A Faraway Promise Land / Miền đất hứa xa vời

“Over nearly a century effort of searching for the origin of life, the gates to the Promise Land seen as distant as ever…”, a biologist exclaimed. The question of DNA code origin has been pushing Abiogenesis into impasse. These facts have been revealed by many world leading scientists that everyone should know.

“Qua gần một thế kỷ nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc sự sống, cánh cổng đến Miền Đất Hứa trở nên xa vời hơn bao giờ hết…”, một nhà sinh học thốt lên. Câu hỏi về nguồn mã DNA đã và đang đẩy Thuyết phi tạo sinh vào bế tắc. Những sự thật này đã được tiết lộ bởi nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới mà mọi người nên biết.

Câu chuyện hôm nay là phần tiếp theo câu chuyện hôm trước, The Impossibility of Abiogenesis / Tính bất khả thi của thuyết phi tạo sinh, đã công bố trên PVHg’s Home ngày 22/02/2019  

Trừ những ý kiến có chú thích riêng, tất cả các ý kiến của các nhà khoa học được dẫn trong bài này đều trích từ tài liệu sau đây:

COMPILATION OF QUOTES ON THE COMPLEXITY OF A CELL AND THE SCIENTIFIC MYSTERY OF LIFE’S ORIGIN

(Tài liệu sưu tập các trích dẫn về sự phức tạp của tế bào và bí mật khoa học của nguồn gốc sự sống) của Ashby L. Camp

Sau đây là một số ý kiến tiêu biểu, xin trân trọng giới thiệu.

1/ Stephen Grocott, TS Hoá học

Trong cuốn “In Six Days” (Trong Sáu Ngày), do Green Forest, AR: Master Books xuất bản năm 2001, trang 149, Stephen Grocott viết:

“Sự phức tạp của các sinh vật đơn giản nhất mà ta biết là quá sức tưởng tượng… và cho đến nay không ai tin rằng chúng nẩy sinh một cách tình cờ”.

BINH LUẬN:

Đại văn hào Victor Hugo từng nhận xét: “Ngu múa mép, hợm múa may” (Stupidity talks, vanity acts). Dưới ánh sáng khoa học ngày nay, các nhà tiến hoá đều biết rõ rằng những sinh vật đơn giản nhất dù chỉ có 1 tế bào cũng đã là những cỗ máy siêu tinh vi phức tạp quá sức tưởng tượng. Nhưng họ vẫn cố nói năng nguỵ biện để tuyên truyền rằng sự sống đầu tiên vẫn có thể ra đời nhờ một cơ may nào đó, và chỉ cần 1 cơ may là đủ! Cơ sở lý luận của họ rất đơn giản: THỜI GIAN! Với thời gian đủ dài, cỡ vài tỷ năm, cơ may ấy chắc chắn sẽ xảy ra. “Thời gian sẽ tự nó làm ra phép lạ”, như tuyên bố của George Wald, nhà sinh học đoạt Giải Nobel năm 1967. Qua đó có thể thấy George Wald không hiểu Lý thuyết Xác suất, và Giải Nobel không phải là thước đo chân lý.

2/ David E. Green & Robert F. Goldberger, hai nhà sinh hoá,

Trong cuốn “Molecular Insights into the Living Process” (Cái nhìn thấu vào phân tử bên trong quá trình sống) do NXB Hàn lâm Academic Press xuất bản tại New York, 1967, trang 407, David Green và Robert Goldberger viết:

“Sự chuyển tiếp từ đại phân tử sang tế bào là một bước nhảy vọt vĩ đại, vượt quá phạm vi của một giả thuyết có thể kiểm chứng. Trong lĩnh vực này tất cả chỉ là phỏng đoán. Các sự kiện thực tế hiện có không cung cấp một cơ sở nào cho việc đưa ra định đề cho rằng tế bào đã ra đời trên hành tinh này”.

BÌNH LUẬN:

Với ý kiến trên, hai nhà sinh hoá David E. Green & Robert F. Goldberger đã khẳng định:

  • Thuyết phi tạo sinh là một giả thuyết không thể kiểm chứng;
  • Toàn bộ thuyết phi tạo sinh chỉ là phỏng đoán;
  • Thuyết phi tạo sinh hoàn toàn vô bằng chứng.

