Thượng đế có hay không? Câu trả lời của Gautama Buddha.

Loved.Chosen.God_Định lý Bất toàn của Kurt Gödel không nên giới hạn trong vật lý, không nên giới hạn trong toán học, không nên giới hạn trong triết học; nó thực sự mở rộng cho toàn thực tại này. Thực tại bất toàn; vì bất toàn mà làm cho một người này, đứng ở tầm nhìn này, thấy có Thượng đế; một người khác, đứng ở tầm nhìn khác, thấy không có Thượng đế.
Đó là một trích đoạn trong bài “Thượng đế có hay không?” của Cư sĩ Minh Đạt, một tiểu luận triết học đặt ra nhiều dấu hỏi đáng suy ngẫm. PVHg’s Home xin giới thiệu cùng bạn đọc…

Hôm nay, 25/05/2014, tôi nhận được một lá thư từ Cư sĩ Minh Đạt. Thư viết:
Anh Phạm Việt Hưng, Anh Bùi Hoằng Vị quý mến.
Mấy ngày nằm nhà (nay đã ra khỏi nhà, đi chơi rồi), BHV luôn quan tâm tới bạn, sợ tôi buồn, nhắn rằng: blog của Anh Hưng có 3 – 4 bài mới hay lắm.
Hay thật. Nhưng tôi thích chủ đề về Thượng đế.
Có một lúc nào đấy, ngồi thiền định, tôi nhận ra rằng, anh PVH rất muốn tôi viết về Thượng đế; nhưng phải viết từ Gautama Buddha. Tối qua, ngồi lặng nghe BHV đàn piano nhạc Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Lặng đi và Thượng đế như về trong tôi.
Hôm nay viết bài này tặng hai anh, những người bạn của tôi.
Quý mến.
Cư sĩ Minh Đạt

Tôi đọc ngay bài viết đó, và muốn giới thiệu ngay với bạn đọc.
Thượng đế có hay không?
Câu trả lời của Gautama Buddha.

Sài gòn ngày Chúa Nhật 25/5/2014.
Tác giả: Cư sĩ Minh Đạt.

Quý mến tặng Anh Phạm Việt Hưng
và Anh Bùi Hoằng Vị.

1

Có vài điều, khi còn tại thế, Gautama Buddha đã không trả lời. Ngài không nói nó đúng, ngài không nói nó sai. Ngài không nói nó bé, ngài không nói nó lớn. Ngài không nói nó xấu, ngài không nói nó đẹp. Ngài không nói nó tồn tại, ngài không nói nó không tồn tại. Không trả lời, ngài im lặng.

Có mười bốn câu hỏi như vậy, ngài không trả lời. Mười bốn câu hỏi, thuộc bốn chủ đề. Ngài không trả lời về sự vô cùng của Không gian. Ngài không trả lời về các thuộc tính của Thời gian, những khái niệm về trước của quá khứ, nhưng khái niệm về sau của tương lai. Ngài không trả lời về Linh hồn, cái nối tiếp giữa các kiếp đời. Ngài không trả lời về Thượng đế, Đấng sáng tạo đã tạo ra mọi thứ.

Đó là bốn chủ đề, ngài không trả lời; ngài im lặng.

Có phải chăng, trong thế giới này, với bốn chủ đề này, câu trả lời, dường như là không có. Từ khi Gautama Buddha im lặng, bốn chủ đề này, ngàn năm nay luôn là nỗi trăn trở của người tìm kiếm, của các học giả, của các triết gia, của các nhà khoa học… Có phải chăng, khi đã có câu trả lời, thì người tìm kiếm không còn cần đến nó nữa? Người tìm kiếm đã BIẾT, khi đã thấy cái họ cần biết, thì mọi câu trả lời là vô nghĩa? Câu trả lời được kinh nghiệm trong im lặng; ngôn từ không thể diễn đạt, có phải chăng là vậy?

Hay là còn, còn một lý do nào khác nữa, mà Gatama Buddha đã im lặng?

