If God is omnipotent, why does evil continue to exist? In short, why does God allow sufferings? It is the hardest question which has made me wonder for a very long time. But eventually, I have found the answer: “God sends storms to show He is the only shelter”…
Nếu Chúa là toàn năng, tại sao cái ác vẫn tiếp tục tồn tại? Nói ngắn gọn, tại sao có đau khổ? Đó là câu hỏi khó nhất làm tôi băn khoăn trong một thời gian rất dài. Nhưng cuối cùng tôi đã tìm thấy câu trả lời: “Chúa gửi bão tố xuống để cho thấy Ngài là nơi trú ẩn duy nhất”…
Tiểu luận này nẩy sinh từ một lá thư của một người bạn trẻ, nhưng có những suy tư chín chắn của một người sâu sắc chững chạc. Đó là bạn Nguyễn Tri Phương, một kế toán tài chính nhưng không coi tiền bạc là mục đích cuộc sống, ngược lại luôn ấp ủ băn khoăn về những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa thật của cuộc sống và con người phải làm gì / nên làm gì để đạt được ý nghĩa đó. Những cuộc hội ngộ giữa tôi và bạn Tri Phương thường kéo dài không dứt, bất chấp sự chênh lệch tuổi tác dễ thường tới vài chục tuổi.
Lá thư bắt đầu từ một câu chuyện thuộc loại cổ học tinh hoa, và tôi xin lấy câu chuyện đó làm phần mở đầu cho tiểu luận hôm nay.
1/ Vì sao nghịch cảnh không phải là bất hạnh, mà chính là món quà của cuộc sống?
Đó là một bài viết rất hay trên Đại kỷ nguyên ngày 09/03/2017
Pháp sư Tinh Vân có một tuổi thơ nghèo khó và bần hàn. Mẹ ông vì mong cho con đỡ cơ cực nên phải nuốt nước mắt vào trong lòng, nén chịu đau khổ để gửi con trai mình vào chùa Dương Châu, hy vọng ông sẽ sớm nên người và giúp ích cho đời.
Một hôm, Tinh Vân được sư trụ trì thưởng cho một nắm hạt đậu. Đối với cậu bé nghèo Tinh Vân ngày ấy, đây quả thật là một món quà vô cùng quý giá.
Cậu bé quỳ xuống dập đầu tạ ơn, sư phụ bèn nói: “Mặc dù con đến đây vì nghèo khó, nhưng ta hy vọng con vẫn có thể tinh tấn tu hành, hoằng dương Phật Pháp”. Cậu bé mỉm cười gật đầu.
Ở chùa Dương Châu một thời gian, sư phụ đưa Tinh Vân tới Nam Kinh giao cho một vị đại hòa thượng và nói: “Đây mới là nơi tốt đẹp có thể giúp con tu học Phật Pháp.”
Khi sư phụ vừa rời đi, vị đại hòa thượng liền gọi Tinh Vân lại và bắt đầu hỏi: “Tinh Vân, tại sao con lại tới đây?”
Tinh Vân trả lời: “Dạ, sư phụ con bảo con tới đây ạ.”
Một gậy giáng xuống đầu cậu bé, vị đại hòa thượng tức giận trách mắng: “Con đến học Phật Pháp mà lại không có tâm mong cầu đến học, sư phụ bảo đến thì con mới đến thôi sao?”
Tiếp đó, đại hòa thượng lại hỏi lần thứ hai: “Giờ thì nói cho ta biết, tại sao con lại tới đây?”
Tinh Vân nghĩ một lát, rồi thay đổi cách trả lời: “Dạ, vì bản thân con mong muốn tới đây học Phật Pháp ạ.”
Đại hòa thượng lại đánh cho cậu một roi mạnh hơn và mắng: “Người xuất gia mà dám nói dối hả!”
Đại hòa thượng lại hỏi cậu bé lần thứ ba: “Tại sao con lại tới đây?”
Trong lòng Tinh Vân suy nghĩ: đáp án thứ nhất không đúng, đến đáp án thứ hai cũng không đúng, thế là với giọng trầm buồn cậu bé trả lời: “Sư phụ con bảo con tới đây và bản thân con cũng muốn tới học Phật Pháp cho nên con đến đây ạ.”
Hàng chục nhát roi lại rơi xuống người Tinh Vân làm cậu bé đau đớn tột cùng ngã nhào xuống đất. Đại hòa thượng trách mắng: “Còn nhỏ như vậy mà đã khéo léo không thành thật là sao!”
Đêm đó, toàn thân Tinh Vân đau đớn đầy vết thương, cậu bé nghĩ mãi mà vẫn không hiểu tại sao sư phụ yêu quý lại đưa mình tới nơi như địa ngục trần gian này. Lại nghĩ tới những giọt nước mắt của mẹ, cậu bé không khỏi tủi thân và bật khóc thành tiếng.
Bỗng nhiên cánh cửa phòng bật mở, vị đại hòa thượng bước vào làm cậu bé sợ hãi tới quỳ thụp xuống đất.
Nét mặt của đại hòa thượng đầy từ bi và hiền hậu, khác hoàn toàn so với ban chiều. Ông còn mang cả thuốc trị thương đến, vừa bôi thuốc cho Tinh Vân vừa nói với cậu:
“Tinh Vân con, những điều con nói chiều nay không có gì là sai cả. Bởi bài học đầu tiên ta muốn dạy con có tên là nghịch cảnh.”
Thế nào gọi là nghịch cảnh? Đó chính là sự vô thường trong cuộc sống này của chúng ta. Tất cả những đau khổ, hoạn nạn, bất công, bị ức hiếp, tai nạn, tử vong… đó đều là do vận mệnh đã an bài; không phải chỉ cần con làm đúng là có thể thoát ra khỏi nó; cũng không phải con làm sai điều gì thì mới chịu nhận sự trừng phạt này.
Đón nhận nghịch cảnh, con mới có cơ hội thay đổi vận mệnh của mình, hóa giải được những đau khổ mà nó mang lại cho con.
Người hiểu được triết lý này mới có thể thản nhiên chấp nhận sự khắc nghiệt của cuộc sống. Bình tĩnh và ung dung trước mọi sóng gió cuộc đời thì người đó chính là “người đắc đạo”.
Do vậy, nghịch cảnh không phải là bất hạnh, mà ngược lại đó chính là một sự ban ân. Thái độ của một người dám đương đầu với nghịch cảnh mới làm nên sự khác biệt giữa người đó và những người khác.
Không có ai mà cả đời đều thuận buồm xuôi gió. Quá trình trưởng thành của mỗi người chắc chắn sẽ có những lúc lao đao vất vả. Chúng ta có thể đau đớn, có thể bị tổn thương, có thể sẽ phải bật khóc; nhưng đừng nên đắm chìm trong sự bi thương đó quá lâu. Khi bình tĩnh lại, hãy thử suy ngẫm xem những vết thương này mang đến cho chúng ta bài học gì, giúp chúng ta tỉnh ngộ ra điều gì?
Khi rơi vào đường hầm đen tối, hãy thản nhiên từng bước từng bước đi ra, chắc chắn sau đó ta sẽ thấy ánh sáng và lối ra nơi cuối con đường. Nếu cứ mãi dừng lại trong đường hầm đó, thì sự đen tối mà nghịch cảnh đem lại sẽ không có dấu chấm hết. Đây không phải là sự tàn khốc của số mệnh, mà là sự tàn khốc do chính bản thân ta chọn lựa.
Có những khi nghịch cảnh là cảnh tượng đẹp đẽ nhất trong cuộc sống, phương pháp tốt nhất để đối diện với nó chính là sự bình tĩnh và ung dung từ nội tâm. Bình tĩnh chính là sự đúng đắn nhất khi đối diện với khó khăn. Và nếu trên thế giới này có xuất hiện kỳ tích, thì đó chính là khi người ta bình tĩnh thản nhiên trong nghịch cảnh…
2/ Thảo luận của Nguyễn Tri Phương
Nghịch cảnh là đau khổ, không ai muốn. Nhưng nghịch cảnh dường như là một phần không thể tránh của vận mệnh. Vậy có cách nào thay đổi vận mệnh để tránh khỏi hoặc giảm bớt nghịch cảnh không?
Thực ra vẫn có cách thay đổi vận mệnh, đó là đi vào con đường tu luyện chân chính, mặc dù tu luyện chân chính không nhằm mục đích “thay đổi vận mệnh”. Không bị vướng vào chấp trước này mới có thể bắt đầu tu luyện.