3/ Hubert P. Yockey (1916 – 2016), Giáo sư vật lý và Lý thuyết Thông tin Đại học California, Berkeley

Hubert Yockey là một tiến sĩ vật lý và một nhà lý thuyết thông tin, Giáo sư Đại học California ở Berkeley, từng làm việc dưới quyền Robert Oppenheimer trong Dự án Manhattan về chế tạo bom nguyên tử của Mỹ những năm 1940. Ông nổi tiếng với những nghiên cứu áp dụng lý thuyết thông tin vào sinh học, kết quả được công bố trên Tạp chí Sinh học Lý thuyết (Journal of Theoretical Biology). Trong bài báo “Một Phép tính Xác suất theo Lý thuyết Thông tin về sự Hình thành Sự sống Tự phát” (A Calculation of the Probability of Spontaneous Biogenesis by Information Theory) trên tạp chí Journal of Theoretical Biology Tập 67, năm 1977, trang 396, Hubert Yockey viết:

“Kịch bản “cái ao nhỏ ấm áp” đã được phát minh ra nhằm mục đích đưa ra một lời giải thích duy vật về nguồn gốc sự sống. Nó không được hỗ trợ bởi bất kỳ bằng chứng nào cả và nó sẽ vẫn còn cần thiết cho mục đích ấy cho đến khi nào tìm thấy bằng chứng như thế… Người ta phải kết luận rằng, trái với kiến thức đã được thiết lập và hiện tại, vẫn chưa hề có một kịch bản nào mô tả sự sống ra đời trên trái đất nhờ cơ may và nguyên nhân tự nhiên có thể chấp nhận được, mà dựa trên các sự kiện thực tế chứ không phải đức tin”.

BÌNH LUẬN:

Ý kiến của Hubert Yockey cho thấy thuyết phi tạo sinh chỉ là một ĐỨC TIN, một tuyên ngôn của chủ nghĩa duy vật trong vấn đề nguồn gốc sự sống, chứ không phải một lý thuyết khoa học có cơ sở thực tế. Trong một trường hợp khác ông nói rõ hơn: “Niềm tin cho rằng sự sống trên trái đất nẩy sinh một cách tự phát từ vật chất không sống, đơn giản là một vấn đề đức tin trong sự quy giản hết mức và hoàn toàn dựa trên ý thức hệ”[1].

Trang mạng Bách khoa toàn thư Wikipedia cho biết Hubert Yockey là người quyết liệt phê phán lý thuyết nồi súp nguyên thuỷ, tức lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hoá, và tin chắc rằng VẤN ĐỀ NGUỒN GỐC SỰ SỐNG LÀ MỘT BÀI TOÁN KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC BẰNG KHOA HỌC. Nhận định này được ủng hộ mạnh mẽ bởi mã DNA và Định lý Bất toàn của Kurt Gödel. Nhưng chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này sau.

4/ Robert Gange, tiến sĩ vật lý thuộc Viện Nghiên cứu David Sarnoff ở Princeton, Mỹ

Robert Gange là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York, từng được NASA vinh danh chín lần, và là chủ nhân của hơn 30 bằng sáng chế phát minh. Trong cuốn “Origins and Destiny” (Các nguồn gốc và Số phận) do Word xuất bản tại Dallas năm 1986, trang 77, ông viết:

“Vì mọi ý định và mục đích, khả năng sự sống hình thành một cách tình cờ thông qua các phản ứng hoá học là zero. Điều này không có nghĩa là niềm tin vào một sự tình cờ mầu nhiệm sẽ dừng lại. Mà có nghĩa là những ai tin vào điều đó sẽ tin như vậy, bởi vì họ đã bị trói buộc về mặt triết học vào cái khái niệm cho rằng tất cả mọi thứ tồn tại xung quanh chúng ta đều là vật chất và sự chuyển động của vật chất. Nói cách khác, họ tin như vậy vì lý do triết học chứ không phải khoa học”

BÌNH LUẬN:

Nhận định của Robert Gange hoàn toàn đồng điệu với Hubert Yockey − nếu Hubert Yockey bác bỏ thuyết phi tạo sinh bằng việc khẳng định rằng vấn đề nguồn gốc sự sống là bài toán không thể giải quyết được bằng khoa học, thì Robert Gange cũng bác bỏ lý thuyết nguồn gốc sự sống bằng việc tuyên bố rằng cơ may để thuyết phi tạo sinh khả thi là ZERO!

