Information First! Trước hết phải có thông tin!

In his new book, “In the beginning was information”, Werner Gitt declared: “Because information is required for all life processes… All efforts to explain life processes in terms of physics and chemistry only will always be unsuccessful…”. Yes, if you don’t know where the life information comes from, how can you explain the origin of life?

Trong cuốn sách mới của mình, “Khởi đầu đã có thông tin”, Werner Gitt tuyên bố: “Vì thông tin là cần thiết cho tất cả các quá trình sống… Mọi nỗ lực giải thích sự sống thuần túy dựa trên vật lý và hóa học sẽ luôn luôn thất bại…”. Thật vậy, nếu bạn không biết thông tin của sự sống từ đâu mà ra, làm sao bạn có thể giải thích nguồn gốc sự sống?

Thật vậy, trong cuốn “Khởi đầu đã có thông tin”, Werner Gitt nói cho chúng ta biết bản chất phi vật chất của thông tin, từ đó ông nêu lên những nguyên lý và định lý cơ bản của lý thuyết thông tin, rồi áp dụng những nguyên lý đó vào sinh học để chỉ ra rằng thông tin là hòn đá tảng của sự sống – sẽ không có sự sống nếu không có thông tin của sự sống. Muốn hình thành sự sống, trước hết phải có thông tin, hay bản thiết kế của sự sống!

Vậy vấn đề nguồn gốc sự sống quy về nguồn gốc thông tin của sự sống.

Vì thông tin không phải là vật chất nên lập tức suy ra rằng khoa học vật chất thuần túy sẽ không thể giải thích được nguồn gốc sự sống.

Muốn trả lời câu hỏi về nguồn gốc sự sống, bắt buộc phải trả lời được câu hỏi về nguồn gốc thông tin của sự sống, tức “mã DNA”.

Nguồn mã DNA là gì? Mã DNA từ đâu mà ra?

Đó là câu hỏi lớn nhất của sinh học ngày nay, một câu hỏi kỳ thú và vĩ đại, dẫn chúng ta vào thế giới của thông tin…

Thông tin của sự sống

Năm 2006, Nhà sách Master Books cho ra mắt cuốn “In the beginning was information” (Khởi đầu đã có thông tin) của Werner Gitt, gây chấn động dư luận, bởi lần đầu tiên khái niệm thông tin được chính thức xem xét như một hiện thực phi vật chất, tồn tại độc lập và ngang hàng với hiện thực vật chất và năng lượng. Đây là một cuộc cách mạng về nhận thức tự nhiên – thế giới tự nhiên không chỉ có vật chất và năng lượng, mà còn có thành phần phi vật chất, mặc dù thành phần này có quan hệ chặt chẽ với vật chất và năng lượng.

Năm 2017, cuốn sách được tái bản lần thứ tư, tiếp tục làm mê hoặc lòng người, như chính lời giới thiệu trên Amazon[1] đã viết:

  • Thông tin là HÒN ĐÁ TẢNG của sự sống, ấy thế mà nhiều người lại không để ý đến điều này. Trong cuốn sách mới rất quyến rũ này, “Khởi đầu đã có thông tin”, Tiến sĩ Werner Gitt giúp độc giả nhận thấy chính sự hiện diện của thông tin đã vén mở vai trò của Nhà Thiết Kế Sự Sống như thế nào.
  • Phải chăng chúng ta chưa thấy rõ vai trò của thông tin như yếu tố chủ yếu điều khiển mọi bộ phận trong cơ thể con người, từ mầu tóc cho tới cung cách hoạt động của các bộ phận bên trong cơ thể?
  • Nguồn gốc của mọi thông tin phức tạp trong chúng ta là gì?
  • Thông tin trong vũ trụ có trật tự của chúng ta được tổ chức và xử lý như thế nào?
  • Gitt đã giải thích vai trò thiết yếu của thông tin – và quan trọng hơn, sự cần thiết của một Đấng Tổ chức (Organizer) và Đấng Sáng tạo (Originator) của thông tin. Lượng thông tin khổng lồ có mặt trong chỉ một phân tử DNA đơn lẻ nhỏ xíu đã bác bỏ khả năng không cần trí tuệ thông minh mà có thể khởi đầu sự sống. Tất cả điều đó cho thấy một Đấng Chí Tôn không những thiết lập nên các dữ liệu thông tin sinh học, mà còn quan phòng đến sự sáng tạo nữa.

