Scientists are not in agreement with String Theory / Không đạt được nhất trí về Lý thuyết Dây

string_theory_11322 copy

Scientists are not in agreement with String Theory and Multiverse Theory. In an recent article titled “Being not in an agreement”, published on TIA SÁNG 04/03/2016, professor Cao Chi put the question: “String Theory and Multiverse should be stopped or continued?”. It is a big question for the modern physics, and even for natural philosophy and epistemology. PVHg’s Home is honored to introduce Prof. Cao Chi’s article to the readers…
Các nhà khoa học không có sự nhất trí về Lý thuyết Dây và Lý thuyết Đa vũ trụ. Trong một bài báo mới đăng trên TIA SÁNG ngày 04/03/2016, nhan đề “Không đạt được nhất trí”, Giáo sư Cao Chi đặt câu hỏi: “Nên chấm dứt hay tiếp tục Lý thuyết dây & Lý thuyết Đa vũ trụ?”. Đó là một câu hỏi lớn đối với vật lý hiện đại, và thậm chí đối với triết học tự nhiên và nhận thức luận. PVHg’s Home xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài báo của GS Cao Chi…

Thưa độc giả,

Cuối Tháng 02 vừa qua, trong khi trả lời ý kiến thảo luận của bạn Linh Giang về bài “A God’s Prediction / Một dự đoán như thần” trên PVHg’s Home ngày 22/02/2016, tôi đã viết:

“Người ta đang tìm đủ mọi cách để hợp nhất Thuyết Tương đối Tổng quát với Cơ học lượng tử mà không xong. Tôi hy vọng lý thuyết siêu dây sẽ thành công, nhưng một trực giác nào đó xui khiến tôi nghĩ rằng khó mà thành công được… Tôi không thích lý thuyết dây cho lắm vì nó thuần túy xuất phát từ logic và toán học. Nó không có hơi thở của tự nhiên, được nhào nặn để cố gắng cho ra đời một TOE. Đó là một tham vọng… có lẽ là không tưởng. Edward Witten được nhiều người gọi là Einstein mới, nhưng tôi không tin. Vật lý ngày nay có QUÁ NHIỀU LÝ THUYẾT MỚI, nói đúng hơn là có QUÁ NHIỀU GIẢ THUYẾT MỚI, đến mức hỗn loạn, … Cơ học lượng tử là lời nhắc nhở rằng có những mầu nhiệm vượt quá logic của con người. Vì thế cố gắng nhét Thuyết Tương Đối và Cơ học lượng tử vào chung một bị là không cần thiết, bởi đó là sự gượng gạo ép buộc của hệ tư duy logic, một thói quen của con người… Từ khi thấm nhuần Định lý Godel, Stephen Hawking cũng đã không còn tin tưởng vào sự thành công của TOE nữa. Định lý Godel cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn khác và mới mẻ về thế giới,…”.

Nay đọc bài báo của GS Cao Chi trên Tia Sáng, tôi giật mình tìm thấy sự đồng cảm thú vị. Tôi muốn chia sẻ sự đồng cảm đó với một số đông độc giả, vì thế xin trân trọng giới thiệu bài báo của GS Cao Chi trên PVHg’s Home. Xin chân thành cảm ơn tác giả và cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc. Sau đây là nguyên văn bài báo.

TIA SÁNG 09:00-04/03/2016

Hội thảo Vật lý-Triết học tại Munich, tháng 12/2015:

KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC NHẤT TRÍ

Tác giả: Cao Chi

Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=9475

-nas-content-live-quanta-wp-content-files_mf-cache-36a0b8dd4d0b11492544a67105dfe5f8_RedefiningScience_Large2Hình bên: Nhà vật lý George Ellis (giữa) và Joe Silk (phải) tại Ludwig Maximilian University, Munich ngày 7/12/2015.

Nên chấm dứt hay tiếp tục LTD (Lý thuyết dây-String theory) & Lý thuyết ĐVT (Đa vũ trụ-Multiverse)?

Quá trình bắt đầu từ một bài báo của George Ellis (nhà vũ trụ học, ĐH Cape Town) và Joe Silk (nhà thiên văn học ĐH Johns Hopkins), đăng trên Nature 516, 321–323; 2014. Theo hai tác giả này thì Vật lý hiện đại đã đi chệch khỏi con đường của phương pháp khoa học. Họ hàm ý đến LTD và Lý thuyết ĐVT khi cho rằng các nhà vật lý đi theo các hướng này dường như quá say mê vẻ đẹp và logic của chúng mà quên đi rằng lý thuyết cần gắn liền với thực nghiệm nên đã xóa mờ ranh giới giữa khoa học và không khoa học (science & nonscience). Khoa học chỉ dung nạp các lý thuyết vật lý kiểm nghiệm được (testable). Ellis và Silk hầu như đã phủ nhận các lý thuyết chủ đạo (LTD & ĐVT) của 40 năm qua.

Ellis và Silk viết:

Theo quan điểm của chúng tôi vấn đề rút gọn lại là phải làm sáng tỏ một câu hỏi: khả năng quan sát và chứng kiểm thực nghiệm có tồn tại hay không để thuyết phục các nhà vật lý đó rằng lý thuyết của họ là sai và buộc họ phải từ bỏ lý thuyết đó? Nếu không có khả năng đó thì lý thuyết của họ không phải là khoa học. Ellis và Silk muốn gợi lại tinh thần của Popper: Một lý thuyết có khả năng phản nghiệm mới là một lý thuyết khoa học “A theory must be falsifiable to be scientific”.

