Pasteur’s Benevolence / Lòng từ tâm của Pasteur

Émile Roux, the closest collaborator of Louis Pasteur, once said: “The work of Pasteur is admirable; it shows his genius, but it must have been experienced intimately to know all the goodness of his heart”. That’s what you should know about the man who was called the benefactor of humanity.

0

Émile Roux, cộng sự thân cận nhất của Louis Pasteur, từng nói: “Sự nghiệp của Pasteur thật đáng khâm phục; nó cho thấy thiên tài của ông, nhưng phải trải qua thâm tình mới biết hết được cái tâm thiện của ông”. Đó là điều bạn nên biết về người được mệnh danh là ân nhân của nhân loại.

Thưa quý độc giả,

Cách đây vài ngày tôi đã gửi emails đến nhiều độc giả, mời tham gia ý kiến về Louis Pasteur và Gregor Mendel, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của hai ông vào năm 2022 sắp tới. Không phải đợi lâu, tôi đã nhận được mấy tài liệu tiếng Anh do bạn Thiên Minh gửi tới, kèm theo bản dịch tiếng Việt. Thật vô cùng quý hóa! Xin chân thành cảm tạ bạn Thiên Minh. Tôi đã biên tập những bản dịch của bạn Thiên Minh thành một bài viết dưới đây, và xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

1

Cuộc mạo hiểm lớn nhất trong đời Pasteur là vụ cứu cậu bé Joseph Meister bị chó dại cắn. Nhưng để hiểu động cơ và thiên tài của Pasteur trong câu chuyện mạo hiểm này, cần phải có một cái nhìn toàn diện về con người và tính cách của ông.

PASTEUR, NGƯỜI YÊU SỰ SỐNG HƠN AI HẾT

Louis Pasteur sinh ngày 27 tháng 12 năm 1822 tại Dole, thuộc tỉnh Jura, Pháp, trong một gia đình Công giáo làm nghề thuộc da nghèo. Pasteur là con thứ ba của ông Jean-Joseph Pasteur và bà Jeanne-Étiennette Roqui. Năm 1826, gia đình chuyển đến Marnoz và năm sau đến Arbois.

Một hôm cậu bé Louis đang chơi với bạn bè ở Arbois, bỗng có tiếng chân chạy và tiếng người hò hét. Louis nhìn lên, “Chuyện gì xảy ra vậy?”, cậu hỏi một người đàn ông đứng gần mình.

–  Ai đó bị cắn, người đàn ông trả lời.

–  Cái gì cắn? Chó dại à? Louis hỏi.

–  Không, không phải chó, mà là một con sói. Một con sói điên lao từ núi xuống. Người đàn ông nói với vẻ sợ hãi.

Ôi, một con sói điên! Louis cũng sợ hãi. Cậu vội chạy về nhà. Cuối cùng cậu đã về tới nhà an toàn. Hú hồn.

3

Con sói điên mắc một căn bệnh gọi là bệnh dại. Bệnh ấy sau này phổ biến ở Pháp. Người đàn ông bị cắn sẽ lên cơn dại, đau đớn khủng khiếp và chết.

Louis không quên ngày hôm đó; Sự cố con sói điên để lại trong ký ức của cậu một ấn tượng hằn sâu. Không ngờ sau này chính Louis sẽ khám phá ra cách ngăn ngừa căn bệnh quái ác này.

Những kỉ niệm và ấn tượng như thế biến Pasteur sớm trở thành một người đứng đắn, đăm chiêu suy nghĩ, thích quan sát thế giới xung quanh, mơ ước tìm ra những phương pháp trị bệnh cứu người. Ước mơ ấy làm cho chàng thanh niên Pasteur từ bỏ đam mê hội họa, vốn là sở thích của cậu từ thủa niên thiếu, để theo đuổi khoa học.

Năm 1842, 20 tuổi, Pasteur trúng tuyển trong kỳ thi tuyển vào Đại học ENS (École Normale Supérieure), một đại học danh tiếng bậc nhất của Pháp. Nhưng vì đỗ thứ 15, Pasteur không bằng lòng với chính mình nên ông quyết định thi lại. Năm sau ông thi lần thứ hai, đỗ thứ 4. Không đợi đến khi tốt nghiệp đại học, ngay từ khi mới là sinh viên năm thứ nhất, Pasteur đã đến Đại học Sorbonne để dự những bài giảng về hóa học của nhà hóa học nổi tiếng Jean Baptiste Dumas. Thật may mắn khi cánh cửa của những giảng đường đại học ở Pháp khi đó đã mở rộng cho bất kỳ ai muốn vào nghe giảng. Tương tự như ngày nay internet mở rộng cánh cửa tri thức cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu. Chỉ cần bạn khao khát tri thức, muốn biết sự thật, bạn có thể trở thành một người uyên bác. 