2

Gatama Buddha xuất hiện cách đây 2.500 năm. Thời điểm ngài xuất hiện đó là thời điểm đặc biệt. Thời điểm đó, trên thế giới, cũng có rất nhiều các bậc thầy trí huệ khác, xuất hiện. Dường như không phải ngẫu nhiên, các bậc thày rủ nhau cùng xuất hiện. Vào thời đó, ở India có Gautama Buddha, có Mahavira; sau Gautama là Buddhism với tín đồ lên tới hàng trăm triệu hàng tỷ người; sau Mahavira là Jainism đã từng là một tôn giáo lớn ở India với giáo lý khổ hạnh và tư tưởng bất hại. China có Lao Tzu; sau Lao Tzu là Taoism, ngày nay có mặt tại China, Korea, Japan, Vietnam, Singapore,… Nhiều nơi khác nữa, rất nhiều các bậc trí huệ xuất hiện. Ở Iran có Zarathustra; ở Anatolia có Heracleitos; ở Egypt có Toth; ở Greece có Thales, có Pythagoras, có Socrates,… Thales, Pythagoras, Socrates những con người này, họ không chỉ là triết gia, nhà toán học, nhà thơ,… hơn hết họ là những nhà huyền học. Họ dạy cả công truyền và họ dạy cả mật truyền. Họ dạy về những con số, những đường thẳng song song, về tam giác… Và họ cũng dạy cả về những lời khải huyền, các tầng giáo lý thâm sâu. Rất nhiều bậc trí huệ, xuất hiện vào thời điểm đó. Sau đó muộn mằn hơn, bốn năm trăm năm sau, là sự xuất hiện của Jesus Christ.

Dù là tình yêu, từ bi hay là trách nhiệm, các bậc thày trí huệ đã đồng loạt xuất hiện. Họ đã xuất hiện, xuất hiện theo kiến thức của Zodiac, Cung Hoàng đạo. Họ đã xuất hiện tại thời điểm chuyển thời của Trái đất, thời điểm chuyển thời của Hệ Mặt trời. Sự xuất hiện của họ dường như để chuẩn bị cho con người đón thời Pisces – Song ngư; thời mà con người phải nhọc nhằn hơn, nếu muốn đi về phía Ánh sáng. Sự xuất hiện đồng loạt của các Đạo sư, dường như để báo hiệu rằng, những giáo lý nguyên thuỷ, thuần khiết và trinh nguyên không còn hợp với con người lịch sử. Con người mà tần số dao động giáng xuống. Con người mà các luân xa đã bị đóng lại, đang khoác lên mình những tấm vỏ bọc giả tạo. Con người đã chìm đắm trong vật chất. Những con người đó cần thiết phải có những con đường thích hợp. Các bậc thày trí huệ đã xuất hiện; lập ra các con đường cho các quốc gia, cho các dân tộc; phù hợp với địa lý, phù hợp vơi lịch sử, phù hợp với văn hoá của họ; hơn cả là phù hợp với con người trong một Thời mới.

Gautama Buddha đã im lặng trước câu hỏi Thượng đế, Linh hồn. Ngài không nói có, ngài không nói không, ngài đã im lặng. Ngài nói về: Vô ngã, Tính không, Luân hồi và Niết bàn. Phải chăng với con người đã chìm trong thế giới vật chất, với con người tần số dao động giáng xuống vùng nặng nề, thì Linh hồn hay Thượng đế có ích gì. Chỉ là thứ để con người níu bám, xin xỏ; xin được rồi, muốn xin nhiều hơn. Ngay cả khi tưởng là không xin nữa, thì lại đòi được thưởng; thưởng cho sự không xin xỏ của mình. Không tham vật chất nữa, người ta có muôn kiểu tham khác; tâm lý tham, tâm linh tham. Người ta từ bỏ tiền của, vật chất, đất đai, nhà cửa,… nhưng người ta hướng tới danh tiếng và sự kính trọng. Người ta từ bỏ tiền của, vật chất người ta hướng tới sự khác biệt, quyền năng, sự sùng bái… Người ta từ bỏ gia đình vợ con, người ta níu bám vào đạo tràng, vào tu viện, vào nhà thờ, vào giáo lý. Đủ mọi kiểu níu bám và xin xỏ. Gautama Buddha đã im lặng. Ngài im lặng, im lặng về Linh hồn, im lặng về Thượng đế. Ngài nói tất cả đều vô ngã, tất cả đều Tính không; anh cũng là không, tôi cũng là không, tất cả đều là không; cuộc đời này là khổ, luân hồi là các kiếp nhân gian; cần phải giải thoát để về Nirvana – Niết bàn.

