SỰ HẠN CHẾ CỦA KHOA HỌC

(Ý kiến của La Thiếu Bình trao đổi với Phạm Việt Hưng nhân đọc bài “Mr Why & Định Lý Bất Toàn” trên Vietsciences)

Khoa học giúp con người hiểu biết về thế giới, nó rất hữu hiệu về mặt kỹ thuật, giúp chế tạo phương tiện sản xuất, phương tiện đi lại nhanh chóng, hiệu quả hơn, giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người, giúp con người liên lạc viễn thông một cách thần kỳ, không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên khoa học không phải là vạn năng, nó vẫn có những chỗ hạn chế không thể giải quyết được, bài này chủ yếu nghiên cứu về mặt hạn chế này.

Việc hạn chế thứ nhất là khoa học không thể giúp con người sống hòa bình thân thiện hơn trên thế giới. Tại sao ? Bởi vì khoa học dựa trên một cơ sở sai lầm về nhận thức cơ bản, khoa học vẫn cho rằng thế giới ngoại cảnh là có thật, con người là có thật, mỗi người có cái ta (bản ngã) và nhiều thứ khác thuộc về ta (sở hữu của ta gọi tắt là ngã sở). Có những cái thuộc lãnh vực vật chất như giang sơn lãnh thổ, lãnh hải. Có những cái thuộc lãnh vực tinh thần như lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Những cái ngã sở đó là đầu mối tranh chấp, xung đột như : tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, xung khắc về văn hóa, tôn giáo, xung đột về quyền lợi, từ đó dẫn tới chiến tranh.

Những tranh chấp về lãnh thổ không thể giải quyết một cách hòa bình được, vì ai cũng cho lãnh thổ là thiêng liêng, quyết không thể nhượng bộ, nên cuối cùng chỉ có thể giải quyết bằng vũ lực.

Những xung khắc về niềm tin tôn giáo cũng rất dễ dẫn tới chiến tranh, ví dụ trong lịch sử đã có ít nhất 7 lần người Công giáo La Mã tổ chức Thập tự chinh (Crusade) chống lại người Hồi giáo. Ngay trong nội bộ Ki Tô giáo, người Thiên Chúa giáo cũng có chiến tranh với người theo Tân giáo hay còn gọi là Tin Lành (Protestantism – Evangelicalism). Xung đột giữa người theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo cũng rất trầm trọng. Người Hồi giáo đã tấn công tiêu diệt Phật giáo trong thế kỷ 12, 13 khiến Phật giáo bị diệt vong ngay tại quê hương của nó là Ấn Độ.

Trong những cuộc chiến tranh, xung đột như thế, khoa học bất lực không thể giúp được gì, nếu không muốn nói khoa học lại càng làm cho chiến tranh tàn khốc hơn với vũ khí ngày càng tối tân, vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Việc hạn chế thứ hai là khoa học chỉ có thể giúp sản xuất nhiều hơn, cuộc sống tiện nghi hơn nhưng không chắc là giúp con người hạnh phúc hơn. Tại sao ? Bởi vì con người chấp ngã và ngã sở. Sản phẩm tuy nhiều nhưng không thể phân phối cho tất cả mọi người được hưởng. Thế giới vẫn có hàng tỉ người sống dưới mức nghèo khổ. Ngay cả những người có đầy đủ vật chất nhưng tâm lý vẫn bất an, đầy lo âu sợ hãi vì tranh giành quyền lực, tìm cách ám hại lẫn nhau. Có những nhà nước tham quyền cố vị, mặc dù quản lý xã hội tồi tệ, vô cùng yếu kém nhưng vẫn giành bằng sức mạnh của bộ máy công an, quân đội, không để cho người tài nắm quyền. Dân chúng phải sống cơ cực, lầm than, đói kém. Chẳng hạn Bắc Triều Tiên, Myanmar, một số nước Châu Phi như Somali, Zimbabwe.

