“Les Avantages de l’Étude” (Ích lợi của sự học) là tiêu đề của một tiểu luận xuất sắc của Victor Hugo khi ông mới 15 tuổi. Mặc dù cho đến nay tôi chưa hề được đọc một chữ nào trong đó, nhưng câu chuyện về tiểu luận này gây một ấn tượng rất mạnh đối với tôi, đến nỗi tôi luôn luôn nghĩ chủ đề nó nêu lên là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất trên đời. Tại sao vậy? Vì:
Trong phạm vi hẹp, đó là vấn đề dạy và học trong nhà trường. Liệu có gì đáng quan tâm hơn việc làm thế nào để sự học của con em chúng ta được tốt đẹp, đặng các em trở nên hữu dụng, sánh vai các cường quốc năm châu. Trong phạm vi rộng, chủ đề này thực chất là vấn đề nhận thức. Phương pháp nhận thức đúng sẽ làm cho một người bình thường trở thành thông thái. Phương pháp sai sẽ biến một người thông minh thành vô dụng. Nền giáo dục ngày nay làm quá nhiều để nhồi nhét kiến thức nhưng làm quá ít để người học biết tư duy độc lập. Vì thế lượng kiến thức có nguy cơ trở thành vô dụng!
Khi GS Hoàng Tụy nhận xét trí thức được đào tạo trong thời kỳ 30-45 có vốn văn hóa tốt hơn trí thức được đào tạo sau này, tôi thừa nhận ông đúng, và tôi không thể không vắt tay lên trán để tìm hiểu xem vì sao mà nên nông nỗi ấy. Vậy sẽ không bao giờ là quá muộn khi bàn về ích lợi của sự học,…
“Ích lợi của sự học” của Victor Hugo được sách báo mô tả là một áng văn bất hủ, nhưng đáng tiếc là cho đến tận hôm nay tôi vẫn chưa hề trông thấy nó ở bất cứ đâu, chưa được đọc một dòng nào trong đó. Tôi đã cố gắng tìm kiếm trên mạng, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Thậm chí nhờ bạn bè ở Pháp tìm giúp cũng không thấy. Chỉ thấy những thông tin nói về tiểu luận này, nhưng bản thân tiểu luận thì chẳng thấy đâu. Có lẽ phải tìm trong văn khố lưu trữ của Viện hàn lâm Pháp chăng?
Số là năm 1817, Viện hàn lâm Pháp tổ chức một cuộc thi viết với chủ đề “Ích lợi của sự học” (Les avantages de l’étude). Victor Hugo, lúc ấy mới 15 tuổi, gửi bài thi của mình dưới dạng một bài thơ tới ban tổ chức cuộc thi. Tiểu luận của Hugo lập tức được đánh giá là vô cùng sâu sắc, thậm chí là phi thường, và Ban giám khảo dự kiến sẽ trao Giải Nhất cho nó. Nhưng họ sửng sốt ngạc nhiên khi biết tác giả mới 15 tuổi (Hugo tự ghi tuổi của mình vào bài thi mặc dù thể lệ thi không bắt buộc). Họ không tin một cậu bé 15 tuổi có thể sâu sắc đến như thế. Rốt cuộc Giải Nhất được trao cho một bài thi khác.Mặc dù Hugo đã chứng minh sự ngay thẳng của mình bằng việc xuất trình giấy khai sinh, nhưng lúc ấy đã quá muộn. Sai lầm của Viện hàn lâmPháp không bao giờ được sửa chữa, kể cả sau này, khi Hugo đã chứng tỏ mình thực sự là một thiên tài.
Câu chuyện trên ám ảnh tôi mãi cho đến tận bây giờ, như một trong những câu chuyện thú vị nhất về vấn đề giáo dục, mặc dù tôi chưa hề được đọc tiểu luận của Hugo. Đơn giản vì bản thân cái tiêu đề “Ích lợi của sự học” vốn đã có sức hấp dẫn rồi. Hugo lại là một tài năng kiệt xuất, chắc chắn tiểu luận của ông phải rất hay, đúng như sách báo mô tả về nó.
