“Every system that works in an orderly manner must have an Operating System. It’s a universal law of information science”, said IT engineer Cao Son Nguyen in an article submitted to PVHg’s Home. I would like to introduce Cao Son Nguyen’s ideas to the readers …
“Mọi hệ thống hoạt động một cách trật tự đều phải có Hệ Điều Hành. Đó là một định luật phổ quát của khoa học về thông tin”, kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Cao Sơn phát biểu trong một bài báo gửi tới trang PVHg’s Home. Xin trân trọng giới thiệu ý tưởng của Nguyễn Cao Sơn với độc giả …
Lời Giới Thiệu của Trang PVHg’s Home
Ngày 10/10/2022, một bài báo nhan đề “Hệ Điều Hành” của tác giả Nguyễn Cao Sơn, một kỹ sư về công nghệ thông tin ở Kiên Giang, đã được gửi đến trang PVHg’s Home. Bài báo thể hiện một tư duy logic chặt chẽ, dựa trên nền tảng của Định lý Gödel, để suy ra rằng mọi hệ thống hoạt động có tổ chức đều cần đến một chỗ dựa bên ngoài nó là HỆ ĐIỀU HÀNH của nó. Hai hệ thống lớn nhất mà con người có thể chứng kiến là SỰ SỐNG và VŨ TRỤ. Mặc dù con người không thể tiếp cận trực tiếp với hệ điều hành của hai hệ thống lớn này, nhưng có thể tin chắc vào sự tồn tại của nó, dựa trên 2 lập luận khoa học sau đây:
● Một, đó là hệ quả tất yếu của Định lý Gödel
● Hai, có những hiện tượng có thể quan sát được cho thấy có sự tác động của Hệ Điều Hành của Vũ trụ vào thế giới của chúng ta.
Đó là những lập luận rất logic và hấp dẫn. Trang PVHg’s Home xin trân trọng giới thiệu bài báo của kỹ sư Nguyễn Cao Sơn với độc giả. Sau đây là nguyên văn bài báo.
Hệ Điều Hành
Tác giả: Nguyễn Cao Sơn
Kính chào tất cả các độc giả,
Kính chào tác giả Phạm Việt Hưng,
Tôi xin có nhận xét về cuốn sách Định lý Gödel của tác giả Phạm Việt Hưng, sau khi đã đọc kỹ cuốn này. Nhân tiện cũng xin trình bày suy tư của tôi về đề tài HỆ ĐIỀU HÀNH, dựa trên nền tảng kiến thức có được từ cuốn sách này.
NHẬN XÉT VỀ SÁCH ĐỊNH LÝ GÖDEL
Cuốn sách “ĐỊNH LÝ GÖDEL – Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại” của tác giả Phạm Việt Hưng là cuốn sách khoa học quý nhất đối với tôi, không phải vì nó mang lại kiến thức khoa học về tự nhiên, lịch sử hay xã hội, nhưng vì nó mang lại nền tảng logic để nhận thức đúng đắn. Thế giới đầy những lý thuyết mang danh khoa học nhưng lại thiếu khoa học và do đó gây nên tranh cãi, chia rẽ, chính vì những lý thuyết ấy sai lầm nhưng lại tưởng mình là đúng, bởi xuất phát từ nền tảng nhận thức sai.
ĐỊNH LÝ GÖDEL cho chúng ta nhận ra rằng, nhận thức của con người bị hạn chế, khoa học là có giới hạn và không có một hệ thống logic nào tự giải thích được chính nó. Khi biết được giới hạn của mình, con người sẽ bớt cao ngạo để không dám chối bỏ Đấng sáng tạo rồi tự cho chính mình là Thượng đế. Cao ngạo là lỗi lầm lớn nhất của con người, đem lại sự lãng phí thời gian và công sức vào những công việc không bao giờ thành công như đi tìm thứ siêu toán học, lý thuyết về mọi thứ, vũ trụ tự hữu hay sự sống tự nó hình thành từ vật chất vô sinh, …
Đọc trên mạng những ý kiến phản biện về cuốn sách của tác giả Phạm Việt Hưng, tôi thấy có nhiều phản biện đanh thép, nhưng rốt cuộc lại cho rằng ĐỊNH LÝ GÖDEL chỉ áp dụng cho hệ logic hình thức, còn vũ trụ vật lý không thể hình thức hóa hết được. Đây là kết luận sai, bởi vũ trụ vật lý đều có thể hình thức hóa được hết nếu chúng ta có đủ thông tin. Một số người đem những chứng minh tiên đề 5 của Euclid ra để nói rằng, nói toán học bất toàn là sai. Thực ra những chứng minh tiên đề 5 của Euclid chỉ gây tranh cãi vì người ta lại lấy một tiên đề khác (ngoài hệ tiên đề của Euclid) để chứng minh cho tiên đề 5 của Euclid, chẳng khác nào lôi con lên để chứng minh cho mẹ, cứ chạy lòng vòng mãi như thế, không thuyết phục.
