Information does not arise from matter. It was the conclusion of the 7th International Conference on the Origins of Life, taking place in Mainz, Germany, on 10-15/07/1983. This was a bad news for naturalism – a doctrine limits itself in a narrow world of materials and only materials…
Thông tin không sinh ra từ vật chất. Đó là kết luận của Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Nguồn gốc Sự Sống, diễn ra tại Mainz, CHLB Đức, ngày 10-15/07/1983. Đây là một tin buồn đối với chủ nghĩa tự nhiên – một học thuyết tự giới hạn mình trong một thế giới chật hẹp của vật chất và chỉ có vật chất…
Tin tức trên đã được công bố trong cuốn sách “In the beginning was information” (Khởi đầu đã có thông tin) của Werner Gitt, do Master Books tái bản lần thứ 4 năm 2017, trang 106. Nguyên văn như sau:
Định lý 28: Không có một định luật tự nhiên nào đã biết, một quá trình nào đã biết, và một chuỗi sự kiện nào đã biết có thể khiến cho thông tin tự nẩy sinh từ vật chất.
Đây cũng là kết luận của “Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Nguồn gốc Sự Sống”, được tổ chức cùng với hội nghị lần thứ 4 của “Hội quốc tế Nghiên cứu Nguồn gốc Sự Sống” tại Mainz, Đức.
Từ hội nghị đó đến nay đã là 37 năm! Đã quá muộn để hôm nay chúng ta mới biết sự thật đó và để thảo luận về nó. Nhưng muộn còn hơn không bao giờ (Better late than never)! Vậy xin nhắc lại để nhấn mạnh:
Thông tin không thể sinh ra từ vật chất!
Đó là một kết luận dứt khoát, đã được Werner Gitt trình bày dưới dạng một định lý – Định lý 28 trong cuốn sách của ông. Đây là một trong những định lý quan trọng nhất của Lý thuyết Thông tin, và là một định lý mang tính chất cách mạng về nhận thức, bởi nó cho thấy chủ nghĩa tự nhiên – tư tưởng nền tảng của Thuyết tiến hóa Darwin – là một chủ nghĩa đầy khiếm khuyết khi cho rằng vũ trụ và sự sống chỉ là một cỗ máy thuần túy vật chất, ngoài vật chất ra không có bất cứ thứ gì khác.
Nói cách khác, kết luận của Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Nguồn gốc Sự Sống tại Mainz năm 1983 đã tự động ủng hộ “Khoa học về sự Sáng Tạo” (Creation science)[1] và “Lý thuyết Thiết kế Thông minh” (Theory of Intelligent Design).
Tuy cách trình bày và diễn đạt có khác nhau, nhưng cả hai lý thuyết trên – Khoa học về sự Sáng Tạo & Lý thuyết Thiết kế thông minh – đều gặp nhau ở tư tưởng cho rằng:
- Vũ trụ và sự sống tuân thủ những định luật / những chương trình / những thiết kế vô cùng kỳ diệu
- Do đó phải có một Đấng Làm Luật vĩ đại đã sáng tạo ra những định luật ấy / một Nhà Lập trình vĩ đại đã viết ra những chương trình ấy / một Nhà Thiết kế vĩ đại đã thiết kế ra những thiết kế ấy.
Cả hai kết luận nói trên đã được tổng kết trong một câu nói bất hủ của St Thomas Aquinas (1225-1274) từ thế kỷ 13:
“Ở bất kỳ nơi nào tồn tại một thiết kế phức tạp, ở đó ắt phải có một nhà thiết kế; tự nhiên rất phức tạp, do đó tự nhiên ắt phải có một nhà thiết kế thông minh”[2]
Thông tin của sự sống, tức mã DNA, là bằng chứng rõ ràng nhất của thiết kế thông minh. Đó là một chương trình hướng dẫn việc kiến tạo và duy trì sự sống, đã được cài đặt vào mọi tổ chức sống. Không có chương trình này, sự sống lập tức sẽ chết. Werner Gitt đã trình bày điều đó bằng những lập luận vô cùng thuyết phục:
Trước hết, Gitt chứng minh thông tin của sự sống là điều kiện thiết yếu để hình thành sự sống.
Tiếp theo, Gitt chỉ ra rằng tương tác vật chất thuần túy không bao giờ đẻ ra thông tin. Thông tin ắt phải xuất phát từ một trí tuệ thông minh.
Sau đó, ông chứng minh rằng thông tin của sự sống là một chương trình được thiết kế hoàn hảo, vượt xa mọi chương trình computer do con người viết ra.
Hơn nữa, thông tin ấy được chứa đựng và xử lý trong một cỗ máy vật chất kỳ diệu, đó là phân tử DNA.
Tóm lại, cả phần cứng lẫn phần mềm của DNA đều chứng tỏ SỰ SỐNG LÀ MỘT PHÉP MẦU!
Phép mầu của sự sống
“Viên gạch” tạo nên mọi bộ phận của sự sống là protein. Cơ thể con người có khoảng 50.000 loại protein khác nhau. Mỗi loại đảm nhiệm một chức năng khác nhau.
Mỗi protein có một hoặc nhiều chuỗi polypeptide – mỗi chuỗi là một tập hợp của hơn 20 loại acid amin kết nối với nhau. Trong tự nhiên có hơn 500 loại acid amin, nhưng sự sống chỉ sử dụng hơn 20 loại, và tất cả những acid amin này đều là acid amin “thuận tay trái”[3] (left-handed).
Các chuỗi polypeptide có thể xoắn cuộn hoặc gấp theo nhiều cách khác nhau để tạo thành các cấu trúc không gian khác nhau của protein. Các cấu trúc không gian này có những tính chất hình học rất đặc biệt, bao gồm cả những tính chất topo[4].
Những tính chất kỳ lạ ấy càng cho thấy sự sống ắt phải là một công trình kiến trúc đã được thiết kế đâu ra đấy. Thứ tự của các acid amin trong chuỗi polypeptide biểu lộ đặc trưng thiết kế của sự sống rõ ràng nhất. Thật vậy:
Các acid amin không kết nối với nhau một cách tùy tiện ngẫu nhiên, mà bắt buộc phải kết nối với nhau theo một THỨ TỰ XÁC ĐỊNH để tạo thành những chuỗi polypeptide đúng với thiết kế của sự sống. Nếu thứ tự bị sai dù chỉ một vị trí, protein sẽ không hoạt động đúng chức năng – protein sẽ hỏng, sự sống sẽ bệnh tật hoặc thậm chí sẽ chết. Gitt viết:
“Các acid amin này phải được lắp ráp một cách rất chính xác đối với mọi protein. Có vô số chuỗi mắt xích khả dĩ chứa 20 loại acid amin nhưng chỉ có một số chuỗi rất đặc biệt mới có ý nghĩa, theo nghĩa là chúng sẽ tạo ra những protein thỏa mãn những chức năng mà sự sống đòi hỏi” (Sách đã dẫn, trang 90).
