Phần lớn thủ phạm trong các vụ án nghiêm trọng đều là những người còn rất trẻ. Điều đó cho thấy rất rõ tuổi trẻ thật nông nổi. Chúng tưởng chúng khôn, nhưng thực ra rất ngu dại. Có câu châm ngôn: “Người khôn biết mình ngu, kẻ ngu tưởng mình khôn”. Tên Nguyễn Hải Dương trong vụ Bình Phước đã học đại học, nhưng trường đại học không dạy hắn những nghĩa lý làm người…
Đó là ý kiến của tác giả THÁI HÒA, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục gia đình, trong đó tác giả cảnh báo: những đứa con bị bỏ rơi hoặc được chiều chuộng là những mối họa tiềm tàng của xã hội. PVHg’s Home xin trân trọng giới thiệu…
Thái Hòa
Chúng ta may mắn được sinh ra để làm người. Nhưng thực ra không phải cứ sinh ra là tự khắc thành NGƯỜI. Không đơn giản như vậy. Có lần tôi được nghe mấy vị trí thức uyên bác thảo luận với nhau rằng môn học lớn nhất là học làm người, học suốt đời cũng không đủ. Vì sao? Vì con người luôn luôn ứng xử theo VÔ THỨC, như nhà phân tâm học Sigmund Freud đã nói. Con người tự phụ mình có ý thức, nhưng Freud nói thực ra toàn hành động theo vô thức, tức là tư duy theo bản năng. Vì thế con người thường xuyên phạm sai lầm và mắc phải tội lỗi ngay từ trong tâm thức – ganh tỵ, đố kị, ghen ghét, ích kỷ, tham lam, độc ác, vô cảm, tự phụ, bảo thủ, tự ái, hèn hạ,… nhiều tội lỗi lắm kể ra không hết. Một hành vi tội lỗi chẳng qua là biểu lộ của một tâm thức bệnh hoạn. Cho nên phải học suốt đời để trở thành NGƯỜI, nếu không mãi mãi chỉ là những con người với phần con lớn hơn phần người mà thôi.
Có những người may mắn vì sinh ra trong một gia đình gia giáo, nền nếp, được giáo dục ngay từ nhỏ để biết sống có ý thức, hiểu biết. Nhưng hiện nay có bao nhiêu người như thế? Có bao nhiêu người có cái may mắn đó khi truyền thống tốt đẹp về văn hóa, đạo đức và giáo dục ngày càng xuống cấp? Chẳng trách như nhà sử học Trần Trọng Kim đã viết: “Ngôi nhà truyền thống đẹp đẽ không được tu sửa lâu ngày đã đổ nát đi mất rồi, thật là tiếc lắm!”
Vậy nên bây giờ mỗi dịp gặp nhau, những người làm cha làm mẹ từ Nam ra Bắc, từ trong nước ra nước ngoài, đâu đâu cũng nghe thấy bàn luận chuyện con cái, rằng con cái ngày nay sao mà khó dạy quá! Ai ai cũng mong mỏi làm thế nào để dạy bảo con cái sao cho chúng trở thành những người thành đạt, tử tế, hoàn thiện, để bố mẹ có thể an tâm về tương lai của chúng. Bởi hạnh phúc của những người làm cha làm mẹ gắn liền với tương lai của con cái, con cái có ngoan ngoãn, thành đạt thì cha mẹ mới yên lòng. Ngược lại, con cái hư hỏng, cãi lại bố mẹ, không biết nghe lời bố mẹ, luôn tự cho mình hiểu biết hơn cha mẹ,… làm cho chúng ta cảm thấy rất thất vọng, rất buồn bã và lo lắng!
Nhưng làm thế nào để dạy bảo con cái khôn ngoan, biết nghe lời cha mẹ thì hầu như không nhiều bậc cha mẹ biết làm, nhất là trong thời đại ngày nay, khi khoa học tiến nhanh như vũ bão. Khi mọi thông tin hiểu biết đều được đưa lên mạng thì việc uốn nắn giáo dục lại càng khó hơn, bởi con cái chúng ta tưởng rằng thông qua mạng chúng nó sẽ biết hết mọi sự thật trên thế giới. Con cái chúng ta bây giờ vào mạng tìm kiếm thông tin giỏi hơn cha mẹ, chúng lại được học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật… chúng nghĩ chúng có trình độ cao hơn cha mẹ, thế là xảy ra tình trạng ngầm coi thường cha mẹ – “ông già, bà già” là những người thuộc thế hệ cổ hủ, lạc hậu. Chúng đâu có hiểu rằng cha mẹ đã từng trải qua bao cay đắng trong đời ắt phải hiểu cuộc sống hơn chúng. Cha mẹ tuy có thể không giỏi công nghệ hay chuyên môn như con cái, nhưng chắc chắn cha mẹ có kinh nghiệm sống hơn con cái, con cái phải lắng nghe cha mẹ để học khôn mỗi ngày mới đúng. Nhưng sợi dây liên hệ gắn bó giữa cha mẹ với con cái ngày càng lỏng lẻo. Sự rạn nứt giữa cha mẹ với con cái ngày càng lớn, vì con cái không tâm phục khẩu phục cha mẹ,… đó là bi kịch trong xã hội ngày nay.
