In the Search for The Wholeness / Đi tìm Cái Nhất thể

More than 2500 years ago, Pythagoras in ancient Greece argued that Number 1 is the symbol of God, for there must be 1 before all other numbers and all numbers are created from 1. Materialistic scientists for a long time have considered Pythagoras’ idea is idealistic and spiritualist, but today science supports him: newest discoveries have been showing that the whole real world is actually ONE. The Oneness, or the Wholeness is the very God.

Hơn 2500 năm trước, Pythagoras ở cổ Hy Lạp cho rằng số 1 là biểu tượng của Thượng Đế, vì phải có 1 trước khi có mọi số khác và mọi số đều được tạo ra từ 1. Trong một thời gian dài các nhà khoa học duy vật coi tư tưởng của Pyhagoras là duy tâm và duy linh chủ nghĩa, nhưng khoa học ngày nay ủng hộ ông: những khám phá mới nhất đã và đang cho thấy toàn bộ thế giới hiện thực thực ra là MỘT. Cái Một, hoặc Cái Nhất thể, chính là Thượng Đế.

Không có gì cường điệu khi nói rằng lịch sử khoa học chính là lịch sử đi tìm cái Nhất thể.

Người có tham vọng cháy bỏng nhất trong việc đi tìm Cái Nhất Thể không phải ai khác Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông nhiều lần thốt lên “Tôi muốn biết ý Chúa” (I want to know God’s idea). Chúa của ông là Đấng Sáng tạo ra vũ trụ vật lý ─ Cái Nhất thể biểu lộ thông qua một nguyên lý vật lý thống nhất. Đó là lý do để ông dành toàn bộ phần còn lại của cuộc đởi, kể từ sau Thuyết Tương đối Tổng quát, để xây dựng Lý thuyết Trường Thống nhất (TUF, Theory of Unified Field) nhằm chứng minh mọi tương tác vật lý có cùng một bản chất ─ lực hấp dẫn, lực điện từ, lực hạt nhân yếu, lực hạt nhân mạnh thực ra chỉ là những biểu lộ khác nhau của cùng một lực được gọi là Siêu lực (Superforce). Đến nay khoa học đã hợp nhất được lực điện từ và lực hạt nhân, chỉ còn lực hấp dẫn vẫn ương bướng nằm ngoài. Bài toán thống nhất vô cùng nan giải và có thể chẳng bao giờ hoàn tất, nhưng tư tưởng thống nhất dường như không thể thay đổi. Thực tế 62 năm qua, kể từ ngày Einstein mất, vật lý học đã đi theo lý tưởng do Einstein vạch ra ─ lý tưởng thống nhất vật lý. Đó là nguồn gốc của Lý thuyết về Mọi thứ (TOE, Theory of Everything), một lý thuyết vật lý muốn mô tả toàn bộ thế giới bằng một phương trình duy nhất.

Cái Nhất thể cũng lộ ra theo một hướng khác, xuất phát từ Thuyết Tương đối tổng quát mà Einstein không ngờ tới, đó là Lý thuyết Big Bang ─ ngót 15 tỷ năm trước, toàn bộ vũ trụ tập trung trong một Nhất thể được gọi là “điềm kỳ dị” (singularity point), một vụ nổ lớn (big bang) đã làm cho điểm kỳ dị ấy dãn nở đột ngột rồi biến hóa dần dần thành vũ trụ ngày nay. Cha đẻ của Lý thuyết Big Bang là Georges Lemaître (1894 – 1966), một nhà khoa học kiêm linh mục người Bỉ, nói: “Có hai con đường để đi đến chân lý và tôi quyết định đi theo cả hai. Tôi không gặp xung đột nào cần phải vượt qua cả. Khoa học không lay chuyển được niềm tin của tôi và tôn giáo không bao giờ dẫn tôi tới chỗ tự vấn mình về những kết luận mà tôi đã đạt được bằng các phương trình khoa học” (Bên ngoài khoa học, NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà-nội, 2004, trang 206).

Có nghĩa là mọi con đường đều dẫn tới chân lý, đúng như một câu ngạn ngữ Tây phương: “Mọi con đường đều dẫn tới La Mã” (All roads lead to Rome). Chân lý ở đây là Cái Một, Cái Nhất thể, Cái Nguyên ủy của vũ trụ, tức Thượng Đế. Độc giả có thể thấy rõ điều này trong cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC, do NXB Khoa học & Kỹ thuật Hà-nội xuất bản năm 2004.

1/ Con lắc Foucault

Tất cả mọi người đều đã biết câu chuyện về Con lắc Foucault, nhưng nhiều người có thể không để ý đến ý nghĩa sâu xa của thí nghiệm này. Thật vậy, trong thế kỷ 19, Léon Foucault, một nhà vật lý người Pháp, đã làm một thí nghiệm với một con lắc vĩ đại được treo trên trần cao trong điện Panthéon ở Paris, với dây treo đủ dài để con lắc có thể vẽ ra trên nền đất trải cát những vệt dao động, nhằm chứng minh Trái Đất quay xung quanh trục. Câu hỏi từng làm nhức nhối những bộ óc vĩ đại nhất của vật lý học là tại sao mặt phẳng dao động của con lắc lại cố định?

Trong bài “Con lắc Foucault và Vũ trụ Nhất thể” trên PVHg’s Home ngày 13/09/2013 tôi đã trình bày câu trả lời của Ernst Mach, một nhà vật lý lỗi lạc người Áo, đại ý rằng: “mọi điểm vật chất trong vũ trụ đều chịu tác động của toàn bộ vũ trụ, tổng hợp lực của toàn bộ vũ trụ tác động lên một điểm vật chất chính là lực quán tính tác động lên điểm ấy, và lực quán tính làm cho con lắc giữ nguyên mặt phẳng dao động của nó, bất chấp Trái Đất quay”.

Giải thích của Mach đã trở thành một nguyên lý được gọi là Nguyên lý Mach, một nguyên lý thể hiện bản chất thống nhất của vũ trụ, được Albert Einstein nhiệt liệt tán thưởng và sử dụng để xây dựng Thuyết Tương đối Tổng quát. Kết luận câu chuyện về Con lắc Foucault, tôi viết:  “…theo Nguyên lý Mach, bất kể vật chất nào trong vũ trụ cũng phải gắn kết chặt chẽ với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ; không tồn tại bất kỳ một cá thể độc lập nào; sự phân chia vật chất thành những thành phần đối lập loại trừ lẫn nhau là sai lầm, giả tạo, bởi toàn vũ trụ là MỘT!”.