Bất kể người nào yêu khoa học và tôn trọng sự thật khách quan cũng khó có thể tránh khỏi cảm giác choáng váng thích thú khi đọc cuốn sách này – một cuốn sách đầy ắp lập luận khoa học chính xác và chặt chẽ, đồng thời trưng ra bằng chứng mạnh mẽ về sự hiện hữu nhất thiết phải có của một Đấng đã sáng tạo ra vũ trụ và sự sống.

Hơn bao giờ hết, Thuyết Sáng tạo (Creationism) tìm thấy một chỗ dựa khoa học mới mẻ và vững chắc – những nguyên lý và định lý về khoa học và công nghệ thông tin, được phát biểu và hệ thống hóa một cách tường minh bởi Werner Gitt, một nhà khoa học hàng đầu về khoa học và công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay.

Werner Gitt sinh ngày 22/02/1937, tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Kỹ thuật ở Hanover, Đức. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin tại Viện Vật lý và Công nghệ Liên bang Đức, viết tắt là PTB (Physikalisch-Technische Bundesanstalt), tại Braunschweig. 7 năm sau, ông được bầu làm Giám đốc và Giáo sư của Viện này.

Mối quan tâm nghiên cứu của Gitt liên quan đến khoa học thông tin, toán học và công nghệ điều khiển hệ thống. Nhiều kết quả nghiên cứu của ông đã được công bố trên các tạp chí khoa học, các bài thuyết trình tại các hội thảo khoa học, các bài giảng tại các trường đại học ở Đức và trên thế giới, và đã được đúc kết thành những cuốn sách nổi tiếng như:

  • Did God Use Evolution? (Phải chăng Chúa đã sử dụng sự tiến hóa?)
  • If Animals Could Talk (Nếu động vật biết nói chuyện)
  • In the Beginning was Information (Khởi đầu đã có thông tin) [có DVD]
  • Stars and their Purpose: Signposts in Space (Các ngôi sao và mục đích của chúng: Biển chỉ dẫn trong không gian)
  • Without Excuse (Không xin lỗi)

TS Werner Gitt cũng là tác giả của những bài báo gây tranh luận sôi nổi:

  • 10 Dangers of theistic evolution (10 mối nguy của thuyết tiến hóa thần luận)
  • Cloning: Right or Wrong? (Nhân bản vô tính: Đúng hay sai?)
  • Counting the Stars (Đếm các vì sao)
  • Dazzling Design in Miniature (Bản thiết kế nhỏ xíu đáng kinh ngạc)
  • God and the Extraterrestrials (Chúa và không gian ngoài trái đất)
  • Information, Science and Biology (Thông tin, Khoa học và Sinh học)
  • Scientific laws of information and their implications (Các định luật khoa học về thông tin và những gợi ý của chúng)
  • Implications of the scientific laws of information (Ý nghĩa của các định luật khoa học về thông tin)
  • Weasel Words (Từ ngữ của con chồn)
  • What about the ‘big bang’? (Lý thuyết Big Bang nói gì?)

Là một nhà khoa học thông tin hàng đầu, Werner Gitt có một mối quan tâm đặc biệt đến khoa học về sự sống. Tại sao? Vì dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, sự sống đang lộ ra ngày càng rõ rằng nó là một cỗ máy thông tin, thay vì chỉ là một cỗ máy vật lý và hóa học như sinh học cổ điển mô tả.

Chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) – chủ nghĩa cho rằng thế giới tự nhiên là thế giới vật chất và chỉ có vật chất – rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về nhận thức luận khi thông tin được xem như một thành phần phi vật chất, tồn tại độc lập với vật chất, ngang hàng với vật chất, mặc dù nó có quan hệ chặt chẽ với vật chất. Cuộc khủng hoảng này đẩy các lý thuyết thuần túy vật chất đến chỗ bế tắc trong tham vọng giải thích sự sống. Đó chính là điều Werner Gitt nhấn mạnh ngay trong Lời Nói Đầu, trang 11:

Vì thông tin là cần thiết cho tất cả các quá trình sống nên không nghi ngờ gì nữa có thể khẳng định rằng thông tin là đặc trưng thiết yếu của mọi sự sống. Mọi nỗ lực giải thích sự sống thuần túy dựa trên vật lý và hóa học sẽ luôn luôn thất bại. Đây là nan đề cơ bản đối mặt với nền sinh học hiện đại, vốn dựa trên thuyết tiến hóa”.

