AVE MARIA của Bach-Gounod

 

AVE MARIA, by J. S. Bach & C. Gounod, The Best Version

Tôi muốn gửi lời Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2015 tốt đẹp nhất tới quý độc giả, bạn bè và người thân, nhưng lưỡng lự mãi không biết lời chúc nào là đẹp nhất, thiêng liêng nhất, tình cảm nhất. Cuối cùng, tôi chọn nhạc phẩm: AVE MARIA của Bach-Gounod… Có hàng trăm cách diễn đạt tác phẩm này, khó mà chọn ra cách nào là hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, cách trình bày bằng cello, violon và piano như video trên làm tôi mãn nguyện nhất. Hy vọng độc giả cũng cảm thấy như thế. Và phải nói một chút về tác giả…

ave-maria_bach-gounod-1 copy

Bach-Gounod là tên của 2 đồng tác giả: Johann Sebastian Bach (1685-1750), nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức, và Charles Gounod (1818-1893), nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng với bản Ave Maria nói trên…

J.S.Bach từng được mô tả như “người cha đầu tiên của hòa âm” (original father of harmony) [1], người “sáng tạo âm nhạc để vinh danh Thiên Chúa” (Created Music to God’s Glory) [2], là tác giả phần Arpège (hợp âm rải) trong nhạc phẩm Ave Maria nói trên. Chính xác thì phần Arpège đó là Prélude cung Đô trưởng nằm trong tác phẩm The Well-Tempered Clavier, Quyển I của Bach.

Nghe nói khi chơi bản Prélude cung Đô trưởng của Bach, Gounod xúc động tới mức thốt lên rằng nếu không có một Mélodie (giai điệu) chạy trên những hợp âm rải kỳ diệu đó thì thật là uổng phí, và thế là ông “ứng khẩu thành thơ” – bật ngay ra phần giai điệu đẹp mê hồn của Ave Maria, mà lúc đầu ông đặt tên là Méditation sur le Premier Prélude de Piano de S. Bach (Khúc miên man trầm tư dựa trên Prélude thứ nhất soạn cho đàn Piano của S. Bach). Tóm lại, tác giả phần Mélodie của Ave Maria của Bach-Gounod là Charles Gounod.

Charles GounodBản Prélude thứ nhất của Bach công bố năm 1722. Bản Méditation của Gounod công bố năm 1853. Vậy là phải mất 131 năm với 2 bộ óc thiên tài mới đẻ ra được một Ave Maria bất hủ như thế – một phép mầu kỳ diệu của con người, một đặc ân của Thiên Chúa dành cho 2 người con lỗi lạc đó, và cũng là đặc ân dành cho tất cả chúng ta, bởi chúng ta là những người được hưởng thụ những âm thanh kỳ diệu đó!

Cùng với bản Ave Maria của Franz Schubert, bản Ave Maria của Bach-Gounod là một trong số những bản thánh ca đẹp nhất, thiêng liêng nhất được xướng lên trong những dịp lễ long trọng và thiêng liêng nhất, cả bên trong lẫn bên ngoài Thiên Chúa giáo.

Độc giả có thể thưởng thức thêm Ave Maria của Bach-Gounod thông qua 2 giọng ca rất đặc biệt sau đây:

■ AVE MARIA (Bach/Gounod) / Sarah Brightman

https://www.youtube.com/watch?v=a4KGyPUxATg

■ AVE MARIA (Bach/Gounod) / Anna Moffo

https://www.youtube.com/watch?v=fO78AqC1IE4

Một lần nữa, xin gửi tới độc giả, bạn bè, người thân của tôi lời Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2015 với những mong muốn tốt đẹp nhất.

PVHg, Sydney 19/12/2014

Chú thích:

[1]: Đó là nhận định của Beethoven về J.S.Bach. Xem Wikipedia, mục từ Johann Sebastian Bach

[2]: http://www.christianity.com/church/church-history/timeline/1701-1800/bach-created-music-to-gods-glory-11630186.html

3 thoughts on “AVE MARIA của Bach-Gounod

  1. Chúc anh PVH một Noel đầy ánh sáng!
    Em gửi anh một bài thơ Noel em vừa dịch xong giây phút này.
    Nguyễn Hồng Nhung

    PILINSZKY JÁNOS:
    CẢ THIÊN THẦN ÁNH SÁNG
    ( Kỷ niệm về một Noel đại chiến)

    Bầu trời tăm tối
    như thể đám mây tối đen
    của phán xử cuối cùng đổ xuống đầu ta
    và trái đất cũng thoắt trở nên tăm tối.

    Trái tim nhỏ dại của ta nặng trĩu làm sao!
    Những ngôi nhà, những khu vườn,
    cùng toàn bộ thế gian mỏng manh,
    ta linh cảm, cùng ta run rẩy.

    Rồi bỗng nhiên, trong thoắt lặng yên,
    êm ái bất ngờ,
    giữa tuyết rơi êm đềm
    lặng thinh mềm mại,

    như thể lung linh chói sáng, bông tuyết bay
    chạm đất đen gìn giữ,
    cả thiên thần ánh sáng,
    cũng chạm gót thế gian.
    Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
    ( Sài Gòn 2014. december 18.)