Chú ý rằng Fred Hoyle, nhà toán học và thiên văn học lỗi lạc người Anh, đã tính toán và đưa ra kết quả xác suất để sự sống hình thành tự phát từ vật chất không sống là (1/10)^40000. Tuy xác suất vô cùng bé này là một số lớn hơn 0, nhưng Émile Borel, một nhà lý thuyết xác suất bậc nhất trong thế kỷ 20, đã chứng minh rằng mọi sự kiện có xác suất nhỏ hơn (1/10)^50 đều không thể xảy ra. Vì thế, Fred Hoyle đã tuyên bố: Con số (1/10)^40000 “đủ để chôn vùi Darwin cùng với toàn bộ thuyết tiến hoá”. Và đó cũng là lý do để Robert Gange tuyên bố rằng cơ may để sự sống hình thành một cách tình cờ thông qua các phản ứng hoá học là zero!

Trước những sự thật đã quá rõ ràng như thế, những ai còn tin vào “phép lạ” của thuyết phi tạo sinh ắt phải là những người mê tín bậc nhất.  

5/ Francis Crick, một trong 2 người khám phá ra cấu trúc DNA

Công trình khám phá ra cấu trúc của DNA năm 1953 được coi là một trong những khám phá vĩ đại nhất thế kỷ 20. Nhờ đó Francis Crick (1916 – 2004) cùng với James Watson đoạt Giải Nobel sinh y học năm 1962. Trong cuốn “Life Itself: Its Origin and Nature” (Bản thân sự sống: Nguồn gốc và Bản chất của nó) do Simon & Schuster xuất bản tại New York năm 1981, trang 88, Crick viết:

“Một người trung thực, được vũ trang bởi tất cả các kiến thức ngày nay chúng ta biết, chỉ có thể tuyên bố rằng theo một nghĩa nào đó, vào thời điểm hiện nay vấn đề nguồn gốc sự sống xuất hiện dường như là một phép mầu, có quá nhiều điều kiện đã phải được thoả mãn để cho nó xảy ra”

BÌNH LUẬN:

Rất tiếc là sau khi tuyên bố như thế, Crick vẫn không chịu thừa nhận vấn đề nguồn gốc sự sống là cái ngưỡng không thể vượt qua của khoa học. Với niềm tin vô hạn vào thuyết tiến hoá, ông lại tìm cách vượt qua cái ngưỡng không thể vượt qua đó bằng một câu chuyện tưởng tượng mới được gọi là “Panspermia” − những mầm mống của sựu sống đã có sẵn trong vũ trụ, và một ngày nào đó chúng đã đến trái đất theo các thiên thạch, rồi sinh sôi nẩy nở tiến hoá trên trái đất. Giả thuyết này hiện nay vẫn đang được theo đuổi, tạo nên một nhánh mới của lý thuyết nguồn gốc sự sống được gọi là “thuyết tiến hoá vũ trụ” (cosmic evolution).

Giả sử “Panspermia” đúng, nó sẽ nói lên điều gì về nguồn gốc sự sống? Nói chẳng nói lên điều gì cả, đơn giản là nó chỉ chuyển bài toán nguồn gốc sự sống từ trái đất lên vũ trụ mà thôi. Có nghĩa là bài toán nguồn gốc sự sống vẫn không có câu trả lời.

6/ Klaus Dose, Giám đốc Viện sinh hoá Đại học Johannes Gutenberg, Đức

Trong bài báo “The Origin of Life: More Questions than Answers” (Nguồn gốc sự sống: Nhiều câu hỏi hơn câu trả lời), trên tạp chí Interdisciplinary Science Reviews số 13:4, 1988, trang 348, Klaus Dose viết:

“Hơn 30 năm thí nghiệm về nguồn gốc sự sống trong lĩnh vực tiến hoá hoá học và phân tử đã dẫn tới một sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự bao la mênh mông của vấn đề nguồn gốc sự sống trên Trái Đất, hơn là giải đáp vấn đề đó. Hiện nay, mọi cuộc thảo luận về các lý thuyết và thí nghiệm cơ bản kết thúc trong bế tắc hoặc trong sự thú nhận là dốt nát”.

