God’s Chosen People / Dân được Chúa chọn

According to the Bible, Jews are “chosen people” of God. Although the notion of “chosen people” is not universally accepted, Jewish excellent achievements in every aspect have forced people to recognize Jewish people as one of the most talented people in the world, if not the most talented. What is the strength of that nation’s vitality, if not its deep and stable religious spirit?

Theo Kinh Thánh, dân Do Thái là “dân được Chúa chọn”. Mặc dù không phải ai cũng đồng ý với điều đó, nhưng thành tựu xuất sắc của dân Do Thái về mọi mặt buộc người ta phải thừa nhận dân tộc này tài giỏi bậc nhất thế giới, nếu không phải là giỏi nhất. Cái gì làm nên sức sống mãnh liệt của dân tộc ấy, nếu không phải tinh thần tôn giáo sâu đậm và kiên định của họ?

Khái niệm “dân được Chúa chọn” là một khái niệm được trình bày rõ ràng trong Kinh Thánh, nhưng không ít người hiểu không đầy đủ, hoặc hiểu lầm, hiểu sai ý nghĩa của khái niệm này. Không chỉ những người ngoại Đạo (người không theo Do Thái giáo hoặc Thiên Chúa giáo), mà ngay cả nhiều người theo Đạo, thậm chí cả một số người Do Thái cũng không hiểu đúng. Vậy hãy xem Kinh Thánh nói gì về vấn đề này, và diễn giải Kinh Thánh như thế nào là đúng?

1/ Kinh Thánh nói về “dân Chúa chọn”

Kinh thánh nhiều lần nhắc đến dân được Chúa chọn. Chẳng hạn:

Khi Thiên Chúa giao ước với ông A-bra-ham, tổ phụ của dân Do Thái.

  • Ta sẽ lập giao ước giữa Ta với con và với dòng dõi con; giao ước này là giao ước vĩnh viễn khiến Ta trở nên Thiên Chúa của con, và rồi, trở nên Thiên Chúa của dòng dõi con / I will establish my covenant as an everlasting covenant between me and you and your descendants after you for the generations to come, to be your God and the God of your descendants after you” (Sáng Thế / Genesis 17:7)

Khi Thiên Chúa nghiêm cấm dân Do Thái thực hành những thói tục ngoại giáo.

  • Vì các người là một dân tộc hiến dâng cho Chúa, là Thiên Chúa các người, Chúa đã chọn các ngươi làm một dân riêng ở giữa các dân tộc khác trên thế gian / For you are a people holy to the Lord your God. Out of all the peoples on the face of the earth, the Lord has chosen you to be his treasured possession”. (Sách Luật Hai / Deuteronomy 14:2)

Khi Thiên Chúa giải thích cho dân Do Thái vì sao Người cứu họ khỏi ách nô lệ.

  • “Vì các người là một dân tộc được hiến dâng cho Chúa là Thiên Chúa các người, Đấng đã chọn các người giữa mọi dân tộc khác trên mặt đất để làm dân riêng của Chúa. Không phải vì các người đông đúc hơn các dân tộc khác mà Chúa gắn bó với các người và chọn các người, trái lại, dân số các người ít hơn dân số mọi nước khác. Nhưng Thiên Chúa thương yêu các người và muốn giữ lời hứa với tổ phụ các người. Cho nên Chúa đã dùng bàn tay uy quyền của Chúa mà đưa các người ra, và cứu các người khỏi đất nô lệ, khỏi bạo lực của vua Pha-ra-ông, là vua nước Ai cập / For you are a people holy to the Lord your God. The Lord your God has chosen you out of all the peoples on the face of the earth to be his people, his treasured possession. The Lord did not set his affection on you and choose you because you were more numerous than other peoples, for you were the fewest of all peoples. But it was because the Lord loved you and kept the oath he swore to your ancestors that he brought you out with a mighty hand and redeemed you from the land of slavery, from the power of Pharaoh king of Egypt” (Sách Luật Hai / Deuteronomy 7:7-8)

Khi Thiên Chúa tỏ mình ra trên núi Si-nai.

