Plant’s Consciousness / Ý thức của thực vật

“The Intelligent Plant”. That is the title of a recent article in The New Yorker — and new research is showing that plants have astounding abilities to sense and react to the world. But can a plant be intelligent? Some plant scientists insist they are — since they can sense, learn, remember and even react in ways that would be familiar to humans.

“Cây cối hiểu biết”. Đó là đầu đề của bài báo mới đây trên tờ The New Yorker và nghiên cứu mới chỉ ra rằng cây cối có khả năng cảm ứng và phản ứng với thế giới xung quanh một cách kỳ lạ. Nhưng liệu cây cối có thông minh không? Một số nhà khoa học thực vật khẳng định là có vì chúng có thể cảm ứng, học hỏi, ghi nhớ và thậm chí phản ứng theo những cách quen thuộc với loài người.

Toàn bộ đoạn mở đầu ở trên được trích từ bài báo “Nghiên cứu mới về trí thông minh của thực vật có thể làm thay đổi tận gốc những điều bạn nghĩ về cây cối” (New research on plant intelligence may forever change how you think about plants) trên trang mạng PRI ngày 10/01/2014.

Nhiều năm trước đây tôi từng được nghe một số người làm vườn yêu vườn tược kể cho nghe về tình cảm và suy nghĩ của cây cối. Những người này nói rằng họ đã từng chuyện trò với cây cối và cây cối hiểu; nếu mình yêu cây cối thì cây cối cũng yêu mình; mình không yêu nó, nó cũng không yêu mình, tóm lại là cây cối cũng có ý thức chẳng khác gì loài vật nuôi trong nhà. Nghe những chuyện này tôi rất thích, nhưng không biết có đúng sự thật không, hay đó chỉ là một kiểu “tự kỷ ám thị” của người làm vườn, xuất phát từ tình cảm yêu cây cối của họ.

Nhưng cuốn “Tự Truyện của một Yogi” của Paramahansa Yogananda đã cho tôi lời giải đáp: Chương 8 nói về nhà khoa học trứ danh của Ấn Độ, Jagadish Chandra Bose, cho biết ông là nhà khoa học đầu tiên chứng minh rằng cây cối cũng có ý thức. Từ đó đến nay, rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu về ý thức của thực vật đã tái xác nhận những khám phá của Bose.

Đặc biệt, vấn đề càng trở nên quan trọng hơn khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử”, đã khẳng định rằng RANH GIỚI để phân biệt sự sống với cái không sống là ở Ý THỨC ─ sự sống là cái có ý thức và cái có ý thức là sự sống.

Đó là một quan điểm triết học NỀN TẢNG của Phật giáo, đối lập với quan điểm về sự sống của Thuyết tiến hóa Darwin ─ học thuyết cho rằng sự sống đơn giản chỉ là kết quả của sự KẾT HỢP NGẪU NHIÊN các phân tử và nguyên tử, rồi các phân tử, nguyên tử này TỰ NÓ TIẾN HÓA thành mọi sinh vật như ta thấy ngày nay.

Sự đối lập quan điểm ở đây là ở chỗ trong khi Thuyết tiến hóa hoàn toàn tảng lờ và bất lực trong việc giải thích sự hình thành Ý THỨC của sinh vật thì Phật học nhấn mạnh chỉ có Ý Thức mới là biểu hiện của sự sống, chừng nào không giải thích được bản chất của ý thức thì chừng ấy không hiểu bản chất của sự sống. Nói cách khác, sự đối lập quan điểm giữa Phật học và Thuyết tiến hóa là ở chỗ đối với Nhà Phật, sự sống không đơn giản chỉ là một cỗ máy (dù đơn giản hay phức tạp), mà phải là một cái gì đó có TRI GIÁC, còn Thuyết tiến hóa quan niệm sự sống chủ yếu là một cỗ máy càng ngày phức tạp, không quan tâm đến việc cỗ máy đó là VÔ TRI hay có ý thức hay không.

Rất dễ hiểu vì sao Thuyết tiến hóa tảng lờ và bất lực trước vấn đề ý thức. Đơn giản vì ý thức không phải là vật chất, ý thức là một hiện thực phi vật chất. Trong khi đó, mọi lập luận do Thuyết tiến hóa nêu lên đều chỉ là những cơ chế vật chất thuần túy (cơ chế sinh hóa). Cơ chế vật chất nếu đúng cũng chỉ có thể giải thích được những biến đổi vật chất, vĩnh viễn sẽ không bao giờ giải thích được những đối tượng phi vật chất. Cụ thể, thuyết tiến hóa bế tắc trước việc giải thích sự hình thành mã của DNA. Mã của DNA là thông tin, nguồn thông tin ấy từ đâu mà ra? Đụng đến mã của DNA là đụng đến hiện thực phi vật chất. Đó là bài toán không có lời giải đối với Thuyết tiến hóa. Ý thức là những thông tin còn phức tạp gấp vạn, triệu lần so với mã DNA, vì thế Thuyết tiến hóa càng bất lực.

Tóm lại, quan điểm của Nhà Phật về sự sống TỰ ĐỘNG BÁC BỎ Thuyết tiến hóa Darwin.

Để chứng minh quan điểm của Nhà Phật là đúng, chúng ta phải khẳng định rằng mọi dạng sống đều có ý thức, và mọi thực thể có ý thức đều là vật sống. Có ba dạng sống mà mọi người đều nhìn thấy là con người, động vật và thực vật. Ý thức của con người và động vật là điều không ai còn nghi ngờ, nhưng ý thức của thực vật cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Chúng ta rất may mắn vì đang sống trong một thời đại mà khoa học đã vén tỏ bức màn bí mật về ý thức của thực vật, nếu không, sẽ còn có chỗ để giới tiến hóa có thể phản bác lại quan điểm của Phật giáo. Nhưng bất kỳ ai định phản bác quan điểm của Nhà Phật trong trường hợp này đều phải thất vọng khi biết rằng Jagadish Chandra Bose, nhà khoa học Ấn Độ, ngay từ đầu thế kỷ 20 đã chứng minh rằng thực vật cũng có ý thức. Nhiều công trình khoa học sau này cũng tái khẳng định những gì Bose đã khám phá.

Một loạt bài báo trên Đại Kỷ Nguyên dưới đây có thể cung cấp cho độc giả một cái nhìn khá phong phú về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu với độc giả.

Cây cối cũng có suy nghĩ, cảm giác và đang nói chuyện với nhau, nghiên cứu chấn động thế giới

Câu chuyện về nhà khoa học Ấn Độ đầu tiên chứng minh cây cối có tri giác, nhận thức được con người

Nếu gọi ông chỉ là một nhà khoa học, thì không khác gì gọi Leonardo Da Vinci chỉ đơn thuần là một tay thợ vẽ. Được mệnh danh là cha đẻ của nền khoa học Ấn Độ hiện đại, ông là một trong những người đầu tiên biết được sự tồn tại của tri giác thực vật, rằng thực vật, giống động vật, cũng có cảm giác, biết suy nghĩ và phản ứng với môi trường xung quanh, chứ không phải là một sinh vật vô tri vô giác đơn thuần. Trong bài viết này, Đại Kỷ Nguyên xin hân hạnh giới thiệu với độc giả cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Jagadish Chandra Bose sinh năm 1858 tại Bikrampur, Ấn Độ. Ông là một người đàn ông với tài năng trên nhiều lĩnh vực, khi đồng thời là một nhà vật lý, nhà sinh vật học, nhà thực vật học, nhà khảo cổ học, tác giả, người am hiểu về hội họa. Trên hết, ông là một trong những khoa học gia lỗi lạc nhất thế kỷ 20.