Để chứng minh quan điểm của mình, Werner Gitt trước hết chỉ ra rằng sự sống sẽ chết nếu thông tin của nó bị xóa hoặc ngừng hoạt động. Nói cách khác, thông tin đóng vai trò quyết định đối với sự hình thành và duy trì sự sống.

Vai trò quyết định của thông tin

Thay vì lý luận dài dòng phức tạp, Werner Gitt nêu lên 5 thí dụ thực tế để mô tả những khả năng kỳ diệu của sự sống và chỉ ra rằng điều kiện thiết yếu để những khả năng kỳ diệu ấy tồn tại là phải có sẵn thông tin hướng dẫn – phải có sẵn bản thiết kế của sự sống. Nếu thông tin của sự sống biến mất hoặc hư hỏng –  bản thiết kế của sự sống biến mất hoặc hư hỏng – thì những khả năng kỳ diệu ấy sẽ lập tức biến mất.

Thí dụ 1: Mạng nhện

Thiết kế và cấu trúc của mạng nhện được đánh giá là “thông minh lỗi lạc” (brilliant) và “cực kỳ tiết kiệm nguyên vật liệu” (available material extremely economically). Nhện “biết giải bài toán tối ưu” để sao cho mạng nhện được tạo ra có sức chịu đựng lớn nhất với một phí tổn nguyên vật liệu ít nhất. Thậm chí nhện biết tái chế các vật liệu chúng đã sử dụng: chúng ăn các mạng nhện vào buổi sáng, rồi vật liệu được xử lý bằng hóa học để lại nhả ra thành những sợi tơ mới dệt nên mạng lưới mới. Mỗi con nhện là một kiến trúc sư tài ba… Werner Gitt đặt câu hỏi:

Ai hướng dẫn chúng làm những việc đó? Chúng nhận được tri thức chuyên môn ấy từ đâu? Ai là người tư vấn cho chúng?”.

Trong con mắt của nhiều nhà tiến hóa, “trí khôn” ấy cũng do “tiến hóa” mà ra. Đó là cái được gọi là “chọn lọc tự nhiên” (natural selection).

Trong bài báo “What is natural selection?”[2] (Chọn lọc tự nhiên là gì?) trên trang Natural History Museum, tác giả Emily Osterloff viết:

Chọn lọc tự nhiên là một cơ chế của sự tiến hóa. Sinh vật thích nghi tốt hơn với môi trường sẽ có thể tồn tại và chuyển giao các gene giúp cho nó thành công”.

Vấn đề là tại sao sinh vật có cái “cơ chế” đó? Có 2 câu trả lời:

  • Một, sinh vật tự nhiên có “cơ chế” đó. Vì thế mới gọi là “chọn lọc tự nhiên”. Đây là tư duy của “chủ nghĩa tự nhiên” (naturalism). Mọi sự tài tình như phép lạ của tự nhiên đều tự nhiên mà có (!!!).
  • Hai, đó là một “cơ chế” được cài đặt sẵn vào trong sinh vật, bởi thực chất đó là cơ chế sàng lọc, so sánh và chuyển giao thông tin. Thông tin không tự nhiên mà có. Thông tin luôn luôn xuất phát từ một trí tuệ thông minh. Đó là một định luật về thông tin mà Darwin không biết, vì thế ông gọi nó là “chọn lọc tự nhiên”. Darwin tất nhiên không biết gì về khái niệm thông tin, nhưng hậu thế của Darwin trong kỷ nguyên thông tin mà vẫn chỉ biết lặp lại lời Darwin như lời một ông thánh thì xem ra chẳng phù hợp chút nào với sự tiến bộ của khoa học.  

Thật vậy, khả năng “chọn lọc” phải là khả năng của “trí khôn”, nhưng trí khôn từ đâu mà ra? Tại sao sinh vật có trí khôn? Không ai biết. Chính Darwin cũng thú nhận rằng ông không biết. Thật vậy, trong cuốn “Về nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species) năm 1859 ông viết:

Tôi phải nói ngay từ đầu rằng tôi chẳng có gì để nói về nguồn gốc của những năng lực tinh thần nguyên thủy, cũng như chẳng có gì để nói về nguồn gốc của chính bản thân sự sống” (I must premise, that I have nothing to do with the origin of the primary mental powers, any more than I have with that of life itself)[3].