Đó cũng là lý do để năm 1988, tôi bị thu hút bởi bài báo “Bàn về sự học” của Giáo sư Phan Đình Diệu trên nhật báo Nhân Dân. Trong bài báo này, tác giả phê phán lối dạy và học hình thức chủ nghĩa, kém hiệu quả, rồi đưa ra những gợi ý nên dạy và học như thế nào mới thực sự đem lại lợi ích… Báo chí hiếm có những quan điểm thẳng thắn như thế.
Tôi thấy ý kiến của GS Phan Đình Diệu rất chí lý, nên đã lập tức viết bài hưởng ứng, nhan đề “Mấy vấn đề S.O.S về giáo dục”, đăng trên tạp chí Tổ Quốc của Đảng xã hội Việt Nam (tòa soạn ở 53 Nguyễn Du, lúc ấy Đảng xã hội chưa giải tán). Trong đó tôi chỉ ra những thiếu sót trong sách giáo khoa môn toán, thậm chí những sai lầm cơ bản trong một cuốn sách luyện thi môn toán vào đại học của một tác giả khá nổi tiếng trong ngành giáo dục (tác giả này đã im lặng không trả lời).
Năm 1996, trước những biểu hiện tiêu cực do Bộ đề thi gây ra, trước xu hướng ngày càng câu nệ hình thức trong giảng dạy toán học làm cho sự học ngày càng mất cơ bản, học sinh đổ xô đi học thêm,… tôi viết bài “Học giả, Học thật”, đăng trên tuần báo Văn Nghệ số 34 ngày 24/08/1996, trong đó quyết liệt phê phán tình trạng dạy giả, học giả, tha thiết kêu gọi lấy lại tinh thần dạy thật, học thật. Ngay lập tức, bài báo đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi về giáo dục trên tuần báo Văn Nghệ, gồm 17 bài báo của nhiều tác giả khác nhau, làm sáng tỏ những nguyên nhân cả về xã hội lẫn chuyên môn dẫn đến tình trạng dạy giả, học giả. Vì thế, cuối năm 1996 Văn Nghệ tặng tôi một giải thưởng báo chí.
Tuy nhiên, giải thưởng ấy chỉ như một hòn sỏi ném xuống nước. Mười tám năm sau, tôi thấy tình hình dạy và học còn xuống cấp hơn – chủ đề “Học giả, Học thật” hóa ra vẫn đang là một vấn đề thời sự làm bận tâm rất nhiều người, không chỉ những người làm giáo dục mà tất cả những ai thực sự quan tâm tới tương lai của đất nước, bởi vì chất lượng giáo dục hôm nay chính là nền tảng để phát triển trong tương lai.
Ngày nay không ai là không thấy ích lợi của sự học, nhưng dạy và học thế nào để mang lại lợi ích thiết thực vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ – chưa có câu trả lời đầy đủ và rõ ràng để trở thành một định hướng thống nhất trong toàn quốc. Nhiều học giả đòi cải cách giáo dục đại học. Tôi thấy cần quan tâm tới giáo dục phổ thông nhiều hơn, bởi giáo dục phổ thông đã hỏng thì mọi nỗ lực ở bậc đại học cũng chỉ như đấm tay xuống nước.
Theo những gì tôi thấy, hiện nay dường như đang tồn tại một xu hướng chạy đua hình thức giữa các trường, trường nào cũng muốn chứng tỏ mình thuộc “đẳng cấp cao” trong làng giáo dục, vì thế đua nhau áp dụng chương trình nâng cao, thay vì sử dụng sách giáo khoa bình thường. Hậu quả là thầy thầy chạy đua, trường trường chạy đua, con em chúng ta mệt nhoài vì trở thành những vật thí nghiệm trong cuộc chạy đua đó.
Theo tôi, chương trình nâng cao môn toán hiện nay tương đương với chương trình chuyên toán ngày xưa, nếu không muốn nói còn cao hơn. Điều đó có nghĩa là đang tồn tại một xu hướng “chuyên toán hóa” toàn xã hội. Xu hướng ấy có nguy cơ làm thui chột các giá trị nhân văn trong tâm hồn con người, đơn giản vì tâm hồn con người vốn đa dạng và phong phú hơn toán học rất nhiều – toán học dù quan trọng đến mấy cũng chỉ là một mảnh nhỏ trong cái đại dương tri thức mênh mông. Việc “toán học hóa toàn xã hội” sẽ làm cho xã hội trở nên nghèo đi về tri thức, cằn cỗi về tâm hồn, đơn giản vì rất nhiều học sinh sẽ bị môn toán làm cho kiệt sức, mệt mỏi đến mức không còn thì giờ để học những môn khác. Số học sinh này rất đông, nếu không phải là đa số.