Ông là người đầu tiên từ tiểu lục địa Ấn Độ nhận được tấm bằng sáng chế của Mỹ, và cùng với các Tesla, Marconi, và Popov, ông được coi là một trong những cha đẻ của ngành khoa học phát thanh (radio). Ông còn là nhà sáng lập Học viện Khoa học Quốc gia Ấn Độ, thành viên Hội khoa học Hoàng gia Anh, thành viên Viện khoa học Vienna (Áo), thành viên Hội khoa học Phần Lan. Ông cũng được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ vào năm 1917.

Tuy nhiên, giống hầu hết các nhà khoa học tiên phong khác, tên tuổi của Bose được biết đến nhiều hơn chính nhờ theo đuổi những lý thuyết gây tranh cãi – những thí nghiệm của ông trong ngành sinh lý học thực vật vào những năm 1900 cùng những khám phá gây sửng sốt kinh ngạc. Nhân kỷ niệm 158 năm năm sinh của J C Bose, chúng tôi xin chia sẻ với độc giả câu chuyện về cuộc hành trình của ông nhằm khám phá ra khả năng phản ứng của thực vật trước các kích thích bên ngoài.

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân ngành khoa học vật chất (Physical Sciences) tại Đại học Kolkata, Bose giảng dạy vật lý tại Presidency College cùng lúc theo đuổi các nghiên cứu cá nhân về điện và sóng điện từ. Tháng 11/1894, lần đầu tiên trên thế giới, Bose tiến hành một thí nghiệm kinh điển tại Town Hall Kolkata nhằm chứng minh sự tồn tại của vi sóng, thông qua việc kích nổ thuốc súng và rung chuông từ khoảng cách xa sử dụng vi sóng.

Ông cũng phát triển một phiên bản cải tiến của ‘coherer’ (một thiết bị có khả năng phát hiện sóng radio), trong đó lần đầu tiên sử dụng một khớp nối bán dẫn. Lúc đầu ông không muốn lấy bằng sáng chế cho thiết bị này, vì cho rằng khoa học nên mang lại lợi ích cho toàn nhân loại chứ không phải là một công cụ kiếm tiền. Tuy nhiên, trước áp lực từ bạn bè, cuối cùng Bose đã nộp đơn lên cơ quan cấp bằng sáng chế của Mỹ, và vào ngày 29/3/1904, ông trở thành người Ấn Độ đầu tiên nhận được một tấm bằng sáng chế của Mỹ cho chiếc “máy phát hiện xung nhiễu điện”. Điều thú vị là, thiết bị ‘coherer’ của Bose sau này đã được chính Guglielmo Marconi –  cha đẻ của ngành truyền thanh – sử dụng để chế tạo chiếc máy radio hai chiều đầu tiên.

Ngoài thời gian chính cho các thí nghiệm khoa học, Bose cũng dành thời gian viết một loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bằng tiếng Bengal. Câu chuyện nổi tiếng Polatok Tufan (Tránh bão) của ông mô tả làm cách nào một cơn bão xoáy bị chặn lại bằng cách sử dụng một chai dầu gội đầu! Nó giải thích cách dầu thay đổi sức căng bề mặt và giữ nước. Một cuốn sách khác của ông, mang tên Niruddesher Kahini (Story of the Untraceable), là cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có sức ảnh hưởng lớn đầu tiên viết bằng tiếng Bengal.

Có lẽ chính công việc nghiên cứu sóng radio đã khiến Bose tin rằng ngành vật lý có thể đi xa hơn những gì con người có thể nhìn thấy thông qua hai con mắt. Ông vẫn luôn bị cuốn hút bởi phản ứng của các loài thực vật nhạy cảm như mimosa (còn gọi là cây xấu hổ, hay cây trinh nữ), vì khi bị kích thích, các lá cây sẽ ngay lập tức cụp xuống, khép lại trong một cơ chế tự bảo vệ, như thể nó đang sợ hãi. Tò mò trước thế giới bí ẩn của thực vật, Bose đã chuyển hướng sang nghiên cứu cơ chế thực vật phản ứng với các kích thích bên ngoài.

Để làm được điều này, ông đã phát minh ra thiết bị crescograph, một loại máy ghi nhận dao động sớm sử dụng các bánh răng đồng hồ và một tấm kính hun khói để đo lường tốc độ sinh trưởng và các chuyển động nhỏ đến mức 1 / 100.000 inch (1 inch = 2,54 cm) của các loài thực vật. Tấm kính sẽ tiếp nhận hình phản chiếu của thực vật và đánh dấu nó dựa trên chuyển động của chúng. Thí nghiệm ban đầu được tiến hành với một chiếc lá, một củ cà rốt và một cải củ turnip lấy ngay trong vườn nhà ông.

Bose tin tưởng mạnh mẽ rằng cây cối sở hữu một hệ thần kinh nhạy cảm, không giống với động vật, và rằng phản ứng của chúng trước các kích thích bên ngoài có thể được đo đạc và ghi lại. Kết quả các thí nghiệm của ông đã củng cố niềm tin này. Lấy ví dụ, trong một thí nghiệm, khi một cái cây bị nhúng vào bromide (một chất độc), nhịp đập của nó, biểu thị bằng một điểm sáng trên tấm kính hun khói, trở nên bất ổn định ngay khi cái cây bắt đầu hấp thụ chất độc kia.

Điều này chứng minh thực vật cũng có tri giác như động vật, có thể nhận thức thế giới xung quanh, chứ không phải một sinh vật vô tri vô giác như chúng ta vẫn tưởng.

Được khích lệ bởi kết quả thí nghiệm này, Bose bắt tay nghiên cứu phản ứng khác nhau của các loài thực vật dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố môi trường như nhiệt độ, hóa chất, điện, khí và độ ẩm. Càng nhiều phản ứng ông nhận được từ thực vật, càng nhiều nỗ lực ông bỏ ra để tìm hiểu một cách chi tiết. Bose kinh ngạc nhận thấy trạng thái co giật khi chết ở động vật cũng xuất hiện ở thực vật, và rằng thời điểm tử vong thực tế ở thực vật có thể được xác định một cách chính xác. Như ông đã viết:

“Xung quanh chúng ta, thực vật đang giao tiếp với nhau. Chỉ là chúng ta không nhận ra điều đó”.

Với mong muốn tiết lộ sự tồn tại kỳ diệu của tri giác thực vật cho thế giới, Bose đã mô tả thí nghiệm của ông và kết quả của chúng trong cuốn sách năm 1902 với tựa đề “Responses in the Living and Non-Living (tạm dịch: Các phản ứng ở sinh vật và phi sinh vật)”. Ông mô tả việc cây cối sinh trưởng nhanh hơn khi tiếp xúc với âm nhạc tốt và nghe những lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, ngược lại sẽ sinh trưởng chậm khi tiếp xúc với loại nhạc ầm ĩ xập xình (VD: nhạc rock) và giọng nói lớn tiếng không chừng mực. Ông thậm chí còn đề cập đến việc thực vật sẽ trở nên u uất khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm hay khi trời tối. Tóm lại, công trình của ông cho thấy thực vật có thể cảm thấy vui vẻ cũng như cảm thấy đau đớn tùy thuộc tác nhân bên ngoài.

