Bizet’s Carmen / Vở opera Carmen của Bizet

Carmen (trích đoạn): “L’amour est un oiseau rebelle” (Elina Garanca)

Love is a fire, is it? “The god of love lives in a state of need. It is a need. It is an urge. It is a homeostatic imbalance. Like hunger and thirst, it’s almost impossible to stamp out”, said Plato, one of the wisest ancient Greek philosophers. To understand how ardent is love, you’d better enjoy the opera CARMEN…

Tình yêu là một ngọn lửa? “Thần ái tình sống trong một tình trạng khao khát, đòi hỏi thôi thúc, mất cân bằng nội tại. Giống như đói và khát, không thể dập tắt nó được”, Plato, một trong những nhà thông thái bậc nhất cổ Hy Lạp đã nói như thế. Để hiểu tình ái rực lửa như thế nào, hãy thưởng thức vở opera CARMEN…

Ngày xưa, hồi còn trẻ, đang tuổi mê nhạc và khao hát yêu đương, tôi đọc “Đỏ & Đen” của Sthendal, rồi bị mê hoặc bởi một câu nói của ông, đại ý như sau: “Tối nay tôi vừa nhận thấy rằng, âm nhạc, một khi nó hoàn hảo, nó đưa ta vào một trạng thái giống như khi ta được hưởng sự có mặt của người yêu, nghĩa là, nó hiến ta một thứ hạnh phúc, có lẽ sâu sắc nhất đời”.

Có hàng ngàn cách mô tả về tình yêu. Tình yêu là một bài ca không dứt, một chuyện kể vô tận. Dường như Chúa muôn nuôi dưỡng sức sống vĩnh cửu cho loài người nên Ngài tạo ra ngọn lửa yêu đương. Quả thật, chẳng có gì hạnh phúc bằng yêu và được yêu. The happiest thing in life is to love and to be loved. Còn tình yêu nào khao khát mãnh liệt hơn tình yêu của Romeo và Juliette? Còn tình yêu nào tha thiết và trong trẻo bằng tình yêu giữa Marius và Cosette? Còn tình yêu nào khốn khổ và cao thượng hơn tình yêu của Thằng gù trong Nhà thờ Đức bà ở Paris? Nhưng những tình yêu bất hủ ấy vẫn còn thiếu một cái gì đó so với tình yêu của cô gái Carmen trong vở opera Carmen của George Bizet, và trong tiểu thuyết ngắn Carmen của Prosper Mérimée. Cái thiếu mà Georges Bizet và Prosper Mérimée muốn thêm vào trong kho tàng văn học và âm nhạc, đó là tình yêu rực lửa, mà tiếng Pháp gọi là L’Amour Ardent, hoặc Le Feu de l’Amour,…

Nếu bạn là người đa cảm, coi yêu và được yêu là hạnh phúc nhất đời, mà bạn chưa thưởng thức hai tác phẩm cùng tên nói trên thì quả thật quá thiệt thòi! Còn tôi, dù đã thưởng thức nhiều lần, nhưng xem lại mãi không chán, bởi tôi thuộc loại thấm đẫm triết lý yêu là cái có ý nghĩa nhất trong đời người.

Tiểu sử Georges Bizet (trích Wikipedia)

1Georges Bizet (1838 – 1875) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano nổi tiếng người Pháp, tác giả vở opera nổi tiếng Carmen, đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật âm nhạc thế kỷ 19. Tên khai sinh là Alexandre César Léopold Bizet. Cái tên Georges được đặt thêm trong lễ rửa tội. Georges sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Paris. Cha là một giáo viên dạy thanh nhạc, mẹ là một nghệ sĩ piano tài ba. Chính họ dạy Georges những bài học đầu tiên về âm nhạc.

Ngay từ nhỏ, Georges Bizet đã biểu lộ tài piano xuất sắc. Người ta đã so sánh tài năng của cậu với Wolfgang Amadeus Mozart và Felix Mendelssohn. Georges có thể đọc và chơi các bản nhạc khi mới 4 tuổi, khiến cha mẹ cậu kinh ngạc. Wikipedia viết: “Có thể nói sự nghiệp sau này của Georges là do Chúa sắp đặt”.

Năm 1848, khi Georges mới 10 tuổi, nhờ tài năng xuất sắc trong việc biểu diễn các bản sonata dành cho piano của Mozart, Georges Bizet đã được tuyển vào học tại Nhạc viện Paris. Tại nhạc viện nổi tiếng này, cậu con trai nhà Bizet đã được học đối vị với Pierre-Joseph-Guillaume Zimmermann và Charles Gounod (đồng tác giả của bản Ave Maria nổi tiếng), học sáng tác với Jacques Halévy và học piano với Antoine François Marmontel.