Năng lực tinh thần, hay “trí khôn”, hay ý thức, thực ra là yếu tố quyết định để phân biệt thế giới sống với thế giới không sống. Bất kỳ một lý thuyết nào không giải thích được nguồn gốc của ý thức không thể coi là một lý thuyết giải thích sự sống. Đây chính là quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, một vị Bồ Tát Phật giáo. Thật vậy, trong cuốn “Vũ trụ trong một nguyên tử”, ngài nói:

Sự khác biệt căn bản này giữa Phật giáo và khoa học ─ là đường phân cách hoặc giữa khả năng tri giác và không khả năng tri giác, hoặc giữa các cơ thể sống và vật chất vô tri ─ dẫn đến những hệ quả quan trọng, trong số đó có sự khác biệt trong cách hai truyền thống này nhìn nhận vấn đề ý thức. Đối với sinh học, ý thức là vấn đề thứ yếu, vì nó là đặc tính của một tập hợp con của các cơ thể sống. Trong Phật giáo, vì định nghĩa về “sống” ám chỉ tới các loài hữu tình, nên ý thức là đặc tính hàng đầu của sự sống” (trang 159)”[4].

Hóa ra quan điểm của Phật giáo về bản chất sự sống hoàn toàn phù hợp với quan điểm của sinh học hiện đại khi cho rằng yếu tố quyết định sự sống là thông tin chứ không phải hóa học. Mọi phản ứng sinh hóa trong cơ thể sinh vật sẽ không xảy ra nếu không có chương trình hướng dẫn đã được cài đặt sẵn trong chúng. Đó là lý do để Werner Gitt chất vấn: “Ai hướng dẫn chúng làm những việc đó? Chúng nhận được tri thức chuyên môn ấy từ đâu? Ai là người tư vấn cho chúng?”.

Thực ra hỏi tức là đã trả lời. Câu trả lời không thể chối cãi là:

Trước hết phải có thông tin – trước hết phải có những chương trình đã được cài đặt sẵn vào con nhện. Chương trình này được cài đặt vào thế hệ con cái thông qua quá trình di truyền từ cha mẹ. Truy ngược về quá khứ, chúng ta không biết chương trình đầu tiên từ đâu mà ra.

Thuyết tiến hóa nói riêng và khoa học vật chất nói chung sẽ vĩnh viễn không thể trả lời câu hỏi này, vì thông tin không phải là vật chất – các cơ chế vật lý và hóa học không thể tạo ra thông tin. Thông tin luôn luôn xuất phát từ một nguồn trí tuệ thông minh. Đó là một cuộc cách mạng về nhận thức, đẩy khoa học thuần túy vật chất tới bế tắc!

Để vượt qua bế tắc này, khoa học phải suy nghĩ lại về bản chất của thông tin. Nhưng trước khi nói về bản chất của thông tin, Werner Gitt nêu thêm vài thí dụ khác để nhấn mạnh vai trò quyết định của thông tin đối với sự hình thành sự sống.

Thí dụ 2: Sự kỳ diệu của cơ quan nhả tơ của giống nhện Uroctea

Đó là một giống nhện thuộc họ Urocteidae, có mặt ở các lục địa Á, Âu, Phi. Cơ quan nhả tơ này giống như một cỗ máy nhỏ xíu nhưng rất tinh vi và hoạt động theo một chương trình xác định không khác gì một chương trình computer.

Làm thế nào mà một quá trình sản xuất tinh vi phức tạp nhỏ xíu như thế có thể hoạt động không có lỗi?”, Gitt hỏi, rồi ông trả lời:

Bởi vì hệ thống ấy chứa đựng một chương trình kiểm soát bao gồm mọi thông tin xử lý cần thiết”. 

Thí dụ 3: Giống bướm Morpho Rhetenor

Đó là giống bướm có đôi cánh với những cấu trúc mầu sắc và hình học rất kỳ lạ. Cấu trúc ấy tiết lộ cho chúng ta thấy một thiết kế vô cùng tinh vi không thể ngẫu nhiên hình thành được. Người ta đã từng nghi ngờ rằng cánh bướm chứa những chất  “pigmentation” – chất sắc tố tạo nên màu da của sinh vật và con người. Chẳng hạn người da đen chứa chất sắc tố đen, chứ không phải vì họ sống ở Châu Phi nhiều ánh nắng mặt trời nên bị đen. Đây là một hiện tượng “phản Darwin”, vì nếu cơ chế “chọn lọc tự nhiên” hoạt động tốt thì người ở Phi Châu không nên đen – mầu đen bắt ánh nắng mặt trời mạnh hơn mầu trắng rất nhiều, làm cho đã nóng lại càng nóng hơn, làm khổ con người, không phù hợp để thích nghi với môi trường chút nào. Nói cách khác, “ông tự nhiên” đã phản tự nhiên khi gán cho người Phi Châu mang chất sắc tố đen!