Vậy rốt cuộc tu luyện là gì mà có thể thay đổi vận mệnh con người ta? Các vị chân sư tu hành trong chùa có thể coi là tu luyện theo đạo Phật, các vị linh mục chân chính cũng đang tu luyện theo Thiên Chúa giáo, rồi giáo sĩ chân tu ở trong núi là tu luyện theo môn phái mật truyền của riêng họ. Nếu bỏ sang một bên các nghi thức và nghi lễ mang tính tôn giáo thì còn lại chính là các giáo lý, tư tưởng răn dạy con người sống cho tốt – sống Chân thật, Thiện lành, Nhẫn nại – và đa phần là không nằm ngoài những điều đó. Đọc Kinh Phật hay Kinh Thánh chắc chắn không có chỗ nào khuyên răn chúng sinh tranh giành, đấu đá, càng không vị kỷ, tự tư, thậm chí cũng không chỉ bảo người ta bái lạy/cầu nguyện trước Chúa/Phật để cầu an, tai qua nạn khỏi. Tóm lại, tu luyện chân chính nhất không phải là nghĩ lễ gì bí hiểm, cao siêu, mà chỉ đơn thuần là SỬA MÌNH, dù ở tôn/chính giáo nào cũng vậy. Tu là sửa, như “đại tu”, “trùng tu”, hay “tu bổ”. Thấy mình có gì sai thì sửa. Một ý niệm không tốt, mình bỏ nó đi. Một lời thị phi, chế giễu, bài xích, chê bai… định nói ra mình dừng nó lại, vậy là “tu khẩu”. Một hành động có thể gây ảnh hưởng xấu tới người khác, mình cũng không làm, nhận phần thiệt về mình. Gặp chuyện bất mãn mà không nổi nóng, cáu giận, sợ hãi… đó là “tu tâm”…
Nhưng tại sao tu luyện (sửa mình) như trên lại thay đổi được vận mệnh con người? Chúng ta thử nghĩ xem, ai mà hành xử được như trên thì dứt khoát đó là người tốt, và càng ngày càng tốt hơn, được nhiều người quý mến, nhiều người chịu ơn, nhiều người cảm khái. Nếu chẳng may người đó gặp hạn thì mọi người đều muốn cứu giúp, đền ơn báo nghĩa. Đó là lý do vì sao có một cụ bà dành gần hết cả đời chịu thiệt thòi bán cơm từ thiện không mong báo đáp, đến khi cụ khuất núi, mặc dù không có họ hàng gia quyến mà có tới 2000 người đến khóc thương. Nhiều người muốn giúp thì tất nhiên hạn lớn sẽ hóa nhỏ, thậm chí chuyển hung thành cát. Đó chẳng phải thay đổi vận mệnh sao?
Người tốt vừa thì có người biết, nếu tốt hơn nữa, tốt đến mức bỏ cả “bản ngã”, bỏ cả danh lợi cá nhân thì sẽ thấu đến trời xanh, Trời biết thì Trời sẽ giúp!
Người tu luyện chân chính, tuy không ở vào tình huống đặc thù như bà cụ, nhưng trong va chạm cuộc sống hàng ngày dùng tư tưởng đó để đối đãi, gặp mâu thuẫn thì nhận mình phần thiệt, bỏ dần tư tâm, luôn sống Chân thật – Thiện lành – Nhẫn nại, thì cũng chính là khiến bản thân ngày càng trở nên thuần tịnh, trong sáng. Sửa mình mãi lên đến vô cùng, một ý nghĩ xấu dù nhỏ cũng không còn nữa, tâm sáng như ngọc. Chẳng những thần thái khoan thai, độ lượng (tướng tùy tâm sinh), mà bệnh tật cũng không thể tìm đường xâm nhập được vào. Rồi chẳng những xem nhẹ những được mất nơi người thường, mà số mệnh người đó chắc chắn cải biến. Sống giữa xã hội bon chen, tạp nham đầy mưu lợi ngày nay mà tư tưởng được như vậy có khác nào sen mọc trong bùn, tỏa hương thơm ngát.
Vận mệnh vốn đã an bài cho từng người từ khi sinh ra. Tử vi, kinh dịch, các môn toán quái đã chứng minh điều đó. Hãy suy ngẫm kỹ câu nói dân gian truyền miệng: “Hãy cố gắng phấn đấu để thành công, vượt lên số mệnh”. Thực ra sự cố gắng rồi thành công của một con người vốn đã nằm trong số mệnh của người ấy rồi. Nói cách khác, số mệnh đã an bài là họ sẽ cố gắng và dẫn đến thành công, ta có muốn bảo họ không cố gắng cũng không được. Ví dụ nhỏ: ai không bao giờ nói bậy, ta bảo họ thử nói bậy một câu, họ sẽ ngượng mồm mà không thốt ra được. Kẻ ham chơi lêu lổng, bảo ở nhà dù chỉ một ngày, chắc chắn cũng không chịu nổi. Ham chơi lêu lổng tất sớm muộn cũng sẽ gặp điều không hay và đó là vận mệnh an bài cho họ. Với người tu luyện biết không ngừng sửa mình, vận mệnh được cải biến, vượt lên khỏi số trời, đó cũng chính là đã vượt ra khỏi người thường vậy, vượt lên khỏi người thường, chẳng phải là Thần sao?
Ai nhìn thấy được con đường tu luyện sẽ là may mắn nhất trong đời. Đó là nhìn thấy cánh cửa bước vào đại Đạo (gọi theo Phật Pháp là đại Pháp). Dù cách thức tu luyện có thể khác nhau nhưng lên đến rất cao thì sẽ dần tụ về với nhau.
Đại Pháp đã ở ngay trước mắt, nhìn thấy hay không chỉ khác nhau bởi một ý niệm!
3/ Kinh Thánh nói gì về đau khổ?
Chứng kiến bao nhiêu vấn nạn xã hội ngày nay, chứng kiến tình trạng đạo đức xuống cấp thảm hại như hiện nay, chứng kiến bao nhiêu đau khổ của con người ngày nay, thiết nghĩ bất kỳ người nào có lương tri cũng không thể không đặt câu hỏi “TẠI SAO?”.
Bản thân tôi đã tự hỏi như thế nhiều lần. Câu trả lời do tôi tự tìm ra cứ lần ngược dần dần về quá khứ. Lúc đầu tôi tưởng thời đại của mình mới có nhiều sự đau khổ đến như thế. Nhưng tôi lầm. Sự đau khổ kinh khủng đã bắt đầu từ nừa đầu thế kỷ 20, với hai cuộc thế chiến điên rồ. Truy nguyên, tôi khám phá ra rằng mầm mống dẫn tới hỗn loạn đã có từ thế kỷ 19, với những học thuyết quái gở như Thuyết tiến hóa Darwin. Một trào lưu bùng nổ đầu thế kỷ 19 đã tạo cơ sở xã hội cho học thuyết này sinh sôi nẩy nở, đó là sự hạ bệ Thượng Đế, mà cuốn “Tự Thú” (Confession) của đại văn hóa Lev Tolstoy đã xác nhận rõ ràng cả ngày tháng: đó là năm 1838, khi Tolstoy mới là một cậu bé 11 tuổi, xuất thân trong một gia đình truyền thống Thiên Chúa giáo, cậu đã choáng váng nghe một tin sét đánh ─ người ta đã khám phá ra rằng Thượng Đế không tồn tại! Tolstoy thú nhận đó chính là cột mốc xoay chuyển đời ông, đưa ông tới một cuộc sống hưởng thụ hư đốn, trụy lạc, vô nghĩa đến nỗi đã có lần ông định tự tử. Khát vọng nói lên sự thật với đời đã khiến ông ở lại để viết nên tác phẩm bất hủ: “Tự Thú” ─ một tác phẩm không chỉ cứu sinh mạng của nhà văn, mà còn cứu sinh mạng của toàn nhân loại, vì nó để lại lời nhắn nhủ quan trọng nhất cho con người, rằng sự vô ĐẠO sẽ dẫn tới cuộc sống vô nghĩa hủy diệt chính sự sống.
Bây giờ thì tôi biết rằng bao nhiêu thắc mắc về những sự bất công trên đời, về ý nghĩa thực sự của cuộc sống đều đã được trả lời trong Kinh Thánh, đúng như thầy tôi, GS Bùi Phụng, đã nói với tôi từ ngày xưa: “Nếu cậu chưa đọc Kinh Thánh thì coi như cậu chẳng biết gì cả”.
Câu trả lời cho những câu hỏi khó nhất về ý nghĩa cuộc sống có thể tìm thấy trong nhiều trang, nhiều chương, nhiều sách khác nhau trong Kinh Thánh. Nhưng tựu trung có hai câu trả lời lớn: Một, con người ngày nay vẫn mắc phải cái tội mà ông Adam đã mắc, đó là tội bất tuân phục Chúa, và thậm chí từ bỏ Chúa; Hai, vì con người có tội nên phải bị trừng phạt, phải được dạy dỗ mới có thể trở nên người đúng như ý Chúa muốn. Sự đau khổ và cái ác mà con người phải chịu đựng chính là hình phạt để con người được thanh tẩy, tỉnh ngộ.
Tất nhiên không dễ gì mà hiểu được những nghĩa lý đó. Lý thuyết sách vở không giúp được gì nhiều cho con người, nếu con người chưa chính mình trải nghiệm qua đau khổ. Đau khổ giúp con người hiểu Kinh Thánh, và Kinh Thánh giúp con người hiểu đau khổ!
Kinh Thánh là một cuốn sách vĩ đại. Nó có mặt trên thế gian từ hàng ngàn năm trước, được xuất bản và tái bản nhiều lần nhất trong số tất cả những cuốn sách đã từng được xuất bản trong thế gian, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, và đặc biệt, có sức sống bền bỉ lâu dài nhất: cho đến tận hôm nay, Kinh Thánh vẫn được RẤT NHIỀU NGƯỜI trên Trái Đất tìm đọc, nghiên cứu và suy ngẫm hàng ngày, như một cẩm nang chỉ dẫn mọi lời nói và hành động của con người. Ai cũng biết ở Mỹ, Úc và nhiều nước Tây Phương khác, các lãnh tụ phải đặt tay lên Kinh Thánh khi tuyên thệ nhậm chức. Mở đầu mỗi kỳ họp quốc hội ở Mỹ, ở Úc, các nghị sĩ phải cùng đọc Kinh Lạy Cha ─ kinh quan trọng nhất của Kitô giáo.