Vì thế, việc “lắp ráp” kết nối các acid amin đóng một vài trò tối quan trọng đối với sự sống. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể “lắp ráp” đúng?
Về lý thuyết, với 20 loại acid amin, sẽ có 20! cách lắp ráp khác nhau. Nhưng trong mỗi chuỗi polypeptide, một loại acid amin có thể có mặt một hoặc nhiều lần. Vậy, sẽ có hơn 20! cách lắp ráp, tức là hơn 2,5 tỷ tỷ cách lắp ráp!
Do đó xác suất để các acid amin kết nối với nhau một cách ngẫu nhiên mà tạo thành một chuỗi polypeptide đúng như thiết kế mong muốn sẽ là một con số nhỏ đến mức không tưởng – nhỏ đến mức coi như bằng không! Có nghĩa là việc “lắp ráp” sự sống không thể ngẫu nhiên, mà ắt phải tuân thủ những mệnh lệnh chính xác!
Tập hợp những mệnh lệnh hướng dẫn việc lắp ráp protein chính là một bộ phận quan trọng bậc nhất trong thông tin của sự sống. Thông tin này được viết dưới dạng chương trình, giống y như các chương trình computer, nhưng vượt xa bất kỳ một chương trình computer nào do con người đã viết hoặc có thể viết!
Gitt viết:
“Việc xâu chuỗi chính xác các thành phần cơ bản cá biệt là điều cực kỳ quan trọng đối với các tổ chức sống, sao cho các chỉ thị hướng dẫn phải được trình bày dưới dạng ngôn ngữ viết. Điều này đòi hỏi một hệ mã cũng như một cỗ máy cần thiết có thể giải mã và đưa ra các chỉ thị hướng dẫn việc tổng hợp” (Sđd, T.90).
Theo Gitt, thông tin của sự sống phải thỏa mãn những điều kiện tối thiểu sau đây:
Điều kiện 1: Phải có một hệ mã để biên soạn thông tin. Hệ mã này phải đảm bảo nhận dạng chính xác 1 – 1 các acid amin. Tức là một acid amin tương ứng với một và chỉ một mã của nó, sao cho không thể có sự nhầm lẫn giữa các acid amin với nhau và giữa các mã với nhau.
Điều kiện 2: Thông tin hướng dẫn phải có đầy đủ tất cả các đặc trưng của thông tin, cụ thể là phải có: mã (code) + cú pháp (syntax) + ý nghĩa (semantics) + công dụng thực tế (pragmatics) + mục đích rõ ràng (apobetics).
Điều kiện 3: Phải có một cỗ máy vật chất có khả năng lưu trữ mọi thông tin cần thiết trong một không gian nhỏ nhất có thể có.
Kỳ diệu thay, “mã di truyền”, hay còn gọi là “mã DNA”, tức thông tin của sự sống, thỏa mãn tất cả các điều kiện nói trên. Thông tin của sự sống THỰC SỰ là thông tin cao cấp!
Đó là PHÉP MẦU CỦA SỰ SỐNG! Nói cách khác, sự sống chứa đựng một phép mầu, đó là thông tin hướng dẫn sự hình thành và duy trì sự sống. Không có thông tin này, sự sống lập tức sẽ chết! Chết chính là sự hủy thông tin chứa đựng trong các tổ chức sống!
Trước đây y học thường định nghĩa sự chết là tim ngừng đập, hoặc não ngừng hoạt động… Nhưng hiện nay, dưới ánh sáng của khoa học về thông tin của sự sống, định nghĩa hợp lý nhất của sự chết là sự ngừng hoạt động của thông tin của sự sống.
Mọi tổ chức sống đều là những phép mầu. Virus, con kiến, con ong, chiếc lá, bông hoa, con chim trên trời… bạn và tôi, tất cả đều là những phép mầu.
Einstein thật sâu sắc khi nói:
“Có 2 cách để sống: bạn có thể sống như thể chẳng có cái gì là phép mầu cả; hoặc bạn có thể sống như thể mọi thứ đều là một phép mầu”[5].
Ai đã khám phá ra phép mầu thông tin của sự sống?
Nhiều người đã có đóng góp vào việc khám phá đó. Khó có thể gán công lao này cho một người duy nhất. Tất nhiên Francis Crick và James Watson là những người có công lớn vào năm 1953, khi khám phá ra cấu trúc của DNA – phân tử chứa thông tin di truyền của sự sống. Công trình này đã đoạt Giải Nobel về sinh lý học và y khoa năm 1962. Nhưng trước khi có khám phá này, nhiều người đã tiên đoán sự tồn tại tất yếu của một phân tử như thế. Làm sao họ có thể tiên đoán giỏi thế?
Ấy là nhờ các Định luật Mendel về Di truyền, được khám phá từ năm 1865 bởi Gregor Mendel (1822 – 1884), một thầy tu Công giáo người Hà Lan, Cha đẻ của Di truyền học hiện đại. Mendel chưa có khái niệm về thông tin, nhưng những định luật chính xác do ông nêu lên đã chỉ ra rằng ắt phải có những “cơ chế vật chất” chịu trách nhiệm di truyền những đặc tính của sinh vật.
Cơ chế vật chất ấy chính là DNA!
DNA, cả phần cứng (phân tử DNA) lẫn phần mềm (thông tin chứa đựng trong DNA), là PHÉP MẦU rõ rệt nhất của sự sống!
Phép mầu này lớn đến nỗi làm cho Anthony Flew, một nhà triết học vô thần nổi tiếng luôn biện hộ cho Thuyết tiến hóa, phải thay đổi lập trường 180 độ để thốt lên rằng ắt phải có Nhà Thiết kế Thông minh! Còn Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Giải mã Bộ Gene Người, đã gọi thông tin của sự sống là “Ngôn ngữ của Chúa”.
Có 2 lý do để thấy cách gọi tên của Collins là hợp lý:
- Một, khoa học không thể chỉ ra nguồn mã DNA. Bạn buộc phải thừa nhận có một nguồn trí tuệ thông minh siêu việt đã tạo ra mã đó. Nguồn ấy là Chúa!
