BIÊN ĐỘ CỦA THÁNH KINH, tiểu phẩm của Pilinszky János

Open_BibleCon người là thực thể xã hội. Trong khái niệm tâm huyết hơn: con người là thực thể sinh ra cho tình yêu thương. Vậy mà, để yêu thương cũng khó, nhận lấy lòng yêu thương cũng khó… Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt những nguyên nhân của kinh nghiệm, của bi kịch tình yêu thương con người, và cho dù ta có thể làm dịu đi nỗi đau chúng mang lại, nhưng mâu thuẫn của bi kịch này vẫn còn nguyên: Con người sinh ra cho lòng yêu thương, nhưng vô ích kiếm tìm sự thực hiện hoàn hảo tình yêu thương trên quả đất…

Đó là những trích đoạn trong tiểu phẩm “Biên độ của Thánh Kinh” của Pilinszky János, một nhà thơ Hungary nổi tiếng trong thế kỷ 20, do Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung. PhamVietHung’s Home xin trân trọng giới thiệu.

Câu chuyện hôm nay bắt đầu từ một lá thư của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung ở Hungary. Xin độc giả cùng chia sẻ:

Anh Phạm Việt Hưng thân mến!

Đọc một bài viết nồng nhiệt rất đúng tính cách PVH gặp ngoài đời, không thể không chia xẻ niềm vui cùng anh.

Chúc mừng sự thành công của trang PhamVietHung’s Home, chúc mừng anh, chủ nhân của các bài viết sắc sảo, đầy tâm huyết và trí tuệ. Em biết cái đặc thù nào rất PVH trong bất kỳ đề tài nào mà anh đề cập: ĐỨC TIN.

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời sẽ là của họ”

Đức tin có vì nhận thức tỉnh táo và sáng rõ trong tính thiện của anh. Không thể khác.

Tại sao “người ta” tranh luận mãi không biết chán từ những khơi mở, kêu gọi của PVH thế? Cũng tại vì ĐỨC TIN anh Hưng ơi! dễ mà có được, dễ mà hiểu được, dễ mà giữ được!

Em nhớ chưa từng tranh luận với anh (hihihih…) Thay vào đấy, em gửi cho anh các bài dịch của những danh nhân Hungary có đức tin tuyệt vời, đúng không anh?

Bây giờ, cũng gửi lại một bài (như thế), dù bài này em dịch đã lâu rồi, nhưng em vẫn thường đọc lại vì quá hay, đây là một trong những nhà thơ hiện đại Hungary (thế kỷ XX) mà em ưa thích nhất, một “linh hồn nghèo khó”

Chúc anh những ngày Thu đẹp nhất, NHN

Sau đây là toàn văn bản dịch:

BIÊN ĐỘ CỦA THÁNH KINH

 Pilinszky János

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

Con người là thực thể xã hội. Trong khái niệm tâm huyết hơn: con người là thực thể sinh ra cho tình yêu thương. Vậy mà, để yêu thương cũng khó, nhận lấy lòng yêu thương cũng khó.

Ấn tượng của kẻ “sinh ra cho tình yêu thương” luôn luôn là: một mặt người ta không yêu thương tôi “đủ”, mặt khác người ta không cho phép tôi yêu thương, hoặc yêu thương một cách “thật sự”.

Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt những nguyên nhân của kinh nghiệm, của bi kịch tình yêu thương con người, và cho dù ta có thể làm dịu đi nỗi đau chúng mang lại, nhưng mâu thuẫn của bi kịch này vẫn còn nguyên: Con người sinh ra cho lòng yêu thương, nhưng vô ích kiếm tìm sự thực hiện hoàn hảo tình yêu thương trên quả đất.

Tình yêu thương thật sự – như các thi sĩ thánh kinh thường nói – là bộ sưu tập của tất cả các đức hạnh trần tục: sự khiêm nhường, lòng kiên nhẫn, sự hiền dịu, hiến dâng, lòng trung thành và sự anh minh.

Thế nhưng thử thách chân chính của tình yêu thương chân chính lại là, không run sợ trước tình yêu thương của kẻ khác, để ngập tràn lòng nhân từ, sự kiên nhẫn và khiêm nhường đón nhận tình yêu thương.

Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe nói đến một tình yêu thương nặng gánh, gây bực bội, không thể chịu đựng nổi. Và đã bao nhiêu lần chúng ta thấy trong tình yêu, cuộc đấu súng của đôi “tình nhân”, cuộc chiến của kẻ săn đuổi và kẻ bị truy rượt, chủ nghĩa man rợ ăn thịt lẫn nhau thực sự của tình yêu thương.

Bởi vậy, trước bi thảm của tình yêu thương của con người Kinh Thánh vẫn là cuốn sách lớn của mọi cuốn sách. Thượng Đế sống trong Lời, là kẻ cho phép người khác yêu thương mình! Đấy là nhận thức tuyệt hảo nhất của tình yêu thương.

Và ai một lần đã đạt đến mức cảm thấy những từ ngữ của Kinh Thánh hoàn toàn quyện lấy mình, với kẻ đó bằng chứng sâu sắc thánh thiện nhất là bằng chứng tình yêu thương của Thánh Kinh. Thượng Đế là người mà ta có thể yêu thương được. Không một cơn khát nào bị ngăn cản.

Francois Mauriac đã phân tích một nhân vật trở thành linh mục như sau: “Nếu anh ta yêu một người nào đấy, luôn luôn người ấy là kẻ mà anh ta yêu hơn cả, và những trái tim như thế là những con mồi dễ dàng cho Thượng Đế”.

Thật là một định nghĩa táo tợn, mà bản chất của nó có thể dịch như sau: với những trái tim như vậy chỉ một mình Thượng Đế biết hiến dâng bản thân Ngài cho nó mà thôi! Thậm chí Ngài chỉ ôm vào lòng những kẻ như vậy.

Những kẻ mà bên cạnh tình yêu thương của họ tất cả mọi người đều tháo chạy, những kẻ đó khao khát đợi chờ Thượng Đế nhiều nhất – một cách thầm kín, nhưng gần gũi, vô hình với sự gắn bó diệu kỳ nhất.

Bởi vậy thật an ủi sau một ngày phiền nhiễu mệt mỏi nặng nề, trong tĩnh lặng của màn đêm lật giở từng trang – từng trang Kinh Thánh. Và đây cũng là điều bất tử trong sách Thánh: tình yêu thương, sự tuyệt vời của tình yêu thương siêu việt.

Rất nhiều lần tôi đã trầm ngâm, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giê su đã mang lại cú sốc như thế nào đối với một người đọc Hy lạp hay Latin?

Bởi vì chúng ta biết một định luật thiêng tàn bạo trong các truyện thần thoại, khi vị thần mới truất ngôi vị thần cũ, Zeus hạ bệ Kronos, như những chiếc lá mới xô đẩy những chiếc lá năm ngoái, như trong các bộ lạc man rợ cậu con trai giết cha. Sự phát triển đòi hỏi nạn nhân, và ngay đến sự ra đời và cái chết của các thần linh cũng phản ánh quy luật thiên nhiên trần trụi này.

Người đọc được nuôi dưỡng từ các thần thoại Hy lạp và Latin chắc chắn sẽ hết sức ngạc nhiên khi đọc về mối quan hệ giữa Cha và Con trong Kinh Thánh, để tự ngẫm với mình bằng trái tim và trí óc kinh ngạc rằng: “Ôi, đây là một Thượng Đế mới, kẻ ra mắt Cha như một nạn nhân trong sạch. BA NGÔI là chiến thắng của tình yêu thương, đã chặn đứng một dãy dài, một quá trình tiến hóa tội lỗi khủng khiếp. Trong BA NGÔI, thật sự Thượng Đế vĩnh cửu đã đến với chúng ta.”

“Các ngươi đừng sợ hãi, ta đã chiến thắng thế gian” – Chúa Giê su nói, và khi Chúa nói điều này, chúng ta hiểu, người nghĩ đến một tình thương yêu vô bờ bến. Tình yêu thương là thứ không thể trôi qua, là thứ không thể tránh khỏi và vĩnh viễn không bao giờ bị bỏ quên. Tình yêu thương là khái niệm sâu sắc nhất chúng ta tạo dựng về hiện thực.