Có một giai đoạn loài người tưởng rằng không cần đến Kinh Thánh nữa, vì “Thượng Đế đã chết”. Người ta tưởng rằng con người có thể tự làm chủ vận mệnh của mình, không cần đến Chúa nữa. Gần đây, Richard Dawkins, một phát ngôn viên hàng đầu của thuyết tiến hóa, thậm chí còn tuyên bố “Chúa không chết, bởi vì Chúa chưa bao giờ sống”. Stephen Hawking cũng nói vũ trụ tự nó sinh ra từ hư không, không cần đến Chúa… Nhưng tất cả sự ngạo mạn ấy đều đã nhầm. Con người đang dần dần giác ngộ trở lại, rằng sự vô Đạo dẫn tới hàng loạt khủng hoảng: khủng hoảng chiến tranh, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng tội ác, khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng giàu nghèo,… và mọi thứ khủng hoảng khác. “Tự Thú” của Lev Tolstoy càng ngày càng tỏ ra sâu sắc gấp vạn lần so với những cái đầu trẻ con bốc đồng của Dawkins, Hawking,… Nực cười và tội nghiệp thay, Hawking không thừa nhận có Chúa, nhưng lại thừa nhận sự bế tắc của con người, và ông đề nghị giải thoát sự bế tắc đó bằng việc kêu gọi hãy sớm chạy khỏi Trái Đất lên các vì sao khác để sống (!). Cách đây vài năm, ông tuyên bố Trái Đất chỉ có thể sống trong vòng 300 năm nữa, gần đây chỉ còn 100 năm nữa (!!!). Khi đọc những tin tức đó trên báo chí, tôi cười thầm và nghĩ tới lời dạy của Aristotle khuyên học trò của minh là Alexandre Đại đế. Khi Alexandre kể cho thầy mình nghe những tham vọng chinh chiến của ông, và tâm sự rằng sau những cuộc chinh phục đó ông mới có thể ngủ yên, Aristotle liền bảo: “Sao con không ngủ yên ngay từ đêm nay đi?”. Tôi cũng muốn hỏi ông Hawking: “Sao ông không ở yên trên Trái Đất ngay từ hôm nay đi?”.
Có một cách để ngủ yên ngay từ hôm nay: trở về với ĐẠO!
Nếu cái ác và sự đau khổ làm cho bạn không chịu đựng nổi, hoặc điên lên tức giận, hoặc cay đắng uất ức vì sự bất công, thậm chí mất hết niềm tin vào cuộc sống, thì bạn hãy cố gắng bình tâm lại để suy nghĩ, vì mọi chuyện đều có lý do của nó. Mở Kinh Thánh ra, bạn sẽ tìm thấy những lời giải đáp. Cá nhân tôi, trong một thời điểm bế tắc về tinh thần, tôi đã vượt qua cơn bế tắc đó khi đọc Sách Gióp (Job), một sách trong Cựu Ước, một trong những sách hay nhất, tiêu biểu nhất về ý nghĩa của sự đau khổ trong Kinh Thánh mà bất kỳ một người học Đạo nào cũng không thể không đọc. Tôi thực sự choáng váng trước những đau khổ khủng khiếp mà ông Gióp phải chịu đựng, và bừng tỉnh để nhận ra rằng những đau khổ mà mình phải chịu đựng không đáng gì để phàn nàn thất vọng.
Theo quan niệm cổ truyền của người Do Thái, đau khổ là hình phạt đối với tội lỗi. Nhưng trong sách Gióp, ông này được công nhận là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, xa tránh mọi tội lỗi. Ông được Chúa chúc phúc, ban cho nhiều con, nhiều của, sang trọng, danh giá, khỏe mạnh, hạnh phúc. Rồi, bỗng nhiên, tai họa đổ dồn đến hạnh hạ ông. Con cái chết bất ưng, của cải, đầy tớ bị giặc đến cướp bóc hết, bản thân ông bị chứng bệnh ghê tởm, thối tha… Bạn hữu chê bỏ, chính vợ ông cũng mỉa mai ông… Những bài khuyên nhủ đầu tiên của ba người bạn ông Gióp giúp ông nhìn nhận tội mình để xin Chúa tha hình phạt, rút lại các hình khổ ông đang phải chịu. Thực thế, ba ông Ê-li-pha, Sô-pha, Ban-đát đã nói lên đúng tư tưởng cổ truyền Do Thái, nhưng ông Gióp vẫn tự nhận mình vô tội, Chúa để ông chịu đau khổ, hẳn đau khổ phải có ý nghĩa gì khác.
Ông Gióp cầu nguyện, xin Chúa minh xét cho ông, xin Chúa đích thân dạy bảo ông. Đến lượt ông Ê-li-u, người bạn trẻ nhất của ông Gióp, lên tiếng nói, dè dặt hơn, nhìn nhận đau khổ mang giá trị thử thách hoặc thanh tẩy, nhưng ông Gióp cũng không chấp nhận, vẫn cho đó là những ý tưởng không rõ ràng… và chưa thỏa đáng. Quả thật, phải đợi đến khi được nghe chính lời Thiên Chúa mới sáng tỏ vấn đề và chấm dứt mọi bàn cãi.
Thiên Chúa xác nhận ông Gióp trong sạch, tuy có điều đáng trách là ông muốn dò xem ý định của Thiên Chúa.
Sau đây là bài học Chúa dạy: ý nghĩa sự đau khổ là một mầu nhiệm của Thiên Chúa quan phòng. Loài người không thể giải thích hết mọi điều trên đời, càng không thể giải thích ý nghĩa của đau khổ. Duy có Thiên Chúa thấu hiểu và thống trị mọi sự. Loài người phải đặt tin tưởng hoàn toàn vào đức công minh của Thiên Chúa toàn năng, mặc dầu sức người phàm không hiểu nổi thánh ý Thiên Chúa.
Ông Gióp, đầy tớ Chúa, là hình ảnh báo trước của Chúa Ki tô, Đấng công chính, đã đau khổ, đã chết, đã sống lại, và là bài học an ủi các linh hồn đau khổ, càng chịu đựng nên, càng mở rộng lòng hơn để đón nhận niềm vui đầy đủ của Thiên Chúa ban.
Toàn bộ đoạn viết nghiêng ở trên là lời tóm tắt sách Gióp, trích từ cuốn Kinh Thánh do Tòa Tổng Giám mục Hà Nội xuất bản năm 1985, trong đó nêu bật ý nghĩa sâu xa của tấm gương đau khổ của ông Gióp. Đúng như lời tóm tắt đã nói, câu chuyện ông Gióp là bài học an ủi tất cả các linh hồn đã và đang đau khổ. Tôi vỡ nhẽ ra rằng không chỉ riêng mình đau khổ, mà rất nhiều người khác cũng đau khổ, và đau khổ của mình chẳng thấm gì so với đau khổ của rất nhiều số phận bi thảm khác. Tất cả những đau khổ này phải có một ý nghĩa nào đó mà có thể mình không biết hoặc chưa biết, để rồi hôm nay biết: đó là những bài học, những cuộc thử thách, đào tạo, rèn luyện để con người trở nên người hơn, và để có một cuộc sống thật sự tốt hẹp hơn trên trần thế này và sau trần thế này.
Nhưng nếu vì tôi mà ai đó dừng câu chuyện về ông Gióp chỉ ở lời tóm tắt nói trên mà không đọc kỹ toàn bộ câu chuyện thì quả thật tôi là người có lỗi lớn. Tôi thành thật có lời khuyên với những ai chưa đọc chuyện này thì phải đọc, nếu quả thật người ấy muốn giải thích nguồn gốc của cái ác và đau khổ trên đời. Đây, xin trích chuyện ông Gióp (chữ nghiêng, sách đã dẫn):
Một hôm các con cái Thiên Chúa đến trước mặt Chúa. Sa-tan cũng đến trước mặt Chúa cùng với họ. Chúa hỏi nó: “Mày ở đâu đến?”, Sa-tan trả lời: “Tôi đi chơi rảo khắp thế gian”. Chúa hỏi nó: “Mày có nhận thấy tôi tớ Ta là Gióp không? Ông là người có một không hai trên mặt đất: thanh liêm, chính trực, kính sợ Thiên Chúa và xa tránh mọi điều gian ác. Ông luôn quyết tâm sống liêm khiết, dù mày đã xin Ta làm hại ông”. Sa-tan trả lời: “Mạng đền mạng. Người ta có thể bỏ tất cả những gì mình có để cứu lấy mạng sống. Nhưng Chúa mà giơ tay chạm vào xương thịt ông; tôi thề rằng ông sẽ bỏ Chúa ngay”. Chúa phán bảo Sa-tan: Cho phép mày làm hại ông; nhưng phải tôn trọng mạng sống của ông”.
Sa-tan ra đi, và làm cho ông Gióp mắc bệnh hủi từ gan ban chân lên đến đỉnh đầu. Ông Gióp lấy mảnh sành để gãi và ngồi trên đống gio. Vợ ông bảo ông: “Ông còn kiên quyết giữ đưc liêm khiết nữa không? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa rồi chết đi!”. Ông trả lời: “Bà nói như một người mất trí. Chúng ta nhận hạnh phúc từ tay Chúa, sao chúng ta lại không nhận cả đau khổ nữa?”.
Tin Chúa như thế, vậy mà đau khổ lớn đến mức ông Gióp không thể không đau đớn thốt lên những lời than thở chua chát:
Thà không có cái ngày tôi sinh ra… Chớ gì sao mai đêm ấy mờ tối đi, … để tránh cho tôi khỏi nhìn thấy cảnh khổ! Chớ gì tôi chết ngay trong lòng mẹ, hoặc tắt thở ngay khi mới lọt lòng!… Mọi nỗi lo sợ của tôi đã thành sự thực, điều tôi kinh khiếp đang xảy đến với tôi. Tôi không được BÌNH AN, không được thư thái, không được nghỉ ngơi, chỉ đầy lo lắng… Ôi, nếu có ai cân được sự sầu muộn của tôi, và đặt lên cân nỗi cực khổ của tôi mà so sánh!