BÌNH LUẬN:

Những người mê tín thờ phụng thuyết tiến hoá, nhất là những người lười nghiên cứu nhưng thích tranh luận, xin hãy bình tâm lắng nghe Klaus Dose. Lời lẽ của ông khó nghe, nhưng đó là sự thật − lý thuyết nguồn gốc sự sống khám phá ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, và thực tế là đã kết thúc trong BẾ TẮC, hoặc phải thú nhận rằng mình dốt nát, chẳng biết gì cả. Ai dám tuyên bố đã tìm thấy nguồn gốc sự sống, thì đó là “một kẻ ngốc hoặc bất lương”, đúng như Stewart Kauffman đã nói.

7/ Werner Arber, nhà sinh học phân tử đoạt Giải Nobel 1978

Trong cuốn “Cosmos, Bios, Theos” (Cũ trụ học, Sinh học, Thần học) của Henry Margenau và Roy Abraham Varghese, do LaSalle, IL: Open Court xuất bản năm 1992, trang 142, dẫn lời Werner Arber nói:

“Mặc dù là một nhà sinh học, tôi phải thú nhận rằng tôi chẳng hiểu sự sống hình thành như thế nào… Tôi coi sự sống chỉ bắt đầu ở cấp độ của một tế bào có chức năng. Tế bào đầu tiên đòi hỏi ít nhất vài trăm đại phân tử sinh học chuyên biệt khác nhau. Làm thế nào mà những cấu trúc phức tạp như thế có thể xuất hiện cùng với nhau, điều đó vẫn là một bí mật đối với tôi”

BÌNH LUẬN:

Nếu một nhà sinh học đoạt Giải Nobel sinh y học mà không hiểu sự sống hình thành như thế nào thì ai sẽ hiểu? Không ai cả. Như Stewart Kauffman đã nói, ai dám tuyên bố mình biết sự sống ra đời như thế nào thì chắc chắn đó là “một người ngu hoặc bất lương”. Vậy tại sao một lý thuyết được coi là khoa học như thuyết phi tạo sinh, đã tồn tại khoảng 150 năm nay, lại không thể làm cho một nhà đại khoa học như Werner Arber hiểu? Đơn giản vì thuyết phi tạo sinh là một câu chuyện thần thoại phi khoa học, vô căn cứ, bất khả thi. Werner Arber đã gợi ý cho chúng ta thấy tính bất khả thi đó bằng cách nếu câu hỏi làm thế nào mà những cấu trúc vô cùng phức tạp như hàng trăm đại phân tử sinh học chuyên biệt khác nhau có thể ra đời cùng một lúc để ngẫu nhiên kết hợp với nhau thành tế bào.  

8/ Jay Roth, nhà sinh học tế bào và phân tử

Ý kiến của Jay Roth được dẫn trong cuốn Cosmos, Bios, Theos, của Henry Margenau và Roy Abraham Varghese, do LaSalle, IL: Open Court, xuất bản năm 1992, trang 199:

“Tôi đã nghiên cứu những ý tưởng về phân tử, sinh học và hoá học trong vấn đề nguồn gốc sự sống và đọc tất cả những cuốn sách và công trình mà tôi có thể tìm thấy. Tôi không hề tìm thấy bất kỳ một lời giải thích nào làm tôi thoả mãn”.

BÌNH LUẬN:

Ai có trình độ hiểu biết cao về nguồn gốc sự sống, hãy giảng cho Jay Roth. Hãy chứng minh cho ông ấy hiểu vì sao sự sống có thể nẩy sinh ngẫu nhiên từ vật chất không sống. Hãy chỉ cho ông ấy thấy một bằng chứng cụ thể. Nếu không có bằng chứng, hãy chứng minh bằng toán học xác suất. Nếu xác suất chống lại thuyết phi tạo sinh, và không có bằng chứng thực tế để chứng minh thuyết phi tạo sinh, thì nên thành thực rút lại cái thuyết phi tạo sinh đi, không nên gọi nó là một lý thuyết khoa học nữa.  