Nhưng bắt đầu từ đâu mà dẫn đến chuyện con cái hư hỏng? Đó là lỗi của chúng ta, những người làm cha làm mẹ, chúng ta đã chiều chuộng con cái, chiều từ lúc chúng sinh ra mãi cho đến lúc chúng trở thành người lớn! Chúng ta không biết dạy con cái ngay từ khi chúng mới được vài ba tháng tuổi, như cái cây muốn lớn lên cao đẹp thì ngay từ nhỏ chúng ta phải uốn nắn, chăm bón, phải loại bỏ những cành khô, cành xấu… Các cụ thường bảo: “Dạy con từ thuở còn thơ”, đó là một kinh nghiệm giáo dục rất quan trọng, nhưng truyền thống ấy nay còn đâu? Thế hệ chúng ta, những người trên dưới 50 trở lên, đã mất mát hy sinh quá nhiều, nên nẩy sinh tâm lý thương con, chiều con, muốn con không khổ như bản thân mình. Tâm lý ấy đã làm hỏng truyền thống giáo dục của tổ tiên. Ngày nay nhiều bậc cha mẹ không dạy con từ thủa còn thơ, mà ngược lại chiều con từ thủa còn thơ, và chiều suốt đời, hầu hạ con cái suốt đời, nếu hoàn cảnh cho phép. Tâm lý này không chỉ xuất hiện trong những gia đình ở thành phố, mà cả trong những gia đình xuất thân từ nông thôn ra thành phố sinh sống và làm việc. Dường như cha mẹ càng khổ bao nhiêu càng thương con bấy nhiêu, và do đó càng chiều con bấy nhiều. Có thể phát biểu như một định luât rằng con cái được chiều nói chung sẽ hèn yếu, kém cỏi và hư hỏng.
Nhìn lại các vụ án nổi lên gần đây như vụ Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện, và mới nhất là vụ Nguyễn Hải Dương – Vũ văn Tiến, chúng đều là những kẻ chưa từng có tiền án tiền sự. Vậy mà lần đầu tiên trong đời dám làm những chuyện động trời giết người không ghê tay. Đã đành rằng xã hội cũng phải chịu một trách nhiệm lớn trước tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng hiện nay, nhưng người phải chịu trách nhiệm trước tiên chính là chúng ta, những người làm cha làm mẹ. Chúng ta sai khi không dạy nổi con cái, chúng ta càng sai hơn khi đổ lỗi cho xã hội, đổ lỗi cho số phận.
Cái gì làm cho Nguyễn Hải Dương nẩy sinh ý đồ độc ác? Đó là lòng ganh tỵ khi trông thấy cuộc sống giầu sang của gia đình ông bà chủ Mỹ-Nga. Trông thấy người khác may mắn hơn mình mà sinh lòng ganh tỵ, đố kị, đó là thói rất xấu, rất hèn của con người, và là nguồn gốc của rất nhiều tội lỗi. Tên Nguyễn Hải Dương chỉ vì lòng ghen ghét ấy mà nẩy sinh ý đồ giết người. Hắn ghen ghét vì chắc mẩm mình đã trở thành một thành viên của nhà giầu, nhưng hóa ra một kẻ khác đã chiếm chỗ của hắn. Sự ghen ghét ấy dằn vặt hắn, biến hắn thành quỹ dữ. Chao ôi, nỗi thèm khát vật chất làm cho con người trở nên hèn hạ làm sao. Trên báo, tên này vẫn được gọi là người có học (vì đã học hết đại học). Người như thế mà được gọi là có học ư? Chữ “có học” quý lắm chứ, sao bây giờ lại bị lạm dụng như thế? Không, theo tôi không thể coi một người tốt nghiệp đại học là có học. Bởi đó chỉ là mảnh bằng kiếm cơm. Phải học làm người mới đáng được gọi là có học. Sai lầm lớn của xã hội là ở chỗ đó. Tôi nhắc lại, phải được giáo dục đầy đủ để biết sống cho ra con người mới đáng được gọi là người có học. Điều này không phụ thuộc vào bằng cấp nghề nghiệp. Trong con mắt của tôi, Nguyễn Hải Dương là một tên vô học.