Với tư chất như thế, Pasteur đã tự đào tạo mình thành một nhà khoa học. Lúc đầu, ông nghiên cứu các vấn đề trong hóa học, và ngay năm 25 tuổi (1847) ông đã hoàn thành 2 luận án tiến sĩ, tiến sĩ vật lý và tiến sĩ hóa học trên cùng một đề tài: tính bất đối xứng của các phân tử của sự sống. Năm tiếp theo, ông đã báo cáo đề tài đó trước Viện Hàn lâm khoa học Pháp, được đánh giá là một công trình nghiên cứu lớn, và lịch sử sau này đánh giá đây là công trình độc đáo nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông, một sự nghiệp vốn đầy ắp các thành tựu lớn lao, khó có ai sánh kịp.

Chẳng bao lâu sau, Pasteur bắt đầu quan tâm đến những câu hỏi như điều gì làm cho rượu và bia lên men? Tại sao rượu và bia đôi khi bị chua? Sữa chua là gì? …

Ông phát hiện ra nguyên nhân làm cho sữa, rượu có vị chua là vì trong sữa, rượu có một số loại vi khuẩn. Những vi sinh vật này rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng Pasteur đã khám phá ra chúng qua kính hiển vi của mình. Chúng ta phải biết ơn những nhà công nghệ chế tạo ra kính hiển vi. Nhưng tại sao những người khác không thấy vi khuẩn trong sữa và rượu, mà phải đợi đến Pasteur mới khám phá ra? Chính Pasteur đã trả lời:

“Trong lĩnh vực quan sát, cơ hội may mắn chỉ đến với những tư tưởng đã được chuẩn bị sẵn sàng”[1]

Thật khó tin, chính khám phá của Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống năm 1848 lại giúp ông “nhìn thấy” vi khuẩn trong rượu. Chuyện là thế này:

Đặc tính bất đối xứng của sự sống nói rằng ở đâu có sự sống, ở đó có phân tử bất đối xứng; ngược lại, ở đâu có phân tử bất đối xứng, ở đó có sự sống. Về mặt vật lý, Pasteur biết rằng dung dịch chứa các phân tử bất đối xứng sẽ làm lệch chùm sáng phân cực đi qua nó. Ông liền cho ánh sáng đi qua rượu bị chua, ánh sáng bị lệch, lập tức suy ra trong rượu có sự sống. Đó là lý do ông khám phá ra vi khuẩn trong rượu. 

Không dừng lại ở đó, Pasteur lập tức nghĩ ra cách diệt những vi khuẩn đó. Chỉ cần đun nóng rượu ở một nhiệt độ nhất định, khoảng 60 độ là đủ để vi khuẩn trong rượu chết hết, và rượu không bị chua. Phương pháp này được gọi là phương pháp thanh trùng, áp dụng cho cả bia, sữa, và rất nhiều thực phẩm khác, đảm bảo thực phẩm không bị thiu thối trong một thời gian dài. Để vinh danh Pasteur, phương pháp thanh trùng được đặt tên là “Pasteurization”.

Ngày nay phương pháp thanh trùng đã trở nên quá phổ biến và thông dụng đến nỗi nhiều người thấy đó là chuyện “bình thường”, chẳng có gì “đáng kể”, chẳng có gì “to tát”. Ấy là vì những người này không đọc lịch sử. Nếu chịu đọc lịch sử, sẽ biết rằng trong thế kỷ 19 nền công nghiệp rượu bia của nước Pháp đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng, vì rượu và bia để lâu bị chua. Tình hình tệ hại đến nỗi đích thân Hoàng đế Pháp lúc đó là Napoléon III đã phải cầu cứu Louis Pasteur “ra tay” cứu nước Pháp. Trước đó rất nhiều nhà khoa học đã lao vào nghiên cứu. Đa số nghĩ rằng có một chất hóa học nào đó đã làm hỏng rượu. Chỉ có Pasteur mới đoán ra sự có mặt của vi khuẩn trong rượu! Tại sao chỉ có Pasteur nghĩ ra mà người khác không nghĩ ra? Ở trên đã có câu trả lời rồi, không nhắc lại nữa. Pasteur giúp đỡ cho các ông chủ công nghiệp rượu bia một cách vô tư vô vị lợi, đến nỗi Hoàng để Napoléon III phải hỏi ông tại sao ông không đòi hỏi trả công hậu hĩ, ông trả lời đơn giản vì điều đó hạ thấp giá trị con người xuống.

Điều cần phải nhấn mạnh là công nghệ thanh trùng không chỉ cứu rượu, bia, sữa, thực phẩm … mà còn cứu cả sinh mạng con người và động vật khỏi những cái chết hiểm nghèo nữa.