- Hai, thông tin của sự sống là một ngôn ngữ hoàn hảo và tối ưu.
Lý do thứ 2 đã được Werner Gitt chứng minh. Chẳng hạn: Mã di truyền đảm bảo nhận dạng chính xác 20 loại acid amin của sự sống theo quan hệ tương ứng 1 – 1 như trong bảng sau đây:
Nếu ngôn ngữ cơ bản của computer có 2 chữ cái (hệ nhị phân) [1, 0] thì ngôn ngữ của sự sống có 4 chữ cái [A, T, C, G] (trong DNA) hoặc [A, U, C, G] (trong RNA). Nói cách khác, ngôn ngữ của sự sống là một hệ tứ phân.
Mỗi “triplet” (tổ hợp lặp chập 3) của 4 chữ cái [A, U, C, G] như ta thấy trong bảng liệt kê các acid amin của sự sống ở trên là một “tín hiệu” xác định vị trí của acid amin trong chuỗi polypeptide. Để hiểu rõ vấn đề này, xin đọc cuốn “Tiên đề Thứ tự – Không Thời gian Sinh học” của Vũ Hữu Như, do NXB Đại học Quốc gia Hà-nội xuất bản năm 2014.
Với các “triplet” đó, các acid amin được lắp ráp đúng vị trí, giống như việc lắp ráp máy móc của con người ngày nay, tất cả đều được tự động hóa. Chương trình tự động hóa ấy chính là những thông tin xuất phát từ trí tuệ thông minh của con người. Vậy chương trình tự động lắp ráp các acid amin thành protein cũng phải xuất phát từ một nguồn trí tuệ thông minh vĩ đại!
Nguồn trí tuệ thông minh ấy là gì, nếu không phải là Nhà Lập trình vĩ đại mà chúng ta không nhìn thấy. Điều này dễ hiểu đến mức trẻ con cũng hiểu, nhưng lại trở thành khó hiểu đối với những nhà khoa học tôn thờ chủ nghĩa tự nhiên. Thật trớ trêu!
Gitt kết luận:
“Từ quan điểm công nghệ, hệ mã sử dụng cho các thực thể sống là tối ưu. Sự thật này củng cố lập luận cho rằng thông tin của sự sống là một thiết kế có mục đích thay vì một sự tình cờ ngẫu nhiên” (Sđd, T.96).
Nhưng hệ mã ấy từ đâu mà ra? “Mẹ Tự Nhiên” (The Mother Nature) chất vấn con cái của Mẹ.
Một người trung thực không thể né tránh câu hỏi đó. Werner Gitt viết:
“Câu hỏi được tất cả chúng ta quan tâm – “Sự sống đã khởi đầu như thế nào?” – gắn liền với câu hỏi “Thông tin từ đâu mà ra?”. Kể từ khám phá năm 1953 của Francis Crick và James Watson, các nhà nghiên cứu đương đại ngày càng nhận thấy thông tin cư ngụ trong tế bào đóng vai trò cốt lõi đối với sự tồn tại của sự sống. Bất kỳ ai muốn nói một điều gì có ý nghĩa về nguồn gốc sự sống bắt buộc phải giải thích được thông tin đã khởi đầu như thế nào. Từ trong nền tảng, mọi quan điểm về tiến hóa đều không thể trả lời được câu hỏi cốt lõi này” (Sđd, T.99).
Bản thân Werner Gitt, với tư cách là một Giáo sư Tiến sĩ về khoa học và công nghệ thông tin, nguyên Viện trưởng Viện vật lý và công nghệ CHLB Đức, trả lời:
“Rõ ràng là sự hiện diện của thông tin trong các tổ chức sống đòi hỏi một nguồn trí tuệ thông minh. Con người không thể là nguồn này, vậy khả năng còn lại duy nhất là ắt phải có một Đấng Sáng tạo” (Sđd, T.98)
Kết luận ấy dựa trên các định lý sau đây:
Định lý 25: Thông tin sinh học không phải là một dạng ngoại lệ của thông tin. Nó chỉ khác với những hệ thông tin khác ở chỗ nó có mật độ tích lũy vô cùng lớn và rõ ràng là nó sử dụng những khái niệm cực kỳ tài tình.
Định lý 26: Thông tin hiện diện trong các tổ chức sống ắt phải có một nguồn trí tuệ.
Định lý 27: Bất kỳ mô hình nào về nguồn gốc sự sống (và nguồn gốc của thông tin) mà chỉ dựa trên các quá trình vật lý và/hoặc hóa học thuần túy đều sai lầm một cách cố hữu.
Những định lý này làm cho các nhà sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên – tức các nhà tiến hóa – lâm vào bế tắc. Nói cách khác, thông tin sinh học là một thực tế đẩy chủ nghĩa tự nhiên tới “bước đường cùng”.
Thông tin sinh học thách thức chủ nghĩa tự nhiên
Nhiều nhà lịch sử khoa học cho rằng Jean Baptiste Lamarck (1744 – 1829) mới thực sự là cha đẻ của Thuyết tiến hóa, chứ không phải Darwin[6]. Dù nhận định này đúng hay sai thì có một thực tế không thể chối cãi là Darwin đã vay mượn rất nhiều quan điểm của Lamarck. Đặc biệt trong cái nhìn về bản chất sự sống thì hai ông là một – cả hai đều coi sự sống về bản chất chỉ là một cỗ máy vật chất thuần túy, hoạt động theo những nguyên tắc của vật lý và hóa học. Thật vậy, trong cuốn “Nguyên lý Động vật học”, Lamarck khẳng định:
“Sự sống chẳng là cái gì khác một hiện tượng vật lý. Mọi khía cạnh của sự sống đều khởi nguồn trong các quá trình cơ học, vật lý và hóa học, những quá trình này dựa trên các tính chất của bản thân vật chất hữu cơ”[7].
Bất chấp những khám phá về thông tin của sự sống, các nhà sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên vẫn không chịu từ bỏ quan điểm của Lamarck. Chẳng hạn:
Reuben William Kaplan, một nhà vi sinh học người Đức, viết: “Nguồn gốc của sự sống có thể được giải thích theo các giả thuyết mô tả đầy đủ chuỗi sự kiện kể từ nguồn gốc của “protobiont” (tiền thân của tế bào nhân sơ), và thực tế là tất cả những sự kiện này có thể được suy ra từ các định luật vật lý, hóa học và các định luật khác có giá trị đối với các hệ thống vật chất” (Sđd, T.99).