Người Phương Đông hướng nội; Gautama Buddha muốn những con người này không thành kẻ ăn xin và nô lệ.

3

Có một vị Tiến sĩ vũ trụ học, tên là Hugh Ross, ông ấy đã dùng phương pháp Quy hoạch động – Dynamic programming một phương pháp trong Lý thuyết ngẫu nhiên – Probability theory, để tính toán cơ hội đã hình thành nên Trái đất.

Bài toán về sự hình thành của Trái đất, ông ấy đặt ra, khảo sát và đưa vào tất cả những yêu tố mà con người có thể hiểu biết, rằng nó sẽ tác động vào quá trình tạo dựng Trái đất. Ông ấy tìm ra 320 yếu tố. Nào là kích thước, vị trí, cấu trúc của các Giải Ngân hà; nào là kích thước, vị trí, cấu trúc của Hệ Mặt trời; nào là thời gian, chu kỳ của các quỹ đạo các hành tinh; nào là cấu tạo của Trái đất; nào là đặc điểm của Bầu Khí quyển,… Rất nhiều, hơn 320 yếu tố là 320 biến số của một hàm số mô tả cơ hội để tạo dựng lên Trái đất.

Ông ấy giải, chương trình MTDT giải, kết quả là… một cơ hội nhỏ hơn ….1 phần của 10 luỹ thừa 282; nghĩa là một số nhỏ hơn 1 lớn hơn 0, mà số 1 sẽ đứng sau dấu phảy thập phân và 283 con số 0.

Một xác suất vô cùng thấp, coi như không có. Coi như không thể có Trái đất nếu chỉ trông chờ vào ngẫu nhiên cùng sự tiến hoá. Trái đất, Hệ Mặt trời, Giải Ngân hà, Vũ trụ này… không thể ngẫu nhiên tiến hoá sau vụ nổ Big Bang. Phải có một năng lượng siêu phạm, một trí tuệ siêu việt, một thiết kế vô song mới tạo nên được Trái đất, sự chuyển động của nó và Sự sống Nhân sinh này.

Cũng vậy, thế giới vi mô, cấu trúc của tế bào. Một tế bào trong cơ thể người, nhỏ hơn 1 phần 3000 mm; 10.000 tế bào gom lại một đầu kim. Vậy mà mỗi tế bao chứa nhiều trạm phát điện; nhiều nhà máy chuyển hoá rất phức tạp; một kho dữ liệu (data bank) khổng lồ chứa được dung lượng của 900 bộ Tự điển Bách khoa (encyclopedia). Mỗi một tế bào đều chứa kho lưu trữ, hệ thống thần kinh, cảm giác, bộ tiêu hoá, bộ giải độc tố, hệ thống lọc chất thải, hệ thống tạo nhiệt, hệ thống chuyển hoá và sản sinh hoá chất, truyền tin, cơ quan tự vệ, cùng một hệ thống giao thông vô cùng phức tạp… Mỗi một tế bào chứa hơn 300 hoá chất, hơn 10,000 các Protein khác nhau; mỗi Protein có 20 loại acidamino… Mỗi một tế bào lại còn chứa những tế bào DNA trong đó. Mỗi một tế bào DNA lại là một kho chứa một triệu tỷ dữ kiện.

Trong thân thể con người có tới hơn 220 loại tế bào khác nhau; như tế bào da, máu, xương, tóc, gan, ruột… Cơ thể con người có tổng cộng là khoảng 100 ngàn tỷ (100 trillion) tế bào. Mỗi tế bào đều có nhiệm vụ và cấu trúc khác nhau để giúp cho cơ thể được sống. Mỗi tế bào là một đơn vị độc lập, có sự sống riêng. 100 ngàn tỷ tế bào này làm việc rất đồng nhịp dưới sự chỉ huy của não bộ. Chỉ cần nhiệt lượng trong cơ thể tăng hoặc giảm vài độ là toàn bộ hệ thống sẽ suy giảm, ngừng hoạt động, phân rã, con người sẽ chết. 100 ngàn tỷ tế bào này là một Nhà máy Điều Nhiệt khổng lồ. Tất cả các tế bào phải làm việc đồng bộ để duy trì nhiệt lượng đúng mức cho cơ thể. Một tế bào phải biết 999 ngàn tỷ tế bào kia.