Thấm nhuần tư tưởng đó, tôi hân hoan chia sẻ những quan điểm đồng điệu trong cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC, do NXB Khoa học & Ký thuật Hà Nội xuất bản năm 2004, như sau:

“…ứng xử của của con lắc được quy định bởi toàn bộ vũ trụ chứ không phải chỉ bởi những thiên thể ở gần Trái Đất… tất cả những gì xảy ra trên hành tinh nhỏ bé của chúng ta đều có tính liên hệ với tính vô tận của vũ trụ… có một tương tác bí ẩn giữa tất cả các nguyên tử của vũ trụ, mối tương tác này không cần nhờ tới một sự trao đổi năng lượng nào, một lực nào, nhưng lại gắn vũ trụ thành một tính toàn bộ duy nhất… Mọi cái diễn ra như thể có một Ý THỨC nào đó thiết lập sự liên hệ giữa các nguyên tử của vũ trụ”. (trang 187).[1]

Đó là một kết luận tất yếu ─ nếu không thể giải thích vì sao mọi thành phần trong vũ trụ liên kết với nhau một cách nhất quán không bởi một lực nào thì bắt buộc phải thừa nhận sự tồn tại của một yếu tố bí ẩn / một lực lượng bí ẩn / một trung tâm chỉ huy bí ẩn nào đó đã ra lệnh cho mọi thành phần trong vũ trụ phải “hành động” theo một chỉ thị thống nhất. Đó là một suy luận logic, giống như trường hợp các nhà thiên văn quan sát thấy một hành tinh đi chệch khỏi quỹ đạo tính toán, từ đó suy ra sự tồn tại tất yếu của một hành tinh nào khác chưa biết đã ảnh hưởng lên quỹ đạo của nó.

2/ Thí nghiệm EPR

“Thí nghiệm EPR” là một thí nghiệm tưởng tượng do Einstein-Podolsky-Rosen nêu lên nhằm bác bỏ những “diễn giải lượng tử” của trường phái Copenhagen trong Cơ học Lượng tử do Niels Bohr đứng đầu. Theo trường phái này, các hạt lượng tử trong cùng một hệ có một mối quan hệ gắn bó bí hiểm đến nỗi chúng ứng xử tất cả như một nhất thể. Để bác bỏ quan điểm này, nhóm EPR đề nghị lấy một hệ lượng tử rồi tách thành hai nhóm và cho hai nhóm đó bay về hai hướng ngược chiều nhau trong vũ trụ, sao cho các phép đo đối với nhóm này không thể ảnh hưởng tới nhóm kia, nhưng căn cứ vào các định luật bảo toàn, vẫn có thể xác định được các tính chất của nhóm kia mà không cần quan sát nó.

Hình bên: Niels Bohr: “Mọi thứ chúng ta gọi là hiện thực được tạo nên bởi cái không thể được xem là thực” “Nếu cơ học lượng tử chưa làm cho bạn bị sốc một cách sâu sắc thì bạn chưa hiểu gì về nó cả”

Theo cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC (trang 188-189), năm 1982, nhà vật lý Pháp Alain Aspect đã nhận định một cách dứt khoát rằng nhóm EPR sai, bằng cách chứng minh rằng giữa hai photon đi xa nhau theo những hướng ngược nhau có mối quan hệ tương quan không thể giải thích được. Mỗi lần người ta thay đổi cực tính của một trong hai photon ấy (nhờ một cái lọc), thì photon kia ngay lập tức “biết” được cái gì đã xảy ra với bạn đường của mình và cũng ngay lập tức chịu một sự thay đổi về cực tính như vậy. Mối quan hệ này là TỨC THỜI. Có hai cách giải thích. Một số nhà vật lý cho rằng photon này “làm cho photon kia biết” những gì diễn ra nhờ một tín hiệu đi từ photon này đến photon kia với một tốc độ vượt ánh sáng. Nhưng cách giải thích này đã bị từ bỏ. Đa số các nhà vật lý ngả theo tư tưởng của Bohr về “tính không thể phân chia” của hệ lượng tử, và khẳng định rằng “hai hạt ánh sáng, ngay cả khi ở cách nhau hàng tỷ ki-lô-mét, đều là bộ phận của cùng một Nhất thể: giữa chúng có một kiểu tương tác huyền bí khiến cho chúng thường xuyên tiếp xúc với nhau” (giống như đốt bàn tay trái thì lập tức bàn tay phải biết).

Từ tính nhất thể lượng tử bí hiểm, các nhà vật lý có xu hướng thừa nhận đó là một bản chất, một nguyên lý tự nhiên của thế giới lượng tử, và thay vì cố gắng giải thích cái không thể giải thích, người ta đã đi tới những tư tưởng táo bạo chưa từng có rằng không phải chỉ có các hạt lượng tử là một, mà toàn bộ thế giới vũ trụ là một. Một trong những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng về nhận thức này là Louis de Broglie, nhà vật lý Pháp đoạt Giải Nobel năm 1929. Ông cho rằng thực ra “vật lý và siêu hình học, sự kiện và ý tưởng, vật chất và ý thức chỉ là MỘT mà thôi” (Bên ngoài khoa học, trang 189).

3/ Nguyên lý toàn ảnh

Nguyên lý toàn ảnh là một khám phá vô cùng kỳ lạ của vật lý học thế kỷ 20, nhờ công nghệ lượng tử. Mặc dù sự giải thích về hiện tượng này còn nhiều câu hỏi, nhưng bản thông điệp nó gửi tới loài người đã rất rõ ràng: Vũ trụ là MỘT. Cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC trình bày câu chuyện toàn ảnh rất sinh động và lý thú. Sau đây là trích lược một số ý kiến trong cuộc đối thoại giữa nhà triết học Jean Guitton với hai anh em tiến sĩ vật lý Bogdanov (trang 189-192):

Grichka Bogdanov: “Có thể còn đi xa hơn nữa để cố hiểu các nhà vật lý khi họ khẳng định rằng cái toàn bộ và bộ phận chỉ là một. Đây là một ví dụ nổi bật: toàn ảnh (hologramme). Nhiều người đã từng nhìn một ảnh như vậy (có được bằng cách chiếu một chùm laser qua tấm phim đã chụp một cảnh) đều có ấn tượng lạ lùng như là mình đang ngắm nghía một vật thể có thật với ba chiều. Có thể di chuyển quanh điểm chiếu toàn ảnh ấy và quan sát nó dưới những góc khác nhau, hệt như một vật thể có thật. Chỉ có khi đưa tay qua vật thể thì mới thấy rằng chẳng có gì hết… Giả sử tôi chụp một bức ảnh về Tháp Eiffel. Nếu tôi xé âm bản của bức ảnh thành hai và tôi in một nửa ra thì chắc chắn tôi chỉ được một nửa hình ban đầu của Tháp Eiffel. Thế nhưng mọi cái đều thay đổi với toàn ảnh. Kỳ lạ hơn người ta tưởng, nếu xé lấy một mảnh của âm bản toàn ảnh để đem đặt vào một máy chiếu laser, người ta sẽ không thu được một “bộ phận” của hình ảnh mà là toàn bộ hình ảnh. Điều đó cho thấy… toàn bộ cảnh tượng đã được ghi ở khắp nơi trên tấm phim toàn ảnh, khiến cho mỗi “bộ phận” của tấm phim phản ảnh cái toàn thể. Đối với David Bohm, toàn ảnh là một sự tương đồng nổi bật với trật tự tổng thể và không thể phân chia của vũ trụ”.