Vâng, có ai cân được nỗi cực khổ của ông Gióp để so sánh với nỗi khổ của mình không? Ngạn ngữ có câu: Mọi con lừa đều thấy đống hành lý trên lưng mình là nặng nhất. Sách vở cũng có câu: mọi người đều thấy chiếc thập giá mình phải vác trên vai là nặng nhất. Đau khổ mình phải chịu đựng là lớn nhất, nhưng may mắn và hạnh phúc mình được hưởng là nhỏ nhất. Bản chất ích kỷ làm cho con người oán thoán số mệnh, oán giân cha mẹ, oán giận Ông Trời, oán giận Chúa, oán giận luôn cả người đời, thậm chí căm thù người đời, cho rằng người đời là nguồn gốc mang cái ác đến cho mình, nguồn gốc làm cho mình đau khổ. Sự căm thù ấy một khi được nhân lên gấp bội thì hậu quả của nó là gì? Đó là cái mà người ta nói rằng tội lỗi chồng chất lên tội lỗi.
Xin trích thêm vài đoạn khác trong Kinh Thánh để thấy rõ hơn nguồn gốc của đau khổ và nghịch cảnh trên đời.
- “Chúa tạo ra mọi sự vì mục đích riêng của từng việc, ngay cả kẻ ác dùng cho ngày tai họa” (Sách Châm ngôn 16:4) / “The LORD has made everything for its own purpose, even the wicked for the day of evil” (Proverbs 16:4).
- “Hỡi con chớ khinh chê sự sửa phạt của Chúa, chớ ngã lòng khi Chúa trách mắng con, vì Chúa sửa trị kẻ Chúa yêu và đánh phạt kẻ Chúa nhận là con. Chúa dùng đau khổ để sửa dạy anh chị em. Thiên Chúa đối xử với anh chị em như đối xử với con cái. Có con nào mà cha không phải sửa phạt ư?” (Thư gửi các tín hữu Hebrews 12:5-7) / “My son, do not make light of the Lord’s discipline, and do not lose heart when he rebukes you, because the Lord disciplines the one he loves, and he chastens everyone he accepts as his son.” Endure hardship as discipline; God is treating you as his children. For what children are not disciplined by their father? (Hebrews 12:5-7)
Để hiểu Kinh Thánh, không thể tranh luận đao to búa lớn, không thể áp dụng những thứ logic thô sơ như 2 nhân 3 bằng 6. Ngược lại, người đọc phải học khiêm tốn, cầu thị, suy ngẫm, trầm tư, may ra mới hiểu được những ngụ ý Chúa nói, ẩn sau những câu chuyện mộc mạc, những lời lẽ giản dị, những truyện ngụ ngôn,… Xin trích vài ý kiến bình luận của những học giả nghiên cứu Kinh Thánh sâu sắc và có trải nghiệm cuộc sống phong phú.
Một nhà chính trị người Úc thế kỷ 18-19 là John Macarthur nhận xét:
“Mọi tình huống khó khăn xảy ra trong cuộc sống của một người có đức tin có thể dẫn tới hai kết quả trái ngược: nó có thể củng cố đức tin của người ấy nếu người ấy vâng lời Chúa và vẫn tin chắc vào mối quan phòng của Chúa, nhưng nó cũng có thể trở thành một sự xúi giục dẫn tới cái ác nếu người ấy nghi ngờ Chúa và không vâng lời Chúa” (Every difficult circumstance that enters a believer’s life can either strengthen him if he obeys God and remains confident in His care, or become a solicitation to evil if the believer chooses instead to doubt God and disobey His word).
Quả thật tôi đã từng chứng kiến những người Thiên Chúa giáo bỏ Đạo vì mất đức tin, do chứng kiến quá nhiều đau khổ và bất công không thể giải thích được. Có lẽ những người này theo Đạo nhưng không thấm nhuần Kinh Thánh.
Một nhà thuyết giáo người Anh là Charles Spurgeon nói:
“Gian nan thử thách dạy cho chúng ta biết chúng ta là cái gì; nó đào xới đất lên, và để cho chúng ta thấy chúng ta được tạo ra bởi cái gì” (TRIALS teach us what we are; they dig up the soil, and let us see what we are made of).
Câu nói trên có lẽ có ý nghĩa đặc biệt dành cho những người mắc bệnh tự phụ.
Một bác sĩ y khoa kiêm nhà truyền giáo Tin Lanh trong thế kỷ 20 là Martin Lloyd Jones bình luận:
“Rất khó để khiêm tốn nếu bạn luôn luôn thành công, vì thế Chúa trừng phạt chúng ta bằng sự thất bại vào những lúc cần thiết để dạy chúng ta biết nhún nhường, để giữ chúng ta trong một trạng thái khiêm tốn” (It is very difficult to be humble if you are always successful, so God chastises us with failure at times in order to humble us, to keep us in a state of humility).
Bình luận trên thật là tuyệt vời! Bản thân tôi cũng đã từng rút ra kết luận giống y như vậy, đơn giản vì tôi từng chứng kiến một số người gặp nhiều may mắn có thái độ sống ngạo mạn tự phụ, cho rằng mọi thành công của mình là do tài năng của mình mang lại. Họ còn tỏ thái độ diễu cợt đối với những ai tin vào Đấng toàn năng, coi niềm tin đó xuất phát từ bản chất yếu hèn.
Một bài báo trên mạng nhan đề “Tại sao Chúa để cho sự đau khổ và thử thách gian nan tồn tại?” (Why Does God Allow Suffering, Trials, & Tests?) đã trả lời: “Toàn bộ nhân loại phải chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta làm cho chúng ta rời xa Chúa” (All humanity suffers because we’ve separated ourselves from the Lord because of our sin).
Đó là đặc điểm để nhận ra người Thiên Chúa giáo: họ biết mình có tội, nên không dám kiêu căng. Họ hiểu được điểu ông Gióp nói: “Chúng ta nhận hạnh phúc từ tay Chúa, sao chúng ta lại không nhận cả đau khổ nữa?” / “Shall we accept good from God, and not trouble?” (Job 2:10)
4/ Kết luận
Có một khái niệm hơi lạ và không dễ tiếp nhận đối với những người không theo Do thái giáo và Thiên Chúa giáo, đó là khái niệm “dân được chọn” (chosen people). Nói chính xác hơn thì đó là khái niệm “dân được Chúa chọn”. Theo Kinh Thánh thì dân Do Thái là dân được Chúa chọn. Dù có đồng ý với nhận định đó hay không, nhưng có lẽ khó mà bác bỏ một sự thật là dân Do Thái là một dân tộc tài giỏi bậc nhất trên thế giới. Vậy mà dân ấy có quan điểm truyền thống cho rằng đau khổ là hình phạt đối với con người vì con người tội lỗi.
Khi người Cha dạy con, chắc chắn người Cha mong muốn người con phải biết vâng lời Cha. Vì thế có câu: “Chúa gửi bão tố xuống để chứng tỏ Ngài là nơi trú ẩn duy nhất” (God send storms to show He is the only shelter).
PVHg, Sydney 17/05/2017
Cháu xin gửi một vài ý kiến riêng cháu. Mong được chia sẻ cùng chú và các bạn.
1. NGUỒN GỐC
Một câu trả hoàn toàn trọng tâm, hoàn toàn không khó hiểu. Đó chính là đau khổ từ TỘI LỖI mà ra. Tội lỗi CỦA CON NGƯỜI chứ không ai khác.
Cháu nói như thế để thể hiện quan điểm của cháu về chữ “an bài” của vị sư dạy học trò nói trên. Nghịch cảnh không phải là một sự an bài được định sẵn cho một con người ngay từ lúc sinh ra. Có chăng, nó được an bài là vì bản thân chúng ta không thể chống lại hoàn toàn sự tự do tác động của người khác (hoắc các yếu tố khác nhưng suy cho cùng là cũng do con người) lên bản thân mình. Mà khi đã gắn với Sự tự do thì không phải là một hằng số cố định.
Ví dụ đơn giản nhất là bệnh tật từ thực phẩm. Sỡ dĩ có những bệnh tật này kia là do những thực phẩm mà chúng ta ăn phải, nguyên nhân cũng từ con người mà ra. Con người phá vỡ mọi cấu trúc hoàn hảo của thể thống nhất trong vũ trụ từ cái nhỏ đến cả cái lớn, từ bên ngoài lẫn chính chúng ta. Chiến tranh cũng do con người mà ra. Nghèo đói cũng do con người mà ra… Còn các hiểm họa tự nhiên, có ai dám chắc rằng, con người thời xa xưa đã không tác động và tích lũy để nó thành ra như thế? Khi mà gần đây nhất, xét vấn đề biến đổi khí hậu và sự sống toàn cầu thì nguyên nhân chỉ toàn là do…con người.
Xét trong một phạm vị nhỏ, thì nan đề đau khổ, ta có thể nói rằng không do ta, không do cha mẹ ta… nhưng chắc chắn nếu cứ truy vấn đến cùng thì: Thứ nhất là do con người (người khác, không phải những người bạn có thể biết). Thiết nghĩ, phép truy vấn này ai cũng làm được. Thứ hai là nhấn mạnh đến quá trình tích lũy xét trong tổng thể loài người. Những việc tội lỗi/sai trái mà con người từ bao đời tích lũy dẫn đến sự biến đổi trong thực phẩm, trong khí hậu, trong tư tưởng… dẫn đến tất cả nan đề đau khổ của ngày hôm nay.
*** Và cháu hiểu thêm về Satan.
Satan là ma quỷ. Việc chúng làm là cám dỗ loài người. Satan là một thực thể nằm bên ngoài con người, nhưng khi con người để cho cơn cám dỗ của nó thắng, thì chính cái ác/xấu/nghịch đó được gọi chung là Satan – Cái phần hiển lộ/thất bại trước cám dỗ ấy chính là Satan. Cháu không cho là bao gồm cả satan/Chúa trong con người. Cháu KHÔNG nghĩ như vậy. Vì như cháu đã nói, Satan nằm ngoài con người. Nhưng thứ mà cháu chắc chắn có trong con người đó là Chúa và Sự tự do. Cái ác chính là sự tự do không đi kèm với Chúa. Đơn giản vậy thôi. Mà nếu cái gì không gắn với Chúa, thì thuộc về Satan.
