Big Bang’s Challenge / Thách thức của Big Bang

The Big Bang Theory posed a very great challenge for science: Who lit the blue touchpaper and set the universe going? Instead of giving a credible answer, “The Great Design” by Stephen Hawking revealed the impasse of naturalism. Interestingly, Professor John Lennox at Oxford University has rejected Hawking by insightful science-philosophical arguments.

Lý thuyết Big Bang đặt ra một thách thức rất lớn cho khoa học: Ai đã châm ngòi cho vũ trụ bùng nổ để rồi vận hành? Thay vì đưa ra một câu trả lời đáng tin cậy, cuốn “Thiết kế Vĩ đại” của Stephen Hawking đã để lộ sự bế tắc của chủ nghĩa tự nhiên. Thú vị thay, Giáo sư John Lennox tại Đại học Oxford đã bác bỏ Hawking bằng những luận cứ triết học khoa học sâu sắc.

Ai châm ngòi cho Big Bang? Đó là một câu hỏi KHÓ, rất khó, đặc biệt đối với các nhà khoa học vô thần, trong đó có Stephen Hawking. Có lần Hawking nói đại ý rằng thật là “phiền” vì chính ông và Roger Penrose đã góp phần vào Lý thuyết Big Bang bằng cách chứng minh rằng vũ trụ ắt phải có điểm khởi đầu, và điều này đẩy khoa học đến một thách thức vô cùng lớn là phải lựa chọn dứt khoát một trong hai đáp án sau đây:

  • Đáp án 1: Mọi sự khởi đầu của Big Bang đều do Chúa tạo ra.
  • Đáp án 2: Có một tác nhân vật chất trước Big Bang tạo ra sự khởi đầu của Big Bang.

Đáp án 1 là câu trả lời của các nhà khoa học theo Thuyết Sáng tạo và Lý thuyết Thiết kế Thông minh, đã được trình bày trong bài “Nan đề Sáng thế / Genesis Problem[1] trên PVHg’s Home ngày 13/11/2013.

Đáp án 2 là mong muốn của Hawking và các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên. Nhưng hơn nửa thế kỷ qua, họ không tìm thấy và không thể tìm thấy câu trả lời. Đó là tình trạng bế tắc của chủ nghĩa tự nhiên mà nhiều người không hay biết.

Riêng Stephen Hawking, trước đây ông từng nhắc đến “ý Chúa” và tin rằng vũ trụ đã được thiết kế hoàn hảo cho sự sống nẩy sinh. Nhưng cuối đời ông lại ngả theo chủ nghĩa tự nhiên. Những ai đã từng đọc những tác phẩm và những bài báo hoặc bài giảng trước đây của Hawking như “Lược sử Thời gian” (1988), “Gödel và sự kết thúc của vật lý” (2002), “Lý thuyết về mọi thứ, một lý thuyết khó đạt được” (2010)… sẽ thấy Hawking từng tin tưởng mạnh mẽ vào các bằng chứng của thiết kế thông minh trong vũ trụ, coi thiết kế thông minh là nhu cầu tất yếu để giải thích nguồn gốc vũ trụ. Thậm chí khi ấy, Hawking tỏ ra thấm nhuần Định lý Gödel đến mức thấy rằng khoa học sẽ không bao giờ có một lý thuyết đầy đủ để giải thích vũ trụ. Nhưng tiếc thay, với bản chất vô thần, rốt cuộc ông đã cố gắng gạt bỏ Chúa để tự nhào nặn lại bản thân theo chủ nghĩa tự nhiên. Đó là lý do ra đời cuốn “Thiết kế Vĩ đại” năm 2010.

1/ Chủ nghĩa tự nhiên trong “Thiết kế Vĩ đại”

Chủ nghĩa tự nhiên (Naturalism) là chủ nghĩa cho rằng Tự Nhiên là vật chất và chỉ có vật chất, do đó mọi hiện tượng tự nhiên đều có thể và chỉ có thể giải thích bằng các tương tác vật chất. Vì thế, chủ nghĩa tự nhiên không chấp nhận vai trò của Đấng Sáng tạo hoặc Nhà Thiết kế Vũ trụ.

Tên cuốn sách cuối cùng của Hawking, “Thiết kế Vĩ đại”, làm cho nhiều người tưởng rằng nó sẽ chứng minh sự hiện hữu của Nhà Thiết kế Vĩ đại, hóa ra nó phủ nhận. Thật vây, Hawking tuyên bố:

  • Vũ trụ khởi đầu với Big Bang, vụ nổ lớn này đơn giản là tuân thủ định luật tất yếu của vật lý. Vì có một định luật như luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không” (The universe began with the Big Bang, which simply followed the inevitable law of physics. Because there is a law such as gravity, the universe can and will create itself from nothing).
  • Sự hình thành vũ trụ tự phát là lý do để có một cái gì đó thay vì không có gì cả, lý do tại sao vũ trụ tồn tại, tại sao chúng ta tồn tại. Không cần phải cầu viện đến Chúa để châm ngòi nổ và đưa vũ trụ vào vận hành” (Spontaneous creation is the reason there is something rather than nothing, why the universe exists, why we exist. It is not necessary to invoke God to light the blue touch paper and set the universe going).
  • Triết học đã chết. Nó không bắt kịp sự phát triển của khoa học hiện đại, đặc biệt là vật lý. Do đó các nhà khoa học đã trở thành những người cầm đuốc trong công cuộc khám phá nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của chúng ta” (Philosophy is dead. It has not kept up with modern developments in science, particularly in physics. As a result scientists have become the bearers of the torch of discovery in our quest for knowledge).

Những phát biểu trên gây ra một phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng khoa học. Giáo sư John Lennox, nhà toán học và triết học khoa học tại Đại học Oxford lên tiếng:

“Thật là một phát biểu lạ lùng kinh dị! Ngoài thái độ ngạo mạn kiêu căng của câu nói này, nó chứa đựng bằng chứng tuyệt vời cho thấy ít nhất có một nhà khoa học, đó chính là Hawking, không chỉ không bắt kịp với triết học, mà dường như còn không hiểu điều đầu tiên về triết học là gì, và câu nói ấy cũng không phù hợp với những quy tắc cơ bản của phân tích logic. Thật vậy, bản thân phát biểu của Hawking là một nhận định triết học. Rõ ràng nó không phải là một phát biểu về khoa học; nó là một phát biểu mang tính triết học về khoa học. Nó nói rằng triết học đã chết, do đó nó mâu thuẫn với chính nó. Đó là một thí dụ kinh điển về tính luẩn quẩn logic”.