Tuy rằng nghiên cứu của Bose đã gặp không ít phản đối từ những người bất đồng chính kiến, thiết bị crescograph của ông đã nhận được sự tán dương rộng rãi, đặc biệt từ Đại hội Khoa học Path vào năm 1900. Việc Hội Khoa học Hoàng gia Anh chọn xuất bản bài viết của ông đã tạo ra nhiều cơ hội và lời mời hợp tác nghiên cứu. Trong nhiệm vụ khoa học thứ tư của ông đến Anh vào năm 1914, Bose đã thiết lập một phòng thí nghiệm cá nhân tại Maida Vale, và nơi đây đã vinh hạnh được đón tiếp nhiều cá nhân xuất chúng từ tất cả các nẻo đường cuộc sống.

Các nhà khoa học từ Hội Khoa học Hoàng gia và Hiệp hội Sinh học Linnean đã đến xem các thí nghiệm với tri giác thực vật của Bose. Trong một vụ việc đáng nhắc tới, nhà soạn kịch George Bernard Shaw đã sợ hãi tột độ trước cảnh tượng một miếng bắp cải co giật dữ dội khi ngụp lặn trong nồi nước sôi. Tuy rằng các nghiên cứu của Bose với thực vật đã nhận được sự đánh giá cao của một số nhà khoa học, người ta cũng có thể nhận thấy thái độ khinh thị của giới khoa học phương Tây cho công trình của một nhà khoa học ngoại lai từ Ấn Độ thuộc địa trong cách báo chí Anh mô tả các nghiên cứu của ông bằng những ngôn từ tương tự như với thí nghiệm kinh dị tạo xác sống của bác sĩ Frankenstein.

Tuy nhiên, các thí nghiệm cách mạng đột phá của ông không thể mãi bị phớt lờ. Năm 1920, ông được bầu làm hội viên Hội khoa học Hoàng gia Anh cho những đóng góp và thành quả tuyệt vời của mình. Trước khi qua đời vào năm 1937, ông đã thành lập Viện Nghiên cứu Bose tại Calcutta (hiện là Kolkata). Ông đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ người bạn thân Rabindranath Tagore, người đã hỗ trợ tài chính đồng thời cổ vũ ông trên suốt chặng đường.

Là người ủng hộ mạnh mẽ các nghiên cứu và khám phá của Bose, Tagore luôn tìm thấy cái tinh hoa của tinh thần khoa học Ấn Độ, một sự phản ánh rõ nét văn hóa dân tộc Ấn Độ, trong công trinh của Bose.

Đối với một quốc gia sống dưới sự kìm kẹp của chế độ thực dân, J C Bose không chỉ là một nhà khoa học, ông còn là một biểu tượng của niềm tự hào dân tộc. Bose vẫn luôn thừa nhận trách nhiệm của mình như một nhà khoa học có nghĩa vụ khơi dậy niềm tự hào dân tộc của đất nước ông.

Nhà khoa học huyền thoại đã ra đi gần 80 năm, nhưng di sản của ông sẽ mãi còn đó. Qua nhiều thập kỷ, một số nhà khoa học (như Cleve Backster với thí nghiệm máy dò nói dối nổi tiếng) đã góp phần củng cố lý thuyết của Bose, rằng thực vật không quá khác biệt với động vật như chúng ta tưởng. Thực vật cũng có tri giác, có thể nhận thức được con người và thế giới xung quanh.

Ngày nay, tại Viện nghiên cứu Bose Kolkata, các dự án kiểu này vẫn đang được tiếp tục thực hiện, và có lẽ chúng nên được gọi là Dự án Di sản JC Bose (JC Bose Legacy Project). Tại một chi nhánh của Viện tại thành phố Madhyamgram, công việc đang được tiến hành để giải mã những bí ẩn ở cấp độ phân tử của thực vật (cụ thể là protein và gen) khi biểu lộ các phản ứng khác nhau đối với các kích thích bên ngoài như chạm, ánh sáng hay tiếng ồn

Một lần nữa, chúng ta cảm ơn JC Bose vì đã hé lộ cho chúng ta những nhận thức rất mới về giới thực vật đầy bí ẩn, những nhận thức giúp chúng ta thay đổi thế giới quan về chúng, rằng thực vật không chỉ là những sinh vật vô tri vô giác, mà là những sinh vật có tri giác, có cảm xúc, có suy nghĩ, và có thể nhận thức thế giới xung quanh.

Theo thebetterindia.com, Tôn Kiên tổng hợp

Câu chuyện quả táo thần kỳ của Kimura

Quả táo của ông là quả táo thần kỳ nhất thế giới, cắt thành hai nửa để trong không khí hai năm không hư thối! Đằng sau câu chuyện này là trải nghiệm khiến người ta cảm động.

Bạn của tôi giới thiệu cho tôi một cuốn sách, kể về câu chuyện kiên trì trồng quả táo trong 20 năm của một người Nhật Bản tên là Kimura. Đây đương nhiên không phải là một cuốn sách về kỹ thuật nông lâm nghiệp, chính xác mà nói, đây là một cuốn sách khích lệ ý chí. Bởi vì, rất nhiều người sau khi đọc xong, thậm chí muốn khóc, trong đó kể cả tôi. Tên sách gọi là “Trong cuộc đời này, ít nhất hãy một lần làm kẻ ngốc”.

Tên ngốc” Kimura là một người nông dân Nhật Bản bình thường, sau khi kết hôn, do vợ bị dị ứng với thuốc trừ sâu, lại tình cờ tiếp xúc được với cuốn sách “tự nhiên nông pháp”, thế là ông đã hạ quyết tâm trồng táo không cần phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Ngành nông nghiệp hiện nay đã hoàn toàn ỷ lại vào nông dược, cây táo càng là như thế. Hiện nay, sau khi sử dụng nông dược, hết thảy giống táo đều là kết quả do nhân công tạo thành, một khi ngừng sử dụng nông dược, đối với cây táo mà nói thì chính là một tai họa lớn.

Cây táo của Kimura cũng không ngoại lệ, từ khi ông bắt đầu thử nghiệm, mảnh ruộng duy nhất cũng bị cầm gán nợ. Ông không thể không lên thành thị làm công. Con gái của ông viết trên bài tập làm văn rằng, ba của tôi là một nông dân, nhưng tôi chưa từng được nếm qua trái cây nhà trồng.

Khi ông định từ bỏ, con gái đã động viên ông, ba ơi, nhất định phải kiên trì, nếu không những gì chúng ta đã làm chẳng phải phí công hay sao?

20 năm sau, quả táo của Kimura trở thành trái cây thần kỳ nhất thế giới. Quả táo của ông cắt thành hai nửa, để trong không khí 2 năm không hư thối, chỉ là trở thành quả khô héo rũ hết hương, các chuyên gia lắc đầu liên tục than rằng thật không thể tưởng tượng nổi. Đầu bếp trưởng nhà hàng Tokyo ở Pháp thì nói, nếu xử lý tốt quả táo của Kimura, thì có thể để đến một năm. Quả táo của ông ăn quá ngon, toàn bộ người Nhật Bản đều điên cuồng tranh lấy, “Cả đời chỉ cần được ăn một lần là tốt rồi”.

Kimura cả đời chỉ làm một việc – trồng táo. Điều ông làm dường như chỉ ngốc một lần, nhưng thật ra là ngốc cả đời.