Vấn đề đặt ra bức xúc đến mức David Gross (ĐH California, Santa Barbara, Mỹ) phát biểu rằng:

Vật lý cơ bản đối diện với một vấn đề quan trọng, nghiêm trọng đến nỗi cần kêu gọi cả sự góp ý của những người ngoài cuộc (Fundamental physics faces a problem, one dire enough to call for outsiders’ perspectives).

Gross tin rằng các nhà vật lý có thể cần đến sự viện trợ của các nhà triết học, những người vốn được coi là ngoại đạo với vật lý.

Và một cuộc hội thảo lớn Vật lý và Triết học vật lý “A Fight for the Soul of Science – Một cuộc chiến vì tinh thần của khoa học” đã được tổ chức tại ĐH Ludwig Maximilian University (LMU, Munich, Đức) từ ngày 7 đến 9/12/2015 với sự tham dự của hơn một trăm nhà khoa học – triết học và vật lý1.

Cuộc tranh luận của các nhà khoa học

Thực tế đối diện

LTD (Lý thuyết dây) và lý thuyết Đa vũ trụ là trung tâm của nội dung hội thảo.

(Tuy nhiên Helge Kragh, ĐH Aarhus, Đan Mạch cũng có nhận xét rằng hai lý thuyết trên cũng chỉ là một phần nhỏ công việc của các nhà vật lý).

Các nhà vật lý có mong muốn tìm sự giúp đỡ của các nhà triết học để xác định một lập trường trong cách nhìn nhận mối liên quan giữa lý thuyết và thực nghiệm trong vật lý hiện đại.

Các nhà vật lý đang đối diện với thực tế phải thâm nhập từng bước vào chiều sâu của vật chất từ kích thước cm đến phần triệu của phần triệu của phần triệu của cm. Theo chiều hướng này, dường như ta phải đạt được khoảng cách 10 triệu tỷ lần nhỏ hơn khả năng hiện nay của máy LHC. Đây là phạm vi hoạt động của LTD, một ứng viên của TOE (Theory of Everything-Lý thuyết của tất cả). Hiện nay, chúng ta chưa hình dung được việc phải đạt được năng lượng đó như thế nào.

Thứ hai, hiện nay các kính viễn vọng cũng chưa vượt được chân trời vũ trụ của Thiên hà chúng ta để nhìn vào các vũ trụ khác của giả thuyết đa vũ trụ. Các lý thuyết vũ trụ học dẫn một cách logic đến kết luận là vũ trụ chúng ta chỉ là một trong quần thể Đa vũ trụ.

Xem hình 1 (từ báo cáo của David Gross).

EoE-DeBold 2

Hình 1. Chúng ta mới quan sát được một phần của vũ trụ (phần nằm từ 10 mũ -15 cm đến 10 mũ 30 cm ), song các lý thuyết vật lý hiện đại lại nghiên cứu các vùng nằm ngoài tầm vùng đó.

Như vậy, lỗi hoặc ở các nhà vật lý đã đẩy lý thuyết đi quá xa hoặc là lỗi của thiên nhiên muốn che giấu các bí ẩn của mình, nhưng tựu trung kết quả là một: Lý thuyết đã tự mình tách rời khỏi thực nghiệm. Những suy tưởng về vũ trụ đã vượt quá xa khả năng kiểm chứng của công nghệ hiện đại.

Điều phải làm không phải là nhận thức luận (ideology) mà là chiến lược (strategy): con đường lợi ích nhất để làm khoa học là con đường nào?

Có lẽ đây là câu hỏi của các nhà vật lý dành cho các nhà triết học vật lý?

Trên đây là tóm tắt phát biểu của David Gross, người ủng hộ LTD và được giải Nobel Vật lý 2004 về các công trình về lực hạt nhân mạnh.

Gross xếp LTD là lý thuyết kiểm nghiệm được về nguyên tắc (testable in principle), do đó LTD là lý thuyết khoa học, và việc nói LTD là không khoa học vì không kiểm nghiệm được trong hiện tại là điều vô nghĩa.

Thuyết Popper (Popperism)

Vậy cần những yêu cầu gì để một lý thuyết chưa được kiểm chứng được xem là khoa học?

Hiện nay đa số các nhà khoa học sử dụng tiêu chí của Karl Popper, một nhà triết học Áo-Anh. Năm 1930, Popper đã xác định một ranh giới giữa khoa học và không khoa học (science & non science) bằng việc so sánh công trình của Albert Einstein với công trình của Sigmund Freud. Lý thuyết của Einstein là phản nghiệm được (falsifiable). Điều đó (falcification) có nghĩa là có thể tìm được một chứng cứ thực nghiệm để chứng minh lý thuyết đó là sai. Song phân tâm học của Freud là không phản nghiệm được, vậy phân tâm học không là khoa học.

Các nhà khoa học phê bình LTD và giả thuyết ĐVT đã vượt quá đường ranh giới của Popper hay nói cách khác là không phản nghiệm được, vì vậy không phải là khoa học.