Ý kiến nói trên và nhiều quan điểm của GS Lennox được giới thiệu trong mục tiếp theo là những trích lược từ bài báo của ông nhan đề “Stephen Hawking và Chúa”[2], trên trang RZIM ngày 23/11/2010.

Cuộc đối đáp giữa Hawking và Lennox có thể xem như một biểu tượng của cuộc tranh luận giữa hai trào lưu tư tưởng điển hình trên thế giới ngày nay: Thuyết Sáng tạo (và Thiết kế Thông minh) đối đầu với Chủ nghĩa Tự nhiên. Nếu Hawking từng tuyên bố “Thiên đường là chuyện cổ tích dành cho những người sợ bóng tối” thì John Lennox cũng từng đáp trả: “Chủ nghĩa vô thần là chuyện cổ tích dành cho những người sợ ánh sáng”. Nếu Hawking cho ra mắt cuốn “Thiết kế vĩ đại” để kết luận vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không thì ngay lập tức Lennox chỉ ra những khiếm khuyết sơ đẳng về logic trong lập luận của “Thiết kế Vĩ đại”, cả về mặt khoa học lẫn triết học.

2/ Tính phi logic của “Thiết kế Vĩ đại”

Theo John Lennox:

Khi Hawking diễn giải và áp dụng khoa học vào những vấn đề cơ bản như sự hiện hữu của Chúa thì ông đã rơi vào lĩnh vực siêu hình. Nói “triết học đã chết” là tự đưa mình vào bẫy khi chính mình đang thảo luận triết học. Chẳng hạn, khi Hawking nói “Vì có một định luật như định luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không”, thì rõ ràng là ông đã giả định rằng lực hấp dẫn hoặc định luật hấp dẫn đã tồn tại. Như thế thì đâu phải là “hư không”? Vậy vũ trụ không phải đã được tạo ra từ “hư không” như Hawking nói.

Tệ hơn nữa, câu nói “vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không” là một mệnh đề tự mâu thuẫn về logic ngữ nghĩa. Thật vậy, khi nói “X tạo ra Y” thì có nghĩa là X ĐÃ TỒN TẠI từ trước để từ đó mới dẫn tới sự tồn tại của Y. Nếu nói “X tạo ra X” thì có nghĩa là thừa nhận sự tồn tại của X để suy ra sự tồn tại của X. Tóm lại, lập luận của Hawking là: THỪA NHẬN SỰ TỒN TẠI CỦA VŨ TRỤ ĐỂ SUY RA SỰ TỒN TẠI CỦA VŨ TRỤ!

Không thể tưởng tượng nổi một lập luận logic luẩn quẩn như thế có thể được chấp nhận bởi những nhà khoa học nổi tiếng có uy tín cao. Không chỉ Hawking lập luận như vậy. Nhà hóa học Peter Atkins, cũng là một nhà khoa học vô thần nổi tiếng tại Đại học Oxford, có những quan điểm tương tự. Ông này cho rằng không-thời-gian tạo ra các đám mây bụi của nó trong quá trình tự lắp ráp nó. Atkins gọi quá trình này là nguyên lý “vũ trụ tự lắp ráp” (cosmic bootstrap). Nguyên lý này làm ta liên tưởng tới những hệ thống tự mâu thuẫn như trường hợp một người tự túm tóc mình để nhấc bổng mình lên.

Nhà triết học Keith Ward tại Đại học Oxford nhận xét: Nguyên lý “tự lắp ráp vũ trụ” là bất khả thi về mặt logic, vì không thể có một kết quả vật lý mà không có một thực thể vật lý đã tồn tại từ trước đó. Ward kết luận rằng tư tưởng “tự lắp ráp vũ trụ” chắc chắn thất bại.

John Lennox kết luận: “Sự vô nghĩa vẫn là vô nghĩa ngay cả khi nó được nói ra bởi những nhà khoa học nổi tiếng thế giới (nonsense remains nonsense even when talked by world-famous scientists).

Lennox nhắc nhở: “Isaac Newton, một bậc tiền bối từng ngồi trên chiếc ghế của Hawking tại Đại học Cambridge, là người khám phá ra Định luật Hấp dẫn, nhưng không bao giờ nói “Bây giờ tôi có lực hấp dẫn, tôi không cần Chúa”. Điều ông làm là viết cuốn “Nguyên lý Toán học của Triết học Tự nhiên” (Philosophiæ Naturalis Principia Mathematica), cuốn sách nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa học, thể hiện niềm hy vọng rằng nó sẽ “thuyết phục những người biết suy nghĩ” tin vào Chúa”.

Lennox nhấn mạnh: “Định luật hấp dẫn do Newton khám phá không tạo ra lực hấp dẫn. Thậm chí nó cũng không giải thích lực hấp dẫn, như Newton tự nhận thấy”.

Theo Lennox, tư tưởng của chủ nghĩa tự nhiên cho rằng những định luật toán học thông minh tự nó dẫn tới sự tồn tại của vũ trụ và sự sống là một câu chuyện hoàn toàn chỉ là khoa học viễn tưởng.

Và Lennox gợi ý: Nếu Hawking không dửng dưng với triết học như thế thì có thể một lúc nào đó ông đã tình cờ gặp một nhận định triết học thâm thúy do nhà triết học trứ danh Ludwig Wittgenstein nêu lên từ những năm 1920. Đó là cụm từ “sự lừa dối của chủ nghĩa hiện đại” (deception of modernism). Cụm từ này nói rằng chủ nghĩa hiện đại đã lừa dối thiên hạ khi tuyên truyền tư tưởng cho rằng các định luật tự nhiên có thể GIẢI THÍCH thế giới, trong khi thực tế chúng chỉ MÔ TẢ thế giới mà thôi.

Liệu giới khoa học chạy theo chủ nghĩa tự nhiên có hiểu được ý tứ thâm sâu trong ý kiến của Wittgenstein không?

Richard Feynman, một nhà vật lý đoạt Giải Nobel, đẩy vấn đề đi xa hơn khi cho rằng bản thân sự tồn tại của các quy luật vật lý ở khắp mọi nơi mà chúng ta có thể kiểm nghiệm được chính là một PHÉP LẠ, chẳng hạn như sự tồn tại của định luật hấp dẫn với nghịch đảo của bình phương khoảng cách là một phép lạ.

Đối với Albert Einstein, một trong những nhà tư tưởng khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại, thì chính cái sự thật rằng những định luật tự nhiên có thể được công thức hóa bằng toán học là điều thường xuyên làm cho ông kinh ngạc, đến mức ông cho rằng cái sự thật đó nằm ở phía bên kia tầm với của vật lý và mang tính “thần thánh cao cấp vượt trội hơn hẳn tinh thần của con người” (spirit vastly superior to that of man).

