Năm nay Mùa Giáng Sinh tôi không về nước, lòng da diết nhớ những đêm Giáng Sinh ở Việt Nam. Cách đây gần hai chục năm, lúc chân ướt chân ráo đến Úc định cư, nỗi nhớ ấy nhiều lúc âm ỉ đến muốn khóc. Có bao nhiêu thứ để nhớ, nhưng không hiểu sao nỗi hoài cảm cứ dồn vào Mùa Giáng Sinh, nhớ những buổi lễ, nhớ cảnh rước lễ, nhớ tiếng hát ca đoàn, nhớ “Đêm Thánh vô cùng”, nhớ “Hang Bê-lem”,…
Một trong những kỷ niệm không thể nào quên là lễ Giáng Sinh lúc 7 giờ tối tại Nhà nguyện Quảng Bá Hànội năm 1992, nhân dịp nhà nguyện này mới được sửa sang. Hôm ấy Cha Ngân giảng bài, một trong những bài giảng hay nhất trong đời mà tôi được nghe. Nghe nói hiện nay Cha làm Giám mục Lạng Sơn. Ước gì có dịp được gặp lại Cha để nghe Cha nói chuyện. Giọng Cha nhẹ nhàng, hiền hậu, nhưng sâu sắc làm sao.
Đêm hôm ấy, vừa dự lễ ở Quảng Bá xong, chúng tôi lại kéo nhau đến Nhà thờ Cửa Bắc để dự lễ nửa đêm. Chúng tôi đi lễ như đi dự một ngày hội. Trời mưa phùn lâm thâm, rét buốt, áo ngoài ướt hết, nhưng lòng chúng tôi ấm áp vô cùng. Quên hết vất vả mệt nhọc vì niềm vui Đạo hoà lẫn với niềm vui đời. Tâm hồn lâng lâng sảng khoái, mặc dù trong lòng còn đang bận một mối lo lớn cho con gái bên Hà Lan.
Một kỷ niệm khác là Lễ Phục sinh ở Nhà Thờ Lớn Hànội trước khi rời quê hương đi định cư ở xứ người. Số là hồi ấy tôi quay một cuốn video buổi lễ này để kỷ niệm, phần nhạc nền là một bản nhạc do chính tôi sáng tác. Sau này ở Úc, mỗi lần xem lại cuốn băng video đó là lòng tôi nặng chĩu, muốn bay ngay về Việt Nam, nhưng công việc ở Úc quá bận, chưa thể đi được, để nhiều năm sau mới thực hiện được mong muốn.
Thế mà đã ngót hai chục năm. Giáng Sinh năm nay tôi lại có dịp sống lại nỗi nhớ ấy. Những lúc như thế này, âm nhạc là nguồn an ủi . Một trong những bản nhạc an ủi tôi nhiều nhất trong Mùa Giáng Sinh là “Bài Thánh Ca buồn” của Nguyễn Vũ.
Tôi không biết bản nhạc nào khác của Nguyễn Vũ, nhưng chỉ một bản nhạc này cũng đủ làm nên tên tuổi của anh. Không biết có quá lời hay không khi nhận xét rằng “Bài Thánh Ca buồn” xứng đáng nằm trong danh sách những nhạc phẩm bất hủ nhất của tân nhạc Việt Nam từ 1930 tới nay, và đặc biệt, nó gợi lên không khí Mùa Giáng Sinh ở Việt Nam như một bản Thánh Ca tha thiết vậy.
Chuyện nghe kể thế này:
Cách đây hơn chục năm, Nguyễn Vũ bồi hồi nhớ lại: “Thuở ấy tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt). Sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ là vì tôi phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên. Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3 cây số đường đèo, nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. “Lòng thành” của tôi chỉ được hưởng một “ân huệ” cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên là Th., lớn hơn tôi 2 tuổi… Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa, “đối tượng” của tôi nép vội vào mái hiên trú mưa, tôi cũng… trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng (Silent Night) vẳng ra từ một ngôi nhà gần đấy: Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, se chữ đồng, đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…. Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết… sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên… những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như “một nửa hồn tôi mất”. Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”. Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh vô cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi. Và thế là “Bài Thánh Ca buồn” ra đời” [1].