Không cần thuốc trừ sâu và phân hóa học, không diệt trừ cỏ, muốn trồng táo căn bản là điều không thực tế. Ngốc hơn nữa là, ông còn xem quả táo như con của mình, thường xuyên tâm sự với cây táo.

Kimura nói “Tôi là dựa vào trồng táo mà sống, tôi sở dĩ khốn cùng như vậy, là vì tôi đã để táo thống khổ, là tôi đã ức hiếp những cây táo này.” Vì vậy, Kimura thường xuyên khẽ vuốt ve những cây này, xin lỗi chúng “Khiến các ngươi vất vả như vậy, ta thật sự xin lỗi. Cho dù không nở hoa cũng không vấn đề gì, không kết quả cũng không sao cả, nhưng các người ngàn vạn lần đừng chết nhé.”

Cây lớn lên không ra quả, ông luôn cảm giác là do bản thân ông đã sai. Mười năm kia, ông không biết xin lỗi cây táo bao nhiêu lần. Đương nhiên, có lúc ông cũng cổ vũ khích lệ cây “Thật quá kỳ diệu, ta biết ngươi đã rất cố gắng.”

Mà năm đầu tiên nở hoa, Kimura vui đến phát khóc mang theo rượu trắng đến vườn cây, rót một ít lên mặt đất, cùng táo đối ẩm.

Sau khi thành công, khi đối diện với vô vàn tán dương, Kimura lại tự giễu: “Có thể vì tôi quá ngu ngốc, cây táo cũng không chịu nổi, đành kết quả rồi.”

Bí quyết trồng táo của Kimura là gì vậy? Tôi cho rằng chính là xem cây táo như một sinh mệnh để đối đãi.

Kimura từ đầu đến cuối tín phụng một quan điểm: Quả táo là nhân vật chính, tôi chỉ là trợ giúp nó lớn lên, vì con người dẫu cố gắng thế nào cũng không cách nào chỉ dựa vào bản thân mà khiến quả táo ra hoa kết quả.

Vì vậy, nếu vì để cây táo ra hoa kết quả, chọn dùng đủ loại thủ đoạn, làm cỏ, bón phân, phun thuốc, như vậy hiệu quả và lợi ích là có, nhưng quả ra cũng không phải là quả tự nhiên, sau khi nở, gặp gió liền hỏng.

Mà đây lại là kiến thức của nền giáo dục đương thời giảng dạy.

Phụ huynh và thầy cô giáo hao tốn tâm sức để tạo đủ loại môi trường học tập tốt nhất cho trẻ. Làm cỏ giống như việc tịch thu máy tính, cấm sách ngoài khóa học, hủy bỏ vận động…tóm lại, hết thảy không quan hệ với học tập thì hoàn toàn cấm; bón phângiống như đủ loại lớp học thêm, dù là thầy cô trên trường dạy chính khóa, hay là học thêm bên ngoài, thậm chí mời thầy về nhà một kèm một, phụ huynh Trung Quốc nôn nóng, trực tiếp thúc đẩy tăng cường sinh trưởng là ngành sản xuất có tiền đồ nhất ở Trung Quốc; phun thuốc giống như đủ loại thuyết giáo, giáo dục đạo đức, những câu chuyện về sự chăm chỉ, các món canh tâm linh, huấn luyện dã ngoại, phụ đạo tâm lý…đều giúp con trẻ loại bỏ quấy nhiễu, tiêu trừ tạp niệm, tập trung tinh lực, hướng tới trường thi.

Nếu nói quả táo của Kimura khác với quả táo khác, đó chính là những cây trong vườn, nhẹ nhàng cào mặt đất, bạn có thể thấy khắp nơi đều là rễ cây. Một cây táo bình thường, bộ rễ cũng chỉ sâu 2-3m, nhưng cây táo của Kimura có thể sâu đến 20m.

Rễ sâu, liên kết giữa quả và lá cũng càng có lực. Một khi gặp bão, quả táo của người ta cơ bản đều bị thổi rơi, mà vườn cây của Kimura thì có đến 80% trái cây vẫn còn trên cành. Lực sống thật mạnh mẽ biết bao!

Những tháng ngày cây táo không nở hoa, Kimura từng cùng mọi người trong nhà ra vườn bắt côn trùng, côn trùng nhiều vô cùng, mỗi ngày bắt được hàng trăm hàng ngàn con, côn trùng trong vườn lại vẫn không giảm bớt chút nào. Cho đến một ngày, Kimura đột nhiên hiểu ra một đạo lý: Cây táo cũng muốn sống sót vậy! Côn trùng khắp nơi đều có, chỉ có thể để cây táo tự kiên cường hơn, mới có thể chống lại sự xâm hại của côn trùng.

Vườn trái cây của Kimura là một thế giới côn trùng phong phú, đủ loại vi sinh vật, giun, đỉa, bươm bướm, chim bay, loài nào cần có đều có. Lúc không có kết quả, vườn trái cây càng giống một vườn thực vật, với đủ loại cỏ dại sinh sôi, ngoại trừ cây đậu nành mà Kimura cố ý gieo trồng.

Kimura gieo trồng đậu nành từ một lần ngẫu nhiên tình cờ. Vào thời điểm ông gặp khó khăn, ông quyết định leo lên núi tìm cái chết. Sau khi lên đến đỉnh núi, ông vô tình phát hiện một gốc cây tươi tốt, kết đầy trái.

Trên núi cũng có côn trùng xâm hại, tại sao loài cây này có thể sinh trưởng tốt như thế? Thông qua quan sát, Kimura phát hiện, thì ra là bùn đất không giống, độ xốp, không khí, độ ấm, thậm chí mùi đất cũng khác với ở nhà. Tâm trí ông chợt thông suốt, đất đai mới thật là điểm cốt yếu cho việc gieo trồng táo, cây táo và thiên nhiên hòa cùng một thể, nhân loại ngu muội lại dùng nông dược ngăn cách nó với tự nhiên.

Thông qua vô vàn nghiên cứu và thí nghiệm, ông gieo trồng rất nhiều đậu nành trong vườn, cải thiện hàm lượng phân đạm trong đất, cũng khiến vi sinh vật trong đất phong phú hơn.

Không có bất kỳ sinh mệnh nào là cô lập” Kimura nói. Cây táo không thể, con người cũng không thể.

Hết thảy hình thức giáo dục, nếu tách cá nhân ra khỏi xã hội, nền giáo dục như vậy nhất định sẽ không có sức sống. Giáo dục chính là cuộc sống, xã hội chính là trường học. Chế độ giáo dục hiện nay chẳng phải cũng ngu muội giống người ta ỷ lại vào nông dược hay sao?

Kimura trở thành chuyên gia gieo trồng cây ăn quả. Tuy vậy, trong vườn của ông, các loại cây quả, đủ loại thực vật tùy ý sinh trưởng, chỉ là đến mùa thu sẽ cắt cỏ, để cho độ ẩm của đất giảm xuống, “để nói cho cây táo rằng mùa thu đã đến”. Ông không cần phân bón, mà đất vẫn có thể bảo trì tốt độ phì nhiêu. Mặc dù kỹ thuật cắt tỉa lá cây trông có vẻ bình thường, nhưng ông đều có lý luận của mình.