Chú ý rằng Hawking đã thất bại trong việc trả lời câu hỏi cốt lõi: Tại sao thế giới lại có cái gì đó chứ không phải là hư không? Ông nói rằng sự tồn tại của lực hấp dẫn (hoặc định luật hấp dẫn) có nghĩa là sự hình thành của vũ trụ là không thể tránh được. Nhưng làm thế nào mà lực hấp dẫn (hoặc định luật hấp dẫn) xuất hiện trước tất cả mọi thứ? Lực sáng tạo nào nằm đằng sau sự ra đời của nó? Ai đặt nó ở đấy với tất cả mọi tính chất của nó và khả năng mô tả nó bằng toán học?

Allan Sandage, người được hầu hết các nhà khoa học xem như cha đẻ của thiên văn hiện đại, người khám phá ra quasars và đoạt Giải Crafoord, một giải thưởng thiên văn học sánh ngang với Giải Nobel, không do dự gì để trả lời: “Tôi thấy không thể xảy ra chuyện trật tự sinh ra từ hỗn độn. Ắt phải có một nguyên lý tổ chức nào đó. Đối với tôi, Chúa là một bí ẩn nhưng là lời giải thích đối với phép lạ của sự tồn tại ─ tại sao phải có cái gì đó chứ không phải là hư không”

Trong khi cố né tránh bằng chứng rõ ràng đối với sự tồn tại của trí tuệ thông minh thần thánh đằng sau Tự Nhiên, các nhà khoa học vô thần bị ép buộc phải gán ghép sức mạnh sáng tạo cho những ứng cử viên ít được tin cậy như khối lượng / năng lượng và các định luật tự nhiên, vì chính bản thân những lý thuyết do họ nêu lên nhằm gạt bỏ “Chúa của những khoảng trống”[3] đều mang tính phỏng đoán rất cao và không thể nào kiểm chứng được.

Đó là tình trạng bế tắc của khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên. Bằng mọi giá các nhà khoa học theo chủ nghĩa này phải thoát ra khỏi bế tắc đó. Không có bất kỳ một thực tế nào giúp họ tìm thấy lối thoát. Họ buộc phải phỏng đoán, rồi từ phỏng đoán tạo dựng nên những giả thuyết mới. Đưa các phương trình toán học vào để tạo cho nó một “vẻ đẹp quyến rũ của khoa học” để dễ bề thuyết phục đám đông. Đó là lý do ra đời những lý thuyết “khủng”, làm cho những người mắc bệnh sùng bái khoa học (scientism) mở to mắt thán phục, tin đó là “khoa học hiện đại”. Nhưng những người có bản lĩnh khoa học và triết học thì biết đó chỉ là những cái thùng rỗng kêu to, bởi “Vô nghĩa vẫn là vô nghĩa, cho dù được nói ra bởi những nhà khoa học nổi tiếng thế giới”, như John Lennox đã nói.

3/ Những lý thuyết “khủng” hy vọng của chủ nghĩa tự nhiên

Giống như mọi nhà vật lý khác, Hawking phải đối mặt với bằng chứng mạnh mẽ của thiết kế vũ trụ, và ông đã từng thừa nhận phải có nhà thiết kế đứng đằng sau những thiết kế ấy. Nhưng trong những năm cuối đời ông đã chuyển sang chủ nghĩa tự nhiên, cố tìm ra lý lẽ để tránh phải thừa nhận Chúa. Lý lẽ của ông dựa vào hai nguồn chủ yếu. Đó là Thuyết Đa Vũ trụ (Multiverse) và Lý thuyết M (M Theory).

Với tiếng tăm là “người thông minh nhất sau Einstein”, Hawking được đám đông sùng bái đến mức coi ông là đại diện của “khoa học hiện đại”, và đã là “khoa học hiện đại” thì ắt phải đúng (!). Hôm qua Hawking bảo “Nếu tìm thấy Lý thuyết Thống nhất Vật lý thì nhân loại sẽ hiểu được ý Chúa”, Hawking ắt phải đúng. Ngày mai Hawking bảo “Chúa không cần thiết, vì vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không”, Hawking cũng ắt phải đúng. Có Chúa cũng đúng, không có Chúa cũng đúng. Cái đám đông coi Hawking là thánh này có lẽ chính là cái đám đông mà Einstein đã nhắc đến trong cuốn “Thế giới như tôi thấy” (NXB Tri thức 2005, trang 210):

“Tính đa số của những người ngu xuẩn là vô địch và thiên thu trường tại”. Trong con mắt của Einstein: “It có ai thanh thản nói ra ý kiến đi chệch khỏi định kiến của chung quanh; phần đông thậm chí không đủ sức có được những ý kiến như thế!”.

Có lẽ vì có một cái đám đông như thế vây quanh mình nên Hawking tự tin đến mức nói ra nhiều ý kiến trước và sau mâu thuẫn với nhau, nhưng ông không cảm thấy áy náy. Đơn giản vì đám đông tin vào uy tín của ông nhiều hơn là có đủ trình độ khoa học và triết học để tự nhận thức đúng/sai. Sự chuyển biến tư tưởng của Hawking biểu lộ rõ nét trong cuốn “The Time Eureka” (Thời đại Eureka), trang 28: “Vũ trụ của chúng ta và những định luật của nó dường như đã được thiết kế cho chúng ta và, nếu chúng ta đang tổn tại, thì rất ít có chỗ để thay thế. Điều đó không dễ giải thích và làm dấy lên câu hỏi tự nhiên tại sao vũ trụ lại như thế… Khám phá tương đối gần đây về những điều chỉnh cực kỳ tinh tế của rất nhiều định luật tự nhiên có thể dẫn ít nhất một số trong chúng ta quay ngược trở về tư tưởng cổ điển rằng bản thiết kế vĩ đại này là công trình của một nhà thiết kế vĩ đại nào đó… Đó không phải là câu trả lời của khoa học hiện đại… vũ trụ của chúng ta dường như là một trong nhiều vũ trụ, mỗi vũ trụ có những định luật khác nhau”.

Cái mà Hawking gọi là “khoa học hiện đại” là cái gì vậy? Đó là Thuyết đa vũ trụ (multiverse), một sáng tác nhằm cứu vãn cho tình trạng bế tắc mà Lý thuyết Big Bang đã tạo ra.