Việc hạn chế thứ ba là khoa học dù cho có tiến bộ, vẫn không thể giải quyết được những nỗi khổ cơ bản trong đời sống con người, đó là sinh, lão, bệnh, tử. Con người hay nói tổng quát hơn là chúng sinh khi chết đi lại tái sinh trong một kiếp sống khác, sinh ra, già đi, bệnh hoạn cả tinh thần và thể chất, rồi cuối cùng chết đi, đó là vòng tròn luân hồi khép kín mà khoa học không thể nào phá vỡ được.

Tóm lại khoa học dù có những tiến bộ ngoạn mục, thần kỳ, tưởng có thể cướp quyền tạo hóa, nhưng thật ra vẫn không thể giải quyết  nhiều vấn đề rất cơ bản của con người, lý do là chấp pháp (cho rằng thế giới là có thật) và chấp ngã (cho rằng ta có thật) và suốt đời con người chạy theo danh vọng, tiền tài, tính dục, rồi đến tổ quốc, dân tộc, văn hóa, tôn giáo. Đạo Phật thấy rằng cuộc sống như vậy rất mê muội, nhưng con người không hề biết mình mê muội, tưởng đâu mình có lý trí, có học thức, có thể làm chủ được số phận của mình. Thử hỏi có mấy người biết được ngày tháng năm nào mình sẽ chết, sau khi chết sẽ đi về đâu ? Sẽ đầu thai làm heo, gà, cá, tôm để trả nghiệp mình đã vay trong đời theo luật nhân quả hay phải xuống địa ngục để đền tội do mình đã gây. Một lãnh tụ chính trị gây ra cuộc chiến tranh làm chết hàng triệu người thì sẽ phải ở trong địa ngục bao lâu để trả nợ ?

Chính vì khoa học vẫn còn nhiều sai lầm hạn chế nên mới còn chỗ để các tông giáo hoạt động. Chẳng hạn Bát nhã tâm kinh nói “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc” Đây là một nhận thức rất cao siêu mà khoa học hiện tại chưa vươn tới. Ý câu kinh nói vật chất và hư không không khác nhau, cả hai chỉ là một. Đây đích thực là nhất nguyên luận. Nhận thức rằng vật chất và tinh thần là một, thế giới chỉ là biến hiện của tâm thức chứ không phải có thật. Pháp không thật, Ngã cũng không thật. Vì vậy ngài Hộ Pháp (Dharmapàla), xuất phát từ ý nghĩa của bộ kinh Duy thức tam thập  tụng (zh. 唯識三十頌, sa. triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā) của Bồ Tát Thế Thân (世親 Vasubandhu), đã viết bộ Thành duy thức luận mà ngài Huyền Trang đã dịch ra Hán văn trong đó có câu tổng kết  “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”

Từ nhận thức của Duy thức học, nếu ta nghiên cứu kỹ lại cơ cấu của nguyên tử vật chất thì thấy nguyên tử cũng chỉ là sự kết hợp nhân duyên của hạt quark để thành proton và neutron trong hạt nhân, có các electron xoay chung quanh, nguyên tử cũng chỉ là biến hiện của tâm thức. Ngày nay với việc phát minh ra máy vi tính, ta càng hiểu rõ và chắc chắn hơn sự kết hợp nhân duyên từ không tới có. Một người giỏi vi tính với đầy đủ software thì có khả năng làm được rất nhiều thứ trên màn hình, kể cả việc liên lạc tức thời, thấy hình ảnh và nghe tiếng nói của  những người ở cách xa hàng vạn dặm.

Những việc trên chứng tỏ sự đúng đắn của nhận thức siêu khoa học “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.

