In the Beginning Was Information / Khởi đầu đã có thông tin

z4Gödel’s Theorem taught that it’s impossible to explain the first cause of any system of reason, but Darwinism had ambition of explaining the origin of life. Theory of Information has shown that life is designed by DNA codes, but Darwin knew nothing about DNA. That’s why Darwinism must be failed. In his very interesting book “In the Beginning Was Information”, Werner Gitt will explain more clearly why…
Định lý Bất toàn của Gödel dạy rằng không thể giải thích nguyên nhân đầu tiên của bất kỳ hệ thống lý lẽ nào, nhưng học thuyết Darwin có tham vọng giải thích nguồn gốc sự sống. Lý thuyết thông tin chỉ ra rằng sự sống được thiết kế bởi mã DNA, nhưng Darwin không biết gì về DNA. Vì thế học thuyết Darwin phải thất bại. Trong cuốn sách rất hay của mình, “Khởi đầu đã có thông tin”, Werner Gitt sẽ giải thích rõ hơn vì sao…

CHÚ Ý: Toàn bộ các bài viết về SINH HÓA và Thuyết Tiến hóa trên trang PVHg’s Home (viethungpham.com) đã được sắp xếp đầy đủ theo thứ tự thời gian tại địa chỉ sau đây:

True Biology: Nền Sinh học chân chính

Trong lịch sử khoa học, công thức E = mc2 của Albert Einstein được xem là công thức vĩ đại nhất, vì nó thâu tóm toàn bộ vật chất trong vũ trụ. Nói cách khác, nó thâu tóm toàn bộ những gì tồn tại trong thế giới hiện thực! Ngay cả trong trường hợp giả sử một ngày nào đó trong thế kỷ 21 khoa học khám phá ra vật chất tối (dark matter) và năng lượng tối (dark energy) thì thế giới vẫn nằm gọn trong công thức của Einstein – toàn bộ thế giới vẫn chỉ là vật chất ở dạng khối lượng hoặc năng lượng.

Nhưng LÝ THUYẾT THÔNG TIN đã buộc chúng ta phải thay đổi cách nhìn thế giới!

Dưới ánh sáng của Lý thuyết Thông tin, công thức vĩ đại của Einstein sẽ không còn thâu tóm tất cả những gì tồn tại trong vũ trụ nữa, bởi thế giới hiện thực mà trong đó chúng ta đang sống không chỉ có vật chất, mà còn có THÔNG TIN – một dạng hiện thực phi vật chất, độc lập với vật chất, tồn tại trong vũ trụ đồng thời với vật chất.

In the Beginning (11)Hình bên: Thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống không chỉ có vật chất, mà còn có thông tin – một dạng hiện thực phi vật chất, độc lập với vật chất, tồn tại trong vũ trụ cùng với vật chất.

Đây là một nhận thức mang tính chất cách mạng, một chuyển biến sâu sắc trong thế giới quan, vì lần đầu tiên khoa học thừa nhận sự tồn tại của một hiện thực khách quan phi vật chất.

Có lẽ những ai đã từng trải qua thời kỳ thịnh trị của chủ nghĩa duy vật mới thấy rõ sự thay đổi này có ý nghĩa lớn lao như thế nào. Không dễ gì để có một cuộc cách mạng trong nhận thức như thế nếu chủ nghĩa duy vật vẫn đang tiếp tục thống trị khoa học. Nhưng những khám phá về DNA trong nửa sau thế kỷ 20 đã dần dần buộc nhãn quan khoa học phải thay đổi. Kể từ đó, khái niệm thông tin, một hiện thực tồn tại phi vật chất, chính thức bước vào khoa học, với tư cách bình đẳng với vật chất, thậm chí ngày càng tỏ ra là một khái niệm quan trọng bậc nhất, nếu con người muốn nắm bắt được những sự thật vượt khỏi tầm với của chủ nghĩa duy vật thô thiển.

Không nghi ngờ gì nữa, sự thừa nhận tính hiện thực độc lập của thông tin là dấu hiện cáo chung của thuyết tiến hóa. Chính các nhà khoa học thông tin đã giúp chúng ta thấy rõ điều này. Werner Gitt là một người như thế.

Là giáo sư tiến sĩ về khoa học thông tin, nguyên chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin thuộc Viện Vật lý và Công nghệ Liên bang Đức, và sau đó là Giám đốc Viện, Werner Gitt là một trong số những nhà khoa học thông tin đi tiên phong trong việc ứng dụng lý thuyết thông tin để giải thích sự sống.

Werner Gitt và Định lý cơ bản của Lý thuyết Thông tin

Định lý 28 trong cuốn “Khởi đầu đã có thông tin” của Gitt nói: “Không có một định luật tự nhiên nào được biết, một quá trình nào được biết, và một chuỗi sự kiện nào được biết có thể tạo ra thông tin bắt nguồn từ chính bản thân nó trong vật chất”.

In the Beginning (3)aTại trang 123, ông giải thích rõ hơn: “Sai lầm căn bản của tất cả các quan điểm về tiến hóa là ở vấn đề nguồn gốc của thông tin trong các thực thể sống. Chưa bao giờ thấy một hệ mã hóa và thông tin có ngữ nghĩa nào có thể bắt nguồn từ bản thân nó (thông qua vật chất)… Các định lý thông tin dự đoán rằng điều đó sẽ không bao giờ có thể xẩy ra. Do đó một sự giải thích thuần túy vật chất về nguồn gốc sự sống (mà không có thông tin) là một sự vi phạm các định luật của lý thuyết thông tin” [1]

Nói theo nghĩa đen, với tất cả sự phức tạp và chính xác đến mức đáng kinh ngạc của DNA và vai trò thiết yếu của nó trong việc tạo dựng sự sống, có thể khẳng định rằng không có tiến hóa. Nếu nói rằng DNA không cần có một thiết kế sẵn có từ trước thì cũng tương tự như nói cuốn sách “Nguồn gốc các loài” của Darwin không có tác giả, hoặc không cần có một ngôn ngữ nào được chuẩn bị từ trước để viết cuốn sách đó. Ngôn ngữ và thông tin của cuốn sách phải có trước. Khi cuốn sách được in ra thì đó chỉ là sự biểu lộ của thông tin trên giấy trắng mực đen mà thôi. Điều này rõ ràng và dễ hiểu đến mức nhiều nhà khoa học có uy tín trước đó từng cổ võ mạnh mẽ cho thuyết tiến hóa Darwin cuối cùng đã thay đổi quan điểm, khi họ phải đối mặt với những bằng chứng không thể chối cãi về thông tin của DNA.

Dean Kenyon, một giáo sư sinh học đã lên tiếng tự bác bỏ cuốn sách của chính ông trước đây về thuyết tiến hóa. Ông nói: “Vương quốc mới của di truyền học phân tử là nơi chúng ta nhìn thấy bằng chứng thuyết phục nhất của sự thiết kế trên trái đất” (Lee Strobel trích dẫn trong cuốn “The Case for a Creator”, 2004, trang 221).

Trường hợp gây chấn động dư luận và làm cho các nhà tiến hóa thất vọng nhất là sự “phản bội” của nhà triết học vô thần nổi tiếng Antony Flew, giáo sư Đại học Oxford. Sau một thời gian dài mấy chục năm đóng vai trò nhà biện hộ cho chủ nghĩa vô thần và ủng hộ thuyết tiến hóa, cuối đời ông đã quay ngoắt 180 độ, thừa nhận không thể giải thích được làm thế nào mà DNA đã hình thành và phát triển thông qua tiến hóa, rồi kết luận ắt phải có một nguồn Trí tuệ Siêu Thông minh trong việc sáng tạo ra mã DNA. Trong bài báo “Leading Atheist Now Believes in God” (Nhà vô thần hàng đầu nay tin vào Chúa), Richard Ostling cho biết: Vào tuổi 81, sau nhiều thập kỷ cố thuyết phục sinh viên rằng đức tin (tôn giáo) là một sai lầm, rốt cuộc Antony Flew kết luận ắt phải có một dạng trí tuệ thông minh nào đó hoặc một nguyên nhân đầu tiên nào đó sáng tạo ra vũ trụ. Chỉ có một trí tuệ siêu thông minh mới là lời giải thích đúng đắn cho vấn đề nguồn gốc sự sống và tính phức tạp của tự nhiên…”. Trong cuốn video nhan đề “Has Science Discovered God?” (Phải chăng khoa học đã khám phá ra Chúa?), Flew nói: “Nghiên cứu của các nhà sinh học về DNA cho thấy tính phức tạp không thể tin nổi của những sắp đặt trong DNA nhằm hướng dẫn việc tạo dựng sự sống đã để lộ ra bằng chứng của một trí tuệ siêu thông minh”.