Vậy phải chăng bướm Morpho Rhetenor mang các sắc tố mầu sắc ở cánh? Câu trả lời là không! Người ta đã cố gắng tìm các “pigmentation” ở bướm mà không thấy!

Vậy tại sao cánh bướm lại có mầu sắc kỳ lạ như thế?

Đã có một thời đây là một câu hỏi thách đố rất thú vị của sinh học. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, bí mật đã được khám phá. 

Dưới những kính hiển vi có độ phóng đại 20000 lần, người ta biết rằng bí mật mầu sắc lạ thường của bướm Morpho Rhetenor nằm trong một cấu trúc phi thường: một mạng lưới kẻ ô vuông sao cho ánh sáng khi tác động vào những đường kẻ ô thì có mầu bị triệt tiêu, có mầu lại nổi lên, tạo thành một mầu sắc huyền ảo. Hiện tượng này giống như hai sóng nước giao thoa: tại điểm này hai sóng triệt tiêu nhau, tại điểm bên cạnh hai sóng lại cộng hưởng thành một điểm nhô lên…

Làm thế nào để cái cấu trúc phi thường đó được lắp ráp một cách hoàn hảo nằm đạt được một hiệu quả vật lý đặc biệt như thế? Một lần nữa câu trả lời lại là thông tin”, Gitt viết.

Thí dụ 4: Sự phát triển của bào thai người

Những kỳ quan xuất hiện trong quá trình thai nghén 9 tháng là không thể bỏ qua được”, Gitt khẳng định. Ý ông nói là các bước phát triển trong bào thai là những bước đi nhất thiết phải trải qua một cách chính xác như đã được lập trình. Cụ thể:

 Trong bốn tuần đầu tiên của bào thai, hàng tỷ tế bào đã được tạo ra, và chúng tự lắp ráp theo một kế hoạch kỳ diệu để hình thành nên một thực thể con người mới. Khoảng ngày thứ 15, một sự phát triển ngoạn mục xảy ra: các mạch máu đầu tiên xuất hiện. Vài ngày sau một sự kiện kỳ diệu khác lại đến: Bên trong lồng ngực bé tí xíu của cái phôi chỉ dài khoảng 1.7mm, hai mạch máu gặp nhau để tạo nên quả tim, và quả tìm này bắt đầu bơm máu đi khắp cái phôi bé tí xíu trước cuối tuần thứ ba. Trái tim mới bé tí xíu cung cấp máu và oxy cho bộ não đang phát triển. Sau tháng thứ tư, trái tim của bào thai đã bơm khoảng 30 lít máu mỗi ngày, và lúc sinh ra thì bơm tới 350 lít mỗi ngày.

Tất cả các cơ quan của cơ thể con người hình thành trong 12 tuần đầu tiên của thai nhi. Thai nhi trong giai đoạn 12 tuần đầu tiên này được gọi là “phôi” (embryo). Sau 12 tuần không có cơ quan mới nào hình thành, phôi bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển lớn lên, được gọi là một “bào thai” (fetus). Toàn bộ quá trình hình thành phôi rồi thành bào thai và sinh ra đời là một quy trình chặt chẽ không thể bỏ qua bất kỳ một bước nào. Ở đây tuyệt đối không có hiện tượng đi tắt bỏ qua các giai đoạn trung gian. Nói cách khác, trình tự hình thành con người là một chương trình chính xác đến tuyệt đối!

Trong giai đoạn phôi, các lá phổi, mắt, và tai đã hình thành, mặc dù chúng chưa được sử dụng. Sau hai tháng, phôi chỉ dài khoảng từ 3 đến 4cm. Nhưng mặc dù còn quá nhỏ như thế mà nó đã có tất cả các cơ quan. Trong những tháng tiếp theo, các cơ quan này lớn lên về kích thước và định hình hình thù cuối cùng của nó.

