Science cannot answer Ontological questions / Khoa học không thể trả lời những câu hỏi về bản thể luận

Gödel’s Theorem shows that any logical system cannot prove the 1st cause. Therefore, science cannot prove the origin of the universe, the origin of life… In fact, the problem of origin belongs to “Ontology” – a field of metaphysics specializing in studying the ultimate nature of things. It is beyond the scientific cognition!

Định lý Gödel chỉ ra rằng bất kỳ hệ logic nào cũng không thể chứng minh được nguyên nhân đầu tiên. Vì thế khoa học không thể chứng minh được nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc sự sống… Thực tế, vấn đề nguồn gốc thuộc về “bản thể luận” – lĩnh vực siêu hình học nghiên cứu bản chất tận cùng của sự vật. Điều đó vượt quá nhận thức khoa học!

COMMENTS CỦA BẠN TRẦN THỊ HIỀN

Ngày 09.08.2016, tôi công bố một tiểu luận nhan đề “Kelvin refuted Darwinism / Kelvin bác bỏ học thuyết Darwin[1]. Bài viết đã nhận được nhiều bình luận quý giá, đặc biệt là bình luận của bạn Trần Thị Hiền ngày 17/09/2016 như sau:

Thưa bác, Cháu cảm ơn bài viết rất hay, cung cấp nhiều thông tin hữu ích của bác. Từ lâu, cháu vẫn tin rằng có những quy luật, nguyên lý xây dựng nên những bản thiết kế, được dùng để tạo ra sự sống. Nhưng có một điều cháu không hiểu, đó là: nếu sự sống phải được tạo ra từ sự sống, vậy Đấng Tạo Hóa có phải cũng được tạo ra từ sự sống không bác? … Cảm ơn bác và chúc bác luôn khỏe mạnh!”.

Câu hỏi của bạn Hiền thực chất là câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?”, đó là lần đầu tiên câu hỏi ấy được nêu lên trên trang PVHg’s Home (viethungpham.com). Nhận thấy sự chân thành của bạn Hiền và ý nghĩa sâu xa về mặt triết học của câu hỏi do bạn Hiền nêu lên, ngày 19/09/2016 tôi đã trả lời câu hỏi đó bằng một tiểu luận nhan đề “Who created the Creator? Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?[2].

Ngày 22/09/2016, bạn Trần Thị Hiền lại có một bình luận thú vị về tiểu luận đó:

Bác kính mến! Mấy ngày nay cháu không check email, hôm nay cháu vào check và thấy bài viết của bác trả lời cho câu hỏi của cháu. Cháu quá bất ngờ và rất xúc động. Bác đã dành quá nhiều thời gian, tâm sức cho câu hỏi của cháu, còn gì quý hơn điều đó. Thực sự, cháu cảm ơn bác rất nhiều. Vâng, đọc xong bài trả lời của bác, cháu đã tự trách mình sao khờ khạo quá, không sớm nhận ra The Creator là một Tiền đề. Nhưng mặt khác, cháu lại thấy nhờ sự khờ dại đó, mà cháu mới có được bài trả lời súc tích, rõ ràng, đầy hữu ích của bác. Cháu tin rằng, nhờ bài trả lời của bác, mà những ai còn thắc mắc như cháu sẽ sáng ra, mọi suy nghĩ cũng sẽ trở nên thông suốt hơn. Cháu thường hay bị stuck tại những vấn đề mà tư duy logic không thể trả lời, để rồi từ đó, cứ như cái vòng luẩn quẩn, không thoát ra được để có một kết luận rõ ràng. Nhưng giờ đây, cháu đã biết mình nên sử dụng tư duy logic trong những trường hợp nào, nên dùng trực giác, cảm nhận trong trường hợp nào. Đúng như bác nói, cháu bị ảnh hưởng bởi tư duy logic, vốn là tư duy chính dùng trong công việc của cháu, nhưng cháu lại khá mù mờ về khoa học logic. Cảm ơn bác đã nhắc nhở cháu, cháu sẽ cố gắng tìm hiểu rõ hơn về khoa học này. Nhưng cháu cũng thật may mắn vì từ khi cháu còn nhỏ, đã có niềm tin lớn lao vào thượng đế – cháu vẫn gọi là ƠN TRÊN, vào nhân quả, vào sự hiện diện của ngài ở mọi nơi vì thế cháu vẫn thường nói chuyện với ngài và cháu cảm nhận được sự phản hồi từ ngài. Ví dụ: khi cháu đặt ra những câu hỏi trong phần bình luận bài viết của bác, cháu thực sự mong mỏi được bác trả lời để làm sáng tỏ những khúc mắc trong cháu, và bác đã cảm nhận được sự chân thành của cháu, đã viết cho cháu cả một bài trả lời. Như thế có thể nói: những gì từ trái tim sẽ đi đến trái tim, và Thượng đế đã làm điều đó và đó là sự phản hồi rõ ràng từ ngài. Một lần nữa, cháu xin cảm ơn bác, cháu chỉ mới đọc bài viết của bác mấy tháng gần đây, có thời gian cháu sẽ đọc những bài viết trước đó của bác. Mong bác sẽ có nhiều hơn nữa những bài viết như thế này. Thực sự là một nguồn tài liệu quý giá. Chúc bác luôn khỏe mạnh, đời sống bình an! Cháu, Hiền”.

