Nobel Laureate Ernst Chain: On Evolution / Nhà KH đoạt Giải Nobel Ernst Chain nói về thuyết tiến hóa

Chain_wide copy

Among three Nobel Prize winners for medicine in 1945, the less well known is Ernst Chain. Why? Because he strongly opposed Darwinism – the biological dogma in his time. According to Chain, Darwinism is simply a hypothesis “based on no evidence and irreconcilable with the facts”. Interestingly, the modern biology proves Chain is right, and now is the suitable time to retell the story of this distinguished man.
Trong ba nhà khoa học đoạt Giải Nobel y học năm 1945, người ít được biết đến là Ernst Chain. Tại sao? Vì ông mạnh mẽ chống đối học thuyết Darwin – giáo điều sinh học trong thời đại của ông. Theo Chain, học thuyết Darwin chỉ là một giả thuyết “vô bằng chứng và mâu thuẫn với thực tế”. Thú vị thay, sinh học hiện đại chứng minh Chain đúng, và nay là lúc thích hợp để kể lại câu chuyện về con người xuất chúng này.

CHÚ Ý: Toàn bộ các bài viết về SINH HÓA và Thuyết Tiến hóa trên trang PVHg’s Home (viethungpham.com) đã được sắp xếp đầy đủ theo thứ tự thời gian tại địa chỉ sau đây:

True Biology: Nền Sinh học chân chính

 

Ernst Chain (1906 –1979) được coi là một trong những cha đẻ của khoa học về thuốc kháng sinh. Cùng với Howard Florey và Alexander Fleming, ông được trao Giải Nobel Y học năm 1945 vì đã cô lập và tinh chế được penicillin và lần đầu tiên thử nghiệm thành công tính năng của chất kháng sinh trong việc điều trị nhiều căn bệnh viêm nhiễm nguy hiểm.

Công trình này được đánh giá là “một trong những khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử y khoa từ trước tới nay” [1]. Điều này thật dễ hiểu: chỉ cần tưởng tượng nếu không có thuốc kháng sinh thì cuộc sống của chúng ta hiện nay sẽ nguy hiểm biết chừng nào? Theo Wikipedia, ước tính đã có 82 triệu mạng sống được cứu khỏi cái chết nhờ penicillin [2]. Nhưng trừ những người làm trong chuyên ngành, đại đa số chúng ta chỉ biết hưởng thụ thành quả của y học mà nhiều khi không biết những thành quả ấy từ đâu tới. Hôm nay là lúc nên tưởng nhớ đến những ân nhân của chúng ta, những cha đẻ của thuốc kháng sinh.

Chú ý rằng giữa thế kỷ 19, Louis Pasteur đã khám phá ra vi trùng và tìm ra các phương pháp tẩy trùng, phương pháp vaccine (tiêm phòng/trích ngừa để tăng cường khả năng miễn dịch), nhưng những phương pháp này sẽ mất hiệu lực một khi vi trùng lạ đã nằm trong cơ thể mà hệ thống miễn dịch của chúng ta không chống đỡ nổi. Lúc ấy cần có một chất hóa học có thể xâm nhập vào bên trong cơ thể để tiêu diệt vi trùng. Chất hóa học này chính là thuốc kháng sinh (antibiotic). Những người đi tiên phong trong việc biến mơ ước thuốc kháng sinh thành hiện thực là Alexander Fleming, Howard Florey và Ernst Chain. Với công lao này, 3 nhà khoa học nói trên đã tiếp nối Louis Pasteur và Joseph Lister để trở thành những “ân nhân của nhân loại”.

fleming-florety-and-chain-jpegRiêng Ernst Chain, công trình tinh chế được penicillin và thử nghiệm tính năng chữa bệnh kỳ diệu của nó không chỉ đem lại cho ông Giải Nobel y khoa, mà còn rất nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý khác, như: Hội viên Hội Hoàng gia Anh, Tước Hiệp sĩ Anh, Huân chương Pasteur, giáo sư danh dự của rất nhiều viện đại học trên khắp thế giới.

