Đối với tôi, một trong những cuốn phim bất hủ nhất của mọi thời đại là Limelight (Ánh đèn sân khấu) của Charlie Chaplin. Trong phim ấy, ông già nghệ sĩ Calvero bị rơi vào tình trạng suy sụp khi khán giả chán ngấy những trò diễn của ông, lục tục bỏ rạp ra về. Nhìn ông đau khổ mà tôi ứa nước mắt. Nhưng thật may mắn, cuối cùng ông không sụp đổ. Ấy là nhờ cô Terry – cô vũ nữ mà chính ông đã cứu vớt và nâng đỡ trước đây khi cô định tự tử. Bây giờ đến lượt cô an ủi và động viên ông, khẳng định với ông rằng cuộc sống có ý nghĩa, và chính ông đã làm nên ý nghĩa đó bởi tình yêu thương…
Mỗi chúng ta có một sân khấu của mình. Sân khấu của tôi được thu nhỏ lại trên trang PVHg’s Home, ở đó cũng có những ánh đèn – những lời an ủi và động viên quý báu của độc giả không kém gì lời của cô Terry…
Thưa quý độc giả,
Từ đầu năm đến nay tôi có nhiều niềm vui. Tôi viết những dòng này, vừa để chia vui, vừa để bầy tỏ lòng biết ơn đối với độc giả.
Tin vui đầu tiên là thống kê của WordPress.com về số độc giả của trang PVHg’s Home năm 2014. Theo thống kê này, năm 2014 PVHg’s Home có 75369 độc giả, so với 64341 của năm 2013, 46996 của năm 2012, 16606 của năm 2011,… Còn gì vui bằng khi nhà mình ngày càng có nhiều khách tới thăm? Mà toàn khách quý. Làm sao không vui khi nhận được thống kê dưới đây:
Chủ đề được độc giả quan tâm nhiều nhất vẫn là những vấn đề thuộc về con người, về Thiện/Ác, về Đạo, về bản chất của nhận thức, giới hạn của nhận thức, … Bằng chứng là những bài viết như “Luận về bản tính Thiện/Ác”, “Chương trình chế tạo bom nguyên tử của Hitler”, “Định lý Bất toàn”,… luôn luôn nằm trong “top ten” của các bài viết “ăn khách” nhất, nhận được nhiều bình luận nhất, được đăng lại trên nhiều trang mạng khác, kể cả các trang của các tổ chức chính thức, của các hội khoa học, hoặc của cá nhân,… bất kể những bài đó đã được viết ra từ nhiều năm trước đây. Thực tế này thật dễ hiểu, bởi đó là những chủ đề gắn liền với hạnh phúc của từng người và của toàn nhân loại, liên quan tới số phận của mỗi chúng ta và con cháu chúng ta. Vả lại, còn gì đáng quan tâm hơn và thú vị hơn việc tìm hiểu chính mình, xem mình là gì, là ai, để mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng? Sau đây là thống kê của WordPress.com về những bài có nhiều độc giả nhất kể từ khi trang PVHg’s Home được thành lập:
Thống kê sau đây cho thấy những bài thuộc chủ đề bản chất con người tiếp tục được quan tâm nhiều nhất trong năm 2014:
Nhưng không chỉ có vậy. Niềm vui 2014 của tôi còn được nhân bội lên khi một chủ đề tưởng là “khô khan”, thuần túy kỹ thuật, lại được rất nhiều độc giả trẻ quan tâm. Đó là tiểu luận “Lý thuyết lược giản về Tứ Diện” và “Ích lợi của sự học”. Những bài này được viết vào khoảng cuối quý 3 đầu quý 4 năm 2014, và lập tức nhảy lên vị trí “top ten” trong suốt quý 4/2014, thậm chí đã được một độc giả tên là Anh (có lẽ là giáo viên dạy Toán?) nhận xét đây là “sự tổng hợp tuyệt vời nhưng không biết học sinh phổ thông có nhớ nổi không!”.
Thực ra tôi viết những bài này chỉ nhằm giúp một số học sinh con em bạn bè mà tôi tiếp xúc có một cái nhìn tổng quát đối với những vấn đề hình học mà các em phải đối mặt, và để đốt cháy lên trong tâm can các em một ngọn lửa khao khát khám phá bí mật của thế giới thông qua việc phát hiện những mối quan hệ đẹp đẽ giữa các đối tượng hình học riêng lẻ (cái mà nhà trường không làm), để từ đó các em tập làm quen với việc tổng hợp tri thức. Không ngờ chỉ sau không đầy 3 tháng, số độc giả của bài này đã lên tới 1137.