In the Beginning (10)Hình bên: Werner Gitt, GSTS Khoa học Thông tin, nguyên Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin Viện Vật lý và Công nghệ Liên Bang Đức, Giám đốc Viện (trước khi về hưu), tác giả cuốn “In the Beginning Was Information”.

Tóm lại, những khám phá về DNA từ năm 1953 về sau cho thấy thông tin dưới dạng mật mã là tối cần thiết cho sự sống. Nhưng một thông tin được thiết kế phức tạp như thế trong DNA không thể bắt nguồn từ bản thân DNA; nó phải sinh ra từ một Đấng Sáng tạo thông minh.

Quá trình nhân bản của DNA cho thấy thông tin đã được chuyển giao một cách chính xác như thế nào, sai sót được sửa chữa một cách khéo léo kỳ diệu như thế nào. Đó là một PHÉP MẦU – sản phẩm thiết kế tối ưu của hệ mã DNA.

Các nhà tiến hóa không tin vào phép mầu. Họ muốn giải thích nguyên nhân đầu tiên của sự sống, mặc dù sau hơn 150 năm họ không đạt được bất cứ một tiến bộ nào trong tham vọng này. Họ không bén nhạy về trực giác, vì thế họ không hiểu lời nhắn nhủ của Kurt Gödel: “The meaning of the world is the separation of wish and fact” (Ý nghĩa của thế giới là sự phân biệt ước muốn với hiện thực). Họ cũng thiếu kiến thức triết học nên không biết Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness) của Gödel đã chỉ ra rằng bất kỳ hệ thống lý lẽ nào cũng không bao giờ có thể giải thích được nguyên nhân đầu tiên.

Tóm lại, họ dại dột, đúng như Kinh Thánh mô tả: “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng chẳng có Đức Chúa Trời” (Thi thiên 14:1a) [2]

Nếu không phải là dại dột, thì đó là sự nghèo nàn về cảm xúc, không biết kinh ngạc và thán phục trước những hiện tượng mà Albert Einstein gọi là phép mầu: “Có hai cách để sống: bạn có thể sống như chẳng có gì là phép mầu cả; hoặc bạn có thể sống như mọi thứ đều là một phép mầu” (There are two ways to live: you can live as if nothing is a miracle; you can live if everything is a miracle). Bản thân Einstein là một tấm gương sáng chói của những người biết ngạc nhiên và thán phục trước những phép mầu của tự nhiên, và chính vì thế mà ông đã khám phá ra nhiều phép mầu kỳ lạ nhất.

Những người thuộc loại hai trong câu nói của Einstein thường là người có trực giác nhạy bén, giàu cảm xúc, và do đó họ nhận ra rằng bản thân sự sống là một phép mầu. Mã DNA chính là một phép mầu, và có thể là một trong những phép mầu kỳ diệu nhất – một trong những công trình vĩ đại nhất mà Chúa đã làm, như Kinh Thánh đã viết từ xa xưa: “Thật vậy, từ lúc tạo thiên lập địa cho đến bây giờ, các công việc vĩ đại của Thiên Chúa giúp trí khôn loài người nhận ra những đặc tính vô hình nơi Chúa, đó là quyền phép vô biên và thần tính uy linh của Chúa…” (Rô-ma, 1:20) [3]

Toàn bộ lập luận nói trên xuất phát từ nguyên lý cơ bản về tính độc lập của thông tin – thông tin được chứa đựng và chuyển tải bởi vật chất nhưng thông tin không phải là chính cái vật chất chứa đựng và chuyển tải nó. Thông tin chứa đựng trong một quyển sách không phải là bản thân quyển sách. Thông tin chứa đựng trong computer không phải là chiếc computer. Linh hồn trong thể xác chúng ta không phải là thể xác chúng ta. Thông tin trong mệnh đề “In the beginning was information” không phải là tập hợp những chữ cái viết thành mệnh đề đó. Thông tin chứa đựng trong DNA không phải là phân tử DNA,…

Nhưng tất cả sẽ trở thành vô nghĩa nếu Chúa không sáng tạo ra một thực thể có khả năng nhận thức thông tin. Thực thể đó chính là bộ não. Thông tin là một sản phẩm kỳ diệu của công trình sáng tạo, khả năng nhận thức thông tin lại càng kỳ diệu hơn nữa. Einstein nói rất chí lý: “Điều khó hiểu nhất về vũ trụ là ở chỗ nó có thể hiểu được” (The most incomprehensible thing about the universe is that it is comprehensible). Vậy thì điều kỳ diệu nhất trong vũ trụ là khả năng hiểu được nguồn gốc của thông tin, trong đó mã DNA là một dạng thông tin kỳ lạ bậc nhất. Khả năng nhận thức ấy từ đâu mà ra? Từ Đấng Sáng tạo. Werner Gitt giúp chúng ta hiểu rõ điều này hơn khi ông nói:

“Chúng tôi sau đó nghiên cứu một hệ thống mã hóa đặc biệt trong DNA và khám phá ra rằng thông tin phổ quát được chuyển tải trong các gene. Sử dụng bằng chứng DNA và các định luật khoa học chi phối thông tin phổ quát như những tiên đề, chúng tôi có thể phát triển những suy luận logic hợp lý. Điều này dẫn đến kết luận sau đây: Đức Chúa Trời của Kinh Thánh tồn tại và Ngài chịu trách nhiệm tạo ra và cài đặt Thông tin Phổ quát vào sự sống sinh học” [4]

Với nhận thức đó, từ nay trở đi, khoa học không thể giải thích thế giới bằng các tương tác vật chất thuần túy, mà phải dành chỗ cho thông tin xen vào. Sự sống không thể hình thành một cách ngẫu nhiên và may rủi mà không có vai trò hướng dẫn của thông tin. Muốn giải thích được nguồn gốc sự sống, phải giải thích được nguồn gốc của mã DNA, tức là giải thích Nguyên nhân Đầu tiên. Nhưng theo Định lý Gödel, đó là điều BẤT KHẢ (impossible).

In the Beginning (7)Hình bên: Định lý 28 do Werner Gitt nêu lên trong cuốn “In the Beginning was Information” của ông.

Khoa học chỉ có thể giải mã DNA, thay vì giải thích được nguồn gốc của những mã đó. Giống như Einstein có thể khám phá ra công thức E = mc2, thay vì giải thích được nguồn gốc của công thức đó. Nếu hỏi ai đã sáng tạo ra các định luật vật lý, Einstein đã trả lời rõ ràng rằng đó là Chúa / Thượng Đế / Đấng Sáng tạo. Câu hỏi ai sáng tạo ra mã DNA cũng đã được trả lời tương tự: Mã DNA là “Ngôn ngữ của Chúa” (The Language of God). Đó là câu trả lời của Francis Collins. Có nghĩa là mã DNA phải được thiết kế ra trước khi sự sống hình thành, và đó là lý do để Gitt nói: “Khởi đầu đã có thông tin”.

Ngay từ tiêu đề sách, Gitt đã muốn đánh thức mọi người, rằng thông tin là một hòn đá tảng của sự sống, nhưng đáng tiếc là ít người để ý tới điều đó.