2. CHÚA KHÔNG TẠO RA ĐAU KHỔ, NHƯNG NGÀI ĐỂ CHO ĐIỀU ĐÓ XẢY RA.
Trong sách Giop. Sỡ dĩ câu chuyện được mô tả bằng cuộc trò chuyện giữa Chúa và Satan chẳng qua là cách kể chuyện đơn thuần cốt để tái hiện/hiệu ứng chậm cho tất cả mọi người đều hiểu mà thôi (vì Kinh Thánh là ý niệm của Chúa được điễn đạt bằng lời theo ngôn ngữ/cách thức của con người). Chứ cuộc nói chuyện đó nằm trong ý niệm cao siêu hơn chứ không phải diễn đạt bằng lời như vậy. Sỡ dĩ, cháu muốn nói như vậy, vì cháu muốn đưa cuộc nói chuyện của Chúa và Satan nằm dưới dạng tâm thức đường lối để (có thể) hiểu đúng về nó.
+ Thứ nhất. Chúa không tạo ra đau khổ. Đau khổ là do Satan gây ra
Khi Satan nói với Chúa về ông Giop là không phải nó là hỏi ý kiến Chúa rồi mới làm, mà nó như là một thách đấu vậy. Satan sẽ/chắn chắn làm như vậy với Giop để triệt hạ sự công chính của chính ông cho Chúa thấy. Đó là đường lối của nó.
Trong câu chuyện của Giop, Satan được hiện thực bằng một nhân vật cốt để hiện thực được một câu chuyện. Nhưng như cháu có nói về ý niệm Satan ở trên, thì trong tất cả những nan đề đau khổ khác của loài người chính là bao gồm khái niệm Satan nói trên.
+ Thứ hai: Chúa để cho điều đó xảy ra.
Lấy một ví dụ. Trong Cựu ước khi nói về vua Pharaoh. Kinh thánh chép rằng, Chúa đã làm cho ông ta ra cứng lòng. Nói như vậy là bằng diễn đạt của ngôn từ. Nhưng phải hiểu rằng, bản thân ông ta là tay cứng đầu trong sự độc ác và ngông cuồng của chính ông ta rồi. Chứ không phải Chúa làm. Mà nói như thế ý là CHÚA ĐỂ CHO ĐIỀU ĐÓ XẢY RA. Để cho sự cứng lòng của ông ta được thể hiện.
Chúa không làm phép để ông ta..mềm đi. Và cháu tin rằng, Chúa có làm phép lạ để ông ta mềm đi thì cũng vô ích. Thể hiện ở đâu? Biết bao nhiêu tai ương đã đổ xuống (đã được cảnh báo trước) trên cả Ai cập và chính gia đình ông ta, mà có thấy ông ta..mềm đâu? Và thực ra, Chúa cũng không cần phải làm mềm ông ta. Pharaoh là ai mà Chúa cần phải làm mềm ông ta, cần phải triệt tiêu ông ta (hay sự tự do cứng đầu của ông ta) để mới giải thoát được dân Do thái và thực hiện được ý định của Chúa chứ, ông ta là gì chứ? Cho nên đỉnh cao của các tai ương, ông ta vốn đã để cho dân Chúa đi. Nhưng như chúng ta thấy, sự cứng lòng tiếp tục được thể hiện khi ông ta cho quân đuổi bắt dân. Và Chúa đã làm phép lạ tách nước qua ông Mose, chứ không phải qua việc tác động và Pharaoh.
Cho nên một người tin Chúa và khi thốt lên rằng đó là ý Chúa, thì phải hiểu là mọi việc làm là của con người, nhưng chính Chúa lại để/không để cho điều đó xảy ra. Đó mới chính là sự chủ ý can thiệp của Ngài. Cho nên, khi một người tin Chúa dâng lời cầu nguyện, phải hiểu rằng đó là lời xin Chúa để/không để cho điều gì đó xảy ra trong một sự “an bài” được sắp sẵn (bởi con người).
+ Thứ ba: chủ đích của Chúa để/không để cho một điều xảy ra/không
Cháu nghĩ, khi đã hiểu hai vấn đề trên thì tới vấn đề thứ ba này mới rõ được ý định của Chúa. Chúa để cho đau khổ xảy ra (chứ không phải ban/tạo mới) để thử thách/dạy dỗ/tỏ rõ sự hiện diện, yêu thương.. của Ngài nơi chúng ta. Và vì Ngài là Đấng uy quyền, là Đấng làm chủ lịch sử không những lịch sử thế giới mà cả lịch sử của một đời người, không chỉ là lịch sử của một đời người mà cả lịch sử của chỉ là một chú chim trời và ngay cả một sợi tóc.
Nói tới đây, cháu xin được gợi nhớ đến một trong những tổ phụ là Giuse. Được cha thương hơn các anh em khác, thì ông đón nhận thôi, không làm gì sai cả. Nhưng các anh vì ghen tức mà bán em mình sang Ai cập. Qua Ai cập, Giuse chịu biết bao tai ương, đau khổ (do con người gây ra) nhưng tuyệt nhiên vẫn giữ đức công chính mà Chúa đã truyền dạy. Và ý Chúa thể hiện ở đây là Chúa để cho điều loài người đã làm với Giuse được xảy ra và biến ông thành một người công chính lại càng công chính hơn. Và thứ hai, minh chứng rằng, Chúa là người có thể lật ngược lịch sử của cuộc đời Giuse. Khi từ trong tù tội, ông được đưa vào hàng tể tưởng của vua Ai cập và sau này lại là trụ cột để quay lại cứu gia đình ông (và dân Chúa) thoát khỏi nạn đói.. Một lần nữa, chúng ta càng thấm thía câu nói “Phiến đá mà người thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tưởng – Đó, đó chính là công trình kỳ diệu của Chúa trước mắt chúng ta…”
Chúa dùng chính cái mà con người nghĩ rằng là tội lỗi, là đau khổ để quay trở lại làm nó trở nên diệu kỳ. Đó chính là công trình của Chúa trong mọi việc mà ta đã thấy. Satan tưởng rằng những thử thách đó sẽ làm Giop phản bội. Nhưng chính những điều đó nếu không thể giết chết đức tin của ông, thì sẽ giúp Giop tiến lên một bước cao khác trong hành trình đức tin và sự công chính của mình thêm thôi. Và bằng cách hiểu và đức tin trong Chúa, chúng ta cũng vậy.
==> Nếu dùng cách nghĩ này, thì toàn bộ Cựu Ước tái hiện một hình ảnh Thiên Chúa đầy lòng nhân từ chứ không phải là một Thiên Chúa chủ động chăm chăm trừng phạt và sửa dạy dân Người. Là thực hình ảnh một Thiên Chúa suốt ngày đi theo Dân Ngài để lo lắng cho nó, để cân đo từng chút một những tai ương ập đến xem có nên để/không để cho nó xảy ra hay không, để trên hết là yêu thương, bảo vệ nó nhưng phải dẫn nó theo đường ngay nẻo chính.
4. Sống theo Đạo.
Nan đề đau khổ có hai điều: Thứ nhất không do Chúa tạo ra và thứ hai do con người (Satan) tạo ra. Vì vậy, xét cụ thể một người. Thì có hai nguồn đau khổ: Do chính ta tự tạo ra cho ta và do người khác (bên ngoài) tạo ra cho ta.
+ Nguồn 1: Ta phải tập sống theo Đạo để diệt được cái này. Bên Công giáo thì sống theo lời Chúa dạy. Ai theo Phật thì cũng tu sửa như vậy, ai chiều theo lương tâm (lương tâm nội tại/sơ khởi – chứ không phải lương tâm đã bị vẫn đục) mà sống thì cũng như vậy. Để thứ nhất, bớt đau khổ/bớt vô minh cho bản thân. Và thứ hai, tránh để mình trở thành nguồn ác/satan/nguyên nhân cho nan đề đau khổ của người khác,và lại đẩy con người và vũ trụ vào cái vô minh/trật đường/hủy diệt..
+ Nguồn 2: Theo Cháu, đạo Phật không giải quyết được điều này (cháu xin nhắc lại là theo ý kiến và hiểu biết của cháu). Vì đó là biến bên ngoài nội tại hàm số. Vì đó là giả định của x (cái mà trước đây cháu làm toán là ghi đầu tiên, ví như x rất nhỏ, x mặc định thế này/thế kia) mà bất cứ giải một bài toán nào đều có nguyên một loạt các điều như thế.Vì đó là trong các mô hình phân tích kinh tế, những giả định về thị trường/thông tin hoàn hảo gần như chẳng thể thiếu. Vì đó là đứng dưới góc độ phân tích năng lực của một doanh nghiệp, thì những tác động vĩ mô không bao giờ là một hằng số xác định. Vì đó là vấn đề của một đất nước không tránh khỏi được những tác động của thế giới…
Đạo Phật đưa ra cho chúng ta một vòng tròn. Chúa đưa chúng ta một đường thẳng đứng với hướng ra và lên trên. Và cũng vậy, bởi vì tự do của con người là một điều vô giá và không bị chi phối bởi điều gì nên nguồn đau khổ số 02 này vẫn mãi là một biến số. Cho nên, Chúa Jessus đến thế gian cũng không phải là để giải quyết hết mọi đau khổ thuộc về trần gian này. Chúa Jessus đến còn là để minh chứng/là gương cho ta cách đối mặt với đau khổ và hướng lên trên, hướng về Trời. Hướng về sự mầu nhiệm của đau khổ trong Thiên Chúa.