Nếu thời của Darwin, có MTDT, và ông ấy biết được phương pháp Quy hoạch động, thì ông ấy sẽ không phát biểu nên Thuyết Tiến hoá. Ông ấy sẽ tính ra cơ hội để tạo dựng nên một sinh thể như con người hiện nay, cũng không khác là bao so với cơ hội tạo dựng nên Trái đất.

Trái đất, bầu trời, những vì sao và con người không thể có được bằng tiến hoá. Phải có một năng lượng siêu phàm, một trí tuệ siêu việt, một thiết kế vô song của Đấng Sáng tạo; mới tạo dựng nên được một thực tại tuyệt vời này.

Đó là điều tôi tin cậy.

4

Nhưng thật không đơn giản, để phản bác những luận điểm rằng: không có Thượng đế. Osho nói không có Thượng đế. Nieztsche nói Thượng đế chết rồi. Đầu của hai con người này và đầu của nhiều người khác không phải bằng đá, không thể. Họ là những con người khác thường, kẻ nguy hiểm, kẻ siêu việt; họ rất thông minh; họ có những lý do riêng của họ.

Thực tại này bất toàn. Bất toàn không chỉ vì có những người tin có Thượng đế và có những người không tin có Thượng đế. Bất toàn không chỉ vậy, không chỉ vì tồn tại hai loại người. Mà bất toàn là ở bản chất của thực tại. Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, không nên giới hạn trong vật lý, không nên giới hạn trong toán học, không nên giới hạn trong triết học; nó thực sự mở rộng cho toàn thực tại này. Thực tại bất toàn; vì bất toàn mà làm cho một người này, đứng ở tầm nhìn này, thấy có Thượng đế; một người khác, đứng ở tầm nhìn khác, thấy không có Thượng đế. Con người sẽ mãi quanh quẩn với những tranh luận về có và không, về tồn tại và không tồn tại. Ngay cả khi, tâm thức của con người có thể nâng cao lên một tầm cao mới, một thực tại mới, nhưng nếu chưa đạt tới Vô ngã; thì con người vẫn là bất toàn; vẫn trong thực tại bất toàn; vậy thì sẽ có một Định lý Bất toàn mới, sẽ có một Kurt Gödel; vậy thì vẫn còn người tin có Thượng đế, vẫn còn người không tin có Thượng đế.

Thường đế là cái toàn hảo, không thể hiểu, không thể biết trong một thực tại bất toàn.

5

Gautama Buddha đã siêu việt kiến giải về Thượng đế, về Linh hồn. Bằng Phương pháp Biện chứng, với Bốn tầng phân biệt (catuskoti), Gautama Buddha đẩy cao xung đột có và không lên một tầng cao mới:

“Thượng đế có tồn tại; hay không tồn tại; hay vừa tồn tại, vừa không tồn tại; hay vừa không tồn tại, vừa không không tồn tại?”

Buddha không làm phức tạp hoá vấn đề, ngài đơn giản hoá vấn đề đi. Ngài giải quyết xung đột có và không, tồn tại và không tồn tại bằng cách đẩy cao nó lên một bình diện mới; đẩy nó sang một Hệ quy chiếu khác.

Như Lai, Thượng đế, Đấng Sáng tạo, Thực thể Tối thượng, Niết bàn, Đạo,…là Cái Tuyệt đối, cái toàn hảo, cái không thể bất toàn. Cái Tuyệt đối không thể là một thực thể đối lập với một thực thể khác trong thực tại bất toàn. Con người không thể hiểu và cũng không thể BIỂT được Cái Tuyệt đối. Cái mà con người tưởng là Cái Tuyệt đối qua tư duy, qua phân biệt không thể là Cái Tuyệt đối thực sự. Cái Tuyệt đối thực sự chỉ có thể BIẾT khi mọi tâm trí phân biệt đều được rũ bỏ; chỉ có thể kinh nghiệm được khi vượt ra ngoài thực tại bất toàn này.