Ngôn từ của Chúa từ tình yêu thương mới khẽ khàng làm sao, chiến thắng của Người từ tình yêu thương mới êm dịu và kiên nhẫn làm sao. Và vì không có sự sống vĩnh cửu nếu thiếu tình yêu thương, nên chỉ một mình tình yêu thương mới có thể an bài trong vĩnh cửu và toàn diện.

Kinh Thánh là bằng chứng yêu thương vĩ đại duy nhất bên cạnh sự sống. Thượng Đế, cũng như bí ẩn của BA NGÔI có thể tiếp cận gần gũi nhất bằng logic của tình yêu thương.

Từ đây có sự hiện đại vĩnh cửu của Kinh Thánh.

( Hà nội 2013-01-04)

Advertisement

2 thoughts on “BIÊN ĐỘ CỦA THÁNH KINH, tiểu phẩm của Pilinszky János

  1. Có bao giờ chúng ta tự hỏi tình yêu thương thật sự là gì? Và làm thế nào để yêu thương một ai đó? Chúng ta phải yêu thương như thế nào? Nói yêu thương một ai đó bằng môi miệng khá dễ dàng, nhưng để yêu ai đó bằng cả tấm lòng và nhất là bằng hành động thì khó hơn rất nhiều. Vì bản chất của con người là yêu bản thân mình trước hết, sống ích kỷ , và đặt cái tôi quá lớn. Vậy làm sao để biết yêu ai đó bằng cả tấm lòng đây? Tình yêu thương là gì?
    Kinh Thánh bày tỏ.

    “Love is kind and patient, never jealous, boastful, proud or rude. Love isn’t selfish or quick tempered. It doesn’t keep record of wrongs that others do. Love rejoices in the truth , but not in evil.
    Love is always supportive, loyal, hopeful, and trusting. LOVE NEVER FAILS…”
    (Corinthians 13:4-8)

    “Tình yêu thương hay nhẫn nhục, tình yêu thương nhân từ, không ghen ghét, không khoe khoang, không kiêu ngạo, không khiếm nhã, không tìm tư lợi, không dễ nóng giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong lẽ thật.
    Tình yêu thương dung thứ mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Tình yêu thương không bao giờ chấm dứt….”

    Đây chính là trọng tâm Tình yêu thương của người Thiên Chúa Giáo được Kinh Thánh nhắc đến – Tình yêu Thiên Chúa

    Trong tiếng Việt, chữ yêu thương có một nội dung tình cảm cao độ. Nó là sự bừng dậy, là đỉnh cao mà con tim đạt tới lúc con người cảm thông, nghĩ tới một người rất gần gũi, rất thân thiết. Theo như cách chúng ta học tập để sử dụng từ ngữ ấy, thì tình yêu thương vốn không phải là điều gì để đem ra phân phát cho một số đông người; tự bản tính, nó nhất thiết là một cái gì phải được tập trung vào chỉ một tối thiểu số, một con người duy nhất naò đó. Người Hy-lạp vốn biết rõ điều này, họ chia tình yêu thương thành các loại khác nhau, Họ biết rõ về một loại tình yêu vốn là một đam mê và là một khát vọng, có cường độ lấn át tất cả, thường là thèm khát về phương diện tính dục, và họ gọi nó là: Eros. Họ biết rõ về một loại khác, loại tình yêu thương bền vững của tình cảm xuất phát từ kinh nghiệm cùng nhau đối mặt với cuộc sống, loại tình yêu bền vững buộc chặt hai con người lại với nhau, cả khi đam mê không còn nữa, họ gọi nó là: Phiia. Họ biết rõ một loại tình yêu thương mà tính dục không dự phần vào được , đó là tình yêu của một đứa con đối với cha mẹ nó, một đứa con trai dành cho mẹ , một đứa con gái dành cho cha, một anh em trai cho một chị em gái, họ gọi nó là: Storgẽ.

    Nhưng tình yêu thương trong Thiên Chúa Giáo mà Thánh Kinh bày tỏ khác hẳn với các loại trên của người Hy Lạp.
    Tình yêu thương của Thiên Chúa, mà Chúa Jesus đòi hỏi con người phải thực hành, không phải là loại nào trong số tất cả các điều đó; nó được gọi là Agapẽ.

    Người tín hữu không bao giờ quên câu nói của Chúa Jesus với các môn đồ “ Chính các con phải cho họ ăn” khi Ngài làm phép lạ hóa bánh nuôi 5000 người đang đói khát được ăn.

