Tết Nhâm Dần 60 năm trước

Kể từ đó về sau, tôi luôn luôn tìm trong sách vở những trích đoạn hay nhất về trạng thái hạnh phúc nhất trong đời người. Thú thật, tôi không tìm thấy một trích đoạn nào đẹp hơn sự xuất hiện của Quyên tại cửa ra vào buồng thờ Nhà 52 Quán Sứ Tối Mồng 1 Tết Nhâm Dần 1962! Đó là một tâm điểm phát sáng rực rỡ chói lọi. Đó là một thiên thần hiện ra trong các truyện cổ tích – một chuyện cổ tích có thật …..

Tối Mồng 1 Tết Nhâm Dần 05/02/1962

Tết năm ấy rất lạnh. Tối Mồng 1, cả nhà tụ họp trong buồng thờ. Buồng thờ là buồng đầu tiên ở tầng 2 đón khách từ cầu thang đi lên. Buồng này khá rộng, đủ chỗ cho cả nhà ngồi chơi, mặc dù anh em chúng tôi rất đông. Đầu buồng thờ là ban thờ tổ tiên. Ban thờ đặt trên tủ chè, trên hết là ảnh cụ 4 đời của tôi, rồi đến ảnh ông bà nội tôi. Trước tủ chè là một cái sập gỗ lim rất rộng. Mâm cúng đặt trên sập. Lúc ấy ăn uống đã xong. Mọi người đang quây quần chuyện trò. Có mặt tất cả mọi người trong nhà, từ bố mẹ cho tới anh em chúng tôi.

Thời ấy, Mồng 1 Tết là ngày rất thiêng liêng. Ai cũng coi trọng ngày Tết, nhất là Mồng 1. Mọi người thầm cầu mong Mồng 1 gặp toàn điều tốt lành để “rông cả năm”. Cửa buồng lúc ấy đóng kín, vì lạnh, mặc dù hương khói nghi ngút, nhưng buồng rất rộng và trần rất cao nên chỉ thấy thơm ngát chứ không hề khó chịu. Không khi gia đình lúc ấy vừa thiêng liêng vừa ấm cúng. 

Trong khi mọi người chuyện trò lao xao thì lòng tôi nghĩ đến Quyên, vì Quyên hẹn sẽ đến để chúc Tết. Tôi liếc mắt vào đồng hồ trên tường, tính từng phút. Hơn 7 giờ tối, có tiếng gõ cửa. Tôi lao ra mở cửa, Quyên xuất hiện, đẹp như một thiên thần, tôi choáng váng!

Tôi không tin vào mắt mình: Quyên mặc một chiếc áo dài trắng, mầu trắng ngà rất sang trọng! Đôi môi thoa chút son, đỏ nhẹ, má phớt tí phấn hồng, ôi, đẹp rực rỡ, rực rỡ chưa từng thấy!

Cả nhà đổ dồn mắt vào “nàng tiên” tới chúc Tết!

Chưa bao giờ Quyên rực rỡ như hôm ấy. Chưa bao giờ tôi thấy Quyên mặc áo dài. Chưa bao giờ thấy Quyên son phấn. Đó là lần đầu tiên Quyên xuất hiện trong áo dài và son phấn, làm tôi choáng váng, đê mê.

Nếu Stendhal nói khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời là khi ta được chứng kiến sự có mặt của người yêu thì hôm ấy, tối Mồng 1 Tết Nhâm Dần, tôi rơi vào trạng thái siêu hạnh phúc khi được chứng kiến sự hiện diện của một “nàng tiên” – nàng tiên CỦA TÔI! 

Các hãng mỹ phẩm có lẽ sẽ cám ơn tôi vì tôi ca ngợi một vẻ đẹp son phấn. KHÔNG! Tôi không bao giờ thích phụ nữ son phấn. Thậm chí tôi ghét son phấn. Tôi yêu cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp đồng nội, cái đẹp do Chúa tạo ra.

Tôi là kẻ cực đoan cho rằng son phấn làm hỏng vẻ đẹp có thật! Nhưng hôm ấy, Quyên quá rực rỡ và thơm phức vì chiếc áo dài và một chút son phấn. Vâng một chút thôi. Một chút xíu thôi! Một chút thoảng qua thôi. Son phấn mà như không son phấn. Thế mới giỏi. Thế mới khéo. Son phấn mà lộ ra son phấn thì …… chán lắm!

Quyên son phấn giống Mẹ tôi. Hoặc nói gọn hơn, Quyên giống mẹ tôi. Mẹ tôi rất đẹp, niềm tự hào của bố tôi và của tất cả anh em chúng tôi. Ngày xưa, thời Pháp còn ở Việt Nam, mỗi lần Mẹ tôi cùng bố tôi đi dự các lễ hội, bà ăn mặc lịch sự sang trọng và son phấn rất nhẹ. Người đã đẹp mà son phấn nhẹ thoảng qua thì làm cho cái đẹp ấy đậm đà hơn, rực rỡ hơn. Đó mới là văn hóa Hà Nội thứ thiệt. Quyên tiếp thu được văn hóa ấy, và tôi không ngờ Quyên cũng sành sỏi trong ăn mặc và trang điểm như Mẹ tôi vậy.

Kể từ đó về sau, tôi luôn luôn tìm trong sách vở những trích đoạn hay nhất về trạng thái hạnh phúc nhất trong đời người. Thú thật, tôi không tìm thấy một trích đoạn nào đẹp hơn sự xuất hiện của Quyên tại cửa ra vào buồng thờ Nhà 52 Quán Sứ Tối Mồng 1 Tết Nhâm Dần!

Đó là một tâm điểm phát sáng rực rỡ chói lọi. Đó là một thiên thần hiện ra trong các truyện cổ tích – một chuyện cổ tích có thật!