Quả thật, tôi rất ngạc nhiên khi thấy đề thi đại học môn toán khối D trong những năm qua có những câu hỏi rất khó – những câu hỏi mà ngày xưa được gọi là toán “không bình thường” (phải áp dụng những thủ thuật hoặc những biến đổi rất đặc biệt, không bình thường, để giải).
Một người bạn của tôi, tiến sĩ toán học PĐC, nguyên giáo sư Đại học Kinh tế, từng đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc năm 1962, nhận xét rằng với kiểu ra đề thi môn toán như hiện nay, e rằng các thầy đi thi cũng có nguy cơ chỉ đạt được điểm 8, nếu trình bày sơ sót thì chỉ còn 7. Nhưng chúng ta lại được nghe giải thích rằng những câu hỏi khó trong đề thi là những câu hỏi dùng để phân loại và xếp hạng thí sinh. Theo tôi điều đó không đúng. Đó chỉ là những câu hỏi đánh đố mà ai “trúng tủ” thì sẽ làm được bài. Căn cứ vào những câu hỏi đó để phân loại học sinh là không chính xác.
Việc phân loại các khối A, B, D trong đề thi bây giờ cũng không còn chính xác nữa: nhiều câu hỏi trong đề thi đại học môn toán khối D hiện nay còn khó hơn khối A, đó là điều chưa từng có trong các đề thi trước đây. Thậm chí đề thi tốt nghiệp THPT cũng có câu khó vượt ra ngoài chương trình cơ bản (như Câu 2(3) trong Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013). Trong con mắt của tôi, những hiện tượng đó là dấu hiệu của sự hỗn loạn trong định hướng giáo dục.
GS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục, từng nói với tôi, rằng “thi cử thế nào thì học sinh sẽ học thế ấy”. Có lẽ phải bổ sung câu nói ấy, rằng thi cử thế nào thì các thầy sẽ dạy thế ấy. Thật vậy, việc xuất hiện những bài toán không bình thường trong đề thi đại học đã góp phần đẩy mạnh cuộc chạy đua săn tìm toán lạ, toán không bình thường, đẩy học trò tới chỗ đi học thêm lu bù, học đến mức không còn thì giờ để tĩnh tâm suy nghĩ bất cứ vấn đề gì nữa, cái gì cũng học vội học vàng, học nhồi học nhét, rốt cuộc là kiến thức cơ bản thì lỏng lẻo trong khi ghi chép dày đặc các thủ thuật để bắt chước.
Có những câu hỏi rất đơn giản tôi thường dùng để làm “trắc nghiệm tư duy” với những học trò tôi gặp (con em bạn bè, họ hàng, sinh viên đại học tôi dạy ở trường đại học):
6 : 2 = ? Tại sao?
0 : 2 = ? Tại sao?
2 : 0 = ? Tại sao?
0 : 0 = ? Tại sao?
Sin của góc 1050 độ bằng bao nhiêu? Tại sao? …..
Đáng tiếc là nhiều học trò được xếp loại giỏi ở một số trường có tiếng ở Hànội, đi học thêm kín đặc cả tuần lễ, làm được nhiều “toán khó”,… đã trả lời không tốt những câu hỏi rất đơn giản nói trên, trong đó có cả học trò Amsterdam chuyên toán.
Đó là một thực tế, một nghịch lý lớn về giáo dục hiện nay – nghịch lý “chỉ làm được toán khó, không làm được toán dễ” (nghe mà nực cười). Tại sao vậy? Vì kiến thức cơ bản thì rỗng, còn kiến thức “cao siêu” thì học theo đáp án mẫu. Tóm lại là không học tư duy, mà chỉ học bắt chước. Lỗi ở người dạy. Người dạy bày sự học ra thế nào thì các em sẽ học theo cách ấy.