Thế giới hôm nay tràn đầy nông dược, tràn đầy lý luận lợi ích và hiệu quả, có bao nhiêu người sẽ kiên trì đến mười năm chỉ để đợi cây táo nở 7 đóa hoa? Đây cũng là ý chí của Kimura, giống như cây táo của ông, kiên định, bất chấp trải qua gian nan vất vả để nhận lấy mùi hương thơm nồng và ngọt ngào. Nhà khoa học hàng đầu Nhật Bản, cũng là người giám đốc NHK (đài phát thanh truyền hình Nhật Bản) – ông Mogiken Ichiro chia sẻ về loại ý chí dường như ngu ngốc này là: Bọn họ có được ánh mắt và niềm tin có thể nhìn đến điều không thể nhìn thấy.

Cả đời này, ít nhất làm một lần ngốc, đó chính là dụng tâm chuyên chú làm một việc gì đó. Trồng táo cũng vậy, giáo dục cũng vậy, làm chuyện gì cũng đều như vậy.

Khi đọc quyển sách này, tôi viết xuống sổ ghi chép của mình một hàng chữ: “Làm việc chính là làm lại chính mình”. Sau vô số lần cường điệu sự gian nan của hoàn cảnh khách quan, chúng ta cần nhìn lại nội tâm của mình, giống như tâm sự của Kimura và cây táo: “Thật sự quá thần kỳ rồi, ta biết ngươi đã rất cố gắng.”

Ngành nghề mà thế giới này cần có nhất để liên kết tình cảm chính là giáo dục. Trồng cây táo – chúng ta thừa nhận là một loại kỹ thuật trong cuộc sống, vậy đầu tư tình cảm vào, liệu có cần thiết không?

Trong 4-5 năm đầu, mỗi ngày Kimura đều vuốt ve chừng 800 cây trong vườn, nói chuyện với chúng. Đó là thời điểm tình hình cây táo trở nên bết bát nhất, một vài cây cũng bắt đầu dao động, thậm chí vừa đẩy nhẹ liền ngã.

Có người giễu cợt ông, có người nói, Kimura điên thật rồi, nhưng ông vẫn không quan tâm. Trong nội tâm ông tràn đầy sự áy náy, ông cảm thấy ông đã đẩy những cây kia vào đáy vực. Khi Kimura vuốt ve cây táo, cùng chúng nói chuyện, rõ ràng không có gió, ông lại cảm thấy cành cây có chút lay động, dường như cây táo cũng muốn nói với ông, “tôi đã biết, chúng tôi đã biết rồi.”

Có một hiện tượng có thể cần phải giải thích, những cây táo được Kimura cầu xin chúng sống tốt, một phần trong số ấy cuối cùng vẫn tồn tại được. Có một khu vực có gần 82 cây, ông không nói chuyện gì với chúng; số cây này toàn bộ héo rũ rồi.

Chuyên nghiệp là gì vậy? Kimura trả lời: “Tâm kết hợp với kỹ thuật, mới thật sự là chuyên nghiệp.”

Có người so sánh quả táo của Kimura khác với những quả táo khác, cho rằng quả táo của Kimura là có tình cảm. Hoặc là, như nhiều bình luận cho rằng, đó là những quả tảo tràn đầy “sinh mệnh lực”. Chúng không chỉ là sinh mệnh của quả táo, mà còn là sinh mệnh của Kimura.

Hôm nay, nếu chúng ta đến vườn táo của Kimura, sẽ nhìn thấy một tấm bảng gỗ, trên đó viết: “Cảnh cáo côn trùng! Nếu các ngươi tiếp tục bừa bãi gây hại, ta sẽ mạnh mẽ sử dụng nông dược!” Côn trùng hiểu những lời này sao? Tôi nghĩ là có thể. Cây táo hiểu được, côn trùng lại không hiểu được sao? Côn trùng hiểu, con người có thể không hiểu sao?

Theo NTDTV, Bình Minh biên tập

Thí nghiệm: Thực vật có tồn tại ý thức, trí thông minh, thậm chí khả năng siêu cảm?

Từ những năm 1960 cho đến nay, một số nhà khoa học đã đưa ra những tuyên bố khó tin về trí thông minh cũng như những khả năng cảm quan của các loài thực vật. Các phát hiện của họ đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về hai khái niệm “tri giác” và “ý thức”. Chúng ta nên định nghĩa chúng như thế nào cho chuẩn xác?

Vào tháng trước, Giáo sư Stefano Mancuso từ Phòng thí nghiệm Quốc tế Sinh học thần kinh Thực vật, trực thuộc trường Đại học Florence, Ý, đã chia sẻ với kênh BBC trong một chương trình nghiên cứu trí thông minh của các loài thực vật. Ông nói: “Chúng tôi cho rằng thực vật có tri giác và trí thông minh, nên chúng tôi đã thử vận dụng các kỹ thuật và phương pháp vốn thường được dùng để nghiên cứu các loài động vật có tri giác”.

Ông đã tiến hành thí nghiệm với hai cây đậu thân leo. Trong thí nghiệm, hai cây đậu sẽ được bố trí để cạnh tranh xem ai bám được vào một cái cọc trước. Cây bị thua nhận biết được cây còn lại đã đến chỗ cái cọc trước nên đã quay sang tìm kiếm một đối tượng khác.

Ở động vật, chúng tôi gọi đây là ý thức.

“Điều này đã chứng tỏ rằng hai cây đậu có khả năng nhận biết môi trường xung quanh cũng như hành vi của cây còn lại”, GS Mancuso cho hay. “Ở động vật chúng tôi gọi đây là ý thức”.

Một loại nhận thức cộng đồng

Suzanne Simard, giáo sư ngành sinh thái học tại trường Đại học British Columbia, Canada, đã chia sẻ với kênh BBC rằng: “Chúng ta đã không đối xử với [thực vật] … bằng sự tôn trọng như đối với các loài sinh vật có tri giác”. Bà đã tiến hành thí nghiệm với những cây thông Douglas, và nhận thấy chúng có thể nhận diện họ hàng của mình khi được trồng trong một khu vực có cả họ hàng và những loài cây khác.

Những cái cây này dường như cũng có thể nhận biết quá trình tử vong của chúng, nên chúng đã nhả khí cacbon ra những cây thông xung quanh.

“Theo tôi hiểu, cây thông Douglas đã biết được rằng nó đang chết dần, nên muốn truyền nguồn di sản khí cacbon còn sót lại sang những người hàng xóm của nó (cây hô hấp bằng khí cacbon), bởi điều này sẽ giúp ích cho nấm cộng sinh và cộng đồng”, GS Simard nhận định.

Học hỏi, ghi nhớ dài hạn

Năm ngoái, Tiến sĩ Monica Gagliano từ trường Đại học Tây Úc (University of Western Australia), Úc, đã đăng tải một nghiên cứu trên tạp chí Oecologia, trong đó khảo sát trí nhớ dài hạn của thực vật. Cô đã thả rơi những cây xấu hổ (hay còn gọi là cây trinh nữ – Mimosa Pudica) được trồng trong lọ xuống lớp đệm mút từ một độ cao có thể khiến chúng hoảng sợ, nhưng không làm hại đến chúng.

Cô đã có thể theo dõi những phản ứng của chúng và phát hiện thấy những cây xấu hổ này rốt cuộc đã biết được rằng cú ngã sẽ không gây hại cho chúng. Những cây này đã lưu tồn một ký ức dài hạn về điều chúng đã học.

Nhưng liệu các hành vi như vậy có tạo nên ‘trí thông minh’?