Vậy xét cho cùng, tất cả những đứa trẻ hư hỏng đều do không được giáo dục đầy đủ. Lỗi là ở người lớn chúng ta, những người làm cha làm mẹ không biết cách dạy con. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tâm hồn trong sáng, chân thật. Bậc làm cha làm mẹ chúng ta phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con cái mình. Dạy con đúng là khó thật. Đó là một nghệ thuật đòi hỏi phải có lòng kiên trì, nhẹ nhàng, nghiêm khắc ngay từ khi chúng còn nhỏ. Dạy mỗi ngày, dạy không ngừng nghỉ, nước chảy đá cũng phải mòn, có công mài sắt có ngày nên kim. Đừng đổ tại vì cha mẹ phải kiếm kế sinh nhai vất vả nên không có thời gian dạy bảo chăm sóc con cái. Nhiều gia đình con cái sinh ra ở vùng thôn quê, cuộc sống rất khó khăn, vậy mà con cái vẫn biết thương yêu, giúp đỡ cha mẹ. Họ có phải là người được học hành đầy đủ đâu, tại sao con cái họ lại ngoan ngoãn như vậy? Nếu nói vì đồng tiền thì gia đình giàu có con cái họ phải ngoan ngoãn chứ, nhưng thực tế đâu phải như vậy? Rất nhiều con em sinh ra trong gia đình giàu có hiện nay còn hư hỏng hơn con cái nhà nghèo. Tất cả đều do cha mẹ chiều chuộng mà sinh hư.
Vụ án thảm sát 6 người ở Bình Phước hiện nay một ví dụ điển hình. Ông bà chủ Mỹ-Nga đã chiều cô con gái quá nên cô mới dám lấy trộm 200 triệu của cha mẹ đem cho người yêu đầu tiên! Đến khi yêu Hải Dương thì cha mẹ cho Hải Dương ăn ở ngay trong nhà như con rể, mặc dù chúng chưa lấy nhau. Hải Dương từ một thằng con trai mới lớn nhà nghèo, vốn chỉ là một công nhân, nay được lòng ông bà chủ nên được hưởng nhiều quyền lợi: được làm việc nhàn hạ (quản lý công nhân), được ông chủ cho đi học lái xe để đưa đón con cái trong nhà bằng ôtô riêng sang trọng, được yêu cô con gái cưng nhà giầu, được chia sẻ với gia đình mọi niềm vui vật chất xa hoa,… Chao ôi, mầm họa từ đó rồi! Nghĩa là chính ông bà chủ đã tiêm nhiễm cho nó một niềm hy vọng lớn lao là sẽ có một cuộc đời hưởng thụ vật chất sung sướng, để rồi bỗng nhiên cắt đứt niềm hy vọng của nó, biến nó thành một con quỹ dữ. Khi con người sống ngập ngụa trong hưởng thụ vật chất, không có chút ánh sáng văn hóa đạo lý nào trong tâm hồn thì khoảng cách giữa người với quỷ có là bao đâu? Khi đồng tiền và của cải vật chất trở thành thước đo giá trị thì người và quỷ có khác gì nhau lắm đâu? Chỉ là sợi chỉ rất mỏng manh thôi.
Nghe nói ông bà chủ là người rất tốt, rất tử tế,… nhưng sai lầm quá lớn của họ là chiều chuộng con cái. Thảm họa của gia đình này xuất phát từ đó. Chiều chuộng con cái là gây mầm mống tai họa ở ngay bên cạnh mình. Con cái được chiều là một hiểm họa tiềm tàng của mọi gia đình. Thiết nghĩ, đó là bài học lớn nhất đối với các bậc làm cha làm mẹ, và cũng là bài học lớn nhất đối với tuổi trẻ.