    Thích

  2. Giáng sinh đang đến rất gần, không khí vui mừng đang tràn ngập khắp hành tinh, thật đáng để biết được rằng, trong lịch sử của loài người chưa có một bậc vĩ nhân nào, cho dù đó là các lãnh tụ tôn giáo, hoặc là triết gia, hay nhà tư tưởng hay chính trị gia lại có được tầm ảnh hưởng lớn lao đến toàn thế giới như vậy, chúng ta có thể không nhớ ngày sinh của Đức Phật, Đức Khổng Tử , hay là Lão tử ,có thể không nhớ ngày sinh của Mohamed, hoặc đến như là sinh nhật của nhà khoa học gia lỗi lạc Einstein chẳng hạn mặc dù ông cũng chỉ mới mất không lâu, nhưng khi hỏi bất cứ người nào, dù là già hay trẻ, trai hay gái ở bất cứ đâu trên thế giới, về ngày sinh của Chúa Jesus ai cũng trả lời được đó là đêm Giáng Sinh, trong máng cỏ cách đây hơn hai ngàn năm.
    Kinh Thánh đã chép rằng

    “ Vinh danh Thiên Chúa trên trời
    Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2:1-14)

    Ngày Thiên Chúa xuống thế là ngày bình an, là ngày vui mừng cho toàn nhân loại, mọi người đều hân hoan, mọi người đều vui mừng, từ người già hay người trẻ, từ người Thiên Chúa Giáo hay không Thiên Chúa giáo, dù là người ăn chay hay ăn mặn, mọi người đều hân hoan, vui mừng, họ đổ ra đường ca hát, họ chúc nhau những lời chúc bình an, hạnh phúc, họ tặng quà cho nhau.
    Tinh thần của Giáng Sinh là ngày vui mừng, là ngày của quà tặng, trẻ em được ông già Noel tặng quà, người lớn cũng được quà tặng ngày nghỉ, những món quà đẹp đẽ và trang trọng được tặng cho nhau. Từ “ ngày nghỉ ” tiếng Anh là Holiday, phát âm nghe có nghĩ là “ngày thánh”, từ “lịch sử” History, phát âm nghe có nghĩ là “ câu chuyện của anh ấy ” – “Anh ấy” là ai? Chẳng phải là Ngài, là câu chuyện về tình yêu của Thượng Đế dành cho loài người đến nỗi Ngài phải hóa thân làm người mà chết cho nhân loại sao?
    Người thế gian nghĩ rằng món quà càng to, càng đẹp thì càng phải tốn nhiều tiền, nhưng sự thật thì món quà lớn nhất giá trị nhất cho con người lại là món quà không phải mất tiền, đó là món quà của Thượng Đế là Chúa Jesus là tình yêu của Thượng Đế dành cho con người đã được ban xuống cho thế gian cách đây hơn hai ngàn năm.

    ¬Agapẽ- Tình yêu của Thiên Chúa, đã được bày tỏ trong Kinh Thánh:
    “Tình yêu thương hay nhẫn nhục, tình yêu thương nhân từ, không ghen ghét, không khoe khoang, không kiêu ngạo, không khiếm nhã, không tìm tư lợi, không dễ nóng giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong lẽ thật.
    Tình yêu thương dung thứ mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Tình yêu thương không bao giờ chấm dứt….” (Corinthians 13:4-8)