Đúng như thế đấy. Một lĩnh vực khác mà Pasteur đã làm việc không biết mỏi mệt là nghiên cứu vi trùng gây bệnh, gọi tắt là “mầm bệnh” (disease germs).

Ngày nay chúng ta biết một số mầm bệnh là vi khuẩn (bacteria), một số mầm bệnh khác là virus. Virus là những sinh vật quá nhỏ so với vi khuẩn. Kính hiển vi thời Pasteur chưa đủ mạnh để phát hiện ra virus, nhưng rất may mắn là phương pháp ngăn ngừa bệnh bằng vaccine do Pasteur nghĩ ra cũng áp dụng rất hiệu quả đối với những bệnh truyền nhiễm do virus. Đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu chính là thí dụ điển hình về bệnh truyền nhiễm do virus. Trong khi các nhà khoa học đang ra sức tìm kiếm những công nghệ hoàn toàn mới để vô hiệu hóa virus Corona, phương pháp vaccine của Pasteur vẫn đang là công nghệ chủ yếu được áp dụng trên toàn thế giới. Trong nhu cầu cấp bách về vaccine hiện nay, không ai xứng đáng được nhân loại tưởng nhớ đến bằng Louis Pasteur.

2

Pasteur không chỉ cứu con người, mà cứu cả động vật khỏi những căn bệnh hiểm nghèo. Một trong số đó là bệnh than (anthrax), một căn bệnh cũng có thể lây sang người. Vào thời của Pasteur, bệnh than đã giết chết hàng loạt cừu và gia súc ở Pháp.

Pasteur đã khám phá ra cách nuôi cấy vi khuẩn bệnh than sao cho chúng yếu hơn nhiều so với vi khuẩn tìm thấy ở động vật bị bệnh.

Ông đã tiến hành những thí nghiệm để chứng minh rằng nếu động vật được cấy vi khuẩn đã suy yếu và sau đó bị nhiễm vi khuẩn mạnh, chúng sẽ không chết. Đây là lúc khoa học về vaccine ra đời, và Pasteur trở thành Ông tổ của khoa học này.

Trong hơn 150 năm qua, khoa học vaccine đã phát triển mạnh mẽ, nhưng tư tưởng cốt lõi của nó vẫn không thay đổi: Để ngăn ngừa một loại bệnh lây truyền do vi khuẩn hoặc virus, người ta cấy vào con người những vi khuẩn hoặc virus đã bị làm cho suy yếu nhiều (hiện nay, trong một số trường hợp là vi khuẩn đã chết) Liệu pháp đó kích thích cơ chế miễn nhiễm của con người hoạt động, sản xuất ra những kháng thể chống lại loại vi khuẩn hoặc virus đã quen biết, nhờ đó đẩy lui được bệnh tật. Những bệnh từng gây ra cái chết hàng loạt trước đây nay đã được ngăn chặn thành công như bệnh thương hàn, bệnh bạch hầu và nhiều bệnh khác. Đó là nhờ ơn Pasteur!

Tất cả những trường hợp Pasteur chữa bệnh hoặc ngăn ngừa bệnh tật cứu người, cứu động vật, cứu nền công nghiệp rượu bia, công nghiệp tơ tằm của Pháp … đều là những huyền thoại, những “phép lạ” chưa từng có trong lịch sử y khoa và lịch sử công nghiệp thực phẩm, lịch sử chăn nuôi … của cả Tây phương lẫn Đông phương. Nhưng huyền thoại lạ lùng nhất, thử thách cam go nhất đối với lương tâm và thanh danh của Pasteur là trường hợp ông phải đối mặt với lời khẩn cầu của một bệnh nhân bị chó dại cắn. Chính trường hợp hiểm nghèo này đánh dấu một câu chuyện cảm động, một cột mốc lớn trong lịch sử y khoa nói chung và lịch sử của khoa học về vaccine nói riêng!

JOSEPH MEISTER, CUỘC MẠO HIỂM LỚN CỦA PASTEUR

Vâng, Pasteur chưa bao giờ quên người đàn ông ở Arbois bị con sói điên cắn. Kỷ niệm tuổi thơ chưa bao giờ ra khỏi đầu ông.

Thủ phạm gây bệnh dại là một loại virus, quá nhỏ để có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi trong thời của Pasteur. Chó, chó sói, chó rừng, các động vật khác và cả con người nữa đều có thể mắc bệnh dại nếu bị virus này tấn công.

Điều đáng để cho chúng ta suy ngẫm là mặc dù kính hiển vi của ông không nhìn thấy virus gây bệnh dại, nhưng Pasteur tin rằng nguyên nhân của bệnh dại cũng là một loại vi sinh vật, chỉ có điều chúng quá nhỏ để kính hiển vi của ông nhìn thấy mà thôi. Đó là một NIỀM TIN KỲ DIỆU, bởi nếu không có niềm tin đó, ông đã không áp dụng phương pháp vaccine như ông đã từng làm đối với bệnh than để áp dụng vào bệnh dại. Có người bảo Pasteur được thần linh hướng dẫn, nhưng có lẽ nên nghĩ rằng ông sinh ra đời để thực hiện sứ mệnh cứu người thì đúng hơn.