Phần lớn thủ phạm trong các vụ án nghiêm trọng đều là những người trẻ tuổi. Điều đó cho thấy rất rõ rằng tuổi trẻ thật nông nổi. Điều đáng lo ngại nhất của tuổi trẻ là ở chỗ chúng tưởng chúng khôn ngoan – chúng tưởng chúng đủ khôn ngoan để che đậy tội lỗi! Tên Nguyễn Hải Dương là điển hình. Hắn đã tính toán các hành vi rất cẩn thận. Thậm chí biết giả vờ diễn kịch sau khi gây án, đóng vai một người hiền lành tử tế. Hắn dám thách thức công an khi bị xét hỏi, tuyên bố sẽ im lặng đến khi có luật sư bào chữa. Ôi, các bạn trẻ ơi, hãy nghiên cứu học hỏi từ sự kiện Nguyễn Hải Dương để biết thế nào là khôn, thế nào là ngu. Có câu châm ngôn này, tôi xin nói để các bạn nghe: “Người khôn biết mình ngu, kẻ ngu tưởng mình khôn”, liệu các bạn có hiểu được câu ấy không?
Ngay cả khi được dạy bảo, nhiều người trẻ tuổi vẫn hiếu thắng, cho rằng mình khôn ngoan hơn. Thật là nguy hiểm cho xã hội! Nguy hiểm cho các gia đình có những đứa con như thế! Khi con tôi còn nhỏ, cháu rất nghịch. Nghịch đến nỗi bác cháu phải sợ. Tôi thì coi đó là chuyện binh thường, để mặc cháu. Bây giờ tôi thật sự ân hận, rằng lẽ ra tôi phải biết uốn nắn dạy bảo cháu từ bé. Có một môn học mà tất cả chúng ta phải học: đó là học tôn trọng kỷ luật, rồi tiến tới học tôn trọng pháp luật, cao hơn nữa là học giữ đạo – đạo đức gia đình, đạo đức xã hội, đạo làm người. Dạy con không được nghịch ngợm chính là dạy con biết tôn trọng kỹ luật, bước đầu tiên để học làm người sau này.
Nhưng đổ lỗi cho tuổi trẻ nông nổi không biết suy nghĩ cũng không công bằng cho lắm. Vì bao nhiêu tuổi là trẻ? Bao nhiêu tuổi là không trẻ? Bao nhiêu tuổi thì hết nông nổi? Khó xác định quá. Trong vụ án Cát Tường, một bác sĩ 40 tuổi mà vẫn còn làm chuyện dại dột sai lầm nghiêm trọng đó thôi. Làm người có lắm sai lầm, tội lỗi. Vậy muốn cho con cái không mắc sai lầm thì phải dạy dỗ chúng ngay từ thủa còn thơ, đúng như truyền thống giáo dục ngày xưa. Xã hội và gia đình phải được tổ chức trong một nền nếp giáo dục và pháp luật ngay ngắn như Singapore mới có thể tốt đẹp được – bên cạnh sự khuyên bảo, phải có một chế tài nghiêm khắc đối với mọi loại tội lỗi. Hoặc như Hàn Quốc chăng? Thông qua phim ảnh và sách báo, tôi thấy Hàn Quốc đáng để cho chúng ta học tập về giáo dục: trong khi xã hội phát triển rất mạnh theo hướng hiện đại hóa, nhưng nền nếp tôn ti trật tự vẫn giữ gìn được, và điều này bắt đầu từ gia đình. Giáo dục xã hội là cực kỳ quan trọng, nhưng gia đình là tế bào của xã hội. Một cơ thể chỉ khỏe mạnh khi các tế nào của nó không nhiễm bệnh!
Bản thân tôi không phải là người thành công trong việc giáo dục con cái. Những điều tôi đang trình bầy ở đây là những điều tôi đang học. Tôi tiếp thu những điều này từ sách báo, từ quan sát thực tế nhiều gia đình, và chủ yếu từ những trải nghiệm của chính bản thân tôi, cả trải nghiệm thành công lẫn trải nghiệm thất bại, trong đó thất bại dạy cho tôi nhiều hiểu biết có giá trị nhất. Nếu tôi được làm lại từ đầu, chắc chắn tôi sẽ áp dụng triệt để những phương pháp giáo dục sau đây:
■ Thứ nhất là dậy trẻ ngay từ thuở còn thơ.
■ Thứ hai là tâm sự với con cái mỗi ngày. Phải là bạn tri kỷ của con cái.
■ Thứ ba là cha mẹ phải hướng tới những giá trị cao đẹp, nhân bản, làm gương cho con cái.