Gitt đặt câu hỏi:

Vậy làm thế nào để sự phát triển của phôi không làm tăng trưởng tế bào một cách hỗn loạn, mà tăng trưởng một cách hệ thống và đúng mục đích theo một thời gian biểu đã được cài đặt từ trước?

Rồi ông trả lời:

Một kế hoạch chính xác, trong đó mọi bước tiến triển đã được lập trình đến từng chi tiết tinh tế nhất, làm cơ sở cho tất cả các quá trình này. Trong trường hợp này, thông tin cũng là yếu tố hướng dẫn từ đầu chí cuối”.

Thí dụ 5: Robot chơi đàn organ

Liệu một robot có thể chơi đàn organ được không? Câu trả lời là có, nếu nó được cài đặt một chương trình thích hợp. Chẳng hạn như một robot Nhật Bản có tên là Vasubot từng làm mê hồn những người yêu âm nhạc. Nó có hai tay để điều khiển phím đàn và hai chân để điều khiển pedal của đàn organ. Nó có thể đọc được bản nhạc bằng một video camera. Các nốt nhạc trên bản nhạc được chuyển thành các động tác của tay và chân. Robot này đã được trưng bày và biểu diễn tại Triển lãm EXPO 85 tại Nhật Bản, do Giáo sư Ichiro Kato tại Đại học Wasedo thiết kế, và công ty Sumitomo Electronic Industries chế tạo. Robot này có thể đọc và chơi bất kỳ bản nhạc nào ngay tức khắc mà không cần tập dượt trước như con người. Lý do nó có thể làm được như vậy là nhờ thông tin hướng dẫn sẵn có trong một chương trình đã được cài đặt sẵn vào “bộ não” của nó – chiếc computer điều khiển toàn bộ hoạt động của nó. Nếu gỡ bỏ chương trình này, nó không thể làm bất cứ việc gì, mặc dù nó là một cỗ máy vật lý rất phức tạp!!! Vậy một lần nữa, chúng ta thấy thông tin đóng vai trò quyết định của một hoạt động có ý thức!

Kết luận

  • Nếu sự sống được xem như một cỗ máy vật lý và hóa học thì cỗ máy ấy chỉ có thể hoạt động nếu nó có những thông tin hướng dẫn hoạt động đã được cài đặt vào cỗ máy ấy. Nếu thông tin bị xóa, cỗ máy ấy lập tức ngừng hoạt động.
  • Nói cách khác, sự sống chỉ sống khi nó có thông tin hướng dẫn sự hình thành và duy trì sự sống.
  • Thông tin là yếu tố thiết yếu, là hòn đá tảng, là điều kiện thiết yếu của sự sống. 
  • Bài toán nguồn gốc sự sống, do đó, quy về bài toán nguồn gốc thông tin của sự sống. Đó là lý do vì sao một Giáo su tại Đại học Dortmund đã thốt lên: “Ai nắm được nguồn gốc của thông tin, người ấy sẽ nắm được chìa khóa giải mã thế giới” (Anybody who can identify the source of information, has the key for understanding this world).

DJP, Sydney 30/06/2020 


[1] https://www.amazon.com.au/Beginning-Was-Information-Werner-Gitt/dp/0890514615

[2] https://www.nhm.ac.uk/discover/what-is-natural-selection.html

[3] Chapter 7: Instinct, by Charles Darwin http://www.talkorigins.org/faqs/origin/chapter7.html

[4] Consciousness: The Key of Life / Ý thức: Chìa khóa của Sự Sống https://viethungpham.com/2017/07/04/consciousness-the-key-of-life-y-thuc-chia-khoa-cua-su-song/

Advertisement

10 thoughts on “Information First! Trước hết phải có thông tin!

  1. Cháu cho rằng mọi thứ trong vũ trụ này đều là thông tin, ngay cả vật chất cũng là thông tin. Thông tin quy định các đặc tính của các hạt cơ bản của vật chất, quy định các tính chất vật lý, ngay cả mọi quan sát của con người với vật chất cũng là tương tác thông tin giữa linh hồn con người và thông tin vật chất. Quan điểm của cháu cũng giống như lý thuyết ” vũ trụ này là ảo ảnh”.
    Không biết Bác có niềm tin như vậy không ạ?