Giáo sư Daniel Chamovitz, trưởng khoa khoa học đời sống tại trường Đại học Tel Aviv, Israel, tác giả cuốn sách “Điều thực vật biết” (What a Plant Knows), đã chia sẻ với tờ BBC: “Chúng ta có thể quan sát khả năng cụp lá bắt mồi trên một cái cây bắt ruồi venus (venus flytrap). Tôi có thể định nghĩa điều này là ‘trí thông minh’, nhưng nó không giúp tôi hiểu chút nào về sinh học thực vật. Chúng ta phải rất rõ ràng trong phương diện thuật ngữ”.

Các cảm xúc và khả năng siêu cảm

Khi chuyên viên thẩm vấn quá cố Cleve Backster tiến hành thí nghiệm với các loài cây thực vật, sử dụng máy phát hiện nói dối vào năm 1966, dường như chúng đã biểu lộ các trạng thái cảm xúc khác nhau.

Ông Backster từng là một chuyên viên thẩm vấn sử dụng máy phát hiện nói dối (polygraph/ lie detector) [1] của CIA, người đã phát triển các kỹ thuật phát hiện nói dối vốn vẫn được quân đội và các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng rộng rãi ngày nay. Ông đã tiến hành một thí nghiệm với những cái cây thiết mộc lan (Dracaena), như được miêu tả chi tiết trong cuốn sách “Đời sống bí ẩn của thực vật” (The Secret Life of Plants).

Lấy ví dụ, ông đã để hai cây thiết mộc lan gần nhau và nối một trong số chúng với máy dò nói dối. Sau đó, ông đã bảo một học sinh của mình giẫm đạp lên cái cây còn lại. Khi hành vi này được thực hiện, biểu đồ được vẽ ra trên máy phát hiện nói dối đã cho thấy cái cây còn lại đã xuất hiện phản ứng lo sợ.

Hình bên: Ông Cleve Backster bên cạnh các công cụ thí nghiệm của mình: cây thiết mộc lan và máy dò nói dối.

Marcel Vogel đã tiếp nối các thí nghiệm của ông Backster và cho thấy thực vật dường như cũng có thể bị tác động bởi các suy nghĩ.

Ông Vogel là một nhà khoa học kỳ cựu tại tập đoàn IBM trong vòng 27 năm. Trong suốt khoảng thời gian làm việc tại đây, ông đã được cấp bằng sáng chế cho hơn 100 phát minh. Trong sự nghiệp của mình, ông đã trở nên hứng thú với việc ứng dụng các kiến thức khoa học một cách hữu cơ hơn.

Ông đã đo lường các dòng điện do thực vật phát ra. Ông nhận thấy thực vật đã phản ứng đột ngột khi ông thở gấp và ôm giữ một suy nghĩ trong đầu, so với khi tâm trí của ông tỉnh táo và hít thở nhẹ nhàng.

Dan Willis, người cộng tác nghiên cứu (research associate) trước đó của ông, đã giải thích các thí nghiệm của Vogel trên trang web MarcelVogel.org.

Ông Willis viết: “Phản ứng của thực vật trước các suy nghĩ là tương đương cho dù cách xa khoảng 8 inch, 8 feet hay 8 dặm, như ông Vogel đã thử nghiệm ở Praha, Cộng hòa Séc và ở phòng thí nghiệm của ông ở San Jose, California, Mỹ. [Ở cả hai địa điểm], suy nghĩ của ông đều có thể tác động đến cái cây được nối với một chiếc máy ghi”.

Hình bên: Một trong những biểu đồ đo lường phản ứng của thực vật trên máy phát hiện nói dối trong các thí nghiệm của ông Cleve Backster.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện này. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh luận trong phần bình luận bên dưới.

Chú thích của người dịch:

[1] Polygraphs, thường được nhắc đến là “máy phát hiện nói dối” – lie detector – là một thiết bị ghi lại những phản ứng sinh lý của cơ thể. Không như tên của nó, thiết bị này không phát hiện được ai đang nói dối, nó chỉ phát hiện những hành vi giống-như-khi-đang-nói-dối được thể hiện ra.

Một chiếc máy polygraph đơn thuần là sự tổng hợp của các thiết bị y học dùng để đo dấu hiệu sinh tồn của con người. Khi đối tượng bị hỏi về một vấn đề nào đó, người kiểm tra sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và độ dẫn điện của da – electro-dermal activity (cũng là sự tiết mồ hôi, cụ thể trường hợp này là ở đầu ngón tay) so với mức độ bình thường. Sự thay đổi có thể do đối tượng đang nói dối, nhưng kết quả còn phụ thuộc vào người kiểm tra.

Tác giả:Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh, Ngọc Mai biên dịch

Xin đọc tiếp những bài báo sau đây trên Đại Kỷ Nguyên:

PVHg, Sydney 13/07/2017

Advertisement

10 thoughts on “Plant’s Consciousness / Ý thức của thực vật

  1. Thưa bác, con có thể sẽ lại cảm phục bài viết của bác nếu con không đọc thấy chữ “Ấn Độ”. Ấn Độ là cái nôi của những mê tín dị đoan của thế giới. Cái gì của người Ấn Độ nghiên cứu về lĩnh vực ý thức, tâm linh, sự sống sau cái chết đều không đáng tin! Vì sự mê tín của họ nên họ không khách quan. Con đã từng đọc Deepak Chopka và kết luận rằng sách của ông hoàn toàn nhảm nhí!

    Đã thích bởi 1 người

    • Bạn “thẳng mà thật” thân mến,
      Cám ơn cháu vì cháu rất thẳng và thật. Nhưng nếu cháu thẳng và thật thì có bao giờ cháu nghĩ cháu sai không? Nếu đã thẳng và thật thì chắc chắn phải có nhiều lúc thấy mình sai. Nếu không thì không thẳng và không thật.
      Ý kiến của cháu SAI, vì cháu chỉ thấy cái dở của Ấn Độ mà không thấy cái hay của Ấn Độ. Ý kiến của cháu là một ĐỊNH KIẾN, một THÀNH KIẾN.
      Không có định kiến, thành kiến nào là đúng cả.
      Cháu nên đọc HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG do Nguyên Phong chuyển ngữ để hiểu rõ Ấn Độ hơn.
      Nếu đọc xong cuốn ấy mà cháu không thấy ý kiến của mình sai thì tư duy của cháu có vấn đề.
      PVHg

      Thích

      • Cháu là dân làm mướn, tầng lớp dưới của xh nên bác giới thiệu sách cháu cũng chẳng có tiền đâu mà mua. Cháu chỉ được cái di động cảm ứng để lên mạng với ít chữ của thầy dạy văn hồi xưa. cháu vốn ban Xã hội.

        Khi mẹ cháu bịnh. Khi cháu lần đầu tiên nghĩ đến cái chết của mình. Khi cháu bắt đầu suy luận. Tìm kiếm nát 7 page đầu của google những chủ đề như human consciousness, is consciousness just brain, life after death, reincarnation… rồi nguồn gốc của các tôn giáo.

        Trải nghiệm hằn sâu. Bác bắt cháu làm lại cháu cũng y một kết luận. Ấn Độ là cái nôi của mê tín dị đoan và những điều nhảm. trừ những người như tago ra thôi, còn lại phần lớn lịch sử của đất nước này toàn tăm tối.