Quả thật khoa học đã có mấy ngàn năm tuổi, nhưng phải đợi mãi tới những năm cuối thế kỷ 20 con người mới bắt đầu ý thức được vai trò độc lập của thông tin trong thế giới hiện thực. Và đó là một cột mốc xoay chuyển vĩ đại của nhận thức, giúp cho con người dễ dàng chấp nhận những thực tại phi vật chất, thay vì ngoan cố bảo thủ ôm lấy tư duy duy vật thô thiển. Gitt hiểu rõ điều đó, nên ông chất vấn:

– Đâu là nguồn gốc của những dữ liệu phức tạp hướng dẫn sự sống?

– Làm thế nào để thông tin trong vũ trụ được tổ chức và xử lý?

Trả lời những câu hỏi đó, Gitt chứng minh sự tối cần thiết của thông tin đối với sự sống, và quan trọng hơn, sự tất yếu phải có một Nhà Tổ chức (Organizer), một Nguồn gốc (Originator) của thông tin. Nói cách khác, bằng con đường của khoa học thông tin, Gitt đã tái khẳng định tư tưởng Sáng Thế trong Kinh Thánh, mà ông đã biểu lộ ngay từ tiêu đề cuốn sách: “In the beginning was information”.

Cụm từ “In the beginning…” (Khởi đầu…) là một điệp ngữ đặc trưng của Kinh Thánh, mang đậm chất liệu sử thi, triết lý, được sử dụng khá phổ biến trong nền văn hóa Tây phương, đặc biệt khi tác giả muốn chuyển đến người đọc một thông điệp sâu xa, giầu ngụ ý triết học, nhất là khi đề cập đến những vấn đề thuộc về bản thể luận như Nguyên nhân Đầu tiên (first cause) – nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc sự sống,… Sử dụng điệp ngữ đặc trưng của Kinh Thánh làm tiêu đề cho cuốn sách của mình, Werner Gitt đã ngụ ý rằng từ vài ngàn năm trước, Kinh Thánh đã khẳng định Nguyên nhân Đầu tiên thuộc về Chúa.

Cựu Ước (Old Testament) viết: “In the beginning God created the heaven and the earth” / “Khởi đầu Chúa dựng nên trời và đất”.

Tân Ước (New Testament) viết: “In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God.” / “Khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. (John 1:1, Phúc âm theo thánh Giô-an 1:1)

Một số người có thể không hiểu tại sao chữ “Word” trong tiếng Anh lại được chuyển sang tiếng Việt là “Ngôi Lời”, thay vì là “Lời” (có tài liệu dịch là “Lời”). Nhưng người Thiên Chúa giáo hiểu rõ: Theo đức tin Thiên Chúa giáo, Chúa Jesus là Con Một của Thượng Đế, lời rao giảng của Ngài trong toàn bộ sự nghiệp cứu chuộc là Lời của Thượng Đế. Chữ “Word” ở đây vừa có nghĩa là Lời Chúa, vừa có nghĩa là Chúa Jesus, tức Ngôi Lời.

Khi tôi còn nhỏ, tôi biết “Đức Chúa Lời” là Chúa Jesus (Chúa Con), và “Đức Chúa Trời” là Thượng Đế (Chúa Cha). Nhưng lớn lên tôi mới hiểu rõ lý do của những danh xưng đó. Ngày nay, ta được biết mã DNA cũng là Lời Chúa (Language of God, như Francis Collins nói), vì thế điệp ngữ bất hủ “In the beginning was Word” trong Tân Ước đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để Gitt sáng tạo nên tiêu đề sách rất hay của ông, vừa chính xác về khoa học, vừa sâu sắc về triết học: “In the beginning was information”.

Dường như tất cả những ai yêu khoa học và thấm nhuần Kinh Thánh đều có thể có những suy nghĩ tương tự như Gitt, điển hình là trường hợp của Perry Marshall, một nhà khoa học thông tin nổi tiếng ở Mỹ, tác giả bài báo “Định lý Bất toàn của Gödel, khám phá toán học số 1 trong thế kỷ 20” (đã được giới thiệu trên PVHg’s Home) [5].

Perry Marshall, Đặc trưng của Mã, hiện tượng Nhiễu

Tôi đã có lần viết thư cho Perry Marshall để bày tỏ sự tán thưởng đối với quan điểm của ông về Định lý Bất toàn. Ông đã nhiệt tình hồi âm, và giới thiệu với tôi nhiều bài báo khác của ông. Đó là lý do để tôi có dịp đọc bài báo nhan đề “If You Can Read This, I Can Prove God Exists” (Nếu bạn có thể đọc điều này, tôi có thể chứng minh Chúa tồn tại) [6].

zHHvDcKJHình bên: Perry Marshall, nhà khoa học thông tin, tác giả bài “Định lý Bất toàn của Godel, khám phá toán học số 1 trong thế kỷ 20”, và bài “Nếu bạn có thể đọc điều này, tôi có thể chứng minh Chúa tồn tại”.

Trong bài báo này, sau những thảo luận hùng hồn về ý nghĩa của mã DNA, Marshall cũng kết luận bằng lời mở đầu của Kinh Phúc Âm (theo Thánh Giô-an): “In the beginning was Word”, ngụ ý “Word” cũng chính là Lời Chúa cài đặt trong DNA. Đây, hãy xem Perry Marshall nói gì về thông tin và nguồn gốc sự sống.

● Hoàn toàn tương tự như những dãy số nhị phân chứa 1 và 0 mô tả thế giới hiện thực xung quanh chúng ta, DNA cũng là một hệ thông tin liên lạc bằng số. Tất cả những công thức và định lý của lý thuyết thông tin tạo nên thời đại số hiện nay cũng có thể áp dụng cho hệ mã DNA. Nhiều phương pháp đã trở nên phổ biến trong công nghệ thông tin đều đã được làm cho thích ứng và áp dụng cho những nghiên cứu về gene và Dự án Giả mã Gene Người trong những năm qua.

Bây giờ chúng ta hãy xem xem kiến thức về các hệ thông tin hiện đại nói gì với chúng ta về cuộc tranh luận xung quanh vấn đề nguồn gốc sự sống.

Ngôn ngữ, Thông tin, và Nguồn gốc của DNA

Hầu hết những tranh luận về tiến hóa và thiết kế thông minh bấy lâu nay chỉ cung cấp những bằng chứng lặt vặt vốn không có khả năng thực sự chứng minh bất cứ điều gì. Chúng ta phải có được bằng chứng tốt hơn để đạt tới đáy sâu của vấn đề này! May mắn thay, khoa học thông tin hiện đại đã cung cấp cho chúng ta những công cụ cần thiết để có được câu trả lời. Mặc dù các chi tiết có thể phức tạp, nhưng các khái niệm cơ bản có thể dễ dàng nắm bắt đối với bất cứ ai có một nền giáo dục trung học phổ thông trở lên.

Trước hết cần phải phân biệt hai khái niệm “patterns” (mô hình) và “codes” (mã).

wide-funnel-tornadoHình bên: Một cơn lốc xoáy – một mô hình tự nhiên không cần hướng dẫn bởi một chương trình nào cả (không có mã hướng dẫn trước), đối tượng nghiên cứu của ý thuyết hỗn độn.

“Patterns” là những mô hình xảy ra một cách tự nhiên trong tự nhiên, không cần bất kỳ một sự giúp đỡ nào của bất kỳ một “nhà thiết kế” nào. Thật vây, có nhiều mô hình như thế xảy ra trong tự nhiên, chẳng hạn như tuyết rơi, lốc xoáy, bão, cồn cát, thạch nhũ, sông và sóng biển. Những mô hình này là đối tượng nghiên cứu của các lý thuyết như Lý thuyết Hỗn độn (Theory of Chaos) và Lý thuyết fractals (fractals là những mô hình chia nhỏ dần theo cách lặp đi lặp lại một mẫu ban đầu). Nhưng không cần phải có kiến thức chuyên sâu về những lĩnh vực này chúng ta cũng vẫn có thể có khái niệm về những mô hình tự nhiên như thế, nhờ kinh nghiệm sống hàng ngày.