  • “Từ nay nếu các ngươi tuân nghe lời Ta và trung tín với lời giao ước của Ta, thì giữa muôn dân thiên hạ, các người sẽ là dân riêng của Ta. Toàn thể trái đất là của Ta / Now if you obey me fully and keep my covenant, then out of all nations you will be my treasured possession. Although the whole earth is mine”. (Sách Xuất Hành / Exodus 19:5)
  • “Nhưng các người sẽ hợp thành một nước tư tế riêng của Ta, và sẽ thành một dân tộc được cung hiến riêng cho Ta. Đó là những lời mà con sẽ nói với dân I-xra-en / you will be for me a kingdom of priests and a holy nation. These are the words you are to speak to the Israelites” (Sách Xuất Hành / Exodus 19:6)

Khi tiên tri Amos nói những lời cảnh báo án phạt đối với dân được Chúa chọn, vì những phản bội và tội lỗi của dân ấy.

  • “Trong hết thảy các gia đình trên trái đất, Ta chỉ biết, chỉ chọn, chỉ yêu mến các người, vì vậy, Ta hỏi tội các người / You only have I chosen of all the families of the earth; therefore I will punish you for all your sins” (Amos 3:2)

Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế hiện nay, khi người Do Thái đạt được những thành tựu phi thường về nhiều mặt, những lời dạy nói trên trong Kinh Thánh nhiều khi được diễn dịch một cách thô sơ rằng người Do Thái là một dân tộc vượt trội vì được Chúa ưu ái hơn các dân tộc khác, thậm chí cho rằng tính vượt trội này có nguồn gốc di truyền. Quan niệm này bị chính một số người Do Thái phản đối, vì nó làm cho người ta liên tưởng tới chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà chính người Do Thái từng là nạn nhân, điển hình là chính sách chủng tộc của chủ nghĩa quốc xã Đức những năm 1930-40 để cao dòng giống Aryan như chủng tộc thượng đẳng, trong khi coi chủng tộc Do Thái là thấp kém nhất. Ngược lại, một số người Do Thái khác lại lấy làm tự hào vì tính vượt trội ấy, như một đặc tính thần thánh của người Do Thái. Cả hai cách diễn giải Kinh Thánh nói trên xem ra đều không ổn. Vậy ý nghĩa thực sự của khái niệm “dân được Chúa chọn” là gì? Nguồn gốc thực sự làm cho người Do Thái đạt được những thành tựu phi thường là gì?

2/ Ý nghĩa thực sự của khái niệm “dân được Chúa chọn”

Hãy nghe chính người Do Thái thảo luận với nhau về vấn đề này.

Trong một bài báo nhan đề “Are the Jews the Chosen People?” (Phải chăng người Do Thái là dân được Chúa chọn?), một người Do Thái là Margaret nêu lên thắc mắc:

“Từ lâu tôi đã cảm thấy khó chịu với khái niệm “dân được Chúa chọn”. Tư tưởng coi người Do Thái là gần với Chúa hơn so với các dân tộc khác xem ra có vẻ ngạo mạn, từ coi mình là tinh hoa, mang thành kiến chủng tộc. Như thế có khác gì chủ nghĩa bài Do Thái trước đây?”