Trong một lần sang Paris biểu diễn, Franz Liszt có dịp gặp cậu bé Georges Bizet. Bizet đã biểu diễn một tác phẩm của chính Liszt. Liszt đã dành lời khen ngợi cho tài năng nhỏ tuổi, ca ngợi rằng Bizet là một trong ba nghệ sĩ piano xuất sắc nhất châu Âu lúc dó (hai người kia là chính Liszt và Hans von Bülow). Ngoài ra, tài năng của cậu còn được biểu hiện bởi nhiều giải thưởng về biểu diễn piano và organ.

Năm 1855, khi đã 17 tuổi, Bizet bắt đầu sự nghiệp sáng tác với bản Giao hưởng cung Đô trưởng. Tuy nhiên, Bizet đã không công bố tác phẩm này cho đến cuối đời vì cho rằng nó chịu ảnh hưởng từ người thầy Gounod. Phải gần một thế kỷ kể từ năm sinh của Bizet và 60 năm ngày Bizet qua đời, tức năm 1935, tác phẩm này mới có buổi công diễn lần đầu tiên.

Năm 1857, Bizet đoạt giải thưởng Offenbach, giải thưởng do chính nhà soạn nhạc nổi tiếng đương thời Jacques Offenbach lập ra để khuyến khích các tài năng trẻ. Ông đoạt giải thưởng cùng Charles Lecocq. Một năm sau, ông nhận Giải thưởng Rome. Theo quy định của ban tổ chức giải thưởng này, Bizet phải đến Rome học trong 3 năm. Trong khoảng thời gian đó, Bizet có cơ hội tiếp xúc với các vở opera của các nhà soạn nhạc người Ý. Bizet cũng sáng tác khá nhiều trong khoảng thời gian này. Rất đáng tiếc là trong số những tác phẩm này, chỉ có 4 tác phẩm còn tồn tại cho đến bây giờ, đáng chú ý là vở opera Don Procopio. Và cũng tại thủ đô của Ý, Bizet đã nhận sáng tác opera làm công việc ông theo đuổi cho đến cuối đời.

Bizet trở về Paris vào năm 1861, vài tháng sau thì mẹ ông qua đời. Cuộc sống của Bizet đã bước sang một chặng đường mới. Ông từ chối công việc giảng dạy và quyết tâm trở thành một nhà soạn nhạc nổi tiếng. Trước mắt, ông phải viết một tác phẩm để kết thúc hợp đồng với ban tổ chức Giải thưởng Rome về chuyến đi vừa qua. Đó là hoàn cảnh ra đời vở opera La guzla de l’emir.

Vở opera tiếp theo mà Bizet sáng tác là vở Những người mò ngọc trai. Trong lần công diễn đầu tiên, nó là một sự thất bại thảm hại. Công chúng đón nhận nó với thái độ thờ ơ và than phiền rằng vở opera khô cứng, các nhân vật của nó thiếu cảm xúc. Điều đáng tiếc hơn nữa là phải đến năm 1886, sau khi Bizet qua đời rất lâu, người ta mới nhận ra vẻ đẹp của tác phẩm. Thất vọng, Bizet không có sáng tác gì cả, chỉ phối khí cho tác phẩm của một số nhà soạn nhạc khác cùng với dạy piano. Chỉ đến tháng 12 năm 1867, ông mới sáng tác trở lại với vở opera Người đẹp thành Ba Tư.