Manfred Eigen, Giáo sư Đại học Göttingen, một nhà sinh học từng đoạt Giải Nobel hóa học năm 1967, khẳng định “Thông tin nẩy sinh từ cái không phải là thông tin” (Information arises from non-information), nhưng ông không làm sao chứng minh được nhận định của mình. Điều này chỉ nói lên sự cùng quẫn đến mức nói liều, nói bừa, nói vô căn cứ, như Gitt đã nhận xét: “Phát biểu này chẳng là cái gì khác một sự thú nhận của chủ nghĩa duy vật, và lời nói ấy thất bại trong việc kiểm tra mà thực tiễn đòi hỏi” (Sđd, T.100)
Franz Manfred Wuketits, một nhà sinh học tiến hóa người Áo, tác giả cuốn “Evolutionary Epistemology and Its Implications for Humankind” (Nhận thức luận tiến hóa và ý nghĩa của nó đối với loài người), còn đưa ra những quan điểm lạ lùng và kỳ quặc hơn nữa. Cụ thể, ông nêu lên cái gọi là “Khoa học mang tính lý thuyết về tiến hóa” (Evolutionary theoretical science), và tự quảng cáo đây là một lý thuyết “khởi đầu cho một cuộc cách mạng Copernic mới” (!!!). Cái “mới” ở đây là coi những quan điểm của Thuyết tiến hóa như một “hệ tiên đề”, rồi từ “hệ tiên đề” ấy mà phán xét sự sống (!!!), bất chấp “hệ tiên đề” ấy có được mọi người chấp nhận hay không. Nói cách khác, Wuketits áp dụng phương pháp tiên đề vào sinh học, coi các luận điểm của Thuyết tiến hóa là những sự thật hiển nhiên đúng mà không cần phải chứng minh (!!!). Tức là ông đi ngược lại phương pháp truyền thống – phương pháp quy nạp dựa trên những sự thật được mọi người thừa nhận để từ đó khái quát hóa thành những định luật. Gitt nhận xét về điều này như sau:
“Cho tới hiện nay, những kết luận lớn của khoa học đều được rút ra từ những quan sát, đo đạc, cân đong, như đã được làm gương bởi Copernicus, Galilei, Newton, Einstein, Born, Planck. Nhưng trong hệ thống lý thuyết của mình, Wuketits đã đi theo chiều ngược lại: Xuất phát điểm của ông ta là giả định rằng thuyết tiến hóa là đúng, để sao cho mọi hiện tượng tự nhiên phải được diễn dịch thông qua những giả định này” (Sđd, T.100).
Đúng là kỳ quái! Điều này càng chứng tỏ rằng Thuyết tiến hóa đã trở thành một “tôn giáo” đối với nhiều nhà khoa học, trong đó có Wuketits.
Hiện tượng một số nhà khoa học lợi dụng uy tín của mình để rao giảng và truyền bá “đức tin” về tiến hóa đã trở thành một điều chướng mắt đến nỗi Hubert P. Jockey, một nhà thông tin sinh học nổi tiếng người Mỹ, đã phải lên tiếng trên Tạp chí Sinh học Lý thuyết (Journal of Theoretical Biology) rằng:
“Vì khoa học không có lấy một ý tưởng nào dù chỉ mờ nhạt nhất về vấn đề sự sống trên trái đất đã nẩy sinh như thế nào… nên sẽ là thành thật khi thú nhận điều này với các nhà khoa học khác, với các nhà tài trợ và công chúng nói chung. Các nhà khoa học nổi tiếng – những người đang nói năng với quyền thế của mình – nên kiềm chế đừng làm cho sinh viên và các nhà khoa học trẻ giàu tiềm năng bị phân tâm loãng trí vì những tuyên bố chỉ dựa trên niềm tin của mình”[8].
Ngay cả nhà triết học nổi tiếng như Karl Popper, một người vốn ủng hộ Thuyết Tiến hóa, cũng phải thú nhận rằng: “Thuyết tiến hóa không phải là một sự thật. Thuyết tiến hóa thậm chí không đủ tiêu chuẩn là một lý thuyết hoặc một giả thuyết. Nó là một chương trình nghiên cứu siêu hình, và không phải là một khoa học có thể kiểm chứng thực sự được”[9].
Ấy thế mà vẫn có những nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên cố gắng đưa ra những “mô hình lý thuyết” để chứng minh rằng thông tin có thể nẩy sinh từ vật chất (!!!).
Chẳng hạn mô hình “Cumulative selection” (Chọn lọc tích lũy) của Richard Dawkins, GS Đại học Oxford, nhà biện hộ #1 của Thuyết tiến hóa hiện nay.
Tư tưởng cơ bản của Dawkins là ở chỗ cho rằng thông tin có thể xem như một THỨ TỰ XÁC ĐỊNH của một tập hợp vật chất, do đó, cứ cho con khỉ gõ computer với THỜI GIAN vô hạn, nhờ “tích lũy” các MAY MẮN, một lúc nào đó con khỉ sẽ gõ ra được một thông tin có ý nghĩa… Video sau đây là bằng chứng cho quan điểm của Dawkins:
Xin chép lại lời Dawkins trong video: “…Giống như tung một con súc sắc 1000 lần mà lần nào cũng được mặt 6 chấm, không thể có chuyện đó. NHƯNG nếu bạn cho phép một chút may mắn trong một thế hệ, và một chút may mắn trong thế hệ kế tiếp, và một chút may mắn trong thế hệ kế tiếp nữa, cộng dồn sự may mắn này, từng bước từng bước một, từ bất kỳ mức độ đơn giản nào bạn cũng sẽ nhận được tính phức tạp ở bất kỳ mức độ nào. Tất cả những gì bạn cần là THỜI GIAN đủ dài. Vậy điều đó ở đâu ra? Nó ra từ một quá trình tiến hóa gia tăng dần dần, nhờ chọn lọc tự nhiên”.
Có 2 lý do để bác bỏ lập luận của Dawkins:
1 – Một, theo toán học xác suất, mọi sự cố có xác suất nhỏ hơn (1/10)^50 (xác suất Borel) đều không thể xảy ra. Xác suất để sự sống hình thành ngẫu nhiên bằng (1/10)^40000, quá nhỏ so với xác suất Borel. Vậy sự cố Dawkins mong muốn không thể xảy ra[10].