Pasteur đã lấy những bộ phận bị nhiễm bệnh của những con thỏ bị bệnh dại và xử lý những bộ phận này để thu được virus ở dạng suy yếu. Ông cấy những virus đã suy yếu ấy vào động vật. Một số động vật được cấy virus trước khi chúng bị cắn hoặc bị nhiễm trùng. Một số được cấy sau khi động vật được tiêm vi trùng dại. Trong cả hai trường hợp, các con vật vẫn khỏe mạnh và không phát triển các triệu chứng khủng khiếp của bệnh. Một thành công tuyệt vời!

Nhưng từ con vật đến con người là cả một vấn đề. Cho đến lúc ấy, bệnh nhân bị bệnh dại của Pasteur đều chỉ là động vật. Ông đã không mạo hiểm thử các phương pháp của mình trên con người, vì thành công trên động vật không có nghĩa là chắc chắn thành công trên con người. Một phương pháp thích hợp với động vật không có nghĩa là sẽ thích hợp với con người.

Rồi đến một ngày, ngày 6 tháng 7 năm 1885, một ngày rất đáng nhớ trong tiểu sử Pasteur nói riêng và trong lịch sử ý khoa nói chung – một người phụ nữ đã đến cầu cứu Pasteur trong nỗi đau khổ tột cùng.

–  Xin ngài làm ơn cứu con trai tôi với! Bà vừa khóc lóc vừa van nài Pasteur. Hãy cứu con tôi, thưa ngài! Cháu bị một con chó dại cắn, thân thể cháu bị đầy những vết cắn.

Cậu bé thực sự đã bị cắn rất nặng. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, khi biết chắc cậu bé sẽ chết nếu không cứu chữa, Pasteur sẽ phải làm gì? Liệu ông có nên áp dụng phương pháp đã thành công với loài vật vào con người hay không?

Vào giờ phút ngàn cân treo sợi tóc ấy, Pasteur đã quyết định cứu cậu bé! Sinh mạng của cậu bé trên hết.

Ông đã đưa cậu bé vào nhà riêng của mình để theo dõi cậu cẩn thận, và thực hiện một loạt chủng ngừa cho cậu. Ông hồi hộp chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Thời gian trôi đi, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây là một khoảnh khắc nghẹt thở. Nếu thành công, đây sẽ là quyết định táo bạo nhất của một nhà thám hiểm. Nếu thất bại, Pasteur có nguy cơ mất hết thanh danh. Ông đã thực sự liều mình đặt thanh danh của ông vào một cuộc thách đố được ăn cả ngã về không… Tất cả ở Pasteur lúc ấy chỉ đơn giản là tình thương đối với cậu bé. Tình thương ấy mạnh hơn thanh danh của ông, vốn đã rất đồ sộ vinh quang cho tới thời điểm đó…

Cuối cùng, lạy Chúa, thời kỳ nguy hiểm đã trôi qua. Cậu bé đã khỏe mạnh trở lại. Một phương pháp ngăn ngừa bệnh dại đã được khám phá! Không chỉ hai mẹ con cậu bé biết ơn Louis Pasteur, toàn nhân loại biết ơn ông.

Cậu bé ấy là Joseph Meister, sau này lại được chính Pasteur cho làm nhân viên bảo vệ trong Viện Pasteur. Năm 1940, khi phát xít Đức xâm chiếm Paris, chúng đòi mở cổng Viện Pasteur. Joseph Meister lúc ấy đã 64 tuổi, quyết không chịu mở cổng để cho chúng vào. Ông đã tự vẫn vì thà chết còn hơn chấp nhận để kẻ thù chà đạp lên linh hồn ân nhân của mình.

Ấy thế mà cũng có người lên mặt đạo đức, kết tội Pasteur về đạo đức y khoa, đại ý chê bai Pasteur đã làm một việc phiêu lưu mạo hiểm trên một cơ thể người sống, rằng cậu bé Meister vô tình đã trở thành một vật để Pasteur thí nghiệm vaccine của mình trong sự rủi ro… Nhưng đó chỉ là một dư luận nhỏ nhoi lan truyền từ những kẻ ghen ghét đố kị tầm thường, trong khi mọi người có lương tri đều coi Pasteur là một anh hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ sinh mạng con người.

Vì câu chuyện này quá hay, mang nhiều ý nghĩa, cả ý nghĩa khoa học lẫn lương tri nên nó xứng đáng được tìm hiểu thêm.