Năm 1868 là một năm rất khó khăn đối với nhà soạn nhạc Pháp. Ông đã bị đau cuống họng nhiều lần trong năm đó và rất nhiều tác phẩm, vì lý do đó, đã không thể được hoàn thành. Thêm vào đó, ông còn bị cảnh sát gọi đến vì lập trường tôn giáo của riêng ông. Tuy nhiên, cũng nhờ lập trường này, các tác phẩm của Bizet đã trở nên sâu sắc hơn. Ông chuyển sang sinh sống tại ngoại ô Paris với hy vọng có thể thay đổi tâm trạng xấu của bản thân. Tại đây, tháng 6 năm 1869, ông cưới con gái của người thầy cũ, bà Geneviève Halévy. Không may cho Bizet là đây không phải là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hai người có một đứa con trai duy nhất, đứa bé đã tự tử. Khó khăn lại ghé thăm Bizet bởi Chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra, Bizet tham gia vào Cục Phòng vệ Quốc gia. Trong khoảng thời gian đó, ông phải sống trong sự túng thiếu và hầu như không có điều kiện sáng tác. Nhưng, ông cũng hoàn thành bản tổ khúc Những trò chơi cho trẻ nhỏ năm 1871. Cũng trong năm đó, ông hoàn thành phần âm nhạc cho vở kịch Cô nàng xứ Arles và vở opera Djamileh. Một lần nữa, Bizet lại không cho thấy cái duyên ra mắt các tác phẩm của mình khi các buổi trình diễn đầu tiên các tác phẩm này không thành công. Phải cho đến hiện tại, hai tác phẩm này mới được nhìn nhận một cách đúng đắn. Công chúng lại mất một thời gian dài để nhận thấy những giá trị đích thực trong các tác phẩm của Bizet.

Bizet có lẽ hiểu điều đó nên ông không cảm thấy bi quan, ông không cho rằng mình kém cỏi mà là do khán giả vẫn chưa hiểu. Bizet quyết tâm dồn tâm huyết vào Carmen. Với tất cả những gì đã làm, Bizet đã tin tưởng vào sự thành công của tác phẩm. Tuy nhiên, nó là một thất bại thảm hại nữa cho ông. Khán giả không thể nào chịu đựng nổi một cô Carmen không chung thủy, yêu hết anh này rồi anh khác. Cảm xúc nhất thời đã khiến khán giả sỉ nhục các ca sĩ đang biểu diễn và cả nhà soạn nhạc đáng thương chỉ vì họ đang cố gắng biểu diễn một tác phẩm mà họ không ngờ rằng nó lại gây cảm xúc tiêu cực như vậy. Thảm họa đó đổ xuống đầu Bizet và ông suy sụp thực sự. Bệnh cuống họng lại bắt đầu hành hạ nhà soạn nhạc bất hạnh. Tất cả đang khiến sức khỏe của nhà soạn nhạc yếu đi. Trên giường bệnh, Bizet luôn hỏi phải chăng ông đã sai. Sau hai cơn đau tim liên tiếp, ông qua đời tại Bougival. Mọi thứ như là định mệnh vậy.

Một người phụ nữ như Carmen

Bài của Hà Vân trên trang Phụ nữ 8 ngày 27/03/2015

2Prosper Mérimée (1803 – 1870) là một nhà văn viết truyện ngắn và vừa của Pháp, nổi tiếng trong thế kỷ XIX, cho dù ông còn được biết đến như một nhà viết kịch có tài, một nhà sử học kiêm khảo cổ học. Năm bốn mươi tuổi, ông đã là thành viên của Viện Hàn lâm Pháp. Trong số những người cùng thời, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhà văn Stendhal. Ngoài ra, ông cũng ngưỡng mộ cách viết của các nhà văn Anh như Walter Scott, Shakespeare và các nhà văn Nga như Turgenev, Gogol, Pushkin. Arlen J. Hansen (1936 – 1993) là một nhà nghiên cứu văn học người Mỹ cho rằng: “các truyện ngắn của Mérimée là những tuyệt tác của sự quan sát lạnh lùng và khách quan, tuy rằng nội dung truyện thường đầy xúc cảm”. Những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Prosper Mérimée là “Colomba”, “Hai sự hiểu lầm”, “Mateo Falcone”, “Carmen”… Ngoài viết truyện ngắn và vừa, Prosper có viết một tiểu thuyết lịch sử khá nổi tiếng là “Biên niên sử của triều đại Charles IX”. Tiểu thuyết này đã được dịch ra tiếng Việt.

“Carmen” ra đời năm 1845. Câu chuyện kể về cô gái bohemian Carmen xinh đẹp, quyến rũ, đa tình, có sức thu hút đàn ông. Chàng trai hiền lành José khi gia nhập quân đội đã có người yêu là cô gái Micaella hiền lành nơi quê nhà. Nhưng khi gặp Carmen, chàng đã bị nàng chinh phục hoàn toàn. Vì nàng, chàng đã từ bỏ tất cả, đánh mất tất cả, từ một người lính trở thành một kẻ cướp, sống lang thang, đi theo Carmen. Carmen là một mẫu phụ nữ lạ lùng. Nàng mê tín, tàn nhẫn, sống không theo một khuôn phép nào, nhưng nàng lại dũng cảm, đầy nghị lực và mê say mãnh liệt. Đàn ông bị nàng thu hút. Nàng yêu họ, rồi bỏ họ. Nàng lôi kéo họ theo mình rồi đột ngột rời xa họ. Đàn ông điên lên vì nàng, còn nàng thì thoắt nồng nàn say đắm, rồi lại thoắt lạnh lùng thờ ơ. Nàng yêu đàn ông, nhưng nàng còn yêu một điều khác nhiều hơn: cuộc sống tự do. Nàng là một phụ nữ đặc biệt: nàng đi tìm tự do cho chính mình, nhưng lại không cho những người khác được tự do. Nàng luôn nói dối và đàn ông biết điều đó nhưng vẫn lao vào nàng như những con thiêu thân lao vào ánh lửa.