Lý thuyết đa vũ trụ có đại diện cho cái gọi là “khoa học hiện đại” không? Câu trả lời là KHÔNG! Bởi đó mới chỉ là một GIẢ THUYẾT, mặc dù nó được diễn giải bởi vật lý và toán học. Rất nhiều nhà khoa học hàng đầu coi nó là một thứ siêu hình học, bởi hoàn toàn không có bằng chứng và không thể kiểm chứng (một số tin tức trên báo chí loan tải rằng có thể kiểm chứng thuyết đa vũ trụ, nhưng đó chỉ là những niềm hy vọng làm yên lòng chủ nghĩa tự nhiên).

John Lennox bình luận:

Nhưng hãy trở lại cái đa vũ trụ của Hawking. Tại đây, một lần nữa, ông lại vượt ra khỏi lĩnh vực khoa học để xâm nhập vào vương quốc triết học mà cái chết của nó đã được chính ông thông báo trong chính quyển sách đó” (cuốn “Thời đại Eureka” nói trên).

Vả lại, Hawking tự cho mình là tiếng nói của khoa học hiện đại. Điều này gây ra một ấn tượng nhầm lẫn ở những nơi mà thuyết đa vũ trụ được đề cập đến, bởi vì trong thực tế có những ý kiến phê phán nặng nề trong khoa học không ủng hộ quan điểm của Hawking. Chẳng hạn, John Polkinghorne, một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc, đã bác bỏ khái niệm đa vũ trụ rằng “Hãy để mọi người nhận ra những phỏng đoán của thuyết đa vũ trụ là cái gì. Những phỏng đoán ấy không phải là vật lý, mà theo một nghĩa chặt chẽ nhất, đó là siêu hình học”.

Một lý thuyết khác mà Hawking hy vọng sẽ giải thoát khoa học khỏi bế tắc là “Lý thuyết M”, một lý thuyết có tham vọng trở thành một TOE (Theory of Everything), tức Lý thuyết về mọi thứ, cho phép giải thích mọi hiện tượng vật lý.

Cụ thể, Lý thuyết M là lý thuyết tổng hợp các lý thuyết dây (string theories), do nhiều nhà khoa học góp công xây dựng. Sáng tạo kỳ lạ của nó là ở chỗ cho rằng thành phần vật chất nhỏ nhất của vũ trụ không phải là các hạt, mà là những thực thể giống như những sợi dây xoắn trong không gian 11 chiều. Toán học mô tả lý thuyết này phức tạp đến nỗi các nhà khoa học đều phải “ngã mũ nghiêng mình kính cẩn cúi chào”, và Edward Witten, tác giả của nó, được coi là “Einstein trong thời đại ngày nay”.

Hawking cũng tự tin cho rằng Lý thuyết M chính là ứng cử viên số 1 của “Lý thuyết Thống nhất mà Einstein dự kiến sẽ tìm thấy”. Trong cuốn “Lược sử Thời gian” (A Brief History of Time) xuất bản năm 1988, Hawking từng nói “Nếu tìm được Lý thuyết Thống nhất thì nhân loại sẽ biết được ý Chúa”. Có nghĩa là nếu Lý thuyết M được kiểm chứng trên thực tế thì đó là lúc khoa học biết được ý Chúa. Khoa học sẽ ca khúc khải hoàn, con người sẽ không cần đến Chúa nữa, bởi mọi sự thật đã được khoa học giải thích.

Nhưng đó là một thứ lạc quan tự đánh lừa mình. Lennox mỉa mai: còn quá xa để khoa học có thể “biết được ý Chúa”. Để chứng minh điều này, Lennox dẫn lời các nhà khoa học bậc nhất trong thời đại ngày nay:

Don Page, một nhà vật lý lý thuyết tại Đại học Alberta, một cựu sinh viên của Hawking từng có tám công trình đứng tên đồng tác giả với Hawking, nói: “Tôi chắc chắn sẽ đồng ý rằng ngay cả khi lý thuyết M được trình bày hoàn toàn rõ ràng đầy đủ (mà hiện nay thì chưa) và chính xác (mà hiện nay chúng ta không biết), thì nó cũng không ngụ ý rằng Chúa không sáng tạo ra vũ trụ”.  Nói cách khác, theo Don Page, dù khoa học có sáng tác ra cái gì đi chăng nữa, “Multiverse” hay “M Theory” hay bất kể cái gì “khủng” hơn nữa thì cũng chẳng bao giờ nó có thể phủ nhận được vai trò của Nhà Thiết kế của vũ trụ. Đây là vấn đề triết học chứ không phải khoa học.

Những người bảo vệ Lý thuyết M như Witten và Hawking làm cho chúng ta tin rằng lý thuyết này đã hoàn hảo đâu ra đấy. Nhưng trong những năm vừa qua những ý kiến phê phán đối với lý thuyết này ngày càng sắc bén hơn. Những phê phán này lập luận rằng thậm chí Lý thuyết M không phải một lý thuyết khoa học thực sự vì nó không thể hiểm chứng bằng thực nghiệm được.

Paul Davies, Giáo sư Đại học Tiểu bang Arizona, một nhà vật lý nổi tiếng với nhiều sách phổ biến khoa học trình độ cao, nói về Lý thuyết M như sau: “Lý thuyết đó không thể kiểm chứng được, thậm chí không nằm trong bất kỳ một tương lai nào có thể nhìn thấy trước”.

Nhà vật lý tại Đại học Oxford, Frank Close, còn đi xa hơn: “Lý thuyết M thậm chí không xác định được… chúng ta thậm chí được nghe nói rằng ‘Dường như không ai biết chữ M mang ý nghĩa gì’. Có lẽ đó là một chuyện hoang đường”. Close kết luận: “Tôi không thấy Lý thuyết M giúp được một tí gì cho cuộc tranh luận về Chúa, dù ủng hộ hay chống đối”.

Jon Butterworth, một nhà khoa học làm việc tại Máy Gia Tốc LHC ở Thụy Sĩ, tuyên bố: “Lý thuyết M mang tính chất phỏng đoán rất nhiều và chắc chắn nó không nằm trong phạm vi khoa học vì chúng ta không có bất kỳ một bằng chứng nào cho nó”.

Tóm lại, Hawking và các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên có quyền hy vọng vào những lý thuyết “khủng” có thể cứu họ. Không ai ngăn cản họ tuyên truyền rùm beng trên khắp các phương tiện truyền thông rằng những lý thuyết ấy là “khoa học hiện đại”. Nhưng trong con mắt của rất nhiều  người như Wittgenstein ngày xưa và John Lennox ngày nay thì đó chỉ là “sự lừa dối của chủ nghĩa hiện đại” (deception of modernism) mà thôi. Để thấy rõ hơn sự lừa dối đó, cần phân tích sâu sắc thêm một số chi tiết mà GS Lennox đã nêu lên.