2 – Mô hình của Dawkins là tưởng tượng 100%, không thể kiểm chứng trên thực tế.
Xin nói thêm một chút về Dawkins: Tuy ông là Giáo sư Đại học Oxford, nhưng dường như ông không có hiểu biết sâu sắc về toán học xác suất, và thậm chí ông có đủ kiến thức về thông tin di truyền. Thật vậy, có lần Dawkins bị đề nghị đưa ra một dẫn chứng cụ thể cho thấy một biến dị có thể làm tăng thông tin, ông đã im lặng rất lâu. Đơn giản vì ông bí, không trả lời được. Khi trả lời thì nói quanh co, như trong video sau đây:
Xin nhớ, Dawkins hiện là nhà biện hộ số 1 của Thuyết tiến hóa. Nhiều nhà tiến hóa khác cũng có tư duy tương tự như Dawkins, kể cả một số nhà sinh học đoạt Giải Nobel. Điển hình như George Wald, Giáo sư Đại học Harvard, từng đoạt Giải Nobel năm 1967. George Wald có quan điểm rất giống Dawkins khi cho rằng “Time itself performs miracles!” (Thời gian tự nó sẽ trình bày các phép lạ!)[11].
Ngoài mô hình của Dawkins, còn có một số mô hình khác cũng đang cố gắng chứng minh thông tin có thể bắt nguồn từ vật chất, chẳng hạn mô hình “Thuật toán Di truyền” (Genetic Algorithms) … Nhưng tất cả vẫn chỉ là những giả thuyết mơ hồ, cho dù được áp dụng toán học hoặc mô phỏng trên computer.
“Nhưng cho đến nay, không ai đưa ra được bất kỳ một cái gì tốt hơn những mô hình thuần túy tưởng tượng. Vẫn chưa có bằng chứng thực nghiệm nào chỉ ra cách làm thế nào để thông tin có thể phát sinh từ trong vật chất, và theo Định lý 11, điều này sẽ không bao giờ xảy ra” (Sđd, T.102-103)
Xin nhắc lại Định lý 11: Một hệ mã luôn luôn là kết quả của một quá trình thuộc về tinh thần (nó đòi hỏi một nguồn gốc trí tuệ thông minh).
Đó là lý do để Hội nghị Quốc tế Lần thứ 7 về Nguồn gốc Sự Sống ở Mainz, CHLB Đức, ngày 10-15/-7/1983 đã khẳng định thông tin không thể nẩy sinh từ vật chất!
Từ đó đến nay đã 37 năm, các nhà sinh học tiến hóa theo chủ nghĩa tự nhiên đã nỗ lực hết sức mình nhằm chứng minh điều ngược lại. Nhưng họ đã THẤT BẠI, THẤT BẠI, và THẤT BẠI!
Cái gì đã làm cho chủ nghĩa tự nhiên thất bại?
Câu trả lời: THÔNG TIN! Cụ thể hơn: Thông sinh học!
Để tránh khỏi thất bại, phải thay đổi cách nhận thức về bản chất sự sống:
- Sự sống không thể ngẫu nhiên hình thành từ vật chất không sống, mà ắt phải có thông tin điều khiển!
- Thông tin của sự sống ắt phải bắt nguồn từ một Trí tuệ Siêu việt!
Nếu không chấp nhận cách nhận thức nói trên, sinh học sẽ tiếp tục thất bại, như tờ The Guardian ở Anh ngày 26/01/2020 đã viết: “Nếu sinh học được định nghĩa như một khoa học nghiên cứu sự sống, thì nó là một khoa học thất bại”[12].
Quả thật, sự khám phá ra thông tin sinh học đã đẩy sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên đi tới bế tắc!
Bế tắc của sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên
Đó là một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi được. Hãy nghe các nhà khoa học hàng đầu nói về điều này:
● Paul Davies, nhà vật lý nổi tiếng người Anh, Giáo sư Đại học Arizona, nói:
“Hiện nay chúng ta biết rằng bí mật của sự sống không nằm ở các thành phần hóa học, mà nằm ở cấu trúc logic và sự sắp xếp tổ chức của các phân tử. Giống như một siêu máy tính, sự sống là một hệ thống xử lý thông tin. Chính phần mềm của tế bào sống mới là bí ẩn thực sự chứ không phải phần cứng. Nhưng nó đến từ đâu?… Làm thế nào mà các nguyên tử ngu ngốc tự viết phần mềm của chúng? … Không ai biết…”[13].
Rồi ông còn nói rõ hơn:
“Không ai biết làm thế nào một hỗn hợp của các chất hóa học vô sinh tự tổ chức một cách tự phát thành tế bào sống đầu tiên”[14].
Với người theo Lý thuyết Thiết kế Thông minh, câu nói trên là ngớ ngẩn, vì một người thông minh thực sự phải nhận ra rằng “mã DNA” đã đẩy sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên tới GIỚI HẠN – tới đường cùng. Vậy đừng nên nghi vấn nữa, mà nên trung thực thừa nhận rằng có một Nguồn Trí tuệ Thông minh Siêu việt đã cài đặt thông tin sinh học vào Sự sống Đầu tiên, rồi từ đó truyền cho con cháu theo con đường di truyền mà Gregor Mendel đã khám phá!
● Bài báo “Debunking Evolution” (Bóc trần Thuyết tiến hóa)[15], viết:
“Sẽ mất bao lâu để các lực tự nhiên có thể tự nó bắt vít vào lỗ trên gỗ? Không bao giờ cả! Các lực tự nhiên không đủ để thực hiện việc đó. Sẽ còn khó khăn gấp bội để các chất hóa học tự tổ chức thành một cỗ máy sinh học mà không cần một tế bào sống được hướng dẫn bởi một mã như DNA…”.
Có nghĩa là một tập hợp vật chất không thể tự nó hoạt động có tổ chức được. Để trở thành một hệ thống có tổ chức, ắt phải có thông tin hướng dẫn, và thông tin này ắt phải đến từ một nguồn bên ngoài hệ thống vật chất đó.