Song tại hội thảo Munich, nhiều nhà vật lý và triết học phản đối tiêu chí Popper. Massimo Piglicucci, nhà triết học (ĐH City New York), phát biểu rằng, tiêu chí phản nghiệm của Popper chỉ còn là một tiêu chí thảm hại để phân ranh giới giữa khoa học và không khoa học. Một ví dụ là Chiêm tinh học (Astrology) được phản nghiệm không biết bao nhiêu lần đến phát ngán (ad nauseam) vậy mà Chiêm tinh học vẫn không phải là khoa học! Pigliucci tiếp rằng, chúng ta đang bàn về triết học vật lý hiện đại chứ không phải là triết học vật lý của 50 năm về trước.

Thuyết Bayer (Bayersianism)2

Đa số các nhà triết học tại hội thảo Munich cho rằng, phản nghiệm Popper cần được thay thế bởi lý thuyết của Bayes (tức Bayesianism). Stephan Hartmann, nhà triết học phái Bayesianism tại LMU cho rằng, Bayesianism mềm dẻo hơn lý thuyết của Popper.

Nguyên tắc của xác suất Bayes là xác định xác suất điều kiện P(D|H) từ xác suất của một lý thuyết tiền định đúng đắn P(H) sau đó xác định lại xác suất hậu định P(H|D) nhờ những tư liệu, những kiến thức mới.

Carlo Rovelli (ĐH Aix-Marseille), người ủng hộ LQG (Loop Quantum Gravity – Hấp dẫn lượng tử vòng, vốn là thuyết cạnh tranh với LTD) cho rằng, nếu đối với sự tồn tại của nguyên tử là 100 % thì theo quan điểm của thuyết Bayer, LTD trong tham vọng thống nhất các tương tác thì không được đến 10 %, hai lý thuyết này ở hai tình trạng khác nhau. Rovelli không đồng ý với cách tiếp cận của Bayesianism đối với LTD.

Còn George Ellis phản đối ý kiến rằng các yếu tố lý thuyết có khả năng làm tăng xác suất trong tiếp cận Bayesianism mà theo ông, những yếu tố thực nghiệm mới là điều chúng ta cần.

Đánh giá không – thực nghiệm (Non – Emipircal Assessment)

Một tiếp cận được chú ý đến nhiều là phương pháp đánh giá không thực nghiệm.

Đây là phương pháp do Richard Dawid, nhà vật lý lý thuyết sau chuyển thành nhà triết học vật lý (LMU), tác giả cuốn sách nổi tiếng String Theory and the Scientific Method (Cambridge Univ. Press, 2013). Dawid quan tâm đến việc tại sao các nhà LTD rất tin tưởng ở lý thuyết này mặc dầu thiếu cơ sở thực nghiệm (“Why do they trust the theory?”). LTD chứa hạt graviton, như vậy LTD thống nhất được lực hấp dẫn của Einstein với các tương tác khác. Song LTD chưa đưa ra được một tiên đoán nào khả dĩ kiểm nghiệm được.

Năm 2000, Dawid đưa ra ba lý lẽ không-thực nghiệm mang tính triết học tạo nên sự tin tưởng vào LTD.

1/ LTD hiện nay là lý thuyết độc nhất có khả năng thống nhất các tương tác theo một cách thích hợp nhất (mặc dầu trong LTD có nhiều biểu diễn toán học).

Lý lẽ này có tên là “lý lẽ về không có khả năng nào khác – no alternatives argument NAA”.
Một lý thuyết cạnh tranh là LQG, song LQG không có mục tiêu thống nhất các tương tác.

2/ LTD phát triển từ SM vốn cũng không có khả năng nào khác trong quá trình hình thành và đã được kiểm nghiệm bằng thực nghiệm. Lý lẽ này Dawid gọi là “lý lẽ siêu –quy nạp – meta-inductive argument MIA”. Dawid tin vào khả năng có thể xảy ra là các nhà vật lý không đủ trí lực để tìm ra những khả năng tồn tại khác (physicists simply aren’t clever enough to find the alternatives that exist).

3/ Lý lẽ thứ ba là LTD đã bất ngờ đưa ra những giải thích đối với nhiều bài toán bên ngoài bài toán thống nhất vốn là mục tiêu chính của LTD. Joe Polchinski (ĐH California, Santa Barbara) đã đưa ra nhiều ví dụ về những “mối liên thông giải thích không ngờ” này (unexpected explanatory interconnections). Lý lẽ này được gọi là “lý lẽ các liên thông giải thích bất ngờ – unexpected explanatory interconnections UEA”.

LTD đã giải thích được entropy của lỗ đen, điều này lại gắn liền với vật lý hạt cơ bản (nhờ đối ngẫu AdS/CFT).

Polchinski đã phát biểu rằng “LTD đã tồn tại, chúng ta chỉ phát hiện ra thôi”. Polchinski đã sử dụng các lý lẽ không thực nghiệm của Dawid để tính xác suất Bayesianism (Bayesianism odds) để ĐVT tồn tại là 90 %.

Cái đẹp và sự thật

Về vẻ đẹp của lý thuyết: Không phải cứ lý thuyết nào đẹp cũng là đúng. Một ví dụ là lý thuyết cuộn xoáy của nguyên tử vào Thế kỷ 19 của Scots Peter Tait & Lord Kelvin cho rằng nguyên tử là những cuộn xoáy (vortex) trong ether, một chất lỏng chứa đầy không gian. Phải công nhận đây là một lý thuyết rất đẹp về mặt toán học song như chúng ta biết, lý thuyết này hoàn toàn sai.

