, tại sao lịch sử con người nhất thiết phải có các công trình kỳ lạ như Kim Tự Tháp, hay phải có các lối sống văn hóa kỳ lạ như người Nhật Bản, tại sao nhân loại lại cùng chung những ý tưởng về ma quỷ, hay quái vật, thần thoại….. Tất cả những suy nghĩ đó, nếu chúng là sai thì tại sao vẫn có thể phát sinh ra những suy nghĩ sai lầm đó, nếu không sai thì đâu là đúng trong thế giới muôn màu này, tất cả các sai lầm đều đại diện cho 1 hướng không thật sao, đều có tính hỗn loạn sao, giống như thế giới lại sản sinh ra những sinh vật gây bệnh không cần thiết nhưng chúng lại là thiên địch của 1 giống loài khác. Em nghĩ tất cả trí tưởng tượng, hỗn loạn, và sáng tạo của con người đều ngầm chứa 1 trật tự đúng đắn nào đó, nhưng nó hiện diện ở 1 thế giới nằm ngoài không gian của chúng ta.

        – Nếu con người chỉ chờ chết đi, đầu thai, hoặc lên thiên đường, không có trải nghiệm thực tế nào khác để khám phá, không thể vượt qua giới hạn nào khác, nếu vũ trụ và tạo hóa chỉ sinh ra con người và nhồi nhét con người trong 1 vỏ bọc vũ trụ đơn độc, thì nó cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Trên thực tế con người sống trong 1 hành tinh thiên nhiên đa dạng, đó vẫn gói gọn trong phần sự sống con người, các hành tinh khác cũng rất đa dạng tài nguyên địa hình, nhưng tất cả vẫn chỉ là đơn độc, cho nên sứ mạng của con người là khám phá, và tiến hóa lịch sử. Từ khởi đầu lịch sử con người gần như chẳng có gì nhưng lại có 1 số kiến thức về thiên văn nền tảng khá chính xác, hoặc là 1 thứ văn minh bí ẩn nào đó đã tồn tại trong thời kỳ sơ khai đầy đen tối, đến thời hiện đại WW II và thế kỷ 19, năm 1800 con người có nhiều sự khai sáng và bắt đầu nghiên cứu lượng tử cơ bản dựa vào tính chất của các thuộc tính tự nhiên, nhưng nó quá phức tạp, không đi vào đâu. Bắt đầu từ năm 2000 thì có nhiều phát minh làm cơ sở để phát triển lượng tử, hy vọng hơn ở lượng tử sẽ là thành trì siêu nhiên cuối cùng mà thiên nhiên ban tặng cho con người để phát triển khoa học, mỗi một bước nâng cấp lượng tử sẽ là nền tảng cấp số nhân cho việc triển khai nghiên cứu các ngành khoa học tiếp theo, các vật liệu vật chất tiếp theo. Mười năm sau thì cơ sở hạ tầng 1 số quốc gia sẽ phát triển theo hướng mới, giáo sư chọn 1 mốc rất chính xác, cho nên hãy cùng nhau hóng xem sự thật thế nào ạ.

        Thích

  7. Pingback: SECRETS OF CONSCIOUSNESS – Personal-Business-Development-Enthusiasts

  8. Pingback: Những cỗ máy có ý thức - Nghệ An news

  9. Pingback: Những cỗ máy có ý thức - Kỷ Nguyên Mới

Bình luận về bài viết này