■ Thứ tư, cha mẹ phải là thầy cô giáo đầu tiên và quan trọng nhất của con cái. Nếu cha mẹ mải mê chạy theo tiền bạc vật chất thì không thể trách con cái hư hỏng được. Tiền bạc rất cần những không bao giờ đủ. Không sợ nghèo về tiền bạc, chỉ sợ nghèo về kiến thức đạo lý. Hãy lắng nghe những lời tâm sự đau đớn của bà mẹ thủ phạm Nguyễn Hải Dương trong vụ án Bình Phước: “Vợ chồng có hai đứa con, cả hai đứa đều chăm ngoan nên chúng nó là niềm động viên cho vợ chồng tôi trong những năm cuộc sống còn khó khăn. Cũng chính vì cuộc sống khó khăn, vợ chồng tôi lao vào kiếm tiền cho bằng chị bằng em. Đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh như ngày hôm nay. Nếu có điều ước tôi xin bằng lòng không cần tiền bạc, miễn sao gia đình sống đầm ấm, không xảy ra cảnh nghịch cảnh như ngày hôm nay” (Dân Trí 12/07/2015). Thiết nghĩ, không dạy cho con cái biết sống bằng lao động và nghị lực vượt khó, mà tiêm nhiễm vào con cái ham muốn hưởng thụ, đua đòi vật chất, đó là tội lỗi của cha mẹ.
Chuyện trò tâm sự với con mỗi ngày chính là dạy con. Hãy cho con thấy gia đình là tổ ấm tràn đầy tình yêu thương, mỗi thành viên đều hết lòng chăm sóc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Hãy tâm sự với con cái mỗi ngày để chúng tin tưởng cha mẹ như những người bạn tri kỷ, con có thể dốc lòng tâm sự với cha mẹ mọi điều thầm kín khó xử trong lòng. Tôi hơn 50 tuổi, nhìn lại nhiều việc đã qua tự thấy mình có rất nhiều dại dột, huống chi con cái chúng ta. Vậy giáo dục là một công việc phải làm suốt đời. Tự giáo dục mình và giáo dục con cái. Đó chính là trách nhiệm của tất cả mọi nười làm cha làm mẹ. Điều đó đòi hỏi một sự kiên trì, công phu, và thật may mắn nếu đó là một niềm vui, làm mà thấy vui, thay vì mệt mỏi. Trên đời này chẳng có chuyện gì mà tự nhiên sinh ra cả: “Thành Roma không thể sinh ra trong một ngày”.
Trong khi quan sát xã hội xung quanh, đôi khi tôi để ý thấy những đứa trẻ hư được chiều chuộng, tôi hỏi cha mẹ chúng sao lại chiều con như thế, thường được nghe câu trả lời: “Không, tôi có chiều chúng đâu?” Thậm chí hiện tượng này là phổ biến. Từ đó tôi rút ra nhận xét rằng bản thân việc chiều chuộng con cái âu cũng là một thứ bản năng vô thức, làm việc sai mà không biết mình đang làm sai. Nhưng trớ trêu thay, khi con cái mình gây ra chuyện tầy trời thì đổ tại số phận, đổ tại xã hội. Đó là một thực tế thường gặp, nếu không phải là một hiện tượng phổ biến.
Trái ngược với việc chiều chuộng con cái là hiện tượng những gia đình bỏ mặc con cái. Có lẽ 2 thủ phạm trong vụ án động trời ở Bình Phước nằm trong số này. Nếu những thủ phạm này thân thiết gắn bó với cha mẹ của họ, biết đâu cha mẹ họ sẽ là những người ngăn cản họ gây tội ácc. Xã hội sẽ may mắn. Nhưng dường như cả 2 thủ phạm trong vụ này đều ít có liên hệ gắn bó mật thiết với gia đình (?). Lỗi tại cha mẹ hay tại các đương sự? Tôi không rõ. Có thể từ cả hai phía.
Tôi từng chứng kiến cảnh tượng một số gia đình cha mẹ đều là công chức nhà nước có học hẳn hoi, nhưng chiều con theo cách cho con có phòng riêng, sống khép kín, ích kỷ, không chia sẻ với cha mẹ, tới giờ ăn gọi năm bẩy lượt mới xuống, ăn xong vội vàng lên phòng riêng, đóng sập cửa lại, không cho ai kể cả cha mẹ tự ý bước vào phòng của mình! Tôi không thể hiểu được cách chiều con như thế. Đó là văn hóa gì vậy? Văn mình Tây Phương ư? Tôi không rõ. Nhưng tôi nghĩ đó chính là mầm mống gây nên tai họa sau này, vì ngay bây giờ con cái họ đã chọn lối sống ích kỷ rồi. Những đứa trẻ như thế thì hy vọng gì ở chúng? Chúng sẽ sống vì ai?