Ether không tồn tại và các cuộn xoáy cũng không tồn tại. Cái đẹp không là sự thật. Lẽ dĩ nhiên phải trừ các phương trình hấp dẫn của Einstein: chúng vừa đẹp vừa đúng.

Làm thế nào để đánh giá một lý thuyết không có cơ sở thực nghiệm. Có thể dùng cách đánh giá không-thực nghiệm (non-empirical) của Dawid được không?

Nhà triết học Radin Dardashti (LMU) cho rằng, trong cách đánh giá của Dawid phải xác định chính xác trọng số cho từng lý lẽ NAA, MIA & UEA.

(Ví dụ đối với lý lẽ NAA có nhận xét của Sabine Hosenfelder, một nhà vật lý, Viện Nordic Vật lý lý thuyết ở Stockholm, cho rằng tính phổ biến của một lý thuyết (như LTD) có thể tạo nên ấn tượng đó là lý thuyết duy nhất trên diễn đàn. LTD thu nhiều ưu thế mang tính xã hội hơn là khoa học: các nhà vật lý trẻ dễ dàng lao vào LTD vì cho rằng đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng hơn các lĩnh vực ít người biết đến ).

Dardashti cho rằng phép đánh giá của Dawid còn khách quan hơn việc dựa trên các tính “đơn giản và đẹp” và các tính khác.

Gross cho rằng phương pháp Dawid có thể xem là một ý tưởng mới, một lý thuyết mới trong triết học vật lý.

Song nhiều người tham gia hội thảo vẫn còn nghi ngờ về việc sử dụng luận thuyết Bayesianism và phương pháp non-empirical argument của Dawid.

Vậy là vấn đề dường như vẫn còn bỏ ngỏ đối với việc đánh giá các lý thuyết vật lý hiện đại khi đối diện với thực tế khách quan là cần đi sâu vào vật chất, điều này làm cho lý thuyết dần xa với thực nghiệm vì khả năng hạn chế khách quan hiện nay của chúng ta.

Các nhà triết học vật lý và các nhà vật lý chắc phải làm việc nhiều trong tương lai để xác định không những vấn đề nhận thức luận mà còn vấn đề chiến lược cụ thể cho vật lý hiện đại.

Đến cuối hội thảo, các nhà khoa học (vật lý & triết học) đã không đạt được sự đồng thuận nào.

Một số các nhà khoa học (theo tinh thần Popperism) cho rằng, LTD và ĐVT là không khoa học và cần rời bỏ3.

Một số các nhà khoa học khác quan niệm rằng, Popperism đã lỗi thời, nếu chiểu theo tinh thần Bayesianism thì LTD và ĐVT cần tiếp tục, việc rời bỏ những lý thuyết này vì nguyên nhân chưa có điều kiện kiểm nghiệm là vô nghĩa. Số các nhà khoa học này đều nghiêng về phía Richard Dawid. Nhìn chung phía ủng hộ tiếp tục LTD và ĐVT đã đưa ra nhiều lý lẽ có thể là xác đáng.

Dawid cùng Silk và Ellis (là ba người đồng tổ chức hội thảo) cũng không hy vọng làm cho mọi người thay đổi quan điểm của mình một cách cơ bản. Dawid chỉ hy vọng, hội thảo đã đem lại một sự xích gần nhau nào đó mà thôi.

Ellis gợi ý tổ chức một hội thảo mùa hè kéo dài hai tuần mới có hy vọng đạt được một đồng thuận nhất định nào đó giữa các nhà khoa học (vật lý và triết học).
—————–

Tài liệu tham khảo

[1] Hội thảo vật lý – triết học, Munich,12/2015
https://www.quantamagazine.org/20151216-physicists-and-philosophers-debate-the-boundaries-of-science
[2] Cao Chi, Cơ học lượng tử Bayesianism , Tia Sáng

[3] Lee Smolin, The trouble with the Physics
http://leesmolin.com/writings/the-trouble-with-physics/

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

trần nguyên, 09/03/2016 lúc 02:49 Sửa
chủ nghĩa Mac-Lê (theo quan điểm duy vật)cho rằng “thực tiễn là thước đo của chân lý” còn tôi theo quan điểm duy tâm cho rằng Logic là thước đo của chân lý.

Phạm Việt Hưng, 09/03/2016 lúc 03:27 Sửa
Tất cả những cái “”Duy” đều phiến diện, và do đó đều sai. PVHg