Trong khi đó, “mã” là một dạng thông tin không thể xẩy ra mà không có nhà thiết kế.

MozartViolinSonataNo23Ví dụ các mã biểu tượng như âm nhạc, bản vẽ thiết kế, ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật,…), các chương trình máy tính, và cả mã DNA nữa. Sự khác biệt chủ yếu giữa một “pattern” (mô hình) với một “code” (mã) là ở chỗ pattern không cần thiết kế, ngược lại mã phải có thiết kế. Hiện tượng hỗn độn có thể tạo ra các mô hình, nhưng nó chưa bao giờ được chứng minh là tạo ra các mã số hoặc biểu tượng. Mã số và biểu tượng lưu trữ thông tin, mà thông tin không phải là một thực thể vật chất và năng lượng. Thông tin bản thân nó là một thực thể riêng biệt, độc lập với vật chất và năng lượng.

Mã DNA được thiết kế bởi một trí tuệ

● DNA không chỉ là một phân tử với một mô hình; nó là một mã, một ngôn ngữ, và một thông tin chứa đựng một cơ chế.

● Mọi mã chúng ta biết đều có nguồn gốc được sáng tạo bởi một trí tuệ có ý thức.

● Do đó mã DNA được thiết kế bởi một trí tuệ siêu ý thức. Ngôn ngữ và thông tin của DNA là bằng chứng của một trí tuệ siêu thông minh.

Sự thật về hươu cao cổ

Thuyết tiến hóa từng tưởng tượng ra trường hợp hươu cao cổ như một thí dụ điển hình của tiến hóa do kết quả của biến dị ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên. Vậy hãy thử vận dụng lý thuyết thông tin để xem xét thí dụ này.

Phải chăng loài linh dương tiến hóa thành hươu cao cổ? Thuyết tiến hóa Darwin nói rằng môi trường, biến dị ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên làm việc phối hợp với nhau làm cho linh dương phát triển cổ ngày càng dài ra để rồi cuối cùng trở thành hươu cao cổ.

Nhưng chúng ta biết rằng chương trình của DNA quyết định sự hình thành của sinh vật. Vậy câu hỏi “biến dị có dẫn tới tiến hóa hay không?” sẽ được quy về câu hỏi “biến dị có làm thay đổi chương trình của DNA hay không?”. Một cách tổng quát: biến dị có làm thay đổi thông tin hay không?

Trong thực tế, chưa từng có ai thực sự chứng minh được rằng biến dị ngẫu nhiên có thể tạo ra thông tin mới. Lý thuyết thông tin chỉ cho chúng ta thấy tại sao: Trong hệ thống thông tin, biến dị ngẫu nhiên hoàn toàn giống như nhiễu, và nhiễu luôn luôn hủy hoại tín hiệu, không bao giờ tăng cường tín hiệu. Hiện tượng này được gọi là entropy thông tin (information entropy), và công thức đối với entropy thông tin giống hệt như entropy trong nhiệt động học. Một khi bị mất, thông tin không bao giờ có thể phục hồi được, giống như một cái cốc bị vỡ không bao giờ có thể chắp lại thành cái cốc ban đầu, nhờ một quá trình tự nhiên. Do đó chúng ta có thể chắc chắn 100% rằng biến dị ngẫu nhiên không thể là lý do dẫn tới đa dạng hóa sinh học. Một công cụ trong lý thuyết thông tin đã được cung cấp trên trang mạng http://www.RandomMutation.com cho phép bạn có thể tự làm thí nghiệm để thấy rằng biến dị ngẫu nhiên luôn luôn hủy hoại thông tin, không bao giờ tăng cường thông tin.

In the Beginning (5)Hình bên: Biến dị ngẫu nhiên giống y như hiện tượng nhiễu trong thông tin. Đó là hiện tượng entropy thông tin, trong đó thông tin bị hủy hoại, không thể khôi phục được. Do đó cũng không thể có biến dị ngẫu nhiên dẫn tới tiến hóa.

Quan sát này cũng đã được xác nhận bằng sinh học bởi hàng loạt thí nghiệm chiếu xạ ruồi dấm do Theodosius Dobzhansky tiến hành, hoặc các thí nghiệm về bướm đêm của Goldschmidt và nhiều thí nghiệm tương tự khác nữa. Vấn đề này đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20, trong đó người ta bắn phá ruồi giấm và bướm đêm bằng các tia bức xạ với hy vọng làm biến đổi DNA và tạo ra những sinh vật tiến hóa cao hơn. Nhưng tất cả những thí nghiệm này đã hoàn toàn thất bại – không hề thấy một sự cải thiện nào – chỉ nhận được những con ruồi giấm yếu ốm, bệnh tật, dị dạng. Giả sử linh dương biến hóa thành hươu cao cổ thì chắc chắn nguyên nhân biến hóa cũng không phải do biến dị ngẫu nhiên. Giả thuyết biến dị ngẫu nhiên dẫn tới tiến hóa đáng bị loại bỏ hoàn toàn vì tính phi khoa học và phi thực tế của nó.

Trong khi đó chúng ta có bằng chứng cho thấy sự sống trên trái đất được thiết kế bởi một trí tuệ thông minh – và rằng nếu cuộc sống có tiến hóa, thì khả năng tiến hóa ắt phải là kết quả của những thiết kế thông minh.

fruit-flyHình bên: Người ta đã làm hàng trăm thí nghiệm bắn phá ruổi dấm bằng tia bức xạ, hy vọng làm thay đổi gene để tạo ra loài mới. Nhưng kết quả cho thấy ruồi dấm vẫn là ruồi dấm, tuy có bị biến dạng. Và không có biến dạng nào cho thấy sự “tiến hóa”, chỉ toàn những biến dạng thoái hóa, bệnh tật.

Thuật ngữ “Evolution” trong tiếng Anh luôn luôn đề cập đến một quá trình trí tuệ thông minh (chẳng hạn tiến hóa trong kinh doanh, tiến hóa trong xã hội, tiến hóa trong công nghệ,…). Trường hợp duy nhất sử dụng thuật ngữ “tiến hóa” bị cáo buộc là SAI, không phản ánh đúng khái niệm tiến hóa, đó là thuyết tiến hóa tự nhiên của Darwin – giả thuyết cho rằng sự tiến hóa của sinh giới là kết quả của những vận động tự nhiên, ngẫu nhiên và may rủi, sao cho thế hệ con cháu tiến hóa hơn thế hệ cha ông tổ tiên của nó. Sự cáo buộc này là chính xác, vì như trên đã nói, lý thuyết thông tin đã chỉ ra rằng biến dị ngẫu nhiên chỉ dẫn đến nhiễu thông tin trong DNA, hủy hoại thông tin, thay vì tăng cường, do đó giả thuyết biến dị ngẫu nhiên dẫn tới tiến hóa không những không có bằng chứng, mà thực ra còn phản lại lý thuyết thông tin, tức là phản khoa học!

In the Beginning (6)Hình bên: “Thuyết Tiến hóa, không có cơ hội”, sách của David Menton, chứng minh rằng xác suất để tiến hóa xẩy ra do biến dị ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên gần như bằng 0 (không thể xẩy ra.

Với những lập luận đó, Perry Marshall đi đến một nhận xét bất ngờ, rằng “có một sự tương ứng thú vị giữa thần học Do Thái – Thiên Chúa giáo với lý thuyết thông tin hiện đại”, đó là tư tưởng cho rằng Lời Chúa (Word), tức Thông tin, mới thực sự là “điều cốt lõi của sự sáng tạo”. Bài báo kết luận: “And God said… In the beginning was the WORD;” (Và Chúa phán… Khởi đầu đã có Ngôi Lời), đó là những lời được nói về sự tồn tại”.