Nếu các nhà giáo dục chấm dứt những trò đánh đố để chuyển hướng sang cách dạy khơi gợi, gợi mở tầm nhìn của các em ra thế giới, để các em vỡ ra những vấn đề nghĩa lý của toán học thì các em sẽ có một vốn văn hóa toán học. Nếu không, toán học sẽ chỉ là một trò đánh đố rất tầm thường. Nhưng muốn khơi gợi, gợi mở thì chính bản thân người dạy phải say mê nghĩa lý, yêu thích khía cạnh văn hóa. Bản thân người dạy mà nghèo văn hóa thì còn trách chi đến người học.
Về phía người học, có phải học trò bây giờ kém thông minh không? Xin trả lời ngay rằng KHÔNG. Các em rất thông minh. Nhưng nếu thông minh mà trả lời sai những câu hỏi cơ bản thì đó là bằng chứng rõ ràng để thấy phương pháp giảng dạy sai.
Chẳng hạn có học sinh lớp 11 được xếp hạng học sinh giỏi ở lớp, trả lời rằng 0 : 0 là vô nghĩa. Tôi hỏi em tại sao, em bảo máy tính (calculator) trả lời như thế. À thì ra là như thế. Vậy thì em ấy là nô lệ của máy tính chứ không phải là chủ nhân của máy tính. Em không có tư duy độc lập, em chỉ bắt chước mà thôi.
Quan sát sự dạy ngày nay, tôi thấy phương pháp giảng dạy sai xuất phát từ nhiều nguyên nhân:
● Trình độ giáo viên kém. Rất nhiều giáo viên tốt nghiệp sư phạm trước đây được tuyển vào trường với điểm sàn rất thấp. Học đã kém thì làm sao dạy giỏi. Lứa giáo viên ấy hiện nay vẫn đang là đội ngũ chủ lực của ngành giáo dục.
● Không yêu nghề. Bận tâm kiếm tiền hơn là trau dồi nghề nghiệp.
● Thích phô trương, thích khoe tài, thích ra oai, thích bắt nạt học trò, bất chấp học trò có hiểu bài hay không.
● Hiểu sai bản chất của toán học. Nghĩ toán càng rắc rối càng giỏi, càng khó thì càng “oai”….
Hậu quả là phương pháp dạy và học hiện nay làm méo mó sự học, biến sự học thành vô bổ, hình thức, biến tư duy của con người thành tư duy của computer.
Tư duy của computer dù giỏi đến mấy cũng chỉ là một thứ tư duy lắp ghép, logic máy móc, sơ cứng, tuân thủ chương trình, phi sáng tạo. Nói cách khác, computer dù giỏi đến mấy cũng chỉ là một cái máy vô hồn, vô cảm.
Kurt Godel, nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20 (theo bình chọn của tạp chí TIME), nói: “Bộ não là một chiếc máy tính được kết nối với một linh hồn” (The brain is a computing machine connected with a spirit).
Phương pháp giảng dạy hiện nay quá chú trọng tới việc nhồi nhét vào bộ não những chương trình thuần túy kỹ thuật nặng nề mà bỏ quên việc kết nối nó với một tâm hồn biết rung động!
Đó là thiếu sót lớn nhất và cơ bản nhất trong nền giáo dục hiện đại!
Chẳng hạn, giải được một bài toán hình học giải tích cũng đã là tốt, nhưng đó vẫn chỉ là tư duy của computer. Tư duy của computer không làm nên những giá trị văn hóa. Giá trị văn hóa của hình học giải tích nằm ở lịch sử của nó, ở ý nghĩa và vai trò của nó trong lịch sử nhận thức của con người. Nó cung cấp cho chúng ta một cách nhìn mới đối với thế giới, nó cung cấp cho các nhà toán học và kỹ sư một phương pháp mới vô cùng hiệu quả để giải quyết các bài toán hình học, mà trước đó người ta chỉ biết giải bằng phương pháp tổng hợp (hình học thuần túy). Vậy nhấn mạnh ý nghĩa đó của Hình học Giải tích quan trọng hơn rất nhiều so với việc đánh đố các em bằng một bài toán thật rắc rối. Những bài toán rắc rối xin dành cho đối tượng chuyên ngành. Mà ngay cả toán chuyên ngành cũng coi những trò đánh đố là tầm thường. Toán học phải đẹp và hướng tới những tư tưởng cao đẹp, những vấn đề có ý nghĩa thiết thực, đó mới là toán học thật.