HỆ ĐIỀU HÀNH
Hồi tôi học sư phạm môn sinh học, thầy dạy môn “Giải phẫu sinh lý người” có giảng, sau khi tinh trùng chui vào trứng tạo thành hợp tử, hợp tử là tế bào đầu tiên và phân chia thành 2 tế bào giống hệt nhau, 2 phân thành 4, 4 thành 8, 8 thành 16, và nhân đôi nữa thành 32 tế bào. Lúc này người ta gọi là phôi gồm nhiều tế bào giống hệt nhau. Tới đây, có yếu tố quyết định phân nhóm tế bào này thành đầu, nhóm kia thành chân, tay, tim, phổi… để tạo thành bào thai. Vấn đề là yếu tố quyết định đó là cái gì mà biết “nắn” chỗ này thành đầu chứ không phải chỗ khác? Thợ nặn tượng cầm cục đất sét tròn rồi chỗ nào của cục đất sét tròn đó được nắn thành đầu pho tượng, hay chân tay pho tương, … là do ý chí, ý thức của thợ nặn muốn như vậy, chứ đâu phải tự nhiên mà cục đất sét biến thành đầu hoặc chân tay? Yếu tố quyết định chọn một số tế bào này của phôi chứ không chọn đám tế bào khác trong toàn bộ tế bào phôi giống hệt nhau để phân hóa tạo hình thù các bộ phận là gì mà thông minh như thợ tạc tượng vậy? Câu hỏi đó cứ đeo đẳng theo tôi mấy chục năm từ hồi sinh viên tới giờ.
Kiến thức khoa học về thông tin qua những bài viết cũng như sách “Định lý Gödel …” của tác giả Phạm Việt Hưng thật thú vị. Khoa học về thông tin cho ta biết rằng: Thông tin không phải là vật chất, thông tin phải bắt nguồn từ trí thông minh. Bất kể hệ thống có tổ chức phức tạp nào cũng phải do trí thông minh thiết kế ra. Ngẫu nhiêu chỉ tạo ra sự hỗn độn chứ không thể tạo ra hệ thống có tổ chức cao được. Điều đó thực sự là một định luật chứ không thể khác.
- Bản thiết kế cho hệ thống chính là thông tin của hệ thống.
- Thông tin về công trình xây dựng chính là bản vẽ thiết kế do kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng tạo ra.
- Thông tin về chiếc ô tô chính là bản thiết kế do các kỹ sư tạo ra…
Thông tin chỉ là các ký hiệu có ý nghĩa và thông tin không thể tự nó tạo ra thực thể vật chất. Thông tin trong bản thiết kế ngôi nhà nó không thể tự bò ra khỏi bản vẽ rồi xếp từng viên gạch để tạo thành ngôi nhà. Để thành ngôi nhà như ý định mà kỹ sư đã tạo ra thông tin thiết kế thì cần phải có đối tượng thông minh như kỹ sư xây dựng chẳng hạn – phải biết đọc hiểu thông tin trên bản vẽ rồi biết xử lý thông tin rồi điều khiển toàn bộ thợ xây, máy móc để ngôi nhà được tạo thành.
Đến đây, tôi đã giải quyết được thắc mắc mấy chục năm của tôi bằng cách nêu lên định luật về hệ điều hành, mà tôi xin phát biểu như sau:
● Bất cứ một hệ thống nào mà các thực thể vật chất trong hệ ấy được tạo thành hoặc được điều chỉnh cho đúng với thông tin quy định của nó thì ắt phải tồn tại HỆ ĐIỀU HÀNH là trí thông minh điều khiển hoặc điều chỉnh thực thể vật chất ấy cho đúng với thông tin của nó.
Trước tiên, ta hãy định nghĩa trí thông minh dưới góc độ thông tin.
Trí thông minh trong thế giới tự nhiên là khả năng đọc thông tin và xử lý thông tin hoặc sáng tạo ra thông tin.
Có nhiều loại trí thông minh như:
- Trí thông minh logic,
- Trí thông minh cảm xúc,
- Trí thông minh trực giác,
- Trí thông minh sáng tạo…
Bất cứ trí thông minh nào cũng phải biết đọc thông tin và xử lý thông tin. Ví dụ trí thông minh cảm xúc như khi ta nhìn bức tranh đẹp ta rung động trước cái đẹp đó. Bức tranh đẹp chính là thông tin ta đọc được và xử lý tạo ra rung động. Thông minh trực giác là khi ta tiếp thu kiến thức tức là đọc thông tin rồi ta hiểu ngay vấn đề mà không cần bằng chứng hay lý do. Trực giác là khả năng xử lý thông tin tuyệt vời mà tạo hóa ban cho ta. Hòn đá hay khúc gỗ không thể đọc và xử lý thông tin nên chúng không có trí thông minh.