Nhưng,… một nhân vật danh giá như thế mà không hiểu tại sao mãi tới gần đây tôi mới được biết, mặc dù tôi vốn háo hức với thông tin khoa học. Tôi tự trách mình, nhưng cũng cảm thấy có một cái gì đó không ổn – dường như Ernst Chain kém nổi tiếng hơn hai nhà khoa học cùng chia Giải Nobel với ông. Trước đây mỗi khi nhắc đến người khám phá ra penicillin, tôi chỉ biết đến Howard Florey và Alexander Fleming, tuyệt nhiên không biết đến Ernst Chain. Những sách báo trên giấy mà tôi đã đọc trước đây về penicillin dường như ít nhắc đến Ernst Chain, hoặc nhắc đến ông như một vai phụ, làm tôi ít chú ý, mặc dù phần đóng góp của ông thực ra đóng vai trò rất chủ yếu, thậm chí mang tính quyết định để biến mơ ước thuốc kháng sinh trở thành hiện thực. Chính ông là người xác định được chính xác cấu trúc của penicillin, cung cấp hiểu biết cơ bản về hóa học cho công nghệ thuốc kháng sinh, đồng thời cũng chính ông xác định được tính năng kháng sinh hiệu quả của penicillin.

Vậy tại sao tôi không biết? Chính xác hơn, tại sao phải chờ đến khi có internet tôi mới biết? Có một cái gì đó bất công ở đây chăng?

Việc đối xử bất công trong lịch sử khoa học không hiếm. Lise Meitner, người được Einstein gọi là “bà Curie của chúng ta”, hoàn toàn bị “bỏ rơi” trong việc trao Giải Nobel hóa học năm 1944 cho công trình nghiên cứu hiện tượng phân rã hạt nhân. Các nhà khoa học thuộc tầm cỡ vĩ đại nhất mọi thời đại như Blaise Pascal, Louis Pasteur, Kurt Godel ít được người đời biết đến so với những vị như Charles Darwin,… Mỗi trường hợp đều có lý do của nó. Vậy trong trường hợp của Ernst Chain thì lý do là gì?

Tôi băn khoăn với câu hỏi đó khá lâu, và cuối cùng, internet lại giúp tôi trả lời. Đó là bài báo “Ernst Chain: Antibiotics Pioneer” (Ernst Chain: Nhà tiên phong về Kháng sinh) của Jerry Bergman, với nhận định sau đây:

“Tuy nhiên, điều làm cho ông kém nổi tiếng là vì nhà sinh hóa xuất chúng này đã công khai chống đối học thuyết Darwin, dựa trên cơ sở những nghiên cứu khoa học của ông” (What is less well known, however, is that this prominent biochemist openly opposed Darwinism on the basis of his scientific research). [3]

Tôi tán thành nhận định trên, vì không ai lạ gì thuyết tiến hóa đã trở thành một giáo điều (a dogma) trong sinh học, thậm chí trong xã hội nói chung. Bất kỳ giáo điều nào cũng có xu hướng bảo thủ chống lại mọi tư tưởng trái ngược với nó. Trong những trường hợp không thể chống lại, nó thường chọn cách im lặng, tảng lờ. Đây chính là thái độ của giới toán học trong thế kỷ 20 đối với Định lý Bất toàn của Kurt Godel. Họ ghét định lý này vì nó chứng minh tính bất toàn của toán học. Đó cũng là thái độ của giới sinh học trong thế kỷ 20, mà đa số đã bị “Đác-uyn-hóa”, đối với Ernst Chain. Họ không thích ông vì những phát biểu chống thuyết tiến hóa, nhưng không có cách nào để bịt miệng một nhà nhà khoa học có uy tín lớn như ông, nên cách tốt nhất cũng là tảng lờ, ít nhắc đến ông. Càng ít người được nghe những phát biểu của ông về thuyết tiến hóa càng tốt.

Điều này có thể thấy rõ trên trang Wikipedia. Trang mạng này biểu lộ rõ lập trường ủng hộ thuyết tiến hóa. Cái gì ủng hộ thuyết tiến hóa thì được trình bày rất chi tiết, thậm chí làm rùm beng. Cái gì chống thuyết tiến hóa thì bị giảm thiểu đến mức tối đa, thậm chí có những bình phẩm hạ thấp giá trị. Chẳng hạn, thí nghiệm Urey-Miller năm 1953 là một thí nghiệm thất bại trong ý đồ chứng minh nguồn gốc sự sống, nhưng vẫn được trình bầy chi tiết với những nhận định như một thành tựu lớn của khoa học. Hoặc trong 3 nhân vật đoạt Giải Nobel y khoa năm 1945 vì công trình về penicillin, Ernst Chain chỉ được nhắc đến trong một bài viết rất ngắn so với Alexander Fleming. Những ý kiến của Chain về thuyết tiến hóa hoàn toàn bị giấu nhẹm. Nhưng Wikipedia nói riêng cũng như giới tiến hóa nói chung không thể chống lại internet. Chúng ta sẽ thấy rõ quan điểm chống tiến hóa của Ernst Chain ở phần sau của bài viết này. Bây giờ xin giới thiệu chi tiết hơn về thân thế và sự nghiệp của ông.