Prajñā Pāramitā, là trí huệ qua bờ bên kia. Rũ bỏ tâm trí phân biệt, rũ bỏ qua mọi nhà tù: giác quan, hệ thần kinh, não bộ, tư duy, suy nghĩ, cảm xúc, thói quen, tri thức, luân lý, đạo đức, pháp luật, thể chế… mọi vọng gác, mọi hàng rào, mọi tường ngăn, mọi lớp vỏ, mọi lớp chăn phủ… tất cả đều rũ bỏ vậy thì Cái Tuyệt đối, Thượng đế sẽ hiển lộ; khi đó là bờ bên kia, Pāramitā.

 

13 thoughts on “Thượng đế có hay không? Câu trả lời của Gautama Buddha.

  1. Tôi chân thành muốn nói lời cám ơn tới anh Minh Đạt. Qua bài viết của anh tôi học hỏi nhiều điều thật vô cùng quý báo. Tiếc thay, tôi chưa đạt tới mức độ sâu sắc về trí huệ để hiểu chiều sâu của thế giới tâm linh mà anh đã giải thích rất hay trên ba tiên đề cốt lõi đó là nền tảng của tâm huệ mà con người mong đạt tới cõi giới Niết Bàn phải thông suốt qua bản tính của trí tuệ, tâm trí, và tâm thức. Hơn thế, con người cần phải có đức tính vô ngã nữa mới tiến bước vững vàng trên con đường tới Niết Bàn.

    Cuộc đời của Quan Thế Âm Bồ Tác, Gautama Buddha cũng như chúa Jesus, và những bậc thánh nhân khác đều là một tấm gương sáng cho nhân loại. Họ xuất hiện để dẫn dắt con người ra khỏi lầm than của cuộc sống vì họ tin rằng một tấm lòng từ bi cứu độ sẻ giải cứu được những con người lạc loài. Gautama đã bỏ hết đằng sau vinh quang phú quý để chọn lấy đường đời gian khổ, im lặng để suy gẫm hầu mong truyền giảng giáo lý tích cực đến cho nhân loại. Cuộc đời của chúa Jesus cũng như thế, ngài phải chết trên cây thập tự đau đớn. Họ là những bậc thánh nhân được gì trong nhân thế? Phải chăng họ chĩ có một tấm lòng đơn sơ ao ước tình thương luôn được tồn tại nối kết giữa Trời và người. Thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng chưa thấu để hết nỗi lòng và sự hy sinh quảng đời của họ cho một lý tưởng cao cả của một điều duy nhất cho nhân loại đó là từ bi cứu sinh. Ở họ có một tầm nhìn siêu việt vượt trên cả mọi thứ.

    Vũ trụ đối với con người bình dân là một vũ trụ vô cùng tự nhiên vĩ đại, và vũ trụ đối với thiên khoa vật lý học là vũ trụ mang đặc tính nhiều hình thức khác nhau từ Big Bang cho tới không gian và thời gian của những lực năng lượng và vật chất được cấu kết và duyên hợp thành một không gian sống động. Cuối cùng vũ trụ đối với triết học là một vũ trụ siêu hình mang một đức tính qui mô đó là nhân từ, vị tha và cứu độ.

    Thích

  2. “Trái đất, bầu trời, những vì sao và con người không thể có được bằng tiến hoá. Phải có một năng lượng siêu phàm, một trí tuệ siêu việt, một thiết kế vô song của Đấng Sáng tạo; mới tạo dựng nên được một thực tại tuyệt vời này.” Câu này là một câu kết luận mà chính tôi cũng suy nghĩ rất lâu, nhưng giờ mới thấy được có người đồng cảm. Tôi tin đó là một chân lý. Tôi đã có đôi điều bình về sự băn khoăn này trong bài “Chúng ta từ đâu đến?”. Rất cảm ơn tác giả.