Cuối cùng là bản thân những người làm cha làm mẹ, nếu ngay từ khi con cái còn nhỏ chúng ta đã mắc phải sai lầm là chót chiều con, thì bây giờ dạy con vẫn chưa muộn, vì học làm người là công việc phải làm suốt đời cũng không bao giờ đủ. Bản thân chúng ta không hoàn hảo, chúng ta nên sẵn sàng lắng nghe con cái. Trong mối quan hệ hai chiều ấy, cả hai bên đều được lợi, Điều quan trọng là phải tạo ra mối quan hệ gắn bó đó.
Hãy tạo mối quan hệ gắn bó từ khi con còn nhỏ, tận dụng sự gắn bó đó để thấm đẫm vào tâm hồn con cái những ý nghĩ tốt đẹp, dạy cho con biết phân biệt cái gì là phải đạo, cái gì là trái đạo. Để đạt được điều đó, chính mình cũng phải có quan điểm rành mạch về cái gì là phải đạo, cái gì là trái đạo. Đó chính là tự giáo dục mình và giáo dục con cái – trách nhiệm của tất cả chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ.
Tôi tin rằng nếu bản thân chúng ta hướng tới ánh sáng của ĐẠO và truyền ánh sáng đó cho con cái thì xã hội sẽ bớt có điều ác, tuổi trẻ sẽ hướng vào những việc làm hữu ích, đem lại hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và xã hội.
Thái Hòa, Hà-Nội ngày 17/07/201
Là bố mẹ, ai cũng mong muốn “dạy cho con biết phân biệt cái gì là phải đạo, cái gì là trái đạo!”. Khốn thay, chính vì chữ ĐẠO tưởng chừng rất đơn giản này mà bác PVHg phải mở ra diễn đàn này đấy. Mà không chỉ chúng ta thời nay mà hàng nghìn năm qua, ở khắp nơi trên trái đất này người ta cũng cố tìm hiểu xem ĐẠO đích thực là gì, cái gì là Chân lý, thế nào là phải Đạo, thế nào là trái Đạo,…. Ngay cái gọi là “Luân thường đạo lý” cũng có vẻ rất chung chung, những giá trị, những quan niệm tưởng chừng là duy nhất đúng đắn một thời thì cũng biến đổi theo thời gian, mà tốc độ thay đổi càng nhanh khi nhân loại bước vào kỷ nguyên số với máy tính và Internet.
Chúng ta thường bị cảm xúc cá nhân chi phối, thấy những cái ác, cái xấu liên tiếp xảy ra ở khắp nơi thì lòng dạ bức xúc, buồn bực, trách móc, lên án, đổ cho cái nọ, vấy cho cái kia, phải làm thế này, không nên làm thế nọ,… Những tình cảm này hoàn toàn trân trọng và rõ ràng song nếu không có những hiểu biết rốt ráo, không nhìn vạn vật vũ trụ như một hệ thống thống nhất, cái nọ liên quan đến cái kia, cái sau là hệ quả của cái trước,… thì sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề. Đời nào cũng có những nhà tư tưởng, những bậc chân nhân hiền giả, những thánh nhân, vĩ nhân,… thậm chí cả những người bình thường đều mong muốn khuyến thiện, diệt ác, muốn dựng lên mẫu người quân tử, lý tưởng để làm gương cho quần chúng noi theo. Chúng ta đọc sách sẽ thấy vô số điều như vậy (nhất là các sách thánh hiền).
Trong văn hoá nghệ thuật, người ta cũng sáng tác ra những mẫu hình, những nhân vật, những câu chuyện kinh điển về cuộc sống con người, về cái thiện luôn thắng cái ác. Vậy mà thực tế, cái ác, cái xấu vẫn cứ xảy ra, lúc nhiều lúc ít khiến cho tương lai không chỉ của một người, một gia đình, một quốc gia mà cả nhân loại vẫn còn bị đe doạ, bất an, bất ổn.
Tìm hiểu về Đạo nếu không có định hướng, mục đích đúng đắn, chúng ta sẽ ngập lụt trong những khái niệm, những giá trị, những quan điểm khác nhau, và sẽ không đi đến đâu cả.
Chưa hiểu rõ thế nào là Đạo, cố gắng lắm chúng ta cũng chỉ trở thành những nhà chuyên môn giỏi cho một lĩnh vực nhất định mà thôi. Chính vì vậy, ở những khúc quanh của lịch sử, nhất định sẽ phải xuất hiện những nhà tư tưởng, những triết gia lỗi lạc hoặc bậc hiền triết để làm nhiệm vụ của người dẫn Đạo.