    Ngày này, Ở Phương Tây, hội Cứu Thế Quân với khẩu hiệu “ Tình yêu Thiên Chúa và đôi tay con người” là một trong những tổ chức cứu tế phi chính phủ lớn nhất, thể hiện tình yêu thương ra bằng hành động của con người quan tâm đến những bất hạnh bối rối của nhau dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Điều này khác hẳn với tư tưởng Á Đông mà người Việt bị ảnh hưởng rất nặng nề từ Trung Quốc với những câu thành ngữ như “ nước mắt người dưng chỉ là nước lã” , hay là “ Nhân vô vị kỷ, trời tru đất diệt” ( người không vì mình trời tru đất diệt), vô cùng ích kỷ.

    Tình yêu của Thiên Chúa- Đó là thái độ của ý chí đối với tha nhân. Đó là cả toàn bộ ý muốn tốt của tôi đối với mọi người. Đó là loại thái độ để bày tỏ thiện chí không thể thay đổi được là ước muốn điều tốt lành cho người khác mà chẳng có gì tiêu diệt được. Điều hết sức rõ ràng, đây không phải chỉ là cách đáp ứng của tình cảm cá nhân; ĐÂY LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG CỦA Ý CHÍ. Trong đó, không phải chỉ có trái tim đến với người khác; mà nó là con người toàn diện .
    Thiên Chúa không yêu thương con người vì họ hấp dẫn, đáng yêu mà Ngài yêu con người bởi vì chính họ, và bởi tình yêu thương Ngài, Ngài tái tạo và làm lại con người. Và đó cũng là cách con người phải yêu thương tha nhân. Chúng ta không yêu thương người khác vì họ khả ái; chẳng hề có ai cần được một người khác ra lệnh cho mình phải yêu thương một người xinh đẹp, hấp dẫn. Tất cả vấn đề của tình yêu thương là thái độ của tâm trí và ý chí và của con người toàn diện khiến bản thân mình có thể yêu thương những người chẳng có gì đáng yêu, những người khó có thể yêu nổi, những người bất hạnh, nghèo khổ, xấu xí , bệnh tật, bối rối…..chẳng được ai yêu thương, cả đến những người thù ghét, làm hại và nguyền rủa mình nữa, theo ý nghĩa là cho dầu họ có làm gì đi chăng nữa, thì tôi sẽ chẳng bao giờ đối xử với họ bằng điều gì khác hơn là bằng ý tốt với họ, và tôi sẽ chẳng bao giờ tìm cầu gì cho họ ngoài ra điều tốt lành.

    Đây không phải là một tình cảm tự động tự phát; đây không phải là một cái gì tùy thuộc vào tính cách khả ái của người kia. Nó là việc học tập để nhìn người khác như Thiên Chúa nhìn họ, bằng con mắt không phải là nhắm lại đối với các lầm lẫn, thất bại và tội lỗi của họ, nhưng bằng con mắt luôn luôn trông mong giúp đỡ, và hễ một người càng tồi tệ bao nhiêu, thì càng phải trông mong giúp đỡ càng nhiều hơn. Theo một ý nghĩa, thì hễ một người càng làm hại tôi bao nhiêu, thì tôi càng phải yêu thương nhiều hơn bấy nhiêu, vì như thế là người ấy càng cần đến tình yêu thương của tôi nhiều hơn, tôi có nhiều cơ hội thực hành dùng tình yêu thương để biến họ trở nên tốt lành hơn bấy nhiêu.

    “Tình yêu thương của Thiên Chúa không đi tìm ,nhưng sáng tạo ra điều đẹp lòng nó. Tình yêu thương của loài người chỉ nảy sinh khi gặp điều đẹp lòng mình”