        Thích

      • Cháu thẳng đuột ơi,
        Bác theo Thiên Chúa giáo, nhưng bác học được điều này từ nhà Phật: Mọi sự từ cái TÂM của mình mà ra. Mình nghĩ về thế giới thế nào thì thế giới nó thế ấy/ Bác cũng thấy những chỗ tăm tối ở Ấn Độ, nhưng bác thấy cả ánh sáng ở đó. Không chỉ có Tagore, mà có nhiều Tagore ở đấy, thậm chí còn hơn Tagore nữa đấy cháu à.
        Đức Phật là một người Ấn đấy.
        PVHg

        Đã thích bởi 1 người

      • Bác theo nhánh nào của Thiên Chúa Giáo ạ? Con thấy bác có dẫn nguồn từ jw.org nên đoán chắc bán theo Chứng nhân Jehova phải không ạ?

        https://www.jw.org/vi/an-pham/sach/kinh-th%C3%A1nh-d%E1%BA%A1y/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-%E1%BB%9F-%C4%91%C3%A2u/

        Mục 5,6 có nói là:

        “Khi chết, một người không còn hiện hữu nữa. Chết là ngược lại với sống. Người chết không thấy, nghe hoặc suy nghĩ. Không một phần vô hình nào của chúng ta tiếp tục sống sau khi thân thể chết. Chúng ta không có một linh hồn bất tử.”

        Nhấn mạnh ở câu cuối. Thế hóa ra điều mà Kinh Thánh nói với điều mà giới Vô thần, Duy vật nói là giống nhau? Chết là không còn hiện hữu. Không có đời sau. Chết là hết. Điều đó cũng gián tiếp cho biết chúng ta chỉ là những cỗ máy móc xác thịt có một máy tính bằng chất béo trong sọ điều khiển? Chẳng hề có phần nào thánh thiêng. Chẳng khác gì giới Vô thần, Duy vật nói!

        Thật mâu thuẫn với khái niệm Thiên đàng và Hỏa ngục vì nếu chúng ta không có một linh hồn bất tử, hay linh hồn thôi cũng được, thì Chúa lập ra những chỗ đó để làm gì?

        Còn về đạo Phật và đức Phật, con không ngại tỏ rõ quan điểm của con cho bác, dù con không đồng tình với bạn kia, Ấn Độ không đen tối như bạn nghĩ.

        Con không hợp với triết lí và cách giảng dạy của đức Phật. Kinh Phật dịch ra tiếng việt nó vừa đơn điệu vừa nhàm chán, bác có thấy có quá nhiều chữ “a” không? 😀 Con thường xem các video Phật giáo và chưa bao giờ xem hết trọn vẹn. Ví dụ như đức Phật thuyết kinh Pháp liên hoa. Cứ lặp lại khoảng 3 lần “Này Thiện Nam Tử… Như Lai có nói thì các con cũng không hiểu đâu…” thì con bỏ. Nói gì thì nói đại ra đi, cái mạch lạc cũng không có. Điểm trừ lớn nhất mà nhiều người cho là điểm cộng của Phật giáo là tính không rõ ràng. Đạo Phật có Hỏa Ngục chứ không phải không, và theo mô tả thì con thấy nó còn kinh khủng, gớm ghiếc và tàn ác hơn cả mô tả bên Thiên Chúa Giáo nữa! Ai nói đạo Phật không có phiên bản Thiên đàng của họ? Đọc ngay những dòng đầu của video Chú đại bi này thì thấy!

        Tìm hiểu kĩ, con thấy đạo Phật là một sự sửa chữa đạo Hindu cho nhân bản hơn. Các thuyết về luân hồi, đầu thai, nghiệp được bê y nguyên từ bên đạo Hindu qua. Cách tu hành khổ hạnh, chối bỏ bản thân cũng vậy. Sở dĩ đạo Phật lan truyền mạnh mẽ ở Ấn Độ thời kì đầu nhờ giáo lí của đức Phật phá bỏ hệ thống phân chia giai cấp ngay sau khi sinh của đạo Hindu (một hệ thống vô cùng vô nhân đạo!)

        http://www.apostolicchristianfaith.com/single-post/2016/02/29/BUDDHISM-A-False-Religion

        Riêng về phát ngôn của đức Phật lúc cuối đời, mặc ai giải thích thế nào con vẫn cho đó là một sự vô trách nhiệm. Chối bỏ những lời mình đã nói ra. Vô trách nhiệm với chính những lời mình đã nói? Đức Phật có thể coi là người theo chủ nghĩa Skepticism đầu tiên khi đã dạy đừng vội tin mà phải suy ngẫm những lời giáo huấn được nghe, kể cả của ông! Khác gì ông gián tiếp nói rằng: “Những điều tôi dạy mọi người chưa biết đúng hay sai nhưng miễn là nó tốt hơn của đạo Hindu là được, mọi người trong quá trình thực hành phải tự đi mà kiểm chứng nó!”

        Con thấy việc dành chữ “đức” cho đức Phật là hơi quá. Cùng lắm cho rằng ngài là một nhà hiền triết phương đông, sánh vai với Plato, Socrates của phương tây mà thôi.

        Cũng không lạ chuyện sùng bái cá nhân đức Phật thái quá thời nay. Sùng bái cá nhân (idolatry) là điều các Kitô hữu không nên làm! 😀

        Còn về Nho giáo (Khổng giáo), sẵn nói luôn, con mời bác đọc quyển Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng (có sẵn trên mạng), hạch đầy đủ tội ác của Nho giáo đối với con người của TQ và VN ta, đọc xong rồi bác sẽ không còn xếp ông Khổng Khâu vào chung hàng ngũ với đức Phật, đức Chúa Jesus nữa đâu!

        Về Đạo giáo thì con không có ấn tượng mấy. Chỉ nhớ mấy ông đạo sĩ đi tu tiên với luyện đan trong kiếm hiệp! 😀

        Thích

      • Cháu Óc thân mến,
        Đọc comments của cháu (khá nhiều), bác thấy cháu là một người nhiệt tình, ham hiểu biết. Tuy nhiên có lẽ còn rất trẻ tuổi, nên cháu phát biểu quá thoải mái, và do đó đôi chỗ phạm lỗi về ứng xử. Thí dụ cháu nói chữ “Đức” dành cho Đức Phật là hơi quá, bác định cắt bỏ, nhưng cắt bỏ thì lại không góp ý cho cháu được. Khi cháu nói năng như vậy, cháu không hiểu một điều rằng như thế là cháu đã vô tình xúc phạm đến rất nhiều Phật tử. Không ai bắt cháu tin vào Đức Phật, nhưng cháu chớ nên dại dột đụng vào đức tin của bất cứ ai. Đó là điều bác thành thực khuyên cháu. Nếu cháu thấy lời khuyên của bác là không đúng thì bác đành phải hủy bỏ ý kiến của cháu, vì trang mạng của bác có những nguyên tắc nhất định, đó là sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng mọi ứng xử văn hóa.
        Cháu hỏi bác theo nhánh nào của Thiên Chúa giáo, vì cháu thấy bác trích nguồn từ JW. Bác trả lời cháu nhé: Bác trích ý kiến từ rất nhiều nguồn khác nhau, điều đó không có nghĩa là bác theo các tôn giáo khác nhau, mà đơn giản là bác theo cái gì mà bác cho là lẽ phải. Còn khi trích tài liệu của ai thì tất nhiên phải ghi rõ nguồn, để thể hiện sự tôn trọng tác giả của nguồn đó.
        Về Nho giáo, cháu đọc ô Nguyễn Gia Kiểng và coi đó là chân lý thì đó là việc của cháu. Nho giáo không phụ thuộc vào quyển sách đó. Bác cũng không phụ thuộc vào quyển sách đó. Về Nho giáo, bác chỉ nói với cháu 3 điều: Một, có Nho tiểu nhân và Nho quân tử, người kém thì bị lẫn lộn hai thứ đó với nhau; Hai, có rất nhiều quan niệm sống lành mạnh và nền nếp là truyền thống của Nho giáo đấy; Ba, muốn hiểu Nho giáo, hãy đọc cuốn Nho giáo của Trần trọng Kim.
        PVHg

        Thích

  2. Thân chào chú Hưng,

    Cũng đã khá lâu cháu không có dịp vào trang của chú. Cháu lờ mờ nhận thấy thời gian cho chúng ta không còn nhiều, có phải chú đang có kế hoạch…? và các bài chú đăng là để từng bước tiến đến và hiện thực hóa kế hoạch đó chăng?

