Abstract: Education is the base of a society for development. The future of a nation depends on how the Education is practised today. But the method of instruction nowadays produces a bad situation – a fake education. Everyone should think of it and try to do something for a better Education – a true Education.
Giáo dục là nền tảng của một xã hội để phát triển. Tương lai một quốc gia phụ thuộc vào việc nền giáo dục thực hành hôm nay ra sao. Nhưng phương pháp giảng dạy ngày nay tạo ra một tình trạng tồi tệ – tình trạng Học Giả. Mọi người nên nghĩ về điều này và hãy cố gắng làm một điều gì đó cho một nền giáo dục tốt đẹp hơn – một nền Học Thật.
Năm 1996, tôi viết bài “Học giả, Học thật”, đăng trên tuần báo Văn Nghệ số 34 ngày 24/08/1996, phê phán tình trạng dạy giả, học giả, kêu gọi lấy lại tinh thần dạy thật, học thật. Bài báo đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi về giáo dục – một cuộc tranh luận rất bổ ích làm sáng tỏ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy giả, học giả (đến nay tôi vẫn giữ được toàn bộ các bài báo của nhiều tác giả trong cuộc tranh luận đó). Vì thế, cuối năm 1996 Văn Nghệ tặng tôi một giải thưởng báo chí. Nhưng… sau 18 năm, tôi thấy tình hình giáo dục bây giờ còn tệ hơn. Vấn đề “Học giả, Học thật” vẫn đang là một chủ đề thời sự cần đem ra ánh sáng.
Dường như nhiều người khác cũng có những suy nghĩ như tôi.
Thật vậy, hôm qua, 01/09/2014, trong một câu chuyện bàn trà, tiến sĩ toán học PDC, giáo sư một đại học khá nổi tiếng ở Hànội, bỗng đề cập tới giáo dục. Ông nói: “Đề thi đại học môn toán bây giờ thường xuyên giăng “bẫy” ở những câu 8, 9, thậm chí ở những câu 2, 3 – “bẫy” không chỉ thách đố học trò, mà thách đố luôn cả các thầy cô, nhất là những thầy cô hay tự phụ khoe giỏi”. Tôi liền hưởng ứng góp chuyện: “Đúng vậy, theo dõi đề thi các khối A, B, D 7 năm qua từ 2008 đến 2014, tôi thấy những câu sử dụng kiến thức cơ bản chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 80%, còn lại là bẫy”. Ông bảo: “Thế đấy, học như thế để làm gì nhỉ? Kiểu này cho các thầy giỏi đi thi nhiều thầy có khi cũng chỉ đạt được 8 điểm là cùng, nếu trình bầy sơ sót thì chỉ còn 7…”. Tôi lại phụ họa: “Anh ơi, nếu thi theo kiểu này, cứ cho mấy vị ra đề thi đi thi và mình là người ra đề thì họ cũng rớt thôi. Giỏi gì cái kiểu thi cử như thế. Chỉ khổ học trò và phụ huynh học sinh, càng những người ngoài ngành toán càng tưởng học như thế mới giỏi, thực ra là làm hỏng hết tư duy của con em mình…”.
Câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh nhiều chủ đề, nên chuyện giáo dục cũng chỉ nói đến thế, rồi chuyển sang chuyện khác. Riêng tôi, về đến nhà tôi vẫn suy nghĩ, và tự bảo mình phải tìm cách giúp con cháu họ hàng, con em của bạn bè, và tất cả những học trò nào mà tôi gặp, biết suy nghĩ phân biệt cái hay cái dở, biết phân biệt toán học xấu xí với toán học lành mạnh, để có một định hướng đúng đắn cho việc rèn luyện chuyên môn và nhân cách, đáp ứng một cách thực sự hiệu quả cho những đòi hỏi của xã hội tương lai.