Thí dụ, mặc dù hình học Euclid đã phát triển tới trình độ rất sâu sắc từ vài thế kỷ trước công nguyên, nhưng phải đợi mãi tới thế kỷ 17, khi Descartes và Fermat khám phá ra phương pháp tọa độ, thì nhân loại mới biết cách mô tả hình học bằng các phương trình đại số. Xem thế đủ biết hình học giải tích đóng vai trò quan trọng như thế nào trong lịch sử nhận thức, góp phần quan trọng như thế nào vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất trong lịch sử loài người, làm thay đổi như thế nào bộ mặt của thế giới. Ngày nay ta gặp hệ tọa độ Descartes ở khắp nơi, từ khoa học tới công nghệ, từ kinh tế tới đời sống… Dường như thiếu hệ tọa độ Descartes thì chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc mô tả thế giới. Nhưng hầu như tôi không thấy bóng dáng văn hóa toán học như thế trong sự học của học trò ngày nay. Học Hình học Giải tích mà các em không hề biết Descartes là ai. Tôi ngầm suy ra thầy cô các em dạy các em như thế nào.
Sẽ thú vị biết bao nếu những bài toán hình học giải tích đuợc dạy cho học sinh gắn liền với lịch sử của khoa học này. Bà Joy Hakim ở Mỹ kêu gọi các nhà giáo dục hãy viết sách giáo khoa vật lý giống như sách lịch sử: các định luật vật lý sẽ được trình bầy cho học sinh theo đúng lịch sử thai nghén và ra đời của nó.
Tại sao nẩy sinh tư tưởng về lực hấp dẫn?
Tư tưởng về trường điện từ đã ra đời như thế nào?
Lượng tử là gì? Tại sao nẩy sinh tư tưởng về lượng tử?…
Tôi hoàn toàn tán thưởng bà Hakim, và không riêng vật lý phải dạy như thế, tất cả các môn khoa học phải dạy như thế.
Nhà toán học vĩ đại Henri Poincaré khuyên các nhà giáo dục: Phải dẫn các em đi qua tất cả những bước đi trong lịch sử toán học (với một sự lược giản nhất định), để các em hiểu rõ tại sao tư tưởng toán học đó ra đời, và ra đời như thế nào.
Nhưng không hề thấy lối dạy học như thế trong nhà trường hiện nay, chỉ thấy những bài toán đánh đố tầm thường!
Nếu tôi trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông, tôi sẽ tìm những bài toán đẹp, tạo cảm hứng cho học trò, và tôi sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của bài toán, của định lý. Chẳng hạn nếu dạy Tích phân, tôi sẽ đặc biệt chú trọng đến ý nghĩa của Tích phân trong khoa học, kỹ thuật. Nếu dạy Xác suất, tôi sẽ nói cho các em nghe lý thuyết này ra đời thế nào, trong hoàn cảnh nào, và… đặc biệt nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa hai khái niệm cơ bản của lý thuyết này, đó là KHẢ NĂNG và HIỆN THỰC. Tôi đã chứng kiến một thầy dạy Toán tính xác suất để trúng “lô-đề”, và đã thua liên tục đến nỗi không dám chơi nữa. Thật là mỉa mai với đầu óc toán học của thầy giáo đó.
Vì thế, hiểu được ý nghĩa của một bài toán quan trọng ngang với việc giải bài toán đó, nếu không muốn nói là còn quan trọng hơn. Đó chính là yếu tố văn hóa của môn học, tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của môn học, nó nằm trong phạm trù linh hồn của bộ não, mà tiếc thay, nền giáo dục hiện đại thường bỏ quên.
Theo tôi, sự học có 2 phần:
● Phần HẠ tri: học kỹ năng để giải quyết một bài toán.