Jean Guitton: “Từ câu chuyện đó, tôi nghĩ không phải chúng ta được tạo ra theo hình của Thượng đế, mà chúng ta là hình ảnh của chính Thượng đế… tương tự như tấm phim toàn ảnh chứa đựng cái toàn bộ trong mỗi phần, mỗi con người cũng vậy, nó là hình ảnh của tính toàn bộ thần thánh”.

Grichka Bogdanov: “Mỗi vùng không gian, dù là nhỏ bé thế nào đi nữa, khi xuống tới một photon đơn giản… đều chứa cấu hình của cái toàn bộ giống như mỗi vùng trong phim toàn ảnh; những gì diễn ra trên hành tinh nhỏ xíu của chúng ta đều bị quy định bởi tất cả các thứ bậc của các cấu trúc vũ trụ”.

4/ Sự lỗi thời của logic nhị nguyên

Nhị nguyên luận Descartes là cơ sở của tư duy khoa học cổ điển suốt từ thế kỷ 17 cho tới thế kỷ 20. Nó cung cấp cho chủ nghĩa duy vật một phương pháp luận khoa học rõ ràng minh bạch chưa từng có, và do đó kích thích con người lao vào giải thích mọi hiện tượng tự nhiên, tạo nên cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật làm thay đổi bộ mặt xã hội loài người trong mấy thế kỷ qua. Nó cũng là nguyên nhân dẫn con người tới chủ nghĩa duy khoa học (scientism), một chủ nghĩa rất tự phụ cho rằng khoa học là chúa tể của các phương pháp nhận thức và chỉ có khoa học mới đem lại ánh sáng của sự thật cho nhân loại. Nhưng cơ học lượng tử và hàng loạt khám của chính khoa học thế kỷ 20 đã thách thức chủ nghĩa này, và đưa ra lời khuyến cáo phải xét lại tầm với của khoa học. Thật vậy, sau những phân tích về Con lắc Foucault, về tính Nhất thể lượng tử, về Nguyên lý Toàn ảnh, cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC kết luận:

“Suốt cả cuốn sách này, chúng tôi muốn chứng minh rằng chủ nghĩa duy vật cũ – tức là chủ nghĩa duy vật đã từng ném tinh thần vào vũ trụ mơ hồ của siêu hình học – từ nay không còn có giá trị nữa. Với một lối “làm yên lòng hoàn chỉnh”, chủ nghĩa duy vật đã từng gây ra ở chúng ta một sự lôi cuốn không thể cưỡng lại được của thứ logic cũ: các yếu tố của vũ trụ đều vững chắc và ổn định, và những bí ẩn của vũ trụ, những điều bấp bênh bên ngoài của nó, chỉ là sự thú nhận về sự bất lực của chúng ta, về những giới hạn bên trong của chúng ta: tóm lại, đó là những vấn đề rồi sẽ được giải quyết vào một ngày nào đó. Nhưng vật lý mới và logic mới đã làm đảo lộn quan niệm ấy. Nguyên lý về tính bổ sung nêu lên rằng các thành tố cơ bản của vật chất, như electron, là những thực thể hai mặt… Do đó Heisenberg là người đầu tiên hiểu được rằng tính bổ sung lẫn nhau giữa trạng thái hạt và trạng thái sóng đã vĩnh viễn chấm dứt nhị nguyên luận của Descartes về sự phân đôi giữa vật chất và tinh thần: cả cái này lẫn cái kia đều là những yếu tố bổ sung của cùng một HIỆN THỰC DUY NHẤT…. Các nhà vật lý đã phi vật chất hóa chính khái niệm vật chất,… mở ra một sự hợp nhất cuối cùng giữa vật chất, tinh thần và hiện thực” (trang 191-192).

Quả thật nhận thức thông thường của con người rất gần gũi với nhị nguyên luận của Descartes: ta (chủ thể) và cái không phải ta (khách thể) rõ ràng là hai thành phần khác biệt trong không gian; hai vật A và B ta nhìn thấy cũng là hai thực thể tách rời, tương tác giữa chúng có thể xác định được một cách chính xác bởi các định luật của Cơ học Newton, trong đó khoa học có thể chỉ rõ đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả. Luật nhân-quả (cause-effect law) là cơ sở của mọi định luật khoa học. Khoa học, với toán học của Descartes, có thể làm rõ bức tranh vũ trụ dưới dạng những định luật xác định và tất yếu. Đỉnh cao nhất của nó là Tất định luận Laplace (Laplace’s Determinism). Cho tới thời điểm bản lề của thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, câu châm ngôn nổi tiếng của Descartes, “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Je pense, donc je suis) vẫn được xem như một khuôn vàng thước ngọc trong phương pháp nhận thức của loài người. Có nhiều cách hiểu câu nói đó, cách hiểu sau đây phù hợp với lịch sử khoa học trong hơn ba thế kỷ qua: Nếu tư duy một cách có phương pháp, cụ thể là phương pháp logic khoa học, con người có thể lần lượt nhận thức được mọi sự thật của thế giới. Không ai có thể phủ nhận công lao và đóng góp to lớn của Descartes đối với sự thúc đẩy cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Nhưng cũng không ai có thể phủ nhận một sự thật khác: Cơ học lượng tử và hàng loạt khám phá khác của khoa học thế kỷ 20 đã thách thức tư duy Descartes và đưa ra lời khuyến cáo rằng tư duy ấy đã lỗi thời rồi, rằng chủ nghĩa duy vật dựa trên nhị nguyên luận Descartes đã vấp phải những thách thức không bao giờ có thể vượt qua, và rằng sự thật đang để lộ cho thấy toàn thể vũ trụ là MỘT, đòi hỏi một phương pháp nhận thức mới vượt lên trên chủ nghĩa duy vật nhị nguyên luận. Đến đây, nên đặt câu hỏi, vật Cái Một, tức Cái Nhất thể, là gì?

5/ Đi tìm Cái Nhất thể

Cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC nói rằng các nhà khoa học đang “đi tìm câu trả lời cho các vấn đề: Đâu là giới hạn của khoa học? Đâu là cầu nối giữa khoa học và tôn giáo? Thượng đế có tồn tại hay không?”. Nhưng Thượng đế chính là Cái Nhất thể, hoặc Thượng đế biểu lộ ra ở Cái Nhất thể. Vì thế có thể nói: các nhà khoa học đang đi tìm Cái Nhất thể.