    Trong lịch sử nhân loại, chưa có một kinh văn, một tác phẩm hay một định nghĩa nào về tình yêu mà lại đầy đủ, trọn vẹn như vậy. Đó là tinh thần CHO ĐI vô điều kiện.
    Tuy nhiên khi tôi nói về tình yêu này cho những người khác, ai cũng BIẾT, ai cũng hiểu và đồng ý là tình yêu thương phải như vậy mới là trọn vẹn, nhưng khi hỏi họ có LÀM được như vậy không? Câu trả lời cũng dễ dàng đoán ra:Không ai có thể làm được. Đơn giản bởi vì nó đi ngược với bản chất của con người, hay nói cách khác con người không có “loại” tình yêu thánh khiết này, nên họ không thể làm được, họ không thể cho đi cái mà họ không có.
    Đó cũng là lý do tại sao Chúa Jesus phải xuống thế làm người, Chỉ duy nhất Ngài có được tình yêu đó và Ngài đem nó đến cho những ai muốn CÓ và muốn tiếp nhận nó, để sau khi có rồi thì họ mới có để cho đi được.
    Đó cũng là ý nghĩa về dụ ngôn người đàn bà Samari mà Chúa Jesus đã nói trong Kinh Thánh trong sách Phúc âm John phân đoạn 4. Ngài chính là đầu nguồn nước, để hễ ai tiếp nhận nguồn nước này rồi thì họ sẽ trở thành mạch nước dẫn và từ đó tuôn đổ ra cho mọi người. Để trở thành một người BIẾT CHO, trước tiên họ phải trở thành người BIẾT NHẬN trước, tiếp nhận Chúa Jesus và tình yêu của Chúa Jesus. Biết nhận thì mới biết cho.
    Nếu ai nói rằng tôi luôn cho đi, cho đi và không bao giờ nhận lại một điều gì cả thì họ chưa phải là người biết cho, hoặc họ nói dối, vì không ai có thể cho mãi mà không nhận một điều gì. Để làm được điều đó họ phải trở thành không phải là “người nhận” mà là người “biết nhận” trước tiên, và sau đó họ mới có thể cho đi cái mà họ nhận được- và nguồn để nhận không ai khác hơn là từ Thượng Đế- Chúa Jesus.—Nhận tình yêu của Ngài và cho đi tình yêu của Ngài, nhận lấy và cho đi, nhận lấy và cho đi, và cứ thế tiếp tục.
    —————-
    —————–
    Vào đêm Giáng sinh mọi người trong nhà đều háo hức đến nhà thờ để dự Lễ ngoại trừ người chồng và cũng là người cha. Anh là một người đàn ông trung thực và tốt bụng, nhưng anh không thể nào hiểu nổi và cũng không chấp nhận câu chuyện về em bé trong máng cỏ là Thiên Chúa giáng sinh làm người. Điều nầy quá cao để tâm trí con người có thể lĩnh hội được. Làm thế nào Đức Chúa Trời lại để cho Con Ngài từ bỏ thiên đàng mà đến với thế giới con người? Tại sao Chúa Jesus lại bằng lòng giáng sinh nơi máng cỏ và cuối chùng chịu chết trên thập tự giá vì mọi người? Các câu hỏi nầy cứ lảng vảng trong tâm trí và anh không muốn giả vờ làm người mộ đạo nên đã quyết định ở nhà hơn là đến nhà thờ mà không có lòng tin.
    Khi cả gia đình đã ra đi vào một đêm đông lạnh buốt, anh bỏ thêm củi vào trong lò sưởi rồi ngồi vào chiếc ghế bành để đọc báo và đợi cả nhà trở về. Bỗng nhiên có tiếng gõ vào cửa sổ. Tiếng động nầy khiến anh giật mình và liếc nhìn bên ngoài, anh ngạc nhiên khi thấy rằng các âm thanh gõ cửa do một con chim nhỏ tuyệt vọng cố gắng để bay vào trong nhà để tìm không khí ấm Anh suy nghĩ một lúc để cố tìm cách nào giúp chú chim non đang ởtrong tình huống khó khăn. Anh mở cửa sổ nhưng con chim không chịu bay vào. Anh đi đến mở cửa trước, nhưng vẫn không thành công. Cuối cùng anh mặc chiếc áo khoác rồi bước ra ngoài khi tuyết đã rơi nhiều và cố gắng cứu chú chim nhỏ bằng cách mở cửa kho chứa thóc để thuyết phục nó bay vào một nơi an toàn và ấm áp. Tuy nhiên, con chim vẫn không chịu bay vào đó.
    Thất vọng quá cho đến cuối cùng anh nghĩ , “Nếu tôi có thể biến thành một con chim thì chỉ một khoảnh khắc tôi sẽ hướng dẫn chú chim non đến nơi an toàn.” Cũng lúc đó tiếng chuông nhà thờ vang vang từ xa trong đêm đông lạnh giá.

    Thích

  3. 1. Đây là một tác phẩm THIÊNG LIÊNG – THẦN THÁNH.

    2. Bộ Well-Tempered Clavier (Bình quân luật) của J. S. Bach gồm 2 tập viết cho đàn phím solo là một trong những BÁU VẬT TRÍ TUỆ VĨ ĐẠI trong đại dương tác phẩm của J. S. Bach. Mỗi tập gồm 24 cặp Prelude và Fugue ở tất các các điệu thức trưởng và thứ trong thang âm. Cặp thứ nhất ở giọng Đô trưởng, cặp thứ hai ở giọng Đô thứ, cặp thứ ba ở giọng Đô thăng trưởng, cặp thứ tư ở giọng Đô thăng thứ, cặp thứ năm ở giọng Rê trưởng và cứ thế tiếp diễn.

    Bản Predude số 1 giọng Đô trưởng trong Bình quân luật tập I của Bach là một chuỗi đơn giản những hợp âm rải nhằm mục đích đặc biệt là luyện ngón cái. Vì vào đầu thế kỉ 18, người ta thường không sử dụng ngón cái khi chơi đàn phím. Nhà soạn nhạc Pháp Charles Gounod ( 1818 – 1893) đã sử dụng nó đề làm nền cho giai điệu Ave Maria nổi tiếng của ông. Chính vì thế với phần đông thính giả, Predude số 1 giọng Đô trưởng là khúc nhạc quen thuộc nhất trong Bình quân luật.

    Thích

Gửi phản hồi cho Thanh Phan Chi Hủy trả lời