Ý kiến của bạn Trần Thị Hiền thật tuyệt vời!

Bạn Hiền nói “Cháu cảm ơn bác rất nhiều”, nhưng chính tôi phải cảm ơn bạn Hiền thì mới đúng, vì bạn ấy đã nêu lên một câu hỏi lớn, liên quan đến “bản thể luận” (Ontology) – một lĩnh vực siêu hình học bàn về nguồn gốc và bản chất tận cùng của sự vật (vũ trụ, sự sống, con người)[3].

Bạn Hiền đã thể hiện một thái độ rất chân thành khi trao đổi, không có ý tranh cãi hoặc thách đố. Ý kiến của bạn ấy biểu lộ một mối băn khoăn tự đáy lòng khi tiếp cận với những vấn đề nằm ở điểm khởi đầu của một chuỗi logic. Tính cách chân thành như thế cần phải được đáp lại bằng một câu trả lời cũng chân thành. Không có sự ăn thua hơn kém ở đây, mà chỉ có sự chia sẻ, trao đổi, bổ sung tri thức cho nhau, trên cơ sở tình bạn, tình yêu thương giữa con người với con người [Khi áp dụng Định lý Gödel vào cuộc sống, ta sẽ thấy không có ý kiến nào là đầy đủ, hoàn hảo. Do đó sự trao đổi bổ sung tri thức cho nhau là điều cần thiết].

Sau khi trả lời bạn Hiền, tôi “khám phá” ra rằng bạn Hiền không phải là người duy nhất hỏi câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?”. Hóa ra nhiều người khác cũng hỏi câu hỏi đó, kể cả một nhà khoa học lớn như Stephen Hawking. Tuy nhiên, những người này không hỏi với một thái độ chân thành cầu thị, mà hỏi với vẻ đắc chí, hiếu thắng, tự tin rằng câu hỏi của mình sẽ đặt dấu chấm hết cho niềm tin vào Đấng Sáng Tạo. Vì thế tôi đã viết thêm một loạt bài bổ sung để trả lời câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?” như dưới đây:

  • To ask again: Who created God? Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa?[4]
  • The Limit of Logic / Hạn chế của Logic[5]
  • Hawking: Who Created God? Hawking: Ai tạo ra Chúa?[6]

Tôi cho rằng trả lời như thế đã là đủ. Ngày 28/05/2021, độc giả BT cũng có quan điểm tương tự khi nhấn mạnh rằng:

Đã là TIÊN ĐỀ thì chúng ta không thể đặt câu hỏi “Tại sao lại có tiên đề đó?” … Do đó từ nay trở đi những câu hỏi như vậy cần được chấm dứt vì nó đã được giải quyết triệt để dưới ánh sáng của Định lý Bất toàn của Kurt Gödel

Thực ra bạn Trần Thị Hiền cũng đã nói điều tương tự từ ngày 22/09/2016:

Vâng, đọc xong bài trả lời của bác, cháu đã tự trách mình sao khờ khạo quá, không sớm nhận ra The Creator là một Tiền đề”.

Điều thú vị cần nói là ở chỗ sự thật mà bạn Hiền đã nhìn thấy, rằng Đấng Sáng tạo là một Tiền đề của nhận thức khoa học, tưởng là một điều dễ hiểu nhưng hóa ra lại không dễ hiểu chút nào đối với nhiều người khác, thậm chí đối với những nhà khoa học nổi tiếng như David Hilbert đầu thế kỷ 20 và Stephen Hawking đầu thế kỷ 21.