4/ Về những hệ thống tự tạo ra nó

Khi đọc ý kiến của Lennox so sánh tư tưởng của Hawking về “vũ trụ tự tạo ra nó” với tư tưởng của nhà hóa học Peter Atkins về “vũ trụ tự lắp ráp” (cosmic bootstrap), tôi giật mình nhận ra rằng đây chính là những hệ thống tự quy chiếu (self-referential systems) mà Toán học thế kỷ 20 đã phải trả giá!

Thật vậy, đầu thế kỷ 20, David Hilbert và những nhà toán học theo chủ nghĩa hình thức phất cao ngọn cờ xây dựng siêu toán học (metamathematics), với tham vọng tìm ra một hệ thống lý thuyết toán học đầy đủ, phi mâu thuẫn, cho phép phán xét rõ trắng/đen, đúng/sai của mọi sự kiện toán học.

Nhưng chương trình Hilbert đã thất bại tan tành, vì siêu toán học là một hệ tự quy chiếu ─ nó dùng toán học để phán xét toán học. Theo logic, mọi hệ tự quy chiếu đều dẫn tới mâu thuẫn. Điều này đã được biết từ xa xưa, nhưng không ngăn nổi tham vọng của các nhà toán học theo chủ nghĩa hình thức. Phải chờ đến năm 1931, khi Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness) của Kurt Gödel ra đời thì siêu toán học mới thực sự lộ nguyên hình là một giấc mơ không tưởng (an utopian dream), hoặc một “chiếc chén thánh của toán học” (a Holy Grail of Mathematics).

Dường như các nhà vật lý và hóa học của chủ nghĩa tự nhiên không hay biết gì về bài học của toán học thế kỷ 20, vì thế mới nghĩ đến những hệ thống tự quy chiếu, như “vũ trụ tự tạo ra nó”, hoặc “vũ trụ tự lắp ráp”. Thật là nực cười khi những đầu óc khoa học sáng tác ra những hệ thống phi logic và phản logic như thế.

Nghịch lý Russell cũng cho ta bài học về những hệ thống tự quy chiếu. Nó chỉ ra rằng những tập hợp chứa tập hợp sẽ dẫn tới nghịch lý.

5/ Về giả thuyết đa vũ trụ

Phải nhấn mạnh rằng đây là một giả thuyết. Nhiều người nói đến giả thuyết này nhưng quen gọi nó là lý thuyết, dẫn tới những ngộ nhận đáng tiếc. Cần tỉnh táo để nhận rõ sự thật, tránh rơi vào tình trạng “lừa dối của chủ nghĩa hiện đại” mà Wittgenstein đã nhắc nhở. Vậy hãy lắng nghe ý kiến của những nhà khoa học cất lên tiếng nói nghi ngờ giả thuyết đa vũ trụ:

Richard Dawkins, một nhà sinh học tiến hóa vô thần nổi tiếng của Đại học Oxford, một người từng báng bổ Chúa, lẽ ra phải tán thưởng những học thuyết theo chủ nghĩa tự nhiên, vậy mà ông không thể chấp nhận được với cái gọi là “Thuyết đa vũ trụ”, ông nói: “Nguyên lý dao cạo Occam nói rằng bạn nên chọn sự giải thích đơn giản nhất và không phức tạp rắc rối. Vì vậy nguyên lý dao cạo Occam dẫn tôi tới chỗ thà tin vào Chúa còn hơn là tin vào Thuyết đã vũ trụ, một thuyết dường như hoàn toàn tưởng tượng đến mức phóng đại” (So Occam’s razor – Occam says you should choose the explanation that is most simple and straightforward – leads me more to believe in God than in the multiverse, which seems quite a stretch of the imagination)[4].

Paul Davies, nhà vũ trụ học, viết trên tờ New York Times 2003: “Những lời giải thích cực kỳ phức tạp gợi nhớ lại các thảo luận thần học. Thật vậy, viện đến một số vô hạn các vũ trụ không nhìn thấy để giải thích các đặc điểm không bình thường của cái mà chúng ta nhìn thấy cũng giống như trường hợp viện đến một Đấng Sáng tạo không nhìn thấy. Thuyết đa vũ trụ có thể được trang điểm bằng ngôn ngữ khoa học, nhưng thực chất nó đòi hỏi cùng một bước nhảy vọt của đức tin” (Extreme multiverse explanations are therefore reminiscent of theological discussions. Indeed, invoking an infinity of unseen universes to explain the unusual features of the one we do see is just as ad hoc as invoking an unseen Creator. The multiverse theory may be dressed up in scientific language, but in essence it requires the same leap of faith.)[5]

Đó là lý do để nhiều nhà khoa học nói rằng Thuyết đa vũ trụ thực chất là siêu hình học.

George Ellis, Giáo sư về các hệ phức tạp tại Khoa Toán, Đại học Cape Town, Nam Phi: “Các nhà khoa học đã đề xuất tư tưởng về đa vũ trụ như một cách giải thích bản chất của sự tồn tại. Rốt cuộc lý thuyết này để lại những câu hỏi không thể trả lời được vì nó là một vấn đề siêu hình không thể giải quyết được bởi khoa học kinh nghiệm. Việc kiểm chứng có thể quan sát được là đòi hỏi cốt lõi của khoa học, chớ nên từ bỏ” (Scientists have proposed the idea of the multiverse as a way of explaining the nature of existence… it ultimately leaves those questions unresolved because it is a metaphysical issue that cannot be resolved by empirical science… observational testing is at the core of science and should not be abandoned)[6]

Nhưng một khi thảo luận những vấn đề liên quan đến Nguồn gốc Vũ trụ mà không áp dụng Định lý Gödel thì sẽ là một thiếu sót lớn

6/ Dưới sánh sáng của Định lý Gödel

Stephen Hawking thấm nhuần Định lý Gödel đến mức đã có một bài giảng tuyệt vời, đó là bài “Gödel và sự kết thúc của vật lý” (Gödel & The End of Physics), được công bố năm 2002.

Mọi nhận xét về Hawking sẽ sai lệch nếu không đọc bài giảng này. Nguyên bản tiếng Anh nằm trong một trang mạng của chính ông: Stephen Hawking http://www.hawking.org.uk/

Bản dịch tiếng Việt của Phạm Việt Hưng đã đăng trên tạp chí Khoa học & Tổ quốc Tháng 04/2012, và đã công bố trên PVHg’s Home ngày 27/03/2012, dưới tiêu đề “Gödel và sự kết thúc của vật lý (S.Hawking)

Bài giảng đi tới kết luận:

Nhưng chúng ta không phải là thiên thần nhìn vũ trụ từ bên ngoài. Thay vào đó, cả chúng ta lẫn các mô hình của chúng ta đều là một bộ phận của vũ trụ mà chúng ta đang mô tả. Như vậy, một lý thuyết vật lý là một hệ tự quy chiếu, như trong định lý của Gödel. Do đó người ta có thể cho rằng nó hoặc không nhất quán hoặc không đầy đủ. Cho đến nay, các lý thuyết hiện có vừa không nhất quán vừa không đầy đủ”.