ERNST CHAIN, THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

● Ernst Chain sinh tại Berlin, Đức, trong một gia đình gốc Do Thái, bố là Michael Chain, mẹ là Margarete Eisner, em gái là Hedwig Chain. Bố của Ernst, tức Michael Chain, học hóa học tại Berlin, sau đó thành lập hãng sản xuất sulfates. Vì thế Ernst Chain được tiếp xúc với thế giới hóa học từ nhỏ để sớm yêu thích môn khoa học đó. Nhưng Ernst cũng say mê âm nhạc đến mức đã trở thành một nghệ sĩ chơi đàn piano hoàn hảo, và từng là một cây bút bình luận âm nhạc cho một tờ báo ở Berlin. Cảm hứng âm nhạc có lẽ đã ảnh hưởng sâu đậm đến thế giới quan khoa học và nhân sinh quan của Ernst Chain sau này, làm cho ông trở thành một trong số ít những nhà khoa học lớn của thế kỷ 20 có tiếng nói mạnh mẽ bênh vực những giá trị nhân văn, đề cao đạo đức, phản đối học thuyết tiến hóa (Nên nhớ rằng thuyết tiến hóa của Darwin đã trở thành cơ sở khoa học và triết học của chủ nghĩa quốc xã Đức, dẫn tới tội ác diệt chủng người Do Thái trong những năm 1933 – 1945. Một số người nói đây là tội lỗi của chủ nghĩa quốc xã, thay vì của Darwin. Đó là ý kiến của những người ít biết về Darwin).

● Chain tốt nghiệp hóa học và sinh lý học tại Đại học Friedrich-Wilhelm ở Berlin năm 1930, rồi trở thành nhà nghiên cứu tại Viện Bệnh lý học thuộc Bệnh viện Từ Thiện (Charité Hospital) ở Berlin. Tại đây, ông làm luận án tiến sĩ về enzymes, và đó là luận án tiến sĩ thứ nhất của ông.

● Mặc dù được trọng nể ở Đức, nhưng chỉ 3 tháng sau khi Hitler lên cầm quyền (tháng 1/1933), Ernst Chain phải di cư sang Anh để chạy trốn chủ nghĩa bài Do Thái. Ông đi một mình, với số tiền trong túi vẻn vẹn chỉ có 10 pounds. Mẹ và em gái ở lại Đức, vì sau khi bố ông, Michael, mất năm 1919, gia đình rơi vào cảnh nợ nần túng thiếu. Chain đã cố gắng giúp đỡ mẹ và em gái, mặc dù bản thân ông lúc ấy cũng đang rất khó khăn. Cuối cùng, mẹ và em gái bị bắt vào trại tập trung của Đức quốc xã rồi chết ở đó. Bi kịch này làm cho trái tim nhân bản của Ernst Chain rỉ máu, và do đó ông càng hướng về những giá trị nhân văn mạnh mẽ hơn: ông lên tiếng nhiều lần về trách nhiệm của nhà khoa học đối với xã hội, ông đề cao ý nghĩa đích thực của cuộc sống và cảnh báo rằng khoa học không đủ để làm cho người ta sống đạo đức và không đủ để làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Con người cần một đời sống văn hóa và tinh thần phong phú hơn khoa học rất nhiều. [4].

● Tại Anh, từ tháng 10/1933, ông được nhận vào làm việc dưới quyền của Frederick Hopkins trong khoa sinh hóa tại Đại học Cambridge. Tại đây, ông làm luận án tiến sĩ thứ hai, nghiên cứu về phospholipids. Năm 1935, với sự giới thiệu của Hopkins, ông được Howard Florey, giáo sư về bệnh lý học tại Đại học Oxford, mời cộng tác. Đây là thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời của Ernst Chain

● Năm 1938, Chain quan tâm đặc biệt tới khám phá của Alexander Fleming về penicillin, đăng trên Tạp chí Anh quốc về Bệnh lý học Thực nghiệm (British Journal of Experimental Pathology) năm 1929. Ông lưu ý Florey về công trình này, và hai người bắt tay vào nghiên cứu. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, Chain đã cô lập được và tinh chế được penicillin.