KẾT

Đọc xong bài báo của Perry Marshall, tôi phải dừng lại một lúc lâu để suy ngẫm về sự tương đồng thú vị giữa lý thuyết thông tin và Kinh Thánh, về sự tương đồng tư tưởng giữa Werner Gitt và Perry Marshall, về tiêu đề sách của Werner Gitt, rằng “Khởi đầu đã có thông tin”… Tôi bàng hoàng nhận ra rằng, điều mà trước đây tôi chưa từng biết, đó là THÔNG TIN chứ không phải vật chất, mới là sự khởi đầu thực sự của vũ trụ!

In the Beginning (15)Xin nhắc lại, thông tin, chứ không phải điểm kỳ dị trong Lý thuyết Big Bang, mới là sự khởi đầu của vũ trụ.

Nhưng thông tin là gì? Thông tin từ đâu ra? Câu trả lời duy nhất: Từ Đấng Sáng tạo. Thông tin chính là “ý Chúa » mà Einstein thường nhắc đến, là “Word”, là “Lời”, là “Ngôi Lời”,…

Khám phá này làm tôi lâng lâng hạnh phúc. Tôi phải tự thưởng cho mình một tách café, mặc dù lúc ấy đã muộn rồi, hơn 11 giờ đêm, nhưng tôi không muốn đi ngủ. Tôi muốn « enjoy » cảm giác lâng lâng hạnh phúc đó……………..

 

PVHg, Sydney 09/01/2016

CHÚ THÍCH :
[1] http://lifehopeandtruth.com/god/is-there-a-god/intelligent-design/dna/
[2] Theo video “Đức Chúa Trời kỳ diệu” (God of Wonders), Eternal Production 2008
[3] Kinh Thánh, Tòa Tổng Giám mục Hà-nội, 1985, bản dịch của Đức Hồng y Trịnh Văn Căn, trang 2062.
[4] http://www.azquotes.com/author/29585-Werner_Gitt
[5] đã giới thiệu trên PVHg’s Home ngày 29/08/2014 https://viethungpham.com/2014/08/29/dinh-ly-bat-toan-cua-godel-kham-pha-toan-hoc-so-1-trong-the-ky-20/
[6] http://cosmicfingerprints.com/read-prove-god-exists/

8 thoughts on “In the Beginning Was Information / Khởi đầu đã có thông tin

  1. Hay quá Bác, trời đất luôn ẩn chứa nhiều thông tin thú vị … Con người luôn khao khát tìm kiếm thông tin, tìm kiếm Đấng đã xếp đặt và sáng tạo ra mọi quy luật cách diệu kỳ …

    Thích

  2. 1. Information – c’est l’ordre: Thông tin – đó là trật tự.

    Tôi xin kể chuyện này: Vào những năm 1980 khi mà những chiếc máy vi tính (micro- computer) đầu tiên xuất hiện trên thị trường, trong khi người Mỹ với truyền thống thực dụng đặt luôn tên cho chúng là micro – computer (sau này chỉ còn là computer – xuất phát từ động từ compute nghĩa là “tính toán”), người Việt thì đặt tên là “máy tính” hoặc “máy điện toán”, thì người Pháp với truyền thống văn hóa- nhân văn hơn đã tổ chức một cuộc thi “đặt tên cho chiếc máy tính này”. Kết quả là giải thưởng đã được trao cho một linh mục (chắc thuộc dòng Tin Lành) với cái tên đặt là ORDINATEUR – tức là cái máy tạo ra TRẬT TỰ (ordre) mà (theo ông) Thượng Đế đã trực tiếp trao cho con người nhằm chống lại sự hỗn mang/ hỗn độn. Thực tế những gì diễn ra trong gần nửa thế kỷ qua đã chứng minh ý tưởng thiên tài đó của vị linh mục nọ. Khi đến nước Pháp, bạn nhớ là phải gọi máy tính là ordinateur thay vì computer nhé.

    2. BẢN THIẾT KẾ TỔNG THỂ CỦA ĐẤNG TẠO HÓA phải bao gồm tất cả THÔNG TIN về quá trình hình thành và phát triển của Vũ Trụ và Sự Sống muôn loài đặc biệt trong đó có LOÀI NGƯỜI. Còn vụ nổ lớn với các Pha (Phase) tiến triển khác nhau của Vũ trụ, cùng với đủ các loại vật chất, năng lượng…khác nhau, rồi DNA v.v…chẳng qua là nhằm vật chất hóa để thực thi cái BẢN THIẾT KẾ đó của ĐẤNG TẠO HÓA.

    3. Như vậy có thể nhận thấy ĐẤNG TẠO HÓA sáng tạo ra vũ trụ và sự sống của muôn loài đặc biệt là loài người là CÓ MỘT MỤC ĐÍCH RÕ RÀNG mà chúng ta chưa hiểu được căn kẽ mà thôi. Nhưng dù sao chăng nữa thì đây cũng là một TIN MỪNG vì chắc chắn rằng cuộc sống của con người và sự tồn tại của xã hội loài người là phải có một mục đích và ý nghĩa nào đó.

    4. Tôi cảm thấy Dr. Hưng đang đi đúng hướng.

    Đã thích bởi 1 người

    • Cám ơn anh Thành vì một bình luận sâu sắc. Câu chuyện của anh vô tình gợi lại một kỷ niệm của tôi cách đây khoảng 35 năm. Hồi ấy tôi gặp một ông bạn người Pháp, sang VN để dạy tiếng Pháp tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Trong câu chuyện với ông ta, tôi nhắc đến computer. Ông ta nghiêm mặt nhắc tôi: “Non, ce n’est pas computer, mais ordinateur” (Không, không phải computer, mà là ordinateur), đúng như anh nói trong câu chuyện. Ông ta thậm chí còn giảng cho tôi nghe, “computer c’est un mot anglais, n’est pas francais” (computer là một từ Anh, không Pháp)… Nhưng đến khi ông ta nói, thỉnh thoảng ông ta lại “OK”, “OK”,… thế là tôi lại nhắc ông ta: “Non, ce n’est pas OK, mais d’accord, OK est un mot anglais, n’est pas francais…” (Không, không phải OK, mà là d’accord, OK là một từ Anh, không Pháp)… Ông ta đỏ mặt lên,… Nhưng tôi chỉ đùa cho vui thôi. Sau đó chúng tôi thành bạn. Anh ta có lần còn đi cùng vợ và cùng đôi vợ chồng ông Brigman, giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp, đến nhà tôi chơi ở trên Tây Hồ, cùng đàn hát những ca khúc Pháp. Tôi còn nhớ ông Brigman rất mê guitar.
      Câu chuyện của anh Thành không chỉ nhắc tôi nhớ lại một kỷ niệm, mà còn giảng nghĩa rất hay ý nghĩa của thông tin. Tôi sẽ lấy câu chuyện của anh làm cốt để khởi thảo một chủ đề mới, mà thiết nghĩ cũng khá vui và bổ ích. Đó là cuộc va chạm và bổ sung lẫn nhau giữa hai nền văn hóa lớn: Anh và Pháp. PVHg

      Đã thích bởi 1 người

  3. Kính gửi thầy Hưng !
    Sau khi đọc xong bài viết của thầy tối nay con cũng không ngủ được…trong đầu đang lởn vởn hàng nghìn thứ khó hiểu, rất muốn chia sẻ cùng thầy đôi điều nhưng vốn ngôn từ của con ít ỏi nên thôi..
    Mong thầy ngủ ngon đêm nay.

    Đã thích bởi 1 người

  4. Theo Kinh Thánh thì sự Khôn Ngoan là quyền năng vĩnh cữu,sáng tạo và soi sáng của Đức Chúa Trời. Sự KHÔN NGOAN và NGÔI LỜI là hoàn toàn giống nhau gọi là LOGOS.. Chính sự KHÔN NGOAN và NGÔI LỜI là công cụ của Đức Chúa Trời trong công cuộc sáng tạo trời và đất, luôn luôn đưa ý muốn của Chúa đến với lòng và trí của con người.