Tại sao nói Cái Nhất thể chính là Thượng đế?

Trong trường hợp này, Thần học cho chúng ta câu trả lời sáng rõ hơn khoa học. Thật vậy, cuốn “Tự truyện của một Yogi” của Paramahansa Yogananda, một cuốn sách được xem là tác phẩm tâm linh quan trọng bậc nhất của thế kỷ 20, viết:

“Kinh Vệ Đà chỉ ra rằng thế giới vật lý vận hành theo một quy luật nền tảng maya ─ nguyên lý tương đối và nhị nguyên. Thượng đế, Sự sống Duy nhất, là Nhất thể Tuyệt đối; để xuất hiện như những biểu thị riêng lẻ và muôn mặt của một sáng tạo, Ngài đã khoác một tấm mạng hư ảo hay phi thực. Bức màn nhị nguyên huyễn hoặc đó là maya” (trang 313)

Nói một cách dễ hiểu, thế giới mà chúng ta thấy xung quanh được tách bạch ra thành muôn vàn sự vật riêng lẻ, thực ra chỉ là sự biểu lộ bề ngoài của Thượng đế mà thôi, tạm ví như tấm hình hologram (toàn ảnh) mà chúng ta tưởng như thật. Đó là lý do Phật giáo nhiều lần khuyên con người rằng thế giới này chỉ là hư ảo, ảo ảnh mà thôi. Nhưng chúng ta sống trong cái maya hư ảo đó nên không thể nhận thức được tính hư ảo, trừ khi chúng ta thoát được ra khỏi cái thế giới hư ảo đó.

Theo Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, một hệ thống A không thể tự nhận thức đầy đủ về chính nó, muốn có nhận thức đầy đủ hơn, phải đi ra ngoài A. Thí dụ: Một dạng ngôn ngữ không thể giải thích đầy đủ ý nghĩa của các từ ngữ trong ngôn ngữ đó, muốn giải thích đầy đủ hơn phải sử dụng thêm những dạng ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ đó, chẳng hạn như hình vẽ, toán học, các mã,… Bộ não không thể giải thích đầy đủ bộ não, muốn hiểu bộ não đầy đủ hơn, con người phải vượt thoát ra khỏi chính mình. Các tu sĩ đắc đạo, các nhà ngoại cảm, các nhà tiên tri là những người vượt thoát được ra khỏi bộ não thông thường. Yoga chính là một trong những phép tu để thoát ra khỏi thế giới hư ảo. Những yogi bậc thầy có thể đạt tới phép thần thông thoát khỏi tấm mạng hư ảo để nhìn thấy sự thật. Người tầm thường không thể hiểu điều này đơn giản vì không có trải nghiệm bản thân. Nhưng đối với các yogi thì đó là một sự thật không có gì phải nghi ngờ. Vì thế không có gì để ngạc nhiên khi cuốn “Tự truyện của một Yogi” viết những lời tiên tri như sau:

“Khoa học… không thể đạt đến đích cuối; thực ra nó đủ sức khám phá các định luật của một vũ trụ đã tồn tại và vận hành nhưng lại bất lực không thể phát hiện được ĐẤNG LÀM LUẬT và ĐẤNG VẬN HÀNH DUY NHẤT. Các chứng minh to lớn về lực hấp dẫn và điện thì đã rõ, nhưng lực hấp dẫn và điện là gì, chẳng ai biết được” (trang 313-314)

Và chúng ta có thể cảm nhận được sự gặp gỡ giữa tư duy khoa học và thần học ở câu sau đây:

Vượt lên trên nhị nguyên tính của sáng tạo và nhận thức được sự nhất thể của Đấng Sáng tạo được quan niệm là mục đích cao cả nhất của con người” (Tự truyện, trang 314).

Nghĩa là vượt thoát ra khỏi cái màn maya hư ảo để nhận thức được Cái Nhất thể, tức Thượng đế, là mục đích cao cả nhất của con người. Đó là mục tiêu của các Yogi, và cũng là mục tiêu của Thiên Chúa giáo. Đức Giáo hoàng John Paul II từng nói rằng dù có tu luyên đạt đến bậc nào, nhưng nếu không nhận thức được Chúa để trình diện trước Ngài thì bao nhiêu tu luyện đó cũng chẳng để làm gì (xem “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng….)

Điều đáng kinh ngạc là Yogananda, nhà yogi bậc thầy, tác giả của cuốn “Tự truyện”, đã nhìn thấy trước cuộc gặp gỡ tất yếu giữa khoa học và thần học trên con đường tìm kiếm Cái Nhất thể – Thượng đế dưới dạng một Nguyen lý Duy nhất của Vũ trụ. Ông viết:

“Trong một khai triển về sau này là Thuyết Trường Thống nhất, nhà vật lý lỗi lạc đã tìm cách biểu thị gộp trong một công thức toán học định luật vạn vật hấp dẫn và định luật điện từ. Trong khi rút gọn cơ cấu vũ trụ về những biến số theo một ĐỊNH LUẬT DUY NHẤT, Einstein đã băng qua nhiều thế kỷ về với các rishi ─ những người đã khẳng định một kết cấu sáng tạo duy nhất: một maya biến ảo”.

Có nghĩa là Thuyết Trường Thống nhất của Albert Einstein, như đã nhắc đến ở đầu bài viết này, là một tư tưởng đúng đắn khi nó nhìn thấy bản chất của toàn bộ vũ trụ là MỘT, một Nhất thể duy nhất mà các rishi ─ những nhà thông thái hoặc các bậc thánh trong Ấn Độ giáo xa xưa ─ cũng đã nhìn thấy và chứng nghiệm thông qua phép tu hành, và đó chính là Đấng Sáng tạo của vũ trụ.