Kết luận trên hoàn toàn đúng. Đó là một hệ quả triết học của Định lý Gödel áp dụng vào vật lý học.

Thật vậy, theo Định lý Gödel, mọi hệ tự quy chiếu đều dẫn tới mâu thuẫn. Nói cách khác, một hệ logic tự phán xét chính mình sẽ dẫn tới mâu thuẫn. Đó là trường hợp siêu toán học trong thế kỷ 20.

Bài học của siêu toán học là:

  • Mọi hệ logic không thể tự phán xét mình một cách đầy đủ và không thể tự chứng minh mình là một hệ phi mâu thuẫn.
  • Muốn phán xét một hệ logic đầy đủ hơn và chính xác hơn, phải đi ra ngoài hệ logic đó. Chẳng hạn, muốn chứng minh Hình học là một hệ logic phi mâu thuẫn, không thể không sử dụng đến Số học.

Áp dụng Định lý Gödel vào vật lý, chúng ta nhận thấy:

  • Vũ trụ là một hệ logic, vì nó tuân thủ các định luật một cách xác định. Tập hợp tất cả các định luật vật lý, các lý thuyết vật lý, chính là một hệ logic phản ánh vũ trụ.
  • Theo Định lý Gödel, muốn mô tả vũ trụ một cách đầy đủ và chính xác, chúng ta phải đi ra ngoài vũ trụ. Dường như Thuyết đa vũ trụ cũng muốn đi ra ngoài vũ trụ để mô tả vũ trụ, nhưng họ chỉ có thể đi ra ngoài vũ trụ bằng trí tưởng tượng trên mây trên gió, chứ không bao giờ có thể THỰC SỰ đi ra ngoài vũ trụ. Chính Hawking đã nói, chúng ta không phải các thiên thần để bay ra ngoài vũ trụ. Vậy tất cả các lý thuyết vật lý sẽ không bao giờ có thể mô tả vũ trụ một cách đầy đủ và chính xác. Nói ngắn gọn và dễ hiểu: KHÔNG BAO GIỜ CHÚNG TA CÓ THỂ HIỂU ĐẦY ĐỦ VÀ CHÍNH XÁC VỀ VŨ TRỤ.
  • Vì thế, tất cả các lý thuyết vật lý chúng ta có đến nay, như Hawking đã KẾT LUẬN rất đúng đắn, rằng chúng vừa không nhất quán (có thể mâu thuẫn với nhau) vừa không đầy đủ. Chú ý rằng ông nói điều này trong năm 2002, khi ấy đã có Thuyết đa vũ trụ và Lý thuyết M rồi!

Vậy câu hỏi đặt ra là:

Nếu không thể hiểu rõ vũ trụ thì làm sao có thể hiểu đa vũ trụ? Rõ ràng Thuyết đa vũ trụ chỉ là một giấc mơ hão huyền, tương tự như siêu toán học.

Dựa trên Định lý Gödel có thể tiên đoán Thuyết đa vũ trụ trước sau sẽ thất bại!

Tôi lấy làm lạ rằng tại sao Hawking, đã thể hiện sự thấm nhuần tư tưởng Định lý Gödel đến mức sâu sắc như ông đã thể hiện trong bài giảng “Gödel và sự kết thúc của vật lý” để rồi cuối cùng lại trở về với cách tư duy KHÔNG TƯỞNG của chủ nghĩa tự nhiên, trái với tinh thần Định lý Gödel, như đã thể hiện trong “Thiết kế Vĩ đại”.

Vậy chỉ có thể nghĩ rằng ông thấm nhuần chưa đủ. Nếu thực sự thấm nhuần Định lý Gödel thì phải nhận ra rằng:

Mọi lý thuyết có tham vọng giải thích NGUỒN GỐC của các hệ thống tự nhiên đều là không tưởng, bới vấn đề NGUỒN GỐC của các hệ thống tự nhiên chính là vấn đề TIÊN ĐỀ của các hệ logic, trong khi Định lý Gödel đã khẳng định rằng mọi hệ logic không thể tự nó chứng minh hoặc kiểm tra HỆ TIÊN ĐỀ của nó.

Hệ Tiên đề của một hệ logic chỉ có thể xây dựng dựa trên cơ sở TRỰC GIÁC hoặc dựa trên những nguyên lý đã được chứng minh hoặc thừa nhận trong một hệ logic khác.

Vấn đề giải thích nguồn gốc của một hệ thống tự nhiên chính là vấn đề chứng minh Hệ tiên đề của một hệ logic, vì các hệ thống tự nhiên là những hệ logic. Do đó, BÀI TOÁN GIẢI THÍCH NGUỒN GỐC LÀ BÀI TOÁN BẤT KHẢ!

Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn, tuyên bố:

“TO EXPLAIN EVERYTHING IS IMPOSSIBLE” = Giải thích mọi điều là bất khả!

  • Bài toán giải thích nguồn gốc vũ trụ là bài toán bất khả!
  • Bài toán giải thích nguồn gốc sự sống là bài toán bất khả!

Lý thuyết Big Bang không giải thích được nguồn gốc vũ trụ. Nó chỉ là một lý thuyết MÔ TẢ vũ trụ, đúng như Wittgenstein nói, rằng các định luật vật lý chỉ mô tả vũ trụ chứ không giải thích được vũ trụ. Tham vọng giải thích nguồn gốc vũ trụ bị chặn lại ở thời gian Planck, 10^(-43) giây kể từ Big Bang!

Tham vọng của Thuyết đa vũ trụ là tham vọng vượt qua bức tường Planck, đó là tham vọng không tưởng về khoa học và kém về triết học, tỏ ra thiếu hiểu biết về Định lý Gödel!

Xét về triết học, Hawking đã đi ngược chiều từ chỗ thấm nhuần Định lý Gödel (2002) đến chỗ bất chấp định lý này để viết cuốn “Thiết kế Vĩ đại” (2010).

7/ Kết luận

Nếu Hawking như vậy thì các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên khác cũng vậy. Ngày nay, với công cụ toán học trong tay và trí tưởng tượng có thừa, các nhà vật lý theo chủ nghĩa tự nhiên nhân danh khoa học ngày càng SÁNG TÁC ra quá nhiều giả thuyết siêu hình không thể kiểm chứng! “Các lý thuyết chúng ta có hiện nay vừa không nhất quán vừa không đầy đủ!” (Hawking). Với xu thế này, vật lý học có nguy cơ sẽ bị giảm độ tin cậy, nếu nó không tỉnh thức để định hướng lại.