Điều quan trọng nhất, tôi nghĩ, là phải giúp học trò có một vốn văn hóa nhân văn, biết cái gì là cái có ý nghĩa, cái có giá trị đích thực trong đời, đừng chạy theo đám đông, đừng chạy theo những giá trị hình thức, đừng bắt chước các trào lưu, phải tự nâng cao hiểu biết văn hóa của mình lên để tự mình có khả năng phán xét việc tốt, việc xấu.
Đối với tôi, “bẫy” trong đề thi là một sản phẩm tàn dư của nền văn hóa hủ nho, và là một sản phẩm phi sư phạm, phản giáo dục. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một bài báo RẤT HAY của tiến sĩ Trương Văn Tân ở Úc: “Khoa học công nghệ và “sĩ, nông, công, thương” thời hiện đại”, đăng trong Kỷ yếu Hạt Higgs do NXB Tri Thức xuất bản trong tháng 03/2014 vừa qua. Trong đoạn “Cái bóng dài “hủ nho””, tác giả viết:
“Đã có nhiều tiếng nói của các bậc thức giả ưu thời mẫn thế lo lắng cho tiền đồ giáo dục Việt Nam. Những bất cập trong giáo dục đại học khiến cho viễn ảnh khoa học công nghệ thêm phần ảm đạm. Sự thiếu vắng một bộ óc lớn biết lãnh đạo, một chính sách, lộ trình khoa học công nghệ năng động và sự quyết tâm thực hiện để đáp ứng với thực tế khiến cho nền khoa học công nghệ Việt Nam như căn nhà tranh vốn ọp ẹp lại thường xuyên dột nước… Những nghị quyết giống nhau được sao chép từ đại hội lớn đến đại hội nhỏ lặp lại điệp khúc cũ rích “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé …” đã gặm nhắm lòng người từ lâu lắm rồi. Điều lo ngại hơn là một số thuộc giai cấp “sĩ” vốn tha hoá lại thừa nước đục thả câu bởi kế hoạch “20.000 tiến sĩ đến năm 2020” từ chỗ hiếu học đến chỗ hiếu danh, hiếu chức. Cuối cùng, để có chức có quan có tiền bằng con đường ngắn nhất thì không có gì hơn con đường học giả bằng thật, mua danh bán tước.
Lại có một số “sĩ ” học thật nhưng có mốt suy tư kiểu “giỏi toán là người thông minh”. Nó khá phổ biến trong giới sinh viên thậm chí trong giới học thuật Việt Nam, mặc dù trên thực tế đời thường “người thông minh chưa chắc đã giỏi toán” và cũng không ít người làm toán giỏi nhưng tính chuyện đời không giỏi…”
TS Trương Văn Tân nói đúng. Tôi từng biết những người giỏi toán nhưng nhận thức cuộc sống nói chung kém, thậm chí có những biểu hiện kém văn hóa, ra đời chỉ biết bán chữ chứ không biết làm gì hơn, mà bán chữ chưa chắc đã đắt hàng, vì có người bán chữ hay, chữ đẹp, có người bán chữ xấu, chữ thô.
Theo tôi, thước đo phân biệt cái xấu cái đẹp trong toán học nói riêng và khoa học nói chung chính là ở mức độ truyền cảm. Thầy dạy thế nào mà học trò thấy sợ, thấy chán thì dù thầy có giỏi toán thật đi chăng nữa, chắc chắn thầy không có vốn văn hóa phong phú, ấy là chưa nói đến hiểu biết tâm lý của thầy có thể rất kém. Dạy toán thực sự phải truyền được cái hay cái đẹp đến học trò, làm học trò thích thú, say mê, thế mới là dạy.
Chẳng hạn, ít nhất đã có 2 thầy dạy toán nói với tôi rằng “tôi thích dạy Hình học giải tích hơn Hình học thuần túy (Hình học theo phương pháp của Euclid), vì hình học giải tích đỡ phải vẽ hình”. Thú thực là tôi hết sức thất vọng với lời phát biểu đó, và thầm nghĩ rằng 2 thầy đó không phải là người yêu toán, không hiểu toán thực sự là cái gì.