    Đã thích bởi 1 người

  2. Y thuc con nguoi phai chang chi la be noi cua cai Y thuc sau xa hon (vo thuc, tiem thuc,…hay gi gi do), nhieu hoat dong thuoc he than kinh sinh duong, con nguoi dau co y thuc va lam chu duoc. Mot so nguoi dieu khien duoc co the o muc do sau hon nguoi binh thuong nhu khien tim ngung dap, lieu co phai y thuc ho sau hon chung ta? Tai sao minh lai khong y thuc duoc su hoat dong cua te bao?

    The luc ngu say, hon me bat tinh thi y thuc di dau?

    Co le Vu tru khong hieu thau chinh minh nen phai sinh ra su song de kham pha chinh no. Co le su song chinh la bieu lo cua phan ngu dot cua Vu tru nen no moi khong hieu thau ve chinh no? Phai chang su song xuat hien khi Vu tru tu nhan thuc ve chinh minh? Phai chang thong qua su song de Vu tru tu kham pha chinh no? Neu Vu tru ton tai ma khong tu y thuc duoc la no dang ton tai thi co khac gi khong ton tai?

    Tai sao Tao hoa tao ra su song ma khong cho no hieu thau chinh no, ma cu de su song phai tu may mo tim hieu ve chinh no? Phai chang Tao hoa phai nho vao su song de kham pha chinh minh? Moi khi con nguoi vui mung vi mot kham pha moi thi chinh la Tao hoa dang vui mung vi ban than minh sap duoc kham pha?

    (thay hai nao)

    Thích

  3. Con cũng có 1 thắc mắc bác ạ. Nếu vật chất, truy đến cùng đều là các hạt. Các hạt lại luôn chuyển động. Vậy điều gì quyết định quỹ đạo chuyển động của các hạt, cũng như giữ cho chúng luôn “kết dính” để tồn tại ở hình dáng này thay vì hình dáng khác? Phải chăng luôn có ý thức/thông tin để giữ cho chúng tạm thời ở yên trong các trạng thái đó?

    Càng ngày con càng thấy các lý thuyết về vật chất kém rõ ràng bác Hưng ơi!

    Thích

    • Dear Lục Phong,
      Theo Nguyên lý Bất định, không thể xác định quỹ đạo chuyển động của các hạt được.
      Các hạt “kết dính” nhờ các lực hạt nhân.
      Nhưng tại sao các hạt chuyển động và tại sao chúng tương tác với nhau theo các lực hạt nhân thì đó là điều chỉ có Chúa biết.
      Khoa học chỉ biết rằng à thì ra vũ trụ nó như thế. Còn tại sao vũ trụ nó như thế thì đó là đuều vượt quá giới hạn của nhận thức.
      Chúng ta buộc phải thừa nhận có một ĐẤNG ban hành các bộ luật cho vũ trụ và buộc vật chất phải tuân thủ.
      PVHg

      Đã thích bởi 1 người

  4. Xin có mấy ý kiến tản mạn sau:

    1. Sau vụ nổ lớn Big Bang, Vũ trụ luôn có những vụ “chuyển pha topo”, thí dụ:
    a) Bốn lực cơ bản ban đầu thống nhất là một, sau đó tách ra thành: lực hạt nhân mạnh, lực hạt nhân yếu, lực điện từ, lực hấp dẫn. Ở các “pha” sau này có thể lại xuất hiện các lực cơ bản thứ 5, thứ 6…
    b) Thông tin, vật chất, năng lượng ban đầu cũng thống nhất là một, sau tách ra một cách tường minh như ta thấy hiện nay.
    c) Không – thời gian vốn là một, nay bị loài người tách ra (cho hợp khẩu vị) thành không gian 3 chiều và thời gian tuyến tính một chiều một cách rời rạc.
    v.v…

    2. DNA là một thí dụ tốt về việc thống nhất hoàn hảo của Thông tin, Vật chất và Năng lượng.
    Do đó DNA vừa là Bản thiết kế của một Kiến trúc sư vừa là Nhà thầu thi công ngôi nhà SỰ SỐNG.

    3. Vũ trụ ban đầu chỉ có Hydro và Heli, sau đó các nguyên tố nặng mới được trui rèn trong các vì sao, rồi lòng vòng thế nào mà các nguyên tố đó đã tạo nên cơ thể vật lý của chúng ta.
    “Chúng ta chính là hậu duệ của những ngôi sao – Dr. Trịnh Xuân Thuận”.