    Thích

  3. tôi tin rằng có thượng đế vì ngài là đúng và là sự thoải mái trong tôi
    mọi sự thật và lẽ phải đó là dấu tích còn xót lại mà ngài dành cho mình để mình cảm nhận
    và khi nghiệm về sự bao la vô tận , về đấng vô hình này , thì đầu óc tôi nhức và chịu không nổi ,như có một rào cản giữa sự hiểu biết tuyệt nhiên về đấng siêu hình về vấn đề này…năng lượng của sự hữa hạn đã bị bó buộc .và bị ẩn dấu trọng một lớp khóa đến vô hình , không gian thời gian , sự hiểu biết và năng lượng tồn tại đang bị đóng ấn và khóa bằng một lớp bảo mật không thể mở.. điều chúng ta nhận ra đó là những tàn tích và là những điểm lập trình mà ngài tạo dựng từ trước , sau này đúng trường hợp đó , đúng tình huống như vậy , đúng điều kiện như vậy nó sẽ mở ra và diễn biến không gian như vậy
    thực sự tôi bị khóa…và tôi muốn hỏi ý nghĩ tượng tận của việc này
    tôi chỉ nhận ra được một điều đó là TÌNH YÊU và sao mà phải có như vậy , tình yêu để làm gì thì…? tôi khóc mình là thân cát bụi , khi nghĩ về ngài …..sự cô đơn của một đấng cao vời và bao la..không …nhưng đó là một tình yêu tuyệt vời.. để những tạo hóa , để những thiên thần như chúng ta được biết , được hân hoan với ngài , còn ngài từ đâu đến , sự hiểu biết từ đâu đến. hệ quy chiếu khác không thuộc về thế gian này…. những câu hỏi thì có , nhưng những câu trả lời thì không
    có thể tạm trả lời là… lấy cái hữu hạn đi so cái vô hạn không điều này không thể , và tôi đã nghĩ trùng lặp với một ý trong bài trước khi đọc bài viết này…
    và một câu trả lời nữa là một phần của ngài đã gần nơi đây… phần con lại… dựa vào sự tin tưởng
    và sẽ thấy về dấu hiệu của ngài xuất hiện và tin đó là thật…
    thượng đế đến từ một lần sống ….câu trả lời của riêng bản thân tôi…….

    Thích

  4. Tôi không đồng ý với cư sĩ Minh Đạt về những gì có liên hệ với Phật giáo trong bài viết trên, cụ thể là về thời gian, không gian, linh hồn và Thượng đế. Phật giáo có quan điểm rõ ràng về bốn nhận thức này. Đơn giản là bởi vì trong Phật giáo có triết, mà một hệ thống triết lý thì không thể nào tồn tại nếu nó đã không đứng trên những nền tảng chắc chắn.
    1. Thời gian: Phật giáo có thuật ngữ “tam thế” để nói về thời gian. “Tam thế” là ba thời, là quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian trong Phật giáo là một dòng chảy bất tận, không có thời điểm bắt đầu và cũng không có thời điểm kết thúc (vô thủy vô chung). Chính trong dòng chảy thời gian này mà luật nhân quả trong Phật giáo được thiết lập: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.”
    2. Không gian: Phật giáo có thuật ngữ “thập phương” để nói về không gian. “Thập phương” là Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam, hướng lên và hướng xuống. Nói theo từ ngữ hiện đại thì đó là không gian ba chiều. Không gian trong Phật giáo không có giới hạn (vô cùng vô tận)
    3. Linh hồn và Thượng đế: Chúng ta hãy ngược dòng thời gian, trở về lại xã hội của người dân sống trên tiểu lục địa Ấn Độ hơn 2500 năm trước. Lúc đó, tôn giáo có uy tin, thực lực nhất là Ấn giáo. Ấn giáo là môt tôn giáo đa thần cho rằng mỗi một người đều có hai phần, hồn và xác. “Tiểu ngã” là thuật ngữ được dùng để gọi phần hồn; và “đại ngã” là thuật ngữ được để gọi vị thần chúa tể tối thượng. Cả hai thuật ngữ này đều có chữ “ngã”. Thế nào là “ngã”? Ngã là một danh từ được dùng để gọi cho một cái gì trường tồn bất biến, không thay đổi. Phật giáo phủ nhận sự tồn tại của các vị thần linh toàn năng, phủ nhận luôn sự tồn tại của linh hồn trong tất cả mỗi người. Bài kinh “Vô ngã tướng” là một trong các bài kinh đầu tiên được Đức Phật thuyết giảng. (Vô ngã: Không có ngã, không có linh hồn)

    Thích

  5. Đức Phật không nói gì tới Thượng Đế, nhưng qua bài này Đức Phật lại chỉ ra ngõ, cửa vào để thấy Thượng Đế, tức là vô tình nhìn nhận có Thượng Đế ở bờ bên kia, tôi phải tìm Ngài để tôn thờ.