    Một điều lưu ý là Cựu Ước viết bằng tiếng Do Thái nhưng Tân Ước lại viết bằng tiếng Hi Lạp, đó là hai bối cảnh hai nền văn hóa khác nhau.
    Câu đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách sáng thế “1 In the beginning, God created the heavens and the earth.- 1 Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.”
    Câu đầu tiên trong Phúc Âm John trong Tân Ước quay trở lại chính bối cảnh sáng thế Ký khi nói về Chúa Jesus chính là “Lời” cũng chính là Thượng Đế.

    “1 In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God – 1 Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. (John 1)”

    Cho nên bất kỳ một ai nói rằng Chúa Jesus chỉ là một người Thầy dạy đạo đức không phải là Thượng Đế, đơn giản là họ chưa hề đọc Kinh Thánh.- Bạn muốn biết Thượng Đế như thế nào hãy nhìn Chúa Jesus

    Trong bối cảnh viết Kinh Thánh Tân Ước, khi đó các ý niệm của Do Thái giáo hoàn toàn xa lạ với người Hi Lạp. Một thí dụ nổi bật, đó là người Hi Lạp chẳng bao giờ nghe nói đến một đâng Messiah, họ hoàn toàn không hiểu gì về đấng Messiah cả. Trong khi đó, Đấng Messiah là căn bản của niềm hi vọng của Người Do Thái.
    Tuy nhiên một điều đặc biệt trên hết rằng, tuy khác nhau như vậy nhưng họ lại có chung một quan niệm về LỜI- WORD- hay còn gọi la LOGOS- Là động lực sáng tạo ra vũ trụ và mọi vật.

    Trong Bối cảnh Do Thái, có tất cả bốn đầu mối đóng góp vào ý niêm về LỜI- LOGOS
    1.Với người Do Thái, lời không chỉ là âm thanh mà còn là một sự hiện hữu độc lập, tích cực, có thể thực sự hành động. Giáo Sư J.Paterson đã nói “ Với người Do Thái, thì lời nói ra, sống động một cách đáng sợ…Nó là một đơn vị năng lượng có năng lực. Nó bay ra như viên đạn tiến tới mục tiêu.” Chính vì lý do ấy, người Do Thái rất cẩn trọng với Lời nói. Tiếng Do Thái không vượt quá 10.000 từ , trong khi tiếng Hi Lạp có đến 200.000 từ.
    Đối với người Đông Phương, lời nói không chỉ là âm thanh mà còn là một năng lực làm việc. Có lần Sir Adam Smith đang du hành trong sa mạc bên Đông Phương, gặp một nhóm người Hồi Giáo, họ chào đoàn người của ông bằng câu chào thông thường “ Bình an cho các ông”. Lúc ấy họ chưa kịp nhìn ra ông là một người Thiên Chúa Giáo. Khi phát giác ra họ vội vàng quay lại để xin thu hồi lời chúc phước ấy. Lời nói cũng như một vật gì đó được sai đi làm việc và có thể bị gọi về. Lời nói có sự sống, độc lập và đầy năng lực.
    2.Cựu ước cũng cho thấy rõ năng lực của lời nói. Y sác bị lừa dối chúc phước cho Gia cốp thay vì Ê sau, ông đã không làm gì được để rút lại lời chúc phước ấy ( sáng thế 7). Lời nói đã đi ra bắt đầu hành động thì không có gì ngăn chặn được nữa. Đặc biệt nhất là chúng ta thấy Lời của Đức Chúa Trời trong công cuộc sáng tạo thế gian. Vào mỗi giai đoạn công tác sáng tạo đó, Kinh Thánh đều chép rằng “ Đức Chúa Trời phán”. Lời của Đức Chúa Trời là quyền năng sáng tạo. Ý niêm đó được lập đi lập lại, sáng tạo, hành động và năng động “ Các từng trời được làm nên bởi Lời của Đức Jehova” ( Thi thiên 33:6), “ Ngài ra lịnh và chữa cho lành” ( Thi thiên 107:20), “ Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau” ( Thi thiên 147:15).
    “ Lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta thì chẳng trở về luống nhưng ( chăng trở về một cách vô ích), mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó (Ê sai 55:11).
    Trong Cựu Ước đâu đâu cũng có ý niệm về Lời quyền phép và sáng tạo đó, cả đến lời của con người cũng có tác dụng sinh động, huống chi là Lời cua Chúa.
    3. Trong đời sống tôn giáo của dân Do Thái, sự phát triển của ý niệm về Lời của Đức Chúa Trời được nhấn mạnh rất nhiều. Hơn một trăm năm trước khi chúa Jesus giáng sinh
    Tiếng Hebrew bị quên lãng. Cựu ước viết bằng tiếng Hebrew nhưng dân Do Thái không còn biết tiếng Hebrew nữa. Các học giả được học biết, nhưng đa số quần chúng thì không, Họ gọi tiếng Hebrew phát triển gọi là tiếng Aram, có thể so sánh Giống như Tiếng Anh hiện đại với tiếng Anh Cổ -Anglo-Saxon vậy. Do đó Kinh Thánh Cựu Ước phải được phiên dịch ra tiếng Aram để quần chúng có thể hiểu được, các bản dịch ấy gọi là Targums. Trong các nhà Hội Do Thái, Kinh Thánh được đọc bằng tiếng Hebrew, nhưng sau đó được dịch sáng tiếng Aram phổ thông, bản Targums được dùng như các bản dịch, được xuất hiện trong giai đoạn mà người ta say mê tính siêu việt của Đức Chúa Trời. Vì thế, những người thực hiện các bản dịch Targums rất sợ phải gán cho Đức Chúa Trời những tư tưởng, cảm xúc, phản ứng và hành động của loài người. Có nghĩa là họ cố gắng tối đa để tránh việc nhân cách hóa Đức Chúa Trời. Mỗi khi cần đề cập, họ tìm đủ cách để tránh gấn cho Đức Chúa Trời các cảm xúc và hành động của con người.
    Tuy nhiên, Cựu Ước lại thường xuyên nói về Đức Chúa Trời theo cách của loài người, do sử dụng ngôn ngữ của con người, bất cứ chỗ nào có việc như vậy xảy ra, thì kinh Tagrums thay thế mấy chữ “ Lời của Đức Chúa Trời” cho tên của Đức Chúa Trời.
    Trong Xuất Ai Cập 19:17 chúng ta đọc thấy “ Môi se bèn biểu dân chúng ra khỏi trại quân nghin tiếp Đức Chúa Trời”. Kinh Targums nghĩ rằng nói thế là nói Đức Chúa Trời theo cách thức “ quá loài người” nên đã dịch lại rằng Môi se bảo dân chúng ra khỏi trại quân để đón “Lời Đức Chúa Trời”
    Trong Ê Sai 48:13 có một bức tranh về công cuộc sáng tạo thế gian: “ Tay ta đã lập nền đất, tay hữu ta giương các từng trời”. Kinh Targums cho rằng một bức tranh như thế có vẻ “ quá loài người” nên họ dịch ra rằng “ Bởi Lời Ta, ta lập nền trái đất, và bởi sức mạnh ta, ta đã treo các từng trời lên”. Kể cả đến các câu kỳ diệu như Phục Truyền 33:27 nói về “ Cánh tay đời đời của Đức Chúa Trời” cũng bị đổi ra “ Đức Chúa Trời đời đời là nơi ẩn náu của ngươi và bởi Lời Ngài mà thế gian được tạo nên”
    Trong Kinh Targums của Giô na than, mấy chữ Lời Đức Chúa Trời xuất hiện không dưới 320 lần. Thật, đây chỉ là một cách diễn dịch, nói vòng quanh danh xưng của Đức Chúa Trời. Các dịch giả chỉ sử dụng cách đó khi muốn tránh gán cho Chúa những tư tưởng, hành động của loài người, thành ngữ “ Lời Đức Chúa Trời” trở thành một hình thức thông thường nhất trong cách diễn tả Do Thái, Đây là một thành ngữ mà bất cứ một người Do Thái nào cũng nhận ra, bởi vì họ rất thường nghe trong các nhà hội, khi Kinh Thánh được đọc. Người Do Thái nào cũng thường nói đến Memra, Lời của Đức Chúa Trời.
    4. Đến đây, chúng ta xem xét kỹ một chút về một vấn đề đặc biệt. Từ Hi Lạp cũng chỉ về LỜI là LOGOS, nhưng Logos không phải chỉ có nghĩa là Lời, mà còn có nghĩa là “Lý Trí”. Hai ý niệm đó hòa quyện vào nhau, bất kỳ khi nào dùng chữ Logos thì luôn luôn mang hai ý nghĩa cùng lúc : Lời Đức Chúa Trời và Lý Trí Đức Chúa Trời.
    Quay trở lại với Kinh Thánh Cựu Ước được việt bằng tiếng Do Thái Cổ Hebrew, còn có một loại văn chương khác, gọi là “văn chương khôn ngoan”. Nền văn học khôn ngoan đó đúc kết sự khôn ngoan thực tiễn trong cuộc sống và cách xử thế. Điển hình là sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh, nhiều đoạn đã gán cho sự Khôn Ngoan một quyền lực kỳ bí, sáng tạo, ban sự sống va trường tồn, sự Khôn Ngoan được nhân cách hóa được xem như là mộ tác nhân, cộng sự viên vĩnh viễn của Đức Chúa Trời, có ba phân đoạn chính về sự khôn ngoan. Đầu tiên là Châm Ngôn 3:13-26, có những điểm đặc biệt