3 thoughts on “SỰ HẠN CHẾ CỦA KHOA HỌC

  1. Quan điểm trên rất phổ biến của đại đa số những người theo đạo Phật nhìn nhận về khoa học. Nói tóm lại, khoa học là công cụ, và cái hạn chế của công cụ là nó chỉ là công cụ. Đương nhiên theo quan điểm nó chỉ là công cụ thì người ta cần phải đưa vào đó một sự nhìn nhận có ý thức, có đạo đức để sử dụng công cụ đó sao cho hợp lý đối với người này, nhưng xét ra thì cũng bất hợp lý, hay không phù hợp với những người kia. Người này sử dụng nó đòi hỏi cần phải có hòa bình, nhưng một tập hợp người khác lại sử dụng nó đòi hỏi phải có chiến tranh, phải có khai thác. Vậy vấn đề là ai đúng hơn ai? Trong cuộc sống xã hội hàng nghìn năm đều cho thấy, ai đúng hơn ai điều đó không quan trọng, và cũng không tài nào xác định được. Cái quan trọng là ai mạnh hơn ai, và ai nhiều quyền lực hơn ai, ai đại biểu cho sự phát triển tiến lên của xã hội trong giai đoạn cụ thể đó. Điều đó mới thực sự quan trọng vì thực ra toàn bộ các diễn trình lịch sự đều đã diễn ra như vậy, trừ khi người ta muốn bóp méo nó đi. Người ta chỉ có thể nói có những tập đoàn người sử dụng công cụ theo cách này, có những tập đoàn người lại muốn và đòi sử dụng công cụ theo cách kia. Vậy thì ai sẽ là quan tòa đứng ra phân giải ai đúng ai sai?

    Toàn bộ quan điểm trên chỉ chung quy lại là khoa học bản thân nó không thể quyết định được người ta sẽ hành xử với nhau theo cách nào. Và do đó người ta bắt buộc phải chuyển vào lãnh vực đạo đức để quy định cách sử dụng nó. Nhưng khi mà xem xét vấn đề một cách cô lập, tách rời như vậy thì không ai có thể nhìn nhận ra được điều gì thực sự có ích cho xã hội cả, họ sẽ chỉ nhìn thấy ở khoa học một sự thiếu hụt về việc quyết định ý thức, nhưng họ cũng lại chỉ nhìn thấy trong đạo đức một loạt các ý muốn trái chiều mà không ai có ý nghĩa hơn ai cả. Đương nhiên nói về cái chung thì sẽ dễ nhận dc sự đồng cảm hơn, nghe sẽ lọt tai nhiều người hơn. Không được giết người, cướp của, vô cớ đánh người, mọi người chung sống nhau hòa thuận, vui vẻ là không khí người ta mong có được. Nhưng mong muốn là một chuyện, không thể xuất phát từ cái mong muốn đó mà lần tìm cách giải quyết vấn đề dc. người ta có thể bám vào lợi ích của một số đông hay của chính bản thân con người đó như bám vào một chân lý, và dựa vào chân lý hư ảo đó để lên tiếng tuyên bố bên này là hùm rắn, bên kia là thiên thần. Tuy nhiên, vẫn đề cũng vẫn còn đó. Về lĩnh vực đạo đức, nếu người ta nghiên cứu nó một cách khoa học, tức là chính bản thân cái khoa học về đạo đức của con người, thì người ta sẽ phải thấy rằng trong thời kỳ này thì có những quy định này là phù hợp với cộng đồng, nhưng sau đó thì ngay lập tức lại trở thành phản đạo đức, là bôi nhọ, là nhơ bẩn. Các nhà nhân loại học đã nhiều lần chỉ ra cho chúng ta thấy ngày nay rằng vào thời xa xưa, quan niệm tính giao hỗn tạp cũng không gây ra một sự ghê tởm nào, nhưng vào thời phong kiến thì đó lại là một tội tày đình. Tuy nhiên ngày nay thì người ta cũng không thấy ghê tởm gì điều đó cho lắm. Có ai dám nói rằng chỉ vì bạn gái tôi đã quan hệ với người khác trước khi quen tôi nên tôi sẽ không lấy cô ta? Tất nhiên cũng vẫn có những người đó, nhưng vấn đề là sự biến chuyển và số lượng, những người đó nếu còn khư khư quan niệm đó thì dần họ cũng không lấy được ai cả. Trong xã hội ngày nay càng ngày người ta càng thấy người ta tuyên truyền quan hệ nên sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, chứ không phải là nâm nữ chưa cưới thì không được gần nhau, trong khi những vấn đề này vào thời phong kiến lại đem lại sự ruồng bỏ của họ hàng, xóm làng, sự bêu rếu thảm hại, nhục nhã… Hãy cố gắng giải thích những điều đó nội trong lĩnh vực đạo đức thử đi, hay người ta sẽ lại phải thấy một định lý bất toàn nữa trong lĩnh vực đạo đức. Và chắc chắn người ta sẽ gặp định lý bất toàn này, vì thực ra đạo đức không phải là cái cội rễ quyết định sự phát triển của con người, hay xã hội loài người, bản thân nó cũng chỉ là một cái phái sinh mà thôi.