Đến đây, tôi muốn trích dẫn vài bình luận và thậm chí vài thư từ trao đổi riêng giữa tôi với một số độc giả trong thời gian gần đây (với sự cho phép của chủ nhân những lá thư đó), để bày tỏ sự biết ơn với độc giả nói chung – những người đã vô tư tặng tôi niềm vui và hạnh phúc dành cho một người viết. Niềm vui và hạnh phúc đó có thể đo được thông qua số lượng độc giả, và đặc biệt, thông qua những ý kiến trao đổi, bình luận rất chân thành và giầu ý nghĩa. Tuy nhiên, sự đo lường ấy cũng chỉ là một cố gắng nho nhỏ nhằm mô tả một thứ hạnh phúc thực ra không thể đo được, bởi nó nuôi dưỡng và bồi đắp một giá trị vô giá – niềm tin vào cuộc đời.
Tôi nhớ trong cuốn phim Limelight (Ánh đèn sân khấu) của Charlie Chaplin, ông già nghệ sĩ Calvero trở nên suy sụp khi khán giả chán ngấy trò diễn của ông, lục tục bỏ rạp ra về. Còn gì đau khổ hơn cho một nghệ sĩ khi bị khán giả ruồng bỏ? Nhưng thật may mắn, ông Calvero không sụp đổ, nhờ cô Terry, cô vũ nữ mà chính ông đã cứu vớt và nâng đỡ, bây giờ đến lượt cô an ủi và động viên ông, khẳng định với ông rằng ông là người đã giúp cô thấy được ý nghĩa của cuộc sống… Ý nghĩa của cuộc sống là gì, nếu không phải là làm cho người khác hạnh phúc?
Vâng, độc giả của tôi cũng giúp tôi tin tưởng hơn vào ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống.
Vậy thay cho lời kết, xin độc giả cùng chia sẻ một số bình luận và ý kiến trao đổi của một số độc giả dưới đây. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn độc giả. PVHg
1/ Ý kiến của độc giả có nickname Hexemannschaft:
Cháu cảm ơn bác vì tất cả những kiến thức bác đã và đang chia sẻ. Cháu năm nay 22 tuổi, đang sống ở Đức. Trước đây cháu cũng từng nghĩ rằng mọi thứ đều có thể giải thích bằng khoa học, logic với những lý do – kết quả. Nhưng nửa năm trở lại đây, sau khi tìm hiểu về Metaphysical Laws cùng Universal Laws và đọc các bài viết của bác, cháu nhìn lại mình trước đây thấy đúng là “ếch ngồi đáy giếng”. Cháu tin rằng chúng ta có mặt trên cõi đời này, cũng như sự tồn tại của Trái Đất, Vũ Trụ là do một Đấng Tối Cao nào đó. Một lần nữa cháu xin cảm ơn bác
2/ Ý kiến của độc giả Lê Hưng:
Hôm nay là mùng 10 tháng Giêng Âm lịch. Tết Nguyên Đán của Việt Nam đã qua. Trong những ngày Tết vừa qua được nghỉ ở nhà. Cháu dành thời gian để tiếp thu những tri thức quý báu của chú Hưng qua trang web này. Đời người được vài chục cái Tết, Tết này Cháu thấy có ý nghĩa hơn nhờ những bài viết của Chú. Càng quý giá hơn nữa là tấm lòng vô tư chia sẻ kiến thức, những của cải quý giá mà Chú đã dày công chắt lọc được cho mọi người. Trang nhà này của Chú ngày hôm nay với Cháu như một Nhà nguyện bình an giữa thảo nguyên của những người khát khao tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống, của vũ trụ như Cháu… Kính chúc Chú và gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, an lạc….!