● Phần THƯỢNG tri: nắm bắt ý nghĩa sâu xa của bài toán để từ đó có nhận thức chung về thế giới. Nhận thức ấy sẽ giúp con người tiên tri được những sự kiện chưa hề biết, chưa nhìn thấy. Phần thượng tri còn có ý nghĩa nhân văn: nó giúp cho ta hiểu được ý nghĩa của bài toán đối với xã hội loài người.
Sự học ngày nay chủ yếu là nhồi nhét phần hạ tri, bỏ quên phần thượng tri.
Cải cách giáo dục đã làm quá nhiều để tăng cường tri thức hạ tri, nhưng làm quá ít để tăng cường tri thức thượng tri.
So sánh sự học ở các nước, tôi thấy cá nhân từng người Úc không giỏi hơn chúng ta. Nhưng tại sao nước Úc lại vươn lên đẳng cấp hàng đầu thế giới về khoa học và đời sống xã hội?
Câu trả lời là GIÁO DỤC!
Thật vậy, với nền giáo dục thoáng mở và kích thích sáng tạo, Úc đã tạo ra Terence Tao (Đào Triết Hiên), một trong những nhà toán học giỏi nhất thế giới hiện nay, từng đoạt Giải Fields năm 2006, và 11 nhà khoa học đoạt Giải Nobel. Nếu biết rõ lịch sử Úc chưa đầy 200 năm, dân số Úc chưa đầy 21 triệu người, số lượng các Giải Fields và Giải Nobel nói trên đáng để cho chúng ta phải kinh ngạc và suy ngẫm. Vậy sức mạnh của Úc nằm ở đâu? Một lần nữa, câu trả lời là Giáo dục!
Điều đó đã được trình bầy khá kỹ trong bài viết “Nền khoa học và giáo dục Australia: Một kim tự tháp vững chắc” của Phạm Việt Hưng, đăng trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm, Kinh nghiệm Giáo dục Thế giới và Việt Nam, do NXB Tri Thức xuất bản năm 2011. Cũng đã đăng trên mạng:
http://vietsciences.free.fr/timhieu/trietly-giaoduc/nenkhoahocUc.htm
https://viethungpham.com/2012/05/10/nen-khoa-hoc-va-giao-duc-australia-mot-kim-tu-thap-vung-chac/
Nếu nền giáo dục Úc có gì khác với chúng ta thì đơn giản là ở chỗ nền giáo dục ấy không chuộng hư văn, mà chỉ dạy những kiến thức rất thiết thực và tạo mọi điều kiện cho học sinh phát huy tính chủ động sáng tạo. Điều này có thể kiểm tra dễ dàng qua một cuốn sách: “Tuyển tập các đề thi môn toán ở Úc (trình độ cao nhất) từ 1992 đến 2012” (Extension2 Mathematics – Past HSC Papers With Worked Solutions 1990-2012), do Coroneos Publications xuất bản năm 2013.
Chẳng hạn bạn hãy xem đề thi năm 2012. Tất cả có 10 câu hỏi trắc nghiệm và 22 bài toán tự luận. Các bài toán này chia ra thành nhiều câu hỏi nhỏ. Nếu tính mỗi câu hỏi nhỏ như một bài toán thì có tới 48 bài toán. Vậy tổng cộng đề thi đại học năm 2012 trình độ nâng cao ở Úc có tới 58 bài toán. Thời gian làm bài cũng là 3 tiếng đồng hồ như ở Việt Nam. Điều ấy nói lên cái gì? Nó nói lên rằng bạn phải phản ứng rất nhanh để trả lời đủ các câu hỏi. Muốn thế thì đầu bài dù khó đến mấy cũng không được phép đánh đố, mà ngược lại phải mang tính cơ bản. Hơn nữa, nếu có một bài toán khó mà bạn không làm được thì cũng không có gì đáng lo ngại, vì điểm của mỗi bài so với tổng số điểm chỉ là một tỷ lệ nhỏ. Úc cho điểm 100 nên nếu bạn mất một vài điểm thì bạn vẫn là học sinh giỏi. Tuy nhiên bạn phải nắm rất vững kiến thức cơ bản để phản ứng rất nhanh. Đó chính là HỌC THẬT!