r260135090

Yêu José, chiếm lĩnh cả cuộc đời José, hủy hoại cả cuộc đời José, nhưng cuối cùng Carmen lại bỏ rơi chàng để đi theo chàng dũng sĩ đấu bò Escamillo. Nàng kiêu hãnh, nàng bướng bỉnh và khi trái tim nàng đã thay đổi thì không ai có thể van xin hay níu kéo nàng trở lại. Với sự kiêu hãnh đó, nàng đã gục ngã dưới mũi dao ghen tuông điên dại của José.

Hình tượng cô gái Carmen là một trong những hình tượng văn học nổi tiếng trên thế giới. Nàng là biểu hiện của tình yêu và khát vọng tự do, là biểu hiện của sức quyến rũ của phụ nữ đối với đàn ông. Tính cách nàng phức tạp và đầy mâu thuẫn, nàng không phải là người xấu, nhưng cũng không phải là người tốt, đơn giản vì nàng là niềm say đắm mãnh liệt, mà say đắm mãnh liệt thì chẳng thể phân định tốt xấu bao giờ.

Cách viết của Prosper Mérimée là cách viết chứa nhiều kịch tính, ngôn từ chặt chẽ, lạnh lùng nhưng ẩn chứa chất trữ tình sâu xa. Sau này nhà soạn nhạc Pháp Georges Bizet đã cho ra đời vở opera “Carmen” dựa trên tác phẩm của Prosper Mérimée và đó là một trong những vở opera nổi tiếng nhất thế giới.

vt691529_429long

Đọc “Carmen”, nhớ đến trường ca “Đoàn người Digan” của Pushkin (sáng tác năm 1827). Nội dung của trường ca này nói về chàng trai Aleko rời bỏ chốn thị thành, đi theo đoàn người Digan sống lang thang trên thảo nguyên Mondavia. Trong đoàn có cô gái Zemfira xinh đẹp, yêu Aleko và chung sống với anh. Nhưng rồi với tính tình đỏng đảnh, hay thay đổi, Zemfira không yêu Aleko nữa mà yêu một chàng trai Digan khác. Aleko đã giết cả Zemfira lẫn người yêu mới của nàng. Đoàn người Digan tiếp tục lên đường, bỏ Aleko ở lại với thảo nguyên mênh mông, cô độc. Nhớ những câu thơ của Pushkin nói về tính tình người phụ nữ:

Ai chỉ được cho trăng chỗ đứng

Ai bảo trăng dừng lại chốn này

Ai bảo được trái tim thiếu nữ

Yêu một lần thôi chớ đổi thay.

Yêu thích Pushkin và có viết phê bình về văn học Nga, có lẽ Prosper Mérimée đã chịu ảnh hưởng của bản trường ca này khi viết về Carmen.

Carmen – Tình yêu và đam mê

Bài trên trang kenh14.vn ngày 21/02/2013

Vở opéra Carmen dựa trên tiểu thuyết cùng tên đã được dàn dựng và trình diễn từ hơn 150 năm. Đến nay, tình yêu và đam mê thấm đẫm trong tác phẩm vẫn làm say đắm bất cứ ai yêu mến vở nhạc kịch ấy.