Bức tường phía tây, nơi người Do Thái đến cầu nguyện, đặc biệt trong ngày lễ Sabbat

Aron Moss, tác giả bài báo trả lời: “Hiểu theo tinh thần Do Thái, khái niệm dân được Chúa chọn không dẫn tới tự cao tự đại, mà đúng ra là dẫn tới sự khiêm nhường. Nếu một ông vua bằng xương bằng thịt nào đó chọn chúng ta làm người đặc biệt của ông ta thì ý kiến của bạn sẽ đúng ─ chúng ta sẽ trở thành những kẻ được coi là tinh hoa. Khi một quyền lực oai vệ tỏ ra ưa thích một đối tượng nào đó thì kết quả là đối tượng ấy sẽ trở nên ngạo mạn hơn ─ người càng gần ông vua càng quan trọng hơn, và càng quan trọng hơn sẽ càng cảm thấy được kính trọng hơn. Nhưng chúng ta được Chúa chọn chứ không phải một ông vua nào đó. Và càng gần với Chúa, bạn sẽ càng thấy mình tầm thường và bé nhỏ. Nếu sự gần gũi thân thiết với một nhà lãnh đạo bằng xương bằng thịt làm cho cái tôi của bạn phát triển thì sự gần gữi với Thiên Chúa sẽ làm tan vỡ cái tôi ích kỷ của bạn. Trước quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời, mọi ảo tưởng về cái tôi bản ngã sẽ tiêu tan. Càng gần Đức Chúa Trời càng đỏi hỏi con người phải biết suy nghĩ để sửa chữa chứ không phải để tự mãn. Tư tưởng dân được Chúa chọn có ý nghĩa là một dân tộc bao gồm nhưng cá nhân được trao cho một cơ hội ở gần Chúa để nghe lẽ thật Ngài dạy bảo và truyền bá thông điệp của Ngài cho thế giới. Trên thực tế, tất cả mọi người đều đã thừa nhận rằng chính người Do Thái đã giới thiệu với thế giới quan niệm nhất thần giáo và một hệ thống luân lý đạo đức định hình quan điểm hiện đại về ý nghĩa và mục đích cuộc sống. Đó là lý do làm cho cho Do Thái giáo tồn tại cho đến tận ngày nay, và sức sống đó đã chứng tỏ giá trị vĩnh cửu của hệ thống tôn giáo này. Nhận xết đây là tư tưởng đề cao chủng tộc là vô lý, đơn giản vì: bất cứ ai từ một nền tảng dân tộc nào đều có thể chuyển sang Do Thái giáo và trở thành người được chọn. Dân Do Thái được Chúa chọn không phải vì một gene, đó là một trạng thái linh hồn. Bất kỳ ai muốn được chọn như thế đều được hoan nghênh ─ chừng nào mà họ sẵn sàng vứt bỏ cái tôi kiêu ngạo đi. Vì vậy, người kiêu ngạo không được chọn. Thử nghiệm thực sự về sự lựa chọn của Chúa là bạn khiêm tốn. Bạn Margaret thân mến, sự khiêm tốn của bạn quá sâu sắc, nó không cho phép bạn chấp nhận rằng bạn đã được chọn. Trong khi hầu hết các nhóm tôn giáo khác khá thoải mái khi tuyên bố rằng họ là người giỏi nhất, còn chúng tôi, những người Do Thái sẽ làm bất cứ điều gì để nói rằng chúng tôi không có gì đặc biệt. Đó chính là ý nghĩa của khái niệm dân được Chúa chọn!”.

Một bài báo khác, “What Does It Mean That the Jews are God’s Chosen People?” (Người Do Thái là dân được Chúa chọn nghĩa gì?) của Rabbi Alan Lurie, cho biết:

“Khái niệm người Do Thái là dân được Chúa chọn không phải là một chiếc huy hiệu chứng tỏ tính ưu việt của người Do Thái; ngược lại, đó là lời kêu gọi người Do Thái phải khiêm tốn trong hành động và có trách nhiệm đối với những sứ mệnh được giao. Điều này có thể ví như đòi hỏi của một người cha đối với một đứa con khi giao nhiệm vụ cho con: “Căn phòng cần làm sách, và ta chọn con làm việc đó; Con là đứa con được ta chọn”. Theo cách này, mọi người đều được Chúa chọn để làm một việc gì đó. Người Do Thái được Chúa chọn để mang thông điệp của Chúa đến nhân loại”.