    Thích

  6. Bạn Nguyễn Giang Thành cũng như đại đa số các tu sĩ Phật Giáo đã lầm ! Đức Phật Thích Ca KHÔNG HỀ CHỐI BỎ Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa hay Đấng Sáng Tạo ra muôn loài chúng sanh. Bằng chứng trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương Bồ Tát, Đức Phật dạy rõ ràng có Thượng Đế, đó là: “Trời Đại Phạm Thiên Vương là CHA của tất cả chúng sanh”. Còn trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật cũng dạy CÓ NGÃ (Linh Hồn Bất Tử) và ĐẠI NGÃ (Thượng Đế Brahman), và gọi Ngã là Thường Lạc Ngã Tịnh, là Phật Tánh, là Như Lai Tạng; còn Đại Ngã (Thượng Đế Brahman) là NHƯ LAI, là Đại Niết Bàn, là Đấng Sáng Tạo ra muôn loài chúng sanh. Còn trong Kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật cũng dạy rõ: Ngũ uẩn là KHÔNG PHẢI NGÃ, CHỚ KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG CÓ NGÃ. (Xem bản dịch Kinh Vô Ngã Tướng của HT Thích Thiện Siêu, và nhiều bản dịch khác cũng dịch là KHÔNG PHẢI NGÃ như bản dịch của Sử Thánh Nhân trong (TueLac.net). Còn trong Kinh Tạp A Hàm bản dịch của TT Thích Đức Thắng cũng dịch là CHẲNG PHẢI NGÃ). Cho nên, từ “Vô Ngã” ở đây có nghĩa là KHÔNG PHẢI NGÃ hay CHẲNG PHẢI NGÃ, CHỚ KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG CÓ NGÃ như bạn Nguyễn Giang Thành và rất nhiều (rất nhiều) tu sĩ Phật giáo đã lầm. Vì thế, xin mời các bạn đọc các bài viết của Trung Hiếu Thuận Thiên đã đăng trên Phây Bút (Facebook) như: CÓ NGÃ và VÔ NGÃ, HIẾU TRỜI KÍNH PHẬT, BỐN MƯƠI LĂM ĐIỀU SAI LẦM CỦA ĐỆ TỬ PHẬT v.v… và nhứt là xin mời các bạn đón đọc bài viết: CÓ THƯỢNG ĐẾ SÁNG TẠO HAY KHÔNG? (CÓ NGÃ hay VÔ NGÃ?) sẽ chứng minh rõ Đức Phật Thích Ca KHÔNG NHỮNG KHÔNG CHỐI BỎ THƯỢNG ĐẾ MÀ CÒN CÔNG NHẬN CÓ THƯỢNG ĐẾ SÁNG TẠO TỐI CAO!!!
    Sau cùng, Trung Hiếu Thuận Thiên xin chân thành cám ơn cư sĩ Minh Đạt đã nhận định rất đúng: “Cái Tuyệt đối thực sự chỉ có thể BIẾT khi mọi tâm trí phân biệt đều được rũ bỏ… Rũ bỏ tâm trí phân biệt, rũ bỏ qua mọi nhà tù: giác quan, hệ thần kinh, não bộ, tư duy, suy nghĩ, cảm xúc, thói quen, tri thức, luân lý, đạo đức, pháp luật, thể chế… mọi vọng gác, mọi hàng rào, mọi tường ngăn, mọi lớp vỏ, mọi lớp chăn phủ… tất cả đều rũ bỏ vậy thì Cái Tuyệt đối, Thượng đế sẽ hiển lộ; khi đó là bờ bên kia, Pāramitā”!!!