Tuy Đạo Trời, Thiên Đạo chỉ là một, có duy nhất một, đã có từ thưở khai thiên lập địa song do cách hiểu và cách vận dụng ở mỗi giai đoạn có khác nhau, lại phụ thuộc vào trình độ tiến hoá của con người nên vẫn cần một cách nhìn “cập nhật” của thời đại vào … Đạo!. Nhà “hiền triết” thời nay không cần phải có những phép lạ hô phong hoán vũ, đi mây về gió hay dời non lấp bể mà chỉ cần có Minh Triết, có sự thấu hiểu đến tận cùng bản chất của vạn vật và biết cách tổng hợp, trình bày, diễn đạt cách hiểu về Đạo theo cái nhìn đương đại, và nhất thiết phải tìm cách vận dụng những hiểu biết đó để giải quyết được những nan đề của một quốc gia thậm chí là của cả nhân loại, bởi thế giới đã trở nên phẳng hơn.
Đức Phật, Đức Chúa Jesus, Lão Tử, Khổng tử,…và bao vị thánh nhân khác đều đã nói về Đạo, giành cả cuộc đời mình để hành Đạo, cho mình và cho chúng dân, công lao của các bậc đó thật to lớn, và họ xứng đáng được hưởng sự tôn kính, thờ phụng của dân chúng đời đời. Có rất nhiều điểm chung trong tư tưởng của các vị đó, tuy cách thức hành đạo của mỗi vị, mỗi trường phái lại có những điểm khác nhau bởi không gian, thời điểm, đối tượng dân chúng khác nhau. Sự kết nối, truyền thông là một trong những điều kiện cần thiết để một tư tưởng có thể lan toả rộng rãi, do đó có thể được chấp nhận hoặc bị từ chối rất nhanh chóng và chính xác trong thời đại Internet.
——-
Đúng là “Học làm Người cả đời không đủ” huống hồ là học để làm thánh thần, tiên phật!. Tuy nhiên, nếu hiểu được Đạo, hiểu được và tin rằng đích tiến hoá của loài người là phải trở thành MỘT với Thượng Đế, với Ông Trời chúng ta sẽ thấy cái có lý khi Đạo Cao đài khuyên rằng:
“Học là để học làm Trời,
Có đâu mãi mãi làm người thế gian!”.
Tôi thì không mong được làm Trời nhưng nguyện luôn “học tập và làm theo” … Ông Trời để mong học được chút bí quyết của Ngài trong việc “lập trình” để “quản trị online được hàng chục nghìn tỷ tế bào” trong mỗi cơ thể người, hòng giúp chính quyền Việt Nam quản trị chỉ khoảng 100 triệu dân mà thôi!.
ThíchThích
Cha mẹ là tấm gương của con cái. cái gốc của Đạo của kỉ cương luật pháp bao giờ cũng từ nhà mà ra. Căn bản nhiều gia đình ngày nay không có Đạo ở trong nhà. Bản thân cha mẹ đã không có tý văn hoá đạo lý trong người rồi thì làm sao biết cách dạy con. Ngoài ra có nhiều gia đình hiểu biết, được đánh giầ tri thức hẳn hoi, tuy nhiên, họ lại không biết cách dạy dỗ đứa con của mình. Dạy trẻ khó lắm. Nó là cả một công trình nghệ thuật và người bố người mẹ chính là những nghệ sĩ vậy. Con trẻ như một tác phẩm. Nên người hay không phụ thuộc vào tình cảm trái tim của người “nghệ sĩ” tạo ra tác phẩm đó. Khi Đạo lý không còn hiện hữu ở nơi được gọi là nhà, con trẻ rất dễ bị tiêm nhiễm bởi những điều xấu ở bên ngoài. Gốc đã mất thì khi đứng trước gió cây ắt sẽ phải đổ. Thế giới hiện nay đại bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng từ xã hội bên ngoài rất nhiều bởi ngay từ trong nhà thôi, không còn mấy ông bố bà mẹ hiểu và quan tâm đến khái niệm Đạo lý nữa. Phần vì họ sống dửng dưng, nghĩ rằng khi con lớn con sẽ khôn ra mà hiểu; phần vì họ quan tâm con nhưng lại không biết cách. Có rất nhiều ông bố bà mẹ hơi tý là mắng mỏ, nói không tiếc lời, thậm chí chửi bới con trẻ khi chúng làm sai, gây ra phiền toái. Đó là cách dạy con cực kỳ sai lầm. Quát nạt con cái chỉ khiến chúng sợ lúc đó thôi. Hai nữa khi chúng chứng kiến cha mẹ chúng hay mắng chúng khi chúng làm sai thì lâu dần chúng sẽ cố gắng che đậy việc làm của chúng để cha mẹ không biết mà lôi ra mắng. Đó cũng là nguyên do con trẻ hiện giờ chỉ không tiếp xúc với cha mẹ nhiều, không nói chuyện và sống tách biệt với cha mẹ chúng. Vì