3/ Ý kiến của độc giả La Thiếu Bình về bài viết “Sự điên rồ của con người”:
Con người quả thật là điên rồ ! Phật giáo nói là con người điên đảo vọng tưởng nằm mơ giữa ban ngày. Sự điên rồ đó xuất phát từ vô minh. Nhưng vô minh có ý nghĩa sâu xa hơn chúng ta thường nghĩ. Sai, Ác là vô minh, mà Đúng, Thiện cũng là vô minh. Vô minh chính là nguyên lý hình thành vũ trụ, vạn vật. Nếu không có vô minh, chúng ta không thể cảm nhận được thân thể tứ đại của mình, không thấy các vật dụng mình đang sử dụng, cái nhà mình đang ở, cái xe mình đang đi, các người thân mà mình đang sống cùng. Tóm lại không có vô minh thì không cảm thấy có không gian vũ trụ bao la, thời gian và số lượng vô cùng, đó là điều mà PG gọi là Tánh Không của các pháp. Vô minh dẫn đến nhận thức có Ta và có cái Của Ta, đó là đầu mối của tất cả tranh giành và chém giết lẫn nhau. Đúng là Đạo có khả năng điều hòa hành vi của con người bớt điên đảo hơn. Nhưng làm sao để thực thi Đạo ? Tôi nghĩ, đó là nền giáo dục phải được thay đổi triệt để. Cần phải dạy Đạo lý ngay từ trường phổ thông để học sinh ngay từ nhỏ biết cái Ta là giả tạo, để bớt chấp ngã (cho cái ta là có thật) và bớt chấp pháp (cho thế giới là có thật). Cũng dạy khoa học cho học sinh, nhưng đồng thời cũng dạy sự hạn chế của khoa học. Phải dạy cho học sinh hiểu rõ ý nghĩa triết học của định lý bất toàn, ý nghĩa triết học của những khám phá mới của khoa học, rằng toán học cũng chỉ là tạm bợ, rằng Sinh vật tiến hóa luận của Darwin là không đáng tin cậy, ý nghĩa triết học rất quan trọng của thí nghiệm hai khe hở, của hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Một trong những ý nghĩa triết học cực kỳ quan trọng phải dạy cho học sinh là Vật không có tự tính, tất cả mọi đặc điểm của vật đều là do ý niệm của con người gán ghép chứ không phải thật. Điều này đã được Alain Aspect chứng tỏ trong thí nghiệm lần đầu tiên áp dụng bất đẳng thức Bell để làm rõ giả thuyết EPR tiến hành tại Paris năm 1982. Hai kết luận quan trọng được rút ra là : vật phi hiện thực (non realism) và bất định xứ (non locality). Với một nền giáo dục cân bằng hơn thì hy vọng thế giới sẽ được yên lành hơn, và vận mạng của nhân loại sẽ được kéo dài lâu hơn.
4/ Ý kiến của độc giả Lê Hưng về bài viết “Luận về Thiện/Ác”:
Kính thưa chú Hưng! Đọc bài của Chú, Cháu thấy có kết luận:“Bản tính con người vừa thiện, vừa ác. Đó là một kết luận dứt khoát.”“Có nghĩa là trong mỗi con người đều chứa đựng bản chất tốt đẹp của Trời Đất, cái mà Phật giáo coi là Phật tính, Kitô giáo coi là Thánh Thể.”Vậy lý giải thế nào về những đồ tể khát máu như Hitler, Polpot và những tên giết người hàng loạt man rợ. Những con người như vậy có được xem là có khuynh hướng tội ác bẩm sinh không thể thay đổi được không. Nếu không thể kết luận được là cái ác có liên quan đến gene, thì có thể kết luận có những kẻ bẩm sinh cái ác luôn luôn lớn hơn cái thiện trong suốt cuộc đời họ được không? Khoa tử vi, tướng số đông phương cũng dự đoán ở một mức độ chính xác nào đấy tính cách của một đối tượng thông qua ngày sinh, hình dáng, tướng mạo,… Như vậy, dường như cũng có những người sinh ra để làm điều ác. Cái đó là do ý của thượng đế chăng? Nếu thế thì chúng ta không thể thay đổi thế giới và xã hội cũng không bao giờ hết kẻ ác được. Vì thiện – ác cần nhau để tồn tại.Vậy phải chăng chúng ta phải chấp nhận những người này, vì họ là sản phẩm của thượng đế? Theo quan điểm của nhà Phật là “không phân biệt”. Hay phải tiêu diệt họ, như tiêu diệt Polpot, Hitler… Khi tiêu diệt những con người này, ta buộc phải tiêu diệt quân đội của họ, mà trong đó có thể có những người vô tội. Như vậy Chúng ta buộc phải làm điều ác để tiêu diệt cái ác lớn hơn… Phải chăng đó cũng là ý nghĩa về sự “bất toàn” của con người trong xã hội? Muốn sinh tồn chúng ta cũng phải làm điều ác. Còn con đường giải thoát mà đức Phật đề ra, là để đi đến một thế giới khác, chứ không thể thay đổi điều gì ở thế giới này… Mà nếu thế giới ấy cũng tuân theo định lý bất toàn, cũng theo cái “đạo” của Lão Tử, thì vẫn bắt buộc phải có thiện – ác, âm – dương để cấu thành. Kính mong Chú giải đáp giúp Cháu. Cám ơn Chú!