SAI LẦM CỦA CHỦ NGHĨA DUY LÝ

Cả Hilbert lẫn Hawking đều mắc phải một lỗi giống nhau là không hiểu rằng mọi hệ logic đều phải dựa trên một hệ tiên đề – một hệ thống các niềm tin dựa trên kinh nghiệm và trực giác. Ngoài TRỰC GIÁC, không có một quy trình logic nào cho phép kiểm tra hoặc chất vấn tính đúng đắn của hệ tiên đề!

Tại sao những nhà khoa học lớn như Hilbert và Hawking mắc phải lỗi sơ đẳng đó? Vì chủ nghĩa duy lý ăn quá sâu vào tiềm thức của các vị đó. Sai lầm cơ bản của chủ nghĩa này là loại trừ mọi niềm tin ra khỏi hệ thống nhận thức và cho rằng logic và chứng minh có thể giải thích được mọi thứ. Đó chính là căn bệnh ấu trĩ trong nhận thức về bản chất của toán học đầu thế kỷ 20, mà Hilbert là đại diện tiêu biểu. 

Hilbert từng tuyên bố công khai rằng trong toán học không có cái gì là không thể biết (theo nghĩa là cái gì cũng có thể chứng minh rõ ràng trắng/đen). Nếu chủ nghĩa duy lý là một thế giới thì Hilbert chính là ông vua của thế giới ấy. Ông chê Hệ tiên đề của Euclid là thiếu sót và đòi hỏi toán học phải kiểm tra và chất vấn một hệ tiên đề theo 3 tiêu chuẩn: đầy đủ, độc lập, và phi mâu thuẫn. Bản thân ông xây dựng một hệ tiên đề cho Hình học Euclid, được người đời tán tụng là Hệ Tiên đề Hilbert, và rao giảng Hệ tiên đề Hilbert là một hệ tiên đề mẫu mực của toán học. Nhưng lời rao giảng ấy sai sự thật – sự thật là Hilbert không hề chứng minh được tính đầy đủ của hệ tiên đề của ông. Định lý Gödel ra đời năm 1931 chỉ ra rằng tham vọng tìm ra một hệ tiên đề vừa đầy đủ vừa phi mâu thuẫn cho toán học là KHÔNG TƯỞNG. Có nghĩa là toán học, dù rất mạnh về logic, rốt cuộc vẫn phải dựa trên một hệ thống các niềm tin được cộng đồng toán học thừa nhận. 

Tóm lại, bạn có thể tán thành hoặc không tán thành một Tiên đề, nhưng bạn không thể chất vấn nó, đòi chứng minh nó. Việc chất vấn một Tiên đề chỉ chứng tỏ rằng bạn chẳng hiểu gì về những quy luật của logic mà Pascal từng nhấn mạnh bằng triết học từ thế kỷ 17, và Gödel đã khẳng định trong thế kỷ 20 thông qua Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness).

Chúng ta phải đặc biệt biết ơn Gödel, vì nếu ông không công bố Định lý Bất toàn thì loài người sẽ còn tiếp tục có nhiều có nhiều câu hỏi vô lý và nhiều tham vọng điên rồ nữa. Nếu không có Định lý Gödel, loài người sẽ tiếp tục tôn thờ Hilbert như thánh, và sẽ tiếp tục lao theo những chương trình điên rồ ngông cuồng của chủ nghĩa hình thức – một chủ nghĩa khuynh đảo đường lối toán học trong thế kỷ 20, do David Hilbert khởi xướng và lãnh đạo.

Sau Định lý Gödel, không còn ai cố gắng đi tìm một hệ tiên đề đầy đủ cho toán học nữa. Các nhà toán học phải cay đắng chấp nhận một sự thật là có nhiều sự thật trong toán học mà toán học không thể quyết định được. Đó là một đòn trời giáng lên chủ nghĩa duy lý, bởi hệ quả triết học của nó rất lớn:

Ngay lập tức nó chỉ ra rằng khoa học cũng không thể chứng minh nguyên nhân đầu tiên của các hệ thống động lực học như vũ trụ và sự sống được. Nói cách khác, khoa học (một sản phẩm của tư duy duy lý) không thể trả lời những câu hỏi thuộc về “bản thể luận” như:

  • Nguồn gốc vũ trụ là gì?
  • Nguồn gốc sự sống là gì?

