
Claude Monet had a very beautiful garden, where flowers were colorfully blooming. He dreamt of painting his garden and he painted his dream[1]. Today, Monet’s garden has become one of the most beautiful places in the world. I also have a beautiful garden and I call it “My Monet garden” …
Claude Monet có một khu vườn rất đẹp, trong vườn hoa đua nhau khoe sắc. Ông mơ vẽ khu vườn của mình và ông vẽ giấc mơ ấy. Ngày nay, Vườn Monet đã trở thành một trong những danh lam thắng cảnh bậc nhất thế giới. Tôi cũng có một mảnh vườn rất đẹp và tôi gọi nó là “Vườn Monet của tôi” …
Trước khi lên đường đi định cư ở xứ người, nhà tôi ở trên Tây Hồ, xã Quảng An, Quận Tây Hồ Hà-nội. Căn nhà chỉ rộng khoảng 75m2, nhưng êm đềm, thơ mộng, khó tìm thấy trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Phần nhà 45m2, còn lại là vườn, tiếp giáp với một cái hồ nhỏ thông ra Hồ Tây. Đã 25 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về căn nhà ấy không bao giờ ra khỏi ký ức của tôi. Nó quá đẹp vì mảnh vườn xum xuê hoa lá, cây cối trồng cạnh hồ lớn nhanh như thổi. Cuối vườn có bậc ngũ cấp để đi xuống hồ rửa chân, bới lội, mò cua bắt ốc. Ăn ốc mua ở chợ về không ngon bằng ốc vớt dưới hồ nhà mình. Mùa thu gió thổi nhè nhẹ làm sóng hồ gợn lăn tăn. Từ trong phòng khách, nhìn ra hồ, bạn tôi nói:
- “Kết ốc, hoa biên, độc phụ thư”, cụ Nguyễn Trãi nói thế rồi. Anh có đủ tất cả, còn đi đâu nữa?
Tôi không hiểu, hỏi “thế nghĩa là gì?” Bạn tôi giảng:
- Kết ốc là làm được cái nhà. Hoa biên là sống bên cạnh cây cỏ thiên nhiên hoa lá. Độc phụ thư là đọc sách của cha ông để lại. Đó là hạnh phúc của đời người. Anh có tất cả những thứ đó rồi, còn đi tìm ở đâu nữa?
Bạn tôi đây là anh Trương Tùng, một nhà toán học xuất sắc. Anh không chỉ giỏi Toán, mà còn mê âm nhạc, mê thơ Đường, mê triết học… Anh buồn khi tôi đi định cư, vì anh chỉ có tôi là bạn tri kỷ để chia sẻ. Đó là lời anh nói với tôi.
Những năm sống tha hương tôi mới dần dần vỡ ra để hiểu hết ý nghĩa của những tâm sự của bạn mình. Thói đời cái gì đang có thì coi thường, mất đi mới biết quý. Lúc ấy tôi nhận ra rằng tổ tiên của chúng ta sâu sắc hơn chúng ta. Ở Tây Phương, ngay từ thời cổ đai – khoảng 100 năm trước CN – Cicero cũng nói một câu tương tự:
- Nếu tủ sách của bạn nhìn xuống một mảnh vườn nhỏ, thì bạn còn thiếu gì nữa đâu? (Si apud bibliothecam hortulum habes, nihil deerit)[2].
Nhà ở Úc của tôi không có hồ bên cạnh, thiệt thòi quá. Bù lại là đất rộng nên tha hồ trông cây cối, cả cây hoa quả, rau cỏ lẫn cây hoa. Trong nhà tất nhiên phải có một tủ sách, một thư viện với nhiều sách quý, trong đó có 4 bộ Bách khoa Toàn thư. Ngày nay Bách Khoa Toàn Thư không còn được xuất bản nữa, nên bốn bộ sách này trở thành đồ cổ vô giá. Nếu bán, tôi phải bán ít nhất $10.000 một bộ, theo giá đồ cổ! Nhưng mỗi lần nghĩ đến cái hồ nhỏ ở Tây Hồ, tôi vẫn nhớ, vẫn tiếc đến … đứt ruột. Chính nỗi nhớ ấy càng làm tôi nhớ đến Nguyễn Trãi, đến Cicero …đúng là hoài cảm! Lời bài hát Hoài cảm của Cung Tiến giỏi quá: “Lòng cuồng điên vì nhớ…”. Nỗi nhớ ấy dạy tôi một bài học rằng hiện tại cũng sẽ trở thành một nỗi nhớ trong tương lai, và hãy thưởng thức hiện tại, kẻo sau này lại … tiếc “đứt ruột”.