Hồi âm của tác giả PVHg gửi độc giả Lê Hưng
Bạn Lê Hưng thân mến, Trước hết tôi rất cám ơn những ý kiến của bạn vì những gì bạn đã chia sẻ. Tôi rất thích những ý kiến của bạn vì trong đó có nhiều sự đồng cảm với tôi, kể cả những câu hỏi rất khó do bạn nêu lên. Thực ra khó có thể tìm được câu trả lời rốt ráo cho những câu hỏi của bạn, vì tính bất toàn cũng áp dụng cho nhận thức lý trí của con người. Nói cách khác, chúng ta KHÔNG THỂ có một câu trả lời cho những vấn đề “đầu tiên” và “cuối cùng”. Chúng ta chỉ có thể tiệm cận tới chân lý của mình bằng con đường trực giác và cảm nhận. Mà trực giác và cảm nhận của mỗi người có thể rất khác nhau. Tôi rất muốn trao đổi với bạn sâu hơn vào những vấn đề bạn đặt ra, nhưng có lẽ không gian thích hợp cho những trao đổi như thế là sự tiếp xúc trực tiếp. Phạm Việt Hưng
5/ Ý kiến của độc giả Thùy Trang:
Bác thân mến, Đã lâu rồi cháu không viết thư thăm hỏi Bác gì cả. Cháu hy vọng Bác sẽ không để tâm nhiều đến việc này Bác nhé! Bác ơi Bác có khỏe không? Tết nay Bác có vui không ạ? Cũng đã hai tháng đầu năm 2015 rồi mà cháu chưa thấy Bác đăng bài mới ạ. Cháu mong Bác luôn khỏe để có thể viết nhiều bài thật sâu sắc như từ trước giờ Bác thường làm. Cháu có nhiều chuyện vui và cũng nhiều ưu tư muốn kể Bác nghe lắm ạ. Hôm nay ngày Chúa nhật đầu tháng ba, cháu viết thư cho Bác vậy. Vào tháng 12 năm ngoái, trước khi cháu đi thực tập sáu tỉnh miền Bắc môn Tiến trình lịch sử Việt Nam, cháu quyết định là sẽ đến nhà thờ, việc mà 19 năm trời cháu chưa bao giờ làm. Đó là một trải nghiệm mà cháu sẽ không bao giờ quên được! Sáng hôm ấy cháu hẹn đồng hồ báo thức sớm, 6h sáng cháu đã có mặt ở nhà thờ Tân Định, Quận 3, Sài Gòn. Cháu không thể nào tìm thấy một nơi nào yên bình đến thế ở đất Sài Gòn này Bác ơi! Cháu vào thánh đường, một vài cô chuyện trò cùng với Chúa từ rất sớm. Ánh sáng bắt đầu thắp sáng các ô của sổ màu, ôi tuyệt đẹp. Cháu nghe tiếng một nhóm người đang nghe cha xứ giảng ở một căn nhà nguyện nhỏ. Cháu đến đấy đứng và tim như tan chảy khi có một bác trai tiến lại gần, đưa cho cháu một cái ghế nhựa và khuôn mặt ấm áp bởi một nụ cười. Cháu chưa từng bắt gặp một người lạ nào lại tử tế với mình như vậy ở Sài Gòn. Tại ngôi nhà của Chúa, hoa lá được chăm sóc mỗi ngày. Cháu một mình dạo vườn hoa và gặp một anh đang tưới nước cho cả khu vườn. Anh kể cho cháu nghe những câu chuyện về Chúa. Có gì đó rất ấm áp bên trong những con người này. Ngày lên đường thực tập đã đến. Cháu ra Hà Nội và nghĩ ngay đến việc đi nhà thờ. Cháu đã đến Nhà thờ Chính tòa mà bác có nhắc đến trong bài viết dịp Tết gần đây. Đẹp mê li! Nhưng tiếc là cháu có giờ giới nghiêm nên không ở lâu được. Đến giờ cháu vẫn day dứt vì phải bỏ về giữa chừng. Khi lên Sa Pa, cháu cũng loanh quanh ở Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi suốt. Còn lúc cháu ra Đà Nẵng chơi, cháu ghé vào một nhà thờ vào ngày 25/12, thật bất ngờ khi thấy họ tổ chức vui chơi các trò chơi có nhắc đến các sự kiện trong Kinh thánh, rồi còn có cả xổ số mang tên các vị Thánh nữa. Tuy không quen ai nhưng nhiều người cười với cháu lắm. Ở Sài Gòn, cháu có quen biết một anh huynh trưởng trong nhà thờ, anh ấy còn tặng cháu sách về Công giáo. Trong đó có quyển Youcat rất đặc biệt. Hiện giờ cháu đang đọc nó ạ. Và nhờ đó mà cháu biết Công giáo là Đạo Yêu thương. Tháng tư này, cháu sẽ trình