Thanh Phan Chi, 09/03/2016 lúc 03:02 Sửa
1. Bài báo đặt ra rất nhiều điều thú vị về Nhận thức luận nói chung và Triết học Vật lý nói riêng.
Khi nghiên cứu các hiện tượng vật lí, các nhà vật lí học thường chỉ chú trọng đến đối tượng quan sát là “thực tại vật lí” mà quên mất “chủ thể quan sát và nhận thức” chính là người nghiên cứu/ quan sát. Ở đây rõ ràng có sự TƯƠNG TÁC giữa đối tượng quan sát và chủ thể quan sát. Triết học Phật giáo coi “sự vật, hiện tượng vật lí thông thường” chẳng qua là kết quả của sự PHÓNG CHIẾU của TÂM ra thế giới xung quanh mà thôi. Lấy thí dụ: khi bạn nhìn thấy một “đám mây” trên bầu trời, thì thực ra “đám mây” này chỉ tồn tại trong tâm trí của bạn, thực ra nó chỉ là một tập hợp vô định hình của một đám hơi nước có mật độ cao được phản chiếu bởi ánh sáng mặt trời tới đôi mắt của bạn mà thôi. Vậy là: “đám mây” CÓ, nhưng KHÔNG THỰC CÓ. Các Pháp hữu vi CÓ, nhưng KHÔNG THỰC CÓ là với ý nghĩa như vậy.Suy rộng ra: Thế giới vật chất xung quanh ta là do TÂM ta tạo tác ra mà thôi. NHÂT THIẾT DUY TÂM TẠO là như vậy. Các LOÀI KHÁC NHAU sẽ tạo tác ra các thế giới khác nhau. Thế giới của loài NGƯỜI khác thế giới của loài ONG, loài KIẾN…Cũng theo triết học Phật giáo: sở dĩ tôi và các bạn thấy cái thế giới xung quanh chúng ta GIỐNG NHƯ NHAU vì chúng ta có chung một CỘNG NGHIỆP (KARMA). Các loài khác nhau có Cộng nghiệp khác nhau. Trong một loài thì mỗi cá thể lại có một Nghiệp riêng gọi là BIỆT NGHIỆP, không cá thể nào giống cá thể nào.
2. Theo các nhà khoa học ủng hộ thuyết Đa vũ trụ thì có thể có đến 10 mũ 500 vũ trụ tồn tại trong một quần thể các vũ trụ con, trong đó có vũ trụ của CHÚNG TA. Con số này lớn khủng khiếp. Nếu tôi không lầm thì tổng số tất cả các electron có trong vũ trụ của chúng ta cũng không vượt quá con số 10 mũ 80. Điều này phải chăng đã vi phạm nguyên lí TIẾT KIỆM của Tạo Hóa. Nhiều nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm phương pháp KIỂM CHỨNG cho thuyết Đa vũ trụ.
3. Theo tôi biết thì Lí thuyết Dây gặp rất nhiều khó khăn về mô hình toán học của nó: Topo cực kì phức tạp do số chiều quá lớn. Nghe nói lại có thể có đến 2 chiều THỜI GIAN khác nhau. Thật khiếp đảm. Và liệu có thể kiểm chứng được Thuyết Dây này không ?
4. Theo Định lí Bất toàn của Godel thì không thể tồn tại một Thuyết của mọi thứ (ToE).
5. Rõ ràng chúng ta phải tìm ra những phương pháp tiếp cận PHI LOGIC nhằm bổ sung cho các phương pháp tiếp cận Logic hiện có và sẽ có.
6. Tôi tin rằng hai Thuyết nói trên vẫn còn là chủ đề gây chia rẽ cộng đồng khoa học trong một thời gian dài sắp tới.

Phạm Việt Hưng, 09/03/2016 lúc 06:16 Sửa
1/ Cám ơn TS Phan vì thông tin về bài báo của GS Cao Chi và vì những ý kiến bình luận.
2/ Cám ơn GS Cao Chi về sự giải thích dễ hiểu về tình trạng khủng hoảng của vật lý lý thuyết hiện nay.
3/ Hệ quả của Định lý Godel chỉ ra rằng nhận thức logic có giới hạn. Nay là lúc giới hạn đó LỘ ra.
4/ Giới hạn của khoa học đã được thể hiện RẤT RÕ trong sơ đồ “Phạm vi Vũ trụ quan sát được”
5/ Từ lâu, đọc Lý thuyết Dây, tôi đã không thấy thú vị cho lắm, vì nó “huyễn hoặc” quá.
6/ Đọc thêm bài báo sau đây trên Scientific American để hiểu thêm những vấn đề mà GS Cao Chi đã trình bày: “Is String Theory Science?” (Lý thuyết Dây có phải là khoa học không?)
http://www.scientificamerican.com/article/is-string-theory-science/