6/ Thay lời kết

Con đường đi tìm Cái Nhất thể là con đường từ bỏ nhị nguyên luận và cái chủ nghĩa duy vật cũ kỹ. Chủ nghĩa duy vật thích hợp để các kỹ sư xây một cái cầu, chế tạo ra máy bay, tên lửa, computer,… nhưng không đủ để nói cho chúng ta biết sự thật của thế giới là gì. Thế giới HIỆN THỰC không chỉ là vật chất và năng lượng hoặc những gì có thể nhìn thấy, có thể cân đong đo đếm. Thế giới hiện thực bao gồm những hiện thực phi vật chất hoặc siêu vật chất mà khoa học không thể giải thích hoặc chứng minh. Tuy nhiên khoa học, nếu được hiểu theo nghĩa rộng như tập hợp những nhận thức giúp con người hiểu rõ sự thật hơn, vẫn có thể tiếp cận được với những tầng hiện thực khác, bao gồm cả những tầng hiện thực phi vật chất hoặc siêu vật chất, tầng hiện thực ý thức, tầng hiện thực tâm linh, miễn là phải có một tư duy mở với một thế giới quan rộng rãi hơn. Giống như Cơ học Newton chỉ áp dụng được cho những không gian có khoảng cách nhỏ và chuyển động với vận tốc nhỏ, chủ nghĩa duy vật chỉ thích hợp với thế giới cân đong đo đếm được. Hoặc giống như Hình học Euclid chỉ đúng với thế giới thẳng, chủ nghĩa duy vật cũng chỉ thích hợp với không gian nhận thức hẹp. Để với tới không gian vô hạn, vượt ra khỏi thế giới nhìn thấy, bộ não phải được trang bị những công cụ mới. Đó là triết học khoa học và thần học khoa học theo tinh thần của Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn nổi tiếng, nhà toán học số 1 của thế kỷ 20 tin vào sự hiện hữu của Chúa và của tầng hiện thực tâm linh. Đây, xin lắng nghe và suy ngẫm về những lời nói của Gödel:

“Triết học, với tư cách một lý thuyết chính xác, nên áp dụng cho siêu hình học như Newton đã làm đối với vật lý. Tôi cho rằng có rất nhiều khả năng một lý thuyết triết học như thế sẽ hình thành trong một trăm năm tới hoặc sớm hơn” (Philosophy as an exact theory should do for metaphysics as much as Newton did for physics. I think it is perfectly possible that the development of such a philosophical theory will take place within the next hundred years or even sooner).

Xin lưu ý rằng Gödel mất năm 1978. Nghĩa là nhận định trên của ông còn được thử thách ít nhất tới năm 2078. Với cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC, dường như một thứ triết học như Gödel tiên đoán đã và đang xuất hiện – triết học khoa học tâm linh!

“Tôn giáo cũng có thể được phát triển như một hệ thống triết học được xây dựng trên một hệ tiên đề” ” (Religion may also be developed as a philosophical system built on axioms)

“Có một thứ triết học và thần học khoa học (chính xác), cho phép xử lý các khái niệm trừu tượng cao nhất; và đây cũng là thành quả cao nhất của khoa học” (There is a scientific (exact) philosophy and theology, which deals with concepts of the highest abstractness; and this is also most highly fruitful for science).

Nói một cách dễ hiểu, có thể xây dựng một lý thuyết khoa học chính xác để chứng minh sự hiện hữu của Chúa và của thế giới tâm linh. Chính Gödel đã đi tiên phong trong việc này [2].

Lý thuyết Big Bang cũng đưa khoa học tới điểm kỳ dị – “nguyên tử nguyên thủy” của vũ trụ. Điểm ấy từ đâu ra? Ngoài câu trả lời do “Chúa sáng tạo”, còn có thể có câu trả lời nào khác? Độc giả có thể tìm hiểu sâu vấn đề này trong bài NAN ĐỀ SÁNG THẾ tại địa chỉ sau đây:

Nan đề Sáng Thế (Genesis Problem)

Câu hỏi về NGUỒN MÃ DNA cũng đưa khoa học tới một câu hỏi mà khoa học không thể trả lời: “Mã DNA do ai viết ra?” Giáo sư Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Bộ Gene Người, đã trả lời dứt khoát: Đó là NGÔN NGỮ CỦA CHÚA (The Language of God). Những người không tán thành với Collins không có câu trả lời nào khác.

KẾT LUẬN

Do Thái giáo và Cơ-đốc giáo đã tìm thấy cái NHẤT NGUYÊN của họ từ vài ngàn năm trước rồi. Khoa học vốn dĩ ra đời từ tư tưởng về cái nhất nguyên, nhưng có những giai đoạn mất phương hướng. Tuy nhiên, những dữ kiện khoa học gần đây nhất buộc khoa học điều chỉnh lại cách nhìn thế giới.

Nếu khoa học là một hệ logic, thì theo Định lý Bất toàn của Kurt Godel, nó phải có một chỗ dựa bên ngoài. Chỗ dựa bên ngoài của nó là gì, nếu không phải là ĐẦNG SÁNG TẠO RA VŨ TRỤ, mà khoa học chỉ là một bộ phận trong vũ trụ đó?

 

PVHg, Sydney 14/06/2017

CHÚ THÍCH:

[1] Trong khi trích dẫn, tôi có biên tập lại đôi chút về từ ngữ sao cho dễ hiểu hơn và tô đậm hoặc viết chữ to những chỗ cần nhấn mạnh.

[2] Xem:

 

9 thoughts on “In the Search for The Wholeness / Đi tìm Cái Nhất thể

  1. Kính chào bác Hưng!

    Trong Kinh Sáng Thế, Chúa tạo ra con người ban đầu đúng là một, từ bàn tay của Người, Thế giới này 9 tỷ người cũng đều là do Chúa tạo ra đấy thôi, nhưng mà con người lại không tin vào Chúa, cho nên Thế giới không thể bình an. Nếu một ngày nào đó con người biết sống có Đạo, tin rằng có Thượng đế, biết sống với nhau bằng tình yêu thương và sự tha thứ thì lúc đó chúng ta sẽ lại trở về cội nguồn, tất cả là một phải không ạ bác?
    Cảm ơn bác đã viết một bài viết rất ý nghĩa, uyên thâm, liệu có mấy người hiểu được ẩn ý sâu sắc đó là tất cả chúng ta đều sống chung một nhà. Chúng ta hủy hoại môi trường cũng là hủy hoại chính ngôi nhà của mình, Thế giới xảy ra chiến tranh thì chính chúng ta phải chịu đau khổ…Tội lỗi do con người gây nên cho mình hàng ngày hàng giờ hiển hiện, nhưng vì con người chạy theo giá trị vật chất trước mặt nên không thể kìm chế nổi bản năng thèm muốn thỏa mãn cho bản thân mà quên đi đồng loại đang đau khổ. Rất nhiều ví dụ để chứng minh chúng ta là Một. Ví dụ như: A đam và E va, Chúa nặn hình người bằng đất sét và thôi linh hồn để tạo thành A đam, CHúa rút xương sườn của A dam để tạo thành bà E va, vì Chúa muốn A đam không phải buồn, cho nên vợ chồng kết hôn Kinh Thánh nói: “Cả hai sẽ nên một thịt”. Về Nhân duyên vợ chồng cha mẹ con cái: Nhân quả luân hồi, là số kiếp. Đạo Phật nói nếu không có duyên nợ làm sao mà gặp gỡ, nếu hiếu được đạo đức tâm linh con người sẽ biết sống tử tế, thiện lương hơn!
    Cầu Chúa phù hộ cho bác thêm nhiều cảm hứng sáng tạo để viết về khoa học hòa hợp với Tôn giáo, giúp cho chúng cháu them mở mang trí tuệ.