Tôi tán thưởng ý kiến của bà Stella Baruk ở Pháp khi bà nói: “Phải dạy Toán như dạy một ngôn ngữ sống”. Ngôn ngữ sống động bao giờ cũng truyền cảm, giống như văn chương, lịch sử vậy. Nhà sư phạm nổi tiếng ở Mỹ, bà Joy Hakim, còn đề nghị phải dạy vật lý như dạy lịch sử – cho học trò tiếp nhận các khái niệm vật lý đúng như nó đã nẩy sinh trong lịch sử. Như thế mới truyền được cho học trò cái hồn của môn học.
Từ đâu mà tư tưởng về trường điện từ nẩy sinh?
Từ đâu mà lý thuyết vi tích phân ra đời?
Những tư tưởng ấy ra đời để làm gì? Nó giải quyết vấn đề gì của cuộc sống?…
Trả lời những câu hỏi này sẽ mở mang trí tuệ của học trò gấp trăm vạn lần so với việc làm khổ học trò bằng một trò đánh đó với một thủ thuật láu cá hoặc một mẹo vặt.
Trong môi trường sống của tôi, tôi thường khuyên những học trò mà tôi gặp rằng các em hãy học quan sát thế giới xung quanh để phóng tầm mắt ra xa hơn, đừng coi việc thi đại học là thước đo giá trị con người. Nếu nó là thước đo giá trị con người thì chỉ là một phần nhỏ thôi. Các em hãy trau dồi kiến thức văn hóa, đừng lo thi thố hơn thua, đừng tưởng điểm 9, điểm 10 sẽ có tương lai tốt đẹp hơn điểm 8. Chẳng hạn, giá trị văn hóa của môn toán là ở ý nghĩa những gì các em học, thay vì một vài thủ đoạn vặt, các mẹo bẫy. Hãy hài lòng với một bài thi nếu tất cả những câu hỏi cơ bản mà em làm được, trình bầy đáp án hoàn hảo, diễn đạt ý kiến trong sáng, mạch lạc, rõ ràng. Những câu “bẫy” nếu không làm được thì đừng coi là mình kém, mà hãy coi đó là một bài học cảnh báo rằng trên đường đời phải coi chừng có những “hố tử thần” đấy, thế thôi. Chẳng tài giỏi gì ở mấy cái mẹo vặt ấy đâu.
Vì thế, nếu học trò nào nhờ tôi giúp đỡ, bao giờ tôi cũng giúp em đó nắm thật vững kiến thức cơ bản. Tôi hối thúc em đó trình bầy những gì đã học dưới dạng những tiểu luận, trình bầy bằng một văn phong mạch lạc, chặt chẽ, trong sáng. Thậm chí tôi khuyên các em hãy trình bày tiểu luận đó bằng tất cả những ngôn ngữ mà em biết, chẳng hạn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, vì các ngôn ngữ sẽ bổ sung cho nhau để làm sự hiểu biết rõ ràng hơn, chắc chắn hơn. Rèn luyện một ngôn ngữ không có gì tốt hơn là thực hành nó.
Chẳng hạn, sau đây là một vài tiểu luận của em KT, học sinh lớp 12 trường KL
1/ Tiểu luận về góc giữa 2 đường thẳng trong mặt phẳng.
Phải giải thích một chút về xuất xứ của tiểu luận này: Số là một hôm KT trao đổi với tôi một bài toán trong đề thi đại học môn toán khối D năm 2014, trong đó em áp dụng một công thức mà cô giáo đã dạy ở nhà trường, nhưng bản thân em chưa hiểu rõ công thức đó. Tôi khuyên KT nên cố gắng tự chứng minh công thức ấy, coi nó như một bài tập cơ bản. KT đã làm, và làm bằng tiếng Anh, rồi gửi kết quả cho tôi. Tôi hài lòng và nghĩ rằng nên công bố tác phẩm của KT trên website của tôi, để ủng hộ phương pháp học tập đúng đắn.