Định luật Hệ Điều Hành muốn nói rằng: Muốn tạo ra thực thể vật chất hoặc điều chỉnh thực thể vật chất cho đúng với thông tin quy định thì phải có trí thông minh làm. Tức là nếu không có trí thông minh thực hiện thì từ thông tin không bao giờ tạo ra hay sửa chữa được thực thể vật chất.
Lý giải: Khoa học thông tin đã khẳng định thông tin chỉ là những ký hiệu, thông tin không phải vật chất. Giữa cái không phải là vật chất và thực thể vật chất thì không có kết nối tự nhiên nào và cũng không có lực tự nhiên nào tương tác giữa chúng nên cái không phải vật chất không thể tạo ra một khối thực thể vật chất được. Tức thông tin không thể tạo ra thực thể vật chất. Hơn nữa, thông tin chỉ là các ký hiệu không có tính hành động, không có tác động lực với bất cứ vật chất nào nên thông tin không thể tác tạo thành thực thể vật chất. Như vậy, chỉ từ thông tin thì không thể tạo ra hay điều chỉnh được thực thể vật chất mà phải có đối tượng thứ ba làm cái cầu kết nối giữa thông tin và thực thể vật chất. Đối tượng thứ ba này kết nối hai thứ với nhau tức là nó đọc hiểu bên thông tin rồi biết xử lý và tạo thành thực thể vật chất đúng với mong muốn của thông tin. Đối tượng thứ ba đó biết đọc thông tin và xử lý thông tin nên nó là đối tượng có trí thông minh theo như định nghĩa trí thông minh đã nêu ở phần trên.
Trí tuệ thông minh tạo ra thông tin (bản thiết kế) và dựa vào thông tin tạo ra thực thể vật chất nên cả thông tin và thực thể vật chất này đều là sản phẩm của đối tượng có trí thông minh. Đối tượng có trí tuệ thông minh đó nằm bên ngoài và là nguyên nhân sáng tạo ra thông tin và cả thực thể vật chất. Do đó, một hệ thống vật chất có tổ chức, có thông tin quy định thì chúng không tự sinh ra được, không tự lý giải về chính nó đúng như định lý Gödel đã khẳng định, mọi hệ thống logic đều cần đến một chỗ dựa bên ngoài nó.
Đối tượng có trí thông minh biết đọc và xử lý thông tin để điều khiển tạo ra hoặc điều chỉnh sửa chữa thực thể vật chất ta gọi là HỆ ĐIỀU HÀNH. Hệ điều hành là bên thứ ba nằm ngoài thông tin và nằm ngoài thực thể vật chất.
Ý nghĩa: Định luật hệ điều hành chỉ ra rằng, bất cứ hệ thống có tổ chức cao nào cũng có hệ điều hành điều khiển tạo thành từng thành phần và điều chỉnh sửa chữa từng thành phần của hệ thống đó khi có sai lệch cho đúng với thông tin quy định của nó. Máy tính hay điện thoại để hoạt động được phải có hệ điều hành. Cơ thể sống như con người phải có hệ điều hành để điều khiển từ bộ gene là thông tin tạo ra phôi, thai… tức từng bộ phận của con người làm cho con người sống và còn điều chỉnh phục hồi sửa chữa khi có sai lệch tức bệnh tật. Vũ trụ là hệ thống có hệ điều hành, tức có đối tượng thông minh tạo ra thông tin, điều khiển tạo thành và điều chỉnh sửa chữa để vũ trụ “sống”.
Trí thông minh cũng có nhiều cấp độ nên hệ điều hành cũng có nhiều cấp độ. Máy móc thì có trí thông minh logic. Động vật có thêm trí thông minh cảm xúc và trực giác… Con người ngoài trí thông minh của động vật còn có thêm trí thông minh sáng tạo… tức có thể ngồi xuống tự suy nghĩ thiết kế tạo ra thông tin. Đó cũng chính là đặc điểm mà con người khác những động vật khác.