9/ Laura F. Landweber và Laura A. Katz, hai nhà sinh hoá

Trong bài báo “Evolution: Lost Worlds” (Tiến hoá: Những Thế giới đã biến mất) trên tạp chí Trends in Ecology and Evolution, Vol. 13, Tháng 3 năm 1998, trang 93-94, Landweber và Katz viết:

“Sherwood Chang (thuộc Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA) đã khai mạc chương trình [hội thảo của NASA về “Tiến hoá: Một quan điểm về phân tử] bằng một lời nhắc nhở thận trọng rằng bất kỳ kịch bản kinh điển nào tiến triển từng bước tới vấn đề nguồn gốc sự sống hiện nay vẫn chỉ là một “truyện hư cấu thích hợp”. Đó là, chúng ta hầu như không có dữ liệu nào ủng hộ quá trình chuyển đổi lịch sử từ sự tiến hóa hóa học sang các monomer tiền sinh học, polymers, enzyme sao chép và cuối cùng là tế bào”.

BÌNH LUẬN:

Đó là một tuyên bố trong một hội thảo chuyên ngành của một cơ quan khoa học uy tín bậc nhất thế giới hiện nay như NASA! Xin nhắc lại: Bất kỳ kịch bản nào về nguồn gốc sự sống hiện nay đều chỉ là TRUYÊN HƯ CẤU (fiction). Nói cách khác, mọi kịch bản về nguồn gốc sự sống hiện nay đều chỉ là những chuyện bịa đặt sao cho có vẻ khoa học.

10/ Nicholas Wade, tác giả nổi tiếng của nhiều sách phổ biến khoa học

Trong bài báo trên tờ New York Times ngày 13/06/2000, nhan đề “Life’s Origins Get Murkier and Messier; Genetic Analysis Yields Intimations of a Primordial Commune” (Vấn đề Nguồn gốc sự sống trở nên tối tăm hơn, lộn xộn hơn; Phân tích Di truyền cung cấp những gợi ý về một Công Xã Nguyên Thuỷ), Nicholas Wade viết:

“Mọi thứ về nguồn gốc sự sống trên trái đất là một bí ẩn, và dường như càng hiểu biết càng gặp nhiều thách đố gay gắt, … Việc giải thích cơ chế hoá học của sự sống đầu tiên là một cơn ác mộng. Cho đến nay không ai đưa ra được một lời giải thích đáng tin cậy để chỉ ra những chất hoá học đầu tiên của sự sống được cho là RNA, một họ hàng gần gũi của DNA có thể tự tạo ra từ các hóa chất vô cơ có khả năng tồn tại trên trái đất. Sự lắp ráp tự phát của các phân tử nhỏ RNA trên trái đất nguyên thủy “sẽ gần như một phép lạ”, như hai chuyên gia trong lĩnh vực này đã tuyên bố một cách hữu ích vào năm ngoái… Những nỗ lực giỏi nhất của các nhà hoá học nhằm tái tạo những phân tử điển hình của sự sống trong phóng thí nghiệm chỉ chứng tỏ rằng đây là một bài toán hóc búa như bị ma quỷ cản trở. Sự hình thành sự sống trên trái đất, vào một lúc nào đó trong những ngày cuối cùng nóng bỏng thuộc kỷ Hadean, vẫn là một bài toán không chịu khuất phục”.   

BÌNH LUẬN:

Hoá ra tất cả mọi người đều thừa nhận rằng sự hình thành sự sống là một PHÉP LẠ. Nhưng có thể chia thành 2 nhóm.

Nhóm 1 bao gồm những người không tin vào thuyết tiến hoá và cho rằng phép lạ ấy vượt quá khả năng giải thích của khoa học. Điển hình như Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lord Kelvin (người khám phá ra Định luật Entropy), Kurt Gödel,…

Nhóm 2 bao gồm các nhà tiến hoá tin rằng chắc chắn khoa học sẽ giải thích được phép lạ đó, vấn đề chỉ là thời gian. Điển hình là Charles Darwin, Jacques Monod, George Wald, Richard Dawkins,…

Nhóm 1 có rất nhiều luận cứ khoa học, cả lý thuyết lẫn thí nghiệm để bác bỏ thuyết phi tạo sinh. Nhóm 2 không hề có bằng chứng, chỉ có giả thuyết và ĐỨC TIN!