● Công trình này được trao Giải Nobel y học năm 1945 vì đã xác định được cấu trúc của penicillin và cô lập thành công penicillin dưới dạng có hiệu quả thực tế. Cụ thể, Chain phải dùng tới 125 gallons dung dịch chứa chất penicillin mới chế ra được một lượng bột penicillin chỉ bằng một viên thuốc [5]. Ngày nay giá mua một viên thuốc như thế chỉ vài cents. Nhưng công lao của người làm ra viên thuốc kháng sinh đầu tiên ấy thì không thể đo được bằng tiền. Thế giới ngày nay coi Chain như một trong những nhà sáng lập của khoa học và công nghệ về kháng sinh. Bên cạnh phương pháp tẩy trùng mà Louis Pasteur và Joseph Lister đã tìm ra trước đây, việc khám phá ra thuốc kháng sinh được xem như một cuộc cách mạng trong sinh học, với ý nghĩa cứu mạng sống con người.

● Chain không dừng lại ở đó. Ông còn khám phá ra một hợp chất gọi là penicillinase, một loại enzyme do vi khuẩn sử dụng để vô hiệu hóa penicillin. Có nghĩa là Ernst cũng là người đầu tiên khám phá ra khả năng kháng thuốc của vi khuẩn! Ngay lập tức ông lại nghiên cứu cách giải quyết bài toán mới này [6].

● Năm 1948, Chain rời Oxford sang Ý để thành lập Trung tâm Quốc tế về Vi-Sinh Hóa học (International Centre for Chemical Microbiology) thuộc Viện Cao cấp về Sức khỏe ở Rome. Trung tâm này lo đào tạo những nhà nghiên cứu phục vụ công nghiệp sản xuất thuốc kháng sinh –một nhu cầu cấp bách phục vụ y khoa đồng thời mang lại lợi nhuận lớn vào lúc đó.

● Trước đó, ông cưới bà Anne Beloff, một nhà sinh hóa. Hai người cộng tác với nhau trong rất nhiều dự án nghiên cứu trong suốt cuộc đời chung sống. Họ có hai con trai và một con gái.

● Năm 1964, Chain trở về Anh và trở thành chủ nhiệm khoa sinh hóa tại Đại học Khoa học và Công nghệ ở London (Imperial College of London) cho tới lúc về hưu.

● Ông đã có lúc được bầu làm chủ tịch WHO (Tổ chức Sức khỏe Thế giới).

Với tất cả những gì trình bầy ở trên, Ernst Chain xứng đáng được coi là một trong những nhà khoa học lớn nhất thế kỷ 20 trong lĩnh vực sinh hóa và y khoa, một trong những người đã tạo nền móng cho khoa học về kháng sinh, mở ra một thời đại mới trong y học hiện đại. Riêng tôi, tôi không chỉ biết ơn và ngưỡng mộ ông vì ông là một ân nhân của nhân loại, mà còn vì tư tưởng nhân văn và chống học thuyết Darwin của ông.