Rất có thể nhiều người trong chúng ta nếu được hỏi về một vở nhạc kịch mang tên Carmen thì vội vàng lắc đầu không biết. Nhưng khi những giai điệu đầu tiên được vang lên, hầu như ai cũng chợt nhận ra khúc nhạc này sao mà quen thuộc và gần gũi đến vậy. Bởi những giai điệu của vở nhạc kịch kinh điển này đã được nhiều nhà sản xuất phim, hoạt hình, chương trình tạp kỹ phát trên truyền hình… lấy làm nhạc nền một cách phổ biến và rộng rãi. Do đó, tuy không hề biết nguồn gốc thực sự của bản nhạc, nhưng chỉ nghe đến giai điệu, nhiều người đã nhận ra ngay và lầm tưởng đó là nhạc cho bộ phim này, chương trình tạp kỹ kia…

Célestine Galli-Marié dans le rôle de Carmen par Henri Lucien Doucet 1886 Peinture à l'huile sur toile Tableau réalisé en Italie L'opéra Carmen de Georges Bizet a été représenté à l'Opéra pour la première fois en 1875. livret de Prosper Mérimée

Célestine Galli-Marié dans le rôle de Carmen
par Henri Lucien Doucet
1886
Peinture à l’huile sur toile
Tableau réalisé en Italie
L’opéra Carmen de Georges Bizet a été représenté à l’Opéra pour la première fois en 1875.
livret de Prosper Mérimée

Hình bên: Tranh của Lucien Doucet, Chân dung của Galli Marié trong vai “Carmen”, 1884

Thực chất Carmen là một vở opéra Pháp của Georges Bizet. Lời nhạc của Henri Meilhac và Ludovic Halévy, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Prosper Mérimée, lần đầu xuất bản năm 1845. Tiểu thuyết này lại bị ảnh hưởng từ bài thơ tường thuật The Gypsies (1824) của Alexander Pushkin. Mérimée đã đọc bài thơ bản tiếng Nga năm 1840 và đã dịch nó sang tiếng Pháp năm 1852. Nội dung của câu chuyện được viết trong bối cảnh tại Seville, Tây Ban Nha, khoảng năm 1830. Carmen, một phụ nữ Gypsy xinh đẹp với tính khí bốc lửa, tự do trong tình yêu. Một lần, Carmen đã gặp và quyến rũ hạ sĩ Don José, một người lính trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Quan hệ của họ khiến anh ta chối bỏ tình yêu cũ của mình, nổi loạn chống lại chỉ huy, và gia nhập một nhóm buôn lậu. Tuy nhiên một thời gian sau, Carmen lại quay sang phải lòng đấu sĩ đấu bò Escamillo, bỏ rơi Don José, khiến anh căm giận mà giết Carmen.

Suốt một thời gian dài, vở Carmen đã bị đánh giá là nuôi dưỡng một phong trào vừa nổi tiếng vừa tai tiếng đầu tiên ở Italia: sự sùng bái chủ nghĩa hiện thực được gọi là verismo (hiện thực, tự do yêu đương). Từ những năm 1880, đây đã là một trong những vở opéra được trình diễn nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, Carmen còn đứng hàng thứ tư trong danh sách 20 vở opéra được trình diễn nhiều nhất Bắc Mỹ của Opera America. Thậm chí vở opéra cuối cùng của Bizet không chỉ đã biến đổi thể loại kịch opéra từng ổn định trong suốt nửa thế kỷ, mà nó còn rõ ràng đã tiêu diệt chính những khái niệm xưa cũ của chính nó. Sở dĩ có thể nói như vậy bởi trong vòng vài năm, sự phân biệt truyền thống giữa opéra (nghiêm túc, anh hùng và hùng biện) và kịch opéra (vô tư, tư sản và nhiều đàm thoại với nhiều đoạn hội thoại) đã biến mất.

Thật đáng tiếc, Bizet chết vì một cơn đau tim, lúc mới 37 tuổi, ngày 3/ 6/1875, và ông đã không bao giờ biết được vở Carmen sẽ trở nên nổi tiếng như thế nào. Tháng 10 năm 1875, vở Carmen được diễn ở Vienna với thành công vang dội, bắt đầu con đường đến với khán giả toàn thế giới. Mãi tới năm 1883 vở opéra mới được diễn lại tại Opéra Comique. Tuy nhiên, với thành công và ảnh hưởng của vở nhạc kịch kinh điển này, tên tuổi của ông đã được mọi người nhớ và nhắc tới trên toàn thế giới, dần thuyết phục và xóa đi mọi định kiến không hay trước đây của giới chuyên môn về opéra đối với Carmen. Đây chính là thành công và niềm tự hào mà Carmen đã đem lại cho Bizet.