Bài báo viết tiếp:

“Người Do Thái được Chúa chọn để mang đến cho thế giới thông điệp tốt lành này: Hãy đối xử với người lạ như đối xử với người thân của mình, yêu người khác như yêu chính mình, chăm sóc cho phụ nữ góa bụa, trẻ mồ côi và người tàn tật, người nghèo; Hãy coi Thánh Linh cao hơn sự thành công vật chất và hãy biết rằng bạn là con của Thiên Chúa, và quan trọng nhất, hãy luôn luôn quý trọng cuộc sống. Bằng cách này, người Do Thái được chọn làm ngọn đèn cho phép ánh sáng của Đức Chúa Trời chiếu sáng khắp thế giới.”

Một bài báo khác nhan đề “Judaism: The Chosen People” (Đạo Do Thái: Dân được Chúa chọn) viết:

“Phần lớn người Do Thái nghĩ rằng khái niệm dân được Chúa chọn có nghĩa là họ được đặt trên trái đất để thực hiện một mục đích xác định”.

Hình bên: Một khu phố cổ ở Jerusalem

Kinh Thánh cho ta thấy rõ mục đích đó: người Do thái, thông qua các tổ phụ và các tiên trị, mang sứ mệnh loan báo với thế gian rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Sáng tạo, đồng thời là Đấng Quyền năng vô hạn ─ Đấng sáng tạo và thống trị toàn bộ vũ trụ. Đó là sứ mệnh vinh quang nhất nhưng cũng đồng thời nặng nề nhất.

Bài báo viết: “Sau hết, làm thế nào mà toàn thế giới biết đến khái niệm chỉ có một Thiên Chúa duy nhất? Và, theo các nguồn tài liệu Do Thái, đó là ý nghĩa của khái niệm dân được Chúa chọn: làm cho thế giới biết đến Thiên Chúa… Như Rabbi Louis Jacobs đã viết:… Thế giới mang nợ dân tộc Do Thái tư tưởng về một Thiên Chúa duy nhất chính trực và thiêng liêng. Nhờ người Do Thái mà thế giới biết đến Thiên Chúa”.

Tóm lại, khái niệm dân được Chúa chọn phải được hiểu chính xác rằng dân Do Thái là dân được Chúa chọn để thi hành một sứ mệnh thiêng liêng, một sứ mệnh mang tinh thần tôn giáo sâu sắc, một sứ mệnh vinh quang nhưng nặng nề, đó là mang thông điệp của Thiên Chúa đến với thế giới.

Thông điệp ấy chính là cuốn Kinh Thánh vĩ đại, trong đó có 10 ĐIỀU RĂN ─ nền tảng đạo đức thiêng liêng tạo nên sức mạnh đề dân tộc Do Thái vượt qua mọi thử thách gian nan của cuộc sống tha hương trong mấy ngàn năm qua, trong đó thường xuyên bị xua đuổi, bị đối xử bất công, nghiệt ngã, không một mảnh đất cắm dùi, thậm chí từng bị bách hại hàng triệu người trong những năm 1930-1940, nhưng vẫn luôn luôn giữ được bản sắc văn hóa, tôn giáo, để tập hợp lại thành một cộng đồng Do Thái ngoan cường và tài giỏi bậc nhất thế giới, đạt được những thành tựu phi thường về mọi mặt mà không một dân tộc nào sánh kịp.