Xin nhấn mạnh một lần nữa ý kiến của George Ellis ở trên: “Việc kiểm chứng có thể quan sát được là đòi hỏi cốt lõi của khoa học, chớ nên từ bỏ“. Chừng nào Thuyết đa vũ tru chưa được kiểm chứng thì chừng ấy đừng nên gọi nó là một lý thuyết khoa học. Hãy gọi nó là GIẢ THUYẾT ĐA VŨ TRỤ.

Chính Hawking nhắc nhở chúng ta: “Kẻ thù lớn nhất của sự hiểu biết không phải là sự ngu dốt, mà là ẢO TƯỞNG HIỂU BIẾT” (The greatest enemy of knowledge is not ignorance, it is the illusion of knowledge).

Khi gọi một giả thuyết “trên trời” là một lý thuyết, chúng ta vô tình đã tạo ra một ảo tưởng hiểu biết, và vô tình làm cái điều mà Ludwig Wittgenstein gọi là “sự lừa dối của chủ nghĩa hiện đại”.

Không chỉ Wittgenstein thấy điều đó. Dường như Kurt Gödel, tác giả Định lý Bất toàn vĩ đại, cũng thấy điều đó. Vì thế ông có một tuyên bố “khó hiểu” nhưng có thể hiểu được:

Tôi không tin vào khoa học kinh nghiệm. Tôi chỉ tin vào chân lý tiên nghiệm

(I don’t believe in empirical science. I only believe in a priori truth)[7]

Vậy đã đến lúc phải kết luận: Đến giờ phút này, và có thể mãi mãi, THÁCH THỨC CỦA BIG BANG vẫn là một thách thức còn nguyên vẹn đối với các nhà khoa học vô thần.

Richard Dawkins, nhà vô thần số 1, đã đưa ra một lời khuyên đúng đắn: Nguyên lý Dao cạo Occam nói rằng đứng trước một vấn đề không thể giải thích được bằng lý lẽ, buộc phải đưa ra giả thuyết thì nên chọn giả thuyết nào đơn giản nhất, ít rắc rối nhất. Lý thuyết Big bang đưa ra hai lựa chọn:

  • Chúa sáng tạo ra vũ trụ
  • Đa vũ trụ

Richard Dawkins, một người từng báng bổ Chúa, nói thà ông chọn Chúa còn hơn!

 

PVHg 10/04/2018

CHÚ THÍCH

[1] Xem “Nan đề Sáng thế / Genesis Problem” https://viethungpham.com/2013/11/13/nan-de-sang-the-genesis-problem/

[2] Stephen Hawking & God, John Lennox http://rzim.org/just-thinking/stephen-hawking-and-god/

[3] “God of the Gaps”, một thuật ngữ do giới khoa học vô thần đặt ra, nhằm bác bỏ việc dùng Chúa để thay thế vào những khoảng trống của khoa học, nơi khoa học không có câu trả lời.

[4] http://www.azquotes.com/quote/1548540

[5] Wikipedia, Multiverse

[6] Như chú thích 5.

[7] http://www.azquotes.com/quote/355945

11 thoughts on “Big Bang’s Challenge / Thách thức của Big Bang

  1. CHÚA LÀ GÌ? CHÚA LÀ VẬT CHẤT VÀ “CÁCH” (NHỮNG CÁCH) HÌNH THÀNH VẬT CHẤT VÀ TƯƠNG TÁC VẬT CHẤT TRONG THẾ GIỚI NÀY

    Thích

    • Thưa bác Hưng ,

      Cháu cũng có suy nghĩ như bạn XB Pham. Đọc những bài viết này cháu hiểu được ra rất nhiều sự thật . Trước đây cháu thường tin tưởng tuyệt đối vào khoa học và các nhà khoa học , trong đó có cả thuyết tiến hóa và ông Đác-uyn . Nhưng những bài của bác đã giúp cho cháu thấy khoa học cũng có khoa học thật khoa học giả , nhà khoa học cũng có nhà khoa học thật nhà khoa học giả .
      Riêng ông Hawking thì thật tiếc cho ông , vì ông đã từng tin vào thiết kế vũ trụ để rồi cuối cùng lại tin vào đa vũ trụ , mà cái đa vũ trụ thì mới chỉ là một giả thuyết mà tại sao cứ tuyên truyền rùm beng như một chân lý vậy. Điều này làm giảm uy tín khoa học.
      Trước đây cháu chưa bao giờ biết chủ nghĩa tự nhiên là gì, bây giờ thì biết rồi, cái tên của nó nghe có vẻ khoa học, vì cái gì cũng giải thích bằng các định luật tự nhiên cả , nhưng thực ra có rất nhiều chuyện hoang đường.
      Vậy những lúc thấy được sự thật đáng buồn của khoa học như thế thì biết tin vào đâu ? Lấy gì để tin ?
      Đó chính là câu hỏi cho mọi người.
      Riêng cháu thì cháu thấy rất may là cháu đã có đức tin vào Chúa. Đó là Chúa Giê-su Ki-tô.
      Những người không có đức tin như bạn HY ĐẠO thì chỉ có niềm tin vào vật chất mà thôi. Bạn này đặt một câu hỏi xấc xược CHÚA LÀ GÌ? rồi tự trả lời cho bản thân mình nghe chứ có ai nghe đâu. Theo cháu thì sư xấc xược không bao giờ thuyết phục được ai , bởi bản thân nó đã là một biểu lộ không văn hóa rồi.

      Cám ơn bác Hưng vì một bài viết vô cùng phong phú và ý nghĩa.

      Bình Minh

      Thích

  2. Cảm ơn bác Hưng đã có những bài viết rất sâu về khoa học nhưng lại cũng hàm chứa sự logic đủ đơn giản để những người ít kiến thức khoa học như cháu có thể hiểu được. Nhờ những bài viết của bác mà khả năng lý luận trước những người vô thần, sùng bái Darwin thêm sắc xảo và vững chắc.

    Cầu Chúa ban bình an cho bác để bác có thêm nhiều sức khỏe cống hiến cho khoa học! Cảm tạ Ngài vì đã ban cho những người sẽ/đang bị lung lay đức tin vì những xuyên tạc, dối trá của chủ nghĩa vô thần. Có lẽ, họ là những thiên sứ sa ngã, muốn lôi kéo càng nhiều người sa ngã theo họ càng tốt.