● Michael Denton, Tiến sĩ sinh học phân tử, tác giả cuốn “Evolution: A Theory in Crisis” (Thuyết tiến hóa: Một lý thuyết đang khủng hoảng), nói:
“Một tế bào đơn giản nhất cũng phức tạp đến nỗi chúng ta không thể nào chấp nhận quan điểm cho rằng sự sống có thể hình thành đột ngột bởi một sự kiện kỳ dị không thể tưởng tượng nổi. Sự xuất hiện của sự sống như vậy chẳng khác gì một phép lạ”[16]
● Francis Crick, một trong 2 người khám phá ra cấu trúc của DNA, viết:
“Một người trung thực, được vũ trang mọi kiến thức mà ngày nay chúng ta biết, chỉ có thể phát biểu rằng theo một nghĩa nào đó, vấn đề nguồn gốc sự sống vào thời điểm hiện nay hầu như là một phép mầu, có quá nhiều điều kiện phải được thỏa mãn để sự sống xảy ra… Mỗi khi tôi viết một công trình về nguồn gốc sự sống, tôi thề rằng tôi sẽ không bao giờ viết một điều gì khác, vì có quá nhiều điều phỏng đoán chạy theo quá ít sự kiện thực tế”[17].
● Richard Dickerson, viết trong bài báo “Chemical evolution and the origin of life” (Tiến hóa hóa học và nguồn gốc sự sống) trên tạp chí Scientific American số Tháng 09/1978, trang 70:
“Sự phát triển của bộ máy di truyền là bước đi không có mô hình thí nghiệm nào dành cho nó: do đó người ta có thể suy đoán bất tận mà không bị làm phiền bởi những sự kiện thực tế không phù hợp”[18].
● Sir Fred Hoyle, nhà thiên văn học nổi tiếng người Anh, nói về những thí nghiệm muốn chứng minh sự sống ra đời ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh:
“Nếu có một nguyên lý sâu sắc nào đó thúc đẩy các hệ thống hữu cơ hướng tới các hệ thống sống, thì hoạt động của nguyên lý này sẽ dễ dàng được chứng minh trong một ống nghiệm trong nửa buổi sáng. Không cần phải nói, không hề có một chứng minh nào như thế cả. Chẳng có gì xảy ra khi các vật liệu hữu cơ được kích thích bởi một chùm tia lửa điện hoặc được nhúng trong tia cực tím, trừ việc là cuối cùng nó thải ra những chất bùn”[19].
KẾT LUẬN
Thay cho lời kết, xin nhắc lại một số quan điểm quan trọng nhất của Lý thuyết Thông tin, thông qua cuốn sách của Werner Gitt[20]:
● Một mã luôn luôn là kết quả của một quá trình tư duy ý thức. Nói cách khác, thông tin đòi hỏi một nguồn trí tuệ thông minh hoặc một nhà phát minh.
● Cần phải nhấn mạnh rằng vật chất không thể sản sinh ra bất kỳ một mã nào cả
● Không có một định luật tự nhiên nào, một quá trình vật chất nào, một chuỗi sự kiện vật chất nào cho thấy thông tin nẩy sinh từ vật chất. Đây là một định luật cơ bản của khoa học thông tin (Định lý 28), đã được thừa nhận trong Hội nghị Quốc tế Lần thứ 7 về Nguồn gốc Sự Sống, diễn ra tại Mainz, CHLB Đức từ ngày 10 đến 15/07/1983.
● Thông tin không thể tồn tại nếu không có một nguồn trí tuệ đầu tiên. Nghĩa là, thông tin về bản chất là một thực tại thuộc về tinh thần chứ không phải vật chất.
Tất cả những kết luận nói trên đều đúng với thông tin sinh học, do đó sinh học theo chủ nghĩa tự nhiên sẽ vĩnh viễn bất lực trước câu hỏi về nguồn gốc thông tin của sự sống.
Tuy nhiên, có những bộ óc thiên tài với TRỰC GIÁC SIÊU VIỆT không cần đợi đến thời đại thông tin mà đã nhìn thấy trước sự thất bại tất yếu của nền sinh học bám chặt lấy chủ nghĩa tự nhiên. Người đầu tiên phải nhắc đến là:
Kelvin là một trong 2 nhà khoa học có công lớn nhất trong việc khám phá ra Định luật 2 của Nhiệt động lực học, tức Định luật Entropy. Ông là một trong số những nhà khoa học lớn nhất thế giới trong nửa sau thế kỷ 19. Ông không chỉ là một nhà vật lý khổng lồ, mà là một nhà bách khoa – ông quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, đặc biệt là khoa học về sự sống. Ông phủ định hoàn toàn tư tưởng về nguồn gốc sự sống của học thuyết Darwin. Đây, ông nói:
“Tôi cần phải nói công khai rằng sự khởi đầu và sự duy trì sự sống trên trái đất hoàn toàn vượt quá phạm vi của mọi phỏng đoán hợp lý trong khoa học động lực. Đóng góp duy nhất của khoa học động lực cho sinh học lý thuyết là sự phủ định tuyệt đối về sự khởi đầu tự động hoặc sự duy trì tự động của sự sống”[21].
Mặc dù chưa hề có khái niệm về thông tin của sự sống, nhưng Kelvin cảm thấy có một cái gì đó “vượt quá vật chất” mà nó đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra và duy trì sự sống. Do đó các khoa học vật chất không thể khám phá ra cái “vượt quá vật chất” ấy – cái mà ông gọi là “nguyên lý về sự sống”! Nguyên văn ông nói:
“Tôi tin rằng một lần nữa các nhà sinh học hiện đại đang đi tới một sự chấp nhận chắc chắn về một cái gì đó vượt quá ngay cả lực hấp dẫn, lực hóa học và các lực vật lý; và rằng cái không biết ấy là một nguyên lý về sự sống”[22].
Ngày nay chúng ta thấy rõ “nguyên lý về sự sống” ấy chính nguyên lý về thông tin của sự sống: Thông tin của sự sống là yếu tố quyết định để phân biệt sự sống với cái không sống – thông tin của sự sống là những mệnh lệnh tổ chức buộc vật chất thực hiện để tạo ra sự sống. Mọi tương tác vật lý và các phản ứng hóa học trong sự sống chỉ xảy ra khi có thông tin hướng dẫn. Nếu vì lý do gì mà thông tin mất, sự sống sẽ lập tức biến mất!
Thế mới biết TRỰC GIÁC của Lord Kelvin là thiên tài!!! Đó mới là ánh sáng dẫn đường để khám phá ra chân lý.
Người thứ hai phải nhắc đến là Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn nổi tiếng.
Không chỉ Định lý Bất toàn tự động bác bỏ lý thuyết về nguồn gốc sự sống của Thuyết tiến hóa[23], mà chính Gödel cũng công khai bác bỏ Học thuyết Darwin. Ông nói:
“Tôi không tin bộ não hình thành theo kiểu cách của Darwin[24]. Thực ra, có thể chứng minh kiểu cách ấy là sai. Cơ chế đơn giản không thể tạo ra bộ não”[25].