NHỮNG CÂU HỎI THUỘC VỀ BẢN THỂ LUẬN

Những câu hỏi nói trên thực chất nằm trong lĩnh vực của siêu hình học (metaphysics) chứ không phải khoa học. Đây là chỗ nhầm lẫn “chết người” mà bao nhiêu năm qua các nhà khoa học không nhận ra.

Vì thế, nỗ lực của khoa học nhằm trả lời những câu hỏi ấy là một tham vọng không tưởng. Đó chính là lý do để Stephen Hawking tuyên bố một cách phi logic, phi khoa học rằng “vì có những định luật như luật hấp dẫn nên vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không”. Tuyên bố ấy vô nghĩa đến nỗi Giáo sư toán học John Lennox tại Đại học Oxford phải lên tiếng bác bỏ bằng một câu nói giận dữ:

Vô nghĩa vẫn là vô nghĩa, ngay cả khi nó được nói ra bởi những nhà khoa học nổi tiếng”.

Rõ ràng John Lennox khuyên chúng ta chớ nên vì uy danh của những người như Stephen Hawking mà tin vào những lời nói phi lý và vô nghĩa của các nhà khoa học, bất kể họ là ai. Hãy tin vào nhận thức của chính mình mà tìm kiếm chân lý!

Thật vậy, vật lý và vũ trụ học phải dừng lại ở “nguyên tử nguyên thủy”, tức “điểm kỳ dị” trong Lý thuyết Big Bang. Mọi tham vọng trả lời về vũ trụ trước Big Bang đều là những chuyện thần thoại được đánh lận con đen bằng các thuật ngữ khoa học. Thuyết đa vũ trụ (Multiverse) là một thí dụ điển hình. Thuyết đa vũ trụ chỉ nói lên nỗi bế tắc tuyệt vọng của khoa học duy lý trước một bài toán bất khả thi về khoa học, đó là bài toán “Nguồn gốc của Big Bang”. Nói cách khác, Thuyết Đa Vũ Trụ chỉ là một nỗ lực vụng về nhằm thoát khỏi bế tắc do Lý thuyết Big Bang đặt ra. Nó vụng về đến nỗi bị chính các nhà khoa học duy lý bác bỏ.

Lẽ ra, một nhà vật lý thông minh phải “đánh hơi” được các giới hạn của vật lý. “Nguyên tử nguyên thuỷ” chính là giới hạn của không-thời gian, tức là một giới hạn của vật lý học. Mọi khái niệm vật lý sẽ sụp đổ tại thời điểm trước vụ nổ lớn. Chính xác hơn, vật lý học bị dừng lại ở Hằng số Planck. Nhà vật lý Grichka Bordanov nói rất rõ về điều này[7]:

“Thật ra các nhà vật lý không hề nghĩ tới cái gì có thể giải thích được sự xuất hiện của vũ trụ. Họ có thể đi ngược lên tới 10^(– 43) giây, nhưng quá điểm đó thì không. Lúc đó họ húc phải “bức tường Planck” nổi tiếng. Sở dĩ nói như thế vì nhà vật lý xuất sắc người Đức này là người đầu tiên chỉ ra rằng khoa học không thể giải thích được các ứng xử của nguyên tử trong những điều kiện trong đó lực hấp dẫn trở thành cực đại… Chính điều đó ngăn cản chúng ta biết về những gì xảy ra trước 10^(– 43) giây: lực hấp dẫn dựng lên một chướng ngại không vượt qua được đối với sự tìm tòi: bên kia bức tường Planck là sự huyền bí tuyệt đối” –

Tiến sĩ vật lý Igor Bordanov, cũng biểu lộ quan điểm mạnh mẽ và rõ ràng rằng bức tường Planck là giới hạn của hiểu biết vật lý:

“10^(– 43) giây, đó là Thời gian Planck… Đó cũng là giới hạn cuối cùng của nhận thức của chúng ta, là điểm cuối cuộc hành trình trở về nguồn gốc. Đằng sau bức tường đó còn ẩn giấu một hiện thực không thể tưởng tượng ra được. Một cái gì đó không bao giờ chúng ta hiểu được, …”.