3/ Kỳ tích và ảnh hưởng lớn lao của “dân Chúa chọn”

Ngay ở mục trên đã nói, ảnh hưởng lớn nhất của văn hóa Do Thái là đã mang “nhất thần giáo” (monotheism) đến với thế giới. Nói cách khác, người Do Thái đã giới thiệu Thiên Chúa duy nhất độc tôn với thế giới, và kéo theo là những thông điệp của Thiên Chúa đến với nhân loại. Nếu Ki-tô giáo và Hồi giáo là những tôn giáo lớn nhất trong thế giới hiện đại thì tiền thân của nó là Do Thái giáo ─ Kinh Thánh của Do Thái giáo là phần Cựu Ước của Thiên Chúa giáo. Nếu nền văn minh Tây phương hiện đại là sản phẩm hòa hợp của văn minh Thiên Chúa giáo và văn minh Hy Lạp cổ đại thì trong đó tư tưởng của Do Thái giáo đóng vai trò gốc rễ. Nếu khoa học chịu nhiều ảnh hưởng Hy Lạp cổ đại thì văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật chịu ảnh hưởng rõ rệt của tinh thần Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Bất chấp việc người Do Thái bị xua đuổi ở Âu Châu trong gần hai ngàn năm, tư tưởng gốc rễ của Do Thái giáo vẫn ăn sâu vào xã hội Âu Châu trong hai ngàn năm đó, tạo nên nền tảng đạo đức xã hội Tây phương, định hình tư tưởng triết học và thế giới quan trong xã hội này, và là nguồn tư tưởng sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc nghệ thuật bất hủ không nơi nào sánh kịp. Trong tất cả những sản phẩm sáng tạo ấy, từ khoa học tới văn chương, nghệ thuật, không chỉ tư tưởng Do Thái giáo có ảnh hưởng sâu đậm, mà cả chính những người Do Thái cũng đã có những đóng góp trực tiếp. Nói cách khác, sản phẩm tư tưởng của Do Thái giáo đã vượt khỏi biên giới của cộng đồng Do Thái, và trở thành sản phẩm của toàn thế giới. Người Do Thái đã làm đúng Thiên chức của họ: mang ánh sáng của Chúa đến với thế giới! Đó là công lao lớn nhất, ảnh hưởng vĩ đại nhất của văn hóa Do Thái đối với thế giới.

Vì thế không có gì để ngạc nhiên khi ta thấy trên thực tế, tồn tại một “nghịch lý” trong cảm nhận về người Do Thái ─ tồn tại hai xu hướng đối lập trong cách ứng xử của thế giới phi-Do-Thái đối với người Do Thái, đó là sự tồn tại của “chủ nghĩa chuộng Do Thái” (Philo-semitism) đối lập với “chủ nghĩa bài Do Thái” (Anti-semitism).

Hình bên: Albert Einstein, nhà khoa học gốc Do Thái, được đề nghị làm tổng thống Israel, nhưng ông từ chối. Ảnh chụp: Einstein và Ben Gurion, thủ tướng đầu tiên của Nhà nước Israel, tại Princeton, 1951

Lịch sử holocaust (những cuộc tàn sát hàng loạt người Do Thái trong các trại tập trung của Đức quốc xã trong Thế Chiến II) đã làm cả xã hội loài người giật mình thức tỉnh về tội ác của chủ nghĩa bài Do Thái. Đó là một trong những lý do làm dấy lên chủ nghĩa chuộng Do Thái, như một sự ân hận chuộc lỗi của loài người đối với tội ác này. Tuy nhiên, chủ nghĩa chuộng Do Thái thực ra đã có từ trước đó khá lâu, xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết vì những ảnh hưởng sâu đậm về tôn giáo, đạo lý của Do Thái giáo thông qua Thiên Chúa giáo. Tiếp theo, vì những thông cảm của con người đối với tình trạng bị ngược đãi của người Do Thái trong mấy ngàn năm tha hương của dân tộc này. Thêm nữa, vì sự ngưỡng mộ đối với bản chất ngoan cường và tài giỏi xuất sắc của người Do Thái, đặc biệt trong thời đại ngày nay. Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Mark Twain đã viết về điều này như sau:

“Người Ai Cập, người Babylon, và Hoa Hồng Ba Tư (người Ba Tư), phát triển sinh sôi nảy nở trên mặt đất với danh tiếng vang dội lẫy lừng và ánh sáng huy hoàng, nhưng sau đó đã trở nên phai mờ nhạt nhòa như những giấc mơ và rồi đã biến mất; người Hy Lạp và người La Mã chạy theo bánh xe đổ đó, từng tạo ra tiếng tăm lẫy lừng thật lớn, để rồi thời đại huy hoàng của họ cũng đã trôi qua; những dân tộc khác cũng đã nổi lên và giơ cao ngọn đuốc vinh quang của họ trong một thời gian, nhưng ngọn đuốc đó đã đốt cháy hết, và họ ngồi trong ánh hoàng hôn, hoặc họ đã biến mất. Người Do Thái đã chạm trán tất cả, đánh bại tất cả, và bây giờ người Do Thái mãi mãi không bị suy đồi, không có sự yếu đuối của tuổi tác, không có sự suy yếu của các bộ phận cơ thể, nguồn năng lượng của người Do Thái không bị chậm chạp, tâm trí của người Do Thái không bị lu mờ và ý chí rất mạnh mẽ. Tất cả mọi thứ đều đã chết, nhưng người Do Thái thì không. Tất cả các quyền lực khác đã biến mất, nhưng người Do Thái vẫn tồn tại. Bí mật trong sự bất tử của người Do Thái là gì?”.

Câu trả lời không thể là cái gì khác TÔN GIÁO ─ một thứ tôn giáo đã thấm đẫm vào trong huyết quản của người Do Thái, trở thành NỀN TẢNG TƯ DUY và LẼ SỐNG TẤT YẾU của người Do Thái, trong đó ý thức về phẩm giá của con người được xác định rất rõ ràng, rằng Thánh Linh cao hơn mọi giá trị vật chất, và rằng người Do Thái sinh ra là để thực hiện một thiên chức cao cả ─ thiên chức của “dân được Chúa chọn”: chuyển tải thông điệp của Thiên Chúa đến muôn dân, đó là biết kính sợ Chúa và yêu thương đồng loại.

Với niềm tin sắt đá vào thiên chức của dân được Chúa chọn, người Do Thái luôn luôn sống trong một nền nếp kỷ luật chặt chẽ, sạch sẽ về tâm hồn, tập trung nỗ lực vào những việc có ý nghĩa nâng cao phẩm giá con người để xứng đáng với thiên chức cao quý, do đó đã tạo nên những kỳ tích không dân tộc nào sánh kịp.

Độc giả có thể tìm hiểu những kỳ tích đó thông qua loạt bài báo sau đây:

4/ Thay lời kết

Trong những năm 1930, bố tôi là một kỹ sư công chính tốt nghiệp khóa đầu tiên của Đông Dương, từng tham gia công trình xây dựng đường hầm xe lửa Bắc-Nam xuyên núi ở Nha Trang và các tỉnh Nam Trung Bộ, dưới sự lãnh đạo của một tổng công trình sư người Pháp. Theo lời bố tôi kể, ông tổng công trình sư này rất giỏi, tính toán kết cấu và chỉ đạo thi công khéo léo không thể chê vào đâu được. Mãi đến đầu những năm 1940 bố tôi mới biết ông tổng công trình sư đó là người Pháp gốc Do Thái. Tại sao lúc đó mới biết? Vì trong Thế Chiến II, người Do Thái trên khắp thế giới bị truy nã, gốc tích người Do thái mới bị lộ ra. Từ đấy bố tôi luôn miệng kể chuyện cho tôi nghe người Do Thái giỏi như thế nào ─ giỏi trên khắp các lĩnh vực, từ khoa học cho tới triết học, văn hóa nghệ thuật, và cả tài chính thương mại nữa. Kể từ đó tôi luôn luôn có một câu hỏi trong đầu: Tại sao dân Do Thái giỏi thế?