Theo đó, hệ điều hành trong máy móc là hệ điều hành chỉ mang tính logic. Trong máy tính, điện thoại có hệ điều hành như Windows, Linus, IOS, Android… để đọc thông tin của các ứng dụng rồi xử lý thông tin tạo ra kết quả hiển thị trên màn hình hay ra các thiết bị khác. Ví dụ một ứng dụng game (trò chơi) trên máy tính. Game chỉ là những chuỗi thông tin lưu trên bề mặt dĩa cứng. Hệ điều hành máy tính đọc chuỗi thông tin đó trên dĩa cứng rồi xử lý cho ra kết quả, cuối cùng hiển thị trên màn hình. Nếu không có hệ điều hành thì ứng dụng game đó mãi mãi chỉ là chuỗi thông tin nằm trên dĩa cứng, không cho ra kết quả gì cả. Ứng dụng nằm trong máy tính được điều hành bởi hệ điều hành của máy tính. Toàn hệ thống máy tính thì được tạo ra và điều hành bởi trí thông minh của con người.
Máy móc và động vật không có trí thông minh sáng tạo nên chúng không thể thiết kế thông tin tạo ra hệ thống có tổ chức cũng như không thể tạo ra hệ điều hành khác. Con người có trí thông minh sáng tạo nên có thể thiết kế tạo ra thông tin để tạo ra hệ thống máy móc cũng như tạo ra hệ điều hành cho máy móc.
Chức năng của hệ điều hành:
– Điểu khiển tạo thành thực thể vật chất của hệ thống cho đúng với thông tin của nó.
– Quan sát bảo vệ thông tin và hệ thống vật chất để điều chỉnh sửa chữa, phục hồi khi có sai lệch (làm giảm entropy)
Chức năng của hệ điều hành có thể tóm lại là: Tạo thành và quan phòng (quan sát và bảo vệ).
Hệ thống máy tính, chiếc điện thoại hay chiếc xe… là do trí thông minh con người tạo ra và trí thông minh của con người là hệ điều hành của nó. Con người luôn quan sát nếu nó hư hỏng thì sửa chữa, thay mới bộ phận bị hư… để cho nó luôn ở trạng thái hoạt động tốt như thông tin thiết kế về nó mong muốn. Máy tính, điện thoại hay chiếc xe nó không thể tự sửa chữa cho chính nó vì việc sửa chữa là chức năng của hệ điều hành, mà hệ điều hành của nó là trí thông minh của con người chứ không phải chính nó. Định lý Gödel cũng khẳng định như vậy: Mọi hệ logic cần chỗ dựa ở bên ngoài nó.
Thông tin của hệ thống vật chất có tổ chức có thể nằm bên ngoài hệ thống vật chất hay nằm bên trong hệ thống đó. Thông tin tức bản vẽ thiết kế của ngôi nhà có thể cất ở trong ngôi nhà đó hoặc ở ngăn tủ của kiến trúc sư ở ngôi nhà khác. Thông tin của chiếc xe máy thì ở trong nhà máy sản xuất ra nó. Thông tin của vũ trụ có thể nằm bên trong vũ trụ hay bên ngoài vũ trụ không ai biết. Thông tin của cơ thể sống là gene được đặt ở bên trong mỗi tế bào của cơ thể. Gene là vật liệu chứa thông tin di truyền nên nằm trong cơ thể còn những thông tin về con người nhưng không có tính di truyền thì không nằm trong con người. Ví dụ như vân tay, chỉ tay… có đường nét thiết kế cong đều đẹp nhưng 7 tỷ người trên thế giới cũng không ai giống ai. Vân tay được tạo ra trên ngón tay mỗi người đẹp hơn nét vẽ của họa sĩ thì ắt phải có thông tin chứ nếu không thì nó hình thành để làm gì và từ cái gì? Nếu nó nằm trong gene thì nó phải truyền cho con cháu chứ. Thông tin vân tay, chỉ tay… rõ ràng không nằm trong cơ thể con người.
Cơ thể sinh vật như con người cũng tựa máy tính, điện thoại… là hệ thống vật chất có tổ chức cao ắt hẳn có thông tin. Theo định luật hệ điều hành thì cơ thể sinh vật phải có trí thông minh tạo nên và điều hành. Trí thông minh tạo nên con người và điều hành cơ thể con người thì ắt phải cao cấp hơn trí thông minh con người. Trí thông minh cao cấp hơn con người ta gọi là trí thông minh siêu nhiên. Trí thông minh siêu nhiên vượt ra ngoài nhận thức của con người nên ta không biết để bàn, chỉ biết là có tồn tại để tạo nên và điều hành con người cũng như vũ trụ. Gene là thông tin di truyền của sinh vật nằm trong tế bào và được tạo thêm một bộ máy làm nhiệm vụ kiểm tra và sửa chữa thông tin (gene). Hệ điều hành của cơ thể sống điều khiển cho bộ máy sửa chữa gene hoạt động. Hệ điều hành điều khiển hợp tử tạo thành phôi, thai phát triển thành con cái đúng với thông tin quy định trong gene. Hệ điều hành phục hồi cơ thể không cần dùng thuốc nếu ý thức của ta mong muốn như khi thực hiện tiếp thu sinh khí (lực sống), kích thích những vị trí phục hồi trên cơ thể hay thậm chí là tin tưởng và cầu nguyện.