Một câu chuyện quá đẹp, quá nên thơ.
Rất nhiều giọng ca đã trình diễn bài này. Thái Châu, Elvis Phương, Hồ Hoàng Yến,… Nhưng theo quan niệm thẩm mỹ của tôi, Trần Thái Hòa là người thành công nhất. Xin thưởng thức:
BÀI THÁNH CA BUỒN của Nguyễn Vũ, do Trần Thái Hòa trình bầy,
để hưởng thụ cái ấm Giáng Sinh trong mùa đông giá rét.
Chúc độc giả Một Giáng Sinh và Năm Mới an lành, hạnh phúc!
PVHg, Sydney 25/12/2014
Ghi chú:
[1]: Đoạn kể lại này dựa theo VnExpress 25/12/2004: “Bài thánh ca buồn’ – dư âm một cuộc tình” http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/bai-thanh-ca-buon-du-am-mot-cuoc-tinh-1882169.html
XEM THÊM:
Tin và ảnh của báo chí Việt Nam về ngày lễ Giáng Sinh:
VnExpress
Biển người đổ về trung tâm Hà Nội trong tối Giáng sinh
Đường phố trang hoàng rực rỡ, dù trời rét, người dân đổ về trung tâm Hà Nội trong tối Giáng sinh khiến giao thông tắc nghẽn.
Click vào hình để xem với kích thước lớn hơn
Dân Trí
Đêm Giáng sinh an bình…
http://dantri.com.vn/xa-hoi/dem-giang-sinh-an-binh-1011974.htm
Dân trí Ngay thời khắc thiêng liêng của đêm Giáng sinh – lúc 0h, ngày 25/12, có mặt cùng hàng vạn giáo dân đang tham gia rước lễ tại các Nhà thờ lớn, nhỏ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, PV Dân trí kịp thời ghi lại những hình ảnh, tâm sự, ước mong… trong khoảnh khắc này.
Tại TPHCM, Đúng 0h ngày 25/12, tiếng chuông nhà thờ Đức Bà tại trung tâm TPHCM vang lên, hàng triệu giáo dân đều hướng về đức Chúa, cầu mong những điều tốt đẹp nhất, nguyện một năm mới an lành, hạnh phúc.
Bên ngoài nhà thờ, hàng ngàn người dân cũng đổ ra đường để chúc mừng Giáng sinh, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến với gia đình, người thân và bạn bè.
Tại Hà Nội, Gần đến thời khắc quan trọng nhất của đêm Noel 2014, tại nhà thờ Hàm Long (Hoàn Kiếm – Hà Nội) đã diễn ra nghi thức rước Chúa trước sự chứng kiến của hàng nghìn giáo dân và người dân Thủ đô.
Khoảng 23h45 tối qua (24/12), nghi lễ rước Chúa bắt đầu
Rất trang nghiêm và ấm áp
Tại Thanh Hoá, Thời khắc quan trọng nhất của mùa giáng sinh vừa điểm, mọi người cùng nhau chắp tay cầu nguyện cho những điều tốt đẹp, an lành sẽ đến.
Thời tiết đêm Noel tại Thanh Hóa giá rét nhưng khô ráo, rất thuận lợi cho mọi người đi chơi giáng sinh. Tại nhà thờ chính tòa Thanh Hóa, khi kim đồng hồ điểm thời khắc quan trọng nhất trong mùa giáng sinh 2014, mọi người đã cùng nhau cầu nguyện cho một năm mới an lành, hạnh phúc sẽ đến.