    Cháu Bình Minh.

    Thích

  2. Tuyệt vời !
    Một bài luận thôi mà thâu tóm bao nhiêu tác giả, bao nhiêu tác phẩm, bao nhiêu tư tưởng.
    Một lượng kiến thức khổng lồ được trình bày trong một bài viết.
    Câu này cháu giờ mới được nghe ” …Tôi thấy có một điều đáng chú ý: tôn giáo biến mất nhưng tính tôn giáo tăng lên”.
    Tuyệt quá !
    Bác hãy viết một bài về Lý Thuyết Thông Tin đi ạ.
    Vật chất không thể tạo ra Thông Tin, cũng như khi ta xáo trộn các chữ cái trong một câu, thì câu đó không còn có nghĩa nữa, những chữ cái đó bằng vật chất đó không thể biểu lộ Thông Tin được nữa.

    Thích

  3. Sự Tiến Hóa Của Thông Tin Là Một Dấu Hỏi Lớn

    Cho dù sách vở, báo chí, truyền thông có quả quyết rằng, tiến hóa hóa học – tức là quá trình các chất hóa học kết hợp ngẫu nhiên thành một đơn bào; đơn bào tiến hóa thành đa bào,…, thành một vi sinh vật vật đơn giản,…, thành thú, vượn và rồi thành người – là một chân lý. Nhưng thực tế, chưa có ai biết được sự sống bắt đầu như thế nào.

    Cho đến nay, tốn biết bao nhiêu sức lực con người đổ ra để chứng nghiệm thuyết tiến hóa là chân lý, nhưng sự sống ( cái gót Asin của tiến hóa ) bắt đầu như thế nào vẫn còn là một bí nhiệm.
    “ Vì sự sống xẩy ra trước đây đã quá lâu, tất cả dấu vết hóa học đều đã bị phai nhòa, chỉ chừa lại nhiều chỗ trống cho sự võ đoán và bất đồng ” – theo bài “ Các nhà nghiên cứu đề nghị một phương thức mới để nhìn vào buổi bình minh của sự sống ” và bài ” Nguồn gốc sự sống theo cái nhìn của thuật toán ” (“ Researchers propose new way to look at the dawn of life ” và ” The algorithmic origins of life ” ).
    Đây là 2 bài báo của Đại Học Arizona:
    https://asunow.asu.edu/content/asu-researchers-propose-new-way-look-dawn-life

    https://asu.pure.elsevier.com/en/publications/the-algorithmic-origins-of-life

    Thuyết tiến hóa của Darwin sau cùng vẫn mãi chỉ là một lý thuyết chưa được chứng nghiệm, nghĩa là nó không phải là một chân lý như các nhà tiến hóa quảng bá rùm beng

    Đây là một bế tắc của các nhà tiến hóa, vì nếu không chứng minh được sự sống tiến hóa từ các chất hóa học vô sinh, thì phải chấp nhận có một Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo ra muôn loài. Đó là điều mà người vô thần gần như không bao giờ muốn chấp nhận.
    Để giải quyết bế tắc này, Paul Davies, là giáo sư và là nhà nghiên cứu tại chính Đại Học Arizona, cùng cộng sự của ông là tiến sỹ Sara Walker đã đề nghị một phương thức mới để đi tìm nguồn gốc của sự sống. Phương thức đó là, thay vì tập trung đi tìm bằng chứng “ cứng ”, tức là dấu vết vật chất, giới khoa học nên tập trung vào bằng chứng “ mềm.”
    Đối với một sinh vật, “ phần cứng ” nói về tất cả các thành tố vật chất cấu tạo nên sinh vật đó, như là các cơ quan trong cơ thể, bộ xương, DNA, các chất hóa học cấu tạo lên các bộ phận đó, …v.v. Còn “ phần mềm ” tức là lượng thông tin và nội dung thông tin chứa đựng trong DNA, hoặc lượng thông tin được vận chuyển từ não bộ tới tứ chi, …v.v. Nói một cách khác, thay vì tập trung công sức để đi tìm bằng chứng cứng ( đụng chạm được), chúng ta nên đi tìm bằng chứng mềm ( không thể đụng chạm được )

    Tuy nhiên, dù là con đường “ phần cứng ” hay con đường “ phần mềm ”, thì cũng dẫn tới cùng một chướng ngại. Đó là, làm thế nào các chất hóa học, điển hình là các chất C (carbon), O (oxygen), H (hydrogen), N (nitrogen) tự động ráp lại vào nhau để thành chuỗi DNA mang thông tin di truyền ?
    Chúng ta thử lấy một ví dụ. Chúng ta đặt một đứa trẻ 3 tuổi trước một cây đàn piano và bảo em chơi một bài nhạc. Trong ví dụ này, cây piano là “ phần cứng ” và bài nhạc là “ phần mềm ” . Giả sử là nhờ một ” duyên ” kỳ diệu nào đó, một trận gió lớn thổi qua khiến cho các thành phần vật liệu của cây đàn tự lắp ráp lại với nhau để tạo thành cây đàn piano mới toanh !. Tuy nhiên. sau đó, chúng ta sẽ nhận ra ngay là em bé 3 tuổi này sẽ không bao giờ chơi được một bài nhạc có ý nghĩa nào cả, Tất cả những cú gõ của em bé trên phím đàn chỉ là những nốt ngẫu nhiên, và ngẫu nhiên, may rủi sẽ không thể hình thành được một âm thanh có ý nghĩa, chứ chưa nói gì đến một bài nhạc tuyệt hay, hoặc một bài nhạc truyền cảm. du dương.
    Tương tự như vậy, nếu thử đặt một bộ đồ chơi bằng gỗ gồm 24 chữ cái và các dấu Tiếng Việt trước mặt em ( đây là “ phần cứng ”) rồi bảo em hãy xếp các chữ lại thành một bài thơ của Xuân Quỳnh ( đây là “ phần mềm ”), thì sự sắp xếp của em sẽ chỉ tạo thành một mớ chữ cái và dấu lộn xộn. Cho dù em có thể ngẫu nhiên xếp thành chữ “ ông bà ” hay “ cha mẹ ” đi chăng nữa, nhưng nếu muốn sáng tác một bài thơ như là thơ theo thể loại ” thất ngôn bát cú ” thì sẽ cần phải học tới một trình độ nào đó chứ không thể đến từ một quá trình ngẫu nhiên, đui mù được. Để chơi một bản nhạc Beethoven trên phím piano hay sáng tác một bài hát cũng vậy, cần đến một bộ óc sáng tạo và kỹ năng siêu việt chứ không thể nhờ vào sự ngẫu nhiên, đặt cược được.