Bài viết, có lẽ đã hơi dài mặc dầu lòng cháu vẫn còn muốn chia sẻ thêm nữa. Nhưng cháu xin dừng lại ở đây. Cháu chỉ xin nói thêm điều này. Cháu nhớ một câu trong comment của anh Lâm mà cháu rất lưu tâm. Đó là Những đau đớn trong tinh thần và thể xác của con người là điều có thật. Nan đề đau khổ là có thật. Kể cả từ nguồn 01 hay 02 thì đều không thể tránh khỏi. Chúa không xem đau khổ là một ân ban để cứ gửi xuống/xét phạt con cái của Người. Nhưng với cháu, đau khổ là một khí cụ trong tay Chúa, để Ngài làm ra những điều nhiệm màu cho ta. Chính qua tay của Chúa, qua đau khổ, chúng ta sinh hoa trái cho đời, khi đó, đau khổ mới có thể biến thành một ân ban/mầu nhiệm.
Cháu liên tưởng đến hình ảnh một người Cha trần thế vậy. Ông ta dùng roi để sửa phạt con mình khi nó không ngoan. Chứ không ai lại đi tạo ra tình huống đói/khổ.. để dạy nó cả. Mà điều trước nhất đó là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới nuôi dạy được trẻ. Và đánh đòn là một công cụ để sửa dạy(khi nhận ra là cần thiết). Một đứa trẻ không phải lớn lên trong đau khổ/bất hạnh mà thành người – nói như vậy là đúng nhưng không đủ. Đau khổ/bất hạnh ấy của đứa trẻ phải gắn với tình yêu trong hoàn cảnh gia đình nhất định, chứ không thì chỉ có khiến đứa trẻ trở nên bụi đời và giang hồ mà thôi. Cái chính là Tình yêu.
– Chúc Chú Hưng và các bạn bình an, nhiều niềm vui!
ThíchĐã thích bởi 2 người
Kính gửi basc Hưng!
Cám ơn bác Hưng vì một bài viết rất sâu sắc, uyên bác, thiết thực, nhắc nhở con người trong thời đại ngày nay cần thức tỉnh. Theo quan sát của cháu thì xã hội bây giờ phần lớn mọi người chỉ chạy theo vật chất, coi vật chất là quan trọng nhất, là thước đo giá trị của con người, cho nên hầu hết chỉ nghĩ đến cách làm giàu, bất chấp nỗi đau của đồng loại, thương trường là chiến trường, cá lớn nuốt cá bé. Tạo ra nghiệp chướng, gây đau khổ cho mọi người không hề cảm thấy áy náy lương tâm. Nhờ đọc sách và nghe chuyện của các bác, các chú, cháu được biết ngày xưa con người sống trong bình an lạc đạo, coi đạo đức tu thân mới là cái làm nên giá trị con người. Ngày nay, con người xa dần Đạo, coi thường Đạo, hoặc vô Đạo. Vì không hiểu Đạo nên con người sống ích kỷ theo bản năng, lòng dạ hẹp hòi, tham lam, kiêu căng, tự phụ, đầy tội lỗi… Đạo Phật gọi là tham, sân, si. Đó là nguồn gốc của mọi đau khổ. Ngày nào trên phương tiện truyền thông cũng có chuyện đau khổ xảy ra: tai nạn liên hoàn, đâm chém nhau chỉ vì một câu nói hoặc một cái nhìn chướng mắt, ghen tức trong làm ăn, cạnh tranh mà phải đánh nhau, thuê người truy sát đối thủ, trộm cướp hoành hành, mâu thuẫn vợ chồng con cái, anh em, họ hàng cũng có thể giải quyết bằng vũ lực, thậm chí giết nhau… Chính tội lỗi của con người mang lại đau khổ cho bản thân con người. Đạo Phật nói kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình! Đạo Thiên Chúa cũng nói con người tạo ra đau khổ chính từ những tội lỗi của mình. Cho nên, xã hội muốn văn minh phải giáo dục con người sống theo Đạo, đề cao Đạo lý, coi trọng tôn giáo để cho con người sống bên nhau một cách hài hòa, bình an, viên mãn, không phải lo lắng tranh đấu thắng – thua và không phải trả giá cho đau khổ rồi mới tìm ra phương cách tốt hơn hay không?
Nhiều lúc cháu suy nghĩ về những nền văn minh cổ đại nổi tiếng, rực rỡ một thời trên Thế Giới tại sao nó lại bị biến mất một cách bí ẩn không sao lý giải nổi và chỉ để lại những dấu vết ít ỏi cho đến tận ngày nay, ví dụ như những nền văn mình: Ai cập cổ đại, Maya, Angkor…Phải chăng là Chúa muốn để lại những dấu chứng ấy để cảnh báo cho nhân loại hiểu rằng nếu con người hiện đại của ngày hôm nay, chúng ta vẫn sống đầy tội lỗi, tàn ác với nhau mà không biết sống đúng với những lời răn dậy của Người: Yêu thương và tha thứ, tử tế, nhân hậu…. rồi sẽ đến ngày chính nền văn minh hiện đại này cũng sẽ bị Chúa trừng phạt biến mất, giống như trong Kinh Thánh có kể về Chiến thuyền của ông Noah trong cơn Đại Hồng Thủy, chỉ để lại một dấu tích bí ẩn mà thôi?
BM
ThíchThích
Cháu cũng để ý 2 câu trong Kinh Thánh sau đây:
John 12:40: “Ngài đã khiến mắt họ mù, lòng họ cứng, hầu cho mắt chẳng thấy, lòng chẳng hiểu, không tự hồi cải, và ta chẳng chữa lành cho” (He has blinded their eyes and hardened their heart, lest they see with their eyes, and understand with their heart, and turn, and I would heal them. ”
2 Corinthians 4:4: “Đó là các kẻ tkhoong tin vì họ bị ác thần thế gian làm mờ tối trí khôn họ, không để họ xem thấy ánh sáng rực rỡ của Phú Âm Chúa Ki-tô, chính Người là hình ảnh của Chúa” (In their case the god of this world has blinded the minds of the unbelievers, to keep them from seeing the light of the gospel of the glory of Christ, who is the image of God).
Cũng như chị Anna Đỗ giải thích về Pharaoh, ta hiểu rằng, Chúa không hề tác động hay làm cứng lòng những con người tội lỗi, mà sẵn bản thân họ đã cứng lòng rồi. Chính chúa của đời này là Satan đã làm mù lòng họ chứ không ai khác và cũng chính họ đã chọn nghe theo điều xấu, điều dối trá. Như vậy thì ai có lỗi ? Con cá cắn câu với người đưa ra mồi câu thì con cá có lỗi trước tiên hay người đưa câu ?
Sứ đồ Phao-lô là tác giả của 14 lá thư trong phần Kinh Thánh Tân Ước. Và đây là lý luận của Phao-lô về vấn đề tội lỗi
Lý luận của ông có thể tóm lược như sau:
– Mọi người đều biết sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, là Đấng tạo ra vũ trụ và muôn loài, muôn vật nhưng có người không thờ phượng Ngài
– Mọi người đều sống dưới luật pháp của Ngài: luật thành văn hay bất thành văn là lương tâm
– Mọi người sẽ bị Đức Chúa Trời phán xét và dưới nhãn quan của Chúa, mọi người đều có tội. Vì có tội nên mọi người phải bị phạt.
Rô-ma 1: 18-21.
“ Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm ”.
1. Phao lô viết về “cơn giận của Đức Chúa Trời”. Chúng ta biết nhiều về một Đức Chúa Trời yêu thương, một Đức Chúa Trời ân sủng và chúng ta có bao nhiêu bài ca tôn vinh đề cao Đức Chúa Trời qua hai đặc tính này. Cơn giận của Ngài là thái độ bất đắc dĩ của Ngài để chống nghịch lại với những gì bất khiết.
– Chừng nào Đức Chúa Trời còn là Đức Chúa Trời thì Ngài không thể không để ý đến tội lỗi.
– Chứng nào Ngài còn là Đức Chúa Trời, Ngài không thể làm ngơ để nhân loại phải bị diệt vì tội lỗi.
Tóm lại, Đức Chúa Trời thánh khiết không bao giờ chấp nhận tội lỗi trong bất cứ tình trạng nào.
Câu 18 cho chúng ta biết, cơn giận của Đức Chúa Trời được tiết lộ từ thiên đàng để đáp trả lại sự kiện loài người từ chối chân lý. Vì vậy cơn giận không bắt nguồn từ Chúa. Nó bắt đầu từ con người.
Vì con người từ chối chân lý tức là từ chối sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, nên Chúa phản ứng lại. Đức Chúa Trời giận vì không những loài người vô thần mà còn bắt bẻ chân lý. Động từ “ bắt hiếp lẽ thật ” được hiểu là trước Chân Lý, với những chứng cớ rõ ràng sờ sờ như vậy, loài người vẫn bẻ cong, từ chối để làm điều trái ngược lại.
2. Vì bẻ cong chân lý nên con người sống sai trái với luật pháp của Ngài. Luật pháp đó có thể là loại thành văn hoặc có thể dưới hình thức của lương tâm. Mọi người biết giết người vô tội là sai, nói dối là không đúng, gian tham của người là xấu … Vì sống sai trái nên trước mắt Đức Chúa Trời, tất cả loài người đều có tội
3. Vì con người có tội nên con người phải bị trừng phạt
Đối với Phao-lô, sự lầm lạc về đạo đức sẽ đưa đến hậu quả là lầm lạc về đức tin.