    Những khi chúng ta đã quen với giáo trình lớp 1, nếu cứ nói mãi về lớp 1 ta sẽ nhận được nhiều sự đồng điệu, tán thành, chỉ đến khi ta chuyển sang nội dung của lớp 2 thì mới thấy ai đã sẵn sàng ai chưa.

    Học thức thì có thể bồi đắp nâng cao, nhưng trí huệ để vượt lên khỏi cái thông thường lại không dành cho mọi người.

    Cháu luôn đứng sau và ủng hộ chú. Chúc chú cuối tuần vui vẻ ạ 🙂

    Thích

  3. Khi đọc những bài của bác, em có nhận xét như sau ạ :
    – Lúc thì bác nói về vật lý, lúc thì bác lại viết về sinh học, lúc lại đi rất sâu và toán học, lúc lại nói về cái hay cái đúng của giáo lý nhà phật, đạo lý của Đức tin.
    – Chủ đề nào mọi người cũng bàn rất sâu về từng khía cạnh, có cái đúng, có cái mâu thuẫn, có cái đúng lúc này, không đúng lúc khác…
    – Nhưng hơn hết em nhận ra một điều bác đang muốn nói…. một điều bao trùm lên tất cả các bài viết của bác. trong đó từng bài một chỉ là những dẫn chứng và thể hiện một cách cụ thể với từng góc nhìn mà thôi. Tất cả các bài viết của bác đang dần toát lên một phần của nó… Nó không phải Logic, không phải Tôn giáo, … càng không phải chủ nghĩa gì cả….
    – Em luôn đọc và mong chờ những khai sáng đó thể hiên trong mỗi bài viết mới của bác.
    – Đó chính là … TRIÊT HỌC.

    Đã thích bởi 1 người

    • Cám ơn bạn Lã hữu Việt,
      1/ Bạn nhận xét đúng. Trang PVHg’s Home thảo luận rất nhiều vấn đề thuộc những chủ đề khác nhau trong cuộc sống, từ khoa học tới nghệ thuật, từ tôn giáo tới văn hóa, từ sinh học tới vật lý, từ toán học tới âm nhạc, từ Phật giáo tới Thiên Chúa giáo, từ hiện thực vật lý tới các phép lạ siêu nhiên,… Tất nhiên tất cả những thảo luận đó phải xuất phát từ một cái gì đó chung nhất, một nguồn gốc nhất quán, một tư tưởng thống nhất. Và bạn đã đoán trúng, đó là TRIẾT HỌC, hoặc MINH TRIẾT.
      2/ Theo tôi, mọi tri thức nếu không đạt tới tư duy triết học, hoặc không tìm thấy ý nghĩa minh triết ở đó, thì tri thức ấy vẫn chưa đủ sâu sắc để xứng đáng được gọi là một “tư duy thực sự” (a real thinking). Khái niệm “tư duy thực sự” tôi lấy của Douglas Hofstadter, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay về trí thông minh nhân tạo. Ông không đơn giản chỉ có cái đầu uyên bác về khoa học, mà có cả cái đầu thâm thúy triết học. Vì thế tôi thấy ông vượt lên hơn hẳn các chuyên giá khác trong lĩnh vực nghiên cứu về ý thức và trí thông minh. Chẳng hạn môn cờ vua (hoặc cờ tướng) trước đây đã từng được coi là một trong những nghệ thuật cao nhất thể hiện trí thông minh của con người. Nhưng kể tử 1997, khi chương trình Deep Blue chơi cờ đánh thắng vua cờ Gary Kasparov, thì thay vì tuyên bố computer thông minh hơn con người, Hofstadter lại thốt lên rằng: “Ôi tôi từng nghĩ cờ vua đòi hỏi tư tưởng; bây giờ tôi biết rằng nó không cần. Khi một tư duy nào đó được chương trình hóa thì người ta nhanh chóng NGỪNG coi nó là một thành phần của tư duy thực sự”. Có nghĩa là tư duy logic lý lẽ và tính toán, xưa nay được coi là thước đo của trí tuệ, hóa ra không còn là bộ phận chủ yếu của tư duy nữa. Bộ phận tư duy chủ yếu nằm ở tư duy CẢM XÚC. Tư duy cảm xúc là tư duy phi logic, không tuân thủ bất kỳ một chương trình nào cả, và không thể số hóa được. Chẳng hạn, người ta đã số hóa bản Giao hưởng Bỏ dở của Franz Schubert hòng giải mã phong cách âm nhạc đặc trưng (caracteristic musical style) của Schubert để rồi bắt chước cái style ấy mà viết nốt phần bị bỏ dở, nhưng cuối cùng thất bại. Phần bắt chước ấy không ăn nhập gì với phần đã có. Có nghĩa là còn có yếu tố bí ẩn nào đó trong ý thức của con người mà khoa học không thể giải mã được. Vì thế triết học giúp con người vượt qua những bài toán cụ thể để tiến gần hơn tới chân lý. Triết học mới thực sự là cái tuyệt vời để làm thỏa mãn tư duy nhiều nhất.
      3/ Sự kém cỏi về tư duy triết học chính là lý do để thuyết tiến hóa tiếp tục trượt dài trên con đường sai lầm. trong cái nhìn của tôi, tất cả những ai tin thuyết tiến hóa đều kém về trực giác và kém về triết học. Họ bị những lý luận cơ giới đánh lừa.
      4/ Vô tình ý kiến của bạn nằm trong một bài viết mới của tôi, sẽ công bố trong tuần tới, đề cập tới bí ẩn của ý thức. Nói cách khác, ý kiến của bạn kích thích tôi có nhiều cảm hứng hơn để viết bài mới đó.
      Đó là lý do để tôi phải cảm ơn bạn một lần nữa. Great Thanks!
      PVHg

      Đã thích bởi 1 người

  4. Đến bây giờ tôi mới tìm thấy trang này của bác. Thật tuyệt vời, nhưng ‘tranh luận’ thì sẽ không có điểm cuối nếu mọi người đứng ở các đỉnh núi khác nhau. Nhưng sự thẳng thắn trung thực sẽ giúp cho mọi người đi dần đến cái Thiện, thế đã… Còn hiểu được sự cao siêu thì phải có ‘phẩm tính’ đặt sẵn trong Gen mỗi người rồi bác nhỉ…. Rất cám ơn bác đã viết về Sự Sống và ý nghĩa của nó, mong ngay càng có nhiều đọc giả!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s