vậy, thay vì là người áp đặt, cha mẹ nên tập trở thành bạn của con cái mình. Trở thành những người “bạn lớn” biết lắng nghe và đưa ra những lời khuyên bảo, nói chuyện với con cái một cách tâm tình. Đạo là từ lời nói và hành động mà ra. Khái niệm Đạo rất cao siêu và trừu tượng. Thay vì đào sâu tìm hiểu thì các bậc cha mẹ chỉ cần biết rằng bằng cách nói những lời hay ý đẹp hàng ngày cho con cái nghe, phân tích giảng giải những sai lầm nhỏ của con bằng trải nghiệm đời sống của bản thân, tập cho con những hành động văn minh thì coi như đã đưa được cái cốt của Đạo vào trong tâm hồn con trẻ rồi. Đổ lỗi cho thời gian bận bịu không chăm sóc được con hay môi trường xấu ảnh hưởng con chỉ là phần nhỏ biến đứa trẻ trở nên hư đốn. Không một ai giờ nào cũng bận được, và trẻ con không phải lúc nào cũng tiếp xúc môi trường bên ngoài 24/7 tiếng đồng hồ. Cái thiết yếu là khi đứa trẻ bên cha mẹ chúng thì cái tâm của cha mẹ có thực sự lo lắng yêu thương con mình không, có chịu dành thời gian để bên con nói chuyện hay không. Đạo là từ trong mà ra.
Bài viết rất sâu sắc, đầy tâm huyết của một người bố, người mẹ yêu con. Cháu tin con cái của cô/chú là một người rất may mắn khi có người bố/ người mẹ hiểu biết như vậy. Cám ơn sự chia sẻ của cô/chú. Cháu học được bài học đời sống và tình cảm rất nhiều qua bài viết này. Hi vọng có nhiều người sẽ đọc và hiểu được tấm lòng cũng như lời kêu gọi thức tỉnh của cô/chú đến với mọi người, đặc biệt là những bậc cha mẹ.
ThíchThích
cháu chào bác ạ,cháu có một người bác bác ấy đã viết một công trình khoa học vật lý nhưng đã đảo ngược lại các quan niệm của anhxtanh,cháu đang muốn giúp bác ấy gửi các bài viết của mình để giúp mọi người biết đến công trình của bác ấy,cháu muốn nhờ bác giúp được ko ạ,mong bác trả lời giúp cháu cái sdt của cháu là 01626783985 hoặc 01636293420
ThíchThích
Not necessary for me to seeking an explaination. When I giving my opnion its not mean I want to be a preacher. Everyone have their own life. I know Mr. Hung through this website is because he has similar universe astronomy knowledge as me. I don’t need to know his personal life whether he is a billionair or a phd. It makes me no jealous to becoming like him. He has his own ideal. I have my own ideal. I respect him as a brother who is not a jealouse person, willing to share his knowledge and without his passionate we know nothing about universe compassion of holyfraparticles. Before I knew him I was built my own website and it was totally different ideas.
To this day it is not an easy understanding matter. Young people who graduate from university with bachelor/master degree hard to find a job. People who has work experiences still can not get a job. Vietnamese people who out there have dream to be like Duong living a good life but can not. If you can and were like Duong will you know your future destination? After knowing Duong story, some people think they can change it, and others could say they don’t want dream like Duong. Life of Duong could avoid criminal and what makes Duong to be criminal? That is unxplainable question. Person who has mercy heart for him is his father and mother, the society doesn’t have that kind of mercy. Society can not blame to parents, not all parents want their child to be bad person. Society is a big issue because it combines with different ideas, cultures, etc…and above is temptation.
Society is a compete place, talent and untalent people for progressing, evolution, and it also a place derive people to vanishing their life. The society itself is a shelter for all.
ThíchThích
Pingback: HỌC LÀM NGƯỜI CẢ ĐỜI KHÔNG ĐỦ | Khoa học và Tu luyện