Trong sinh học, lý thuyết nguồn gốc sự sống cũng phải dừng lại ở Mã DNA. Khoa học sẽ vĩnh viễn không thể chứng minh nguyên nhân vật chất tạo ra Mã DNA, vì mã DNA là thông tin, và mọi thông tin đều là thực thể phi vật chất, bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh. Đó là một nguyên lý cơ bản của Lý thuyết Thông tin, buộc khoa học phải thừa nhận, rằng thế giới không chỉ có vật chất mà còn có thông tin. Thậm chí thông tin đóng vai trò cốt lõi, vai trò điều khiển. Nếu không có thông tin, vũ trụ sẽ hỗn loạn, và do đó sẽ không thể có sự sống. Thông tin là yếu tố làm cho vũ trụ trở nên trật tự và có ý nghĩa!

Đó là lý do để Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Giải mã Bộ Gene người, coi mã DNA là “Ngôn ngữ của Chúa”. Còn Anthony Flew, một nhà triết học lớn trong TK20, vốn là người bênh vực thuyết tiến hóa về mặt triết học, từng phủ nhận vai trò của Đấng Sáng tạo, đã hoàn toàn thay đổi lập trường khi ông biết những khám phá về DNA. Ông tuyên bố:

Bây giờ tôi tin rằng có Chúa … Bây giờ tôi nghĩ nó [bằng chứng về DNA] chỉ ra (sự hiện hữu) của một Trí thông minh sáng tạo gần như hoàn toàn nhờ vào những nghiên cứu về DNA[8].

Trở lại với bạn Trần Thị Hiền. Bạn ấy viết: “Nhưng giờ đây, cháu đã biết mình nên sử dụng tư duy logic trong những trường hợp nào, nên dùng trực giác, cảm nhận trong trường hợp nào.”

Đó là một kết luận rất thông minh. Nhưng thực ra đối với con người, tư duy trực giác là chủ yếu. Đó là tư duy “đánh hơi”, tư duy định hướng, tư duy dẫn đường. Logic chỉ dùng khi cần phải chứng minh mà thôi. Logic cũng chỉ dùng trong những trường hợp logic có thể áp dụng được. Rất nhiều lĩnh vực của nhận thức không thể áp dụng logic máy móc được. Chỉ có computer mới dùng logic thuần túy. Con người không bao giờ tư duy logic thuần túy như computer. Phần lớn tư duy của con người là tư duy cảm nhận và phi logic [phi logic không có nghĩa là không hợp lý, mà đơn giản chỉ có nghĩa là không thể áp dụng logic suy diễn].

Những sự kiện liên quan đến thế giới siêu hình hoặc thế giới tâm linh là một trong những lĩnh vực phi logic điển hình nhất. Đã đến lúc khoa học nên thay đổi chính mình để chấp nhận mọi hiện tượng khách quan, cả logic và phi logic. Phạm vi logic có thể dần dần nhường cho computer xử lý. Còn trí tuệ của con người nên sẵn sàng đối mặt với những hiện tượng phi logic. Đó chính là tương lai của khoa học!

KẾT LUẬN

Bất kỳ khoa học nào cũng phải có một hệ tiên đề của nó. Việc lựa chọn tiên đề cho khoa học là một vấn đề thuộc về bản thể luận, dựa trên TRỰC GIÁC TRIẾT HỌC chứ không phải một chứng minh thực chứng. Có 2 lựa chọn cơ bản:

Lựa chọn 1: Đấng Sáng tạo là chủ thể sáng tạo ra vũ trụ và sự sống. Đây là Tiên đề cơ bản của khoa học, được ủng hộ bởi hầu như tất cả các nhà khoa học giỏi nhất mọi thời đại như Nicolas Copernicus, Galileo Galilei, René Descartes, Blaise Pascal, Isaac Newton, Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lord Kelvin, Nicolas Tesla, Max Planck, Albert Einstein, Werner Heisenberg, Kurt Gödel …

Lựa chọn 2: Vũ trụ hình thành ngẫu nhiên từ hư vô (Stephen Hawking). Sự sống ra đời ngẫu nhiên từ vất chất vô sinh (Charles Darwin). Điểm chung của Lựa chọn 2 là mọi thứ ngẫu nhiên sinh ra. Đó là một câu trả lời có giá trị ngang với không trả lời!

Mỗi chúng ta đều có quyền lựa chọn theo sự hiểu biết và TRỰC GIÁC CỦA MÌNH.

Theo Louis Pasteur, những người có nhiều khoa học thường chọn Lựa chọn 1 – tin vào vai trò thiết yếu của Đấng Sáng tạo, còn những người có ít khoa học thì chọn Lựa chọn 2.