    Nhưng may thay, Giáo Hội Công Giáo được Chúa giữ gìn và được ban cho những người như bác Hưng để niềm tin vào Chúa được vững mạnh! Xin chúc tụng danh Ngài!

    Thích

  3. 1. Bài viết công phu nghiên cứu sâu sắc quá . Tôi thích nhất đoạn về định lý godel, vì chính ông Hawking đã vận dụng định lý này để nói rằng vật lý không thể hiểu đày đủ về vũ trụ , vậy mà ông lại lấy thuyết đa vũ trụ ra để chứng minh nguồn gốc vũ trụ, thật là trò cười cho những người hiểu biết . Nhưng trò cười lớn hơn là cái đám đông hưởng ứng mấy cái giả thuyết kiểu “tự sướng “ của mấy ông khoa học cố gạt bỏ Chúa.
    2. Tôi tán thành ý kiến bạn XB Pham rằng nhờ bài viết này mà những người có đức tin củng cố thêm được đức tin của mình, không bị những xuyên tác dối trá của mấy ông khoa học nửa mùa lung lạc nữa.
    3. Tôi không tán thành ý kiến của bạn HY ĐẠO. Bạn dám đặt câu hỏi Chúa là gì rồi tự trả lời một cách tự phụ nhưng lại để lộ ra là bạn chẳng hiểu gì cả. Chỉ có những người thờ vật chất thì mới nói Chúa là vật chất . Nếu tôi là người quản trị mạng thì tôi sẽ không để những ý kiến khiêu khích như thế xuất hiện.
    Hữu Ái

    Thích

  4. Tôi nghĩ đơn giản thế này: Dù có thuyết nào ra đời và được phát triển đủ để giải thích điều này điều nọ trong vụ trụ đi nữa, thì cũng không thể giải thích được điều cốt lõi cuối cùng của mong muốn của con người, rằng AI, CÁI GÌ đã tạo ra vụ trụ và tạo ra NHƯ THẾ NÀO. còn tạo ra LÚC NÀO thì tốt nhất là không nên hỏi. Vậy thôi.
    Tất cả tìm kiếm của các nhà khoa học cũng chỉ đủ lắm là mô tả được một BỘ PHẬN của vũ trụ, hoặc vật chất, hoặc hoạt động ý thức, hoặc mối tương quan giữa chúng… mà thôi.
    Việc con người ứng dụng các phát kiến khoa học kỹ thuật để làm tăng năng suất lao động, thay đổi chất lượng hưởng thụ cuộc sống (chẳng hạn dùng kỹ thuật thông tin liên lạc để không bị cảm thấy quá xa nhau dù xa nhau về địa lý) v.v… chưa nói lên điều gì trong việc “giải thích được vũ trụ” cả.

    Thích

    • Điều cốt lõi mong muốn của tôi là: Tại sao tôi sinh ra đời làm cái gì trong khi tôi không được sung túc như người ta? và Khi tôi còn sống đã khổ thế này thì nếu chết đi mà thành đất thì xót lắm, sau khi chết là cái gì đợi tôi? Tôi thì chỉ có vậy đấy.

      Thích

      • Trả lời bạn Phe Đối Lập,
        Khoa học, thậm chí triết học không thể cứu rỗi con người. Chỉ có ĐẠO mới có thể cứu rỗi con người, giúp con người VƯỢT QUA hoặc CHIẾN THẮNG ĐAU KHỔ.
        PVHg

        Thích

  5. Nếu nguồn gốc của vụ trụ là do Chúa tạo ra, thì có cần nguồn gốc nào cho Chúa hay không, hay nói cách khác ai tạo ra Chúa? Và sau tất cả những khám phá của khoa học hiện đại về sự rộng lớn không tưởng của “vũ trụ khả kiến”, loài người liệu có là giống loài thông minh duy nhất được Chúa tạo ra như trong kinh thánh đã nói? Cách tiếp cận khoa học thông qua thực nghiệm không đủ tin cậy, không lẽ “loài người” – một giống loài nhỏ bé trong vũ trụ nên sử dụng thêm niềm tin – thứ bị giới hạn trong tầm nhận thức phụ thuộc vào môi trường sống khác biệt và trải nghiệm quá khứ của mỗi cá nhân (hàng trăm tôn giáo với những niềm tin khác biệt là minh chứng cho điều này), để lý giải về sự sống và vũ trụ. Và cuối cùng, nếu là những nhà khoa học thực sự thì tại sao thay vì tạo ra những phát minh có ích trong đời sống hiện thực và giải quyết các vấn đề cấp bách do nền văn minh nửa chừng của loài người đang tác động lên hành tinh trái đất này, thì chúng ta lại dành trí tuệ và thời gian của mình để tranh luận về những điều siêu hình, điều mà tầm nhận thức hiện tại của loài người sẽ chưa thể tìm ra câu trả lời.

    Thích

    • Trả lời bạn Naruto2208
      Câu hỏi của bạn là một câu hỏi CŨ, vì trên PVHg’s Home đã từng có một số độc giả hỏi như thế, và ĐÃ ĐƯỢC TRẢ LỜI RÕ RÀNG.
      Câu hỏi của bạn chứng tỏ bạn chưa đọc các bài trên PVHg’s Home một cách đầy đủ. Nếu bạn đọc đầy đủ, bạn sẽ thấy câu hỏi của bạn là một câu hỏi về LOGIC nhưng lại không có sự hiểu biết đầy đủ về LOGIC. Muốn hiểu về LOGIC, phải hiểu Định lý Gödel.
      Muốn hiểu Định lý Gödel, hãy đọc các bài trên PVHg’s Home về định lý này.
      Rất nhiều người có câu hỏi giống câu hỏi của bạn, và họ tưởng câu hỏi đó là một câu hỏi rất hay, nhưng hóa ra họ lại để lộ sự thiếu hiểu biết về Logic. Vậy để giúp bạn, xin bạn đọc bài sau đây, như một câu trả lời chính thức của PVHg’s Home dành cho bạn:
      Who created the Creator? Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?

      Who created the Creator? Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?


      Chúc bạn thành công
      PVHg

      Thích

    • Trả lời tới Naruto2208,
      Chúa ở đây là một thực thể siêu hình, một dạng của tiên đề tiên khởi của mọi sự. Bác Hưng chưa có hề khẳng định Chúa này là ông Chúa trong Đạo Cơ Đốc chúng tôi. Bạn đừng có vì thành kiến mà sinh ra mất khôn. Chúa ở đây là một phạm trù hoàn toàn triết học!

      Thích

  6. Pingback: Thách Thức Của Big Bang – Phần 1: Chủ Nghĩa Tự Nhiên Trong “Thiết Kế Vĩ Đại” – viethungpham – tvvn.org

Bình luận về bài viết này