Gödel Destroyed Logical Positivism / Gödel vô hiệu hóa chủ nghĩa logic thực chứng

On the occasion of the Lunar New Year, I would like to bring to the readers a TẾT’s gift: a short story about how Gödel destroyed the logic-positivism, published on MMN (Mind Matters News) on March 7, 2021. Hopefully this story refreshes your mind…

Nhân dịp Tết Nhâm Dần, xin gửi đến quý độc giả một món quà TẾT: một câu chuyện ngắn về việc Gödel đã vô hiệu hóa chủ nghĩa logic thực chứng ra sao, đăng trên trang MMN (Mind Matters News) ngày 07/03/2021. Hy vọng câu chuyện này sẽ làm cho bạn thấy sảng khoái …

Nguyên văn tiêu đề bài báo trên MMN là:

Kurt Gödel đã vô hiệu hóa một dạng thức phổ biến của chủ nghĩa vô thần ra sao?” (How Kurt Gödel destroyed a popular form of atheism)[1]

Dạng thức phổ biến ấy là chủ nghĩa logic thực chứng (logical positivism), một quan điểm triết học đã trở thành nền tảng lý luận của chủ nghĩa vô thần, được sử dụng một cách phổ biến trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, nhằm bác bỏ mọi lý thuyết siêu hình – những lý thuyết không thể chứng minh được bằng thực nghiệm.

Nếu dịch sát từng chữ tên gọi của chủ nghĩa đó thì phải gọi đó là Chủ nghĩa Thực chứng Logic, nhưng tôi đảo chữ một chút cho xuôi tai hơn: Chủ nghĩa logic thực chứng. Chủ nghĩa này cho rằng mọi sự thật chỉ đáng tin cậy nếu nó có thể chứng minh được bằng thực nghiệm một cách logic, rõ ràng và thuyết phục.

Nói cách khác, chỉ những lý thuyết có thể chứng minh được bằng logic thực chứng thì mới xứng đáng được coi là khoa học. Nếu không, lý thuyết ấy chỉ là huyền học, vô giá trị và không đáng tin cậy. Thí dụ, đối với chủ nghĩa logic thực chứng, Chúa là một khái niệm không đáng tin cậy, vì khái niệm ấy không thể thực chứng một cách logic. Xem ra đòi hỏi của chủ nghĩa logic thực chứng có vẻ hợp lý, như một điều kiện thiết yếu của khoa học!

Nhưng …

Định lý Bất toàn của Gödel ra đời năm 1931 đã giáng một đòn chết người lên chủ nghĩa này– Định lý Gödel đã làm mất hiệu lực của nó!

Đó là nội dung chủ yếu của bài báo ngắn trên trang MMN ngày 07/03/2021. Sau đây là lược thuật nội dung chính của bài báo, với tiêu đề thay đổi một chút cho rõ ràng dễ hiểu hơn:

Kurt Gödel đã vô hiệu hóa chủ nghĩa logic thực chứng ra sao?

Hiện nay chúng ta ít nghe thấy ai nhắc đến chủ nghĩa logic thực chứng (logical positivism), nhưng những ai nắm vững lịch sử triết học thế kỷ 20 thì biết rằng đó là một chủ nghĩa đã từng rất thịnh hành vào đầu thế kỷ 20, như một nền tảng logic của chủ nghĩa vô thần (atheism).

Tại sao một chủ nghĩa đã từng thịnh hành để rồi lại biến mất như vậy?

Câu trả lời là: Chủ nghĩa này đã bị Định lý Bất toàn của Gödel, công bố năm 1931, làm cho mất hiệu lực.

Trong một băng ghi âm của trang mạng MMN (Mind Matters News) ngày 07/03/2021, nhan đề “Cuộc phỏng vấn Chaitin I: Chaitin trò chuyện với Kurt Gödel”, Giám đốc Trung tâm MMN là Walter Bradley Robert J. Marks đã phỏng vấn nhà toán học và nhà khoa học máy tính Gregory Chaitin, một trong những người được coi là hiểu rõ Định lý Gödel nhất trên thế giới hiện nay.