Tôi lại từ phòng khách, bên cạnh cái Thư Viện của mình, đọc sách của Tổ tiên cha ông, như Kinh Thánh, Kinh Dịch, Quovadis … và của người thời nay, như Cuộc đời của Pi …ngắm nhìn ra vườn, lòng tràn đầy cảm xúc, bật ra những vần thơ sau đây:
Ôi sự sống tưng bừng hoa lá,
Xuân rạo rực, ấm áp tình thương
Tiếng chim lảnh lót yêu đương
Lung linh lấp lánh giọt sương trên cành
Kết ốc, hoa biên, thành hạnh phúc[3]
Đọc sách Thần[4] thiêng, đắc lắm thay,
Đời người như một áng mây
Cuốn theo chiều gió, về đây với Thần!
DJP 08/11/2020
Xin ngắm Vườn Monet của tôi ỏ Tây Hồ và ở Sydney:
[1] Vincent Van Gogh’s quote: “I dream of my painting and I paint my dream”.
[2] “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức Giáo hoàng Giô-an Phao-lô II, Sách của Tòa Giám mục Hà-nội, 1995, Trang 9.
[3] “Kết ốc, hoa biên, độc phụ thư” (Nguyễn Trãi), ý nói: Đời người xây được cái nhà, ngôi bên cây cỏ đọc sách của cha ông để lại, ấy là hạnh phúc.
[4] Mỗi người có một vị THẦN thiêng của mình. Đời người dù trôi nổi đến đâu rồi cũng phải trở về với Thần thiêng của mình. Đó là ý nghĩa cuộc sống. .
Con chào thầy
Theo con, lẽ đời ai cũng phải theo quy luật : sinh ra thì phải lớn lên, đã thành trung niên rồi thì phải tìm hiểu những chân trời tri thức quanh ta, trong đó có tri thức tồn tại, tồn tại có thể là học (và học ở đâu và học cái gì, rồi còn tại sao phải học, học như thế nào… ), ở (và ở ở đâu….), ăn ( và ăn cái gì…)
Rồi khi đã có một độ ổn định nhất định và khi bắt đầu có tuổi thì bắt đầu đặt lại từng câu hỏi cho những dạng tri thức trên. Và lúc này thì lại tự tìm câu trả lời ở chính nơi mình mới là ý nghĩa nhất. Thường những gì ăn sâu vào tiềm thức chính là những gì mình cần tìm. Và quá khứ, quê cũ, những kỷ niệm đã qua,những ý chói lọi của Chúa mặc khải mà con người nhận được qua giác quan thứ 6( hay thông qua trực giác)… Có lẽ khi làm như vậy thì sẽ làm cho tâm hồn mình đầy đặn, cảm xúc an nhiên xâm chiếm cả tâm hồn. Có lẽ vì thế nên các khoa học hiện nay chưa đủ khả năng đưa tâm hồn mình đến bến bờ hạnh phúc mà phải có cái gì đó mà não bộ của con người chưa đủ khả năng nhận ra. Con người có lẽ phải làm như thầy vừa làm mới tiến đến cảm giác hạnh phúc chăng?
Nghe thầy mô tả ngôi nhà cũ của thầy mà thấy nó đẹp, cái đẹp này không phải như cái đẹp của những ngôi nhà hoành tráng do những kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế, hiện đại mà là cái đẹp miên man, thanh khải, và miết từng cơn vào tâm hồn.
Con rất thích cái đẹp đó.
Phải chăng đó mới là nét đẹp biểu hiện của một người có trí tuệ, cảm nhận được vẻ đẹp bình dị,đơn sơ,mộc mạc…mà mình cảm thấy nó còn quý hơn những gì mà con người hiện nay cho là đẹp, là quý như nhà lầu xe hơi.
Có một dạo no, lúc con học lớp 9, phía sau trường học có một người anh nhà rất nghèo, căn nhà tranh đơn sơ nhưng anh ấy có một vườn cây cảnh dạng như bonsai ,toàn là cây bồ đề. Trong khi bạn bè con cho rằng đâu có gì là đẹp nhưng riêng con sao thấy nó đẹp quá. Và con luôn tranh thủ những giờ ra chơi con đến ngắm mải mê.
Đến giờ khi đi đây đi đó, được thấy nhiều cảnh đẹp nhưng với con ngôi nhà tranh đơn sơ với những cây bồ đề ấy mộc mạc ấy con vẫn nhớ mãi không quên. Giờ đây, cái vườn ấy không còn nữa, có muốn quay lại nhưng không thể.
Phải chăng, mất đi, là quy luật của tạo hóa?
Và con đang chờ Chúa mặc khải để biết chấp nhận sự mất đi của một thời quá khứ mà vẫn thấy an nhiên.
Kính chúc thầy an lạc và vui trong cảnh Đạo.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Mặc cho những “bất toàn” trong toán học, những “bất định” trong Vật lý học, những “cong vênh” của không – thời gian, những thăng trầm của “thế, thái, nhân, tình”… cuộc sống vẫn được diễn ra như một PHÉP MÀU.
ThíchThích