Gödel cũng cảm thấy sự sống, ngoài những lực vật lý và hóa học, còn bị tác động bởi một thứ mà khoa học vật chất không hề biết, đó là cái mà ông mô tả như là một lực sống – một yếu tố mang tính chất gốc gác nguyên thủy của sự sống. Nguyên văn ông nói:
“Lực sống là một yếu tố gốc gác nguyên thủy của vũ trụ và nó tuân thủ những định luật tác động xác định. Những định luật này không đơn giản, và chúng không mang tính cơ học”[26]
Có thể còn quá sớm để biết “lực sống” là gì, nó có tồn tại thực sự hay không. Nhưng trực giác thiên tài của Gödel đã mách bảo ông rằng có một cái gì đó của sự sống nằm ngoài những nguyên lý vật chất thuần túy.
Thật đáng tiếc là các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên dường như không hay biết gì về tư tưởng thâm thúy của Kelvin và Gödel…
Một nhà tư tưởng lỗi lạc khác cũng đáng để chúng ta suy ngẫm, đó là Louis Pasteur.
Pasteur có quá nhiều khám phá quan trọng, vì thế người đời thường hay quên 2 định luật cơ bản của tự nhiên do ông khám phá. Và lạ thay, cả 2 định luật này đều chứng minh rằng Thuyết tiến hóa sai, hoặc đẩy Thuyết tiến hóa tới bế tắc. Có lẽ vì thế nên các nhà tiến hóa không muốn để mọi người biết 2 định luật này.
Định luật Tạo sinh (The Law of Biogenesis) tuyên bố:
Sự sống chỉ ra đời từ sự sống!
Có nghĩa là sự sống KHÔNG BAO GIỜ nẩy sinh từ vật chất không sống. Đây chính là lý do đầu tiên trong 9 lý do để tạp chí New Scientist ngày 24/01/2009 tuyên bố ngay trên trang bìa: “DARWIN WAS WRONG” (DARWIN SAI!).
Dưới ánh sáng của khoa học về thông tin, chúng ta thấy Pasteur tuyệt đối đúng:
Mọi sự sống đều hình thành theo đúng thứ tự đã được lập trình trong thông tin di truyền do cha mẹ truyền cho con cái. Nếu không có thông tin di truyền, sự sống sẽ lập tức ngừng hoạt động. Đó là sự chết!
Ý tưởng tìm một sự sống hình thành ngẫu nhiên từ vật chất chết là một ý nghĩ điên rồ, thể hiện sự thiếu hiểu biết về lý thuyết thông tin! Trong thế kỷ 19 mà ngộ nhận như thế thì có thể thông cảm được. Trong thế kỷ 21 hiện nay mà còn đeo bám ý nghĩ đó thì quả thật là…. dại dột!
Định luật Pasteur về tính bất đối xứng của sự sống (The Law of Life Asymmetry) cũng gợi ý rằng có thể có một mệnh lệnh đặc biệt nào đó trong thông tin sinh học chỉ thị cho sự sống chỉ tiếp nhận acid amin “thuận tay trái” (left-handed) để xây dựng nên proteins và chỉ tiếp nhận các nucleotide “thuận tay phải” (right-handed) để tạo dựng nên DNA[27].
Vấn đề bất đối xứng vốn đã là một nan đề thách thức các nhà tiến hóa từ lâu, vì họ hoàn toàn bất lực trong việc giải thích nguyên nhân của tính bất đối xứng đó. Nếu không giải thích được tại sao sự sống bất đối xứng thì làm sao giải thích được bản chất sự sống? Rõ ràng là Thuyết tiến hóa bế tắc. Nhưng tiếc thay, nhiều người không biết sự thật này trong khi vẫn một lòng một dạ tin vào Thuyết tiến hóa.
Tóm lại, cả 2 định luật của Pasteur đều tự động bác bỏ Thuyết tiến hóa. Cả 2 định luật này đều nói lên rằng sự sống bị chi phối bởi cái gì đó “vượt quá vật chất” – vượt quá các lực vật lý và hóa học – đúng như trực giác của Kelvin và Gödel mách bảo.
Ngày nay chúng ta biết rõ “cái vượt quá vật chất” ấy chính là THÔNG TIN!
Chính xác hơn, đó là THÔNG TIN CỦA SỰ SỐNG!
DJP, Sydney 28/07/2020
[1] Thuật ngữ “Creation science” đã được sử dụng chính thức như: Wikipedia > Creation Science https://en.wikipedia.org/wiki/Creation_science / Wikipedia > Theological argument / Stanford Encyclopedia
[2] Wikipedia > Theological argument > Creation science and Intelligent Design > Wherever complex design exists, there must be have been a designer; nature is complex; therefore nature must have had an intelligent designer https://en.wikipedia.org/wiki/Teleological_argument
[3] Khái niệm “thuận trái” nằm trong đặc trưng bất đối xứng của sự sống, đã trình bày trong cuốn “Định lý Gödel: Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2019, trang 254-272.
[4] Xem “Genetic Topological Space / Không gian topo di truyền học” của Vũ Hữu Như https://viethungpham.com/2019/09/08/genetic-topological-space-khong-gian-topo-di-truyen-hoc/
[5] There are two ways to live: you can live as if nothing is a miracle; you can live as if everything is a miracle https://www.brainyquote.com/quotes/albert_einstein_390808
[6] Xem: “Lamarck, the Founder of Evolution: His Life and Work”, by Alpheus S. Packard https://www.questia.com/library/91467995/lamarck-the-founder-of-evolution-his-life-and-work
[7] Philosophie zoologique, Paris, 1809, Vol.1. Dẫn theo sách của Werner Gitt, trang 99.
[8] “Self Organisation, Origin of Life Scenarios and Information Theory”, Journal Theoretical Biology, Vol 91 (1981), p. 13-31, dẫn theo sách của Werner Gitt trang 101.
[9] Evolution is not a fact. Evolution doesn’t even qualify as a theory or as a hypothesis. It is a metaphysical research program, and it is not really testable science. https://quotefancy.com/quote/1370626/Karl-Popper-Evolution-is-not-a-fact-Evolution-doesn-t-even-qualify-as-a-theory-or-as-a
[10] Xem “Định lý Gödel: Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, PVHg, NXB Tri Thức, 2019, trang 273.