Trước đây, thính giả của MMN đã được nghe Chaitin bình luận về những nhận thức gần như siêu tự nhiên của các nhà toán học vĩ đại khi họ suy nghĩ về nền tảng hiện thực trong toán học mô tả vũ trụ. Sau đó mọi người đã được nghe Chaitin hồi tưởng về việc ông ấy (gần như) đã gặp thiên tài lập dị Kurt Gödel như thế nào.

Theo Chaitin, có một đặc điểm làm cho Gödel khác hẳn với nhiều người cùng thời, đó là việc ông tin vào Chúa. Thậm chí ông còn có một chứng minh toán học về sự hiện hữu của Chúa.

Robert J. Marks cho biết một trong những điều Gödel đã làm mà không được công bố cho đến sau khi ông qua đời là chứng minh toán học của ông về sự hiện hữu của Chúa, dựa trên lập luận của Anselm. Đó là một công trình logic toán mang tính chất bản thể luận (bàn về nguồn gốc của vũ trụ) [Độc giả nào muốn tìm hiểu vấn đề này, xin đọc bài: “Gödel’s Proof of God’s Existence / Gödel chứng minh sự hiện hữu của Chúa[2], trên PVHg’s Home ngày 17/09/2014].

Kurt Gödel (1906–1978), sinh ra và trưởng thành trong Đế quốc Áo – Hung, không thể thích nghi được với niềm tin của chủ nghĩa vô thần đang thịnh hành vào thời của ông – niềm tin cho rằng không có bất cứ cái gì nằm ngoài tự nhiên hoặc siêu tự nhiên. Mặc dù tài giỏi xuất chúng, Gödel không bao giờ cảm thấy mình phù hợp với “Nhóm Vienna” (Vienna Circle), một tập hợp các nhà khoa học giỏi nhất của Áo trong những năm 1920-1930, vì niềm tin hữu thần của ông xung đột với những ý tưởng phổ biến của chủ nghĩa logic thực chứng – một nhận thức cho rằng tri thức duy nhất có giá trị khoa học là những tri thức có thể thực chứng, tức là có thể chứng minh được bằng thực nghiệm.

Nhưng …

Năm 1931, Gödel công bố Định lý Bất toàn, chỉ ra rằng chủ nghĩa logic thực chứng không thể giải thích được mọi sự thật trong tự nhiên. Theo Bách khoa toàn thư triết học Stanford, Định lý Bất toàn của Gödel là một trong những kết quả quan trọng nhất của khoa logic hiện đại. Định lý này chỉ ra rằng “chúng ta không thể nghĩ ra một tập hợp các tiên đề khép kín mà từ đó có thể suy ra tất cả các sự kiện của thế giới bên ngoài”.

Đây là một đòn chết người giáng xuống chủ nghĩa logic thực chứng. Tại sao?

Vì bất kỳ một hệ logic nào cũng phải dựa trên một hệ tiên đề. Nếu không có một hệ tiên đề hoàn hảo để chứng minh hoặc giải thích mọi sự thật thì có nghĩa là tồn tại những sự thật không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ. Thí dụ: Thượng Đế là một khái niệm nằm ngoài và nằm trên logic. Bạn không thể dùng logic để bác bỏ Thượng Đế.

Bản thân Gödel tuyên bố: “Không thể giải thích mọi thứ được” (To explain everything is impossible!”. Có nghĩa là có những sự thật chỉ có thể tin hoặc không tin, tùy theo trực giác của mỗi người. Nói cách khác, khoa học và lý luận logic không đủ thẩm quyền để phán xét mọi chân lý. Vĩnh viễn con người vẫn phải sử dụng đến trực giác và niềm tin trong khi tiếp cận với sự thật.

Chủ nghĩa logic thực chứng đã không bao giờ thực sự phục hồi được sau cú đánh mà Gödel đã giáng xuống. Từ đó các nhà triết học theo chủ nghĩa vô thần không muốn nhắc đến chủ nghĩa logic thực chứng nữa, mà phải tìm một chỗ dựa triết học khác. Đó là lý do ngày nay không ai nhắc đến chủ nghĩa logic thực chứng.