Thông tin di truyền trong cơ thể sinh vật có bộ máy sửa chữa thông tin kỳ diệu trong tế bào. Bộ máy sửa chữa thông tin không có trong hệ thống vật chất mà con người tạo nên như máy tính. Đây là đặc điểm cần lưu ý để thấy THÔNG TIN DI TRUYỀN VƯỢT XA THÔNG TIN DO CON NGƯỜI TẠO RA.
Trong máy tính, khi lập trình viên tạo nên thông tin thì phải dùng ngôn ngữ lập trình như Pascal, C#.NET, VB.NET… là ngôn ngữ mà con người có thể hiểu và viết thông tin. Sau khi lập trình, tức là hoàn thành việc tạo lập thông tin, thì phải trải qua trình biên dịch – dịch từ ngôn ngữ lập trình mà con người hiểu thành thông tin mà hệ điều hành của máy tính hiểu. Trước khi trình biên dịch làm điều đó thì có một chương trình được con người lập ra để kiểm tra thông tin tạo ra còn ở ngôn ngữ con người hiểu xem có sai sót gì không. Nếu có sai thì nó báo cho lập trình viên sửa, vì trình kiểm tra cũng không biết sửa, vì nó chỉ biết sai thôi chứ không biết ý của lập trình viên thế nào là đúng. Đặc biệt nó chỉ báo rõ chỗ lỗi về ngữ pháp, câu chữ chứ lỗi về logic thì nó không thể chỉ rõ lỗi như thế nào. Trình sửa lỗi này là sửa lỗi khi thông tin còn viết ở ngôn ngữ của con người như kiểm tra chính tả thôi. Khi dịch thành thông tin trên máy tính cho hệ điều hành đọc và xử lý thì không có gì sửa lỗi được thông tin này. Nếu virus máy tính làm thay đổi một bit thông tin thì coi như toàn bộ thông tin đó hỏng và hệ điều hành không thể đọc và xử lý được.
Vũ trụ là hệ thống vật chất hoạt động trong trật tự và vĩ đại nhất nên ắt phải có thông tin thiết kế và theo định luật hệ điều hành thì vũ trụ ắt phải có trí tuệ thông minh tác tạo và điều hành. Thông tin đó nằm ở đâu không ai biết, có thể nằm trong chính đối tượng có thí tuệ thông minh tác tạo nên.
Tóm lại, thế giới không chỉ có vật chất và năng lượng, mà còn có thông tin và Hệ Điều Hành – một Trí tuệ siêu thông minh điều hành cả vũ trụ. Nhưng con người chỉ có thể nhận thức trực tiếp hệ thống vật chất và thông tin, không thể trực tiếp nhận thức Hệ Điều Hành, vì Hệ Điều Hành ở bên ngoài Vũ Trụ của chúng ta. Nhưng dựa trên Định lý Gödel, con người có thể khẳng định sự tồn tại tất yếu của Hệ Điều Hành. Toàn bộ hệ thống ấy có thể mô tả trong sơ đồ dưới đây:
Hệ thống nói trên sẽ “sống” khi hệ điều hành (tức trí tuệ thông minh) vẫn đang điều hành. Hệ thống đó sẽ “chết” khi hệ điều hành không còn hoạt động nữa. Nếu hệ thống đó “chết” thì chỉ có trí tuệ thông minh điều hành nó kích cho nó “sống” thì nó mới sống và hoạt động được, thay vì nó tự làm cho nó sống. Giống như máy tính tắt rồi nó không thể tự khởi động. Nếu một cơ thể sống đã bị chết rồi thì con người không thể làm cho cơ thể ấy sống lại, trừ khi trí tuệ thông minh vốn điều hành nó “kích” cho nó sống lại. Chết hay sống là do trí tuệ thông minh bên ngoài hệ thống vũ trụ điều hành chứ không phải do chính hệ thống đó. Nếu trí tuệ thông minh không còn điều hành thì hệ thống sẽ “chết” và bị hủy hoại nhanh chóng theo định luật entropy.