Thay lời kết
Nghe tin Bộ Giáo dục chủ trương kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh đại học làm một, tôi rất mừng. Đó là một chủ trương đúng – càng tiết kiệm chi phí của nhà nước và giảm nhẹ áp lực thi cử cho học sinh càng tốt. Mong sao Bộ Giáo dục sẽ có nhiều chủ trương đúng hơn nữa. Trước mắt, hãy làm cho chương trình giáo khoa và thi cử trở nên thiết thực, trong sáng, lành mạnh, sao cho học sinh không cần phải đi học thêm mà vẫn trở thành những công dân có đủ phẩm chất trí tuệ, văn hóa và nhân cách trong xã hội tương lai.
Ích lợi của sự học là ở chỗ nó không chỉ dạy ta nghề nghiệp, kiến thức, nhưng quan trọng nhất là học cách nhìn thế giới, biết phân biệt cái gì đúng, cái gì sai, cái gì nên, cái gì không nên, để sống với giá trị xứng đáng với con người và ra con người…
Ngày 09/09/2014
PVHg
Chào bác,
Cháu có 1 ý kiến nhỏ về vấn đề bác viết dưới góc nhìn của 1 học sinh. Cháu thì cũng qua thời học sinh 4 năm rồi, tuy nhiên với chút kiến thức và kinh nghiệm còn nhớ được thì cháu có vài ý kiến như sau:
+ Từ khi cháu thi xong (năm 2010) cháu đã không còn đọc các đề thi toán vào Đại học nữa, tuy nhiên theo trí nhớ của cháu, thì phải đến 8, 9 điểm trong đề thi đại học đơn thuần là giải toán mà không cần vận dụng đầu óc. Đúng như bác nói, hình học giải tích là đơn thuần chỉ là tư duy máy tính, tuy nhiên theo cháu thấy thì những phần còn lại cũng chỉ cần làm quen tay là có thể giải quyết được mà không khó khăn gì cả. Vì vậy mà Bộ giáo dục mới đưa ra những bài toán khó ở cuối. Cháu nghĩ đây chỉ là biện pháp tình thế, nhất là trong khi những bài toán này đa phần khá xấu xí chứ không mang nhiều vẻ đẹp. Cháu chưa đọc các bài toán của Úc, vì vậy cháu không biết ở Úc thì họ giải quyết vấn đề phân loại như thế nào.
+ CHáu nghĩ vấn đề lớn của ngành giáo dục hiện nay là đạo đức giáo viên. Cháu đã từng gia sư cho nhiều em, từ lớp 12 cho tới lớp 4, hay lớp 7. CHáu nhận thấy đa phần các giáo viên (ở HN nói riêng, và cụ thể là giáo viên dạy các em học sinh cháu từng dạy) đều không có sự quan tâm chỉ bảo các em đúng mức, phần nào giấu bài,… Chưa xét đến vấn đề các giáo viên có hiểu sâu sắc các vấn đề hay không, chỉ đơn thuần vấn đề không quan tâm chỉ bảo thì làm sao các em có thể hiểu rõ vấn đề được.
ThíchThích
Cảm ơn bạn Nguyễn Huy Linh,
Ý kiến của bạn rất giá trị. Nếu bạn đồng ý, tôi sẽ sử dụng ý kiến của bạn trong những bài viết về giáo dục tiếp theo. Rất mong bạn góp thêm ý kiến. Tôi tin rằng bạn có nhiều kinh nghiệm hay và nhận định thiết thực để chia sẻ.
PVHg
ThíchThích
Cháu chào bác ạ,
Cháu xin lỗi bác vì bây giờ cháu mới trả lời bác, vì vài tuần cháu mới ghé qua trang này để đọc 1 lần. Những ý kiến của cháu chỉ là vài ý kiến trong đầu cháu ngay lúc cháu đọc bài viết của bác thôi, chứ cũng chưa bao gồm đầy đủ các ý kiến của cháu về giáo dục.
Về vấn đề sử dụng ý kiến của cháu thì cháu rất vui nếu được bác sử dụng ạ. Tuy nhiên cháu muốn ghi chú thêm 1 ý ở bình luận của cháu là chữ đạo đức của giáo viên, ý cháu là đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, vì cháu sợ có thể có độc giả đọc lướt sẽ hiểu nhầm ý cháu ạ.