Gregory Chaitin nói:

“Gödel chắc chắn là một người theo chủ nghĩa hữu thần. Có một câu chuyện thú vị về điều đó, mà Rebecca Goldstein đã kể lại trong cuốn “Incompleteness: The Proof and Paradox of Kurt Gödel” (Tính Bất toàn: Chứng mình và Nghịch lý của Kurt Gödel) như sau:  

Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton đôi khi có những bữa tối thịnh soạn, về cơ bản dành cho những người có thể đóng góp thêm kinh phí cho Viện hoặc hỗ trợ chính trị. Và tại những bữa tối này, họ sẽ yêu cầu các ngôi sao của họ có mặt để gây ấn tượng với các nhà tài trợ tiềm năng và các thành viên khác của Viện. Vì vậy, Gödel đã được mời tới dự một bữa tối như vậy. “Bạn phải đến, chứ không phải là tùy ý chọn đâu”, người ta nói với Gödel như vậy, mặc dù ông không muốn có mặt ở đó.

Gödel ngồi cạnh một nhà vật lý thiên văn trẻ tuổi. Nhà vật lý thiên văn này rất tự hào về một số khám phá mà anh ta đã thực hiện, một khám phá quan sát và anh ta đã dành rất nhiều thời gian để giải thích cho Gödel hiểu. Cuối cùng anh ta dừng lại, mong đợi Gödel bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với câu chuyện anh ta kể. Nhưng thay vì tán thưởng, Gödel trả lời: “Tôi không tin vào khoa học thực nghiệm. Tôi chỉ tin vào những sự thật tiên nghiệm” (I don’t believe in empirical science. I only believe in a priori truths). Đó là câu trả lời từ thời Trung cổ. Sự thật tiên nghiệm là sự thật cần thiết. Vì vậy, có lẽ Gödel cũng không tin vào thuyết tiến hóa, tôi không chắc”.

Robert J. Marks nói: “Ồ, ông ấy (Gödel) không tin (vào thuyết tiến hóa). Có một câu trích dẫn nổi tiếng ông ấy nói về tiến hóa, mà tôi không nhớ kỹ, đại ý là ông ấy ví cơ may để cho thuyết tiến hóa đúng cũng tương tự như một nhà máy in phát nổ rồi tạo ra một cuốn sách hoặc thứ gì đó tương tự. Vì vậy, ông ấy không phải là một người tin tưởng vào thuyết tiến hóa”.

Thật vậy, Kurt Gödel đã viết trong một bức thư năm 1972 cho Hao Wang: “Tôi tin rằng cơ chế trong sinh học là một định kiến của thời đại chúng ta sẽ bị bác bỏ. Trong trường hợp này, một sự bác bỏ, theo ý kiến của tôi, sẽ bao gồm trong một định lý toán học về tác động của sự hình thành trong thời gian địa chất của cơ thể người theo các quy luật vật lý (hoặc bất kỳ quy luật nào khác có tính chất tương tự), bắt đầu từ một phân bổ ngẫu nhiên của các hạt cơ bản và trường, là không có khả năng xảy ra, giống như sự phân tách ngẫu nhiên của khí quyển thành các thành phần của nó”[3]. Cái cơ chế sinh học mà Gödel nhắc đến ở đây chính là Thuyết tiến hóa.

 

Bình luận của PVHg’s Home

Dưới ánh sáng của Định lý Gödel, có thể khẳng định rằng:

1 – Khoa học logic và kinh nghiệm thực chứng không đủ để nhận biết được mọi sự thật.

2 – Ấy thế mà logic và thực chứng lại là nền tảng triết học của chủ nghĩa vô thần, suy ra chủ nghĩa vô thần không đủ để giúp con người tiếp cận với những sự thật vượt ra ngoài tầm với của logic và thực chứng.

3 – Logic và thực chứng là những phương tiện rất hiệu quả và rất cần thiết khi nghiên cứu những đối tượng tuân thủ logic và có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm, nhưng logic và thực chứng không phải là tất cả mọi phương tiện có thể có để con người tiếp cận tới chân lý.

4 – Thế giới của sự thật rộng lớn hơn rất nhiều so với khả năng nhận biết bằng logic và thực chứng.

5 – Có những sự thật nằm ngoài sự chi phối của logic và không thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm.