Đối chiếu với thực tế, tôi thấy Pasteur hoàn toàn chính xác!

DJP Sydney 19/06/2021


[1] https://viethungpham.com/2016/08/09/kelvin-rejected-darwinism-kelvin-bac-bo-hoc-thuyet-darwin/

[2] https://viethungpham.com/2016/09/19/who-created-the-creator-ai-tao-ra-dang-sang-tao/

[3] Ontology is the branch of metaphysics that deals with the nature of being (Bản thể luận là nhánh siêu hình học xử lý vấn đề bản chất của sự tồn tại). [Collins Softback English Dictionary].

[4] https://viethungpham.com/2019/02/19/ask-again-who-created-god-lai-hoi-ai-tao-ra-chua/

[5] https://viethungpham.com/2021/02/20/the-limit-of-logic-han-che-cua-logic/

[6] https://viethungpham.com/2021/05/27/hawking-who-created-god-hawking-ai-tao-ra-chua/

[7] Xem Định lý Gödel, Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại, Phạm Việt Hưng, NXB tri Thức, 2019, trang 158.

[8] I now believe there is a God…I now think it [the evidence] does point to a creative Intelligence almost entirely because of the DNA investigations. https://www.goodreads.com/author/quotes/143385.Antony_Flew

Advertisement

4 thoughts on “Science cannot answer Ontological questions / Khoa học không thể trả lời những câu hỏi về bản thể luận

  1. Cám ơn tác giả vì bài viết rất hấp dẫn, nhẹ nhàng, tình cảm.
    Tác giả lấy câu hỏi của độc giả Trần Thị Hiền làm chủ đề thảo luận, rồi đưa ra những lý lẽ rất rõ ràng, khúc chiết, rành mạch, THUYẾT PHỤC!
    Hy vọng đọc xong bài này, không ai còn hỏi “Ai tạo ra Chúa?” nữa, vì đó là câu hỏi thể hiện sự thiếu hiểu biết về logic. Nếu ông Hawking đọc bài này có lẽ ông cũng sẽ rút lui câu hỏi của mình, chứ đừng nói ai khác.
    Tôi rất thích phần kết luận:
    Đấng Sáng Tạo là một TIÊN ĐỀ chứ không phải định lý.
    Và mỗi người hãy dùng sự hiểu biết và TRỰC GIÁC của mình mà tán thành hoặc không tán thành Tiên đề đó.
    Hoặc bạn đứng về phía những người có nhiều khoa học như Newton, Pasteur, Einstein, …
    Hoặc bạn đứng về phía những người có ít khoa học như …
    Tôi đứng về phía Newton, Pasteur, Einstein…
    Tôi chê cười những người có ít khoa học nhưng lại rất tự phụ tưởng là mình giỏi.
    Cám ơn tác giả
    Thiên Minh

    Thích

  2. Bình luận.

    1) “Thực tại vật lý không như ta tưởng”
    Xin hãy đọc cuốn ” Reality is not what it seems”.
    Tác giả: Carlo Rovelli
    NXB Trẻ 2021
    Người dịch: Phạm Văn Thiều và Phạm Thu Hằng

    2) Có 2 khái niệm giúp cho Toán học phát triển, đó là “VÔ HẠN” và “LIÊN TỤC”. Nhưng thực tại của vật lý và của vũ trụ luôn là “HỮU HẠN” và “GIÁN ĐOẠN”

    3) Những ai muốn thống nhất Thuyết tương đối rộng với Cơ học lượng tử thì phải chấp nhận cái thực tế khó chịu đó.

    4) Topo tổng quát của Vũ trụ là: HỮU HẠN VÀ KHÔNG CÓ BIÊN.

    5) Có một sự “vênh” giữa Toán học và “Vật lý”.
    Điều này cũng dễ hiểu: Định lý Bất toàn của Kurt Godel đã chỉ ra rằng bản thân Toán học là “không đầy đủ” và “không phi mâu thuẫn”. Do đó các nhà vật lý cũng không nên tin tưởng tuyệt đối vào Toán học. Còn các nhà toán học cũng nên cảnh giác với tuyên bố của David Hilbert hồi đầu thế kỷ XX: Chúng ta sẽ biết, chúng ta phải biết.

    Thích

  3. Pingback: Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của hai tên tuổi khoa học lớn Pasteur – Mendel – Tổng hợp tin tức đầy đủ, được cập nhật từ nhiều nguồn trên toàn thế giới.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s