    Nghĩa là loài người yêu cái khả ái, đáng yêu; Thiên Chúa thì yêu cái chẳng có gì là khả ái, đáng yêu cả, rồi khiến nó trở thành điều khả ái, đáng yêu. Như vậy, muốn trở nên giống như Thiên Chúa, Con người cũng phải có thái độ của thiện chí bất biến như Ngài, nhưng điều đó không phải chỉ đơn giản có nghĩa là chấp nhận tha nhân với tình trạng hiện có, dường như nếu người ấy cứ giữ tình trạng hiện có, dường như nếu người ấy cứ giữ nguyên trạng như thế mà không hề đổi khác đi, thì cũng chẳng có gì quan trọng cả. Mà cũng như Thiên Chúa, người thực hành tình yêu Agape phải trông mong cho người được mình yêu thương sẽ trở thành khả ái, tốt lành, và đến lượt mình, người ấy cũng phải có tình yêu thương. Sự việc đương nhiên vốn không phải luôn luôn xảy ra, nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng được cái phước hạnh là có thể yêu thương được người mà mình từng ghét cay ghét đắng và khiến người ấy yêu thương mình. Lấy đắng cay trả cay đắng, đem thù hận báo hận thù, thì chẳng ích lợi gì cả, nhưng chỉ chuốc thêm cay đắng hận thù mà thôi. Lắm lúc cũng bị thất bại, nhưng — Phương pháp duy nhất để biến kẻ khó thương thành khả ái, là yêu thương kẻ ấy. Và đó chính là ý nghĩa của lòng quan tâm , tình yêu AGAPE được nhắc đến trong Kinh Thánh.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Sandra bước chầm chậm, cô đi trong cơn gió lạnh của tháng 11, hướng đến cửa hàng bán hoa.
    Cuộc đời cô xưa nay vốn êm ả như cơn gió mùa xuân. Nhưng rồi vào lúc cô mang thai đứa con thứ hai được bốn tháng, thì một tai nạn xe cướp đi tất cả những êm ả ấy.
    Trong tuần lễ Tạ ơn này, đúng ra cô đã hạ sinh một cậu con trai. Sandra rất đau buồn vì sự mất mát này. Mà vậy cũng chưa hết, công ty của chồng cô lại đang trên đà phá sản. Rồi cô em gái định đến thăm cô trong dịp lễ này lại vừa gọi đến thông báo cô ấy không thể đến được.
    Một cô bạn của Sandra đã làm cô tức điên lên khi chia sẻ rằng những điều đau buồn cô đang gánh chịu là chương trình, là đường lối Chúa trên đời sống Sandra, để cô có thể trưởng thành hơn, và có thể cảm thông với những nỗi đau của người khác. “Cô ta thật chẳng hiểu tí gì về cảm giác của mình,” Sandra nghĩ.
    Lễ Tạ ơn? Tạ ơn Chúa về cái gì chứ? Cô thầm nghĩ. Cảm tạ về anh tài xế bất cẩn nọ, đã lái chiếc xe tải tông vào sau xe cô hay sao? Hay là cảm tạ về cái túi đệm hơi trong xe đã cứu cô thoát chết nhưng lại lấy mất đứa con trong bụng cô?
    “Xin chào, tôi có thể giúp gì cho chị ạ?” Người bán hoa nói làm cô giật cả mình.
    “Tôi… tôi cần một bó hoa cho…” Sandra ngập ngừng nói.
    “Cho lễ Tạ ơn phải không? Chị muốn hoa thật đẹp, hay bình thường? Hay chị muốn một kiểu hoa tôi gọi là “Đặc biệt cho lễ tạ ơn” mà khách hàng của tôi rất yêu thích?” Người bán hoa gợi ý. “Tôi bảo đảm rằng loài hoa biết kể chuyện đấy,” cô ta nói tiếp. “Hay chị muốn tìm cái gì mang ý nghĩa “biết ơn” cho mùa lễ năm nay?””
    “Không hẳn vậy!” Sandra buột miệng. “Trong khoảng năm tháng trở lại đây, những gì tồi tệ nhất có thể xảy ra thì đã xảy ra với tôi cả.”
    Sandra hối hận vì mình lỡ miệng nói ra suy nghĩ đó. Nhưng cô bị bất ngờ khi người bán hoa bình thản trả lời, “Tôi có một kiểu hoa hoàn toàn phù hợp cho cô đây.”