6 – Vĩnh viễn, phương tiện chủ yếu để khám phá sự thật vẫn là TRỰC GIÁC – khả năng “đánh hơi” thấy sự thật. Khi đó, logic và thực chứng có thể đóng vai trò hỗ trợ trực giác để kiểm chứng sự thật mà trực giác “đánh hơi” thấy. Tuy nhiên có những trường hợp logic và thực chứng hoàn toàn bất lực. Thí dụ:

  • Bài toán nguồn gốc vũ trụ
  • Bài toán nguồn gốc sự sống.
  • Các bài toán về bản thể luận

7 – Stephen Hawking, khi còn trẻ vốn tin rằng vũ trụ đã được thiết kế, và Nhà thiết kế vũ trụ chính là Chúa, tức Đấng Sáng tạo. Nhưng lúc về già, ông đã phản lại niềm tin của chính ông mà tuyên bố rằng “Nhờ định luật vạn vật hấp dẫn, vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không”. Tuyên bố này của Hawking hết sức vô nghĩa, thể hiện sự bế tắc của chủ nghĩa tự nhiên đối với bài toán nguồn gốc vũ trụ. Đó là một phát biểu tùy tiện, vô trách nhiệm, vì câu nói của ông vừa phi logic vừa phi thực chứng, phản lại chủ nghĩa logic thực chứng mà ông dùng để bác bỏ Đấng Sáng tạo. 

8 – Các nhà sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên cũng bế tắc trước bài toán nguồn gốc sự sống. Vì họ không thừa nhận sự hiện hữu của các lực lượng siêu tự nhiên nên họ bế tắc trước câu hỏi “Mã DNA từ đâu mà ra?”.

9 – Ngay cả Francis Crick, một trong hai nhà khoa học khám phá ra cấu trúc DNA, đoạt Giải Nobel về sinh lý học và y khoa năm 1962, mặc dù thừa nhận SỰ SỐNG LÀ MỘT PHÉP MẦU, nhưng vẫn không chịu thừa nhận có một Đấng Sáng Tạo đã thiết kế ra sự sống đầu tiên. Tại sao ông ngoan cố như thế?

10 – Có thể khẳng định rằng câu hỏi về nguồn mã DNA sẽ là câu hỏi vĩnh viễn không có câu trả lời của khoa học vật chất! Tại sao?

Vì mã DNA là THÔNG TIN.

11 – Theo Lý thuyết Thông tin, mọi thông tin đều bắt nguồn từ trí tuệ thông minh. Thông tin không phải là vật chất, do đó không thể đẻ ra từ vật chất. Vì thế khoa học vật chất vĩnh viễn sẽ bế tắc trước câu hỏi về nguồn thông tin của sự sống.

12 – Hơn lúc nào hết, câu hỏi về nguồn mã DNA chỉ có thể có câu trả lời nếu ta chấp nhận mở rộng nhận thức ra thế giới phi vật chất, nơi logic và thực chứng bất lực!

13 – Đó là lý do để Kurt Gödel không thể thích ứng với Nhóm Vienna, mặc dù nhóm này bao gồm toàn những nhà toán học, vật lý học, hóa học, triết học giỏi nhất nước Áo lúc bấy giờ. Bằng Định lý Bất toàn, Gödel đã dạy cho các nhà khoa học trong nhóm đó – những người là thầy của ông về toán học và triết học – rằng thế giới logic và thực chứng QUÁ CHẬT HẸP để cho con người được tiếp cận với những sự thật kỳ diệu nhất.

14 – Đó cũng là lý do để Gödel không tin vào Thuyết Tiến hóa, vì học thuyết này vừa phi logic, vừa phi thực chứng, vừa không chấp nhận những lực lượng siêu tự nhiên – một học thuyết về sự sống nhưng không hiểu gì về bản chất sự sống – đó là THÔNG TIN, thay vì các phản ứng hóa học!

 

DJP, Sydney 01/02/2022

(Mồng 1 Tết Nhâm Dần) 


[1] https://mindmatters.ai/2021/03/how-kurt-godel-destroyed-a-popular-form-of-atheism/

[2] https://viethungpham.com/2014/09/17/godel-chung-minh-chua-hien-huu-godel-proved-that-god-exists/

[3] I believe that mechanism in biology is a prejudice of our time which will be disproved. In this case, one disproof, in my opinion, will consist in a mathematical theorem to the effect that the formation within geological time of a human body by the laws of physics (or any other laws of similar nature), starting from a random distribution of the elementary particles and the field, is as unlikely as the separation by chance of the atmosphere into its components

Advertisement

13 thoughts on “Gödel Destroyed Logical Positivism / Gödel vô hiệu hóa chủ nghĩa logic thực chứng