Đầu tiên tôi cũng hướng câu trả lời vào yếu tố di truyền, nhưng sau nhiều nghiên cứu tìm hiểu, nay câu trả lời đã rõ, như ở mục trên đã nói. Dân được Chúa chọn ý thức được sứ mệnh của họ. Và dường như Chúa không chỉ trao sứ mệnh cho dân tộc Do Thái nói chung, mà trao cho nhiều nhân vật Do Thái cụ thể. Chẳng hạn như Albert Einstein.

Hãy chú ý rằng Einstein không phải một học trò chăm học theo kiểu thuộc làu sách vở, mà là con người đầy ắp những câu hỏi trong đầu. Thậm chí có những môn học ông bị coi là lười biếng và không có khả năng. Trớ trêu thay, hai môn đó chính là toán học và vật lý. Ông từng bị một thầy dạy toán là Minkovsky (một nhà toán học lỗi lạc có đóng góp lớn trong việc xây dựng cái khung toán học cho không-thời-gian 4 chiều mà sau này Einstein sử dụng để xây dựng Thuyết Tương đối hẹp) mắng là “con chó lười biếng”. Một lần khác, ông bị điểm 1 môn vật lý, và thầy dạy vật lý khuyên Einstein nên chọn nghề nghiệp khác, vì không có khả năng về vật lý. Bản thân ông khi xây dựng Thuyết Tương đối hẹp, ông phải nhờ vợ ông là Mileva Maric giúp đỡ phần toán học. Khi xây dựng Thuyết tương đối tổng quát, ông lại phải nhờ Marcel Grossman, một bạn học, và Emmy Noether, một nhà toán học nữ gốc Do Thái, giúp đỡ phần toán học. Có nghĩa là toán học của ông không đủ để hoàn thiện lý thuyết của chính ông. Nhưng thiên tài “đánh hơi sự thật” của ông thì không ai sánh kịp. Tư tưởng của ông luôn luôn đi trước toán học. Toán học chỉ là công cụ để ông làm rõ sự thật mà ông cảm nhận được. Công thức E = mc^2 đến nay mặc dù đã được ứng dụng tràn lan, nhưng bí mật làm thế nào để Einstein khám phá ra công thức đó vẫn là một bí ẩn. Ở đây, công thức của Einstein đi trước mọi thí nghiệm. Thí nghiệm đầu tiên xác nhận công thức ấy thuộc về Lise Meitner, một nhà vật lý nữ cũng gốc Do Thái, thực hiện khoảng hơn 30 năm sau khi công thức của Einstein ra đời…

Tất cả những sự thật đó từng nói nhỏ với tôi rằng Einstein là người mang một sứ mệnh đặc biệt của Thiên Chúa. Nói cách khác, ông được Thiên Chúa mặc khải về khoa học, hoặc là “người được Chúa chọn” để khám phá ra những sự thật kỳ lạ mà nếu không, không biết bao giờ loài người mới có thể khám phá. Chính Einstein từng tiết lộ ý nghĩ này. Ông nói đại ý như sau: “Khi tôi khám phá ra Thuyết Tương đối hẹp, tôi nghĩ nếu tôi không khám phá ra thì có lẽ một ngày nào đó một người khác sẽ khám phá ra, chẳng hạn như Hendrik Lorentz hoặc Henri Poincaré, nhưng khi tôi khám phá ra Thuyết Tương đối rộng, tôi nghĩ nếu tôi không khám phá ra, không biết đến bao giờ loài người mới khám phá ra”. Câu nói này không ngụ ý tự đề cao, mà ngụ ý tính chất siêu trừu tượng của Thuyết Tương đối tổng quát, và gián tiếp thừa nhận rằng ông đã được Thiên Chúa mặc khải.

Để kết, xin bổ sung thêm một ý: Rất nhiều nhà khoa học hoặc triết học mà trước đây tôi từng ngưỡng mộ, tôi từng có ấn tượng rằng đó là những bậc tài trí siêu việt lỗi lạc nhất của thế kỷ 20, thì nay tôi ngạc nhiên thích thú khi được biết hóa ra đó là người Do Thái hoặc gốc Do Thái. Thí dụ:

Niels Bohr, đối thủ số 1 của Einstein, lãnh tụ của trường phái Cophenhagen, lãnh tụ tư tưởng và triết học của Cơ học lượng tử, người duy nhất dám đối đầu với Einstein trong tranh luận khoa học.