    “Nó (theo bản dịch tiếng Anh, chữ nó ở đây là nhân xưng đại danh từ thuộc nữ giới, dịch là nàng) là cây sự sống cho ai nắm giữ nó. Người nào cầm giữ đều được phước hành. Đức Jehova dùng sự Khôn Ngoan lập nên trái đất, nhờ sự thông sáng mà sắp đặt các từng trời. Do Sự hiểu biết của Ngài, các vực sâu mở ra và mây nhỏ xuống sương móc” ( Châm ngôn 3:18-20)

    Phân đoạn quan trọng thứ hai là Châm ngôn 4:5-13. Chú ý câu “ Hãy nắm chắc điều khuyên dạy, chớ buông ra, khá gìn giữ nó, vì là sự sống của con.” LỜI là sự sống cho loài người, mà sự Khôn Ngoan lý trí cũng là sự sống cho loài người. Bây giờ thì hai ý niệm này nhanh chóng quyện chặt lấy nhau.

    Phân đoạn quan trọng cuối cùng nói về sự khôn ngoan, lý trí đó là Châm ngôn 8:1-9:2.

    “22 Trong buổi Đức Giê-hô-va khởi cuộc tạo hóa, Và thời thái cổ, trước khi chưa dựng nên muôn vật thì Ngài đã có ta.
    23 Ta đã được lập từ trước vô cùng Từ khi nguyên thỉ, trước khi dựng nên trái đất.
    24 Lúc chưa có vực sâu, chưa có nguồn chảy nước nhiều. Thì ta đã sanh ra rồi.
    25 Trước khi núi non chưa lập nên, Và các gò nổng chưa có;
    26 Trước khi Đức Giê-hô-va chưa có dựng nên đất, đồng ruộng, Và tro bụi đầu tiên của thế gian, thì ta đã sanh ra rồi.
    27 Khi Đức Chúa Trời lập các từng trời, Và đặt cái vòng trên mặt vực sâu, thì có ta ở đó.
    28 Khi Ngài làm cho kiên cố các từng mây trên cao, Khiến các nguồn vực sâu vững chắc,
    29 Định bờ cõi cho biển, Để nước không tràn phạm điều răn của Ngài, Và khi Ngài lập nên trái đất,
    30 Thì ta ở bên Ngài làm thợ cái, Hằng ngày ta là sự khoái lạc Ngài, Và thường thường vui vẻ trước mặt Ngài.” ( Châm ngôn 8:22-30)

    Âm vang trong Cựu Ước được nghe thấy trong Tân Ước khi Thánh John nói về Lời là Logos ngay trong đoạn đầu tiên khi đề cập đến Chúa Jesus:

    “1 In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God. He was in the beginning with God. All things were made through him, and without him was not any thing made that was made- Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.” ( John 1)

    Sự không ngoan hiện hữu vĩnh viễn, có chức vụ ban sự sống, có quyền năng sáng thế đồng nhất với Lời, Logos và là Chúa Jesus- Ngôi Lời Trở nên xác thịt là một con người.

    Quay trở lại bối cảnh Hi Lạp, Khi tư tưởng của Kinh Thánh được truyền sang Hi Lạp, thì tuy khác nhau về ý tưởng, ý niệm và văn hoá, nhưng trong tư tưởng Hi Lạp thì ý niệm về Lời cũng có sẵn. Ý niệm đó xuất hiện từ lâu, khoảng năm 560 TC. Một điều khá lạ lùng là nó xuất hiện đầu tiên tại Ê phê sô, là thành phố Hi Lạp nơi sách Phúc Âm John được viết ra.
    Khi đó tại Ê phê sô có một triết gia tên là Heraclitus. Ý niệm căn bản của ông là mọi sự trong thế gian để ở trong trạng thái lưu chuyển biến dịch. Mọi vật đều thay đổi từng ngày, từng khắc. Ông lấy một thí dụ nổi tiếng là người ta không thể nào bước hai lần trên cùng một dòng sông, vì dòng nước đã chảy đi rồi và kế đến là dòng nước khác. Theo Heraclitus thì mọi sự không ở nguyên trạng, nhưng trong một trạng thái thay đổi liên tục như dòng sông vậy. Nhưng nếu như vậy thì tại sao đời sống không là một khung cảnh hoàn toàn xáo trộn, hỗn loạn? Làm thế nào có được bất cứ cảm nhận nào trong một thế giới lưu chảy không ngừng, cứ biến dịch triền miên như vậy?
    Câu trả lời của Heraclitus là “ Cả những lưu xuất, thay đổi đó đều không ngẫu nhiên, nhưng được kiểm soát, điểu khiển theo một khuôn mẫu, và Đấng kiểm soát khuôn mẫu đó là LOGOS, là Lời, là Lý trí của Đức Chúa Trời. Đối với Hecralitus, Logos là Ngôi Lời, là nguyên tăc trật tự bởi đó toàn vũ trụ tồn tại. Nhưng ông còn đi xa hơn nữa, ông cho rằng không chỉ có khuôn mẫu trong thế giới vật lý mà thôi mà còn trong cả thế giới hiện tượng nữa. Ông bảo rằng không có gì chuyển động vô mục đích, trong mọi biến cố của đời sống đều có mục đích, có chương trình, có hoạch định, và Logos điều động mọi hiện tượng này.