Càng về khuya, cái lạnh càng thêm se sắt, nhưng hàng nghìn người vẫn tập trung tại khu vực nhà thờ để cùng chờ đợi thời khắc Chúa giáng sinh. Một không khí trang nghiêm, thành kính khi mọi người cùng nhau hướng về lễ đài, chắp tay cầu nguyện. Nhiều người cũng đã ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong mùa giáng sinh 2014.
Nam Định: Càng về đêm, thời tiết tại Nam Định càng trở lạnh, nhưng hàng vạn người dân Thành Nam vẫn đổ về các nhà thờ tại thành phố. Nhộn nhịp và háo hức nhất vẫn là giới trẻ khi họ cùng nhau lưu giữ lại những thời khắc trong đêm Chúa Giáng Sinh.
Thời điểm chuẩn bị đón thời khắc Chúa giáng sinh, hàng ngàn người tập trung tại nhà thờ Chính Xứ Nam Định, mọi ánh mắt đều hướng về sân khấu lớn ngay lối cổng vào nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy. Họ gửi lời chúc, lời cầu nguyện cầu Giáng Sinh an lành, hạnh phúc đến với gia đình, bạn bè, người thân…
Tại Ninh Bình, Trong cái giá rét đến thấu xương, nhiều người vẫn sẵn sàng đứng chờ để tận hưởng trọn vẹn không khí đêm giáng sinh.
Thay vì cảm giác xuýt xoa vì giá lạnh, mọi người cảm thấy ấm áp, gần gũi với nhau hơn trong đêm Giáng Sinh. Nhiều em nhỏ cũng được bố mẹ choàng khăn ấm, bận trên mình bộ trang phục ông già Noel để đi đón giáng sinh.
Đúng vào thời khắc quan trọng của đồng bào công giáo, họ cùng làm dấu chắp tay cầu nguyện bình an, hạnh phúc đến với gia đình mọi người. Không chỉ những người theo đạo, người dân và du khách thập phương cũng hòa chung niềm vui, gửi lời chúc yêu thương đến mọi nhà.
Hàng vạn người cầu nguyện Giáng Sinh an lành, hạnh phúc tại nhà thờ Đá Phát Diệm, Ninh Bình – Ảnh: Đức Văn
Tại TP.Huế, Rất đông các nhóm bạn, gia đình tới ăn uống để chờ tới gần 12h đêm sẽ đổ về nhà thờ đón khoảnh khắc Chúa sinh ra đời. “Chộn rộn vì những ngày làm việc, tối Noel là thời gian để mọi người ngồi lại bên nhau, chia sẻ vui buồn và ước mơ những gì cho một năm mới sắp đến” – một bạn trẻ đang chờ tham dự lễ tại Nhà thờ Dòng Chúa cứu thế đã chia sẻ với PV Dân trí.
Và đúng giữa đêm, đồng loạt tiếng chuông nhà thờ ngân vang báo hiệu giờ khắc quan trọng đã đến. Trong sân và sảnh các nhà thờ, mọi người đứng yên cầu nguyện, lắng lòng mình và hướng về những gì tốt đẹp nhất.
Phút cầu nguyện thiêng liêng
Tết là một ngày lễ đậm đà tình tự quê hương nhiều hơn. Tết là một nền văn hoá rất phong phú đã ăn sâu vào lòng người Việt suốt thời tổ tiên tới con cháu sau này. Và vẫn coi trọng nó như là một sợi giây biết rung động, luôn vang lên những âm thanh thật tuyệt vời cho thêm đời bớt cô liêu, lạnh lùng băng giá. Những tiếng cười nô nức, hồn nhiên, là những niềm vui bất tận không thể nào tả xiết hết nỗi hoài cảm, sự ngọt ngào và tình mặn mà trong một bầu vũ trụ chung của không gian và thời gian.
Ai trong đời cũng có một nỗi niềm riêng biệt, một ký ức khó quên, một nỗi nhớ da diết khi cách xa người yêu, người thân, người bạn, v.v…Nhưng rồi tất cả cũng sẻ chóng qua như một giấc ngủ trống không.
ThíchThích