Phạm Việt Hưng, 09/03/2016 lúc 07:17 Sửa
Anh Phan Chí Thành ơi, các nhà vật lý làm gì có những khái niệm của Phật học như anh nói. Họ là những nhà duy vật 100%, chỉ tin vào mắt, trực tiếp, hoặc qua kính hiển vi, kính viễn vọng, máy LHC. Họ nghĩ rằng với thời gian, trí tuệ có thể sáng tạo ra những kính viễn vọng tối tân hơn, kính hiển vi điện tử tinh vi hơn, những máy gia tốc siêu mạnh hơn, để mở rộng phạm vi vũ trụ quan sát được… Trong đầu họ chỉ có một tư duy đơn giản: sức mạnh + thời gian sẽ dẫn tới chân lý. Họ không cần đặt câu hỏi mở rộng vũ trụ quan sát được đến đâu và mở để làm gì. Vì thế cuộc khủng hoảng lý thuyết hiện nay rất thú vị, ở chỗ nó là bài học nhắc nhở giới khoa học rằng khoa học là cái gì, và để làm gì. Đến nỗi Scientific American mà có bài “Lý thuyết Dây có phải khoa học không?” (Is String Theory Science?).
Tôi rất mừng khi thấy cảm nhận của tôi không đến nỗi tồi: Từ lâu đọc đến Lý thuyết Dây và Đa Vũ trụ tôi bắt đầu ngờ vực, vì không thấy có một trực giác nào ở đây cả. Rõ ràng là các nhà vật lý đang sáng tác ra những bức tranh vũ trụ, thay vì cảm thấy vũ trụ. Mọi ví von đều khập khiễng, nhưng ở đây có một cái gì đó hơi giống tranh trừu tượng. Picasso đi tiên phong trong tranh trừu tượng, thiên hạ bắt chước Picasso đến nỗi chính Picasso chán ngấy, và ông phải lên tiếng chễ riễu những thứ tranh trừu tượng đó. Trong vật lý tôi thấy người ta cũng bắt chước Einstein, đua nhau sáng tác ra những đại lý thuyết, tưởng rằng với logic toán học có thể khám phá ra sự thật. Nhưng tôi e rằng số phận loài người sẽ được định đoạt trước khi những lý thuyết đó có thể được kiểm chứng. Tôi cảm thấy giới vật lý hình như còn rất ít người thấu hiểu Định lý Bất toàn của Godel, vì thế mới hăng hái húc đầu vào những lý thuyết trên trời như vậy. Ý kiến của Stephen Hawking về Godel và tương lai của vật lý không đủ để thức tỉnh họ. Nhưng đó chính là bộ mặt của loài người hiện đại! Một kiểu u mê. Tuy nhiên, vẫn có những người tỉnh thức, như George Ellis và Joe Silk trong bài báo của GS Cao Chi, những người dám chỉ ra cái sai trong định hướng của vật lý học.

16 thoughts on “Scientists are not in agreement with String Theory / Không đạt được nhất trí về Lý thuyết Dây

  1. 1. Định lý Bất toàn của Kurt Godel đã đập tan cái ảo tưởng của Hilbert về chương trình hình thức hóa/ logic hóa Toán học cũng như về sức mạnh vô hạn định của Toán học.
    Cho đến nay có rất nhiều nhà toán học vẫn còn tin tưởng rằng: một lí thuyết/ công trình toán học dù có trừu tượng đến mấy thì sớm hay muộn sẽ tìm được những ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống. Đã đến lúc chúng ta đặt một dấu hỏi về sự đúng/ sai của nhận định này.

    2. Lí thuyết Dây và Đa vũ trụ phải chăng giống như một lý thuyết về loài RỒNG, tuy rất đẹp nhưng chỉ có trong các truyền thuyết và là kết quả của một tư duy kiểu thêu dệt có tính lãng mạn của các nhà khoa học kiêm nghệ sĩ ?(!).

    Thích

    • Tư tưởng tôn sùng toán học như những chân lý tuyệt đối của trường phái hình thức do David Hilbert khởi xướng từ đầu thế kỷ 20 dẫn tới thảm họa giáo dục hiện nay. Đỉnh cao của thảm họa này là trào lưu Toán học Mới ở Pháp những năm 1950-1960. Mặc dù trào lưu ấy đã chết, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn. Bằng chứng là môn Toán vẫn được coi là môn số 1 trong trường phổ thông, thi cử môn Toán vẫn RẤT NẶNG NỀ, ĐÁNH ĐỐ, tất cả mọi nhà trường đua nhau dạy toán “nâng cao”,… Các nhà giáo dục + nhiều thầy cô giáo + học sinh, thậm chí cả phụ huynh học sinh cứ tưởng như thế là giỏi, thực ra là kém hiểu biết về lịch sử toán học, về triết học toán học, về nhận thức bản chất toán học.
      Cuộc khủng hoảng về lý thuyết của vật lý hiện đại hiện nay thực ra chỉ là biểu hiện cụ thể của những gì Định lý Bất toàn của Kurt Godel đã nói từ 1931. Xem ra giới vật lý không thấu hiểu ý nghĩa của Định lý Godel như Stephen Hawking đã nói. Tôi cho rằng quan điểm của Hawking về Godel và tương lai của vật lý là đúng (xem trên PVHg’s Home). Với tư cách là một trong những nhà vật lý hàng đầu, Hawking tỏ ra không tin tưởng vào sự tồn tại một TOE, dựa trên cơ sở của Định lý Godel. Tôi tán thưởng tư tưởng này của Hawking, và đó là lý do để tôi dịch bài báo của Hawking. Trong khi đó, như độc giả có thể thấy trên PVHg’s Home, hầu như tôi không có bài nào đề cập đến Lý thuyết Dây và Lý thuyết Đa vũ trụ, đơn giản vì tôi không có hứng thú gì khi đọc chúng. Tôi thấy những lý thuyết này mang tính chất thuần túy lý thuyết, và do đó chán ngấy, không có sức sống. Thú thực, tôi không hề cảm nhận được Cái Đẹp trong 2 lý thuyết đó.
      Thế nào là ĐẸP? Chúng đẹp vì các phương trình được viết ra đầy ắp ư? KHÔNG! Tôi không quan niệm đó là ĐẸP.
      ĐẸP phải là một cái gì đó thuộc về tư tưởng.
      Tư tưởng về không gian 11 chiều là đẹp ư? Dựa trên cảm xúc thực tế nào để sáng tác ra không gian đó? Nếu chỉ là một sáng tác thuần túy toán học như một công cụ để vượt qua các thách đố vật lý thì e rằng có thể sáng tác ra nhiều mô hình khác nhau. Đó là trí tưởng tượng chứ không phải khoa học. Toán học chỉ là công cụ chứ không thể là ngọn đuốc dẫn đường cho khám phá. Tôi tin rằng không có TOE nào cả, và do đó những lý thuyết cố gắng đạt tới TOE đều là hư ảo, sáo rỗng.
      PVHg