    Ông còn đưa vấn đề gần hơn nữa, Điều gì trong mỗi người chúng ta nói cho chúng ta biết sự khác biệt giữa phải và trái, đúng và si? Cái gì làm cho chúng ta có thể suy nghĩ và lý luận? Cái gì làm cho chúng ta chọn đúng và nhìn nhận được chân lý khi thấy nó? Hecralitus cũng cho là Lời. Cái ban cho con người trí khôn và sự hiểu biết về chân lý, cùng khả năng phân biệt phải trái chính là Logos của Thượng Đế ở trong chính Thượng Đế.
    Khi người Hi Lạp khám phá ra ý tưởng này, họ say mê, nhất là những người thuộc phái Khắc Kỷ. Họ luôn ngạc nhiên và thắc mắc về trật tự thế giới. Trật tự luôn luôn hàm ý phải có một trí thông minh nào đó. Người Khắc Kỷ hỏi : “ Cái gì làm cho các ngôi sao treo trên bầu trời? Cái gì làm cho Thủy triều lên xuống? Cái gì làm cho ngày đêm xoay chuyển đều đặn như thế? Cái gì làm cho thời tiết trở lại đúng kỳ như vậy? Và họ trả lời: “ Mọi sự đều được điều khiển bởi Logos của Thượng Đế là năng lực làm cho thế giới có ý nghĩa, có trật tự thay vì hỗn loạn, là năng lực vận hành vũ trụ và giữ vũ trụ vận chuyển theo một trật tự hoàn hảo.” Người Khắc Kỷ nói “ Lời thấm nhập trong muôn vật”

    Như vậy trong văn hóa Hi Lạp, Logos chỉ về hai điều: một là LỜI, hai là lý trí, trí khôn. Trong khi người Do Thái rất quen thuộc với Lời Toàn năng của Đức Chúa Trời “Đức Chúa Trời phán: Phải có sự sáng, thì có sự sáng” (SaSt 1:3). Thì người Hi Lạp lại rất quen thuộc với quan niệm về lý trí. Họ nhìn vào thế giới này thấy một trật tự tráng lệ, huy hoàng và tùy thuộc lẫn nhau, ngày và đêm nối tiếp nhau không sai chạy, năm giữ các mùa nối theo nhau, ngôi sao và hành tinh chuyển động theo các lối đi bất di bất dịch, thiên nhiên có các định luật bất biến của nó. Cái gì tạo ra trật tự đó? Người Hi Lạp trả lời không ngần ngại: Logos của Thượng Đế, ấy là trí khôn của Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm về trật tự huy hoàng của thế giới. Tân Ước đã giới thiệu về Chúa Jesus trong phạm trù đó , Phúc Âm John đã nói với người Hi Lạp “Suốt đời các bạn đã bị cái thần trí vĩ đại hướng dẫn, kiểm soát tất cả của Thượng Đế đó ám ảnh. Thần trí của Thượng Đế đã xuống thế gian trong con người mang tên Jesus. Hãy nhìn xem Ngài, các bạn sẽ thấy rõ thần trí và tư tưởng của Thượng Đế là thể nào!. John đã khám phá được một phạm trù mới, qua đó người Hi Lạp có thể suy nghĩ về Chúa Jesus, Chúa Jesus thể hiện như Đức Chúa Trời hành động trong hình thể con người, “ Ngôi lời đã trở nên xác thịt”- Lý trí của Thượng Đế đã trở nên một con người.
    Người Hi Lạp cũng có quan niệm về hai thế giới. Một thế giới chúng ta đang sống. Đối với chính nó, đây thật là một thế giới kỳ diệu, nhưng đó chỉ là những cái bóng bất toàn, những bản sao chớ không phải là những thực tại hoàn hảo. Thế giới kia mới là thế giới thật, với những thực tại vĩ đại mà so với những thực tại của nó thì những điều thuộc về đất chỉ là những bản sao nghèo nàn, mờ nhạt. Với người Hi Lạp, thế giới vô hình là thế giới thật, thế giới hữu hình chỉ là cái bóng không có thật.
    Chính Plato đã hệ thống hóa các tư tưởng đó trong triết thuyết về hình thể hay ý niệm của khuôn mẫu hoàn toàn của sự vật, còn những vật trên đời này chỉ là những bản sao, những chiếc bóng của những khuôn mẫu vĩnh cửu đó. Nói cách đơn giản, Plato chủ trương rằng ở một nơi nào đó có một khuôn mẫu hoàn toàn về cái bàn, thì tất cả những chiếc bàn ở trên thế gian này chỉ là những bản sao bất toàn, khiếm khuyết, ở đâu đó có một mẫu mực hoàn toàn về sự thiện, sự mỹ thì tất cả những cái thiện mỹ ở trên đời này chỉ là những bản sao bất toàn, thiếu sót. Thực tại vĩ đại, ý niệm tối cao, khuôn mẫu cho mọi mẫu mực, hình thể cho mọi hữu thể chính là Thượng Đế. Vấn đề quan trọng bây giờ là làm sao để vượt thoát những chiếc bóng của chúng ta để bước vào chân lý vĩnh cửu.
    Câu trả lời trong Phúc Âm John là Chúa Jesus giúp chúng ta làm được việc đó, Chúa Jesus là thực tại đến thế gian. Từ ngữ Hi Lạp chỉ “thực” là alethinos, nó liên hệ mật thiết với từ alethes có nghĩa là thật, là đúng, và aletheia có nghĩa là sự thật, chân lý. Chúa Jesus là ánh sáng thật (Giop G 1:9), Ngài là bánh thật (6:32), Chúa Jesus là gốc nho thật (15:1), sự xét đoán của Chúa Jesus là thật (8:16), chí một mình Chúa Jesus là thực tại trong thế giới của những chiếc bóng và những bất toàn của chúng ta.

    Lần lần cả người Do Thái và người Hi Lạp đều theo cách thế riêng của họ để suy nghĩ về ý niệm Logos, Ngôi Lời của Thượng Đế đã tạo ra thế gian này và ban cho nó một ý nghĩa. Kinh Thánh cho biết rằng phần tâm trí sáng tạo, soi sáng, kiểm soát, hoạch định và nâng đỡ mọi sự đó đã đến thế gian, trong Chúa Jesus, bây giơ con người không cần mò mẫm nữa, tất cả những gì chúng ta phải làm là , hãy nhìn xem chúa Jesus thì sẽ thấy Thần Trí của Thượng Đế. LOGOS là LỜI và cũng là LÝ TRÍ.

    Đã thích bởi 1 người

  5. Càng nghĩ sâu tôi càng đau đầu, tôi cảm thấy ám ảnh về thực tại của vũ trụ. Giá như chưa từng tò mò tìm hiểu về khoa học có lẽ sẽ thoải mái hơn rất nhiều.

    Tôi có mới biết một câu chuyện, có một nhân vật tên deadpool trong bộ truyện của vũ trụ Marvel, nhân vật này có khả năng đặc biệt nhất trong tất cả các nhân vật trong truyện đó là khả năng hắn tự nhận thức được mình chỉ là một nhân vật trong truyện tranh thậm chí có tập còn bay ra đánh cả tác giả. Chợt nghĩ lại chính bản thân con người chúng ta, thật ra chúng ta là cái gì, có thể chỉ là hình thức giải trí ở đâu đó ngoài kia chăng…

    Thích

  6. 1. Hệ thống ngôn ngữ, tư duy logic…của con người vừa không nhất quán, vừa không đầy đủ. Hệ thống này không đủ sức giúp con người đạt tới chân lý tối hậu về vũ trụ và về chính bản thân con người. Đây chính là một trong vô số hệ quả của Định lí bất toàn của Kurt Godel. Do đó chúng ta phải bằng lòng với vùng hiểu biết hạn hẹp của con người. Chúng ta mãi mãi là những người “khiếm thị” sờ voi mà thôi.

    2. Nhưng có lẽ đấy lại là điều may mắn. Bạn sẽ là Ngưới hạnh phúc nếu biết tận hưởng những “phép màu” hiện đang có trong bạn và xung quanh bạn, tin yêu và phấn đấu cho một cuộc sống tốt hơn và phải biết những giới hạn cho những tham vọng của chính mình.

    Đã thích bởi 3 người

  7. Bac Hung co the viet 1 bai bao noi ve co che hoat dong cua ADN cho doc gia de hieu va cam nhan Thiet Ke thong minh khong ah.
    Thuc su chau doc ve su giai thich ve thuyet tuong doi hep va rong cua bac thay rat de hieu nen chau nghi bac co kha nang truyen dat cao.
    Chau cung xin gioi thieu bac trang web muoichodoi.info noi ve Long Chua thuong xot,co cac bao giang cua Cha Tran Dinh Long.Co le bac cung biet nhung chau cu gioi thieu vay
    Moi luc dau kho,buon rau va thanh cong trong cuoc song chau deu nghi den Long chua thuong xot ma cam ta cung nhu cau nguyen.

    Thích

Bình luận về bài viết này