11/ Franklin M. Harold, Giáo sư Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Colorado

Trong cuốn “The Way of the Cell: Molecules, Organisms and the Order of Life” (Con đường của tế bào: Phân tử, Sinh vật và Trật tự của sự sống) do Oxford University Press xuất bản tại New York, năm 2001, trang 251, Franklin Harold viết:

“Đối với tôi, vấn đề nguồn gốc sự sống biểu lộ ra như một vấn đề không thể hiểu nổi, một chủ đề để kinh ngạc chứ không phải để giải thích”

BÌNH LUẬN:

Trong câu chuyện hôm nay, chúng ta đã thấy nhiều nhà khoa học hàng đầu tuyên bố họ không làm sao có thể hiểu được làm thế nào mà các phân tử vô cơ vô cùng phức tạp có thể ngẫu nhiên kết hợp lại với nhau để tạo ra sự sống. Đã xuất hiện nhiều cách nói ví von để mô tả tính bất khả thi của thuyết phi tạo sinh. Xin nêu 2 ví dụ:

Cơ may để sự sống hình thành ngẫu nhiên từ vật chất không sống tương tự như cơ may để một trận cuồng phong thổi qua xưởng chế tạo máy bay Boeing, làm cho các linh kiện ở đó bị hất tung lên và ngẫu nhiên kết hợp lại với nhau thành chiếc máy bay Boeing. Đây là cách ví von của nhà khoa học lỗi lạc Fred Hoyle.

Cơ may để sự sống hình thành ngẫu nhiên từ vật chất không sống tương tự như cơ may để một chú khỉ gõ phím đàn piano một cách ngẫu nhiên tạo ra Bản Giao hưởng số 9 của Beethoven!

Xin mời độc giả sáng tác thêm những cách nói ví von tương tự, biết đâu chúng ta sẽ “ngẫu nhiên” tạo nên một truyện hài hước hoặc một “tác phẩm triết học” có giá trị về thuyết phi tạo sinh?

12/ Robert Roy Britt, ký giả khoa học chuyên viết cho trang khoa học Space.com

Trong một bài báo nhan đề “The Search for the Scum of the Universe” (Cuộc tìm kiếm Scum trong vũ trụ), công bố trên trang Space.com ngày 22/05/2002, Robert Britt cho biết:

“Thực tế, tại một cuộc họp đầu tháng này, khoảng 100 nhà hóa học, sinh học, thiên văn học và những nhà tư tưởng tiến hóa cao cấp khác quan tâm đến việc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất,… không ai có thể nói sự sống đơn giản nhất khởi đầu như thế nào… Ken Nealson, một nhà địa chất học tại Đại học Nam California nói, “Không ai hiểu nguồn gốc sự sống. Nếu họ nói họ hiểu, có lẽ họ đang cố lừa bạn”.

BÌNH LUẬN:

Ý kiến này giống ý kiến của Stewart Kauffman: Ai dám tuyên bố mình biết sự sống đã ra đời như thế nào thì ắt người đó là “người ngu hoặc bất lương”.

13/ Paul Davies, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Anh

Trong cuốn “The Fifth Miracle: The Search for the Origin and Meaning of Life” (Phép mầu thứ năm: Cuộc tìm kiếm Nguồn gốc và Ý nghĩa sự Sống) do Simon & Schuster xuất bản tại New York năm 2000, trang 17-18, Paul Davies viết:

“Nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy không yên tâm khi tuyên bố trước công chúng rằng nguồn gốc sự sống là một bí ẩn, mặc dù đằng sau cánh cửa đóng kín họ thoải mái thừa nhận họ đang gặp khó khăn. Dường như có hai lý do làm cho họ không yên tâm. Trước hết, họ cảm thấy điều đó sẽ mở cửa cho những người theo tôn giáo chính thống… Thứ hai, họ lo lắng rằng một sự thừa nhận thẳng thắn về sự thiếu hiểu biết sẽ làm giảm các quỹ tài trợ, đặc biệt là tài trợ cho việc tìm kiếm sự sống trong không gian”.