MỘT SỐ THÍ NGHIỆM CHO THẤY HỆ ĐIỀU HÀNH ĐANG ĐIỀU KHIỂN THẾ GIỚI
Quan sát phân rã phóng xạ
Uranium là nguyên tố không ổn định và phân rã theo thời gian, quá trình này gọi là phân rã phóng xạ. Nhưng các nhà khoa học ở Texas đã phát hiện rằng: sự phân rã uranium sẽ diễn ra một cách bình thường nếu họ không quan sát chúng. Nhưng bất cứ khi nào họ quan sát chúng, quá trình phân rã uranium sẽ không diễn ra như dự tính. Sau đó nhiều phòng thí nghiệm cùng tiến hành lại thí nghiệm một cách nghiêm ngặt nhưng đều cùng cho ra kết quả: một số nguyên tử uranium sẽ không phân rã nếu ta quan sát chúng. Điều đó chứng minh rằng, có trí thông minh luôn quan sát theo dõi và ứng xử khi có ý thức của con người quan sát trong vũ trụ này. Dù chỉ là nguyên tử vật chất vô cùng nhỏ bé trong vũ trụ cũng được trí tuệ thông minh của vũ trụ điều hành mọi lúc. Có nhiều nhà khoa học còn tỏ ra không hiểu nổi chuyện mỗi chu kỳ bán rã thì có một nửa số nguyên tử bị phân rã. Thế ai chọn số nguyên tử này phân rã trước còn số nguyên tử kia thì chừa lại để phân rã sau?
Thí nghiệm hai khe
Ai quan tâm đến vật lý có lẽ đều biết thí nghiệm hai khe. Các nhà khoa học bắn từng photon (ở dạng hạt) “chắc chắn” chúng chỉ có thể đi qua một trong 2 khe mà thôi. Tuy nhiên khi bắt đầu thí nghiệm thì các vân giao thoa lại xuất hiện ở màn hình thăm dò, chứng tỏ rằng các photon đã đi qua cả 2 khe cùng một lúc và tự giao thoa với chính nó. Tức là có một hạt proton thôi nhưng lại biến thành sóng chui qua cả ở hai khe. Sau đó, các nhà khoa học đã đặt một thiết bị quan sát ở phía trước 2 khe, để quan sát cách mà photon đi qua 2 khe cùng một lúc. Nhưng vì có sự quan sát đã khiến photon không còn lan truyền như một sóng nữa, mà chỉ thể hiện tính chất hạt, lúc này sự giao thoa biến mất. Các nhà khoa học lại thử đặt thiết bị quan sát ở phía sau 2 khe, kết quả sự giao thoa vẫn biến mất, photon vẫn đi qua 2 khe ở dạng hạt.
Thí nghiệm cho thấy rằng, khi ý thức con người quan sát hạt proton xem nó đi qua hai khe như thế nào thì lúc ấy nó lại là hạt còn khi không quan sát nó thì nó lại thành sóng chui qua cả hai khe một lúc. Tại sao hạt vật chất lại biết ta quan sát để khi ta quan sát thì nó ứng xử khác mà khi ta không quan sát thì nó ứng xử khác? Kết quả thí nghiệm chứng minh rằng: Có trí tuệ thông minh luôn điều hành để quan sát và ứng xử mọi thứ trong vũ trụ này.
Còn rất nhiều những bằng chứng khác, những bằng chứng liên quan đếm tâm linh tôn giáo mà những nhà khoa học duy vật không dám đối diện, luôn né tránh.
Thí nghiệm con lắc
Thí nghiệm này cho thấy con người đang được điều hành bởi trí tuệ thông minh của vũ trụ. Bất cứ ai cũng có thể làm thí nghiệm con lắc trên lòng bàn tay như sau: Lấy nhẫn cưới (vật khác thay thế không biết có được hay không, vì bản thân tôi chưa thử), buộc vào một sợi dây nhỏ dài khoảng một gang tay (đừng ngắn hơn nhiều hoặc dùng ba đến bốn dây thun xỏ nối nó vào nhau làm sợi dây cũng được). Tay phải cầm đầu sợi dây thả chiếc nhẫn cột ở đầu kia của sợi dây trên lòng bàn tay trái sao cho chiếc nhẫn cách lòng bàn tay trái khoảng 5cm. Ta giữ nguyên như vậy đợi một lúc con lắc đeo chiếc nhẫn sẽ lắc. Ban đầu nó lắc nhẹ và từ từ mạnh lên như có bàn tay vô hình quăng cho nó lắc. Tôi làm lần thứ nhất thì con lắc nó lắc cho chiếc nhẫn quay tròn. Có khi quay ngược chiều kim đồng hồ xong chuyển qua quay ngang vài cái rồi lại quay tròn theo chiều ngược lại lúc trước. Nếu ta giữ hoài nó lắc hoài không thôi. Sau một lúc tôi ngừng và bỏ con lắc xuống bàn. Sau đó, tôi nhẩm trong đầu hoặc nói ra miệng “Làm lần thứ hai” đồng thời giơ con lắc trên lòng bàn tay trái như lần thứ nhất. Chờ một chút con lắc sẽ lắc mạnh dần nhưng chỉ lắc qua lại theo phương ngang chứ không quay tròn như lần đầu. Sau đó, tôi lại ngừng và thả con lắc xuống bàn một lúc rồi nhẩm hoặc nói ra “Làm lần ba” đồng thời cầm con lắc trên lòng bàn tay trái tiếp tục… Kết quả của tôi là: Lần thứ nhất chiếc nhẫn quay tròn, lần thứ hai, thứ ba, thứ bốn chiếc nhẫn quay ngang, lần thứ năm chiếc nhẫn quay tròn, lần thứ sáu chiếc nhẫn quay ngang, lần thứ bảy, thứ tám… chiếc nhẫn đứng yên không quay.