  1. Anh kính mến !

    Nhân dịp đầu năm mới , chúng em kính chúc anh chị và các cháu luôn được mạnh khỏe, an lành và hạnh phúc . Em vẫn thường xuyên đọc các bài viết của anh và càng khâm phục vì có một ông anh đa năng như thế và càng vui mừng vì chứng tỏ ông anh mình có sức khỏe tốt . Vài dòng gửi đến Anh . Em Minh

    Đã thích bởi 1 người

  2. Bác kính mến!

    Chúc bác, gia đình năm mới an khang thịnh vượng. Chúc bác có sức khoẻ tốt và hoàn thành các dự định tương lai của mình.

    Cảm ơn bác đã có những bài viết thật đáng quý.

    Thích

  3. NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022.

    1. Chúc “ông chủ” của trang mạng PVHg’s Home năm mới có sức khỏe dồi dào, có nhiều niềm vui trong cuộc sống và tiếp tục có nhiều bài viết để phục vụ độc giả khắp nơi trên thế giới.
    2. Bài viết mới đầu XUÂN 2022 của tác giả có một giá trị rất lớn về phương diện NHẬN THỨC LUẬN. Đây cũng là một hệ quả quan trọng của Định lý Bất toàn của Kurt. Godel.
    Đã đến lúc chúng ta phải NHẬN THỨC LẠI cái gọi là “Thế giới vật chất – năng lượng – môi trường – hệ sinh thái xung quanh ta và Thế giới tinh thần – ý thức – nhận thức trong chính bản thân chúng ta”.
    3. Định lý Bất toàn của Kurt Godel còn có vô số các hệ quả quan trọng khác. Tôi hy vọng các độc giả sẽ ủng hộ và cổ vũ cho trang mạng PVHg’s Home tiếp tục có nhiều bài viết có giá trị khác.

    Thích

  4. Năm mới chúc Giáo sư sức khoẻ và hạnh phúc, mong GS tiếp tục cống hiến trong vai trò khai mở nhận thức khách quan truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ công chúng, đưa định lý godel đến với toàn thể nhân loại, làm lu mờ tiến tới loại bỏ những học thuyết bất hợp lý đang được giảng dạy và rất nhiều người còn tin tưởng.

    Thích

  5. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều loài bị tuyệt chủng, nếu không có sự nhảy loài, tức không sinh ra loài mới thì số lượng loài ngày nay trên trái đất ít hơn ngày xưa à? Như khủng long bị tuyệt chủng chẳng hạn, liệu có loài nào sinh ra để thế vào loài bị tuyệt chủng này không?

    Thêm nữa, nếu không phải là tiến hóa, nếu như mọi cấu hình đã được thiết kế sẵn ngay từ ban đầu trong gene, cũng có nghĩa là trí khôn của con người cũng được thiết kế sẵn trong gene và gần như là bất biến theo thời gian, cũng có nghĩa là hình dạng và trí khôn của các loài cách đây hàng trăm ngàn năm hay hàng triệu năm cũng rất gần giống với bây giờ, thế tại sao hóa thạch hoặc dấu tích của con người có trí khôn và các loài giống loài hiện đại khác cách đây hàng trăm hoặc hàng triệu năm không được tìm thấy, nếu con người thời đó không khôn bằng bây giờ thì cũng đã rất khôn, vì trí khôn con người được thiết kế sẵn bất biến ngay từ ban đầu mà?