    Đề nghị của giáo sư Paul Davies đã chính thức và công khai thừa nhận trường phái “ phần cứng ” của Darwin là vô vọng và công trình của các nhà tiến hóa trong suốt 150 năm qua là luống công vô ích.
    Tuy nhiên, con đường “ phần mềm ” của ông cũng sẽ dẫn tới cùng một ngõ cụt. Đó là, các nhà tiến hóa theo trường phái “ phần mềm ” khi đã “ cắn câu ” của Paul Davies mà đi vào con đường này, thì sẽ không bao giờ giải thích được bằng cách nào THÔNG TIN có một cách ngẫu nhiên ? Chúng ta có thể tạm dùng câu thành ngữ đó là ” tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa ” dành cho các nhà tiến hóa.
    Suốt 150 năm đã trôi qua vô ích, và nhiều thế kỷ sẽ trôi qua vô ích nữa, vì nhiều người không thể chấp nhận một điều: Đó là có một Đấng Tạo Hóa tạo dựng nên muôn loài. Hay nói cách khác là, ắt phải có một Nhà Thiết Kế đã kiến tạo nên Vũ Trụ

    Bác Hưng và độc giả có thể tham khảo thêm một số bài báo khác cũng rất thú vị, nói về sự bất khả của hình thành sự sống ngẫu nhiên và thuyết tiến hóa

    1/ http://www.cnsnews.com/commentary/eric-metaxas/time-chance-and-natural-selection-cannot-explain-wonder-life
    ( Thời gian, cơ hội và chọn lọc tự nhiên không thể giải thích cho sự kì vĩ của thế giới )

    http://www.cnsnews.com/blog/michael-w-chapman/ben-carson-evolution-life-evolve-non-life-incredible-fairy-tales
    ( Tiến sĩ Ben Carson: Sự sống sinh ra từ vật chất vô sinh ? – Chỉ có trong truyện cổ tích ” )

    http://www.cnsnews.com/commentary/david-klinghoffer/undeniable-darwinian-explanations-are-not-just-unlikely-physically
    ( Không thể chối cãi: Cách giải thích kiểu Darwin không những không có cơ sở, mà về mặt vật lý là bất khả )

    http://www.cnsnews.com/commentary/eric-metaxas/evolution-just-got-harder-defend
    ( Thuyết tiến hóa càng khó để đứng vững )

    http://www.cnsnews.com/commentary/eric-metaxas/humanity-no-cosmic-accident-science-shows-were-far-ordinary
    ( Con người không phải là kết quả của những vụ va chạm ngẫu nhiên may rủi trong vũ trụ này: Các nhà khoa học chỉ ra rằng, chúng ta cao trọng hơn mọi loài rất nhiều )

    http://www.cnsnews.com/commentary/eric-metaxas/explaining-darwinisms-many-problems-bicycle-lock
    ( Học thuyết Darwin gặp phải vấn đề về lý thuyết thông tin – khóa xe đạp là một ví dụ thực tế )

    Thích

  4. Còn một điều nữa đó là khi nhìn vào cấu trúc DNA. chúng ta luôn tự hỏi bằng cách nào để các nguyên tố hóa học có thể tự lắp ráp lại với nhau tạo thành chuỗi DNA mang các thông tin di truyền trong đó ?
    Các nguyên tố hóa học giống như các mẫu tự chữ cái A, B, C, và thông tin di truyền thì nó giống như một bài thơ, chứa đựng vần, điệu, âm, nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Thông tin hay cũng gọi là thông điệp, là chữ, câu, đoạn được ráp lại để mang một ý nghĩa nào đó.

    Có một quy luật gọi là ” quy luật Morse ” ( Morse code ). Một thông điệp được mã hóa bằng quy luật Morse, là những tín hiệu, là tập hợp của những tiếng “ bíp ” và tiếng “ tè ” được gửi đi qua không khí. Tín hiệu này được truyền tải giữa mỗi người, người truyền và người nhận. Mà đã được quy ước trước với nhau để chúng đại diện cho một số chữ trong bảng chữ cái

    Ví dụ: tín hiệu S.O.S. ( Save Our Soul ) là tín hiệu xin cứu giúp của tàu bè bị nạn, mà theo mã Morse có thể sẽ là: bíp bíp bíp… tè tè tè…bíp….
    Nếu một trong hai người không biết trước mã Morse, thì khi người kia phát tín hiệu “ bíp ” và “ tè ”, người nhận tín hiệu sẽ chẳng hiểu được người phát muốn nói điều gì. Như vậy, thông tin có liên quan mật thiết với quy luật đã có mục đích và có chủ ý từ trước

    Quy luật ắt hẳn phải được sáng chế từ một đối tượng thông minh. Đối tượng đó có thể ngụy trang tín hiệu của mình để tín hiệu ấy, đối với người không liên can, sẽ trở thành một thứ nhiễu, tức là một tín hiệu không có ý nghĩa gì, để khi có người vô tình nhận được, họ nghe hay nhìn nó sẽ chỉ như một tín hiệu lộn xộn, ngẫu nhiên.
    Phương pháp biến một tín hiệu ( có nghĩa ) thành một thứ nhiễu gọi là “ xáo tín hiệu ” ( scramble ). Kỹ thuật này liên quan nhiều đến toán học mà những người không thuộc chuyên ngành sẽ khó mà giải được. Hình thức xáo tín hiệu này cũng được dùng nhiều trong chiến tranh khi các phe đối đầu không muốn cho kẻ địch của mình nghe lén thông tin bí mật. Tín hiệu được mã hóa là do một người có kinh nghiệm sáng chế và giải mã, hoặc cũng do những người gọi là hacker làm ra. Còn từ trước đến giờ không có ai trưng ra được bằng chứng nào cho thấy là tín hiệu có thể tiến hoá từ nhiễu ( vô trật tự ) đến có ý nghĩa ( trật tự ) cả. Bởi như vậy là phản lại Định Luật Entropy.
    Nói một cách khác, người “ thông minh ” hoàn toàn có thể giả vờ làm kẻ “ ngu đần ”, nhưng không bao giờ có trường hợp ngược lại. Vì vậy, thông tin di truyền DNA được mã hóa trong tế bào sống phải là sản phẩm của một trí tuệ siêu thông minh, chứ chúng không thể tiến hóa từ các chất hóa học vô cơ được.

    Tóm lại, thông tin trong DNA chính là một cách xáo tín hiệu của Nhà Thiết Kế dành cho những con người, những nhà khoa học minh triết, biết khiêm nhường, hạ mình xuống, và thán phục trước kỳ công sáng tạo của Ngài.