Sau đó dừng thí nghiệm và bỏ con lắc xuống bàn. Chút xíu tôi lại nhẩm hoặc nói ra miệng “Làm lại từ đầu” thì kết quả thí nghiệm lại xẩy ra y chang như vậy tức lần thứ nhất nhẫn quay tròn, lần hai, lần ba, lần bốn nhẫn quay ngang, lần năm quay tròn, lần sáu quay ngang và lần bảy trở đi đứng yên không quay.
Nhiều người đã thực nghiệm thí nghiệm này và kết quả của mỗi người mỗi khác. Nhiều người cho rằng thứ tự chiếc nhẫn lắc tròn và lắc ngang tương ứng với thứ tự con trai, con gái của vợ chồng. Nếu điều ấy là đúng thì những trường hợp phá thai, ngoại tình có con riêng… thì không biết sẽ như thế nào. Thứ tự chiếc nhẫn quay tròn, quay ngang với thứ tự con trai, con gái đó là tôi nêu lên nhận xét của nhiều người, còn tôi chưa dám khẳng định.
Thí nghiệm trên chứng minh rằng: Có trí tuệ thông minh đang điều hành con người. Trí tuệ thông minh đó luôn quan sát và ứng xử khi ý thức của ta tương tác với con người.
KẾT LUẬN
● Khoa học thông tin khẳng định rằng: Bất cứ hệ thống vật chất nào có tổ chức cao thì ắt có thông tin thiết kế, thông tin không phải vật chất và thông tin được tạo ra từ trí tuệ thông minh. Thế giới hiện đại khám ra rằng mọi thứ trong vũ trụ này đều khởi nguồn từ thông tin. Kiến thức thông tin là thứ mà con người cần quan tâm nhất và cần học hỏi để có nền tảng nhận thức đúng đắn.
● Định luật về hệ điều hành chứng minh rằng: Nếu một hệ thống được tạo thành, được sửa chữa cho đúng với thông tin của nó quy định thì có trí tuệ thông minh luôn quan sát để điều khiển hoặc điều chỉnh nó tức là điều hành nó.
● Khi ta nhìn một hệ thống nào có tổ chức mà nó luôn được điều khiển hoặc điều chỉnh sửa chữa thì ta biết rằng có trí tuệ thông minh đang quan sát theo dõi, quan phòng nó. Khi ta nhìn vũ trụ và trật tự lạ lùng trong vũ trụ thì ta hiểu liền rằng, có trí tuệ thông minh bên ngoài vũ trụ luôn quan sát biết mọi sự và quan phòng vũ trụ này.
● Dù hạt cơ bản rất nhỏ bé trong vũ trụ như hạt proton hay sinh mệnh con người cũng luôn có trí tuệ thông minh quan phòng, thấu biết mọi sự thì ắt hẳn con chim bay trên trời, sợi tóc trên đầu ta hay hành vi, tư tưởng hoặc sự cầu nguyện của ta cũng luôn được trí tuệ thông minh quan phòng thấu biết.
Nguyễn Cao Sơn
“ĐỊNH LÝ GÖDEL – Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại” là một cuốn sách rất hay, nó kích hoạt suy tư của nhiều nhà khoa học về các QUY LUẬT TƯ DUY và NHẬN THỨC. Tiêu hóa và vận dụng được các nội dung của cuốn sách này không hề đơn giản. Tuy nhiên, ý tưởng về HỆ ĐIỀU HÀNH của tác giả Nguyễn Cao Sơn rất đáng hoan nghênh.
VNN (Đại học Yersin)
ThíchĐã thích bởi 1 người
Bài viết của tác giả Nguyễn Cao Sơn về hệ điều hành vô cùng hấp dẫn, ý nghĩa và thú vị! Rất nhiều đoạn tôi tâm đắc. Thí dụ những ý sau đây:
– Cái gì hướng dẫn cho tế bào của phôi, lúc đầu giống hệt nhau, nhưng sau đó, biến thành những bộ phận khác nhau của bào thai?