      Thích

      • TOE = Theory of Everything. Tôi xin không nhắc tới từ TOE, tuy nhiên phương trình vạn vật hấp dẫn, theo tôi là có, và nhân loại cần tìm ra, sẽ là chìa khóa để giải quyết rất rất nhiều thứ.

        Thích

  2. 1. Về giáo dục toán học trong trường phổ thông, tôi luôn ủng hộ một chương trình nhẹ nhàng, phù hợp với tâm- sinh lí lứa tuổi của học sinh, và đặc biệt là phải thiết thực với cuộc sống. Trong các trường đại học thì chương trình giảng dạy toán học sẽ phải phù hợp với yêu cầu của các ngành nghề đáo tạo khác nhau. Việc giáo dục toán học kiểu nhồi nhét, hàn lâm, thi cử theo kiểu đánh đố học sinh như đã diễn ra hiện nay phải bị qui là một TỘI ÁC mới xứng đáng. Bộ luật hình sự nên bổ sung một loại TỘI ÁC MỚI này.

    2. Giáo dục thay vì nhồi nhét kiến thức và những thứ triết lý thô thiển, thì nên theo đường lối giáo dục KHAI PHÓNG nhằm khai mở và giải phóng năng lực tiềm tàng trong mỗi con người, giúp mỗi người chọn lựa được những con đường đi phù hợp với năng lực tốt nhất của mình nhằm phục vụ tốt nhất có thể cho chính mình và cho xã hội.

    3. Hiện tại thì vấn đề TRIẾT LÍ GIÁO DỤC vẫn là vấn đề bàn cãi trên phạm vi quốc tế. Việt nam vẫn lúng túng trong việc xây dựng triết lí giáo dục cho riêng mình.

    Đã thích bởi 1 người

    • Tôi tán thưởng ý kiến TS Thành. Tôi cho rằng những kẻ thích đánh đố học trò là những kẻ dốt nát. Người giỏi thực sự sẽ không đánh đố học trò, mà sẽ hướng học trò tới CÁI ĐẸP, CÁI CÓ Ý NGHĨA, CÁI THIẾT THỰC. PVHg

      Thích

  3. 1. Bản thân Logic học cũng được xây dựng trên một hệ các tiên đề, trong đó có tiên đề về LUẬT BÀI TRUNG: hai “mệnh đề A” và “phủ định của A” không ĐỒNG THỜI ĐÚNG. Lưu ý rằng tiên đề này đã sử dụng khái niệm về THỜI GIAN (đồng thời). Theo Thuyết tương đối hẹp của Einstein thì không có khái niệm “đồng thời” cho tất cả các điểm của không – thời gian. Theo thuyết tương đối rộng thì mỗi điểm của không-thời gian có độ cong riêng và thời gian riêng và như vậy thì khái niệm “ĐỒNG THỜI’ là vô nghĩa. Khái niệm “ĐỒNG THỜI” chỉ có trong tâm trí của con người, do con người “bịa” ra mà không có trong thực tế.

    Như vậy cái hệ tiên đề của Logic học cũng có những “tử huyệt”. Hệ quả là những khoa học dựa căn bản trên Logic học cũng chứa chấp những “tử huyệt chết người”.

    2. Theo Định lý Bất toàn của Godel thì Logic học có thể vừa mâu thuẫn và vừa không đầy đủ. Như vậy sức mạnh của tư duy logic cũng có giới hạn của nó.

    Thích

  4. Tôi nhận thấy câu “Tất cả cái ‘duy’ đều phiến diện, do đó đều sai…” là rất hay, rất triết lý! Thuyết tương đối thì sao? Có lẽ cũng…phiến diện cho dù logic. ‘Thời gian’ được sử dụng trong thuyết hẹp là ‘dãn’ theo độ tăng vận tốc, còn thuyết rộng thì ‘co’ (?). Xem ra cái gọi là ‘thời gian’ là không có thật, nó đến từ sự quy chiếu vào một giá trị có thật. Chỉ có cái này là có thật nhưng…nó không phải là thời gian. Bạn đọc nên dành thời gian (?) để suy nghĩ về cái đó. Bàn một chút về photon. Tôi cho rằng photon tồn tại trong trường hấp dẫn có năng lượng là như nhau nếu đổi hệ quy chiếu nhưng có vận tốc và tần số khác nhau nếu cường độ hấp dẫn tác động đến hệ chuyển đổi thay đổi (chính xác là năng lượng của trường trong chân không, trường lượng tử). Vận tốc photon tăng lên thì tần số giảm xuống và ngược lại nếu chuyển qua hệ quy chiếu khác…nhưng phải khác về mức năng lượng của trường thế, còn đẳng thế thì không. Nếu hệ này ở trên cao thì thời gian riêng của nó (dùng thời gian của Einstein trong thuyết hẹp) ‘dãn’ ra bởi tăng tốc thì vận tốc ánh sáng vẫn ‘bất biến’ nếu đối chiếu với hệ bên dưới. Trái lại, để bảo toàn năng lượng của photon thì tần số của nó phải dùng loại thời gian của thuyết rộng (co lại). Thật là kỳ quái vì trong một hệ quy chiếu, một hiện tượng mà lại phải sử dụng đến hai loại thời gian co – dãn khác nhau để đạt cho một bất biến. Bất cập về cái gọi là ‘thời gian’ là vậy, còn trong thực tế của tự nhiên? Năng lượng của photon thì vẫn bảo toàn khi chuyển hệ theo nguyên lý bảo toàn về năng lượng nhưng vận tốc ánh sáng thì không phải là hằng số trong vũ trụ. Nó chỉ là hằng số khi chuyển hệ đồng đẳng về năng lượng trường. Còn thời gian là cái không có thật. Cách đưa ra quan điểm vì đã rút gọn rất nhiều cho nên hơi rắc rối. Rất mong nhận được ý kiến của thầy!