QUAN ĐIỂM CỦA ERNST CHAIN VỀ THUYẾT TIẾN HÓA DARWIN

Tôi được học học thuyết Darwin trong niên học 1960-1961. Tôi vẫn nhớ rõ không khí tưng bừng hưởng ứng học thuyết này ở nhà trường hồi ấy, từ thầy giáo cho tới học trò. Thậm chí đã xuất hiện những câu hát đồng dao mô tả sự tiến hóa dựa trên đấu tranh sinh tồn. Kể cũng lạ, bao nhiêu lý thuyết khoa học vĩ đại khác không được tuyên truyền theo kiểu phổ cập âm nhạc như thế, riêng học thuyết Darwin lại được phổ biến theo cách này. Định luật vạn vật hấp dẫn có bao giờ biến thành câu ca nào đâu? Cớ sao học thuyết Darwin được mến chuộng ghê gớm đến thế? Mãi sau tôi mới vỡ nhẽ ra rằng học thuyết này từ lâu vốn đã bị nghi ngờ, chẳng hạn như từng bị cấm giảng dạy tại nhiều tiểu bang ở Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20, vì thế các nhà tiến hóa phải tìm mọi cách làm cho người ta tin vào lý thuyết này, bao gồm việc tạo ra bằng chứng giả, nổi tiếng nhất là vụ lừa đảo “Người Piltdown” [7]. Nhưng cách phổ biến hiệu quả nhất là nhồi nhét thuyết tiến hóa vào đầu trẻ em – sau chiến thắng trong vụ án Scopes ở Mỹ năm 1925, thuyết tiến hóa tràn ngập vào các nhà trường. Từ đó đến nay nó đóng vai trò chính thống trong các lý thuyết sinh học trên các diễn đàn học thuật sinh học, tương tự như Cơ học Newton trong vật lý thế kỷ 19 vậy!

Lướt qua vài dòng lịch sử như trên để nhấn mạnh rằng ý kiến chống đối thuyết tiến hóa do Ernst Chain đưa ra trong thời đại của ông, tạm tính từ 1945 (năm ông đoạt Giải Nobel) đến 1979 (năm ông mất), là một tư tưởng CHỐNG LẠI XU THẾ THỜI ĐẠI!

chain-Phải là người tự tin cao độ như thế nào, có tư duy độc lập như thế nào, tin tưởng mạnh mẽ vào chân lý như thế nào, mới dám đi ngược dòng chảy của thời đại như thế. Đó là lý do để sách báo sinh học trong một giai đoạn dài rất ít nhắc đến Chain. Nhưng đúng như Émile Zola đã nói: “Nếu bạn bịt miệng sự thật, hoặc chôn nó xuống đất, nó sẽ mọc lên”. Ý kiến của Ernst Chain về học thuyết Darwin đã bị “chôn vùi xuống đất” trong một thời gian dài, nhưng đã mọc lên từ internet. Đọc những di bút của Chain, ta thấy ở ông không chỉ một niềm say mê khoa học thuần túy như nhiều nhà khoa học khác, mà còn một mối bận tâm kéo dài trong suốt cuộc đời – bóc trần sự thật phi khoa học của thuyết tiến hóa của Darwin. Ông lấy làm ngạc nhiên không hiểu tại sao một giả thuyết vô bằng chứng như học thuyết Darwin lại có thể được nhiều nhà khoa học tiếp nhận một cách dễ dãi đến như thế? Khoa học ở đâu? Đọc ý kiến của ông, ta thấy ông phẫn nộ với sự tiếp nhận đó, thậm chí có thể ngầm hiểu rằng ông đánh giá thấp trí tuệ của những nhà khoa học tin vào thuyết tiến hóa. Phải nói một cách chính xác rằng ông ghét thuyết tiến hóa của Darwin và tất nhiên giới tiến hóa cũng ghét ông. Đối với ông, thuyết tiến hóa chỉ là những phỏng đoán thiếu suy nghĩ. Đây, nguyên văn một số phát biểu của ông trích từ bài báo “Ý kiến của Ernst Chain về thuyết tiến hóa” (Nobel Laureate Ernst Chain on Evolution) [8]:

● “Tôi thà tin vào chuyện thần tiên còn hơn tin vào những phỏng đoán thiếu suy nghĩ như thế. Trong nhiều năm tôi đã nói rằng những phỏng đoán về nguồn gốc sự sống dẫn tới những mục tiêu vô ích vì ngay cả những hệ thống sinh vật đơn giản nhất cũng quá phức tạp để có thể hiểu nó bằng những kiến thức hóa học cực kỳ sơ cấp mà các nhà khoa học đang sử dụng trong nỗ lực của họ hòng giải thích cái không thể giải thích được đã xẩy ra hàng tỷ năm trước đây. Chúa không thể giải thích được bằng những ý nghĩ ngây thơ như thế”.

● “Chỉ có một lý thuyết duy nhất được đề xuất để thực hiện một nỗ lực nhằm hiểu biết sự phát triển của sự sống – đó là thuyết tiến hóa của Darwin-Wallace. Và đó là một nỗ lực mong manh, dựa trên những giả định hời hợt và nông cạn, chủ yếu là dựa trên những tính chất về hình thái học và giải phẫu học mà nó khó có thể được gọi là một lý thuyết”.