    Thích

    • Trả lời bạn Lê Xuân Chuyên,
      Tôi tán thành với bạn rằng có nhiều loài bị tuyệt chủng, vì có bằng chứng xác nhận điều này. Nhưng tôi bác bỏ ý kiến của bạn về việc “nhảy loài”, vì bạn không có bằng chứng. Bạn tha hồ suy luận, nhưng mọi suy luận của khoa học đều chỉ có giá trị nếu có bằng chứng.
      Nếu có loài mới thì loài mới cũng không phải do tiến hóa mà có. Vậy loài mới từ đâu mà ra? Câu hỏi này cũng tương tự như các câu hỏi: “vũ trụ từ đâu mà ra?”, “sự sống từ đâu mà ra?”. Đó là câu hỏi thuộc về bản thể luận – một chủ đề triết học vượt quá tầm với của khoa học nói chung và của sinh học nói riêng.
      Tôi phải xin lỗi bạn vì đã không nhịn được cười khi nghe bạn nói rằng trí khôn đã được thiết kế sẵn trong gene. Bạn nói như thế chứng tỏ bạn chẳng hiểu gì về gene và về trí khôn. Vì bạn không hiểu nên tôi đành phải nói rằng trí khôn là một bí mật mà cho đến hôm nay khoa học hầu như chưa biết gì về nó. Chỉ biết rất lờ mờ về nó mà thôi. Chính Darwin đã thú nhận rằng ông hoàn toàn không biết gì về sự hình thành của năng lực tinh thần. Vậy ai dám nói trí khôn đã được thiết kế trong gene là nói liều, hoặc nói bừa, nói vô trách nhiệm, bạn nhé.
      PVHg

      Thích

      • Đồng ý là vũ trụ bao la vô cùng tận mà con người thì quá mong manh nhỏ bé cho nên khó hoặc gần như là không thể thu thập được bằng chứng về nhảy loài, nó giống như con người khó có thể trực tiếp bay đến các thiên hà khác để tận mắt xem ở đó có gì.

        Nhưng nếu không có sự chuyển hóa từ loài nọ sang loài kia hoặc từ chất nọ sang chất kia, nếu gần đây có phát sinh loài mới có nghĩa là chúng đi từ hư vô đến chứ không phải do Chúa tạo sẵn vạn vật ngay từ ban đầu?

        Người ta vẫn nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, nếu trong thế hệ gia đình thông minh, hoặc có năng khiếu nào đó thì thường được di truyền sang đời sau thông qua gene. Vậy sự thông minh hoặc năng khiếu được di truyền đó không phải là trí khôn?

        Thích

      • 10/02/2022 Trả lời bạn Lê Xuân Chuyên,
        Tôi không rõ từ ngữ “nhảy loài” do ai sáng tác, nhưng lần đầu tiên tôi nghe thấy từ ngữ này từ bạn Chuyên, với nghĩa là sự xuất hiện loài mới.
        Nhưng dù từ ngữ này do ai sáng tác thì nó cũng không phản ánh kiểu tiến hóa do Darwin nêu lên. Theo Darwin, sự tiến hóa diễn ra rất chậm, dần dần từng tí một, sau hàng trăm triệu năm hay thậm chí hàng tỷ năm mới dẫn tới sự biến đổi loài.
        Trong khi từ ngữ “nhảy loài” gợi cho ta cảm tưởng sự xuất hiện loài mới rất đột ngột, tức là không theo kiểu Darwin. Vì thế, bạn Lê Xuân Chuyên là một người tin vào sự tiến hóa, và tiến hoá đột ngột chứ không phải tiến hóa kiểu Darwin.
        Nhưng dù là kiểu tiến hóa nào thì cũng chỉ là chuyện tưởng tượng. Bạn Chuyên cho rằng rất khó có thể tìm thấy bằng chứng, vì vũ trụ bao la vô cùng tận, mà con người thì quá bé nhỏ. Nếu vậy thì tự bạn Chuyên đã thừa nhận rằng ý kiến của mình chỉ là chuyện phỏng đoán thôi chứ không thể kiểm chứng được.
        Bạn Chuyên nói nếu loài mới xuất hiện không phải do tiến hóa thì chúng đến từ hư vô. Có nghĩa là từ KHÔNG mà biến thành CÓ, chứ không thể do Chúa sáng tạo.
        Có lẽ các nhà tiến hóa cũng không thể hài lòng với ý kiến của bạn Chuyên, chứ đừng nói đến những người phê phán thuyết tiến hóa. Tại sao? Vì bạn Chuyên toàn nói chuyện bạn ấy nghĩ thế này, nghĩ thế nọ chứ chẳng có bằng chứng khoa học gì cả. Bảo vệ thuyết tiến hóa như bạn Chuyên thì vô tình làm hại thuyết tiến hóa.
        Lẽ ra thì tôi định không đăng ý kiến của bạn Chuyên, vì bạn chỉ nhắc lại niềm tin của bạn chứ không có chút gì là lập luận khoa học cả. Nhưng tôi quyết định đăng để độc giả thấy rõ là có rất nhiều người tin vào sự tiến hóa theo kiểu như thế đấy – tin rằng ắt phải có tiến hóa vì ắt phải có tiến hóa (!).
        PVHg