Bách khoa toàn thư Wikipedia viết[2]:

Pasteur đã sản xuất vaccine đầu tiên cho bệnh dại bằng cách phát triển virus trên thỏ, và sau đó làm suy yếu nó bằng cách làm khô các mô thần kinh bị ảnh hưởng. Ban đầu, vaccine phòng bệnh dại được tạo ra bởi Émile Roux, một bác sĩ người Pháp và là đồng nghiệp của Pasteur, người đã sản xuất vaccine bệnh dại bằng phương pháp này. Vaccine đã được thử nghiệm trên 50 con chó trước khi thử nghiệm đầu tiên trên người. Loại vaccine này đã được sử dụng cho Joseph Meister, 9 tuổi, vào ngày 6 tháng 7 năm 1885, sau khi cậu bé bị một con chó dại cắn. Việc này được thực hiện với một số rủi ro cá nhân đối với Pasteur, vì ông không phải là một bác sĩ được cấp phép và có thể phải đối mặt với việc truy tố vì điều trị cho cậu bé. Sau khi tham khảo ý kiến của các bác sĩ, ông quyết định tiếp tục điều trị. Trong 11 ngày, Meister đã nhận được 13 lần cấy, mỗi lần cấy sử dụng virus đã bị suy yếu trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Ba tháng sau, ông kiểm tra Meister và thấy rằng cậu bé có sức khỏe tốt. Pasteur được ca ngợi như một anh hùng và vấn đề pháp lý không bị theo đuổi. Phân tích sổ ghi chép trong phòng thí nghiệm của ông cho thấy rằng Pasteur đã điều trị cho hai người trước khi ông chủng ngừa cho Meister. Một người sống sót nhưng có thể không thực sự mắc bệnh dại, và người kia chết vì bệnh dại. Pasteur bắt đầu điều trị cho Jean-Baptiste Jupille vào ngày 20 tháng 10 năm 1885, và việc điều trị đã thành công. Sau đó vào năm 1885, mọi người, bao gồm 4 trẻ em từ Hoa Kỳ, đã đến phòng thí nghiệm của Pasteur để được cấy. Năm 1886, ông đã chữa trị cho 350 người, trong đó chỉ có một người phát bệnh dại. Thành công của phương pháp điều trị đã đặt nền móng cho việc sản xuất nhiều loại vaccine khác. Viện Pasteur đầu tiên cũng được xây dựng trên cơ sở thành tựu này.

Về cậu bé Meister, Wikipedia cho biết[3]:

Joseph Meister (1876 – 1940) là người đầu tiên được Louis Pasteur tiêm chủng chống bệnh dại, và là người đầu tiên được cho là đã điều trị thành công căn bệnh này.

Năm 1885, Meister 9 tuổi bị một con chó dại cắn. Sau khi tham khảo ý kiến của Alfred Vulpian và Jacques-Joseph Grancher và nhận được sự giúp đỡ của họ, Louis Pasteur đồng ý cấy vào cậu bé mô tủy sống từ thỏ bị bệnh dại, mà ông đã sử dụng thành công để ngăn ngừa bệnh dại ở chó. Việc điều trị thành công và cậu bé không phát bệnh dại.

Khi trưởng thành, Meister làm người chăm sóc tại Viện Pasteur cho đến khi ông qua đời vào năm 1940 ở tuổi 64. Vào ngày 24 tháng 6 năm 1940, mười ngày sau khi quân đội Đức chiếm đóng Paris trong Thế chiến thứ hai, Meister tự sát bằng súng hơi của mình.

Bài báo “Sự sống và cái chết của Joseph Meister” viết[4]:

Trước đây, một người mắc bệnh dại, thường là do bị động vật nhiễm bệnh cắn, đã phải đối mặt với cái chết khủng khiếp. Các triệu chứng sẽ bắt đầu mơ hồ và bao gồm các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như đau đầu, sốt và nôn mửa. Những triệu chứng ban đầu này có thể kéo dài trong vài ngày và hầu hết mọi người đều cho rằng họ chỉ đang đối phó với bệnh cúm. Nhưng sau đó các triệu chứng tiến triển thành lo lắng, kích động và nhầm lẫn. Chứng sợ nước là một triệu chứng cổ điển của nhiễm bệnh dại. Nhiều bệnh nhân không chịu uống nước vì sợ nước và vì bệnh dại gây khó nuốt. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân sẽ bị mất ngủ, ảo giác và tê liệt. Nhiều nạn nhân đã chết vì mất nước trước khi họ đến thời điểm này, điều này báo hiệu rằng cái chết sắp xảy ra.

Trước những năm 1880, đời sống của con người không được sạch sẽ và vô trùng cho lắm. Phần lớn dân số sống ở vùng nông thôn, nơi họ tiếp xúc với các động vật hoang dã và thuần dưỡng có thể mang mầm bệnh dại, bao gồm chó, gấu trúc, dơi và chuột. Cư dân thành phố cũng không an toàn trước dịch bệnh. Chó và chuột đi lạc thường mang bệnh dại.