Lý do chủ yếu để Ernst Chain bác bỏ thuyết tiến hóa là vì ông không tán thành với cơ chế chủ yếu của học thuyết này – rằng sự chọn lọc tự nhiên diễn ra như một hệ quả của biến dĩ ngẫu nhiên. Theo Chain, đây là một “giả thuyết không có bằng chứng và mâu thuẫn với thực tế” (hypothesis based on no evidence and irreconcilable with the facts).

● Những lý thuyết tiến hóa cổ điển này là một sự đơn giản hóa hết mức đối với một khối lượng sự kiện vô cùng phức tạp và rắc rối (trong thực tế), và tôi kinh ngạc khi thấy những lý thuyết này được tiếp thu một cách sẵn sàng và không phê phán trong một thời gian dài đến như thế bởi nhiều nhà khoa học mà không có lấy một lời than phiền phản đối nào.

Con trưởng của ông, Benjamin Chain, nhận định bổ sung:

“Không nghi ngờ gì nữa, ông không tán thành thuyết tiến hóa bởi chọn lọc tự nhiên – ông ghét lý thuyết này… đặc biệt khi nó mang hình dáng của một giáo điều. Ông cũng cảm thấy rằng thuyết tiến hóa thực ra không phải là một bộ phận của khoa học, bởi vì phần lớn lý thuyết này không được kiểm chứng bằng thí nghiệm – và ông đã và đang không hề cô đơn một chút nào trong quan điểm này” [9]

Ernst Chain đặc biệt lưu ý mọi người rằng những nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn của ông đã chỉ ra những vấn đề phiền toái đối với thuyết tiến hóa như thế nào. Ông nhấn mạnh rằng tri thức hiện đại của chúng ta về mã di truyền và chức năng chuyển giáo thông tin di truyền dường như hoàn toàn không phù hợp với thuyết tiến hóa Darwin.

KẾT

Để kết câu chuyện đã dài này, tôi muốn nói thêm lý do vì sao Ernst Chain không được giới tiến hóa ưa thích, và vì sao sách báo thế kỷ 20 (phần lớn là vô thần) ít nhắc đến ông. Ấy là vì ông không chỉ bác bỏ học thuyết Darwin, mà bác bỏ luôn cả tư tưởng vô thần nói chung.

Chú ý rằng vào khoảng giữa thế kỷ 20, chủ nghĩa vô thần đang làm mưa làm gió trên mọi diễn đàn học thuật. Tiếng nói của các nhà khoa học vô thần nhiều khi được cộng đồng khoa học xem như tuyên ngôn của khoa học. Đó là một hiểu lầm tai hại, nhưng sự hiểu lầm ấy phổ biến đến mức nhiều người coi đó là một thực tế hiển nhiên. Chẳng hạn như Francis Crick, một trong những người khám phá ra DNA, từng tuyên bố rằng “thật là lố bịch khi đưa ra những quyết định nghiêm túc dựa trên niềm tin tôn giáo” [10]. Theo Chain, phát biểu này mang tính giáo điều, xuất phát từ thói tự phụ của chủ nghĩa duy khoa học (scientism) – chủ nghĩa đề cao khoa học như những chân lý tối thượng, xem thường tôn giáo, coi tôn giáo là một niềm tin mù quáng, vô căn cứ,… Nhưng thực ra chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa duy khoa học là một dạng ấu trĩ của nhận thức. Nó không hiểu rằng khoa học thực ra đầy khiếm khuyết và hạn chế, và do đó con người không thể tự giới hạn thế giới quan của mình trong cái khung đầy khiếm khuyết và hạn chế ấy. Con người cần một đời sống văn hóa và tinh thần rộng lớn hơn khoa học rất nhiều. Đây, hãy nghe Chain nhận định về tính hạn chế của khoa học:

“Các lý thuyết khoa học, bất kể trong lĩnh vực nào, đều phù du sớm nở tối tàn và… có thể bị lật nhào bởi việc khám phá ra một sự thật mới mẻ duy nhất nào đó…Thậm chí điều này đã từng xẩy ra nhiều lần trong những lĩnh vực khoa học chính xác nhất như vật lý, thiên văn, và lại càng đúng trong lĩnh vực sinh học, nơi các khái niệm và lý thuyết được thiết lập kém an toàn hơn rất nhiều so với vật lý và dễ bị lật đổ hơn rất nhiều trong một khoảnh khắc” [11].