        Thích

      • Tôi đồng ý với bạn Chuyên là “vũ trụ bao la vô cùng tận mà con người thì quá mong manh nhỏ bé”. Vậy con người đã hiểu biết thực sự đầy đủ và khám phá được hết đến từng vùng đất của Trái Đất “cực kỳ nhỏ bé” này và giám sát từng vùng đất liên tục theo thời gian thực? Nên khi chúng ta nói “loài mới”, liệu thực sự đó có phải là loài mới chưa từng xuất hiện trong quá khứ. Hay chỉ là bây giờ con người mới biết đến loài đó mà thôi? Mong là bạn sẽ đọc các bài trong chủ đề Sinh Hoá trên trang này. Nếu bạn đọc cẩn thận và dành thời gian để suy ngẫm, tôi tin trực giác sẽ dẫn đường cho bạn. Có rất nhiều thông tin phù du xuất hiện trên internet. Nên khi tìm hiểu một vấn đề, chúng ta không thiên vị quan điểm nào cả. Mà hãy để trực giác dẫn đường, như thế chúng ta mới khám phá ra sự thật. Và sự thật sẽ mãi mãi là sự thật. Còn tất cả những gì không thuộc về sự thật, trước sau cũng sẽ bị phơi bày ra trước ánh sáng của sự thật mà thôi. Chúc bạn sẽ khám phá ra chân lý đích thực!

        Thích

    • Cảm ơn ông Phạm Việt Hưng đã đăng bài và bỏ thời gian trả lời. Tôi chỉ là một người xuất thân từ nông dân, một thợ sắt tầm thường có trí khôn tầm thường, không phải là một nhà khoa học, vì tính tò mò nên lập luận, suy luận, phản biện cũng tầm thường, rất mong ông Phạm Việt Hưng thông cảm.

      Nhảy loài ở đây là tôi lướt web thấy có bài có từ này, và tôi hiểu là biến đổi loài diễn ra cả từ từ lẫn đột ngột, có lẽ hợp với Tân Darwin.

      Để chứng minh biến đổi loài thì đó là cả một chặng đường dài mà các bằng chứng thu thập được hỗ trợ cho thuyết Tân Darwin mới chứng minh từng chặng một, nên chưa hoàn toàn thuyết phục lắm. Nhưng có cũng còn hơn không, cũng còn hơn các thuyết khác không chứng minh được chặng nào. Tôi không có bằng chứng nào để phủ nhận thuyết Tân Darwin nhưng tôi cũng chưa bị thuyết phục hoàn toàn.

      Thích

      • Trả lời bạn Lê Xuân Chuyên,
        Cám ơn bạn Chuyên đã nhiệt tình thảo luận và thể hiện một thái độ chân thành trong khi thảo luận, không tự ái như một số “nhà tiến hóa” khi thấy niềm tin của mình bị phê phán. Qua những ý kiến bạn Chuyên đã phát biểu, tôi biết rằng bạn tin có tiến hóa, nhưng bạn không có khả năng bảo vệ niềm tin của mình bằng các lập luận khoa học. Đồng thời tôi cũng biết rằng bạn không có đủ vốn liếng kiến thức về sinh học để thảo luận, dù bạn bênh vực hay phản đối thuyết tiến hóa. Để giúp bạn có một vốn kiến thức đủ để thảo luận câu hỏi “Có hay không có tiến hóa?”, tôi xin đề nghị bạn hãy đọc tất cả các bài trong tuyển tập sau đây:
        “Truly Scientific Biology / Nền sinh học thực sự khoa học”
        https://viethungpham.com/2021/08/30/truly-scientific-biology-nen-sinh-hoc-thuc-su-khoa-hoc/
        Những bài trong tuyển tập ấy sẽ chứng minh cho bạn thấy không có cái gọi là tiến hóa, chỉ có sự BIẾN HÓA mà thôi. Nhưng biến hóa không phải là vô hạn, mà biến hóa chỉ diễn ra bên trong phạm vi loài mà thôi, khồng hề có sự biến đổi loài này thành loài khác. Đây là SAI LẦM LỚN của Darwin, nhưng lại được những người tin theo ông tôn lên là khám phá của Darwin. Tóm lại, thuyết tiến hóa chỉ là một giấc mơ hão huyền, không có thật. Nếu bạn không đọc mà cứ thảo luận theo ý riêng của mình thì tôi e rằng chúng ta sẽ làm mất thì giờ của độc giả. Rất mong bạn Chuyên sẽ đọc những bài trong tuyển tập trên. Một lần nữa cám ơn bạn vì nhiệt tình đóng góp ý kiến. Chúc bạn thành công!
        PVHg