Tại Việt Nam, một số chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng người nước ngoài cũng từng dàn dựng vở Carmen và trình diễn với sự tham gia của các nghệ sỹ nhà hát ca vũ kịch Việt Nam. Năm 2011, nhạc trưởng Graham Sutcliffe người Anh đảm nhiệm vai trò chỉ huy dàn nhạc, cùng nữ đạo diễn người Thụy Điển Helena Rohr cũng đã đến Việt Nam. Họ đã dựng lại vở nhạc kịch kinh điển này với dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch trong nước, nhằm giới thiệu Carmen rộng rãi hơn với công chúng, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội.

Trong những lần công diễn đó, công bằng mà nói, các nghệ sỹ Việt Nam vốn chỉ quen hát chứ chưa quen diễn xuất, nên đã gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện vở Carmen. Thậm chí, giọng hát và ngoại hình của các vai chính chưa thực sự tương xứng với một vai diễn lớn và phức tạp như Carmen. Bởi một rào cản lớn về ngôn ngữ: lời ca bằng tiếng Pháp và lời thoại lại bằng tiếng Việt. Ngoài ra, sự chính xác trong phát âm và lời thoại của các nhân vật quần chúng vẫn chưa ở được mức cần có, khiến cho vở nhạc kịch đôi khi bị ngắt quãng bởi những lỗi không đáng có.

Tuy nhiên, những điều ấy cũng không ngăn cản Carmen chiếm được cảm tình của khán giả, đặc biệt là những khán giả người nước ngoài đến nghe và cảm nhận. Và đó chính là điều tuyệt vời nhất mà Carmen đã làm được: tình yêu và sự đam mê đối với một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Trong không gian nồng nàn hương xuân của tình yêu này, ta chỉ có thể thốt lên: Cám ơn nàng Carmen!

Carmen cũng được nhiều nước dựng thành phim nhạc kịch

Thay lời kết

Carmen, đến lượt nó, lại trở thành chủ đề cho những sáng tác, biến tấu ngẫu hứng mới. Một trong những biến tấu kỳ diệu nhất là tác phẩm Carmen Fantasy, của Pablo de Sarasate, một nhà soạn nhạc lớn của Tây Ban Nha, được trình bày một cách tuyệt mỹ bởi Sarah Chang, một vilonist hàng đầu hiện nay, người Mỹ gốc Hàn. Xin mời thưởng thức.

PVHg, Sydney 04/10/2016

 

Advertisement

2 thoughts on “Bizet’s Carmen / Vở opera Carmen của Bizet

  1. Cảm ơn anh Hưng về hai bài viết gần đây đã giới thiệu những nét cơ bản về hai thể loại âm nhạc đỉnh cao Châu Âu: Giao hưởng và Opera. Loại thứ nhất có tính bác học, hàn lâm. Loại thứ hai có tính “bình dân” và “thế tục” hơn.

    Top 10 các bản giao hường hay nhất mọi thời đại do BBCMM bình chọn là căn cứ vào các phiếu bầu của 151 nhạc trưởng có tên tuổi trên thế giới. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một danh sách tham khảo cho mỗi cá nhân vì suy cho cùng mỗi người có các cảm xúc khác nhau khi nghe cùng một bản nhạc. Đó là sự đa dạng vốn có của cuộc sống. Tư duy giao hưởng là thứ tư duy cảm xúc phi – logic.

    Tình hình có khác đối với thể loại Opera: Thông thường các vở Opera được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học, chẳng hạn vở Carmen của G. Bizet được phát triển trên các ý tưởng của tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mérimée. Opera dựa trên các loại hình nghệ thuật sau: Văn học, Sân khấu và Âm nhạc. Vậy rõ ràng tư duy Opera là thứ tư duy logic – lí lẽ vì tư duy văn chương chủ yếu là thứ tư duy logic – lí lẽ. Mà một hệ logic – lí lẽ thì lại nằm trong phạm vi tác động của định lí bất toàn của K. Godel. Nói một cách khác nó vừa “không đầy đủ” và vừa chứa chất những “mâu thuẫn”.

    Loài người sẽ còn tốn nhiều giấy mực và thời gian để bàn luận về vở Carmen là như vậy. Kẻ thích cũng nhiều, kẻ chê cũng lắm. Sinh thời chính bản thân Bizet đã hứng chịu “cái vạ” này rồi. Nhưng tại sao vở Opera này vẫn đứng đầu trong danh mục các vở Opera được dàn dựng nhiều nhất trên thế giới. Câu trả lời sẽ là: Đó là cuộc sống thực của xã hội chúng ta. Cái vở diễn của cuộc sống thực đó vừa có tính “không đầy đủ” và vừa chứa chất những “mâu thuẫn nội tại” – C’est la vie.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s