bày về một đề tài liên quan đến Do Thái mà cháu tìm hiểu. Nếu Bác ở Sài Gòn, cháu sẽ không bỏ qua cơ hội mời Bác làm mentor, làm người hướng dẫn của cháu. Cháu sẽ mời Bác đến chia sẻ thân mật giống như các bạn Bookhunter đã làm về Định lý Bất toàn vậy. Đọc các bài viết của Bác thích lắm! Nhưng tiếc là Bác sống xa Sài Gòn quá. Cháu thấy vui vì biết mình có hứng thú với tôn giáo. Nhưng cũng thật buồn vì cháu không có kỹ năng trong nghiên cứu khoa học. Cháu biết mình không thể tự mò mẫm, đọc thật nhiều mà không có kỹ năng kèm theo. Cháu sẽ nhờ các thầy cô, anh chị trong khoa của mình, các anh chị trong câu lạc bộ của mình giúp đỡ vậy. Và cháu cũng rất rất muốn nghe những lời khuyên, động viên khích lệ từ Bác Hưng đấy ạ! Chúc Bác luôn thật vui tươi và mạnh khỏe bác nhé.Cháu Thùy Trang.
Hồi âm của tác giả PVHg gửi độc giả Thùy Trang:
Cháu Trang thân mến, Cảm ơn cháu thật nhiều vì lá thư rất có ý nghĩa cháu mới gửi. Giữa cuộc đời bề bộn và hết sức vô thường hiện nay, ý kiến của cháu như một dòng suối mát hiện ra trên con đường của một lữ khách đang mệt mỏi vì khát… Chúc cháu đạt được những điều cháu mong muốn. Bác Hưng
6/ Ý kiến tiếp theo của độc giả Lê Hưng:
Chào Chú Hưng!
Hôm nay Cháu mới vào hộp thư. Thật hạnh phúc quá vì nhận được thư của Chú! Thật sự Cháu không nghĩ Chú có thời gian hồi đáp cho Cháu! Mấy hôm nay Cháu vẫn tiếp tục nghiên cứu các bài viết của Chú, để tìm nhận thêm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Cháu rất mến và quý lối viết của Chú, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, xúc tích, có nhiều dẫn chứng sâu rộng và có sự chính xác của một nhà khoa học. Thu hoạch lớn nhất của Cháu trong ngày hôm nay là Cháu nhận thấy, ý nghĩa của cuộc sống, là sự không ngừng học hỏi. Nếu không để học hỏi, có lẽ con người không cần có mặt trên thế gian này. Và để phục vụ cho mục đích học hỏi của cuộc đời mình, con người cần hiểu nhiều thứ ngôn ngữ: khoa học, triết học, nghệ thuật…..cũng như cần trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống… Cháu tự hỏi là vào thời xưa, Đức Phật, Đức Chúa, Đức Lão Tử, các Ngài không có nhiều loại ngôn ngữ, nhiều thông tin đa chiều như bây giờ, nhưng các Ngài vẫn đạt được sự chứng ngộ và sáng tỏ mà thời bây giờ chưa đạt được, chú nhỉ. Do đó Cháu càng tin là có Thượng đế, người đã ban cho các Ngài một trực giác vô cùng sáng suốt và linh mẫn… Nếu có Thượng đế, thông điệp của Ngài là gì? Khi một con tinh trùng, muốn được thụ thai, phải vượt qua hàng triệu con tinh trùng khác sẽ chết ngay sau đó. Sự cạnh tranh có ngay từ khi bào thai chưa hình thành. Và thông điệp của Ngài là gì? Khi những cá thể giàu tính cạnh tranh nhưng ít nhân bản, lại luôn giành được những điều kiện tốt nhất trong cuộc sống, còn nghèo thì càng hèn hơn và xuống cấp hơn… Và còn nhiều điều nữa, Cháu sẽ tiếp tục tìm hiểu và tận dụng cơ may là được trao đổi với Chú nếu Chú cho phép! Cháu cũng phần nào là nạn nhân của nền giáo dục “xa rời thực tế”, thú thật cho tới thời điểm cách đây vài tháng, Cháu không tìm thấy ý nghĩa của sự học. Gần như suốt thời gian học phổ thông và Đại học của Cháu là một sự cố gắng và chịu đựng. Cháu học Đại học Bách Khoa TPHCM ngành xây dựng Chú ạ. Hiện nay Cháu đang ở Sài Gòn, nhưng từ giờ đến tháng 4 nếu có dịp ra Hà Nội, Cháu rất hy vọng được gặp Chú. Thân chào Chú và chúc Chú sức khỏe!