    Tổng quát mà nói, khoa học là một danh từ chung chỉ phương lối nhận thức của con người về mỗi mảng trong muôn mặt đời sống con người và tự nhiên. Nó là phương lối con người sử dụng để khám phá tự nhiên, và ngay cả cái khoa nghiên cứu về chính những quan hệ lợi ích của con người đã tồn tại trong xã hội từ xưa cho đến nay cũng là một khoa học.

    Có điều chính ngay những người theo đạo phật cũng phải nhìn nhận thấy một điều, cái sâu xa và thực tế nhất quyết định con người, hay tập đoàn người tuân theo một tôn chỉ nào đó, chính là lợi ích chứ không phải sự khôn ngoan hay ngu xuẩn. Coi rằng do anh ta là người thiếu hiểu biết nên không nhận chân được giá trị sâu thẳm trong vũ trụ, do đó mà bị cuốn vào những tranh chấp thường ngày trong xã hội, vậy cái chân lý sâu thẳm đó là cái gì, và nó có thể giúp 8 tỷ người trên trái đất sống mà không cần ăn hay không? Tôi dự tính mất 50 năm để ngẫm nghĩ về ngày tháng năm tôi chết, sau đó tôi cũng nghĩ luôn chết đi tôi sẽ như thế nào, tôi cũng nghĩ luôn việc tôi phải xây dựng cái nhà trên cõi linh thiêng của tôi ra sao. Nhưng kế hoạch của tôi bị thất bại vì tôi mới chỉ giành được có 05 ngày để nghĩ về điều đó rồi cũng chết vì đói rồi.

    Thích

    • Gửi anh Ngô Minh Tuấn!

      Tôi có đôi lời muốn góp ý với anh. Tôi không phải là một Phật tử theo nghĩa thông thường nhưng tôi đánh giá rất cao Triết học Phật giáo (THPG). Ở đây có sự nhầm lẫn khi anh có ý cho rằng Lý thuyết Phật giáo chỉ bao hàm nội dung về đạo đức điều đó hoàn toàn không đúng.

      Thực ra Đạo đức chỉ là một nội dung rất nhỏ trong THPG, THPG nêu lên các vấn đề về Vũ trũ và các năng lực của con người thậm chí còn thảo luận rất kỹ về Logic học như :

      http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-76_4-3656_5-50_6-1_17-24_14-1_15-1/

      Ngay cả Đinh luật bất toàn của Kurt Godel cũng đã được nêu trong THPG hơn 2000 năm trước tuy ngôn ngữ khác nhau , trong bài trả lời cho bài Đinh luật bất toàn (7): Thực chất toán học là gi?, tôi đã nêu chuyện này.
      Cũng không phải ngẫu nhiên mà Albert Einstein coi Phật giáo là tôn giáo duy nhất tương thích với khoa học.

      T/b : Lưu ý các khái niệm: chấp pháp, chấp ngã, hư không, vô ngã… không thuộc phạm trù Đạo đức nó thuộc phạm trù Vũ trụ và nhận thức con người.

      Thích

  2. Bài viết hay.Khoa học là công cụ để chúng ta nhận thức về mối quan hệ của con người với tự nhiên,vũ trụ để mà hài hòa với nó.Đó mới là khoa học chân chính.Tuy vậy,khoa học không phải là chân lý .Nhưng ngày nay chúng ta dù cố ý hay vô tình đã xem rằng khoa học là chân lý.Và đã biến khoa học thành một công cụ để phục vụ cho các dục vọng của con người.Với sự phát triển như vũ bão của khoa học thì quyền lực của nó ngày càng tăng lên và tự cho rằng nó có quyền phán xét mọi thứ.Nghĩ vậy là sai lầm.Bởi vì khoa học có giới hạn hay chỉ là một công cụ.Nhưng có mấy nhà khoa học hiện nay nhận ra điều này?

    Thích

Bình luận về bài viết này