Hóa ra Ernst Chain là một nhà khoa học xuất chúng nhưng không tôn sùng khoa học như chúa tể, đúng như Albert Einstein từng lên tiếng khuyên cộng đồng khoa học: “Hãy chú ý đừng coi trí tuệ là chúa tể của chúng ta; tất nhiên nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính” (Take care not to make the intellect our god; it has, of course, powerful muscles, but no personality).

Và thật thú vị để nhắc lại ở đây hai phát biểu trứ danh của Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn: 1/ “Tôi không nghĩ rằng bộ não hình thành theo cách của Darwin” (I don’t think the brain came in the Darwinian manner); 2/ “Chủ nghĩa duy vật là sai lầm” (Materialism is false).

Có nghĩa là: 1/ Học thuyết Darwin là sai lầm; 2/ Chủ nghĩa vô thần là sai lầm.

Và đó cũng chính là tư tưởng của Ernst Chain. Rốt cuộc, ta thấy tư tưởng của Ernst Chain gần với Einstein và Gödel, những vĩ nhân cùng thời với ông. Họ thuộc về số ít trong cộng đồng khoa học thế kỷ 20, nhưng là số ít tinh hoa, đại diện cho khoa học đích thực.

Thay cho kết luận của bài viết hôm nay, xin dẫn nguyên văn kết luận của Tiến sĩ Jerry Bergman trong bài báo của ông, nhan đề “Ernst Chain: Antibiotics Pioneer” (Ernst Chain: Nhà tiên phong về Kháng sinh):

“Công trình của ông (Ernst Chain) là một thành tựu trong lĩnh vực khoa học về kháng sinh, cứu được nhiều triệu người. Chain chỉ là một trong nhiều nhà khoa học hiện đại đã kết luận rằng học thuyết Tân-Darwin không chỉ phá sản về mặt khoa học, mà còn có hại đối với xã hội” (His work founded the field of antibiotics, which has saved the lives of multimillions of persons. Chain is only one of many modern scientists who have concluded that modern neo-Darwinism is not only scientifically bankrupt, but also harmful to society).

 

PVHg, Sydney 12/02/2016

CHÚ THÍCH
[1] “Ernst Chain: Antibiotics Pioneer” của Jerry Bergman, http://www.icr.org/article/ernst-chain-antibiotics-pioneer/ (nguồn: Masters, D. 1946. Miracle Drug, the Inner History of Penicillin. London: Eyre and Spottiswoode, 7)
[2] Wikipedia, Howard Florey https://en.wikipedia.org/wiki/Howard_Florey
[3] Tài liệu trong chú thích [1]
[4] “Nobel Laureate Ernst Chain on Evolution”: http://2012daily.com/?q=node/26
[5] 1 gallon = 4, 54 lít ở Anh hoặc 3, 78 lít ở Mỹ
[6] Để biết rõ hơn các công trình nghiên cứu của Chain, xin đọc ENCYCLOpedia.com / Chain, Ernst Boris: http://www.encyclopedia.com/topic/Ernst_Boris_Chain.aspx
[7] “Piltdown Man: Evolution Greatest Hoax / Người Piltdown: Vụ lừa đảo lớn nhất về tiến hóa”: https://viethungpham.com/2015/09/23/piltdown-man-evolution-greatest-hoax-nguoi-piltdown-vu-lua-dao-lon-nhat-ve-tien-hoa/
[8] Mấy ý kiến của Chain ở đoạn này đều trích từ tài liệu trong chú thích [4]
[9] Tài liệu trong chú thích [1], nguồn dẫn 16.
[10] Tài liệu trong chú thích [1]
[11] Tài liệu trong chú thích [1], nguồn dẫn 15: “Social Responsibility and Scientists” (Trách nhiệm xã hội và nhà khoa học)

Advertisement

2 thoughts on “Nobel Laureate Ernst Chain: On Evolution / Nhà KH đoạt Giải Nobel Ernst Chain nói về thuyết tiến hóa

  1. 1. Bài viết có rất nhiều nhận định hay và chính xác. Đúng là mùa xuân (ở Việt Nam) đã nạp nhiều năng lượng cho Dr. Hưng đang ở một thành phố thuộc Nam Bán Cầu là Sydney (chắc đang chớm vào Thu) (!).