Cháu cũng có một số suy nghĩ thêm về giáo dục vd như tính định hướng của hệ thống giáo dục còn yếu (chỉ đơn thuần là dạy kiến thức thi cử chứ ko chú trọng các yếu tố như định hướng nghề nghiệp chẳng hạn); hoặc như thời gian nghỉ ngơi vui chơi của học sinh quá ít, trong khi các phương tiện giải trí quá nhiều, dẫn tới các e rảnh rỗi thì cũng chỉ xả hơi là tất yếu, làm sao mà đào sâu suy nghĩ dc nhiều,… tuy nhiên các vấn đề này lại khá phức tạp, cháu xin phép nêu thêm ý kiến của cháu về các vấn đề này sau ạ.
ThíchThích
Cháu xin phép chia sẻ chút ý kiến cá nhân.
Việc giáo dục toàn diện một con người, theo cháu thì gia đình là đơn vị quan trọng bậc nhất, để cho một đứa trẻ phát triển một cách toàn diện, thì giáo dục trong gia đình quan trọng hơn giáo dục trong nhà trường rất nhiều. Sự quan tâm, chăm lo, săn sóc, yêu thương, dạy dỗ cẩn thận của cha mẹ, ông bà trong gia đình trong khoản thời gian đầu đời từ lúc mới lọt lòng đến khoảng 14 tuổi là rất quan trọng nếu không muốn nói là bậc nhất vì sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn nhân sinh quan của nó sau này cho đến lúc chết. Ella Frances Lynch có lần đã nói rằng “ Nếu bạn dạy con bạn thật cẩn thận cho đến lúc nó lên 7 tuổi, thì đứa bé đã thành công được ba phần tư rồi” Khoảng thời gian còn lại của cuộc đời nó chỉ chiếm một phần tư sự thành công của nó. Toàn thể cơ cấu sinh lý, trí tuệ sau đó sẽ được xây dựng trên nền tảng ấy. Nếu Phần thượng tầng kiến trúc sụp đổ, đó là hậu quả tự nhiên của việc nền móng đã không được thiết lập đứng đắn, phải lẽ trong những năm đầu tiên vì đó là thời gian ghi ấn tượng nhiều nhất. Kinh Thánh dạy rằng “ Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải theo, hầu cho khi về già không lìa khỏi nó”. Cháu tin Kinh Thánh hơn là tin vào những nhà giáo dục.
Việc thay đổi cơ cấu giáo dục của xã hội thì rất khó và rất trường kỳ mà có khi cũng không thay đổi triệt để được, vì nó phụ thuộc vào tư tưởng và nền văn hóa rất lâu đời, nhưng sự giáo dục trong gia đình thì chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được, và đó là điều chúng ta phải cố gắng làm để những đứa trẻ lớn lên sẽ sống cho ra con người, có thể hiểu đúng ý nghĩa của cuộc sống và có được một cuộc sống hạnh phúc.
Cháu xin chia sẻ một quyển sách bên dưới, của tiến sỹ William S.DEAL, đây là phương pháp dạy con theo Kinh Thánh, đây cũng là đặc trưng về cách chăm sóc dạy dỗ con cái của người Tây Phương, chúng ta sẽ thấy được sự giáo dục con cái của người Tây Phương họ khác người Á Đông về tư tưởng và cách thức rất xa.
Đây là một quyển sách rất cần thiết, không thể thiếu dành cho những bạn nào có đạo, cũng như không có đạo và đang chuẩn bị lập gia đình, nó cung cấp những kiến thức chân lý quý báu hướng dẫn đời sống hôn nhân cũng như chăm sóc con cái một cách đúng đắn. Sách trình bày với ngôn ngữ thông thường, hiện đại, nên không có trở ngại nào cho những bạn chưa có đạo, nhưng sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu như bạn là người Thiên Chúa giáo.
https://docs.google.com/file/d/0B4ZmObuKQw0GUWZXVnhCcGk2TTQ
ThíchĐã thích bởi 1 người
Reblogged this on Hai Tran.
ThíchThích