Nhà khoa học người Pháp, Louis Pasteur, cùng với đồng nghiệp người Pháp, Émile Roux, bắt đầu nghiên cứu vaccine phòng bệnh dại. Lý thuyết của họ là, nếu một người hoặc một động vật tiếp xúc với một dạng bệnh suy yếu, cơ thể sẽ phát triển các cơ chế bảo vệ của riêng mình để chống lại nó. Bằng cách đó, nếu một đợt nhiễm trùng toàn phát xảy ra, cơ thể sẽ được chuẩn bị để chống lại nó. Để tạo ra vaccine, Pasteur và Roux đã thu hoạch virus dại từ những con thỏ bị nhiễm bệnh và làm khô vi rút trong một tuần hoặc lâu hơn để giảm bớt sức mạnh của nó. Sau đó, virus đã suy yếu sẽ được tiêm vào máu của người hoặc động vật. Thuốc chủng này có thể được tiêm để phòng ngừa các vết cắn tiềm ẩn hoặc ngay sau khi xảy ra vết cắn của động vật. Đó là trường hợp của Joseph Meister.

Joseph Meister là một cậu bé chín tuổi còn non nớt vừa mới trải qua cuộc sống tốt đẹp nhất của mình thì vào đầu tháng 7 năm 1885, cậu bị một con chó dại tấn công và hung hãn. Vì rõ ràng con chó hoang đang mắc bệnh dại nên chắc chắn cậu bé cũng sẽ mắc phải căn bệnh chết người. Cha mẹ cậu đã rất quẫn trí một cách dễ hiểu. Bác sĩ nói, hy vọng duy nhất của họ là đến cầu cứu nhà khoa học đang nghiên cứu vaccine phòng bệnh dại.

Khi Joseph Meister được đưa đến gặp Louis Pasteur, nhà khoa học đã nhìn thấy cơ hội để sử dụng một đối tượng thử nghiệm trên người. Pasteur trước đây đã thử nghiệm vaccine của mình trên chó và đã thành công tốt đẹp. Ông đã tham khảo ý kiến của các nhà khoa học đồng nghiệp, Alfred Vulpian và Jacques-Joseph Grancher, và cùng với Roux, bốn người đã thảo luận về trường hợp của Meister và tranh luận về đạo đức của việc thử nghiệm vaccine cho cậu bé. Sự lựa chọn đã rõ ràng. Nếu không làm gì cậu bé chắc chắn sẽ chết. Hoặc họ có thể thử vaccine và có khả năng cứu sống cậu bé. Họ đã quyết định lựa chọn phương án có xác suất sống. Vào ngày 6 tháng 7 năm 1885, họ tiêm cho Meister dịch tủy sống của một con thỏ bị bệnh dại. Sau đó, họ chờ đợi. Một cuộc chờ đợi lâu hơn thế kỷ!

Trước sự ngạc nhiên của mọi người và trước sự nhẹ nhõm của cha mẹ, cậu bé Joseph Meister đã hồi phục hoàn toàn. Dù bị chó dại cắn nhưng cậu không mắc căn bệnh đáng sợ, nhờ loại vaccine do Louis Pasteur và Émile Roux phát minh. Dựa trên thành công của trường hợp Meister, Pasteur đã làm cho vaccine của mình được phổ biến rộng rãi, cứu sống vô số người và động vật có thể đã bị nhiễm bệnh dại. Ngày nay, chó được tiêm phòng định kỳ để ngăn chúng lây bệnh sang người.

Joseph Meister mãi mãi mang ơn Louis Pasteur vì đã cứu mạng mình. Khi trưởng thành, Meister là người chăm sóc của Viện Pasteur của Pháp. Ngày 14 tháng 6 năm 1940, Đức Quốc xã xâm lược Paris từ Đức. Lo sợ cho sự an toàn của gia đình, Meister, lúc đó 64 tuổi, đã gửi gia đình của mình đi nơi khác và ở lại để bảo vệ Viện Pasteur khỏi những người lính Đức. Mười ngày sau, vào ngày 24 tháng 6 năm 1940, Joseph Meister vượt qua mặc cảm tội lỗi vì ông chắc chắn rằng gia đình mình đã bị Đức Quốc xã bắt giữ. Ông đã tự sát bằng lò gas. Thật trớ trêu và đau buồn, gia đình ông vẫn bình an vô sự. Họ quay trở lại Viện chỉ vài giờ sau khi Meister tự sát.