Chào chú Hưng, chúc chú sức khỏe và bình an!
cho phép cháu một chút lan man…
Nếu con người nhỏ bé so với vũ trụ chừng nào, thì con người cũng nhỏ bé so với Thượng Đế bằng đó.
Nhưng oái ăm thay, tựa như di truyền từ Adong và Eva ta luôn bị cám dỗ với tư tưởng vượt qua Thượng Đế khi cho mình là tất cả, và thường sử dụng hệ quy chiếu với bản thân là trung tâm.
Nhiều lúc ta gần như cảm nhận được Thượng Đế, có những giây phút chợt thông tuệ..thế rồi lại bị tuột mất trong khi trôi theo nhịp đời.
Thượng Đế chỉ ở trong đền thờ, hay trên chín tầng mây, có mấy tín đồ dành cho Ngài vị trí trong tâm khảm.
Lúc thiếu thốn thì van xin, không được thì trách móc, dư dật thì tự mãn xưng vua.
Luật tự do của con người được Ngài tuân thủ tuyệt đối, dù ai đó có tự mãn đến đâu.
Những kẻ người quan tâm thì bằng một cách đặc biệt mà không phạm luật, Ngài sẽ cho hắn chịu nhiều đau khổ, chỉ với những cái búa vào đầu hắn mới hiểu đâu là đất rộng trời cao và khiến hắn mở mắt mà thấy được nhiều điều….
dù anh là kẻ hèn kém hay những bậc tu tập đến thượng thừa, nhưng đến lúc anh quy chiếu về bản thân thì cũng là lúc anh đánh mất thăng bằng và rơi vào vực thẳm.
kẻ mạnh mẽ nhất rồi cũng sẽ đến lúc thấy mình yếu hèn nhất.
ThíchThích
Thân tặng Chú Hưng, bạn uy, bạn Trang và những ai đang bước đi trong Chúa. Thượng Đế không xuống thế gian này để chết cho thế giới, để chết cho mọi người, mà Ngài đến để chết cho Chính Bạn!
ĐỜI CÓ CHÚA
Sáng nay cám cảnh sinh tình
Cảnh thì chẳng có chỉ mình Chúa thôi.
Con đây với Chúa sánh đôi,
Văn thơ không giỏi, chẳng thôi nguyện cầu.
Hôm qua thấy Chúa buồn sầu,
Tim con đau nhói, cũng rầu Chúa ơi!
Vì yêu con, Ngài mang tất cả
Bao đau đớn, tan nát tâm thần,
Còn con chối Chúa muôn lần
Tấm lòng ô trược luôn cần thứ tha.
Chai ôi cha! Sao Ngài cao cả!
Chúa ơi Chúa! Chúa quá bao la!
Vì yêu, Chúa đã sinh ra
Chịu thân xác thịt, trải qua đoạn trường.
Lòng mong mỏi con đừng lạc lối
Bao tăm tối quấn lấy tâm can,
Tay Chúa phá hết gian nan
Đem con trở lại, Cha ban phước lành.
Chim hoang dại chim còn có tổ
Lá hoang sơ lá vẫn có cành
Đời con chẳng khác chỉ mành
Đi theo chữ “Ngã” chỉ thành luống công
Đời không Chúa khác chi giấc mộng?
Bao tham vọng khác chốn hư không?
Nguyện xin dấu khắc trong lòng:
Đời con thuộc Chúa, sống trong Lẽ Ngài.
HTL
Sáng Chúa Nhật 15/3/2015
ThíchThích