Gần như không ai bảo ai, mọi người trong buồng thờ lặng đi trước một nhan sắc rực rỡ bất ngờ xuất hiện ngay trước mắt, vào một giờ khắc thiêng liêng của ngày Tết. Dường như Quyên cũng nhận thấy điều đó, nên sau một loáng im lặng, nàng mới lên tiếng: “Cháu chào hai bác ạ. Em chào các anh ạ! …”.

Tôi sung sướng tự hào, tự hào sung sướng. Tôi có người yêu đẹp đến mức làm cho mọi người trong nhà kinh ngạc, mặc dù ai cũng biết Quyên từ lâu rồi. Quyên đã đến Nhà 52 Quán Sứ rất nhiều lần rồi, đã gặp bố mẹ và tất cả mọi anh em của tôi rồi. Không ai lạ gì Quyên. Nhưng chắc chắn mọi người đều giống tôi khi thấy Quyên hôm ấy đẹp hơn Quyên mọi khi, rực rỡ hơn Quyên mọi khi.

Gia đình tôi rất đông, giống như một xã hội thu nhỏ. Niềm tự hào của tôi lúc ấy có thể xem như một niềm tự hào trước đám đông công chúng trong xã hội. Niềm tự hào ấy rất đơn giản: Tôi có Quyên – một ước mơ của đàn ông!

Tất cả mọi người trong nhà tôi đều yêu mến Quyên. Làm sao không yêu mến một cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn, phúc hậu, vui tươi?

Sau vài phút xã giao trong buồng thờ, Quyên theo tôi vào “buồng đá”. Ở đó chúng tôi quên hết ngày Tết, để nói với nhau những lời quan trọng nhất, trao cho nhau những nụ hôn kỳ diệu nhất … Đó là lần đầu tiên son dính trên môi tôi. Đó là lần đầu tiên tôi biết rằng mùi son phấn cũng là một thứ kích thích tố đáng sợ. Nhưng xin nhắc lại, son phấn thoáng nhẹ thôi nhé, trong những dịp rất đặc biệt thôi nhé!

Đó là một trong những tình huống tôi rơi vào tình ái nồng nàn, nhưng tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng đối với tôi và Quyên hôm ấy, cái hôn không phải để thỏa mãn thú vui thể xác, mà để báo cho người mình yêu cái cảm xúc yêu thương tha thiết đang dấy lên trong lòng mình, rằng “em có biết anh yêu em nhường nào không?”. Lạ thế đấy, khi người ta yêu, người ta muốn báo cho người mình yêu rằng “tôi yêu mình lắm đấy”, cứ như thể là nếu người ấy không biết thì ta cảm thấy bị tắc nghẽn, linh hồn ta không được giải thoát vậy…

Đó là một nhu cầu của linh hồn nhiều hơn thể xác – hai linh hồn muốn hòa nhập vào với nhau để thành một. “Liệu ai có thể nhập vào linh hồn của ai khác?” (Who can enter into another soul?), nhà văn Nga Chernyshevsky đã có lần hỏi như thế. Tôi trả lời: “Có đấy, đó là lúc người ta yêu nhau và thăng hoa tới tột đỉnh của hạnh phúc như trường hợp của tôi và Quyên tối Mồng 1 Tết Nhâm Dần vậy!”.

Tình yêu ấy kéo dài thêm nhiều tháng sau, mãi cho tới cuối mùa hè năm 1962. Suốt trong thời gian ấy, tối Thứ Năm tuần nào tôi cũng đến đón Quyên ở trường về, sau giờ tập múa. Quyên là đội trưởng đội múa nên không thể vắng mặt. Đang trong tuổi 17 nên cả tôi lẫn Quyên không hề biết ốm đau là gì cả. Vì thế việc tôi đến đón Quyên ở trường vào tối Thứ Năm gần như đã trở thành một lịch trình cố định. Cho đến một tối Thứ Năm buồn…

 

DJP, Sydney 01/02/2022

(Mồng 1 Tết Nhâm Dần 2022)

2 thoughts on “Tết Nhâm Dần 60 năm trước

  1. Đinh Xuân Hưng, Bác sĩ Đông y nổi tiếng, hiện cư ngụ tại Melbourne (Viber ngày 03/02/2022): Xin gửi lời khâm phục tới một con người như anh, vì đã có cả sự say mê bền bỉ với khoa học tâm linh vô hình và cả sự say mê tột cùng với tình yêu của con người trong cuộc sống …! Cái gì cũng sâu sắc, cái gì cũng đến tận cùng của nó, bằng tất cả sự trải nghiệm mà nếu chỉ là một nhà khoa học bình thường và chỉ là một người yêu cuồng nhiệt không thôi thì không bao giờ có được …! Xin bái phục anh …!

    Tác giả PVH đáp: Xin đa tạ bác sĩ! Được một lời khen của một người không quen biết đã là một hạnh phúc. Được lời khen của bạn bè thân thiết còn hạnh phúc gấp 10!

    BS Đinh: Tôi đã đọc cả truyện của anh rồi (Tự truyện Mối Tình Đầu) mà đọc trích đoạn này của anh vẫn thấy cuốn hút lắm… Anh phải được Chúa thương lắm lắm nên mới có được tình yêu lãng mạn đến huyền ảo trong đời thường như vậy… và có cách viết mê hoặc nên mới làm ra cuốn truyện đời hay đến như vậy chứ …!

    Tác giả PVH: Chao ôi, BS không quá khen đấy chứ. Linh hồn Quyên được nghe bình luận này thì cô ấy sẽ khóc vì cảm động. Tôi phải thay mặt cô ấy để cám ơn bác sĩ đây.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s