        Thích

  6. Khi chúng ta đưa ra một hệ thống lý luận có logic nào đó để đi đến một kết luận từ cái logic đó thì có nghĩa chúng ta đã áp đặt mọi lý luận mà chúng ta đưa ra thành một hệ thống logic. Và như thế HỆ THỐNG LÝ LUẬN MÀ CHÚNG TA ĐƯA RA LÀ MỘT HỆ LOGIC. Năm 1931 Gödel đã chứng minh ” một cách logic ” rằng: MỌI HỆ LOGIC là BẤT TOÀN. Mà đã BẤT TOÀN thì sẽ tồn tại MÂU THUẪN. Vậy để tránh rơi vào sự mâu thuẫn thì chúng ta cần phải chấp nhận rằng có sự tồn tại của những lý luận PHI LOGIC. Tuy nhiên, con người chúng ta là bất toàn (điều này dĩ nhiên) thì lẽ dĩ nhiên con người chúng ta cũng không thể phản ánh đúng sự KHÔNG BẤT TOÀN. Rõ ràng là chúng ta nhận thức thế giới (thế giới có cả chính chúng ta trong đó) hoàn toàn phụ thuộc vào sự chính xác của 5 giác quan và bộ não. Không ai bảo đảm độ chính xác đó cả. Như vậy, về mặt khoa học, nhận thức của con người là hữu hạn so với cái vô hạn thế giới xung quanh ta (hoặc có thể nói thế giới xung quanh rộng lớn hơn khả năng nhận thức của con người chứ không biết là nó hữu hạn hay vô hạn). Chúng ta có thể suy luận sự hữu hạn của chúng ta thông qua quan sát một vài sự kiện dễ dàng thấy, chẳng hạn một con chó, mắt của con chó không bao giờ thấy những màu gì khác ngoài màu đen và trắng, mặc dù chúng ta đều biết có cả màu xanh, đỏ, vàng, tím… Đối với con chó, nó cho rằng thế giới chỉ có 2 màu đen và trắng. Và nó sẽ “cãi” nếu như chúng ta nói có thêm những màu khác nữa. Suy ra, về phương diện nhận thức, sẽ có những dạng sống cao hơn, cao hơn nữa và cao lên mãi mãi … Vậy có thể có Chúa, Phật, Thần… với những mô tả trong kinh sách…nhưng đó cũng chỉ là suy diễn chứ chính chúng ta cũng không biết là có hay không. Vậy nên, thôi, chúng ta đành chọn thái độ sống sao cho mình cảm thấy được là được rồi. Trong vai trò là con người thì, trước hết chúng ta phải sống sao cho ra Người đã (với mọi ý nghĩa của tính Người). Còn những cái cao hơn thì chúng ta cũng mơ ước được biết nhưng không quan trọng lắm. Có vài người họ lý luận cái kiểu: nếu như Chúa toàn năng thì cái gì Chúa cũng tạo ra được, vậy Chúa có thể tạo ra cái “không thể”. Vì thế con mới đưa ra đoạn lý luận trên. Tóm lại có những người thích dùng logic để lý luận bắt bẻ nhưng lại chẳng hiểu gì về bản chất của logic mà Định lý bất toàn của Gödel đã nói, rằng có những cái bạn không thể giải thích và chứng minh được, vì thế, để nhận biết sự thật, người ta không thể chỉ dùng logic lý luận, mà phải dùng cảm nhận. Những người thích bắt bẻ lý luận logic thường tự phụ rằng mình giỏi nhưng thực ra là … dốt, chẳng hiểu gì về Định lý Bất toàn, và họ rất nghèo nàn về cảm xúc nên ngoài những gì họ trông thấy, họ không tin vào bất cứ cái gì siêu hình. Nguyên Vương.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s