Trong một bài báo khác nhan đề “Bước đi mạo hiểm của Louis Pasteur để cứu một em bé khỏi cái chết hầu như chắc chắn”[5], bác sĩ Howard Markel kể câu chuyện về Meister đầy đủ và thú vị hơn:

Sáng sớm ngày 4 tháng 7 năm 1885, một con “chó điên” đã tấn công một cậu bé 9 tuổi ở Alsace, Pháp. Tên của cậu là Joseph Meister. Con chó hung ác và điên cuồng đã lao vào cậu bé là cậu ngã xuống đất và rồi cắn cậu 14 nhát, vào bàn tay, chân và đùi. Một số vết thương quá sâu khiến cậu khó đi lại. Mười hai giờ sau, vào lúc 8 giờ tối, một bác sĩ địa phương tên là Weber đã điều trị những vết thương nghiêm trọng nhất của Joseph bằng cách hàn gắn hoặc bịt kín vết thương với những liều acid carbolic nhức nhối, mà bản thân các vết thương này đã vô cùng đau đớn khủng khiếp.

Ngoài những vết cắn gây đau đớn, mẹ của cậu bé còn lo sợ con mình đã mắc bệnh dại, vốn là một nỗi lo sợ phổ biến rằng đó là con đường dẫn đến cái chết gần như chắc chắn. Mặc dù bệnh dại tương đối hiếm ở Pháp thế kỷ 19, các triệu chứng gây sốc và sức mạnh giết người ghê rợn của nó đã thu hút sự chú ý của nước Pháp thời đó tương tự như ngày nay chúng ta sợ những dịch bệnh như SARS, Ebola và Zika…

Mẹ của Meister đưa Joseph thẳng đến Paris vì nghe tin ở đây có một nhà khoa học đang nghiên cứu phương pháp chữa bệnh dại. Đến nơi cô hỏi thăm mọi người để tìm ra được địa chỉ của nhà khoa học này, rồi đưa con trai mình đến thẳng phòng thí nghiệm của nhà vi sinh nổi tiếng đương thời, Louis Pasteur.

Các triệu chứng gây sốc và sức mạnh giết người ghê rợn đã thu hút sự chú ý của mọi người về sự kiện này.

May mắn làm sao, ngay trước đó Pasteur đã dày công nghiên cứu để phát triển một loại vaccine phòng bệnh dại, đã thành công trên động vật. Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, ông vẫn chưa thử nghiệm trên con người. Trên thực tế, ông không thể làm thí nghiệm đó một cách hợp pháp vì ông không phải là một bác sĩ y khoa: bằng Tiến sĩ của ông đã được trao cho các luận án về hóa học và vật lý. Quan trọng hơn, cho đến lúc ấy ông vẫn chưa thể chứng minh rằng vaccine phòng bệnh dại của ông có hiệu quả đối với con người.

Nhưng Pasteur cảm động trước hoàn cảnh bi đát của cậu bé. Ông đã hỏi ý kiến hai bác sĩ Alfred Vulpain và Jacques Grancher tại một cuộc họp hàng tuần của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Họ cũng thấy cần thiết phải hành động và phải hành động nhanh chóng, thay vì bỏ mặc cậu bé chờ chết. Hai mẹ con cậu bé cũng được hỏi và cả hai cùng chấp nhận mạo hiểm, rằng đồng ý để cho Pasteur thực hiện những liệu pháp của ông. Chính Pasteur sau đó đã báo cáo:

“Vì cái chết của đứa trẻ dường như không thể tránh khỏi, tôi quyết tâm thử phương pháp đã được chứng minh là thành công nhất quán trên những con chó”.

Đây chính là chỗ để có một số kẻ lên mặt đạo đức kết tội Pasteur đã vi phạm đạo đức y khoa, vì đã tiến hành một cuộc thử nghiệm phiêu lưu trên một con người khi chưa có đầy đủ bằng chứng y khoa đảm bảo cho liệu pháp trị bệnh của mình. Trong trường hợp này chúng ta không thể không tin rằng Pasteur là người sinh ra đời để thực hiện sứ mệnh cứu người. Ông đã chấp nhận rủi ro để cứu một sinh mệnh, như ông đã từng nói:

“Người ta không hỏi một bệnh nhân đang đau khổ rằng quốc gia của bạn là gì, tôn giáo của bạn là gì. Người ta chỉ nói: Bạn đang đau khổ, đối với tôi như thế là đủ rồi”  

t9GVThKZRWi2cA8MgjjUAS-1200-80

Lúc ấy, lòng từ tâm của Pasteur hối thúc ông hành động. Ông không có nhiều thì giờ như những kẻ đạo đức giả chê trách ông, để đắn đo suy nghĩ nhiều trước một cậu bé đang đau đớn cùng cực.

Ông đã đi một bước mạo hiểm để cứu cậu bé trước một cái chết hầu như chắc chắn: cấy vaccine bệnh dại đã thử nghiệm thành công trên chó vào Meister!