Chúng ta sống theo niềm tin của mình. Tin vào tiền, con người tập trung vào việc kiếm tiền và thờ tiền. Tin vào quỷ thần, người đó sẽ sống theo sự hướng dẫn của quỷ thần. Một khi chúng ta quyết định quay lưng với Chúa thì hậu quả tất nhiên là dòng sông tội lỗi sẽ chảy ngập tràn vào đời sống của chúng ta. Chỉ có một thứ có thể ngăn cản dòng nước đó là sự ép buộc của lương tâm. Nhưng điều tệ hại là tự mình, với lý trí của con người, con người không sao cản ngăn được sự phạm tội và không có môt ngoại lệ nào. Mọi người có khuynh hướng bẻ cong chân lý về Đức Chúa Trời
Câu hỏi đặt ra là chân lý về Đức Chúa trời là gì ? Sự thật về Đức Chúa Trời là gì mà hầu như mọi người đều có khuynh hướng bẻ cong theo ý của mình? Phao-lô trả lời câu hỏi này trong câu 19 và 20.
“Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được”
Câu này có thể viết lại cho dễ hiểu: “ Vì những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, kể cả quyền năng vĩnh cửu lẫn thần tánh của Ngài, thì từ thuở sáng tạo vũ trụ đã được thấy rõ nhờ nhận thức qua những tạo vật nên họ không còn cách nào để bào chữa được.”
Mục sư Douglas Moo có một giải thích rõ ràng về câu 20 này như sau:
“Loài người biết bản chất thật sự căn bản của Đức Chúa Trời vì họ lĩnh hội hay nhận thức Ngài qua những điều mà Ngài đã sáng tạo. Họ nhận thức được điều gì ? Chính họ nhận chân được bản chất của Ngài và cũng chính họ bẻ cong sự thật về Ngài bởi lòng bất chính và xấu xa nên loài người chịu trách nhiệm trước cơn giận của Đức Chúa Trời.”
Một điều thật rõ ràng là loài người biết về Đấng Tạo Hoá. Không ai có thể nói ” tôi không biết gì cả về Ông Trời ” hay “ tôi không hiểu có Ông Trời hay không ”, bởi vì bằng chứng về Đức Chúa Trời quá nhiều và rất rõ ràng.
– Chân lý về Đức Chúa Trời được thấy rõ ràng qua sự sáng tạo của Ngài
– Chân lý đó sờ sờ trước mắt cho mọi người.
– Chân lý đó ai ai cũng hiểu và ai cũng có thể xem xét.
Điều này chứng minh rằng, dù văn hoá nào, Đông hay Tây, dù sắc dân nào hay màu da gì, mọi người đều biết có một đấng tối cao, Thượng Đế. Như Pascal nói: “ Tự trong lòng của con người, có một lỗ trống của Đức Chúa Trời. ”
Bởi vậy, sự hiểu biết về Chúa Trời là hoàn toàn có thể. Nhưng nhân loại đã xuyên tạc về Chúa theo sự ưa thích của chính mình.
Sách Thi thiên 14:3 cũng ghi: “ Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết. Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích. Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. Họng chúng nó như huyệt mả mở ra; Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang. Miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng. Chúng nó có chơn nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu. Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn. Chúng nó chẳng hề biết con đường bình an. Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó. Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời; vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi. ”
Con người ( những người dân ngoại không phải dân Do Thái ) dù sống không biết luật pháp nhưng đã có lương tâm dìu dắt hướng dẫn. Đức Chúa Trời dùng đạo đức lương tâm để phán xét những người này. Và Kinh Thánh cho biết, dù dưới luật pháp hay dưới lương tâm, con người đều phạm tội.
Phao-lô lập luận rằng luật pháp của Chúa được viết trong lòng của mỗi người. Phao-lô cho rằng những nguyên tắc đạo đức của luật pháp Đức Chúa Trời được viết trong lòng chúng ta.
– Theo bản ngã, chúng ta biết giết người vô tội là sai
– Theo bản ngã, chúng ta biết ăn cắp là sai
– Theo bản ngã, chúng ta biết nói dối là điều không nên làm
– Theo bản ngã, chúng ta biết ham muốn của người khác là sai
– Theo bản ngả, chúng ta biết chúng ta phải kính trọng cha mẹ mình
– Và chúng ta biết Thượng đế tạo ra con người và loài người phải thờ kính Ngài.
Con người có lương tâm. Lương tâm hướng dẫn con người sống theo tiêu chuẩn đạo đức. Vào thời kỳ luật pháp chưa được viết ra, con người sống qua sự ràng buộc của lương tâm. Khi làm sai, lương tâm cáo trách, cắn rứt. Và con người biết phân biệt điều tốt và điều xấu.
Nhưng con người cũng nổi loạn bất chấp những bằng chứng rõ ràng về Chúa. Con người tội lỗi cũng cố ý chối bỏ điều có thể biết được về Chúa và tìm kiếm những đường lối né tránh lẽ thật. Vì con người vốn dĩ không tìm kiếm Chúa, nên chính Ngài phải tìm kiếm con người. Và quả thật Ngài đã làm như vậy ( thông qua Chúa Jesus )
Ví dụ nữa:
92 năm trước, một cuộc cách mạng Cộng Sản vô thần bùng nổ tại Nga. Cộng Sản cho rằng tôn giáo là thuốc phiện và dạy dỗ dân Nga trong suốt ba thế hệ rằng không có ông Trời. Họ đóng cửa nhà thờ, bắt bớ đánh đập các Mục sư, giám mục và các tu sĩ. Nhưng sự thật được phơi bày. Sau 92 năm, những tín đồ không bao giờ bỏ đức tin của họ, vẫn âm thầm thờ phượng Đức Chúa Trời dù trong giờ phút đen tối nhất. Bây giờ trường học đã bắt đầu cho dạy phúc âm, các Mục sư được hầu việc Chúa tại các bệnh viện, trong các nhà tù và nhà thờ được mở cửa trở lại với đầy đủ tín đồ. Tại sao Cộng Sản Nga thất bại trong chủ trương tiêu diệt tôn giáo ? Vì
(1) Khái niệm vô thần không chinh phục lòng của con người.
(2) Trong lương tâm của con người có sự hiện diện của một Thượng Đế quyền năng.
(3) Con người đói khát về một Đấng Tể Trị vũ trụ và muôn loài. Chủ nghĩa Cộng Sản không có khả năng lấp đầy hay thay thế những căn bản trong tâm linh của con người.
(4). Khái niệm về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thật rõ ràng cho mọi người nhất là cho những người ngoại đạo là những người chưa từng nghe nói đến Phúc Âm, chưa từng đọc quyển Kinh Thánh.
Và một điểm chính yếu, đó là: Chúng ta không cần có Kinh Thánh mới thấy hay hiểu được hai sự kiện trên. Cũng không cần phải đến nhà thờ mới hình dung ra điều này. Rồi cũng không cần nghe Phúc Âm mới biết Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao. Sự thật này đã bày ra sờ sờ trước mắt mọi người. Chân Lý này không ai có thể không biết và không ai có thể nhầm lẫn được.
Chứng cớ ở khắp mọi nơi, càng quan sát càng thấy thêm chi tiết về Creator.
Thế giới này chính là căn nhà của Đức Chúa Trời tạo dựng ra. Ngài để lại bao nhiêu chứng cớ về Ngài. Khắp mọi nơi, đâu đâu cũng có chứng cớ về Ngài.. Đứng nhìn ra biển, ngước mắt nhìn lên núi, dòm xuống vực sâu, đâu đâu cũng có hình bóng của một Đấng Toàn Năng.
Không ai có thể bỏ sót hay không nhìn thấy chứng cớ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Ngài ấn chứng, Ngài đóng dấu, Ngài ký tên trên khắp mọi vật mọi nơi. Thế giới này “ made by God ”
Cháu cũng liên tưởng đến bài học tên là ” Thuốc ” ( tác giả Lỗ Tấn ) trong sách văn 12. Trong đó, đại ý là người Trung Quốc thời bấy giờ mê tín, cho rằng có thể lấy máu người để chữa bệnh lao, nhưng rốt cuộc thì con bệnh vẫn chết. Bài đó nói lên sự u mê, đớn hèn, mông muội của quần chúng bấy giờ. Và Lỗ Tấn kêu gọi người Trung Quốc phải tỉnh giấc, không được ngủ mê trong cái ” nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ “.
Chính Lỗ Tấn từng muốn làm nghề y, nhưng sau đó ông đã thay đổi ý định vì ông nhận ra rằng ” ” chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần “.
Bác Hưng có thể tìm hiểu rõ hơn về Lỗ Tấn vì cháu nghĩ bác có thể dùng nhan dề của Lỗ Tấn để viết những bài viết sau này.
Bản thân cháu thấy rằng con người không những cần chữa bệnh tinh thần mà còn cần chữa bệnh tâm linh nữa vì con người đang đui mù thuộc linh ( spiritual blindness ).
Con người hiện nay chỉ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất. Họ chỉ lo chữa bệnh về thể xác, và vấn đề bảo hiểm thì cũng có đủ mọi phương diện, nhưng riêng về ” bảo hiểm linh hồn ” thì gần như không một ai màng đến.
Lâu nay người Việt tin văn hoá của người Trung Hoa, bây giờ tin thêm văn hóa Hàn Quốc, và chủ nghĩa vật chất của Tây Phương. Người Việt tin vào đủ loại thần thánh và ma quỉ như sử gia Trần Trọng Kim nhận xét trong Việt Nam Sử Lược, đó là: “Hay tin ma tin quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tông giáo nào cả.”
Tâm linh ảnh hưởng lên tinh thần; sức khỏe tinh thần ảnh hưởng lên thể chất. Cháu e rằng, dân tộc nào không đi tìm Đức Chúa Trời để Ngài ban cho sự khôn ngoan, thì rất có thể dân tộc ấy sẽ khó tránh được họa diệt vong, như Chúa đã từng cảnh cáo dân tộc Do Thái: ” Dân ta bị diệt vì thiếu kiến thức ” (Ô-sê 4.6).