Tại sao KT làm tiểu luận bằng tiếng Anh? Vì KT thích học tiếng Anh. Tôi cũng thường khuyến khích các bạn trẻ nên thực tập làm khoa học ngay từ bây giờ bằng cách trình bầy kiến thức của mình dưới dạng những tiểu luận bằng cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ hoặc bất cứ ngôn ngữ nào có thể. KT đã hưởng ứng. Đó chính là dấu hiệu của phong cách làm khoa học chân chính trong tương lai.
2/ Tiểu luận về Hàm Bậc Ba (Essay on the Cubic Function by KT):
Thay lời kết:
Xin nhắc lại 2 câu nói bất hủ mà tôi đã trích dẫn trong bài “Học Giả, Học Thật” trên Văn Nghệ số 34 ngày 24/08/1996:
● “Toán học giống như một nghệ thuật, nhưng không phải là “nghệ thuật tính toán” hay “nghệ thuật chứng minh” mà vì rằng toán học cũng như nghệ thuật chính là những phương tiện độc đáo của nhận thức” (Vladimir Uspensky, nhà toán học người Nga).
Thế đấy. Một mẹo vặt chỉ nói lên một chút ranh mãnh, láu cá, cho dù nó là một “nghệ thuật tính toán” hay “nghệ thuật chứng minh”. Uspensky nhấn mạnh rằng phải làm sao thấy được vai trò của toán học như một công cụ tuyệt vời của nhận thức, như nghệ thuật vậy. Vâng, toán học cũng như nghệ thuật, nó là phương tiện giúp chúng ta hiểu biết thế giới, chứ đâu phải những ván cờ thế bẫy đối phương để ăn tiền. Vì thế, giăng bẫy để làm khổ các em bằng những mẹo vặt sẽ làm cho toán học mất vẻ đẹp trong sáng của nó, làm thui chột tư tưởng của các em, làm các em chán toán, sợ toán, đó là lỗi của người dạy, người ra đề thi. Xin đừng dạy toán như thế, đừng biến toán thành một trò đánh đố tầm thường!
● “Đặt một người vào điều kiện phải suy nghĩ sẽ làm cho người ấy lớn lên nhiều hơn so với việc cung cấp nhồi nhét cho người ấy một mớ những lời chỉ giáo” (Charles Babbage, một nhà toán học và triết học người Anh thế kỷ 19)
Lối dạy học đánh đố học trò bằng những bài toán thật khó buộc học trò phải thuộc những thủ thuật đặc biệt hoặc mẹo vặt chính là lối nhồi sọ các em bằng một mớ chỉ giáo. Đó là học giả! Hãy trả lại toán học nói riêng và nền giáo dục nói chung Cái Đẹp và Sự Trong Sáng vốn có của nó.
PVHg 02/09/2014
Cháu cảm ơn bác, bài viết rất ý nghĩa.Cháu là nạn nhân của việc học giả môn toán, và hậu quả là đến giờ cháu vẫn rất ghét toán và dốt toán.
ThíchThích
Ở nước ta, tư tưởng người làm chính sách do còn chịu ảnh hưởng nặng từ ” Nho Giáo” Trung Quốc, nền giáo dục sa vào vũng lầy. Hàng năm, Bộ tổ chức thi tốt nghiệp 12 thì học sinh “đậu” gần 100%, thì tổ chức làm gì cho tốn kém, chẳng đánh giá, nghiệm thu gì cả. Nói thật, là chúng ta đang lưà dối chính chúng ta. Bản gốc ” di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh “vốn dĩ rất chân thật rồi, nhưng lại bị họ sửa lại từng chữ cho “súc tích hơn”,” ý nghĩa hơn” mà gần đây mới được công bố rộng rãi trên báo chí. Vậy để làm gì ngoài việc ưa giả dối ( không mang tính chính trị). Cảm ơn giáo sư về bài viết này.
ThíchThích