– Có nhiều loại, nhiều tầng thông minh:
1. Trí thông minh logic
2. Trí thông minh cảm xúc
3. Trí thông minh trực giác
4. Trí thông minh sáng tạo
– Phải có một đối tượng thứ 3 kết nối thông tin với vật chất, và đối tượng thứ 3 đó chính là hệ điều hành.
– Trí thông minh sáng tạo là chỗ hơn hẳn của con người so với loài vật.
– Trí thông minh máy móc chỉ là trí thông minh logic thuần túy, không có cảm xúc, không có trực giác, không có sáng tạo.
– Hệ điều hành của con người có thể tự phục hồi sửa chữa, trong khi máy móc thì không.
– Cao ngạo là lỗi lầm lớn nhất của con người, đem lại sự lãng phí thời gian và công sức vào những công việc không bao giờ thành công như đi tìm thứ siêu toán học, lý thuyết về mọi thứ, vũ trụ tự hữu hay sự sống tự nó hình thành từ vật chất vô sinh, …
Xin chúc mừng tác giả Nguyễn Cao Sơn vì một bài báo rất giá trị và chúc mừng chú Hưng vì trang của chú luôn luôn có những ý kiến độc đáo, bổ ích, mang lại những món ăn tinh thần quý giá.
THH
ThíchĐã thích bởi 1 người
Một bài báo rất hay và thuyết phục, buộc ta phải thừa nhận có Hệ điều hành vũ trụ! Không ngờ khoa học về thông tin lại hay đến thế.
Tôi đã đọc bài báo của kỹ sư Nguyễn Cao Sơn ít nhất 3 lần. Lần thứ nhất đọc nhanh, đôi chỗ không hiểu, nhưng cảm thấy có cái gì đó thu hút. Hôm sau đọc lại, chậm hơn, và bắt đầu hiểu rõ mọi vấn đề. Lần thứ ba thì tôi phát hiện ra là có nhiều ý rất hay. Từ bài báo này tôi hiểu rằng:
1/ Thông tin không phải vật chất và thông tin được tạo ra từ trí tuệ thông minh.
2/ Thế giới hiện đại khám phá ra rằng mọi thứ trong vũ trụ này đều khởi nguồn từ thông tin.
3/ Con người chính là bộ máy xử lý thông tin, người nào thông minh xử lý thông tin một cách khôn ngoan, sáng suốt, họ làm nên tầng lớp elite, ưu tú và kiệt xuất.
4/ Thói cao ngạo làm cho người ta chối bỏ Đấng Sáng tạo và tự tôn mình lên làm Thượng đế. Đây chính là sự bắt đầu của tinh trạng vô đạo đức mà xem ra ngày càng trở nên trầm trọng. Thói cao ngạo này xuất phát từ chỗ không hiểu những khái niệm về Hệ điều hành (tức là dốt nát) mà tác giả Nguyễn Cao Sơn đã nói.
Kỹ sư NCS đã chứng minh hùng hồn rằng vũ trụ phải có hệ điều hành của nó, và theo tôi hiểu thì hệ điều hành của vũ trụ chính là Đấng sáng tạo hay Thượng đế cũng là một mà thôi. Nếu ai đó không thích Đấng sáng tạo hay Thượng Đế, v.v. thì họ không thể cãi với khái niệm Hệ điều hành, vì đây là logic khoa học. Nhưng với những người tin có Đấng sáng tạo thì khái niệm Hệ điều hành sẽ cũng cố niềm tin ấy. Đó là niềm tin dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải một niềm tin thuần túy tôn giáo. Cám ơn kỹ sư Nguyễn Cao Sơn rất nhiều vì điều đó. .
Theo tôi, mang danh khoa học mà không tin vào Đấng sáng tạo thì đó là khoa học nửa mùa, khả năng xử lý thông tin kém, không có trí thông minh trực giác (như NCS đã nói).
Dù không trông thấy Hệ điều hành vũ trụ nhưng như tổ tiên người VN đã dạy rằng đã là con người thì phải tin có ông Trời. Và phải biết kính sợ Trời, đó là điều đầu tiên của đạo đức. Vậy khoa học thông tin như kỹ sư Cao Sơn trình bày vô tình lại ủng hộ những khái niệm đạo đức truyền thống.
Một lần nữa xin cám ơn kỹ sư Nguyễn Cao Sơn vì một bài báo có chất lượng khoa học cao, giúp củng cố những niềm tin phù hợp với đạo lý.
ThíchĐã thích bởi 2 người
Pingback: Hệ Điều Hành - DKN News - Nghệ An news