    Thích

    • Bản dịch bài kinh Vô Ngã Tướng trong sách “Đức Phật và Phật Pháp”, nói rất rõ rằng không có đại ngã, tiểu ngã chi ráo trọi. Bài kinh này hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của một linh hồn thường hằng. Trong Phật giáo còn có quan điểm về ngũ uẩn. Quan điểm này cho rằng mỗi một con người bình thường là sự kết hợp hài hòa của năm uẩn, sắc thọ tưởng hành thức. Không có cái ngã nào trong một con người cả.

      Thích

      • Đức Phật từng nói những vấn đề này quá rối rắm và đa hướng ngài sử dụng thực tiễn chứ không phải ngài phủ nhận nó hay khẳng định nó mà ngài chỉ cho con người thấy đường giác ngộ, ngài biết nhưng không nói vì những thứ đó không giúp con người giác ngộ được ngôn ngữ không đủ để thuyết giản nó vậy thôi vì thực tại này bất toàn.

        Thích

      • Ngài cũng đã nói ngài không giải thích những vấn đề về huyền học nên tức phật giáo không phủ nhận hay thừa nhận nó, những thứ này chỉ để con người giác ngộ nên không thể lấy kinh pháp của ngài đó làm tư liệu để chứng minh hay phủ nhận một sự thật nào liên quan đến huyền học.
        Về trên tức là phật giáo chỉ quang tâm tới hạnh phúc chứ không đưa câu trả lời phật giáo cũng chia là hai phe là có linh hồn hay không linh hồn nhưng thực sự nó có quan trọng với việc tu không, có hồn tu cũng được mà không hồn tu cũng được :l

        Thích

  7. Có thể chú Minh Đạt chưa đọc qua Kinh Phạm Võng, bài Kinh đầu tiên trong bộ Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya). Trong đó Đức Phật Gautama có nhắc sơ qua về vấn đề mà chú đề cập trong bài viết.

    Thích

  8. Kính chào Qúy vị,
    Tôi có đọc các bài của Quý vị rất bỗ ích cho sự suy nghĩ của tôi.Sau đây vài dòng nếu đúng thì anh PVH cho đăng,ngược lại thì bõ đi rất cám anh PVH.
    Như vẽ 1 vòng tròn(cũa Kurt Godel)trong vòng tròn là từng phần và ngoài nó là toàn phần —-> toàn phần bao trùm từng phần.Cũng vậy trong vòng tròn là tương đối ngoài nó là tuyệt đối..
    Lại nữa,có 2 vòng tròn nhõ nằm trọn trong vòng kia và cắt nhau 2 điễm A,B.Vòng nhõ thứ 1 gọi là CÓ,vòng nhõ thứ hai gọi là KHÔNG,phần chung cũa 2 vòng nhõ đó VỪA CÓ,VỪA KHONG và ngoài 2 vàng tròn nhõ đó là CHẴNG CÓ CHẴNG KHÔNG.Đây gọi là TỨ CÚ trong nhà Phật.—–> LY TỨ CÚ TUYỆT BÁCH PHI.Nghĩa là còn tứ cú là còn trong tương đối,rời tứ cú là tuyệt đối.
    Không có CÚ thứ 5,Chính vì vậy mà Đức Phật IM LẶNG sau khi trã lời 16 câu hõi.
    (…..xem TỨ DUYÊN sinh các PHÁP ….CÁNH VÔ ĐỆ NGŨ DUYÊN)’
    Ngai Bồ Tát LONG THỌ:THẾ GIAN VÀ NIẾT BÀN cùng chung biên giới,biên giới NIẾT BÀN cũng là biên giới cũa THẾ GIAN……
    Trỡ lại vòng tròn cũa Kurt Godel trong vòng tròn là tương đối ngoài vòng tròn là tuyệt đối.Tương đối là BẤT TOÀN.Con người không thễ dung các phương tiện và suy nghĩ đẽ đi tìm TUYỆT ĐỐI.Tuyêt đối là NIẾT BÀN là THƯỢNG ĐẾ….Trân trọng .
    (Thưa Anh PVH Anh xem có được thì đăng cho còn không thì bõ Cám ơn Anh)

    Thích

Bình luận về bài viết này