BÌNH LUẬN:

Cám ơn ông Paul Davies vì ông đã bóc trần sự giả dối của các chuyên gia về nguồn gốc sự sống. Theo ông, các chuyên gia này phải che đậy sự thật vì 2 lý do chủ yếu:

Một, khó khăn và thất bại của thuyết phi tạo sinh sẽ ủng hộ đức tin vào Đấng Sáng tạo.

Hai, chương trình nghiên cứu của thuyết phi tạo sinh sẽ bị cắt nguồn tài trợ, và các nhà tiến hoá sẽ gặp khó khăn về đời sống,

14/ Addy Pross, Giáo sư hoá học Đại học Ben-Gurion, Israel

Trong cuốn “What Is Life? How Chemistry Becomes Biology” (Sự sống là gì? Làm thế nào hoá học biến thành sinh học), do Oxford University Press xuất bản tại New York, 2012, trang ix-x:

“Mặc dù có những tiến bộ sâu sắc trong sinh học phân tử trong nửa thế kỷ trước, chúng ta vẫn không hiểu sự sống là gì, nó liên quan đến thế giới vô sinh như thế nào và nó xuất hiện ra sao. Thật vậy, trong nửa thế kỷ qua, nỗ lực đáng kể đã được hướng vào việc cố gắng giải quyết các vấn đề cơ bản này, nhưng cánh cổng đến Miền Đất Hứa dường như xa vời hơn bao giờ hết. Giống như một ảo vọng trên sa mạc, đúng vào lúc những cây cọ lung linh trên đường chân trời báo hiệu ốc đảo dường như thành hiện thực, chúng lại biến mất một lần nữa, làm cho cơn khát hiểu biết của chúng ta không dừng lại, mong muốn nhận thức thấu đáo của chúng ta không được thoả mãn”.

BÌNH LUẬN:

Cơn khát hiểu biết mà Addy Pross mô tả là nguồn động lực thôi thúc loài người tìm đến Miền Đất Hứa, nơi chân lý được sáng tỏ. Nhưng đường đến Miền Đất Hứa không chỉ có một, mà có nhiều. Khoa học chỉ là một trong số những con đường đó. Mỗi con đường chỉ đưa ta tới một vùng của Miền Đất Hứa. Không có con đường nào đưa ta đến tất cả các vùng. Con người chỉ có thể đi trên một vài con đường, và có thể đến một vài vùng, không bao giờ đến được tất cả các vùng, bởi vì thế giới chân lý quá rộng so với khả năng nhận thức của con người. Đó là một trong những hệ quả triết học quan trọng nhất của Định lý Gödel, tức Định lý Bất toàn của Gödel .

Một số người thắc mắc rằng Định lý Gödel là một định lý toán học, thậm chí chỉ đề cập tới những hệ logic hình thức, vậy cớ gì đem ra ứng dụng tuỳ tiện, bừa bãi. Ai nghĩ như thế thì xem ra người ấy hiểu biết quá ít về định lý này. Điều đặc biệt thú vị của định lý này chính là ở chỗ ý nghĩa của nó vượt ra khỏi phạm vi toán học, và tác động bao trùm lên tất cả mọi địa hạt của nhận thức. Chính vì thế Định lý Gödel mới được đánh giá là khám phá toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20, sánh ngang với Thuyết Tương đối của Einstein và Nguyên lý Bất định của Heisenberg. Một dịp khác chúng ta sẽ thảo luận thêm về Định lý Gödel, nhưng hôm nay hãy áp dụng nó vào sinh học, chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời đối với bài toán nguồn gốc sự sống.

Theo Định lý Gödel, không có hệ logic nào có thể tự chứng minh hệ tiên đề của nó. Nói cách khác, không có hệ thống nhận thức duy lý nào có thể tự chứng minh nguyên nhân ban đầu của mình. Muốn chứng minh nguyên nhân ban đầu, phải đi ra ngoài hệ. Giáo sự Tạ Quang Bửu lúc sinh thời từng nói: “Cái đúng của toán học phải tìm ngoài toán học”.