Henri Bergson, nhà triết học xuất sắc người Pháp chủ trương thuyết trực giác, đoạt Giải thưởng Nobel văn chương năm 1927, từng tuyên bố: “Hãy vứt hết những lý thuyết và những mớ giáo điều mà nền giáo dục đã nhồi vào sọ bạn, hãy tin vào cái trực giác có sẵn nơi con người bạn…”.

Emmy Noether, nhà toán học nữ đã giúp Einstein hoàn thành Thuyết Tương đối tổng quát

Lise Meitner, người được Einstein gọi thân mật là “Bà Curie của chúng ta”, nhà vật lý khám phá ra hiện tượng phân rã hạt nhân, cơ sở của vật lý nguyên tử.

Alexander Grothendieck, nhà toán học lừng danh người Pháp thuộc nhóm Bourbaki, từng sang Việt Nam giảng bài tại Khoa Toán Đại học Tổng hợp những năm 1960, đoạt Giải Field năm 1966

Bản danh sách mà tôi muốn kể có thể còn kéo dài vài trang nữa. Nhưng xin kết ở đây, để độc giả tự khám phá bí mật về tài năng Do Thái. Chắc chắn còn nhiều điều để ngạc nhiên hơn nữa.

PVHg, Sydney 23/05/2017

 

2 thoughts on “God’s Chosen People / Dân được Chúa chọn

  1. The Biblical God is the God of the Israelite, not the God of humanity!

    Bác thử bác bỏ luận điểm này xem? Con thì thua.

    Thích

  2. Cháu chào bác Hưng, rất cảm ơn bác, nhờ bác mà chúng cháu ở Việt Nam có cơ hội mở rộng tầm hiểu biết về đời, về đạo và khoa học. Cháu commen sau khi đã đọc bài của bác về những người tiên phong tạo ra bom nguyên tử, và môt loạt bài vừa qua về tác hại không tưởng của mạng xã hội, của AI. Xâu chuỗi lại cháu thấy có những dấu ấn to lớn của người do thái, nếu như những nhà bác học hàng đầu ( do thái ) như : Anhxtanh, Lise Meitner… chắp bút cho kỉ nguyên bom hạt nhân hủy diệt, thì bây giờ, trí tuệ AI ( điển hình ứng dụng google do Larry Page sáng lập ) và mạng xã hội facebook do Mark Zuckerberg , đều gốc do thái đang phá hoại bộ não , khiến cho con người ngày càng máy móc hơn và có nguy cơ bị robot thống trị , diệt vong. đấy là chưa kể dân do thái rất thích làm kinh tế, họ thao túng thị tường tài chính thế giới ở phố wall ( vì đạo của họ rất thiên về tiền tệ, đây là điểm mà môt thời, đạo thiên chúa rất lên án ) . Cháu rất mến bác, và đồng ý với bác các nhà khoa học với sự vị kỉ của mình đã “nếm trái cấm”, điển hình cho số đó là dân do thái.Cháu cứ thắc mắc tại sao dân tộc thông minh như thế lại bị đức quốc xã, bị đạo hồi và nhiều dân tộc khác ghét bỏ,, và cháu không bao giờ đồng ý với sự kì thị dã man đó, nhưng càng đọc cháu mới thấy có cái nguyên nhân của nó, gieo nhân sẽ trả quả, cái tội nếm trái cấm. Nếu bác nói dân chúa chọn thì cháu nghĩ một là chúa chọn sai mất rồi, hai là nếu chúa c đúng thì đó là điều chứng minh chúa đúng, nếm trái cấm và sẽ chịu con đại hồng thủy ( diệt vong)

    Thích

Bình luận về bài viết này