ThíchThích
Rất cám ơn chú Hưng đã chia sẻ bài viết và thêm phần bình luận quý giá.
Điều cháu cảm kích nhất là một người con Công giáo vẫn có thể đón nhận tư tưởng tổng hòa về Đạo, có thể trao đổi và cùng nhận ra ngôn ngữ, cách thức, thậm chí tôn giáo chỉ là sự khác nhau ở trên bề mặt, ở tầng gần với sự tiếp nhận của con người. Cháu nghĩ đại Đạo nếu chỉ dùng ngôn ngữ thì sẽ không thể diễn đạt cho đủ, càng nhiều giáo lý càng khó đi lên. Lão Tử từng nói “Đạo khả đạo phi thường Đạo” – Đạo mà có thể chỉ mặt đặt tên, định nghĩa, mô tả thì không phải là Đạo. Ngay bản thân từ “Đạo” đó là cũng khuôn ép cái đạo lý đất trời vào. Thế cho nên trong các chính giáo mới cần nhiều kinh sách, nhiều câu chuyện đủ để mô tả cho người thường chúng ta “hiểu” rồi “ngộ”, theo hướng các chính giáo đó.
Tương ứng như vậy cháu mạn nghĩ “Chúa” hay “Satan” đều là những danh từ được đặt tên nhưng không thể nào diễn tả hết ý nghĩa rộng lớn mà Người muốn truyền tải, chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn, bằng trực giác. Và khi đã cảm nhận được (phần nào) rồi thì có lẽ những danh từ đó không còn gây trở ngại cho chúng ta nữa, và đó là khi chúng ta vượt lên trên khỏi khuôn thước của ngôn ngữ tôn giáo. Chúng ta sẽ coi đó như ngọn đuốc soi đường đưa chúng ta đi lên tiếp đến gần hơn với Người.
Nói đến đây thì có lẽ bàn về nghịch cảnh không còn cần thiết nữa. Con người đến với thế gian mang theo “tội lỗi” hay “nghiệp” thì tất sẽ có nghịch cảnh, và có lẽ một trong những nghịch cảnh lớn nhất mà loài người gánh chịu là không biết được nguồn gốc thật của mình, rồi chà đạp phá bỏ đi những cơ hội để biết nguồn gốc, dẫn đến hệ lụy là chúng ta có thể giới hỗn độn, băng hoại của ngày hôm nay. Và mọi chuyện chưa dừng lại chừng nào chúng ta còn đi ngược đường của Đạo.
Một chút hiểu biết hạn hẹp của cháu, không theo tư tưởng tôn giáo nên có thể hơi lủng củng, mong chú và các bạn chiếu cố. 🙂
ThíchThích
Quan điểm của Bác Hưng và Bạn Bình Minh sao giống nhau quá
Đầu tiên, Định nghĩa thế nào là đau khổ, nó là sự đau đớn, cấu xé về tinh thần vật chất khiến con người buồn chán, tuyệt vọng
Đau khổ đến từ đâu, do chính ta tạo ra mà thôi. Như bạn Bình Minh dẫn ra rồi đó. Nhưng nguyên nhân ko phải có theo đạo hay ko, mà do y thức, quan điểm sống của cá nhân đó ko tốt, hay nói ngắn ngọn là sống ko có mục đích, từ đó dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ.
Trời, sao bạn Anna Đỗ nói cái j mà dài dòng, hình như bạn ko phải thổ lộ mà là thể hiện hiểu biết của mình thì đúng hơn. Nhớ lại, ta là người VN, nếu thể hiện là một người hiểu biết về đạo lý thì bạn cũng nên tìm hiểu về lịch sử, quá trình đấu tranh dân tộc mình, xem trong bạn có 1 niềm tự hào, hãnh diện vì đất nước ko
Còn quan điểm của các Hưng về dân tộc Do Thái được ưu ái, cháu ko đồng tình. Cháu tin rằng dân tộc nào có khát vọng, có sự nỗ lực cố gắng, dân tộc ấy sẽ vươn lên, sẽ chiếm lĩnh vị trí xứng đáng có được trên thế giới. Hãy nhìn sự thức tỉnh của Trung Quốc, một dân tộc mạnh mẽ và sẽ chẳng có một chướng ngại nào cản đc họ. Sức mạnh của 1 dân tộc ko thể minh chứng bởi 1 số cá nhân xuất chúng
ThíchThích
Trả lời bạn Thanh Tùng,
Cháu nói đúng, ý kiến của bác Hưng và bạn Bình Minh rất giống nhau. Bác rất mừng khi có độc giả có quan điểm giống bác.
Cháu cũng đúng khi nói đau khổ không phải do có theo đạo hay không. Theo Đạo mà không thực sự giác ngộ về Đạo thì cũng như không theo Đạo. Nếu theo Đạo mà thực sự hiểu lẽ thật thì sẽ bớt đau khổ, thậm chí dám đối mặt với đau khổ, dám coi thường đau khổ, thậm chí coi đau khổ là bài học tốt để sửa mình, để tu luyện. Cháu nói đau khổ do tự mình gây ra là đúng, nhưng chỉ đúng một phần thôi. Hãy đọc truyện ông Gióp để hiểu rõ nguồn gốc của đau khổ. Ông Gióp là người tuyệt đối công chính, nhưng tai họa đổ dồn lên đầu ông. Trong thực tế rất nhiều số phận như ông Gióp đấy cháu ạ. Truyện pháp sư Tinh Vân không làm cho cháu suy nghĩ ư?
Về ý kiến của cháu đối với bạn Anna Đỗ, bác nghĩ rằng chưa chắc cháu đã hiểu lịch sử VN hơn bạn Anna Đỗ, và chưa chắc cháu tự hào và hãnh diện vì đất nước hơn bạn Anna Đỗ. Nên hết sức tránh bình luận theo cách dễ gây hiểu lầm, mất đoàn kết.
Và nếu cháu không tán thành sự ưu ái đối với người Do Thái và nếu cháu khâm phục sự thức tỉnh của Trung Quốc thì đó là quyền riêng của cháu, nhận thức riêng của cháu. Cháu được tôn trọng để nhận thức như thế. Vậy cháu cũng nên tôn trọng quan điểm của người khác, như thế là công bằng, đúng không?
PVHg
ThíchThích
Bác Hưng ơi, cháu cũng quan tâm đến chủ đề nguồn gốc sự sống lắm, 2 bác cháu mình gặp nhau giao lưu, chia sẻ 1 buổi được không ạ 🙂
ThíchThích
Mặc dù tôi không phải là người thích ham đọc và viết văn nhưng ở đây tôi học hỏi cũng nhiều và bị lãng quyên cũng nhiều thứ. Buồn 5 giây !
Tại sao phải có đau khổ?
…Và sự đau khổ bắt nguồn từ đâu?
Trong đầu của chúng ta trước hết sẻ nghỉ tới tổ phụ của loài người trong vường địa đàng khi Đức chúa Trời tạo dựng lên ông Adam và bà Eva, như một điều gì khiến chúng ta thật khó hiểu ở chổ là tại sao ĐCT trồng cây biết điều thiện điều ác trong vường địa đàng với ý nghĩa đó là sao? Phải chăng điều đó để thử lòng kiên quyết và thủy chung của Adam và Eva đối với ĐCT về những định luật nhân quả bất biến một khi đã phạm lỗi ăn trái bị cấm mà ĐCT răn bảo. Nhưng suy cho cùng ô. Adam và bà Eva không có tội đối với ĐCT chẳng qua một phần là vì con rắng hiện hình của thiên sứ satan đầy quyền lực dùng tà phép dụ dỗ trong khi đó cả hai đều là người thường dân, ngay cả trong thời hiện đại bây giờ hầu như tất cả chúng ta đều là nhưng con người trong đa số có những con người học thức vượt bực bằng cấp BS, PH.d, MA v.v…họ cũng bị lừa cả tình lẫn tiền cả trí huệ cả linh hồn luôn nữa huống chi đêm so sánh với thời tiền sử khi đó luật nhân quả chưa có hiện hình, ngôn ngữ, công nghệ, hiểu biết chưa được khai mở một cách tổng quát. Nhưng rồi cánh cửa của không gian và thời gian đã bắt đầu mở rộng ra từ lúc Adam và Eva ăn trái bị cấm và bị đuổi ra khỏi vường địa đàng và từ đó luật nhân quả bắt đầu hiện hình…từ nghịch cảnh dẫn tới đau khổ, từ đau khổ dẫn tới sự thánh thiện v.v…Kinh nghiệm của Phật đã ngẫm ra được một phần của chân lý và ý nghĩa sâu sắc ở phía sau của bức màng vô hình bao trùm tất cả những định luật tương tác đang vận hành giữa vũ trụ và với loài người trên một mô hình chung…sinh lão bệnh tử…Tích lũy và trãi qua từng nghiệp chướng nghịch cảnh và cả sự thách đố về trí thức cả hình dục và nếu muốn thoát ra khỏi cái ràng buộc về lực nhân quả phán xét để tiến tới con đường đắc đạo tới chân trời cao hơn đó là tùy thuộc vào nhiều yếu cần thiết như số chỉ thông minh, nhân đức, giải được những bài toán bắng trí tuệ tu tâm số mệnh và cả hình dục tu luyện như không dính vào lực trò chơi ngang trái của tham sân si ố dục v.v…Để rồi phải đi vào vòng luật luân hồi chuyển khiếp mà một đời, một kiếp người, hình thể kiếp khác cũng chưa chắc thông qua được ải của trần ai hà khắc.
ThíchThích
Con không thể đồng ý với bác chuyện “Suffering is the gift of God” được! Nếu có chăng, God đó tên là Lucifer kìa. Ai worship Lucifer thì thoải mái nhận món quà đó, con không có, tại sao con cũng được tặng là sao? Con đâu có muốn!
ThíchThích