    2. Lịch sử loài người đã chứng kiến hai xu hướng trái ngược nhau đối với việc một phát minh hay một học thuyết khoa học mới ra đời:

    – Xu hướng thứ nhất: được xã hội nhanh chóng công nhận bất chấp tính đúng đắn của nó còn rất đáng ngờ. Điển hình cho xu hướng này là học thuyết tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên của Darwin. Thậm chí xã hội đã phớt lờ ngay cả các cảnh báo “chết người” của chính tác giả của học thuyết. Chỉ với quan sát thông thường dựa chủ yếu trên hình thái học và giải phẫu học mà Darwin đã vội vàng khái quát lên thành một học thuyết tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên thì đó là một sự khái quát hết sức hồ đồ. Cho đến khi các nhà khoa học phát hiện ra DNA và tiến hành những nghiên cứu Sinh – Hóa ở cấp độ phân tử thì người ta mới tá hỏa về những quan sát thô thiển đó. Nhưng ôi thôi, nhiều “nhà khoa học” đã lỡ đi theo và bốc thơm cái học thuyết này rồi, và chắc họ cũng kiếm chác được ít nhiều từ nó. Thôi thì tay đã nhúng chàm, biết làm sao bây giờ. Nhưng hệ quả tai hại nhất của những “học thuyết kiểu Darwin” lại là những tác động xã hội của chúng. Điều này thiết nghĩ không cần phải nhắc lại.

    – Xu hướng thứ hai: Bị xã hội và các nhà khoa học cố tình hay vô ý phớt lờ vì nhiều lý do, chẳng hạn: nó quá chuyên sâu và khó hiểu đối với đa số công chúng, thậm chí đối với nhiều nhà khoa học; hoặc nó đụng chạm tới danh lợi của nhiều người, kể cả các nhà khoa học am hiểu sâu sắc về nó. Điển hình cho xu hướng này là Định lý Bất toàn của Kurt Godel.
    Toán học từ thời cổ đại đã được coi là khoa học Vua Chúa. Rất danh giá nếu bạn được công nhận là một nhà toán học. Các mô hình của Vật lý và các khoa học định lượng khác được xây dựng trên nền tảng của toán học. Nhiều người coi toán học là ngôn ngữ vạn năng của Đức Chúa Trời. Trong khi đó qua Định lý bất toàn, K. Godel muốn gửi đến bạn một thông điệp khó chịu: sức mạnh của Toán học (và do đó của các khoa học có sử dụng toán học) cũng có giới hạn. Chúng ta đã chứng kiến lời thú nhận ĐAU ĐỚN của S. Hawking về sự vừa không nhất quán và vừa không đầy đủ của Vật lý học. Những thông điệp của Định lý Bất toàn đã làm cho nhiều nhà khoa học bực bội, nên tốt nhất là họ phớt lờ nó đi cho yên chuyện. Nếu không phản bác được chân lý của Định lý Bất toàn thì họ ngấm ngầm không phổ biến nó trong cộng đồng rộng rãi của công chúng thậm chí trong cộng đồng nhỏ hẹp của toán học và khoa học.
    Nhưng CHÂN LÝ luôn có sức sống vô biên. Nếu NÓ bị chôn sống, thì sớm muộn NÓ cũng đội đất mà đứng dậy. Trang mạng PVHg’ Home đã có những đóng góp rất to lớn trong việc làm rõ TẦM VÓC CŨNG NHƯ CÁC HỆ QUẢ của Định lý Bất toàn của Godel.
    Nếu bạn không am hiểu lắm về ĐỊNH LÝ BẤT TOÀN thì bạn chỉ nên ghi nhớ một điều tổng quát sau là đủ: Toán học cũng như khoa học tuy có sức mạnh, nhưng sức mạnh đó cũng có giới hạn của nó.

    3. Tôi đánh giá rất cao đóng góp của trang mạng PVHg’ Home đối với các vấn đề về KHOA HỌC và NHÂN VĂN, đặc biệt là các chủ đề đã nêu ở mục 2. Có lẽ đây là trang mạng DUY NHẤT trên thế giới cùng lúc đề cập tới những vấn đề đặc sắc như vậy.

    Thích

  2. Pingback: Nhà toán học lớn nhất thế kỷ 20: “Chủ nghĩa Duy vật là Sai lầm” | Khoa học và Tu luyện

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s