    Thích

    • Vâng, bạn đề cập đến thời gian ít nhất 2 lần trong bài viết. Mình cho rằng vừa nhìn thấy được thời gian vừa không nhìn thấy được thời gian. Vừa biết được thời gian vừa không biết được thời gian. Thời gian theo tương đối là vậy đó. Bản chất của thời gian là vô hình (không nhìn thấy được) và chúng ta không biết về thời gian!

      Thích

  5. Gần đây tôi có đọc được 1 số bài viết : sự thật thuyết tiến hóa, phát hiện sóng hấp dẫn,…..(trên Faceboook của tôi) của anh Phạm Việt Hưng, Tôi cảm thấy rất quý mến tác giả. Hôm nay vào được trang này xem các thảo luận tôi rất thích vì đã tìm được nơi để học hỏi thêm về các kiến thức của xã hội loài người ! tuy trình độ của tôi không mấy hiểu nhiều về các từ chuyên môn khoa học, nhưng tôi có thể cảm nhận được ý, nhận thức của các anh, chị ý kiến trên đây ! Tôi rất vui khi được vào xem những trang như vậy !
    Cám ơn anh Phạm Việt Hưng !, cám ơn các anh chị em có cùng nhận thức như vậy !!! đã tạo ra 1 nơi để mọi người có thể học hỏi, chia sẽ cảm nhận của mình về thế giới loài người hiện nay.
    Mong rằng những suy nghĩ, nhận thức này được phổ biến cho nhiều người hơn !

    Đã thích bởi 2 người

  6. http://www.youstupidrelativist.com/Eng.html

    Con rất thích định nghĩa Khoa học và lý thuyết của ông này. Nếu cứ như ông ấy thì sẽ không có sự bế tắc ngày nay. Chỉ có điều ông ta là người vô thần, nhưng tư tưởng của ông ta con thấy rất là hợp với những người có cái đầu duy vật cứng nhắc giống như con.

    Thích

  7. Ta phải tìm ra một ngôn ngữ khác thay cho ngôn ngữ toán học hiện tại để mô tả rõ hơn về không gian – thời gian, về vũ trụ… hay là ta phải tìm một loại ngôn ngữ siêu toán học trên cơ sở toán học hiện tại để mô tả rõ ràng hơn về vũ trụ?

    Thích

    • Bạn Võ Bạt Cung thân mến,
      Khoa học nhận thức hiện đại đã chỉ ra rằng không bao giờ có một ngôn ngữ nào thể hiện đầy đủ và chính xác bức tranh vũ trụ.
      Toán học là ngôn ngữ logic mạnh nhất, chính xác mạnh nhất. Không thể có ngôn ngữ nào chính xác hơn toán học. Theo Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, toán học là bất toàn, suy ra mọi hệ logic khác đều bất toàn.
      Trực giác + cảm xúc + tâm linh giúp cho ta biết nhiều hơn những gì toán học và khoa học cho ta biết, nhưng cũng chỉ nhiều hơn một phần nào mà thôi.
      Ý nghĩa cuộc sống có 2 mặt đối lập:
      – Mặt thứ nhất: không ngừng khám phá để thoả mãn sự hiểu biết, hiểu biết để phục vụ đời sống của chính mình và để thán phục sự kỳ diệu của Tạo Hoá.
      – Mặt thứ hai: khiêm tốn để không húc đầu vào những bài toán bất khả thi, như Peter O’Hearn, Giám đốc kỹ thuật của Facebook đã nói: “Không làm những việc ngu ngốc…”
      Gödel cũng nói: “The meaning of the world is the separation of wish and fact”.
      PVHg

      Thích

      • Con hiểu ý của thầy nói. Thầy cho con xin địa chỉ email được không? Con có một vài vấn đề quan tâm về toán học mà không có cách nào để tìm tài liệu được ạ. Vì con đã 36 tuổi và không làm công việc liên quan tới khoa học (con tốt nghiệp đại học Kinh Tế năm 2006). Chỉ là, con quan tâm tới toán học mà thôi. Con cảm ơn thầy.

        Thích

Bình luận về bài viết này