    Vừa lúc đó, cái chuông nhỏ nơi cửa kêu đính đoong; người bán hoa nói, “Xin chào Barbara… Hoa của bà đặt đã sẵn sàng rồi đây.” Rồi cô ta nhẹ nhàng xin lỗi Sandra để đi vào trong, sau đó cô nhanh chóng xuất hiện trở lại, cầm trên tay một bó gồm cỏ dại màu xanh, những cái nơ, và những thân hoa hồng đầy gai. Ở dưới thân cây được bó lại cẩn thận, nhưng đặc biệt là “bó hoa” này chẳng hề có một bông hoa nào.
    “Bà có muốn để vào hộp không?” Người bán hoa hỏi.
    Sandra nhìn xem thử người khách hàng trả lời ra sao. Đây có phải chuyện đùa không? Ai lại muốn mua một bó toàn thân cây hoa hồng trơ trọi như thế! Nàng chờ cho người mua hoa cười ồ lên, nhưng bà ta chẳng cười gì cả.
    “Vâng, nhờ cô bỏ vào hộp dùm,” Barbara trả lời với một nụ cười biết ơn. “Chắc cô nghĩ sau ba năm từ khi tôi có bó hoa đặc biệt này, tôi không quá xúc động về ý nghĩa của nó nữa, nhưng thật ra tôi vẫn có thể cảm giác nó rất rõ ràng… tất cả trở lại thật rõ ràng,” bà ta vừa nói vừa để tay lên ngực. Và rồi bà đi khỏi với “bó hoa đặc biệt” của mình.
    “Ừmm..,” Sandra ngập ngừng, “người khách của chị vừa rồi… ừmm… vừa đi ra với một bó… không có hoa gì cả!”
    “À, vâng, tôi đã cắt hết hoa đi. Đó chính là một bó “đặc biệt cho lễ cảm tạ.” Tôi gọi đó là “bó gai tạ ơn.”
    “Ồ, thật à, chị đừng bảo là có người lại chịu trả tiền để mua bó gai ấy chứ!” Sandra kêu lên.
    “Barbara đã đến đây với tâm trạng rất giống chị bây giờ,” người bán hoa giải thích. “Bà ấy nghĩ rằng mình chẳng có gì nhiều để tạ ơn cả. Bà mất người cha vì bệnh ung thư, công việc làm ăn của gia đình thất bại, cậu con trai thì rơi vào nghiện ngập hút chích, và chính bà ta phải đối diện với một cuộc giải phẫu lớn.”
    “Cùng năm đó, chồng tôi qua đời,” cô ta tiếp tục nói, ” và đó là lần đầu tiên trong đời tôi đã trải qua mùa lễ một mình. Tôi không có con cái, không có chồng, không có gia đình bên cạnh, và nợ nần chồng chất nên tôi chẳng thể đi du lịch ở đâu được cả.”
    “Rồi lúc đó chị làm gì?” Sandra hỏi lại.
    “Tôi đã học để có thể tạ ơn về những chiếc gai,” người bán hoa trả lời nhẹ nhàng. “Tôi luôn luôn tạ ơn Chúa về mọi điều tốt Ngài làm trên đời sống tôi, và chẳng bao giờ phải thắc mắc về những điều tốt đến trong cuộc đời mình. Nhưng khi những điều tệ hại cho dù nhỏ nhất xảy ra, tôi luôn luôn thắc mắc và hỏi tại sao! Phải mất nhiều thời gian để tôi học biết rằng, những lúc mờ mịt trong cuộc sống rất quan trọng. Chị biết không, Kinh Thánh nói rằng Chúa luôn an ủi chúng ta khi chúng ta buồn phiền, đau đớn, và từ sự an ủi của Ngài, chúng ta học để biết an ủi, nâng đỡ người khác.”
    Sandra nhớ đây cũng chính là điều cô bạn gái đã cố gắng giải thích cho mình. “Tôi nghĩ sự thật là tôi không muốn sự an ủi. Tôi mất đứa con và tôi đã giận dữ với Chúa.”
    Bỗng một người khách bước vào tiệm, một người đàn ông bị hói. “Chào Phil!” Người chủ tiệm nói to với ông ta.
    “Vợ tôi bảo tôi đến lấy món “Đặc biệt cho lễ tạ ơn” của chúng tôi… 12 thân gai dài nhé!” Phil cười khi người bán hoa đưa cho ông bó thân cây gai được gói đẹp đẽ lấy từ tủ lạnh.