[11] https://viethungpham.com/2016/07/10/time-itself-performs-miracles-thoi-gian-tu-no-se-trinh-bay-cac-phep-la/
[12] Xem “Life: A Miracle! Sự sống: Một Phép Mầu!” https://viethungpham.com/2020/07/22/life-a-miracle-su-song-mot-phep-mau/#more-8245
[13] [Davies, P., Life force, New Scientist 163(2204):27–30, 18 September 1999. Kyk The creation information argument—how does it stand up to the charge of circular reasoning, and more?] https://www.glodiebybel.co.za/aanhalings-informasie-waarskynlikheid-oorsprong-van-lewe/
[14] [Uit Perry questions evolution, Australian Centre for Astrobiology, Macquarie University, Sydney, New Scientist 179:32, 12 July 2003.] https://www.glodiebybel.co.za/aanhalings-informasie-waarskynlikheid-oorsprong-van-lewe/
[15] Debunking Evolution, Scientific evidence against evolution – the clash between theory and reality http://www.newgeology.us/presentation32.html
[16] Dịch ý từ câu: The complexity of the simplest known type of cell is so great that it is impossible to accept that such an object could have been thrown together suddenly by some kind of freakish, vastly improbable, event. Such an occurrence would be indistinguishable from a miracle. https://www.goodreads.com/quotes/tag/origin-of-life
[17] https://www.glodiebybel.co.za/aanhalings-informasie-waarskynlikheid-oorsprong-van-lewe/
[18] https://www.glodiebybel.co.za/aanhalings-informasie-waarskynlikheid-oorsprong-van-lewe/
[19] Quotations on the Origins of Life and Evolution, by William Reville, University College Cork: “If there were some deep principle that drove organic systems towards living systems, the operation of the principle should easily be demonstratable in a test tube in half a morning. Needless to say, no such demonstration has ever been given. Nothing happens when organic materials are subjected to the usual prescription of showers of electrical sparks or drenched in ultraviolet light, except the eventual production of a tarry sludge”. http://undersci.ucc.ie/wp-content/uploads/sites/12/2014/11/Quotations_OriginsOfLife_Evolution.pdf
[20] https://www.glodiebybel.co.za/aanhalings-informasie-waarskynlikheid-oorsprong-van-lewe/
[21] I need scarcely say that the beginning and maintenance of life on earth is absolutely and infinitely beyond the range of all sound speculation in dynamical science. The only contribution of dynamics to theoretical biology is absolute negation of automatic commencement or automatic maintenance of life. https://zapatopi.net/kelvin/quotes/
[22] Was Lord Kelvin at any point a proponent of vitalism? > Modern biologists are coming, I believe, once more to a firm acceptance of something beyond mere gravitational, chemical, and physical forces; and that unknown thing is a vital principle > https://hsm.stackexchange.com/questions/9746/was-lord-kelvin-at-any-point-a-proponent-of-vitalism
[23] Xem Chương 5, cuốn “Định lý Gödel: Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức, 2019, trang 231.
[24] Kiểu cách của Darwin = Thuyết tiến hóa của Darwin.
[25] I don’t think the brain came in the Darwinian manner. In fact, it is disprovable. Simple mechanism can’t yield the brain. http://kevincarmody.com/math/goedel.html
[26] Life force is a primitive element of the universe and it obeys certain laws of action. These laws are not simple, and they are not mechanical. http://kevincarmody.com/math/goedel.html
[27] Debunking Evolution > http://www.newgeology.us/presentation32.html > DNA is made of only right-handed versions of nucleotides, while proteins are made of only left-handed versions of amino acids.
Một bài báo có hàm lượng tri thức, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, triết học, thần học… đậm đặc.
Tôi luôn kinh ngạc trước sự kỳ diệu của Vũ trụ, Sự sống, Sự sống có ý thức và có trí tuệ.
Tôi hy vọng các bạn cũng sẽ kinh ngạc khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản nhạc cũng như nghệ sỹ biểu diễn bản nhạc sau đây:
ThíchThích
Con để ý, mỗi lần các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên cố gắng hợp lý hoá thuyết tiến hoá thì họ lại càng làm cho lập luận đó tối nghĩa và dài dòng hơn.
Mới đây con được đọc quyển Muôn Kiếp Nhân Sinh của giáo sư John Vũ, phải nói sách rất hay. Tuy nhiên vào trang 170, nhân vật Kris nhắc đến khái niệm “nguồn kinh nghiệm” như là 1 trung tâm lưu trữ dữ liệu của các loài qua các kiếp sống, để rồi dần hình thành nên các tập tính của chúng qua nhiều đời khiến con cảm thấy hình như ông Kris này bị ảnh hưởng bởi thuyết tiến hoá. Ý ông ấy là muôn loài đều thông minh hơn sau từng kiếp vì liên tục góp nhặt và làm phong phú “nguồn kinh nghiệm”. Có lẽ đây là sự nhầm lẫn tai hại của ông ta giữa việc phân biệt kiến thức góp nhặt trong đời sống và phần mềm sự sống của Chúa. Tức là, theo như thiển ý của con, tập tính loài là có sẵn; cũng như đặc điểm giới của con người cũng có sẵn. Bác nghĩ sao về chuyện này ạ?!
Con không biết mình có quá khắt khe hay không khi mà mỗi lần đọc đến chữ tiến hoá là mỗi lần con dị ứng. Có lần con thử viết 1 bài về sự sụp đổ của thuyết tiến hoá và tác hại của thuyết này đến niềm tin con người thì có vài người (trên 30 tuổi) nhảy vào nói rằng họ tin vào thuyết tiến hoá mà chẳng có đến 1 lập luận nào. Họ cũng không thèm đọc blog của bác khi con gợi ý trong bài viết. Có lẽ bác nói đúng, thuyết tiến hoá bỗng dưng trở thành một kiểu tôn giáo (nửa mùa) chứ không còn là khoa học nữa. Có lẽ họ tin vào thuyết tiến hoá vì nó có lợi cho họ, có lợi cho việc sống thản nhiên, vô tư hơn.
ThíchThích
Dear Lục Phong,
Bác chưa đọc cuốn sách đó nên bác không dám trả lời quả quyết. Nếu những điều con trình bày là chính xác thì suy ra ô John Vũ cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của thuyết tiến hóa. Và đó là một bệnh lây nhiễm trong xã hội loài người mà ô John Vũ không tránh được. PVHg
ThíchĐã thích bởi 1 người