“Cái đúng của toán học” là cái gì? Đó là hệ tiên đề của toán học, vì toàn bộ toán học sẽ đúng hoặc sai tuỳ thuộc vào hệ tiên đề. Nếu hệ tiên đề đúng, với một hệ thống suy diễn logic chặt chẽ và chính xác, các định lý toán học sẽ đúng. Ngược lại, nếu hệ tiên đề sai, với một hệ thống suy diễn logic chặt chẽ và chính xác, các định lý toán học sẽ sai. Vậy cái đúng của toán học dựa trên cái đúng của hệ tiên đề. Nhưng làm thế nào để biết hệ tiên đề của toán học là đúng hay sai? Không có cách nào cả, từ thế kỷ 17 thần đồng toán học Blaise Pascal đã nhấn mạnh rằng chỉ có TRỰC GIÁC mới có thể nhận biết cái đúng của các tiên đề. Nhưng trực giác không phải là toán học. Nó nằm ngoài toán học, đúng như GS Tạ Quang Bửu đã nói.

Trở lại với vấn đề NGUỒN GỐC SỰ SỐNG, có thể nói rằng thuyết phi tạo sinh thực chất là một tham vọng chứng minh nguyên nhân đầu tiên của sự sống bằng lý thuyết về sự sống. Tham vọng này trái với Định lý Gödel, và do đó nó ắt phải thất bại, và thực tế nó đã thất bại. Thất bại này lộ rõ ở hai thực tế không thể chối cãi sau đây:

Một, tất cả các thí nghiệm chế tạo sự sống dựa trên các phản ứng hoá học trong 150 năm qua đều thất bại, thậm chí ngày càng tồi tệ hơn. Tất cả những tuyên bố rằng đã có những thí nghiệm thành công đều là nói dối, như các nhà khoa học ở trên đã nói cho chúng ta biết.

Hai, câu hỏi “nguồn mã DNA là gì?” đã và đang dồn thuyết phi tạo sinh tới chỗ bế tắc. Bài toán tìm nguồn gốc sự sống hiện nay quy về việc trả lời câu hỏi đó. Định lý Gödel là một gợi ý triết học giúp chúng ta khẳng định rằng sẽ không bao giờ có câu trả lời khoa học cho câu hỏi đó.

Chỉ có câu trả lời triết học, tức là câu trả lời nằm bên ngoài các lý thuyết về sự sống. Chẳng hạn:

  • Câu trả lời của Francis Collins: Mã DNA là ngon ngữ của Chúa!
  • Câu trả lời của Anthony Flew: Mã DNA là bằng chứng cho thấy ắt phải có Trí tuệ Siêu Thông minh – Nhà Thiết kế Sự Sống.

 

PVHg, Sydney 27/02/2019


[1] The belief that life on earth arose spontaneously from nonliving matter, is simply a matter of faith in strict reductionism and is based entirely on ideology (Hubert Yockey) https://www.azquotes.com/quote/736476

Advertisement

2 thoughts on “A Faraway Promise Land / Miền đất hứa xa vời

  1. Dạ chào bác Hưng, hôm qua khi con đang đọc kinh thánh thì con chợt nghĩ ra điều này thưa bác: địa ngục là gì? Nó như thế nào? Và có gì ở nơi đó, dựa theo kinh thánh, địa ngục là nơi đau khổ, chịu đựng sự chết đến đời đời và hơn hết, nó là nơi của quỷ dữ. Vậy để đối nghịch với Đức Chúa Trời, quỷ dữ nó sẽ làm gì? Nói gì về địa ngục? Cái duy nhất mà con có thể nghĩ ra đó là nó sẽ nói rằng địa ngục là nơi có tiền, có vàng bạc, nhà lầu, xe hơi, … có lẽ có cả phi thuyền nữa bác ạ? Có lẽ bác cũng đã biết con muốn nói điều gì rồi phải không bác? Vậy bác có nghĩ rằng những kẻ dạy con người những điều đó đó có phải là kẻ tốt? Những kẻ đó tôn thờ ai?

    Thích

    • Địa Ngục là nơi hành hạ linh hồn của những kẻ tội lỗi.

      Nơi có tiền bạc xa hơi nhà lầu là một cõi giới khác.

      Những người dạy con người những điều đó là tốt hay xấu hãy để Chúa phán xét.

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s