    Thích

    • Cám ơn bạn Tiến Nam,

      ý kiến của bạn sẽ được biên tập lại thành một bài viết để đăng chính thức trên PVHg’s Home. Mong sao những ý kiến như thế này càng nhiều càng tốt.

      PVHg

      Thích

      • Cảm ơn bác Hưng

        Ở đoạn cuối cùng, phần comment thứ 2, bác có thể sửa câu ” thông tin trong DNA ” thành ” mật mã bí ẩn, kín giấu trong DNA ” cho phù hợp với văn cảnh nhé.

        Ngoài ra, nếu bác có thể biên tập lại thành bài viết hoàn chỉnh thì sẽ tốt hơn rất nhiều

        Thích

  5. Cháu cũng thấy thí nghiệm của Stanley Miller không khác gì tiểu thuyết giả tưởng Frankenstein. Trong đó, nhà bác học đã sử dụng nguyên liệu có sẵn và muốn tạo ra một con người ( quái vật ) từ những bộ phận của các xác chết. Ông đã lắp ghép thành hình một con người rồi cắm dây kích điện vào, thế là cái xác trở nên một con quái vật sống

    Cháu thiết nghĩ. Tại sao các nhà khoa học không thử thực hiện ” chuyện điên rồ ” như thế kia ? Hoặc ít nhất, họ hãy bằng mọi giá tìm cách để một người đã hoàn toàn chết có thể sống lại được
    Hoặc họ phải làm thí nghiệm nào mà khiến một con vật đã chết được sống lại khỏe mạnh. Thậm chí đó có thể là con vật nhỏ nhất như vi khuẩn, virus từ chết thành sống.

    Họ hãy thử dùng biện pháp nào đó rồi phóng điện như trong truyện Frankenstein để xem người chết hoặc con vật chết có thể nào sống dậy được không. Thay vì tốn công vô ích đi phóng điện vào những vật chất vô cơ chưa từng có sự sống

    Tất nhiên một chuyện như truyện Frankenstein không bao giờ có thể xảy ra rồi. Nhưng thật sự thí nghiệm Miller còn nực cười hơn cả Frankenstein.
    Nếu để ý chúng ta cũng sẽ thấy có một số nhà khoa học lừng lẫy như Nikola Tesla được mệnh danh là ” bác học điên “. Tuy nhiên, chữ ” điên ” đó là điên theo nghĩa tích cực, vì họ là những con người vừa tài ba, thông thái, minh triết, đem đến những sáng chế, đóng góp to lớn cho nhân loại. Còn những nhà khoa học như Stanley Miller thì phải thốt lên rằng, họ là những ” bác học điên ” theo đúng nghĩa đen, theo nghĩa đáng phê phán, lên án.

    Tesla là thiên tài vượt xa thời đại mà ông sống, hay nói cách khác là ông đã ” sinh nhầm thời đại và chọn nhầm nơi chốn ” nên bị người đời cho là ” nhà bác học điên “. Ông nối tiếng với các ý tưởng khó tin, điên rồ khiến giới khoa học xa lánh và cho rằng ông bị điên.
    Tháp Wardenclyffe là một trong những mơ ước tuyệt hảo của ông. Nếu thành công, thế giới ngày nay sẽ được sử dụng điện miễn phí và không giới hạn chỉ bằng một cái ăng-ten. Nhưng cuối cùng đã bị JP Morgan rút nguồn tài trợ
    Ngoài ra, có một ý tưởng phát minh khác mà ông muốn thắp sáng cả hành tinh bằng loại tia cực mạnh như tia cực tím, bắn vào các hạt khí loãng để chúng phát sáng như hiện tượng cực quang. Phát minh ấy khiến người ta cho rằng nếu thành công thì con tàu Titanic sẽ chẳng bao giờ chìm xuống do thiếu tầm nhìn lúc ban đêm

    Chỉ tiếc rằng, những bộ óc như vậy lại bị hạ thấp, bị vùi dập. Giống như trong dụ ngôn ” Gã Điên của Nietzsche ” đã cho ta hiểu rằng chỉ có những con người vô minh, cố tình bịt mắt không nhìn vào Sự Thật mới là những kẻ điên rồ.

    Cháu có xem một bài báo của trang genk.vn nói về hình thành sự sống.
    http://genk.vn/kham-pha/mo-phong-lai-moi-truong-hinh-thanh-nen-su-song-dau-tien-tren-trai-dat-20150808173142495.chn
    Cháu thấy tức cười vì ngay từ đoạn đầu giới thiệu của bài báo. Họ đã để lộ ngay cái sự ấu trĩ của họ khi tin vào câu chuyện thần thoại abiogenesis. Họ viết: ” Bạn đã từng xem những cảnh trong phim Frankenstein, các bác sỹ đã sử dụng điện để làm cho những con quái vật sống lại. Trong các tác phẩm KHOA HỌC VIỄN TƯỞNG, điện thường đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự sống trên Trái Đất. Xung điện luôn tồn tại xung quanh chúng ta, nhưng làm cách nào các tia điện tạo ra sự sống đầu tiên trên hành tinh của chúng ta ? ”

    Đối với một người có lý trí sáng suốt sẽ nhận ra ngay câu hỏi trên thật là một câu hỏi ngây thơ. Họ dẫn dắt người đọc tin vào một học thuyết ngụy khoa học. Vậy mà ngay ở đầu bài, họ đã khiến ta thấy ngay là chuyện tia điện phóng vào một hồ ” soup nguyên thủy ” để rồi dần dần hình thành nên các vật chất sống, tế bào sống, là một câu chuyện cổ tích chỉ có trong giấc mơ mà thôi.
    Họ thật đáng thương !

    Thích

    • Tiến Nam thân mến,
      1/ Đặc biệt cám ơn cháu vì những ý kiến trao đổi sâu sắc đầy nhiệt huyết.
      2/ Có một cách bác bỏ giới tiến hóa mà không cần tranh cãi với họ. Đó là cách chúng ta cứ nói lên sự thật, để mọi người tự phán xét. Giống như trong Kinh Thánh có một điệp ngữ rất hay “AI CÓ TAI THÌ NGHE”. Chúa dạy bảo nhưng có nhiều kẻ không thèm nghe, vì thế Ngài nói “Ai có tai thì nghe”. Đó là cái PHÚC của mỗi người cháu à. Vậy cháu cứ phát biểu nhé, càng nhiều càng tốt, vì ý kiện của cháu là một ý kiến đáng quý, vừa có lý luận, vừa có trực giác tốt. Bác sẽ đăng ý kiến của cháu mà không cần sửa chữa biên tập nhiều đâu. Nhiều ý kiến gộp lại thành một bài. Nếu cần bác sẽ thêm lời bình luận ở phần cuối, như bác vẫn thường làm với ý kiến của người khác.
      PVHg

      Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này