Pasteur đã thoát khỏi tình thế khó xử về giấy phép y tế khi có mặt các đồng nghiệp y tế của mình khi vaccine được tiêm lần đầu tiên vào ngày 6 tháng 7 năm 1885, khoảng 60 giờ sau vụ chó tấn công cậu bé. Mẹ của Meister tỏ ra không mấy lo lắng về những nguy hiểm tiềm tàng của vaccine thử nghiệm vì bà rất sợ con trai mình sẽ chết và bà đã sẵn sàng đồng ý cho Pasteur. Những người tin vào tâm linh thì nghĩ rằng có thần linh dẫn dắt Pasteur vào những giờ phút hiểm nghèo như thế.

Mũi tiêm đầu tiên được thực hiện ở một nếp gấp da bao phủ bụng trên bên phải của cậu bé. Trong khoảng thời gian ba tuần, Joseph đã được tiêm 13 lần như vậy. Pasteur đã thận trọng theo dõi độc lực của từng liều bằng cách tiêm mũi đầu tiên cho thỏ khỏe mạnh để đảm bảo vaccine không gây ra bệnh dại. Mỗi liều đến từ những con thỏ bị dại ngày càng nhiều. Vào cuối quá trình điều trị, Joseph đã được tiêm một loại virus bệnh dại đặc biệt độc hại từ một con chó điên. Không có chuyện gì xảy ra! Pasteur vui mừng thông báo, nhờ vaccine của mình, Meister đã phát triển khả năng miễn dịch đối với virus bệnh dại. Đó là một ngày lịch sử trọng đại đối với y khoa!

Tiếng tăm của Pasteur vốn đã lừng lẫy lại càng lừng lẫy hơn. Ông trở thành anh hùng của nước Pháp và thế giới!

Còn Joseph Meister sau này ra sao?

Cậu ấy đã hoàn toàn bình phục sau cuộc tấn công của con chó điên. Ít lâu sau Louis Pasteur sau đó đã thuê anh ta làm bảo vệ và nhân viên chăm sóc khách hàng tại Viện Pasteur. Meister đã làm việc ở đó trong vài thập kỷ cho đến khi Thế chiến thứ hai nổ ra.

Ngày 24 tháng 6 năm 1940, 10 ngày sau khi quân đội Đức chinh phục Paris, Joseph Meister lúc ấy đã 64 tuổi, tự vẫn. Có hai dư luận về cái chết của Meister. Dư luận thứ nhất nói rằng ông tự vẫn vì không muốn làm người mở cửa Viện Pasteur để bọn phát xít xâm nhập vào Viện, xúc phạm đến ân nhân của mình. Dư luận thứ hai nói rằng vì ông nghĩ rằng gia đình của mình đã bị chết vì bom của bọn phát xít, ông không muốn sống nữa.

THAY LỜI KẾT

Nhưng dù dư luận nào là chính xác, có một điều chắc chắn đã được ghi vào lịch sử y khoa:

Ngày 6 tháng 7 năm 1885, Joseph Meister đã trở thành bệnh nhân đầu tiên được cứu sống bởi vaccine bệnh dại, do Louis Pasteur và cộng sự thân cận nhất của ông là Émile Roux chế tạo!

Người hiểu rõ Pasteur hơn ai hết là Émile Roux. Ông nói:

“Sự nghiệp của Pasteur thật đáng khâm phục; nó cho thấy thiên tài của ông, nhưng phải trải qua thâm tình mới biết hết được cái tâm thiện của ông.”

4

Sydney 15/08/2021


[1] Dans les champs de l’observation le hasard ne favorise que les esprits préparés / In the field of observation, chance favours only the prepared mind

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Louis_Pasteur

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Joseph_Meister

[4] https://historydaily.org/the-life-and-death-of-joseph-meister

[5] Louis Pasteur’s risky move to save a boy from almost certain death  https://www.pbs.org/newshour/health/louis-pasteurs-risky-move-to-save-a-boy-from-almost-certain-death

2 thoughts on “Pasteur’s Benevolence / Lòng từ tâm của Pasteur

  1. XIN CÙNG TÔN VINH

    Pasteur là một thánh nhân,
    Thiên tài vĩ đại, ân nhân loài người
    Công lao to lớn biển trời,
    Nghìn lần không đủ nói lời tri ân
    Người mang sứ mệnh thánh nhân
    Vắc – xin độ thế cứu nhân thanh trùng
    Pasteur là một anh hùng,
    Xin cùng tưởng nhớ, xin cùng tôn vinh.

    Thích

    • Cám ơn quý độc giả Thiên Minh,
      Bài thơ HAY QUÁ! Bài thơ sẽ được tổng hợp trong một bài báo nhan đề “Ý kiến của công chúng về Pasteur và Mendel”.
      Rất mong ông/bà tiếp tục bình luận trên PVHg’s Home.
      PVHg

      Thích

Bình luận về bài viết này