    “Cái này cho vợ ông à?” Sandra nghi ngờ hỏi. “Phiền ông cho tôi hỏi, tại sao bà nhà lại thích bó thân cây toàn gai thế này thế?”
    “Ồ, chẳng phiền gì cả.. Tôi vui khi nghe chị hỏi điều này,” Phil trả lời. “Hai năm trước đây, tôi và vợ gần li dị đến nơi. Sau tuổi bốn mươi, chúng tôi thật sự sống trong tình trạng tồi tệ, nhưng trong tình yêu và sự dẫn dắt của Chúa, chúng tôi giải quyết dần dần những nan đề. Chúa cứu hôn nhân của chúng tôi. Jenny, cô chủ tiệm hoa đây, kể cho tôi nghe rằng cô ấy giữ một chậu toàn thân gai hoa hồng để nhắc nhở cô về điều cô ấy học trong những giai đoạn “chông gai”, và điều đó nhắc nhở tôi. Tôi đem về nhà một vài thân gai ấy. Vợ chồng tôi quyết định dán nhãn lên những thân gai ấy từng nan đề cụ thể trong cuộc sống mình, và cảm tạ về những điều học được từ những nan đề ấy.”
    Khi Phil trả tiền cho cô chủ tiệm, ông nói với Sandra, “Bó hoa đặc biệt ấy rất có ý nghĩa, tôi giới thiệu nó với chị đấy!”
    “Tôi chẳng biết liệu tôi có thể cảm tạ Chúa về những cái gai trong cuộc sống mình không nữa,” Sandra nói. “Nó quá sức… mới mẻ!”
    “Vâng,” người bán hoa trả lời cẩn thận, “theo kinh nghiệm của riêng tôi, những cái gai nhọn làm cho hoa hồng thêm quý giá và đặc biệt. Chúng ta coi trọng ý muốn Chúa trong những lúc nguy khó hơn là những lúc bằng an. Hãy nhớ rằng, Chúa Jesus đã bỏ mão triều thiên để đội lấy chiếc mão bằng gai để rồi chúng ta có thể nhận biết được tình yêu vô đối của Ngài. Đừng nên khó chịu với những chiếc gai.”
    Nước mắt lăn dài trên má Sandra. Lần đầu tiên từ khi tai nạn xảy ra, cô cảm thấy như được cởi bỏ khỏi những gánh nặng nề trong lòng. “Tôi cũng sẽ mua mười hai thân cây gai đó nữa,” cuối cùng cô cố gắng nói trong nghẹn ngào.
    “Tôi cũng đã mong cô sẽ chọn chúng,” cô chủ tiệm hoa nói nhẹ nhàng. ” Tôi sẽ bó chúng rất nhanh thôi.”
    “Cám ơn chị. Tôi phải nợ chị gì đây?”
    “Không cần gì cả. Chỉ cần một lời hứa rằng, chị sẽ để Chúa chữa lành vết thương lòng mình. Bó hoa của năm đầu tiên luôn luôn đặc biệt.” Người bán hoa mỉm cười và đưa một tấm thiệp cho Sandra. “Tôi đính kèm vào bó hoa của chị một tấm thiệp, có thể là chị sẽ thích đọc nó đấy.”
    Tấm thiệp ghi rằng: “Lạy Chúa, con chưa bao giờ cảm tạ Ngài về những cái gai trong cuộc sống mình. Con đã tạ ơn Chúa cả ngàn lần về những hoa hồng Chúa ban, nhưng chưa từng tạ ơn Ngài về những cái gai. Xin hãy dạy con về sự vinh quang trong những khó khăn mà con phải mang; xin dạy con biết giá trị của những chông gai trong cuộc đời con. Xin Chúa hãy dạy con biết đến gần Ngài trên con đường khốn khó. Xin Chúa chỉ cho con thấy, sau làn nước mắt, màu sắc của chiếc cầu vồng sẽ sáng rực rỡ hơn.”
    Hãy ngợi khen Chúa về những hoa hồng Ngài ban cho; và hãy cảm tạ Ngài về những chiếc gai trong cuộc đời.

    Kinh Thánh chép.
    “Thi 103:2-4”

    Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, Chớ quên các ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, Chữa lành mọi bịnh tật ngươi, Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, Lấy sự nhơn từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi.

    ( Trích “ Món soup tâm linh” )

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s