    4. “Ai” đã tạo nên Vụ nổ lớn. “Ai” đã tạo nên các Hằng số cơ bản. “Ai” đã tạo nên DNA.
    S. Hawking cho rằng đã có một nguyên lý “vị nhân” chi phối Vũ trụ để mọi chuyện phức tạp và rắc rối cuối cùng cũng dẫn đến một Thái dương hệ, một Trái đất, một hệ sinh thái và một loài người có trí tuệ, có ý thức có thể làm ra những bài thơ để ngợi ca vẻ đẹp của Vũ trụ và Sự sống.
    Còn Dr. Trịnh Xuân Thuận coi xác xuất để hình thành nên Vũ trụ và Sự sống bằng xác xuất của một Cung thủ bắn trúng một vật đích mỗi chiều 1 inch cách xa 15 tỷ năm ánh sáng.

    Khoa học sẽ không bao giờ có câu trả lời cuối cùng để giải thích cho những điều kỳ diệu đó,

    Thích

    • Xin chia sẻ với bạn Thu Nhạn:
      1/ “Chúng ta chính là hậu duệ của những ngôi sao – Dr. Trịnh Xuân Thuận”.
      Câu này nghe KÊU nhưng rất KHÔNG ỔN!
      GS Trịnh rất mê Phật giáo, nhưng câu nói trên tỏ ra chịu ảnh hưởng của khái niệm “tiến hóa”.
      SỰ SỐNG không “tiến hóa” như thuyết tiến hóa mô tả, và cũng không hình thành như trí tưởng tượng của các nhà khoa học. Sự sống là một bí mật tuyệt đối, không thể giải thích nó theo bất kỳ một trí tưởng tượng nào mang màu sắc “tiến hóa”.
      2/ Còn Dr. Trịnh Xuân Thuận coi xác xuất để hình thành nên Vũ trụ và Sự sống bằng xác xuất của một Cung thủ bắn trúng một vật đích mỗi chiều 1 inch cách xa 15 tỷ năm ánh sáng. Khoa học sẽ không bao giờ có câu trả lời cuối cùng để giải thích cho những điều kỳ diệu đó
      Ý kiến này RẤT HAY. Nó nói lên rằng CHÚA SÁNG TẠO RA VŨ TRỤ. Lé ra GS Trịnh nên khẳng định điều đó.
      PVHg

      Thích

  5. Cảm ơn bài viết sâu sắc và nhiều thông tin của bác. Chúc bác sức khoẻ để tiếp tục nghiên cứu và có các bài viết trên trang blog thú vị này.

    Thích

  6. Cháu chào bác, cháu thật sự cảm phục và mến mộ bác với nhiều bài viết tuyệt hay về khoa học và cháu cám ơn bác vì những nguồn tài liệu chia sẻ kiến thức phong phú và quí giá như thế này.
    Bác cho cháu xin nêu một thắc mắc nhỏ về một phần nội dung nhỏ trong bài viết, nói về da của người châu Phi, cháu lại có suy nghĩ khác, vì làn da tối màu chứa nhiều melanin giúp bảo vệ bởi ánh nắng mặt trời), có thể từ ngàn xưa những người ở châu Phi với làn da tối màu họ có nhiều khả năng sống sót và sinh tồn hơn ở vùng đất nắng và nóng gay gắt, chính vì vậy họ có khả năng sống sót nhiều hơn so với những người sinh ra với làn da sáng màu (cũng ở châu Phi tại thời điểm đó). Vì vậy nên ở vùng đất đó hình thành nên những con người với làn da đen, theo đúng như thuyết chọn lọc tự nhiên (Vì theo như thuyết tiến hoá thì sinh vật không có khả năng thích nghi với môi trường sẽ bị tự nhiên loại trừ), theo cháu nhận định là như vậy ạ, cháu rất mong nhận được ý kiến từ bác.

    Thích

    • Cám ơn Haimy,
      Thật cảm động khi đọc ý kiến của cháu. Nhưng bác muốn cháu hoàn toàn THOÁT RA KHỎI ảnh hưởng của Thuyết tiến hóa thì câu chuyện mới thú vị. Theo bác thì người da đen ở Châu Phi phải nhờ đến melanin thì chứng tỏ cái cơ chế mầu nhiệm “chọn lọc tự nhiên” đã không hoạt động tốt. Bởi vì nếu cơ chế ấy hoạt động hiểu quả nhất thì không nên chế tạo cái chất melanin phiền phức ấy, mà nên chọn lọc màu da trắng mới là khôn ngoan!
      PVHg

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s